Văn học trong nước

Hợp Đồng Của Quỷ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Danh Lam

Download sách Hợp Đồng Của Quỷ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

MẤT TÍCH

Anh Hai mất tích. Ấy là việc cả nhà biết sau ba ngày anh không ló mặt khỏi phòng. Bà giúp việc báo trong bữa tối:

– Không biết thằng Hai đi đâu, mấy đêm rồi tui không thấy nó về ăn cơm?

– Chắc lại đi đâu đó với đám bạn. Nó đòi tôi tiền mua cái xe mới. Nhưng tôi chưa cho. Nó có vẻ vùng vằng – Mẹ bảo.

– Bà lên phòng nó một lần nữa coi sao – Ba đặt cái điện thoại vừa bấm tin sang bên.

Bà giúp việc đi lên. Báo phòng vẫn khóa. Mẹ bảo:

– Hay lấy cái chìa dự phòng mở thử coi?

Cửa phòng mở. Cả nhà thấy chiếc xe được dựng ngay cạnh giường ngủ, trước dàn máy tính. Trong phòng còn váng vất mùi thuốc lá, hình như từ cái gạt tàn đặt gần bàn phím bay lên. Song không có điếu thuốc nào đang cháy dở trên đó.

Chẳng một tin nhắn hay thư từ để lại. Cái điện thoại anh Hai vẫn dùng đặt cạnh gối nằm, pin vẫn còn. Áo quần bận dở treo nguyên trên móc. Vấn đề đầu tiên ai cũng thắc mắc, tại sao cái xe nằm đó. Đúng loại xe anh Hai xin tiền mẹ mua. Vóc dáng cỗ máy vô cùng đồ sộ. Phòng anh Hai ở lầu ba. Nếu muốn khiêng cái xe lên, đặt đúng vị trí ấy cũng cần tới ba bốn người hò hét. Trong khi bà giúp việc bảo, tui chỉ ra đến chợ đầu hẻm là xa nhất, chưa bao giờ đi quá nửa tiếng đồng hồ.

Sự việc được trình báo. Nhà chức trách cho người tới làm việc. Mọi địa chỉ bạn bè anh Hai được lần tìm. Tất cả những nơi anh thường ghé đều bị xới tung. Kết quả nhà chức trách báo, vẫn là không.

Mẹ bảo, chờ ít hôm nữa coi sao. Ba, theo lời ông nói, đã bỏ hẹn mấy đối tác, vì chẳng còn đầu óc đâu để làm việc. Song cũng chẳng mấy khi ông có mặt ở nhà. Nửa đêm tài xế thả trước cổng, ông xách cái cặp lảo đảo lên phòng. Mấy phút sau nghe tiếng ọe lồng lộn. Bà giúp việc thất thần đi lên. Mẹ hậm hực với màn xức dầu, lầm bầm chửi vu vơ.

– Bà chửi ai chớ hả? – Tiếng ba từ phòng vọng ra – Nó đòi cái xe thì cho mẹ nó đi. Tôi biết bao giờ bà chẳng cho nó. Nhiều cái nó xin còn động trời hơn. Tôi nói nhất định không cho, rồi bà cũng dấm dúi cho. Kiểu này nó “dằn mặt” bà, mua cái xe ném trong phòng rồi bỏ đi, chớ không có nguyên nhân nào khác.

– Ông có bao giờ hé cho tôi số tiền nào vô cớ? Đến một cắc cũng phải giải trình đầy đủ, thậm chí đưa lại từng tờ hóa đơn. Thêm nữa, ông tối ngày ngoài đường, có biết gì việc nhà mà nói. Con ông mấy đứa, ông còn không rành nữa đó.

Lại tiếng ba ọe lồng lộn, rên hừ hừ. Cô nhét cặp phone vô tai. Mấy bản nhạc số đứt đoạn. Chẳng mấy khi cô gặp mặt anh Hai. Mỗi anh em một phòng, giờ giấc mỗi người một kiểu.

Đã nửa tháng trời qua đi. Ba bảo:

– Bà lên đài truyền hình với mấy tờ báo nhắn tin thử coi sao?

