Văn học trong nước

Khi Tổ Ấm Nhảy Lambada

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Minh Quốc

Download sách Khi Tổ Ấm Nhảy Lambada ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời tựa

VÌ SAO TÔI TRỞ THÀNH “CHUYÊN GIA” GỠ RỐI?

Ngày nọ, có cô hộ lý đến cơ quan tôi liên hệ công tác, thấy cô ta sắc nước hương trời, tôi bèn buông lời bông đùa. Đàn ông nào cũng có đức tính hướng thiện này, chứ đâu chỉ riêng tôi? Suy nghĩ đứng đắn như thế, tôi bèn mồm mép tép nhảy, đại khái nếu có lúc nhờ vả lại cô ta cũng ưu tiên cho tôi chứ nhỉ? Nghe thế, nàng cười hơn hớn: “Ồ, chuyện đó thì quá dễ, em hứa sẽ ưu tiên đặc biệt cho anh”. Tôi hồi hộp quá, đặc biệt là thế nào? Nàng nói vậy có ngụ ý gì không? Tôi mừng rơn, hỏi lại và chính tai tôi nghe rõ mồn một: “Em sẽ chăm sóc chu đáo, sửa sang giường nệm, chăn gối cho anh”. Cá cắn câu rồi. Biết ngay mà. Tôi càng hào hứng tán tỉnh, hehe, không biết chừng ngày mai xin nhập viện liền. “Nhưng tìm cô ở khoa nào?”. Hỏi xong, tôi thấy nàng thẹn thùng chớp mắt, mà rằng: “Anh cứ việc hỏi cô Tình Xuân, nữ hộ lý phục vụ ở phòng “Thiên thu Vĩnh biệt””.

Nghe xong, tôi lập tức “đo ván” ngay trên sân nhà. Đấy! Trên đời có nhiều chuyện oái oăm như thế, thử hỏi, nếu là nhà văn, tại sao không viết lại cho bạn đọc? Cứ đem chính mình ra viết ắt có khối chuyện hay. Đâu riêng gì cô Tình Xuân thông minh, láu lỉnh kia mà hầu hết phái đẹp thời buổi kim khí điện máy đều có thể ứng đối lẹ làng. Ai “hỏi xoáy”, họ “đáp xoay” không thua gì các tình huống trên truyền hình!

Nếu không thể trả lời được, họ sẽ làm mình làm mẩy thế nào?

Thì đây, ngày nọ, sau một trận cãi nhau chẳng đâu vào đâu, nàng “cấm vận” mấy tháng liền. Vốn quân tử nhất ngôn, tôi không việc gì phải hạ mình làm lành trước. Cứ làm nư đi, để xem ai “đầu hàng” trước cho biết. Cuối cùng, tôi giương cờ trắng vô điều kiện. Mà tôi có lỗi gì? Có nên bật mí hay không? Ừ, thì nên. Chuyện thế này, lần nọ, tôi cùng nàng đố nhau, động tác nào trong đêm động phòng khiến cô dâu chú rể hào hứng, lý thú nhất? Nhớ đã đọc đâu đó mẩu chuyện này, tôi kể rằng: Sau lúc đám cưới, khách khứa ra về hết, trong phòng chỉ còn đôi uyên ương. Giây phút ấy, họ nhìn nhau say đắm. Chàng hăng hái. Chàng hào hứng. Chàng hí hửng. Chàng hăm hở giục nàng “làm việc” ngay. Nàng bẽn lẽn. Nàng e ấp. Nàng rụt rè. Nàng đắn đo. Bởi biết đâu giờ này bạn bè còn tìm đến chúc mừng thì sao? Chàng nôn nóng quá, cãi, khuya rồi mà em. “Ừ thì khuya, thế anh tắt đèn đi vậy. Xấu hổ lắm”. Ối! Lại còn thế nữa à? Chàng kinh ngạc quá, trố mắt nói ngay: “Sao lại phải tắt đèn? Tắt đèn thì làm sao… đếm tiền được?”.

