Văn học trong nước

Hà Mã, Chó, Chim, Cá Và Những Thứ Khác

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Vũ Thanh Sơn

Download sách Hà Mã, Chó, Chim, Cá Và Những Thứ Khác ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

CÁNH CỬA

ĐÂY LÀ MỘT ĐOẢN VĂN VỀ CÁNH CỬA. Như phần lớn những đoản văn khác viết về con đường, cái nhà, căn phòng hay bàn ghế… mà chúng ta đã từng đọc; trong phần mở đầu, nó giải thích vì sao có sự hiện diện của cánh cửa ở đây mà không phải là con dao hay cái kéo, những thứ thật ra cũng không kém phần hữu ích trong đời sống; và vì sao cánh cửa này chứ không phải một cánh cửa nào khác lại trở nên thu hút sự chú ý đến mức phải viết cho nó một đoản văn như vậy.

Sau phần mở đầu đó – có thể nói là quan trọng đối với một tác phẩm văn chương, nó khiến cho người đọc sẽ cân nhắc có nên tiếp tục đọc hay không cái chủ đề xem ra chẳng có gì lý thú này và như vậy, nó quyết định gần như hoàn toàn sự thành công hay thất bại của một tác phẩm – đoản văn bắt đầu miêu tả chi tiết cánh cửa. Chi tiết và trung thực đến mức những người vốn cổ súy cho trường phái văn học hiện thực không còn lời nào chê trách.

Trước hết nó miêu tả về kích thước của cánh cửa, chiều cao, chiều ngang và bề dày. Nó đề cập đến hai cái bản lề đã bị tróc nước sơn để lộ ra lớp kim loại gỉ bên trong, mỗi khi khép mở thường phát ra tiếng rít ken két, có lẽ từ lâu không có ai chú ý tra dầu mỡ. Rồi nó nói sang cái tay nắm có lỗ tra chìa khóa, cái bộ phận máy móc rắc rối nhất của cánh cửa, đã không ít lần gây bối rối cho chủ nhân của nó, nhất là những lúc khuya về nhà, dưới ánh sáng đèn hành lang vàng vọt, trong khi những căn phòng bên cạnh và chung quanh đã chìm sâu trong giấc ngủ, mà vẫn không làm sao xoay chiếc chìa khóa đi đủ được hai vòng. Hình như nó bị hóc ở đâu đó. Trên trán và trên bàn tay chủ nhân đã xuất hiện những giọt mồ hôi lấm tấm. Sau đó người ta đã có ý định thay nó bằng một cái tay nắm mới, nhưng không hiểu vì sao cho tới giờ này nó vẫn chưa bị thay và vì vậy, thỉnh thoảng cứ lại dở chứng.

Đoản văn cũng không quên đưa ra những chi tiết về chất liệu gỗ và tình trạng hiện thời của cánh cửa. Nó đã khéo léo cho người đọc cảm nhận một cách gián tiếp tính chất siêu bền của chất liệu bằng cách nói rằng, cứ quan sát khu nhà ở nhiều tầng lầu này, từ màu vôi quét tường vàng chóe ban đầu nay đã bị tróc lở ra từng mảng lớn và chuyển sang màu xanh đen của rêu, từ những bậc thang lở lói trơ cả ximăng và cốt thép bên trong, đến trần nhà bị ngấm nước tạo thành những mảng lớn vàng đen trông như một bức tranh trừu tượng trên màu nền xám ngoét, đến hệ thống thoát nước bị ứ và rác từ những căn hộ trên cao cứ vô tư đổ xuống mái sau của những căn bên dưới, mới thấy cánh cửa vẫn là vật thể duy nhất ở nơi này còn hoạt động tốt. Tất nhiên trừ một vài chi tiết bị ảnh hưởng bởi quy luật thời gian – màu verni, nhiều vết trầy xướt.

