Văn học trong nước

Đội Thiếu Niên Du Kích Đình Bảng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Xuân Sách

Download sách Đội Thiếu Niên Du Kích Đình Bảng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Từ khi ra đời đến lần in thứ ba này đã mười năm. Nhiều lớp bạn đọc nhỏ tuổi đã làm quen với những người bạn trong Đội du kích thiếu niên Đình Bảng. Hơn thế, nhiều bạn đã đến Đình Bảng, nhìn và nghe lại chuyện cũ, qua những dấu tích đã trở thành kỷ niệm, và được gặp những người trong Đội thiếu niên ngày ấy (dĩ nhiên bây giờ họ đã lớn tuổi).

Sự thú vị là khi các bạn đến Đình Bảng đều có những tình cảm xúc động và thường đặt ra hàng loạt câu hỏi có phần ngạc nhiên: Hoan là ai? Thư đâu? Nơi nào là chỗ Húc bị bắn? Đâu lăng Lòng Chảo, mộ Lý bát đế?… Có thực như trong truyện không?

Tác giả thật hồi hộp khi được biết những câu hỏi và ý nghĩ ấy. Nhưng sự thật trong đời sống thường phong phú hơn truyện của người viết. Đội du kích thiếu niên Đình Bảng đã được ghi tên trong lịch sử truyền thống của Đội, đã có ảnh trong Viện Bảo tàng cách mạng, tên tuổi đã vang xa ra ngoài biên giới. Đến Đình Bảng, các bạn đã biết đấy, có nhiều phái đoàn các nước tới thăm, có nhiều thư từ và quà tặng của các bạn nhỏ từ Liên Xô, Trung Quốc, Bun-ga-ri, Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ Đức… gửi tới.

Trong những dịp đi ra mặt trận, hoặc ở công trường, thỉnh thoảng và may mắn, tôi lại được gặp một anh, một chị ở Đình Bảng. Chúng tôi làm quen với nhau ngay. Những anh chị đó nhắc tới quyển sách rồi cùng tôi ôn lại những kỷ niệm mà họ đã trải qua trong thời kỳ hoạt động ấy. Tôi biết thêm được nhiều điều mà trước kia tôi chưa biết. Tôi cũng nhận được nhiều thư của bạn đọc gửi tới góp ý về quyển truyện, hoặc đặt ra những câu hỏi muốn tôi trả lời. Vì vậy, ở lần in thứ ba này tôi có sửa chữa chút ít theo khả năng có hạn của mình, để đáp ứng lòng yêu mến của các bạn đó với quyển sách, đúng hơn là đối với Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của tất cả chúng ta.

Tôi xin phép được nhắc lại: Không thể nào kể hết được câu chuyện trong năm năm của hàng chục, hàng trăm người trên vài trăm trang giấy. Dựa trên những sự việc có thật, những con người có thật, câu chuyện có sắp xếp lại, thay đổi vài sự việc lẻ tẻ, thay đổi tên người cho phù hợp với cách kết cấu của truyện.

Tôi biết ơn những người đã làm nên sự nghiệp vẻ vang. Cám ơn các đồng chí ở Đình Bảng đã giúp tôi nhiều trong việc viết quyển sách. Cám ơn tất cả bạn đọc xa gần đã góp ý và khuyến khích tôi.

Mùa xuân 1975

Người viết

ĐỌC THỬ

1.