Mẹ bảo:

– Tôi loay hoay tối ngày. Thêm nữa cũng có biết đài báo ở đâu mà loan tin? Còn chi phí nữa. Ông muốn chi bao nhiêu, lên đó mà chi trực tiếp. Rồi lại còn bắt tôi đi lấy hóa đơn.

Bà giúp việc bảo:

– Hay ông bà để tui đi. Đài báo chắc họ có hóa đơn đàng hoàng. Chỉ có điều không biết rao như thế nào?

– Bà cứ lên đó, mấy mẫu tìm người mất tích họ có cả. Cứ điền tên thằng Hai với địa chỉ nhà mình vô.

Bà giúp việc đi.

Đài truyền hình phát tin nhắn. Mấy tờ báo đăng rao vặt: “Con ở đâu mau về. Ba mẹ tha thứ mọi lỗi lầm. Mẹ đang bệnh nặng…”. Chẳng một hồi âm. Mẹ đã đi gần hết mấy cái chùa trong bán kính ba trăm cây số, theo chỉ bảo của mấy bà cùng câu lạc bộ thể dục buổi sáng. Anh Hai chẳng về.

Tròn một tháng ngày anh Hai mất tích. Bà giúp việc nửa đêm bỗng dựng cả nhà dậy:

– Tui nghe có tiếng game vẳng ra từ phòng nó. Rồi tiếng gì như thể tiếng xe máy đang nổ.

Cả nhà lên thang gác. Áp tai vào cửa phòng. Đúng những âm thanh quen thuộc từ khi anh Hai còn ở nhà. Cửa phòng được mở. Một mùi ẩm mốc ùa ra, dù đèn bật sáng. Chiếc xe vẫn lừng lững ở vị trí ấy. Màn hình máy tính lặng câm. Mẹ nhòm gầm giường. Ba lầm bầm:

– Cái giường cách đất có mười phân, nó có là thánh mà chui vào đó.

– Thế ông không nghe rõ tiếng gì à? Cái phòng kín thế này, nó còn trốn chỗ nào nữa?

Cô không thể phủ nhận thính giác mình. Mọi người đều vậy. Nhưng có lẽ chỉ là một cơn ảo giác tập thể.

– Bà có mở đèn trong này không thế? – Mẹ hỏi bà giúp việc.

– Tui vẫn tắt chớ có mở bao giờ đâu, phòng chẳng có ai, mở làm gì cho tốn điện.

– Nhưng rõ ràng hồi nãy đèn mở?

– Quả thực tui cũng đang thắc mắc về điều đó…

Một cơn rùng lạnh chạy dọc sống lưng cô. Hay tất cả chỉ là những lớp ảo giác chồng lên nhau? Cô về phòng. Suốt từ đó đến sáng dở giấc. Những tiếng động, rất rõ ràng từ phòng anh Hai tiếp tục vẳng xuống. Mẹ đi lên đi xuống mấy lần. Ba nửa nằm nửa ngồi nơi cái đi văng trong phòng khách. Bà giúp việc bắt đầu nấu bữa sáng từ lúc ba giờ.

Những ngày kế tiếp, ba về thưa thớt hơn. Ông bảo, tôi phải đi, nó có thể về lại, chứ những cơ hội làm ăn nếu đi sẽ chẳng dễ gì đến lại. Những ngày hiếm hoi ông về nhà, tiếng cãi vã lại vẳng ra từ phòng ba mẹ. Cô nghe hết. Hình như mẹ hồ nghi ông có một gia đình khác. Một đứa con trai ở đâu đó để ông chuyển hướng “đầu tư”.

Ngày giỗ ông nội. Ba đứng trước bàn thờ khấn:

– Con có lỗi với ba. Con không giữ được đứa cháu đích tôn. Ba sống khôn thác thiêng, xin phù hộ cả nhà.

Cô đứng gần ba. Nghe chữ “đích tôn”, bèn trở về phòng.

Trong bữa ăn, mẹ đột nhiên bảo:

– Ông phải cho tôi mã số két sắt. Ông đi tối ngày, lỡ có việc gì, tôi chẳng biết xoay xở thế nào.

Ba cứng người trong giây lát. Giọng ông gằn lại:

– Bộ bà muốn tôi chết bất đắc kì tử hay sao mà lại đề nghị ngang xương như thế?