Ngày hôm ấy, người ta nghe thấy những tiếng động khác thường phát ra từ phía sau cánh cửa. Nó gợi sự tò mò của nhiều người chung quanh. Một, hai người trong số họ đã đứng áp sát lỗ tai vào cánh cửa để nghe ngóng. Họ nghe thấy tiếng bước chân đi lại trong phòng, đều đặn, gấp rút, rồi bỗng nhiên trở nên nặng nề, chậm chạp. Tiếng mở một cái ngăn kéo, tiếp theo là âm thanh sột soạt của những tờ giấy. Sau đó lại vang lên tiếng bước chân trong phòng và âm thanh của một chiếc ghế sắt bị kéo lê trên nền gạch. Bây giờ hình như có cả tiếng sụt sịt của nước mắt và nước mũi. Không thể nhầm lẫn được. Đó chính là tiếng thổn thức, tiếng nấc nghẹn của chủ nhân căn phòng; nó bị ngắt quãng và xen lẫn với tiếng giấy bị vo viên. Họ quay lại, đưa mắt nhìn nhau dò hỏi. Nhưng trước khi có một ý kiến giải thích nào được đưa ra từ đám người hiếu kỳ này, người ta lại nghe thấy những tiếng đổ vỡ ồn ào rộ lên tiếp theo. Từ bên ngoài, người ta nghe tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng, rồi tiếng những đồ vật bị ném hay đổ ngã trên sàn nhà một cách khô khốc, nặng trịch, kèm theo tiếng la hét, như thể người ta đang chứng kiến cảnh Lý Liên Kiệt đang tỉ thí võ nghệ với đám sát thủ trong một khách sạn. Sau tất cả sự ồn ào kinh hoàng vào lúc giữa khuya đó, im lặng đột ngột trở lại. Im lặng hoàn toàn. Người ta thực sự không còn nghe thấy gì nữa từ phía sau cánh cửa.

Đoản văn đến đây, như thường lệ, còn tiếp tục một đoạn nữa mới kết thúc về số phận của cánh cửa. Nhưng nhiều người hàng xóm đã không thể kiềm chế sự hiếu kỳ của mình để nhẩn nha đọc tiếp thêm chừng mươi dòng nữa, họ quyết định tông cửa bước vào.

Trước mắt họ, một cảnh tượng lạ lùng đang bày ra: dưới ánh sáng ấm áp của ngọn đèn có mái chụp tròn, ông nhà văn đang từ tốn viết nốt những dòng cuối cùng của đoản văn. Nhưng cánh cửa phòng bất ngờ bị mở tung, tiếp theo là tiếng người ồn ào xô đẩy nhau khiến nhà văn hoảng hốt buông cây bút trong tay xuống bàn, ngơ ngác nhìn đám người đứng lố nhố trước mặt. Nhìn ánh mắt của ông, có vẻ như ông hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

ĐỌC THỬ

THÚ ĂN CỎ

TẤT CẢ BẮT ĐẦU TỪ MỘT MIẾNG DA TÊ GIÁC, bây giờ nghĩ lại, anh thấy có lẽ là như vậy. Hay nói một cách rõ ràng hơn nữa là từ ngày ông hàng xóm cạnh nhà không hiểu sao bị mẩn ngứa khắp người, da đột nhiên trở nên sần sùi, ngứa ngáy không chịu nổi. Ông gãi, ban đầu nhè nhẹ vuốt ve ngoài mặt, nhưng rồi không thể kìm chế được cơn ngứa hành hạ, ông gãi càng lúc càng mạnh, gãi mê man, tóe cả máu mà vẫn không làm sao hết ngứa. Cả người ông lở loét. Ông không còn dám mặc áo ngắn tay và quần short khi đi ra ngoài phố nữa. Nhưng kể cả lúc mặc áo bằng vải cotton dài tay, người tinh mắt vẫn có thể nhìn thấy những vết đỏ lấm tấm nổi lên trên tay và lưng áo ông. Ông lấy làm khổ sở về chuyện đó. Những người chung quanh khuyên ông đi bốc thuốc dân tộc. Nhưng uống ròng rã cả tháng trời mà vẫn không một chút gì thuyên giảm, người ông cứ thế mà gầy rộc đi, có lẽ vì buồn bực hơn là vì cái chứng ngứa ngáy quái ác ấy.

Cho đến một ngày, một người bạn đồng nghiệp mang đến cho ông một miếng da tê giác, bảo ông mài ra thành bột hòa với nước uống.

