Văn học trong nước

Giang San Nhà Chồng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Bà Tùng Long

Download sách Giang San Nhà Chồng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Cuốn tiểu thuyết này được tác giả viết xong vào tháng 8 năm 1956, tức cách đây đúng 59 năm! Vào thời điểm đó, Giang san nhà chồng đã được nhiều người tìm đọc, nhất là các bạn đọc nữ, và đã gây tiếng vang trên văn đàn nhờ tính chủ đề mạnh mẽ. Đến nay vẫn còn nhiều người lớn tuổi nhớ đến cuốn tiểu thuyết này.

Thanh, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, không may bị mất cha. Mẹ Thanh, không học thức, không nghề nghiệp, đành bước thêm bước nữa với một ông phán, để nương tựa ông mà sống. Thấy mẹ sống quá lệ thuộc, Thanh nuôi ước nguyện được học xong trung học sẽ ra tìm việc làm hầu có thể tự lập khỏi người cha dượng khắt khe. Khi Thanh lớn lên, qua tuổi dậy thì, trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, thì ông cha dượng ấy lộ mặt là một người háo sắc, không cho Thanh đi học nữa, buộc cô phải ở nhà và âm mưu giở trò đồi bại với cô. Bị Thanh phản ứng mạnh, rồi phát hiện việc Thanh muốn tìm cách lập gia đình để thoát khỏi tay ông, ông đã bày mưu thâm tách Thanh khỏi người thanh niên lý tưởng đang theo đuổi cô. Sau đó ông còn trả thù cô một cách tàn độc bằng cách gả cô cho Tiệp, một đồng nghiệp lớn tuổi đã hai lần đổ vỡ vì có cha mẹ và cô em là dân địa chủ dưới quê quá khó khăn, hung dữ… đến mức khó ai có thể vào làm dâu được yên lành – thậm chí người vợ đầu của Tiệp còn bị hành hạ đến sẩy thai chết… Tất cả những chuyện đau khổ ấy của Thanh, mẹ cô đều biết, nhưng bà quá nhu nhược không dám bảo vệ con. Thanh đành nhắm mắt đi lấy chồng, chỉ để được thoát ra khỏi mái nhà của ông cha dượng.

Sống đúng tinh thần của câu ca dao “Có con phải khổ vì con. Có chồng phải gánh giang san nhà chồng”, Thanh về Bạc Liêu làm dâu, trong khi chồng vẫn đi làm ở Sài Gòn, lâu lâu mới được về thăm cô một lần. Đó là những ngày vô cùng gian khổ và cay đắng… Bằng sức nhẫn nại vô biên, sự cố gắng hết mức và lòng tốt chân thành với mọi người chung quanh, cuối cùng Thanh đã cảm hóa được gia đình chồng, biến nó thành gia đình của chính mình, đem lại hạnh phúc thật sự cho mọi thành viên trong nhà…

60 năm trước, thông điệp mà cuốn sách mang đến cho người đọc phải nói là rất mới mẻ: người phụ nữ phải có học, có nghề nghiệp bình đẳng với nam giới, thì mới mong mưu tìm được hạnh phúc cho mình. Tuy nhiên, nếu chưa đạt được những điều đó, thì với bản tính hiền dịu, nhẫn nại, khéo léo, nhân cách sống tốt đẹp, người phụ nữ vẫn có thể kiến tạo được hạnh phúc cho gia đình mình… Những điều đó, ngày nay vẫn chưa phải là cũ.

Xin trân trọng giới thiệu lại Giang san nhà chồng, một cuốn tiểu thuyết hay của Bà Tùng Long, đến bạn đọc hôm nay.

Nxb Văn học & Phương Nam Book

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1

Ông Phán Kinh vừa dựng chiếc xe máy lên đã hỏi vợ:

– Con Thanh đâu?

Bà Phán Kinh lo lắng nhìn chồng:

– Con Thanh đi học chưa về, ông ạ!

