Văn học trong nước

Gia đình tôi

gia dinh toi sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Duy Lam

Download sách Gia đình tôi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF                   Download

Định dạng MOBI                 Download

Định dạng EPUB                Download

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Gia đình tôi chia làm hai phe: phe ba tôi và phe mẹ tôi. Dĩ nhiên ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ ba mẹ tôi đã ở cùng một phe để dạy dỗ và đe nẹt chúng tôi. Nhưng thời đó xa lắm rồi. Thỉnh thoảng sau những trận bàn cãi trong gia đình mà kết quả là ba tôi đuối lý, ba tôi lại nhắc lại những kỷ niệm cũ, hồi chúng tôi chưa lớn và bướng bỉnh như bây giờ.

Chẳng hạn:

– Tao có ngờ đâu chúng mày lại biến đổi đến thế! Hồi bé chúng mày cũng đều bình thường như những đứa trẻ khác cả. Tao đọc bao nhiêu sách ngoại quốc mà chưa thấy một bầy con nào kỳ quái đến như chúng mày. Lúc nào cũng như ở trên cung trăng. Rồi mà xem! Sẽ đến lúc chúng mày mở mắt ra.

Em Lan tôi mở to đôi mắt xếch và nheo mũi lại khiến chúng tôi ai cũng mỉm cười. Lan nói thầm qua làn tóc dài của Liên, tuy gọi là nói thầm nhưng cũng đủ để me tôi ngồi ở giường cạnh đó và cả nhà nghe thấy:

– Ba lại sắp kể chuyện lần đầu tiên ba “mở mắt ra”.

Cũng may vì câu nói của Lan nên ba tôi không bắt tội chúng tôi nghe thêm một lần nữa câu chuyện “mở mắt ra” của ba tôi.

Ba tôi im lặng một chút đoạn đánh trống lảng khen một câu không ăn nhập gì đến câu chuyện đang nói:

– Hôm nay rau ngon quá nhỉ!… Ăn rau bổ lắm đấy!

Thường hai phe đối lập trong gia đình tôi hay đối chọi nhau nhất vào những bữa cơm, vì lúc đó gia đình hội họp đông đủ.

Tôi không nhớ rõ từ thời kỳ nào gia đình tôi tách làm hai phe. Có lẽ từ khá lâu, nhưng sự phân chia thành hình rõ rệt nhất là khi tôi mới lớn lên và biết suy nghĩ một chút. Dĩ nhiên tội của tôi nặng nhất đối với ba tôi. Những đứa con khác thì tội cũng đều cũng nặng cả tuy nhiên tội nặng nhẹ thay đổi tùy theo mỗi cá nhân. Còn mẹ tôi thì khác. Ba tôi sẽ mãi mải ngạc nhiên không hiểu tại sao mẹ tôi lại có thể đứng cùng một phía với các con để chống lại chồng. Ba tôi chỉ biết càu nhàu:

– Đàn bà chỉ chiều con. Chiều chúng lắm, cái gì xin cũng cho rồi vào tù cả một lượt vì nợ.

Ba tôi nói đúng một phần nào, gia đình tôi nợ rất nhiều, tuy vì me tôi mà nợ tăng hoài, nhưng chúng tôi vẫn thấy việc mẹ tôi vay mượn là rất phải và hợp lý (nhất là vay để chúng tôi tiêu).

Vậy thì gia đình tôi gồm có hai phe. Phe thứ nhất như tôi đã nói gồm… ba tôi và dưới đây những chi tiết về phe thứ hai:

Phe này gồm: Me tôi, Du cậu con trai thứ nhì, Liên cô con gái thứ ba, Lan con gái thứ tư, Sơn cậu năm, Tuyết, Liễu hai cô cuối và tùy theo trường hợp số người của phe này được tăng thêm, Vân người làm của gia đình, Hằng người em họ của chúng tôi và tôi.

(Con mèo Nina, thuộc loài gia súc và không biết nói, không biết tuyên bố thuộc phe nào, nhưng cũng đã chứng tỏ rõ rệt trong cách “cư xử” là chống đối ba tôi).

Tôi thiết tưởng cũng cần phải nói từng nhân vật một trong gia đình tôi…

MẸ TÔI

Me tôi ngày xưa đẹp lắm. Sắc đẹp đó một phần vì thời gian qua, một phần vì số cân nặng đã tăng lên rất nhiều nên đã giảm bớt đi. Qua những lời me tôi kể lại và những kỷ niệm lúc tôi còn nhỏ, me tôi là một trong những người đàn bà đầu tiên vấn tóc trần, rẽ lệch, mặc áo màu và mang dù Nhật. Chúng tôi còn giữ một vài chiếc ảnh chụp ba me tôi và hai, ba đứa trong bọn chúng tôi. Mỗi khi xem lại ảnh cũ là một dịp để chúng tôi phê bình ba me. Những lời phê bình khôi hài nhất dĩ nhiên là do những người không có trong ảnh. Lan chẳng hạn:

– Có phải bây giờ me mới béo đâu. Ngày xưa me đã có “khuynh hướng” béo cơ mà.

– Láo nào! Trước me béo đẹp.

Trông đôi mắt me dữ quá. Có ông nào bị me thôi miên đi không?

– Suỵt!… Ba nghe thấy đấy. Ba có hay ghen không hở me?

Me chúng tôi cười. Đôi mắt xâu to và hàng lông mi cong dưới đôi mày dậm cũng như cười theo.