Te tò tí te…

Con bò xe kéo,

con bò kéo xe…

Mỗi buổi sáng, thằng Tây móm lạch bạch leo lên tháp canh giữa làng Đình Bảng rúc lên một điệu kèn như vậy. Cái tiếng kèn đáng ghét ấy làm tắt hết những tiếng gà gáy. Trước kia gà trong chín xóm của Đình Bảng trù phú đông đúc mỗi buổi sớm đua nhau gáy vang. Bản hợp xướng sôi nổi đủ loại tiếng gà ấy kêu gọi mặt trời lên, kêu gọi người lớn ra đồng, trẻ con đi học. Tiếng bước chân trâu rậm rịch, tiếng cười trong trẻo vang lên khắp đường làng thanh bình êm ả. Bây giờ, sau tiếng kèn chói tai ấy ré lên là tiếng chửi rủa thô tục, tiếng gõ cà mèn, tiếng ô tô rú máy, đủ thứ tiếng bát nháo hỗn độn của bọn lính Tây, lính nguỵ chiếm đóng trong làng. Chúng chiếm đóng đến hai phần làng, còn năm nghìn dân, chúng bắt ở dồn lại thành những vòng đai để làm cái “áo giáp” che chở cho chúng. Ba bốn gia đình ở chen chúc trong một nhà. Người ta nằm trên giường, nằm dưới đất, ăn ở góc sân, ở xó nhà. Đời sống bị xáo trộn. Đường ta giặc đi, nhà ta giặc ở. Giặc chà

đạp lên tự do của dân làng. Gót giày của chúng xéo lên đất đai cây cỏ. Đến những con gà cũng chen chúc trong chuồng. Bọn giặc tai nghe tiếng gà gáy ở đâu liền mò đến vừa mua vừa ăn cướp. Quần áo của chúng đã may sẵn những cái ” túi bắt gà ” to tướng. Còn đâu tiếng gà gáy. Tiếng gà gáy rộn rã, xôn xao náo nức xưa kia, bây giờ thay bằng tiếng kèn tò te chói tai, xa lạ. Sau hồi kèn ấy, dân làng lại nhìn nhau như dò hỏi xem ngày hôm nay sẽ xảy ra sự gì. Họ thấp thỏm lo âu…

Bấy giờ là cuối năm 1949. Thực ra, bọn Pháp đã tiến đánh Đình Bảng từ tháng 3 năm 1947, nhưng bị dân làng đánh bật ra. Trận đánh ấy thật là vang dội. Giặc đem xe tăng, quân lính đến, tưởng nuốt trôi ngay cái làng ở ngay cạnh đường cái, chỉ cách Hà Nội mười sáu cây số. Nhưng Đình Bảng đã đánh trả oanh liệt. Từ trước cách mạng, Đình Bảng đã có cơ sở hoạt động bí mật; khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đội du kích của làng đã được tổ chức. Cuộc thử sức đầu tiên đã giành được thắng lợi. Qua một ngày ròng rã, giặc tháo chạy, để lại nhiều xác chết.

Sống chết chúng phải chiếm được Đình Bảng để củng cố tấm bình phong che chở cho Hà Nội. Vì vậy, hai năm sau chúng kéo về một lực lượng lớn gồm hai G. M. (binh đoàn lưu động) với đủ xe tăng, đại bác đánh chiếm Đình Bảng. Ta phải tạm rút lui để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Từ đó, chúng đánh chiếm cả vùng nam phần Bắc Ninh, rồi lấn dần vào đất đai tự do của chúng ta. Tuy vậy, ngay trong vùng chúng chiếm đóng, ta vẫn xây dựng được những khu căn cứ du kích. Những khu căn cứ du kích ấy như những cái gai cắm vào mắt chúng, hết sức nhức nhối, nhưng không dễ gì mà chúng nhổ đi được.

Bọn giặc có ý định xây dựng Đình Bảng thành một vùng hậu phương an toàn, dùng làm nơi xuất phát các cuộc hành binh; và khi đi càn quét về thì nghỉ ngơi củng cố. Đình Bảng có địa thế thuận lợi: gần Hà Nội, gần đường cái, lại là một làng giàu có, nhiều nhà ngói, đường sá rộng rãi, khô ráo. Dân vừa làm ruộng, vừa buôn bán. Dáng điệu nhẹ nhàng thanh lịch của các cô gái với những bộ quần áo tơ lụa, những gánh hàng tung tẩy trên vai làm cho chúng chú ý. Chúng nghĩ rằng với tiền bạc và hàng hóa hấp dẫn, có thể làm cho họ dễ dàng sống qui thuận, yên ổn dưới bàn tay lót nhung của chúng. Chỉ cần đánh bật những cơ sở cách mạng đi là ổn. Cái làng này không ít những cơ sở ấy. Trong tài liệu tình báo của chúng có đủ cả tên tuổi những người hoạt động cách mạng ở làng. Với ý định ấy, đánh chiếm xong, chúng lập tức dò xét phá hoại cơ sở của ta, nhưng mặt khác chúng cũng lừa phỉnh, tung tiền và hàng hóa, đề ra những “cải cách” để hòng biến nơi này thành nơi nghỉ ngơi an toàn thật sự.