– Dù gì tôi cũng là vợ ông. Cái két ấy để trong phòng ông, cũng là phòng tôi suốt bao năm nay. Vậy mà chưa một lần tôi thấy nó hé mở.

– Nếu không phải là tôi giữ mã số cái két ấy, giờ nó rỗng tuếch ra rồi. Mà tôi có giữ riêng cho mình đâu? Bà, chúng nó, cần tiền xài, tôi vẫn đưa đủ cơ mà?

– Đưa, nhưng một cắc cũng ghi hóa đơn, cũng cộng trừ, số má – Mẹ nhếch mép.

– Đấy, cũng chính vì thế mà nó còn, nó có nhiều thêm lên. Công việc của tôi dĩ nhiên phải là những con số rồi. Tiền không phải là số thì là gì?

– Thế đưa cho người khác ông có lấy hóa đơn không? – Mẹ cười cười.

Ba buông xoảng chén đũa.

– Bà nghi ngờ tôi chứ gì. Tôi thừa biết. Nhưng tôi thề trước bàn thờ cha tôi cho bà hay, tôi chẳng có ba cái máu me lăng nhăng ấy. Tôi không như bao thằng dại gái khác, làm cả đời, rồi để cho gái nó “hút máu”.

Ba ngậm cây tăm bước ra vườn ngoài. Trên bàn thờ ông nội mấy nén nhang cháy cong cong.

Từ đêm đó, mẹ ôm đồ xuống ngủ nơi cái phòng vẫn dùng đón khách tới lưu trú ở lầu dưới. Nó vốn bỏ trống hầu như quanh năm.

*

Và ba mất tích. Thường ba có thể đi suốt tuần, nhưng bao giờ cũng báo. Nhưng lần này ông đi đã mười hôm. Điện thoại luôn ngoài vùng phủ sóng. Hộ chiếu ông không bỏ két sắt, vẫn nằm tủ ngoài. Chứng tỏ ông không xuất cảnh. Bà liền gọi gã tài. Gã cũng ngớ ra:

ĐỌC THỬ

– Con tưởng chú đi công tác nước ngoài. Đêm cuối cùng chở chú về, con vẫn bỏ xe ngoài bãi gởi, rồi không thấy chú gọi. Thường chú vẫn đi bất ngờ, chỉ khi nào cần mới kêu con đánh xe qua.

– Mày chạy liền ra bãi, coi chiếc xe còn đó không?

Gã tài đi ngay. Mười lăm phút sau báo lại, xe vẫn còn. Những cuộc điện thoại dồn dập tới mọi ngõ ngách. Vô vọng. Nhưng bằng tính toán của mình, mẹ chưa báo nhà chức trách. Những mối quan hệ làm ăn nhằng nhịt của ông, nếu để nhà chức trách nhảy vào, đôi khi sẽ rắc rối. Không loại trừ đây là sự mất tích có chủ đích của ông. Mẹ bàng hoàng nhớ tới cái két sắt.

Cái két sắt vẫn ở đó, câm lặng trong hốc tường. Bà bảo bà giúp việc:

– Bà đi tìm ngay một thằng thợ, tới mở cái két ra cho tôi.

Thợ mở két sắt tới. Lần mò một hồi, mồ hôi nhễ nhại, gã thở ra:

– Cái két này lạ lắm cô…

– Là sao?

– Hình như nó không có cửa.

– Như thế là sao?

– Dạ, rõ ràng nó không có cửa mà đúc liền thành một khối.

– Cửa kia thôi. Làm gì có két không cửa. Không có cửa người ta bỏ đồ vô ngõ nào? – Mẹ trợn mắt.

– Nhưng đó chỉ là cửa giả. Quả tình nó được đúc liền.

– Vậy thì đục nó ra.

– Với bề dày thế này – Gã gõ gõ vào cái két, lắng nghe – Muốn phá được chắc phải dùng… mìn cô ạ.

Mẹ dường như phát điên.

– Anh nói giỡn à? Cứ khoan vô thử coi?

Gã thợ mở máy khoan. Mũi khoan tóe lửa như ủi vào kim cương. Vài phút sau, đầu mũi khoan phẳng lì. Gã thợ thở ra:

– Con đầu hàng.

