Văn học trong nước

Hoa Ở Trong Lòng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Dạ Ngân

Download sách Hoa Ở Trong Lòng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

DỪA TRONG PHỐ

Hà Nội nổi tiếng với những phố cây. Hoa sữa ở phố Nguyễn Du nổi tiếng đến mức mấy cô em họ của tôi ở miền Tây cứ ấm ức: “Em ra Hà Nội mấy lần mà chưa nghe được mùi hoa sữa, chán quá!”. Hay hàng xà cừ ở đường Láng, những cái bướu bên gốc của chúng bỗng khiến người ta nhẩn nha thế thời, trầm trồ và liên tưởng. Hay như hàng bằng lăng mới trồng ở những phố mới, màu xanh khỏe khoắn núi rừng và màu tím ngát của hoa lại khiến nhớ Y Moan. Thật lạ, chúng tự nhiên, dồi dào và dâng hiến, chúng đáng là một thứ cây làm phong phú thêm cho Hà Nội vốn đã nổi tiếng là xanh.

Sài Gòn nhiều sao và me. Nhà văn Sơn Nam nói người Pháp rất kỹ về văn minh đô thị. Ví như ve tường màu vàng thuộc địa của các công sở là để nổi bật lên bên màu xanh của cây nhiệt đới. Còn màu trắng của những tòa biệt thự thì sao? Thì cũng để cho nó riêng biệt tư gia với công sở và cũng để xinh đẹp hơn giữa khuôn viên xanh. Còn cây công viên họ qui hoạch thì khỏi chê, cây cho bóng mà lá lại không bị rụng nhiều như bàng như trứng cá, hai loại cây ăn xổi ở thì không đáng. Ông, nhà văn biên khảo ấy tin rằng cây ở công viên Núi Nùng – Hà Nội mới đích thị là cây của người Pháp, cây của thời thuộc Pháp, không tin cứ vào đó mà lắng nghe đi, chúng là chứng nhân của thời thế đấy.

Và Sài Gòn phải khác, Sài Gòn nhận cây sao từ miền Đông đưa xuống một cách dễ dàng. Sao đã cao vút từ rất lâu rồi, không vướng không bận mọi thứ lưới điện nhăng nhít bên dưới. Đến mùa mưa, sao nghiêm nghị chắc gốc, không hề hấn gì với gió giông và mùa áp Tết thì hoa sao cũng không làm bẩn đường, nói theo cách nói của người Sài Gòn là vô tư đi! Sóng đôi với sao là me, cây me mới đúng là cây thổ nhưỡng của Nam bộ, là một phát hiện sáng giá về một thứ cây cho đường phố. Lá kim, màu xanh ngọc, bốn mùa nối vòng hoa rồi trái, không ngơi nghỉ và cũng không làm rối đường hay tắc cống. “Em đi đâu về, mà tóc đầy me, em ngồi em chải”, Trần Tiến phát hiện ngay và lập tức, giai điệu bật ra trẻ trung, mãnh liệt, chuyển tải tài tình nhịp sống Sài Gòn.

Đột ngột những cây dừa xuất hiện ở công viên nhỏ của những khu chung cư cũ. Nhìn dáng chúng đoán biết chúng khoảng mười lăm hoặc hai mươi tuổi, được mọc lên sau 1975. Không, ngay sau 1975, người từ rừng về người từ Bắc vô chưa ai nghĩ tới chuyện trồng dừa trong công viên. Người ta còn mải lo chiến thắng và xin xỏ cửa nhà, công việc, người chạy đi nhiều thì người trám vào cũng nhiều, như sóng, đợt trước dạt lên đợt sau đã tràn tới. Đến khi chất xám của Sài Gòn cũ chảy đi gần hết và sóng bao cấp ngoài kia cũng dội vào trùm kín cả miền Nam thì cây dừa xuất hiện. Nghe qua thì như hai việc đó chẳng liên quan gì nhau. Nhưng xin thưa, người Bắc vào, lề thói bao cấp vào theo, cùng với việc cơi nới chuồng sắt ban công để giành giật phần ăn ở thêm, người ta cũng xông pha ra rào công viên lại để trồng rau, trồng xoài, trồng mít, trồng dừa và phơi phóng. Nhiều nơi của Sài Gòn biến thành làng mà làng thì phải có dây phơi, tiếng gà gáy trong chuồng và những loại cây ăn quả. Người ta đâu biết rằng khi dừa thấp thì dừa là cây cảnh, khi chúng có lứa trái đầu chúng rất xinh và đắc dụng nhưng khi chúng cao vọt lên quá tầm kiểm soát của con người thì sao? Dừa thành hiểm họa, chuột tha hồ làm tổ, dừa khô lẫn dừa bị chuột khoét rụng thình thịch hàng đêm. Không hiểu sao chúng chỉ rụng về đêm, chắc là Trời Phật còn thương lấy con người, Trời Phật còn chưa bắt tội.