Anh ghé qua nhà ông hàng xóm chơi sau khi miếng da đã được mài đến ngày thứ tư. Vừa bắt tay anh nơi ngưỡng cửa, ông tươi cười hớn hở khoe ngay là đã đỡ ngứa đi rất nhiều. Nhìn sắc diện ông lúc ấy đã hồng hào và tươi tỉnh trở lại. Rồi sau đó, như gặp đúng tri âm, tri kỷ, ông ta được thể không ngớt lời ca tụng với anh về miếng da tê giác thần diệu. Và trong cơn hoan hỉ phấn chấn không gì kìm hãm, ông lấy ngay miếng da tê giác ra khoe với anh, cứ như thể niềm vui của ông chỉ thật sự hoàn hảo, trọn vẹn khi tất cả mọi người phải cùng ông tận mắt chứng kiến và cùng trầm trồ thán phục phép màu có một không hai ấy.

Miếng da chỉ to bằng nửa lòng bàn tay, một bên cạnh đã bị mài mòn vẹt. Nếu không nói trước, không ai biết đó là miếng da của một loài động vật, mà đúng hơn nó có vẻ như là một mảnh gỗ, cứng và thô ráp. Một bên mặt, vết tích duy nhất làm người ta liên tưởng đến trước kia có thể đã từng là lớp biểu bì, chỉ còn lại những mô típ hình vuông to nhỏ không đều nhau tạo bởi những nét cắt ngang dọc, mốc đen, dấu vết của những năm tháng trầm mình trong ao hồ phủ kín rong rêu và cỏ dại ở những cánh rừng già thâm u, bí hiểm. Còn bên mặt kia, một thời đã từng là máu thịt của tê giác, bây giờ chỉ như một thớ gỗ đã sấy khô, màu trắng đục.

Nhưng khi vừa đặt những ngón tay lên miếng da, anh liền cảm thấy một luồng điện cực mạnh bất ngờ truyền sang cơ thể. Toàn thân anh rúng động. Anh đứng bất động, ngây dại như đã bị đông cứng. Mọi thứ trước mặt bỗng nhiên trở nên nhòe nhoẹt.

“Anh sao thế?” ông hàng xóm nhìn anh chăm chăm hỏi.

Anh rút bàn tay lại, nghe rõ tiếng tim đập mạnh trong lồng ngực:

“Không… tôi chỉ thấy hơi chóng mặt.”

“Không khéo anh bị cảm nắng rồi cũng nên.”

Rồi vin vào cớ đó, anh cáo từ ông, vội vã trở về nhà.

Anh đã nằm trên giường trọn một buổi chiều ngày hôm đó. Đến khi trời đã sẩm tối, vợ và hai đứa bé con anh đi chơi về, nhìn thấy nhà cửa tối tăm, không một ngọn đèn thắp sáng, họ cất tiếng gọi anh và chạy vào các phòng tìm.

Họ đã bắt gặp anh trong phòng ngủ, nằm đắp chăn thiêm thiếp, mê mệt, người nóng rực như một hòn than. Họ hoảng hốt lo sợ, cuống quýt mở hết các cánh cửa sổ để cho căn phòng thêm thoáng khí và đắp khăn lạnh lên trán anh. Trong lúc bối rối, vợ anh nhớ đến một người bạn bác sĩ, ngay lập tức nàng gọi điện thoại cầu cứu.

Anh chỉ tỉnh dậy vào trưa ngày hôm sau.

Trong khoảng thời gian dài ấy, anh đã có một giấc mơ lạ lùng nhất trong đời.

Anh mơ thấy mình lang thang trên một thảo nguyên mênh mông, giữa màu xanh của cỏ non và mây trời bát ngát. Gió thổi lồng lộng và thảo nguyên trong phút chốc bỗng hóa thành một đại dương gợn sóng trùng trùng điệp điệp. Anh sung sướng lăn mình trên thảm cỏ, ngụp lặn trong ánh sáng ấm áp mùa xuân, ngửa mặt ngắm nhìn bầu trời trong vắt như ngọc thạch ấy, rồi cười sảng khoái. Nhưng ngay lập tức anh im bặt khi tiếng cười vừa thoát ra khỏi lồng ngực. Anh bất ngờ nhận thấy sự khác lạ của nó. Đắn đo một lúc rồi anh quyết định kêu lên lần nữa một tiếng thật dài để kiểm chứng.

Không, không phải là giọng của anh, mà đó là tiếng kêu của một con dê. Anh bắt đầu hoảng sợ về điều vừa khám phá. Bất giác anh nhìn vào thân thể mình. Anh kinh hãi khi thấy toàn thân phủ đầy lông lá và khi liếc thấy bốn cái móng đen vung vẩy trong nắng chiều thì không còn hồ nghi gì nữa, anh hét lên và ngất đi.