Te tò tí te…

Con bò xe kéo,

con bò kéo xe…

Lại như hôm qua, mặt trời lên đỏ rực, gió thổi đưa cái mùi khét lẹt như lông bò thui của bọn lính bay khắp làng, ngửi vào chỉ còn thiếu buồn nôn. Nhưng hôm nay đã có những chuyện khác hôm qua rồi.

2.

Buổi trưa im lặng. Tên lính bảo hoàng gác trên tháp canh vẫn nhìn hau háu ra cánh đồng trước mặt. Từ chân rào rìa làng chạy ra là một khoảng đồng trống bỏ hoang. Chúng nó rào 3 lần dây thép gai trên mặt ruộng khô nẻ vì nắng hanh. Từ những khe đất nẻ trồi lên một vài cây mạ. ở chỗ trước kia là bờ ruộng, những đám cỏ mọc xanh um và những cây cúc áo vọt lên những đốm hoa vàng le lói. Tuy vậy vẫn không giảm được cái không khí nhức nhối ảm đạm của cánh đồng hoang trông đến rợn người. Trông xa hơn là mấy làng Phù Lưu, Phù Chẩn, Phù Ninh hợp thành một khu xanh thẳm. Đấy là khu du kích của ta, là nơi ta trông thấy mà kiêu hãnh, mà gửi gắm niềm hy vọng. Nhưng đó cũng là nơi làm cho địch mất ăn mất ngủ, tìm mọi cách triệt hạ đi. Nắng hanh, bầu trời xanh nhạt óng lên như mặt biển, cái khu xanh thẳm kia nổi lên như một chiến hạm, bất thần sẽ nổ những phát súng vào kẻ địch. Đấy cũng là mặt canh phòng chủ yếu của bọn chúng.

Trong mảnh vườn gần chân tháp canh có một người đàn ông và một chú bé đang cuốc đất. ở góc vườn, một người đàn bà ngồi nhặt cỏ. Chị trùm cái khăn vuông đen từ trên đầu bịt chéo xuống cằm che lấp nửa khuôn mặt, chỉ lộ cặp mắt đen lấp lánh tươi trẻ. Người đàn ông mặc bộ quần áo nâu bạc màu, vừa cuốc vừa thỉnh thoảng đưa mắt nhìn lên phía tháp canh, mỗi lúc cuốc gần chỗ chú bé lại trao đổi thì thầm:

– Lượt vẫn nhớ các đội viên cũ đấy chứ?

– Em vẫn nhớ.

– Dựa vào tổ chức cũ, ta thành lập lại Đội.

Nhưng tình hình mới, phải chọn lọc lại cẩn thận hơn.

Lượt cúi đầu cuốc nhưng vẫn chăm chú lắng nghe.

– Từ nay phải hoạt động bí mật. Anh không về làng luôn được, mọi việc chị Gái sẽ bàn với các em.

Lượt nhìn nhanh về phía người đàn bà ngồi ở góc vườn.
Người đàn ông chống cuốc đứng thẳng lên nói to:

– Cậu về nhà xem khoai luộc đã chín chưa mang ra đây nhé.

Lượt vác cuốc đi qua chỗ người đàn bà, ghé lại thì thầm một lát, rồi đi ra khỏi vườn, khuất vào xóm.

Người đàn ông cuốc gần lại phía góc vườn. Từ trong khu nhà địch chiếm đóng, một chú bé mặc bộ quần áo đen, tay ôm một mớ vỏ đồ hộp chui qua hàng rào găng và xuất hiện ở góc vườn. Người đàn ông hỏi:

– Đứa nào đấy?