Trong nhà chỉ còn toàn phụ nữ. Sự việc anh Hai và ba mất tích nhiều người đã biết, khiến mẹ lo lắng về khả năng an ninh. Nhưng báo nhà chức trách vẫn là điều bà chưa tính đến. Gọi gã tài xế tới ngủ canh, cũng không phải giải pháp hay. Mẹ mua về hàng loạt ống khóa. Lắp thêm còi báo động.

Đêm ấy, những tiếng động lạ lại vẳng ra từ phòng ba. Tiếng đi lại, tiếng thở phì phì, tiếng ọe. Và đèn mở, dù trước đó đã được tắt.

– Cái nhà này bị ma ám rồi. Để tao về lại phòng ngủ – Mẹ ôm mớ mền gối trở về phòng cũ.

Bà liệng tấm nệm mỏng nằm ngay cửa cái két, mở máy lạnh, trùm mền kín mít.

Bà giúp việc run rẩy:

– Bà có cần tui lên đó ngủ chung không?

– Không, tôi xưa nay chẳng sợ gì ma cỏ. Bà cứ ở dưới ấy.

Rạng ngày, cô xách giỏ tham gia chuyến du lịch biển cùng đám bạn. Xe đi hai trăm cây, mẹ gọi vào điện thoại.

– Mày biến đâu sáng giờ?

– Con đi chơi xa. Ở nhà đến điên mất.

– Nhà đã vắng người. Cái két vẫn ở đây. Mày biến đi luôn, để hai cái thân già ngồi canh, chúng nó vào giết sạch thì sao?

– Mẹ thuê người đến mà canh. Sức con làm gì được nếu chúng nó đã cướp.

– Thuê ai? Tin ai được mà thuê? Rồi chính cái đám mình thuê nó giết mình thì sao?

– Con chả biết. Con không chịu nổi nữa rồi – Cô rút phone khỏi tai. Mặc tiếng bà vẫn léo nhéo thêm một lúc.

Rạng ngày, khi gã bạn trai đang hì hục lần thứ ba trong căn phòng tối mờ, ì ầm tiếng sóng, cái màn hình điện thoại của cô lóe sáng, chớp liên tục trên đầu nằm.

– Mẹ kiếp, sao em để điện thoại giờ này?

Cô nhắm nghiền mắt:

– Em quên.

– Kệ nó đi.

– Ừ – Cô nhét cái điện thoại dưới gối.

Gã xong. Cô quờ cái điện thoại. Mấy cuộc gọi nhỡ. Toàn số máy nhà. Cô gọi lại.

– Bà đi đâu mất rồi cô ơi. Đêm qua tui ngủ với bà trong phòng. Mới thiếp đi một lúc, mở mắt ra bà đã biến mất – Giọng bà giúp việc run bần bật.

– Anh lấy xe chở em về thành phố trước tụi nó.

– Cái gì, giờ này về á hả? Anh đang mệt lả ra nè.

– Nếu anh không chở, em phải ra đường bắt xe thôi. Đến lượt bà già mất tích rồi.

– Chắc bả đi đâu đó.

– Nhưng ở nhà chỉ còn mỗi bà giúp việc, với chừng ấy tài sản. Em cũng chẳng biết bả từ đâu ra. Mối mẹ em mướn. Lỡ có chuyện gì.

Quá trưa, xe về đến cổng. Bà giúp việc kê ghế ngồi bên thềm.

Gã bạn trai theo hai người lên phòng. Hai tấm nệm mỏng, cùng mền gối vẫn còn nguyên. Tấm của mẹ trước két sắt. Tấm của bà giúp việc kề cánh cửa ra vào phòng.

– Đó, tui nằm chỗ này. Làm sao bà có thể mở cửa ra ngoài mà tui không hay?

– Vậy mẹ tôi đi đâu?

– Tui sợ lắm cô ạ. Nói ra thấy kì, nhưng cứ như… bà đã biến mất vào trong chiếc két vậy. Cô nhìn đi, đôi dép bà vẫn mang trong phòng nằm ngay cửa chiếc két. Cứ như bà bỏ đó, bước vô trong.