Phải ba ngày sau khi bị cơn sốt bất thình lình đó quật ngã, anh mới hoàn toàn bình phục và đi làm việc lại. Ba ngày nghỉ việc không ăn lương, nằm nhà một mình, anh có cảm tưởng như vừa trở về từ một chuyến đi xa dài ngày. Nhìn mọi vật chung quanh lúc ấy, anh thấy chúng vừa thân thuộc nhưng vừa có một cái gì đó lạ lẫm, khả nghi.

Một buổi sáng thức dậy, đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài, anh nhẩm đếm trong đầu đã bước sang ngày thứ 118 tính đến ngày hôm ấy, trời chưa đổ một giọt mưa. Mùa mưa đến chậm một cách khó hiểu. Người ta cứ thấp thỏm nhìn lên bầu trời chờ đợi và đồn đại rằng nhiệt độ đã bắt đầu giảm và đã có một vài cơn mưa ngắn rải rác một số nơi thuộc phía Đông, trong khi đó, khu vực anh ở sẽ còn phải chịu đựng tình trạng oi bức thêm vài tuần lễ nữa.

Căn hộ của anh ở lầu sáu. Cửa sổ nhìn xuống một cái sân xi măng chơi bóng rổ, bóng chuyền nhưng thường xuyên bị bỏ hoang, thỉnh thoảng chỉ có mấy đứa nhỏ tụ tập nhau đá bóng vào dịp lễ hay hè. Cỏ dọc hai bên lối đi chạy quanh sân đã cháy vàng, trơ ra lớp đất khô cứng. Phía bên phải sân là một hàng cây xanh trồng thẳng tắp, thấp thoáng những dãy nhà với những mái ngói đỏ và một cái bể bơi. Chỉ có một phần rất nhỏ của mặt bể xao động, lấp lánh dưới ánh nắng đó được nhìn thấy. Xa xa về phía bên trái sân là những tòa nhà hình hộp và đường phố, từ khung cửa sổ nhà anh nhìn ra, tất cả mọi chuyển động nhộn nhịp của đời sống nơi ấy diễn ra hệt như trong một cuốn phim câm.

Anh thấy hai người đàn bà đi tản bộ quanh sân. Họ là hai chị em ruột, cả hai đều đã ngoài tám mươi. Họ ở cùng một tầng lầu với anh nhưng nằm tận cuối dãy hành lang, phía đối diện. Căn hộ ấy thường xuyên đóng kín cửa. Thỉnh thoảng người ta mới tình cờ gặp họ ngoài hành lang hay trong thang máy và lần nào cũng vậy, họ đều xuất hiện sóng đôi bên nhau, mặc cùng một màu áo. Điều đó làm cho đời sống vốn đã khép kín của họ khoác thêm lên một vẻ bí ẩn và mọi người chung quanh, mỗi lần đi qua căn hộ ấy, cứ mặc sức đưa ra những lời đồn đoán thêu dệt.

Lần ấy họ khoác chiếc áo rộng màu vàng nâu, điểm những đốm đen tròn. Họ bước đi chậm chạp một cách nặng nhọc. Nhìn từ trên cao, trông họ nhỏ bé và dúm dó tội nghiệp, thỉnh thoảng hai vạt áo bị một cơn gió hiếm hoi đầu ngày thổi phồng lên, khiến anh không khỏi so sánh với hình ảnh hai con bọ rùa.

Anh gần như đã quên hẳn cái biến cố từ miếng da tê giác và giấc mơ quái gở đó. Chúng bị bỏ lại càng lúc càng xa về phía sau, khi mà sự hối hả, bận rộn thường nhật không cho phép những giấc mơ làm anh bê trễ bổn phận. Anh trở về với nhịp điệu quen thuộc, tẻ nhạt mỗi ngày, tiếp tục đưa hai đứa bé đến trường, lạng lách qua các con phố hẹp đông đúc, nhấn ga vượt qua một ngã tư, rồi vội vã lên cả chục tầng lầu để đến văn phòng cho đúng giờ.