Những tưởng được khen thông minh, có khả năng kể chuyện hài hước nhưng nào ngờ nàng xụ mặt xuống, nàng đánh giá tôi chỉ biết mê tiền, trong tâm hồn không có cung bậc réo rắt tình cảm lãng mạn như Romeo và Juliet. Thế là giận. Lãng xẹt chưa? Vâng, quá lãng xẹt. Đừng quên, phụ nữ muốn là trời muốn. Kinh nghiệm của người đàn ông “dăm ba lần gian dối, đời vẫn ban cho ngọt bùi”, tôi dám quả quyết như rựa chém đá, đừng bao giờ cãi lại phụ nữ. Nghĩ cũng thiệt thòi cho cánh mày râu quá, với phụ nữ khi cần tư vấn một “ca” khó gỡ nào trong chuyện tình yêu, họ có thể gõ cửa chị Thanh Tâm, chị Hạnh Dung… vậy đàn ông thổ lộ “tâm sự thầm kín” với ai?

Buồn tình cha chả buồn tình, không có ai thổ lộ thì viết sách đi.  Gái đẹp trong tôi  (NXB Văn hóa Văn nghệ) đã ra đời từ tình huống đó.

Rút kinh nghiệm còn sờ sờ, trong sách này, tôi không đá động gì đến chuyện tiền. Chỉ nói đến cảm xúc, sức hấp dẫn, thậm chí cả nghệ thuật ghen, chăn gối… của phụ nữ. Để tránh sự hiểu lầm không cần thiết, tôi phải dẫn từ Truyện Kiều đến các điển tích Đông Tây kim cổ cho “an toàn”. Ấy thế mà, sau khi sách phát hành, bạn đọc hoan nghênh nhiệt liệt, nàng lại xụ mắt xuống, nàng trỏ vào trang này, trang kia và bảo: “Anh viết câu này, đoạn này cho ai đây?”. Viết cho bạn đọc chứ cho ai? Đâu dễ trả lời một câu xuôi xị được. Chà, viết cảm nhận về phụ nữ, làm thơ tình thật không dễ, nếu ai đó luôn có một nhan sắc kè kè bên cạnh. Nhiều ông bạn nhà thơ của tôi tịt ngòi cũng bởi tính cách Sherlock Holmes của vợ/ người tình. Nói như vậy là như thế nào? Là khen sự nhạy cảm, liên tưởng của họ khi đọc một văn bản do chồng/ người tình thể hiện trên giấy trắng mực đen.

“Anh viết câu này, đoạn này cho ai đây?”. Sau câu hỏi tỉnh bơ ấy, nàng lại “cấm vận” lần thứ hai.

Buồn tình cha chả buồn tình. Ấm ức bởi bị hiểu nhầm, bị oan, bị “chụp mũ” tôi bèn dành thời gian viết quyển tiếp  Tôi và đàn bà (NXB Hội Nhà văn) như một sự chuộc lỗi vậy. Quyển này ra đời như sự nối tiếp của quyển trước. Là một người đàn ông, nói khiêm tốn, “hơi bị” thông minh nên lần này, những gì đã viết như Phụ nữ ba miền, Cảm giác của dục tính, Nữ tính đàn bà không ở góc bếp… tôi đều trao cho nàng đọc trước. Phụ nữ cũng ngây thơ lắm, dù viết về các người tình/ vợ trước nhưng cứ thú thật, hoặc cứ lẳng lặng đưa “kiểm duyệt” trước ắt họ nghĩ viết về họ, dành cho họ! Hoan hô phụ nữ trên trái đất này, đức tính cả tin này “trên cả tuyệt vời” xin cứ việc phát huy.

Đâu chỉ phụ nữ, có những điều mà phái nam cũng nên phát huy. Đó là hãy hoan hô phái đẹp vì khi chung sống, cánh đàn ông có nhiều “quyền lợi” mà ai đó đã đúc kết như sau: Chẳng hạn, nàng dạy tính phục thiện, ta sẵn sàng nhận lỗi dù chẳng làm gì sai cả; nàng rèn tính kiên nhẫn lúc dài cổ chờ nàng trang điểm, đi shopping; nàng bảo vệ sức khỏe khi cấm tiệt ta không được đụng đến rượu bia, thuốc lá; nàng dạy sự tế nhị là ta không được chê bai món ăn do nàng nấu; nàng dạy sự lễ phép buộc ta phải đi thưa về trình; nàng dạy sự rộng lượng bởi ta phải tự nguyện phải nộp hết thu nhập mỗi tháng; nàng tạo điều kiện trở thành người cha gương mẫu khi buộc ta phải thay tã, tắm rửa cho con, ru con ngủ, cho con bú, dạy con học… Còn gì nữa không? Tất nhiên là còn, điều này mới quan trọng, nàng dạy sự công chính khi ra đường ta không nhìn ngang, liếc dọc với bất kỳ chân dài váy ngắn nào! Nói bông lơn một chút những chuyện trên, chả ngụ ý gì, chỉ muốn nhấn mạnh rằng chung sống với nhau để “cán cân” không lệch về một hướng nào là cả một nghệ thuật.