Ông Phán xì một tiếng, liệng chiếc nón xuống bàn:

– Lại đi học! Con gái đã lớn rồi đi học làm gì? Tôi nói hoài mà bà không nghe, lạ thật! Thì ra ở nhà này tôi không có quyền gì hay sao?

Bà Phán nhìn chồng với đôi mắt van lơn:

– Con nó cứ năn nỉ xin đi học, tôi biết nói sao? Nhà có đầy tớ, vả lại đã có tôi trông nom mọi việc, nó có ở nhà cũng chẳng làm gì. Tôi nghĩ bây giờ cho nó đi học kiếm chút ít chữ nghĩa, ngày sau nó tìm được một chỗ làm thì vợ chồng mình cũng đỡ lo cho nó.

Ông Phán Kinh cau mày:

– Đi học gì mà mười hai giờ rồi chưa về? Thật tôi không thấy ai chiều con như bà. Học hành rộn chuyện! Con gái đã lớn cứ để nó ở nhà, dạy nó việc bếp núc, sau này nó có chồng cũng đỡ cho chồng con nó. Đi làm được bao nhiêu đồng lương? Mà người đàn bà đi ra ngoài là hỏng, hỏng bét, bà nghe chưa?

Bà Phán nói:

– Ai đi làm cũng hỏng cả hay sao? Hỏng hay không là do mình.

Ông Phán vừa cởi chiếc áo ngoài treo lên móc vừa gằn giọng:

– Lần này là lần chót tôi cho bà hay, cuối tuần này con Thanh phải thôi học. Tôi không đóng tiền trường cho nó nữa!

Nhìn đồng hồ, ông Phán tiếp:

– Gớm chưa, mười hai giờ mười phút rồi mà chưa về, may mà nó đi xe đạp. Thứ con gái mới lớn, khó giữ lắm. Rủi nó có mang cái bụng thè lè thì xấu hổ lây cho tôi.

Bà Phán Kinh làm thinh chưa biết đáp thế nào thì Thanh ở ngoài đẩy chiếc xe đạp vào nhà, mặt mày đỏ ửng, mồ hôi chảy trên vầng trán rộng và cao.

Thanh cất tiếng chào trong trẻo:

– Chào ba chào má, con đi học về.

Bà Phán nhìn Thanh ái ngại, còn ông Phán trợn mắt hỏi Thanh:

– Con đi học gì mà bây giờ mới về tới nhà?

Thanh lễ phép thưa:

– Thưa ba, nhà trường đúng mười hai giờ mới tan, con đạp xe chạy về đây mất mười phút.

Ông Phán bực dọc gắt:

– Bao giờ cô cũng cãi lý với tôi! Thôi tôi không la rầy cô làm gì đâu. Tôi nói là vì sự ích lợi cho cô mà thôi.

Thanh chưa kịp đi rửa mặt đã chạy lại treo cái nón, dẹp đôi giày cho ông Phán. Rồi Thanh múc một thau nước để trên bàn và thưa:

– Thưa ba rửa mặt.

Thanh đợi ông Phán rửa mặt xong, bưng thau nước đi xuống. Một lát sau Thanh trải khăn bàn, sửa soạn dọn cơm cho cha mẹ.

Ông Phán nằm trên ghế xích đu, nhìn Thanh làm việc đôi mắt hơi dịu bớt lại.

Hai bàn tay trắng nuột của Thanh so đũa, đặt chén, sắp cái này, sắp cái nọ lanh lẹ và gọn gàng. Nét mặt Thanh hiền từ, da trắng, tóc đen, cái miệng nhỏ đẹp. Đôi mắt Thanh đen lay láy dưới hai hàng lông mày cong và thanh. Những sợi tóc dính trên vầng trán càng làm tăng vẻ đẹp của Thanh. Toàn người Thanh tỏa ra một nét gì đó thật êm dịu, hiền từ.