Nhớ những công viên và sân vận động ở Phnôm Pênh thời hậu Pôn Pốt. Họ cuốc những bãi cỏ tuyệt vời lên để trồng dừa và trồng chuối trong công cuộc công xã hóa toàn đất nước. Khi bị quét đi, họ, bè lũ quái thai Pôn Pốt ấy để lại thủ đô xinh đẹp của Campuchia một rừng oan hồn, tiếng ễnh ương trong những khuôn viên biệt thự bỏ không và những tàu chuối phần phật rung dưới những bóng dừa xấp xải. Hình ảnh ấy ám ảnh đến mức, bây giờ nhìn thấy những cây dừa nghiêng nghiêng trên đầu dân cư thành phố Sài Gòn là tôi thấy rợn người tức giận. Lực lượng cây xanh không làm gì, lịch sử cũng không cần chúng làm chứng nhân, những người sinh ra chúng cũng không thu lợi được nữa, nhưng chúng vẫn sừng sững thách thức đó. Như nhiều thứ chướng mắt vẫn tồn tại, dai dẳng và nghịch lý, như để thử sức chịu đựng của con người.

Không phải tập tính nào cũng thích nghi với kiểu sống đô thị. Không cứ thói quen trồng tỉa rào rấp là đáng khích lệ nếu như nơi đó là đất đai công cộng. Không cứ màu xanh là có thể làm cây của phố xá. Và không thể cứ mãi kiểu cầm trịch của mấy ông mấy bà thâm căn cố đế chất thôn quê, cái gì cũng qua qua, giữ chỗ là chính, thu dọn sắp xếp của nhiệm kỳ là chính!

ĐỌC THỬ

NẮNG VÀNG PHƠI

Chị mưu sinh bằng một chiếc ba-gác cũ. Bây giờ, di chuyển làm ăn bằng nó không dễ, có nghĩa là hơi bị phiêu lưu. Nhưng nhìn quanh quất vẫn không ít người phiêu lưu như mình. Cô bán dừa tươi sáng sáng có chồng ngồi xe máy phía sau ghé bàn chân sang đưa chiếc ba-gác ra phía chợ bỏ mối cho mấy hàng nước giải khát. Cô bán chuối không chồng nên còng lưng đẩy ba-gác đi chầm chậm kiểu rùa nắp đi đường trường. Cậu phu rác xanh rớt sáng sáng vẫn cho xe nổ tạch tạch quanh mấy chung cư như một thứ đồng hồ thể dục. Và chị, chị phải dùng sức đàn bà đạp xe vòng vòng gom mua ve chai đồng nát để nuôi con và nuôi mình, như vô vàn những người đàn bà góa bụa khác.

Dù sao cũng thấy chị hùng dũng hơn những người trong giới. Có hàng chục “đồng nghiệp” với chị tha thẩn suốt ngày quanh khu chung cư. Không hiểu sao ngày càng có nhiều phụ nữ lấy việc này để làm sinh kế. Có đến ba cô tuổi khoảng ba mươi trôi từ miền Trung vào dùng quang gánh chứ không có cả xe đạp mà đi. Có hẳn một bà cụ tầm bảy mươi tay xách mép bao, miệng rao khàn khàn giống một người tâm thần hơn là người thu mua phế liệu. Ngày nào cũng thấy bà đảo qua dưới đường mấy lượt, chắc chắn bà sống được nên mới bền bỉ dép lê như vậy. Chị có vẻ “đẳng cấp” hơn bởi chiếc ba-gác nên trên đó luôn có những món phế liệu điện tử cũ lùng mua được từ “uy tín” của người có cái vẻ “làm ăn” lớn.

