Văn học trong nước

Đừng Hôn Ở Hội An

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đinh Lê Vũ

Download sách Đừng Hôn Ở Hội An ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

HỘI AN qua mắt Vũ…

Tôi luôn tự nhận mình là người yêu Hội An ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Từ khi biết Hội An lần đầu (năm 1993 – và lập tức tiếc là sao biết quá trễ!), hầu như cứ có dịp ra miền Trung là tôi lại tìm về Hội An. Cũng đã khoảng mươi lần trong 20 năm. Thích những căn phố cổ. Thích những món ăn ngon. Thích biển Hội An êm. Thích dòng sông Hoài hiền hòa. Thích đêm Hội An lung linh ánh đèn lồng. Thích người Hội An thân thiện…

Tôi yêu Hội An bẩm sinh, ngay trong lần đầu được gặp, có thể vì mẹ tôi sinh ra ở Hội An, và bà hay kể về nó như một hoài niệm đẹp nhứt của thời thơ ấu. Cũng có thể vì tôi đã đến đó với một người đang là tình yêu mới tinh của tôi lúc đó…

Và lẽ dĩ nhiên, không thể không có những cái hôn ở Hội An.

Vậy mà cuốn sách này của Đinh Lê Vũ lại có tựa là Đừng hôn ở Hội An!

Gợi ngay cho tôi một sự tò mò, phải đọc.

Để rồi bất ngờ phát hiện, cả cuốn truyện ngắn và tạp bút này, không có cái tựa nào là Đừng hôn ở Hội An cả. Liên quan đến… hôn, chỉ có một truyện ngắn duy nhất là Nụ hôn đầu, sẽ làm đương sự nhớ đến cuối đời dù chỉ là một nụ hôn vội vàng trên má.

Vậy thì lý do gì để có cái tựa sách này?

Cuối cuốn sách, như để giải tỏa sự bực dọc của người đọc, Đinh Lê Vũ mới nhẹ nhàng giải thích lý do. Bạn sẽ cười xòa về cái lý rất cá nhân ấy. Dù có thể bạn sẽ không đồng tình, như tôi vậy, một người luôn sẵn sàng hôn bất cứ ở đâu nếu có cơ hội. Huống hồ gì là ở Hội An, một nơi đầy thơ mộng.

Dù sao, đừng nói về hôn, thì Đinh Lê Vũ đã làm tôi cực kỳ thỏa mãn với những truyện ngắn và tùy bút đẫm chất… Hội An. Anh đúng là một người Hội An chính hiệu, am tường từng con đường, từng căn nhà cổ, từng quán cà phê, quán ăn, từng buổi sáng-trưa-chiều-tối của từng mùa mưa-nắng-lụt lội ở Hội An…

Anh viết nhẹ nhàng, mượt mà, cứ như những lời kể thủ thỉ không có gì gay cấn. Nhưng sẽ cuốn hút những ai mê Hội An, vỡ ra thêm nhiều điều về cái thị xã nhỏ bé từng là một thương cảng phồn thịnh ở miền Trung ấy qua từng trang sách.

Văn tức là người? Cũng hiện ra trước mắt tôi một chàng trai hiền lành, hơi nhút nhát, sống nhiều với ký ức, lãng mạn đôi khi đến… lãng xẹt (ví dụ như chuyện xóa ngay số phone cô bạn gái – là người đầu tiên anh lưu danh bạ trong lần đầu có điện thoại, chỉ vì cô đã thay đổi sau khi đi làm, nói cô sẽ bỏ Hội An mà đi vì cô thích Sài Gòn! – truyện Như chẳng hề quen). Một chàng trai yêu không ít, theo tự nhận, đã hôn nhiều người khác nhau ở nhiều nơi, nhưng cuối cùng đã trúng đạn, bị bắt xác khi hôn ở Hội An!

Gấp sách lại, lòng tự hứa chuyến đi sắp tới sẽ lại là Hội An, để tìm đến những quán ăn, quán cà phê Vũ kể mà tôi chưa được tới. Đặc biệt sẽ dẫn ai đó tới một khu du lịch có cái tên Thuận Tình độc đáo, với lời “chúc những ai tình chưa thuận, đi Thuận Tình về thì tình sẽ thuận”…

ĐỌC THỬ

NHƯ LÀ HẠT BỤI

Tôi chở mẹ về quê tế xuân, mới được nghe kể chuyện về dì.