Ông Phán nhìn Thanh chăm bẳm khiến Thanh hơi khó chịu, nàng vội xoay lưng đứng về phía khác để lảng tránh cặp mắt tò mò của ông:

– Hôm nay ba dùng bia hay rượu gì?

Ông Phán nói:

– Khui chai bia đem đây cho ba.

Thanh lặng lẽ đi mở tủ lấy chai bia để lên bàn, rồi lấy cái ly bỏ nước đá đem ra.

Thanh làm mọi việc cẩn thận, ý tứ, không rơi đổ, không va chạm.

Bà Phán ngồi nhìn con với đôi mắt buồn rầu.

Sắp đặt yên xong, Thanh lại xuống bếp bưng mâm lên để vào bàn và đến gần ông bà Phán:

– Thưa, con mời ba má dùng cơm.

Lúc bấy giờ Thanh mới đi rửa mặt, thay áo và lặng lẽ ngồi vào mâm khi ông Phán bà Phán đã ăn gần xong chén cơm thứ hai.

Bữa cơm thật buồn tẻ mặc dù các món ăn bày la liệt. Không ai nói với ai một lời gì. Ông Phán thỉnh thoảng lại nhìn Thanh. Thanh cúi gằm mặt xuống và cơm lịa lịa…

Ông Phán thức dậy, sửa soạn đi làm.

Ông vừa đi ra khỏi cửa là Thanh gục mặt vào lòng mẹ hỏi:

– Chắc khi trưa lúc con đi học chưa về, ba đã rầy rà mẹ?

Bà Phán đưa tay lên gạt ngang hai dòng lệ:

– Thì tánh ba con, con còn lạ gì nữa!

Thanh biết mẹ buồn nên hỏi tiếp:

– Nhưng ba đã nói gì với mẹ, mẹ cứ cho con rõ.

Bà Phán vuốt đầu con, buồn bã:

– Ba con nói con học hết tháng này thì ở nhà, đã lớn rồi lo việc nấu nướng rồi lấy chồng.

Thanh nói:

– Ba không bằng lòng cho con học, thì con tự tìm cách để học tiếp vài năm nữa. Trong lớp con có thiếu gì người có cha mẹ nghèo, các chị ấy một buổi đi bán bánh, một buổi đi học thì đã sao.

Bà Phán vội ngăn con:

– Thôi đi con, người ta khác, con khác, con đừng làm thế mà mẹ con mình không yên thân đâu. Mẹ vụng tính một tí mà giờ đây mẹ con ta khổ. Mẹ khổ không nói gì, chớ con khổ thì thật là lỗi tại mẹ… Mẹ mà hay nông nỗi này thì mẹ không thèm bước thêm bước nữa làm gì cho mệt. Cha con chết đi, con vừa được mười bốn tuổi… Chắc con còn nhớ rõ cảnh gia đình của mình lúc bấy giờ. Tuy lương bổng cha con không là bao, nhưng cha mẹ chỉ có một mình con nên con cũng sung sướng được đi học như tất cả các đứa trẻ con nhà giàu có.

Ỷ vào đồng lương của cha con, mẹ không cần làm lụng gì thêm, chỉ lúc thúc ở nhà săn sóc cho chồng cho con. Mẹ có ngờ đâu cha con chết sớm để mẹ trong cảnh góa bụa! Cha con chết rồi, mẹ thật tứ cố vô thân. Bà con bên chồng không có mà bà con bên mẹ cũng không ai. Không biết nghề gì để độ thân, vả lại mẹ cũng còn trẻ tuổi, ở vậy cũng không được, mẹ mới như ngày nay!

Tại sao mẹ lại nhận lời ông Phán Kinh? Chắc con không hiểu dụng tâm của mẹ. Ông Phán Kinh góa vợ lại không con, ông giàu có và tánh tình hiền hậu – đó là lời người mai mối đã nói với mẹ.

Trước khi chịu làm vợ ba con đây, mẹ có nói rõ tình cảnh của mẹ: mẹ không thể rời con ra được. Ba con hứa sẽ nuôi dạy con như con ruột, mẹ nghe thế rất mừng là tìm được một nơi nương tựa cho mẹ và có thể nuôi con khôn lớn nên người.