Sau khi hai tập sách  Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà  ấn hành, tự nhiên tôi trở thành “chuyên gia” giải đáp chuyện rắc rối tình yêu, hôn nhân cho nhiều người. Họ tin cậy điện thoại, gặp gỡ hỏi ý kiến chuyện này chuyện nọ. Tôi bạo gan tư vấn luôn. Nói nhỏ, biết đâu, nếu rơi vào các tình huống đó bản thân mình cũng ngắc ngứ như ai. Rồi, một vài công ty nhân ngày thành lập Hội Phụ nữ, ngày Valentine, ngày 8.3… mời tôi đến “nhập vai” chuyên gia tâm lý. Cứ thế, tôi “thừa thắng xông lên”.

Có lúc những muốn dừng lại “vai diễn” này, chỉ bằng kinh nghiệm gần 30 năm công tác tại tờ báo dành cho nữ giới, từng dăm ba lần lên xe hoa rồi lại đơn thân độc mã, làm sao có đủ kinh nghiệm? Nhưng rồi, không dễ dàng bỏ cuộc:

Lạ gì thanh khí lẽ hằng,

Một dây một buộc ai giằng cho ra

Sớm đào tối mận lân la,

Trước còn trăng gió sau ra đá vàng

(Truyện Kiều)

Cứ thế, tôi lại viết, lại trình bày những suy nghĩ về hôn nhân tình yêu. Công việc vừa lý thú vừa khó khăn. Lý thú bởi có nhiều tình huống mà bạn đọc cần nghe một lời tư vấn; khó khăn bởi phải “nhập vai” của từng giới tính khi quan sát, giải quyết một tình huống nào đó. Có những đề tài, tình huống do bạn bè kể, gợi ý; hoặc chính tôi là người trong cuộc, nhờ vậy mỗi đề tài có sắc thái riêng, miễn bạn đọc gật đầu là vui.

ĐỌC THỬ

Tiền của ai?

CÂU HỎI ĐÓ NGHE LẠ ĐỜI QUÁ. Tiền của mình chứ còn tiền của ai? Tiền này do công sức lao động mỗi ngày, lúc nhận tiền có chữ ký rành rành ra đó. Ai khác có thể chen vào “quản lý” à? Đừng hòng. Tưởng là tưởng thế thôi. Trong đời sống vợ chồng chẳng hề đơn giản vậy đâu.

Ngày nọ, cô vợ dọn phòng ngủ, tình cờ phát hiện ra trong ngăn bàn làm việc của chồng có một xấp đô la mới tinh. Chà, cô run rẩy cầm lên và suýt ngất. Cô hồi hộp, sung sướng như lần đầu tiên chạm tay vào mối tình đầu. Tiền ở đâu nhiều thế này? Cô lấm lét nhìn trước ngó sau và nhét vội ngay vào túi quần. Thế mà lâu nay, “lão” giấu biệt, lúc nào cũng than thở thu nhập chỉ “ba cọc ba đồng”! Ai dám quả quyết “lão” sử dụng đồng tiền này “quang minh chính đại”? Nếu có, tại sao không đưa vợ mà giấu biệt trong hộc bàn?

Tâm trí của bất kỳ phụ nữ nào, nếu rơi vào trường hợp này cũng đều bật ra trong óc câu nghi vấn đằng đằng sát khí: “Sao lâu nay lại giấu vợ?”.