Dì là chị em chú bác ruột với mẹ tôi. Dì thứ sáu, tên là Lê Thị Đưa, trong gia đình gọi dì là dì Sáu. Dì sinh năm 1942, nhỏ hơn mẹ tôi vài tuổi, đến năm 1946 thì qua đời. Dì qua đời trong hoàn cảnh bi đát, hồi đó, gia đình ông ngoại bác đi tản cư trong núi để tránh sự truy lùng của Pháp. Dì bị một bệnh gì đó không nghiêm trọng lắm nhưng vì trong núi không có bác sĩ, không có thuốc men, thiếu thốn đủ thứ, gia đình ông ngoại bác không giữ được dì. Ông ngoại bác thuê người cáng dì về quê, mà cũng không dám về tới làng cũ, chỉ đến cánh đồng cách làng hơn mười cây số là an táng dì.

Tôi đi theo mẹ và mấy cậu, mấy dì khác lên thắp hương mộ dì. Từ nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên tôi nghe kể chuyện về dì. Mấy cậu, mấy dì em ruột của dì Sáu cũng không biết gì về dì ngoài cái tên vì mấy cậu mấy dì sinh ra lúc dì không còn. Ngay cả chút hình dung về khuôn mặt của dì cũng không có, vì lúc đó, gia đình ông ngoại bác nghèo, chuyện chụp hình chụp ảnh còn rất xa lạ. Chỉ có mẹ tôi là có nhớ đôi chút về dì, kể lại là hồi đó, dì dễ thương lắm, lại lém lỉnh, cả nhà ai cũng thương. Chỉ một câu, vậy thôi. Kể về một con người, đã đến và đi trong cuộc đời này, dù chỉ là bốn năm, nhưng chỉ có một câu là hết chuyện. Tôi nghe, và thấy có chút gì như là một cơn đau nhói. Cuộc đời quả thật bất công với người này, lại quá ưu đãi với người khác.

Nơi dì nằm, ngày xưa là đồng, bây giờ đất bồi thành khu rừng tràm. Mộ của dì có hoa tràm vương vương nơi nơi. Đường đi lên mộ đã được bê tông hóa nên xe máy có thể chạy thắng đến khu rừng tràm, không phải băng đồng như ngày xưa. Trong lúc chúng tôi, những kẻ hậu sinh thuận lợi hơn nhiều, lại cứ loay hoay làm thế nào để có nhiều tiền, để sống sung sướng, để được sang trọng, làm thế nào để vui (đôi khi phù phiếm), vẫn có những người đến và đi như là hạt bụi. Thật sự là những hạt bụi, không để lại dấu vết gì, cũng không ai nhớ…

Sẽ không ai nhớ bởi vì đám con cháu sau thế hệ mẹ của tôi, rất ít đứa biết về dì.

Tôi nghĩ mãi về dì.

MÙA LỤT

Hai nhà cùng nằm trên một con phố, đối mặt nhau. Con phố bé tẹo chạy dọc song song với đường bờ sông của cái thị xã miền Trung cũng bé tẹo này, với những mảng tường vôi loang lổ, mái ngói âm dương cũ kỹ, mùa đông rêu lên xanh rì. Thị xã hiền hòa, những con phố ở đây cũng hiền hòa, âm thanh nhộn nhịp ồn ã chỉ vang lên vào những ngày nắng đẹp hoặc những đêm hội hè. Còn lại, bao trùm một bầu không khí bình yên, tĩnh lặng…

Buổi sáng, đến giờ đi học, bao giờ thằng bé cũng đứng bên này lề đường ơi ới gọi con bé. Rồi con bé, sẽ đường hoàng xuất hiện sau cánh cửa gỗ nặng ì đã lên nước đen bóng, tóc chải thẳng nếp, áo trắng, váy xanh, cặp sách sẵn sàng, chạy băng qua đường. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hai cái bóng nhỏ xíu nắm tay nhau đến trường gần như một lệ thường ở con phố bé tẹo này. Trường ở gần nhà thôi, chỉ băng qua vài ngã ba, ngã tư là đến. Dõi theo hai cái bóng nhỏ xíu, ngộ nghĩnh là bốn con mắt ngập tràn thương yêu của hai bà mẹ. Họ cũng là bạn của nhau từ hồi còn cắp sách…