Có nhiều cách để nhận biết Tết đã gần hay còn xa. Từ những cô, những bà, những chị ve chai đồng nát cũng là một “kênh” thú vị. Đó là lúc người ta dọn dẹp sơn sửa nhà cửa và thanh lý những món đồ đã lưu luyến giữ chúng suốt một năm dài. Nghề nào cũng có “ngày làm tháng ăn” trong dịp Tết và nghề ve chai đồng nát cũng đâu có ngoại lệ. Nhìn họ kĩu kịt mà lòng vui lây. Nhưng vẫn chạnh nghĩ, trong lúc bao nhiêu phụ nữ may mắn được đôn đáo sắm sửa thì họ vẫn phải tranh thủ táo vét mọi thứ thiên hạ vứt ra để rồi sẽ có một cái Tết muộn màng, chắt lót, eo hẹp. Và rồi ra Giêng mấy ngày là đã phải quang gánh hay ba-gác ra đường, hồ hởi với bao thứ bao bì lon chai mà thiên hạ lại vứt ra sau những ngày đủ đầy, thừa mứa. Có cái nghề nào không cần xem ngày khai trương mà vẫn hăm hở và đầy hy vọng như nghề của họ không?

Đang tay xách nách mang cho Tết thì tiếng guồng xe kẽo kẹt quen thuộc lướt qua, mùi kiệu ở đâu nôn nao vậy? Thứ Tết qua mùi kiệu này không thể nào nghe thấy ở Hà Nội hay ở đâu trên đất Bắc. Đơn giản vì nó phải đi cùng với nắng, thứ nắng vàng tươi vào những ngày áp Tết có gió chướng lao rao nữa mới thành. Nhà nhà phơi kiệu, người phơi trên mái, người phơi trên ban công, người phơi bừa trên mặt ghế sát đường mặc cho bụi bặm phố xá miễn kiệu đủ nắng là được. Thế nhưng mùi kiệu di động vừa lướt qua mũi rồi ú tim ngay thì ở đâu ra?

Ở miền Nam nhiều nắng này, củ kiệu làm dưa là món đầu chuyện quan trọng còn hơn món dưa hành của đất Bắc. Vì sao? Vì dưa kiệu đi kèm với tôm khô để khai vị, dưa kiệu cuốn bánh tráng với thịt khìa và dưa kiệu ăn với bánh tét cùng thịt kho tàu. Thật là hết ý. Nhà nào chưa có dưa kiệu coi như người phụ nữ nhà ấy chưa thấy an lòng, không phải vì mình nghèo mà chính mình nghĩ rằng do mình lười, mình đoảng. Mười lăm năm Hà Nội nhớ kiệu bồn chồn, mấy lần bà chị tìm cách gửi ra thì lần nào cũng phải đổ bỏ nước đi hải quan sân bay mới cho qua. Ra đến nơi kiệu cạn rồi kiệu ái, có ngâm lại nước giấm mới cũng không thể thành món kiệu nguyên bản được.

Chị xuất hiện trong tầm mắt, xe ba-gác hùng dũng, nón lá thâm kim, áo bà ba màu cháo lòng đúng như thân phận. Nhưng trên xe của chị, trên những món phế liệu thu mua được là những mâm kiệu đang đón nắng trước khi chúng được vô keo. Thật ngỡ ngàng. Có cách chuẩn bị nào sáng tạo và phi thường như điều mình vừa nhìn thấy đây không? Chị vẫn tất bật, chị vẫn táo vét thu mua mọi thứ mà vẫn có món kiệu phơi nắng cho ngày Tết của mình, tài quá đi thôi. Hỏi nhà bao nhiêu khẩu mà nhiều mâm kiệu vậy, chị cười hồn hậu khoe: Của mấy cô ve chai gởi thêm nữa đó chớ. Chao ơi, phường hội, có phường hội nào giúp nhau một cách chi tiết và cảm động như thế này không?

Chị guồng xe đi, lòng vòng, giữa nắng, chị phải đi trong nắng để những củ kiệu cho bọn trẻ đại gia đình ve chai đồng nát được sáng được giòn, bảo đảm không thua kém củ kiệu của những gia đình may mắn khác. Cuộc sống mến thương, có người chót vót sang giàu thì cũng có người cắm mặt với đường sá mà tồn tại; cuộc sống thật nhiệm mầu, cuộc sống luôn dạy người ta cách để thích nghi và cả cách để thụ hưởng mà chỉ có người trong cuộc mới nghĩ ra và thấy bằng lòng.

Mấy dòng ghi nhận để tri ân một người vô danh đã dạy mình một cách lạc quan kỳ lạ như vậy đấy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button