– Hoan, con bà Thử, chúng ta cũng đang cần gặp đấy.

– Sao dạo này trông nó gầy nhom, lạ hẳn đi!

– Có gì ăn mà chả gầy. Bố chết, một mẹ xoay xở nuôi bảy đứa con.

Người đàn ông thấy Hoan đang nhìn ngơ ngác liền đi vào chỗ khuất, giơ tay vẫy Hoan lại gần, chỉ vào mớ vỏ đồ hộp:

– Chú mày lấy cái của này làm gì?

– Em đem đổi cho hàng đồng nát lấy bánh mì. Hoan chăm chú nhìn người đàn ông, hơi ngờ ngợ, rồi, quay ra hỏi người đàn bà:

– Ai cuốc vườn cho chị Gái đấy?

Người đàn ông cười:

– A, cậu không nhận ra tớ nữa à?

Hoan đã nhận ra, mặt Hoan ánh lên niềm vui:

– Anh Bát, thế mà em cứ tưởng ai! Anh đi đâu lâu nay mới về?

Bát vội ra hiệu cho Hoan, nói nhỏ:

– Này, cái thằng đứng trên tháp canh kia nó nghe thấy bây giờ. Cậu lấy những thứ này chúng nó không nói gì à?

– ồ, chúng nó vứt bừa ra đấy, dọn đi cho, chúng còn “méc-xì” (cảm ơn) nữa kia. Bát mỉm cười nheo mắt nhìn Hoan:

– Thích nó “méc-xì” hay là thích bánh mì?

Hoan lặng người đi và chợt thấy khó chịu vì nụ cười có vẻ chế giễu của anh Bát. Hoan ném mớ vỏ đồ hộp xuống kêu loảng xoảng.

Tiếng động đó làm cho tên lính gác trên tháp canh chú ý nhìn xuống. Chị Gái liền quát to:

– Của quỷ, có xéo đi không, đem cái của nợ ấy vào vườn người ta làm gì? Nhặt hết đi!

Hoan lầm lũi bước đi. Chị Gái vội chạy theo nắm lấy tay Hoan. Hoan vùng vằng:

– Em không nhặt.

Chị Gái xoay người Hoan lại để Hoan nhìn vào mặt mình. Chị gạt cái múi khăn xuống cằm, mỉm cười dịu dàng:

– Hoan, nghe chị nói này, đừng để ý đến chuyện vừa rồi. Sao lâu nay em không đến nhà chị?

– Bây giờ có được đi lại lung tung như trước nữa đâu.

Chị Gái gật đầu:

– Phải đấy, nhưng tối nay em đến nhà chị nhé, chị có việc cần nói với em, rồi em sẽ hiểu.

– Vâng. – Hoan trả lời do dự.

Chị Gái nhắc lại:

– Em đến chứ?

– Vâng, em đến.

3.

Buổi chiều, bất ngờ địch đem quân ra quây các xóm dân ở. Chúng sục vào từng nhà lục lọi tìm kiếm, xem các sổ kê khai nhân khẩu và lùa dân ra tập trung ở sân đình. Hoan cũng ra chỗ tập trung. Từ khi địch chiếm đóng, đây không phải là lần đầu tiên địch tập trung dân như vậy. Nhưng lần này Hoan thấy lo lắng, Hoan cảm thấy việc này hình như có dính líu với việc anh Bát về làng. Hoan ôn lại chuyện xảy ra ban trưa. Việc chị Gái hẹn tối nay đến nhà chị, tất nhiên không phải là đến chơi. Tự nhiên Hoan thấy có chuyện gì mới lạ đang chờ mình. Chợt một loạt súng nổ vang trong xóm khiến mọi người bồn chồn lo lắng nhìn nhau. Hoan không thể ngồi yên được nữa. Trông thấy Phát, một đứa bạn thân ở gần nhà, Hoan liền luồn đến chỗ bạn:

– Chúng nó bắn gì đấy?

Phát thì thầm :

– Hình như có cán bộ về làng.

– Sao mày biết?