Mẹ cố cho con ăn học đến nơi đến chốn để sau này con có nghề nghiệp, có một cuộc sống tự do. Mẹ xem cái gương mẹ, mẹ hiểu rằng có nghề nghiệp thì chưa chắc mẹ đã phải bước thêm bước nữa làm gì cho ê chề con ạ! Ba con tuy hứa với mẹ như thế, nhưng từ khi về ở chung, ba con đối xử với con rất nghiêm khắc. May con là đứa con hiền lành, biết yêu mẹ, chớ không thì làm sao mà ở? Mấy năm nay, mỗi lần đưa tiền cho mẹ đóng học phí cho con, lần nào ba con cũng nói:

– Thật là nợ ba đời của cha tôi để lại!

Mỗi lần ngửa tay nhận tiền là mỗi lần mẹ nuốt lệ, mẹ không dám cho con biết. Cũng may con chăm chỉ học hành, chỉ còn một năm nữa là thi ra trường, mẹ rất mừng. Nhưng mẹ không hiểu tại sao, chỉ trong ba bốn tháng sau này, ba con lại gắt gao với mẹ con ta quá, cứ đòi bắt con ở nhà, không muốn cho con đi học.

Mẹ tuy là vợ ba con nhưng bao nhiêu việc chi xuất trong nhà, ba con đều giữ cả, nào mẹ có đồng tiền riêng nào đâu! Ngày ba bữa, khỏi phải lo đói, bốn mùa đủ áo quần mặc, mẹ không có quyền đòi hỏi gì nữa. Chính con thấy đó, bao nhiêu đồ nữ trang ba con sắm cho mẹ, ba con cũng cất kỹ vào tủ sắt. Mẹ có đi đâu phải hỏi ba con, ba con mới đưa cho mẹ đeo. Khi về lại phải trả lại. Mẹ cũng còn chút lương tâm biết tủi nhục cho cái kiếp làm vợ của mẹ. Nhưng mẹ phải nhẫn nhục qua ngày để con được ăn học. Nay ba con không muốn con đi học nữa, mẹ biết làm sao bây giờ?

Bà Phán kể lể với con, động lòng bà lại vuốt tóc Thanh và khóc.

Thanh ngồi im nghe mẹ kể và Thanh thấy cả một cuốn phim đang mở lần ra trước mắt nàng.

Cha Thanh chết, mẹ Thanh đi lấy chồng vì nghèo túng. Thanh còn nhớ rõ cảnh nghèo của mẹ con nàng sau ba bốn tháng cha nàng chết. Mẹ Thanh đi bán từng cái áo dài, từng bộ chén kiểu, dĩa kiểu. Bán được đồng nào cũng đổ vào tiền gạo mắm hàng ngày. Thậm chí đến cái ống tiền nhẹ bỗng của Thanh mà một hôm mẹ Thanh cũng buộc lòng đập ra lấy hai đồng bạc mua đỡ hai lon gạo. Rồi khi mẹ Thanh không còn gì bán nữa, hai mẹ con ôm nhau ngồi nhịn đói suốt ngày.

Lúc bấy giờ mụ Tám mới trổ nghề mai mối của mụ ra và đem tiền cho mẹ Thanh mượn. Mẹ Thanh mang ơn mụ mối rồi, bấy giờ mụ ta mới khuyên mẹ Thanh nên ưng ông Phán Kinh. Trong cảnh ấy, mẹ Thanh làm sao từ chối lời ông Phán Kinh được. Thanh còn nhớ mẹ Thanh đã thức sáu bảy đêm ngồi khóc bên cạnh bàn thờ cha Thanh, để rồi ngày hôm sau dẹp bàn thờ lại mà đi lấy chồng.