– Mẹ không được nói dối đấy. Ba ngày xưa ghen lắm phải không?

– Còn phải nói. Anh còn nhớ mỗi khi đi hội chợ hay đi xem phòng triển lãm nào nếu có ai nhìn me là ba có vẻ bực tức lắm.

Lan dơ một tấm ảnh lúc ba tôi ở Chapa tay cầm một cái ba-toong.

– Các ông sợ ba là phải. Ba cầm ba-toong cơ mà.

Riêng tôi, tôi biết ba tôi rất hay ghen. Những trận cãi nhau giữa ba và me tôi hồi chúng tồi còn nhỏ tuy có làm chúng tôi sợ hãi đôi chút, nhưng chúng tôi lại được lợi. Sau mỗi trận cãi nhau to, sau khi nghe ba tôi gọi me tôi bằng “cô” và me tôi gọi ba tôi bằng “ông” thì me tôi cả quyết xếp quần áo vào va li và lôi cổ chúng tôi về quê bà ngoại. Chúng tôi “bắt buộc” phải nghĩ học và sống những ngày đầy thích thú ở trại cho đến khi ba tôi mò xuống xin lỗi me tôi và làm lành. Ông bảo:

– Lâu không có chúng nó để mắng cũng thấy nhớ!

Me tôi cao hơn mực trung bình đối với người đàn bà Việt, trên một thước sáu mươi. Bà chỉ thấp hơn ba tôi một chút xíu. Đôi vai tròn, khuôn mặt nét đều và đầy đặn của bà trái ngược hẳn với khuôn mặt sương sương toàn những nét gẫy của ba tôi.

Me tôi có nhiều anh trai, nên có lẽ vì thế đã quen thuộc với lối sống bừa bãi nhiều khi kỳ quái của các anh. Nhờ những kinh nghiệm đó bà rất rộng lượng với các con trai không lấy gì làm kiểu mẫu lắm như chúng tôi. Đấy cũng là một tính xấu của bà: Chiều con và rất dễ tha thứ.

Những bạn trai của tôi, của riêng Liên, của Liên nhưng do tôi giới thiệu đến thăm gia đình tôi, nhiều lúc phải ngạc nhiên và bỡ ngỡ vì thấy mẹ tôi trong khi nói chuyện tỏ ra rất thông thạo và hiểu biết về những vấn đề mà các bà mẹ cùng một thế hệ với bà không dám đả động tối: tình yêu hoặc quan niệm sống của phái trẻ và của chính bà.

Bà có thể xen vào câu chuyện:

– Các cô các cậu bây giờ bàn đến yêu đương có vẻ quan trọng lắm. Thời me ấy à…

Liên chớp chớp mắt, đó là một lối điệu đặc biệt của nàng mà Lan gọi là “chớp mắt ngượng ngùng” và kêu lên nho nhỏ:

– Me!

Làm như câu chuyện me tôi sắp kể không nghiêm trang và hợp với một bà mẹ. Lan thì cười có vẻ thích thú và lại còn xúi thêm:

– Yên nào! Chị tưởng chỉ chị mới biết thế nào là mơ mộng à? Em cam đoan thời trẻ ba cũng tán me mất công lắm, phải không me?

– Me tôi cười rất tươi. Me tôi không cười bằng miệng mà còn cười bằng cả người. Khi bà cười cũng như khi bà ăn ai cũng thích ngắm.

– Me nhớ dạo me đi xem mặt bác Ba gái hộ bác trai.

Lan và Liên kêu lên:

– Đi xem mặt hộ! Thế bác trai không đi à?

– Không! Khi me về Bác thản nhiên hỏi. “Thế nào? Trông cô ta có được không?”.

Me trả lời. “Em cũng chưa biết. Cũng đường được… Cô ấy ngoan.” Bác Ba bảo: ” Cô bằng lòng tôi cũng bằng lòng”.

– Thế me có bằng lòng không?

– Lan dốt quá, nếu me không bằng lòng tại sao lại có bác gái.

– Nói đến chuyện dựng vợ gã chồng cho các con me tôi có một ý kiến khá đặc biệt:

– Lan, Liên ưng ai me gả liền. Miễn là cưới đừng tốn (me tôi lúc nào cũng sợ tốn). Còn con trai thì bao giờ cưới vợ cũng được. Càng muộn càng tốt.

Mẹ tôi là thủ quỹ của gia đình. Không may cho chúng tôi me tôi rất thích tiêu tiền, thích ăn ngon và thích làm người khác ăn ngon. Bọn chúng tôi dĩ nhiên chỉ biết ăn cho khoái miệng. “Sao chúng nó ăn sành thế! Con nhà lính tính nhà quan”. Khả năng thưởng thức món ăn chúng tôi đã cao đến độ ba tôi phải thốt lên câu đó đủ hiểu.

Gia đình tôi trong mấy ngày đầu tháng bao giờ cũng tưng bừng nhộn nhịp. Tiếng gà vịt kêu xen lẫn tiếng dao thớt nghe thật êm tai. Trong bếp lúc nào cũng lúc nhúc những người là người, cả nhà tận lực nặng óc ra để nghĩ xem có món gì ngon cần phải ăn. Điều gì chứ điều đó ai cũng giầu óc tưởng tượng cả. Mặc dầu ba tôi ngăn cản và đe:

– Sao chúng mày không bảo me mời cả phố đến ăn một thể. Có bao nhiêu tiền tiêu cho thật hết. Rồi thì ăn muối.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button