– Tao đoán thế, nhưng cũng có thể chúng bắn vu vơ thôi.

Phát vẫn lầm lì. Hoan nghĩ mình lo lắng vô cớ. Lần quây ráp nào chúng chẳng bắn vài tràng súng vu vơ như thế.

Một lát sau, bọn địch đi quây trở về. Tên chỉ huy gườm gườm nhìn dân làng. Hắn nói lúng búng điều gì đó rồi cười nhăn nhở, khoát tay :
– Tốt, tốt, cho về.

Ở đám đông đi ra, Hoan muốn chạy ngay đến nhà chị Gái, nhưng kịp nghĩ ra là không nên làm như thế. Hoan quay về nhà. Đến bữa ăn mẹ Hoan hỏi :
– Mày làm sao thế, Hoan? ăn đi chứ, sao cứ ngồi ngớ ra thế?

Cái Hỉ, em gái Hoan, trả lời thay anh :

– Nghe súng bắn “đùng”, anh ấy sợ đấy u ạ.

Hoan đang định nói thì thấy mẹ đặt bát cơm xuống thở dài và đưa chéo khăn lau nước mắt, đôi đũa cầm ở tay run run :

– Năm kia chúng nó bắn thầy chúng mày, cũng một tràng súng như vậy đấy.

Hoan nuốt miếng cơm thấy nghẹn tắc ở cổ.

Chưa bao giờ Hoan thấy một buổi chiều dài lê thê như vậy. ánh nắng chạy ngược lên đến ngọn cây phi lao ở sân đình rồi nằm im tại đấy. Hoan cầm cái gậy nhỏ ngồi ở thềm đình nhìn lên ngọn phi lao, chờ cho nắng tắt. Phải chi như trước kia, Hoan đã cầm gậy ép sát vào lưng, quay lộn trên bãi cỏ, sẽ thấy trời đất cùng quay lộn với bãi cỏ rộng mênh mông. Trông kìa, bây giờ sân đình đầy những đầu mẩu thuốc lá, những mảnh giấy vụn, những vết giày đinh sục đất lên, đến nỗi chỉ nghĩ đến việc đặt lưng xuống bãi cỏ cũng không thể được. Cái trò vui chơi trước kia bỗng chốc thấy xa xôi lắm rồi. Gió vẫn reo vi vu trên cành phi lao. Vui gì mà reo lên thế hỡi cây phi lao ? Một tốp lính nghênh ngang ra sân đình dạo chơi. Chúng cười hô hố, kéo nhau về phía các quán hàng. Một dãy phố nhỏ mới mọc lên. Hàng ăn, giải khát, hàng tạp hóa, vài hàng thợ may và một dãy hàng cắt tóc.

Một tên lính mặt trắng như bột nặn, thúc mũi giày vào lưng Hoan:

– Bé tí nhau, ngồi làm gì thế?

Hoan không để ý nên giật mình run bắn lên. Chúng nó cười :

– Mày làm thằng nhóc sợ vãi đái ra quần rồi kia.

Hoan tái mặt, như có cái gì xói vào óc. Hoan lặng người đi, vừa xấu hổ vừa bực tức vì nỗi lo sợ bất ngờ của mình, vừa muốn vụt ngay gậy vào

giữa hàm răng của cái thằng đang cười nhăn nhở kia. Mắt Hoan bỗng nhòa đi. Hoan vụt đứng dậy vòng ra sau đình đi vào trong xóm. Bóng tối ụp xuống sau lưng Hoan.