Từ ngày về ở với ông cha ghẻ mà Thanh gọi bằng ba, Thanh hiểu mình đã bước vào một cuộc đời đen tối. Thanh được đi học, nhưng để được điều này, mẹ Thanh phải bị dằn vặt rất nhiều.

Ông Phán không hề thương yêu Thanh. Không một lời êm ái, không một tiếng khuyên lơn, mà toàn những giọng sai khiến, những lời cay chua, những câu nói mát…

Thanh không bao giờ dám nũng nịu với mẹ, mà trước mặt ông Phán, mẹ cũng không dám tỏ ý thương Thanh. Chỉ những lúc ông Phán đi rồi, bấy giờ mẹ Thanh mới săn sóc vuốt ve Thanh. Đến tình mẫu tử là một thứ tình thiêng liêng nhất trên đời mà mẹ Thanh cũng không được tự do bày tỏ ra thì đáng thương hại thật.

Ông Phán Kinh yêu quí mẹ Thanh vì mẹ Thanh còn đẹp lắm. Mẹ Thanh đã gần bốn mươi tuổi mà da mặt chưa hề nhăn, đôi mắt còn sắc sảo, tướng đi còn yểu điệu, mặc dù mẹ Thanh không được sung sướng.

Mẹ Thanh đã nhiều đêm khóc thầm cho hoàn cảnh bất đắc dĩ của mình.

Thật ra mẹ Thanh bước thêm bước nữa là vì Thanh. Mẹ Thanh muốn dựa vào người chồng sau để nuôi Thanh ăn học, sau này có một nghề nghiệp, mẹ con có thể đùm bọc lấy nhau.

Thấy Thanh suy nghĩ, mẹ Thanh liền hỏi:

– Sức học của con hiện giờ có thể tìm một việc làm để mẹ con đủ đắp đổi qua ngày không?

Thanh nói:

– Lúc này có nhiều người có cấp bằng hẳn hoi mà còn thất nghiệp nữa là đang học dở dang như con. Theo ý con, nếu ba không cho tiền con học, mẹ cứ thưa giùm con để mỗi ngày con đi thêu hoặc đan mướn, lấy chút ít tiền đủ trả học phí và con có thể học lớp đêm và cuối năm đi thi được.

Bà Phán nói:

– Ba con đời nào chịu như thế. Nếu con đi đan mướn suốt ngày, rồi tối đi học thì chỉ khi là mẹ con ta phải dọn đi nơi khác mới được yên ổn.

Thanh làm thinh thở dài… Bỗng Thanh nhớ lại một hôm Thanh nằm ngủ trưa dưới nhà bếp, lúc mở mắt, Thanh thấy ông Phán đứng gần đó nhìn Thanh một cách khác thường, rồi câu chuyện lộn xộn trong gia đình xảy ra từ đó.

Nhớ lại cử chỉ lạ lùng của ông Phán, Thanh tự nghĩ:

– Lẽ nào… Lẽ nào người cha ghẻ ấy lại có thể như thế được?

Bà Phán hỏi Thanh:

– Con suy nghĩ gì mà cau mày như vậy?

Thanh đáp:

– Con có nghĩ gì đâu. Nếu mẹ không thưa với ba cho con đi học thì tối nay con sẽ thưa. Còn không thì con thoát ly cái gia đình này…

Bà Phán kinh ngạc:

– Con làm thế thì còn gì là mẹ! Con không thương mẹ sao? Con đi rồi, mẹ ở đây với ai?

Thanh đáp nhanh:

– Bao giờ con có chỗ ăn chỗ làm thì con sẽ tính đến chuyện rước mẹ về.

Bà Phán khóc:

– Con đừng tính vậy mà hỏng con ạ. Con còn nhỏ lại là con gái mới lớn, con biết đi đâu và ở đâu cho yên ổn tấm thân, rủi có bề gì thì lại còn nguy khốn cho mẹ. Thôi để tối nay mẹ nói lại với ba con thử người định ra sao.

Thanh nói:

– Mẹ cứ nói thử rồi mẹ con mình tính sau.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button