Mùa đông, những đám mây đen nặng trĩu kéo về vần vũ trên bầu trời, loa phóng thanh cuối phố oang oang báo tin gió mùa đông bắc, con phố nhỏ bắt đầu chìm đắm trong mưa. Mưa rơi, có lúc ào ào như trút nước, có lúc râm rỉ như chảy qua mặt rây, thường kéo dài đến mấy ngày liền không tạnh. Gió thổi ào ạt, lá vàng rụng đầy. Cứ mưa hai ba ngày như thế, nước sông từ từ dâng lên. Nước mưa trong phố chạy ra, cộng với nước mưa trên nguồn đổ xuống đục ngầu nhanh chóng làm thành trận lụt, bắt đầu từ con đường bờ sông, rồi kế đến là con phố có hai căn nhà đối mặt nhau. Mùa lụt bắt đầu vào tháng mười hằng năm. Nước cứ dâng lên, thoạt tiên mấp mé lề đường, rồi đến bậc thềm, từ từ lần vô nhà, tuôn vào mọi ngõ ngách. Có khi, chỉ nghe mưa rào rào suốt đêm, sáng ra thức dậy, con phố nhỏ đã thành dòng sông trước nhà. Dòng sông nước lụt đỏ nặng phù sa, khi nước rút, để lại một lớp đất bùn đặc quánh…

Những ngày như vậy, trường hay thông báo cho nghỉ học. Mà cũng chẳng cần thông báo cho nghỉ học, hai đứa bé cũng không thể nào tự lội nước đến trường, trong lúc người lớn bận bao nhiêu là việc. Người lớn loay hoay dọn dẹp nhà cửa, trông chừng theo mực nước lên, bàn ghế, giường tủ, và cả xe honda nữa, lần lượt được kê cao bằng một lớp gạch, hai lớp gạch, rồi ba lớp… Nước lên đến đâu thì kê cao đến đấy. Còn lại, cả ngàn thứ vặt vãnh, giày dép, chai lọ cũ và muôn thứ hầm bà lằng khác lâu nay không đụng đến cũng được lôi ra, cái nào giữ lại thì cất đặt lên cao, cái nào không dùng nữa thì thả trôi theo dòng nước lụt. Rồi lại lấy ván ép mà chèn cửa, không cho rác rưởi vào nhà. Không ai rỗi hơi mà chú ý đến hai đứa bé. Kê một tấm phản thật cao, thật chắc chắn ở hiên nhà, thả kèm vài cái gối, mền và ít đồ chơi, trừng mắt dặn: “Ở đó chơi nghe chưa. Lội xuống vọc nước là ăn đòn đó!” là có thể yên tâm đi lo việc của mình. Hai đứa bé vốn là hai đứa bé ngoan…

Những ngày nước lụt đối với người lớn là một chuỗi cực nhọc, lo toan thì dưới mắt hai đứa bé lại là niềm vui thích tột cùng. Ngồi trên tấm phản, con bé ước ao biết bao được xắn ống quần lội tung tăng ngoài đường nước chảy, đón nhặt những chiếc lá vàng trôi theo dòng nước, để nước mơn man ve vuốt bàn chân. Ngồi trên tấm phản, thằng bé ước ao biết bao được đặt chân xuống nước, lội sang bên kia đường đến chỗ tấm phản nơi con bé ngồi, cùng ngắm con phố quen thuộc bây giờ trở thành một dòng sông nhỏ với muôn ngàn hấp dẫn của một dòng sông thực thụ. Mà thật ra, thằng bé có cần gì hơn. Nó chỉ muốn được ngồi bên cạnh con bé, được nghe con bé cười khanh khách mỗi khi có vật nào đó trôi theo dòng nước bị vướng lại, được nhìn những chiếc răng sữa be bé, trắng tinh và đều tăm tắp của con bé. Rồi hai đứa bày đồ chơi ra chơi. Thằng bé sẽ cầm chiếc xe hơi bằng nhựa “tin tin” lái xe chạy lăng xăng, chốc chốc quay lại hỏi con bé đang chu môi thổi chiếc bếp lò và nồi cơm nhỏ xíu cũng bằng nhựa: “Có cơm ăn chưa?”. Và con bé, sẽ làm như thể bận rộn lắm, đưa tay giả bộ lau những giọt mồ hôi tưởng tượng trên trán, lắc đầu: “Chưa có, sao mầy mau đói quá vậy?”. Rồi hai đứa sẽ nhìn nhau cười. Chỉ mới nghĩ đến chừng đó thôi, thằng bé đã thấy nôn nao. Ngồi bên này chơi một mình, nó buồn quá…