– Ảo giác. Tất cả chỉ là ảo giác thôi. Tôi đang mơ hay tỉnh vậy nè? Hả hả? – Cô lắc lắc gã bạn trai.

– Em bình tĩnh đã.

Bà giúp việc thì thào:

– Thêm nữa, sau khi phát hiện bà mất tích, tui đang đi lòng vòng trong nhà kiếm, bỗng nghe tiếng ông bà cãi nhau trong phòng. Tui chạy lên. Tiếng ấy vẳng ra từ phía cái két. Còn trên phòng cậu Hai, cái xe ấy nó vẫn nổ máy. Nhưng vào thì không có gì.

Gã bạn trai về, cô như người rơi khỏi mép vực, chới với, chẳng còn nơi bám víu. Bà giúp việc làm cơm trong nhà bếp, chợt kêu ối. Cô lao vào. Bà đang bụm ngón tay, máu chảy ròng ròng.

– Bà còn cơm nước làm gì nữa. Có ai ăn đâu?

– Dù gì cô cũng phải ăn. Nếu không bệnh mất.

– Tôi chẳng ăn uống gì nữa đâu. Bà cứ nằm mà nghỉ.

Cô lên phòng. Mặc tất cả, chốt kín cửa, ngủ vùi sau hai ngày mỏi mệt. Gần chín giờ tối, cô xuống thang. Bà giúp việc ngồi như cái bóng nơi phòng khách, mắt hướng ra phía cổng. Thấy cô, bà ngước ánh nhìn mệt mỏi.

– Tui nói ra thiệt không phải. Nhưng tình cảnh này khiến tui không thể chịu đựng nổi nữa…

– Ý bà muốn về quê?

– Không – Bà quơ quơ cánh tay trong không khí, rồi khựng lại giữa chừng – Tui về rồi cô ở với ai?

– Bà không phải lo việc ấy. Đến tôi còn xì-trét, bà lớn tuổi rồi, lỡ đâu căng thẳng gục xuống thì thêm khổ. Lúc ấy tôi cũng chẳng biết xử trí thế nào. Nên bà cứ về quê là tốt nhất.

– Cô ở lại một mình sao?

– Việc ấy bà không phải lo. Mà như bà nói, ba mẹ tôi còn trong cái két. Anh Hai tôi vẫn ở trong phòng. Tôi có một mình đâu.

Đêm ấy bà giúp việc lục tục dọn đồ. Rạng ngày bà gõ cửa phòng cô, òa khóc. Cô tiễn bà ra cổng. Trời còn mờ sáng. Gã bạn trai hẳn chưa dậy để cô có thể nhắn tin.

Cái ghế đá bên cánh cổng đồ sộ ướt hơi khuya, cô ngồi như hóa thạch. Những tiếng động mơ hồ vẫn từ tầng cao căn nhà vọng xuống.

Trưa ấy, gã bạn trai cô lái xe tới. Xách từ khoang chở đồ phía sau xuống cái va li nhỏ, gã cười cười:

– Anh ở tạm với em. Càng tự do chớ sao. Qua một thời gian rồi tính.

– Nhà này không có garage. Xe ba em còn phải bỏ ngoài bãi.

– Thì cứ để xe trong sân, chỗ này. Anh có ở lâu đâu mà lo.

– Sao anh bảo, chỉ cặp gương chiếu hậu xe anh đã mắc bằng cái xe máy. Lỡ mất mát gì thì sao?

– Ờ thì vậy. Cổng nhà em có chuông báo động, đúng không?

– Nghe mẹ em bảo, gắn rồi.

Gã lao vào cô ngay bậc cầu thang. Cô ngã người nghiêng xuống, nhắm mắt. Ngày đầu tiên, gã đòi hỏi cô bốn năm lần. Một tuần qua đi, nhịp độ ấy giữ đều. Cô mặc đồ, cởi đồ như một cái máy mỗi khi gã ập lại. Những lúc tàn canh, bợt bã, sức nặng của gã khiến cô nghẹt thở.

Đêm ấy, khi lồng ngực bị chèn cứng, cô mở mắt, thấy một chiếc xe hơi đang đè xuống người mình.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button