Khi đã chung sống, chuyện tiền nong của người này đương nhiên của người kia. Dù không quản lý trực tiếp đi nữa, thu nhập của nhau thế nào thì cả hai cũng rõ. Vậy số tiền này ở đâu ra? Bực mình quá đi thôi. Đã vợ chồng mà còn giấu giếm nhau tiền nong, vậy thương với yêu cái nỗi gì? Lúc ấy, anh chồng vừa bừng mắt dậy, ngay lập tức một loạt câu hỏi trách móc được vợ xối xả tuôn ra. Bần thần trong giây lát, chợt hiểu ra vấn đề, anh chồng cười sảng khoái: “Ối! Hoa hậu của đời anh. Tiền giả đó em”. Thật vậy à? Cô móc xấp tiền ra, đeo kính nhìn cho rõ rồi lướt mắt xuống cuối đồng tiền, mắt đứng tròng khi thấy dòng chữ: “Chỉ sử dụng làm phim”.

À, thì ra thế. Mớ tiền đó chỉ là “đạo cụ” làm phim của anh chồng đạo diễn.

Nói thế để thấy rằng, trong quan hệ vợ chồng, tiền nong dễ xẩy ra những chuyện hiểu lầm. Tiền xài chung hoặc riêng đi nữa, cách khôn ngoan nhất là khi chi tiêu các khoản gì, vợ/ chồng đừng nên giấu giếm nhau. Chị bạn tôi khốn khổ bởi tính cách anh chồng là luôn thu vén cho mái ấm. Thu nhập cả hai, anh quản lý rạch ròi, chi li này tiền cho con lúc nó ốm đau, này tiền dành dụm sửa nhà, nọ tiền đổi xe mới v.v… Tính cách này tốt quá, chẳng có gì phàn nàn. Thế nhưng bên gia đình chị, bố mẹ ốm đau, các em chưa công ăn việc làm nên chẳng có thể trợ giúp được gì. Chị cảm thấy mình phải có trách nhiệm. Khổ nỗi anh chồng lại không chia sẻ. Vậy phải làm sao?

Lần nọ, cơ quan có khoản tiền thưởng thi đua, chị đem đưa cho chồng và nhỏ to tâm sự, muốn giúp đỡ bố mẹ mình. Sau năm lần bảy lượt “trình bày vấn đề”, anh chồng đồng ý. Quan trọng nhất là lúc đưa tiền cho bố mẹ, chị bất ngờ bảo đây là… tiền của chồng. Ai nấy đều khen chàng rể tốt, biết điều. Anh chồng hãnh diện, nở phồng lỗ mũi vì cách xử lý ấy đã “làm sang” cho anh. Kinh nghiệm này có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác. Cứ việc nói với bạn bè rằng, trong nhà này, sắm cái này mua cái kia cũng đều do một tay chồng! Người đàn ông nào cũng lấy làm hài lòng khi trước đám đông được vợ khen ngợi công sức của mình.

Mà ngay cả người vợ cũng vậy thôi. Họ luôn cho rằng, đã vợ chồng thì khi chồng muốn chi xài khoản nào, họ phải biết. Biết ở đây không phải ngăn cản mà nhằm xem có hợp lý hay không? Với người phụ nữ, đồng tiền đó chỉ hợp lý khi lo cho gia đình, vợ con, chứ đừng hòng léng phéng đem “nuôi” cô khác. Dù một xu đi nữa họ cũng nghiến răng “không là không”. Hiểu như thế, ta thấy, khi một ai đó nói rằng, tôi đưa tiền để chồng tôi mua nhà cho “mèo” là chuyện không bao giờ xẩy ra. Nếu có chỉ là chuyện cổ tích. Đồng tiền liền khúc ruột. Họ có thể bỏ ra bạc tỉ làm từ thiện, công quả nhà chùa chứ bỏ ra một xu vì nhân tình nhân ngãi của chồng là không bao giờ.

Xử lý đồng tiền trong đời sống vợ chồng cũng quan trọng không kém gì nghệ thuật chăn gối. Thậm chí, còn hơn thế nữa. Anh bạn tôi luôn hãnh diện mình là người hoàn toàn có uy quyền trong nhà. Mỗi lời anh nói ra, cô vợ tuân theo răm rắp, đố dám cãi nửa lời. Anh nói khoác chăng? Không hề. Này nhá, vào mỗi cuối tháng, anh bước vào nhà hiên ngang gọi to: “Mẹ nó đâu? Lên đây bảo”. Cô vợ từ dưới bếp tất ta tất tưởi chạy lên, anh ném xoạt xấp tiền lên bàn: “Tiền lương tháng này đó. Cất vào tủ ngay”. Quả nhiên, uy lực của anh ghê gớm quá, cô vợ làm theo tắp lự không dám chần chừ dù chỉ một giây!