Lúc ở chỗ tập trung, chị Gái có trông thấy Hoan, chị biết cả nỗi lo lắng của Hoan lúc nghe tràng súng nổ. Chị ngồi tránh không để Hoan nhìn thấy, chị lo Hoan sẽ đến gặp chị, như thế chẳng có lợi gì. Chị giữ vẻ bình thản bên ngoài, nhưng trong lòng lại không yên. Mặc dù chị biết anh Bát không dễ dàng bị lộ, vì anh đã có cơ sở kín đáo, nhưng chị vẫn không sao yên tâm được. Có khi chỉ một hành động sơ xuất nhỏ nhặt, vô lý mà tác hại không lường được. Tuy vậy, lúc trở về, chị cũng chưa dám đến ngay cơ sở mà anh Bát ở. Chị chờ đợi Hoan, lòng thấp thỏm…

Những ngày đầu địch chiếm đóng, nhiều cơ sở của ta bị vỡ. Buổi đầu khó tránh khỏi điều đó. Các cán bộ phải bật đi để giữ lực lượng. Lúc ấy chị chẳng kịp gặp ai nữa. Chị cảm thấy lẻ loi như gà con mất mẹ. Sống ra sao đây? Nhẫn nhục trong tay giặc hay là sẽ làm gì? Chị khao khát được gặp một cán bộ, dù là ai. Nhưng ngày lại ngày, địch cứ đan dần những mắt lưới khắc nghiệt, đe dọa, bao vây dân làng. Đêm đêm chị vẫn nghe ngóng tiếng đập cửa, lắng nghe một bước chân, một tiếng nói quen thuộc, thèm muốn vô cùng một buổi sinh hoạt thanh niên để được đấm vào lưng nhau, được mọi người đề nghị năm lần bảy lượt chị mới đứng lên hát một bài quan họ. Và khi hát xong, có biết bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về phía chị. Bây giờ đây nếu có cuộc họp như thế, chẳng cần ai yêu cầu chị sẽ đứng lên hát một bài, mười bài, hát suốt đêm. Hạnh phúc mới giản dị làm sao! Bao giờ những ngày ấy sẽ trở lại ? Lính địch nhung nhúc trong làng đủ các loại. Súng ống, xe cộ khắp nơi. Nửa đêm những chiếc xe bọc sắt bỗng chốc rú máy lên như con thú điên làm tan hết mọi giấc ngủ vốn chập chờn.

Một buổi nhá nhem tối, chị đang đi trong xóm Xuân Đài, chợt thoáng thấy một dáng người quen thuộc phía trước. Chị rượt lên và xuýt kêu to : “Bác Nhã”. Chị ghìm được tiếng kêu, tim đập mạnh, vượt lên trước. Chắc chắn bác Nhã đã nhìn thấy chị, nhưng bác không nói gì, lanh lẹn lánh vào một ngõ vắng và mất hút. Chị định chạy theo, nhưng như có cái gì giữ chân chị lại. Người ấy đúng là bác Nhã rồi nhưng có phải là bác Nhã trước kia nữa không ? Có phải người đã từng dạy bảo, chỉ dẫn cho chị hoạt động không? Đêm ấy nước mắt chị ướt đẫm vạt áo. Ngày hôm sau người chị rã rời bần thần chẳng muốn làm gì, mẹ chị tưởng chị ốm. Nhưng đến tối mọi chuyện xảy ra đúng như chị ao ước. Có người đến gọi chị đi. Trong một căn buồng vắng vẻ kín đáo, chị được gặp bác Nhã. Vẫn khuôn mặt khắc khổ mà hiền hậu, vẫn hàm răng đen đã bị rụng một chiếc răng cửa, vẫn đôi bàn tay có những ngón ngắn và mập, vẫn bác Nhã trước kia đứng đầu làng chị. Nỗi hờn giận đau khổ trong lòng chị bỗng chốc tiêu tan hết, thậm chí chị còn thấy xấu hổ khi nhận ra những ý nghĩ hấp tấp thiếu chín chắn của mình.

– Tối hôm qua cô giận tôi phải không?

Gái rụt rè :

– Dạ.

– Có phải thế không?

– Cháu chỉ thấy tủi thân.