Ngày trở lại văn phòng, đứng trong thang máy, trong lúc đếm nhẩm những con số các tầng lầu hiển thị trước mặt mỗi lần nó bật sáng, anh chợt nảy ra ý nghĩ rằng dường như mỗi ngày anh đang dự phần vào một cuộc chạy đua với một đối thủ vô hình nào đó mà phần thắng không bao giờ thuộc về anh, chẳng khi nào anh có thể đến đích trước. Khi ấy, một lần nữa, anh lại liên tưởng đến con bọ rùa. Và hình ảnh nó mải miết bò trên một mặt phẳng láng mượt, hễ mỗi lần bị trượt ngã lại gắng gượng ngoi lên bò tiếp tục, như thể chính nó cũng đang kiên trì theo đuổi một cách tuyệt vọng cuộc hành trình dài vô tận, cứ ám ảnh anh mãi không dứt. Anh tự hỏi không biết vì sao nó lại khổ nhọc như vậy, sao không cất cánh mà bay lên. Chỉ cần xòe cánh ra và bay, đơn giản thế thôi.

Cánh cửa thang máy tự động mở ra ở tầng lầu 27, như thường lệ. Anh chàng trưởng phòng Kế toán đã đứng sẵn đấy. Trông thấy anh, gã mỉm cười và giơ tay bắt.

“Chào mừng cậu đã trở lại với công việc. Khá hơn rồi chứ?” Bàn tay gã ấm nóng và nhem nhép ướt. Bất chợt anh rùng mình khi ánh mắt vô tình nhìn xuống cánh tay gã phủ đầy những sợi lông đen dài xoăn tít. Anh lấy làm ngạc nhiên tại sao cho đến bây giờ anh mới để ý đến điều này. “Cảm ơn. Tôi khỏe rồi.” “Mấy hôm cậu nghỉ, tôi bối rối quá.” “Sao? Có gì thế?” “Công ty Sierra yêu cầu mình gửi cho họ cái phó bản tờ vận đơn, tôi tìm mà chẳng thấy đâu cả.” “Tôi còn một bản vẫn để trên bàn làm việc.” “Cậu chuyển cho tôi gấp nhé.” “OK.”

Lúc anh vừa dợm bước quay đi, gã lại gọi giật giọng. “À này, còn nữa. Hồ sơ cho lô hàng ngoài cảng còn thiếu tờ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đấy nhé.” “Tôi biết rồi.”

Không để gã nói tiếp, anh chạy biến vào nhà vệ sinh ngay lập tức. Anh sát xà phòng vào hai bàn tay, kỳ cọ thật kỹ rồi mở vòi nước xả mạnh. Anh sát xà phòng nhiều lần và rửa đi rửa lại nhiều lần nữa, đến nỗi hai bàn tay anh đỏ ửng cả lên.

Sau đó, anh dí hai bàn tay sát tận mũi để ngửi, đến lúc đã chắc chắn không còn một mùi gì nữa mới đặt tay dưới cái máy sấy. Anh để tay như vậy thật lâu, lâu cho đến khi anh cảm thấy hai bàn tay mình đã hoàn toàn khô sạch.

Hôm nay nữa là ngày thứ 135 không có mưa. Bầu trời trên đầu anh vẫn xanh ngăn ngắt. Đêm, anh lắng tai nghe ngóng từng ngọn gió hiếm hoi thổi qua mặt đất nóng bỏng và kiên nhẫn chờ đợi. Sự chờ đợi tưởng như không thể kéo dài hơn nữa.

Trong những đêm nóng bức, trằn trọc không thể ngủ đó, vợ anh và anh mỗi người một cuốn sách trên tay, đọc cho đến khi mỏi mệt và thiếp đi. Anh nghiệm ra rằng, không phải vì nóng, mà từ lâu rồi hai người đã ít chuyện trò với nhau, những câu chuyện bâng quơ, không đầu không đuôi; bây giờ họ chỉ nói với nhau khi thấy thật sự cần thiết.

Một lần nàng bàn với anh cuối tuần cả nhà nên thu xếp về bên ngoại chơi để tránh cái oi bức ở thành phố. Đó là một vùng ngoại thành cách khu vực của anh hơn 50 cây số về phía Đông, có nhiều đồng cỏ và một con sông lớn chảy qua. Nơi ấy, nàng còn mẹ và hai em sống nhờ vào một khu vườn trồng cây ăn trái bốn mùa lúc lỉu quả. Trong căn nhà của họ, phòng của nàng thuở còn con gái vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cùng với các thứ đồ đạc đi kèm với nó: chiếc giường sắt, bàn ghế, kệ sách, những bức tranh… Hễ mỗi lần có cơ hội là nàng lại trở về đó, như thể được trở về với thế giới thực sự của mình. Một mình hay đôi lúc cùng với hai đứa bé.