Chuyện quản lý tiền chung, riêng thế nào là tùy thuộc vào quy ước của mỗi nhà. Có nhà, xài chung. Có nhà, phân chia rạch ròi, chồng lo các khoản chi phí này, vợ lo các khoản tiêu xài kia. Cách nào cũng tốt nếu cả hai cùng ý thức rằng, đồng tiền làm ra bằng công sức của mình nhưng khi rút ra, người kia phải được biết. Nói thì nói vậy, chứ hầu hết đàn ông do các mối quan hệ xã hội nên họ phải chi tiêu “ngoài luồng”. Cách tốt nhất, nhiều người vẫn cho rằng nên có một “ngăn kéo” riêng ở cơ quan, nơi công ty. Nhưng đừng quên, nếu sự việc vỡ lỡ ra thì mọi chuyện trở nên rắc rối, khó có thể “hàn gắn vết thương chiến tranh”.

Ôi! Chuyện tiền. Chi bằng, thu nhập bao nhiều cứ đem về nộp cho vợ/ chồng một cách rành mạch. Chi xài gì, cả hai cùng biết, cùng đồng thuận. Ấy mới là xử lý đồng tiền một cách khôn ngoan. Nghĩ cho cùng, đồng tiền không mua được hạnh phúc nhưng cả hai biết xử lý vẫn khiến hạnh phúc thăng hoa nhiều hơn.

“Hôn nhân dị chủng”

NGÀY NAY, có những phụ nữ Việt sẵn sàng “nâng khăn sửa túi” cho chồng là người nước ngoài. Trong mắt mọi người, “hôn nhân dị chủng” đã trở nên bình thường. Chẳng ai rỗi hơi đàm tiếu, bình luận này nọ. Miễn họ sống hạnh phúc, chẳng làm phiền đến ai, vậy can cớ gì mà mình phải ý kiến ý cò xen vào? Nhiều phụ nữ Việt cảm thấy tin cậy, ấm áp khi “nương bóng tùng quân” là ông Tây to đùng, nói năng rổn rảng, đi đứng hiên ngang. “Ngó vậy chứ ổng hiền khô à”- một chị bạn đã không ngần ngại “khoe” chồng trước bạn bè.

Thử đặt câu hỏi, có phải hôn nhân là chuyện của hai người, là sự lựa chọn của riêng đôi bạn trẻ? Chưa chắc, bởi họ còn ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ khác. Đôi lúc sự việc trở nên oái ăm từ bên nhà vợ hoặc nhà chồng, do không phải ai cũng hiểu nếp văn hóa của người phương Tây. Mãi đến bây giờ, anh bạn Tây của tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ đến ngày ra mắt gia đình bên vợ.

Lúc ấy, với tâm trạng hào hứng, đôi uyên ương đánh ô tô từ Sài Gòn về Long An. Đến nơi, sau phần lễ đúng nghi thức của người Việt, anh bước ra sân chào hỏi mọi người. Chưa kịp ngồi vào bàn tiệc, lập tức một ly rượu đế “trân trọng kính mời”. Chẳng lẽ từ chối? Vì phép lịch sự, anh nâng ly uống cạn cho phải phép xã giao. Vậy là xong? Không. Lần lượt hết người này đến người nọ luân phiên nhau mời. Anh không rành tiếng Việt. Họ không biết tiếng Anh. Từ chối thế nào cho đúng phép lịch sự? Thôi thì, đành uống. Xã giao một vài ly, chỉ nhấp môi có được không? Ai lại làm thế, phải trăm phần trăm cho đúng điệu. Thấy anh khổ sở, nhăn nhó quá, cô vợ chạy ra can anh em, họ hàng, bạn bè “tha” cho chồng mình. Mọi người cười đùa như bảo rằng, có thương nhau, quý nhau mới mời chứ có ai ép uổng gì đâu (!?). Hơn nữa, hôn nhân là ngày trọng, chú rể phải say tới bến, say quắc cần câu thì mới vui (?!).