Thằng bé nhìn qua bên kia con phố, không, bây giờ là dòng sông nước lụt, hướng nơi con bé ngồi và gọi: “Nhiên! Nhiên!”. Con bé quay lại cười, vẫy tay rối rít: “Hoan! Hoan! Lội qua đây chơi đi!”. Lời rủ rê của con bé nghe mới hấp dẫn làm sao! Nó len lén thò chân xuống nước, bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của mẹ và tiếng nạt khẽ: “Rút chân lên nghe chưa, Hoan!”, vội vàng co chân lên, tiếc rẻ… Mặt thằng bé buồn xo. Con bé gọi mãi, thấy thằng bé không sang được, quay lại phụng phịu với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ cho con qua bên thằng Hoan chơi nhe mẹ!”. Đề nghị của con bé không được mẹ chấp thuận, mắt nó rưng rưng. Con bé ngồi buồn xo… Dòng sông bé tẹo thôi, nhưng sao ngăn cách hai đứa quá chừng…

Trong lúc con bé đang chèo chẹo làm nũng với mẹ thì thằng bé đã nghĩ ra một trò mới, và nó khoái chí với mình lắm. Nó xé giấy vở xếp luôn một lúc mấy con thuyền giấy, í ới gọi con bé: “Nhiên ơi, để tao gởi mấy chiếc thuyền này qua cho mầy nghe!”. Mặt con bé tươi tỉnh hẳn lên. Nó khum khum hai bàn tay nhỏ xíu làm loa gọi sang: “Mầy gởi thư qua cho tao nữa nhe!”. Thằng bé cuống quít: “Ừa, ừa, tao gởi liền đây!”. Con bé lại khum khum tay: “Ừ, mầy gởi liền nhe!”. Chỉ có chừng đó thôi mà hai đứa nói qua nói lại cả buổi. Cuối cùng, mấy chiếc thuyền giấy cũng được thả xuống nước. Không chiếc thuyền nào qua được đến bờ bên kia. Nước lụt cứ chảy xuôi, cuốn trôi những chiếc thuyền giấy đến cuối đường, quẹo ngang về hướng sông. Con sông lớn, nước chảy ồ ạt, không như dòng sông nước lụt nhỏ bé chảy ngang trước nhà, đã cuốn trôi đi những chiếc thuyền giấy mỏng manh cùng với những xác lá vàng tơi tả…

Có một lần, thằng bé cũng len lén lội sang bờ bên kia với con bé. Lúc đó, mẹ nó đang mím môi kê lại chiếc bàn máy may trong nhà, việc trông chừng thằng bé có phần lơi lỏng. Thằng bé nhìn quanh, không thấy ai, thò một bàn chân, rồi hai bàn chân xuống nước. Nước lụt mơn man chân nó, mát rượi. Thằng bé thả hẳn người xuống khỏi phản, từ từ men xuống bậc thềm, lội băng qua đường. Bên kia, con bé khua khua hai tay mừng rỡ, miệng không ngớt gọi: “Hoan, nhanh lên, Hoan ơi!”. Nước chỉ dâng cao đến quá đầu gối thằng bé một chút, nhưng chảy xiết… Thằng bé đã tiến sang được quá nửa đường, gần đến bờ bên kia, trông mặt nó hớn hở làm sao. Thình lình, nó vấp phải một hòn đá khá lớn nằm ngang giữa đường, khuất sâu dưới nước, không nhìn thấy được, Thằng bé loạng choạng, ngã xuống, ướt mèm. Con bé ngồi trên chiếc phản khóc thét lên: “Mẹ ơi, thằng Hoan bị té!”. Người lớn chạy ra, và thằng bé nhanh chóng được đỡ dậy, mang vào nhà thay áo quần, sưởi ấm, xoa dầu khắp người. Nước lụt không sâu, nhưng khi ngã xuống, thằng bé cũng kịp uống vài ngụm, òng ọc. Sau lần đó, thằng bé bị một trận đòn nên thân đã đành, con bé cũng bị đòn vì tội “rủ rê”… Cũng may là nước lụt chỉ dâng lên vài ngày rồi rút. Sau vài trận mưa “dội bùn”, thường có sau mỗi trận nước lụt, cuốn trôi đi hết mọi rác rưởi, bùn đọng nước lụt để lại, con phố lại sạch sẽ, sáng trưng. Dấu vết của nước lụt bấy giờ chỉ còn là những vệt sẫm màu nhờ nhờ trên tường nhà, chỗ mực nước lúc dâng lên cao nhất…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button