Giá lúc khác thì Gái đã được nghe tiếng cười hể hả của bác Nhã, nhưng lúc này bác nghiêm giọng :

– Bác cũng đoán thế, nhưng chắc bây giờ cô hiểu vì sao rồi. Dù có chết, bác cũng về làng này mà chết. Có thể nào quên được bà con dân làng? Nhưng kẻ địch đã đặt chúng ta vào một tình thế rất gay go. Việc hoạt động sẽ vô cùng khó khăn, phải cẩn thận và khôn khéo hơn nữa. Nhưng dù sao thì chúng ta vẫn không bó tay. Bó tay để chúng nó làm cỏ cả cái làng này ư? Có mà trời sập! Chúng ta sẽ hoạt động trong lòng địch, giữa cái nơi chúng tưởng như an toàn nhất, tưởng như dập tắt được mọi ý chí chống lại chúng. Chúng ta sẽ bàn bạc với nhau làm từng bước. Trước kia cô phụ trách thiếu niên, bây giờ bác bàn với cô về công việc ấy. Công việc sẽ nặng nề và quan trọng đấy…

Chị Gái đứng ở cổng đợi Hoan. Chị không phải đợi lâu, Hoan đã đến kia. Chị đưa Hoan vào bếp. Bếp lửa đầy than, cháy âm ỉ. Chị lấy hai củ khoai lùi vào bếp, vui vẻ nói :

– Khoai nhà chị nhiều bột lắm, ăn nghẹn cổ đấy Hoan ạ.

Hoan đang nóng ruột :

– Em chẳng thích ăn khoai đâu. Anh Bát có việc gì không chị?

Chị Gái vui vẻ trả lời ngay :

– Chẳng việc gì đâu.

– Em nghe tiếng súng nổ.

– Chúng nó bắn vu vơ đấy. Ban nãy chị được biết anh Bát đã yên lành trở về khu du kích rồi.

– Em cũng nửa tin, nửa không tin.

Chị Gái dịu giọng :

– Không nên quá lo lắng như thế. Lúc chiều ở ngoài sân đình, chị thấy Hoan lo lắng ra mặt. Như vậy không nên đâu Hoan ạ.

– Em lo thật đấy chứ.

– Chị có bảo em lo vờ đâu. Nhưng bụng thì lo, mà mặt vẫn phải như không mới được.

– Lần sau em sẽ làm như vậy.

Chị Gái mỉm cười nhìn khuôn mặt Hoan đang hồng lên và đôi mắt như hai chấm sao

nhỏ xíu. Chị chợt thấy hơi do dự về những điều sắp nói.

– Hoan ạ, – vẫn giọng nhỏ nhẹ của một người chị, – chúng ta không thể khoanh tay ngồi yên, mặc cho địch muốn làm gì thì làm. Ta phải tìm cách đánh lại chúng, anh Bát về làng là để làm việc ấy. Việc của các em là xây dựng lại Đội thiếu niên.

Hoan chăm chú nghe, lòng vui dần theo lời chị Gái. Chị bàn bạc với Hoan, giao nhiệm vụ cho Hoan. Chị hết sức tìm mọi lời lẽ diễn đạt được những điều cần nói để Hoan chú ý trong lúc này. Những hoạt động rồi đây sẽ bí mật, khác hẳn trước. Chị vừa khơi dậy ở lòng Hoan niềm say mê hoạt động, nhưng cũng làm cho Hoan thấy rõ những gì đang chờ đợi.

Khi tiễn Hoan ra đến cổng, hai chị em còn đứng cạnh nhau một lúc. Chị giúi hai củ khoai còn ấm nóng vào tay Hoan:

– Chị biết em đã nhớ những điều chị nói.

Chị rất tin em. Khi nào cần, chị sẽ báo em để em đến gặp chị. Chị em mình không gặp nhau luôn được; địch sẽ nghi ngờ. Vì vậy, em phải hết sức cẩn thận, em nhớ chứ?

– Vâng, em nhớ. Em về, chị nhé!

Nhìn bóng Hoan lẩn vào đêm tối, chị Gái chợt thấy băn khoăn vì một nỗi lo lắng mơ hồ. Không hiểu Hoan có cái cảm giác như hôm chị gặp bác Nhã không? Không biết chị có truyền lại được cho Hoan cái ý mà bác Nhã đã nói với chị không?

Cùng một lúc lòng căm thù giặc và tình yêu thương các em dội lên mãnh liệt trong lòng chị.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button