Từ đó, trở về sau, mỗi lúc nghe về quê vợ là anh xây xẩm mặt mày, mùi rượu vẫn còn xộc lên óc. Bèn tìm mọi cách thoái thác cho bằng được. Vợ thương chồng nên không nỡ ép. Mà đã xong đâu, không thấy anh theo vợ về, mọi người xì xào, bộ “thằng chả” ỷ người nước ngoài giàu có chê họ hàng, xóm giềng mình nghèo hèn nên không thèm về chứ gì? Sự hiểu nhầm ấy, cô vợ phải phân trần hết lời, chẳng ai chịu nghe. Bực quá, cô vợ tỉ tê tâm sự với chồng nhưng cả hai không tìm được tiếng nói chung. Thế là đôi bên mặt nặng mặt nhẹ vì cái chuyện lãng xẹt đó.

Mới đây thôi, cậu em trai kết nghĩa từ Hà Nội “nấu cháo” điện thoại gần cả nửa tiếng đồng hồ, hỏi tôi phải nên “xử lý” như thế nào? Chuyện rằng, với phụ nữ mắt xanh, tóc bạch kim thì ngày Tết cổ truyền của ta không hẳn có ý nghĩa quan trọng lắm. Do đó, Tết con ngựa tới đây, cô vợ nằng nặc đòi chồng tranh thủ 9 ngày nghỉ đặt tour du lịch nước ngoài, đặng thư giãn suốt một năm cật lực, mệt mỏi với công việc. Khi hay tin, lập tức bố mẹ cằn nhằn ra mặt: “Ơ hay, vợ con là dâu cả, ngày Tết ngày nhất phải ở nhà quán xuyến bếp núc, lễ giỗ ông bà chứ?”. Khổ nổi, em trai tôi là con độc nhất, chẳng biết nhờ cậy ai thay thế giúp. Vậy phải làm sao cho trong ấm ngoài êm?

Lại có trường hợp, vợ chồng đang ở riêng, thỉnh thoảng bố mẹ từ quê vẫn lên chơi dăm ba ngày, tiện thể trông nom cháu. Sự thể hiện tình cảm ruột rà này là bình thường. Thế nhưng cô vợ Tây chẳng hài lòng chút nào bởi nhà cao cửa rộng, máy lạnh mở cả ngày nhưng ông bố vẫn hiên ngang với ống điếu thuốc lào phì phò như khói tàu. Chiều đi làm về, mở cửa bước vào nhà là cô muốn dội ngược ra ngoài! Biết vợ không ưng ý với thói quen của bố nhưng khi anh vừa thốt lời “góp ý”, lập tức ông bố tự ái bỏ ra ga đón tàu về quê ngay tắp lự.

Đời sống của một gia đình “vận hành” như thế nào là do quy ước của hai người. Thế nhưng, nhiều bà mẹ cảm thấy “nóng mặt” khi con trai mình bị “hành hạ” quá thể. Chà, nó ở tận đẩu tận đâu, tiếng Việt không rành mà nó tưởng giàu có, xinh đẹp là có quyền “ăn hiếp”, “bắt nạt” con trai cưng của bà à? Đừng hòng. Ai đời, đàn ông đàn ang gì sau khi cơm nước xong lại xộc tay vào rửa chén bát, chưa hết, có lúc nó còn phải lau nhà nữa đấy! Nếu biết tiếng Tây thì bà cũng rổn rảng vài câu cho nhẹ người, khổ nỗi phải giữ ấm ức mà không thể thốt nên lời. Với quan niệm Á Đông những chuyện “hèn mọn” này là nhiệm vụ của người vợ, đàn bà trong nhà. Nói thì nói thế, bà đâu biết, con dâu của bà phải làm những việc gì trong nhà mà mắt bà không thấy. Hơn nữa, sự phân công ấy do cả hai tự nguyện thỏa thuận, mình can thiệp làm gì?

Để mọi việc “dễ chịu” hơn, thiết nghĩ cả hai cần trao đổi, giải thích về phong tục, tập quán, văn hóa của nhau để tự ý thức và có cách ứng xử phù hợp. Có như thế, hai người trong cuộc “hôn nhân dị chủng” mới dễ dàng thích ứng và có khả năng đối phó với các tác động từ bên ngoài.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button