Tất nhiên là anh cũng có một chỗ ở nơi ấy. Nhưng anh chỉ có mặt vào những dịp lễ tết. Thường sau một vài vòng chào hỏi thì anh mắc võng lên hai thân cây ngoài vườn, nằm lim dim nghe gió thổi và nghe họ nói cười rúc rích. Anh biết họ sẽ lại giở những cuốn album ảnh ra và sẽ kể đi kể lại những câu chuyện cũ, trong đó chắc chắn là anh không hề được nhắc đến.

Ngày mai anh sẽ đưa nàng và hai đứa nhỏ về nơi ấy.

Anh nằm ở sofa đọc sách, trong khi nàng trong nhà bếp để chuẩn bị các thứ cho chuyến đi. Hai đứa nhỏ thì ngồi chơi dưới đất, thỉnh thoảng một đứa lại kêu ré lên mách đứa khác và anh phải bỏ dở trang sách để phân xử. Tuy nhiên, chỉ được một lúc thì một đứa bỏ vào nhà bếp với mẹ, còn một đứa thì trèo lên sofa nằm bên cạnh anh. Đến nước này thì anh không thể tiếp tục đọc được nữa.

“Sao con không chơi với chị nữa?” “Không.” “Sao thế?” “Chán lắm!” “Thế ba chơi với con nhé?” “Ba làm ngựa con cưỡi đi.”

Anh vứt cuốn sách lên mặt bàn và ngồi bệt xuống đất cho nó leo lên lưng. Chưa gì hết mà anh đã nghe nó cười khúc khích. Khi cảm giác nó đã ngồi chắc chắn, anh mới bắt đầu di chuyển.

Khi anh vừa chớm đưa một cánh tay ra phía trước mặt, một hiện tượng lạ lùng bất chợt xuất hiện. Anh cảm thấy ngây ngất, lâng lâng. Cả người anh nhẹ bỗng như được nâng lên khỏi mặt đất. Tứ chi của anh như đang mọc cánh. Đầu anh đang bốc lửa. Máu huyết trong cơ thể anh chảy cuồn cuộn và một cảm xúc mãnh liệt chưa bao giờ có tràn ngập trong anh, làm anh ngạt thở.

Anh ngửa mặt lên trời hí một tiếng dài hùng tráng tưởng như có thể xé rách cả hư không, lao về phía trước. Anh nghe tiếng gió rít ở hai bên tai. Anh sải những bước dài thiên lý. Trong chớp mắt tất cả đều biến mất: hành lang hẹp, cầu thang máy, cái sân xi măng, con phố chật, ngã tư đông người, gã trưởng phòng Kế toán… để trước mắt anh chỉ còn có mỗi đồng cỏ, thảo nguyên mênh mông tận chân trời. Tất cả năng lượng trong anh lúc ấy mới được giải phóng. Anh tung vó và sung sướng cất tiếng hí vang. Đứa nhỏ ôm chặt lấy cổ anh và cúi gập trên lưng, nó vừa thích thú vừa sợ hãi.

Cánh cửa nhà bếp đột ngột mở tung.

Tiếng la hét trong phòng khách đã làm cho vợ anh hoảng hốt. Nàng há hốc mồm kinh ngạc chứng kiến quang cảnh trước mặt.

Sự xuất hiện bất thình lình đó làm cho anh cụt hứng. Tuy hai đầu gối và hai bàn tay anh kịp khựng lại, nhưng cái cổ vẫn còn vươn dài ra đằng trước như thể không thể nào kìm lại được tư thế phi nước đại. Anh ngước mắt lên nhìn nàng bối rối, cái nhìn của một kẻ bất ngờ bị bắt quả tang đang phạm tội.

Còn đứa nhỏ, nó cũng len lén bước xuống. Nét mặt nó tiu nghỉu như đành phải vứt đi một chiếc bong bóng cao su bị xì hơi ở trong tay.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button