Văn học trong nước

Đời Thế Mà Vui

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Minh Quốc

Download sách Đời Thế Mà Vui ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

THAY LỜI TỰA

BI KỊCH CỦA ĐAN THIỀM THỜI NAY

Đọc tiểu thuyết hoạt kê Đời, thế mà vui của nhà thơ Lê Minh Quốc – ta sẽ có nhiều phen cười nôn ruột. Các nhân vật vây quanh lấy ta với đủ chiêu trò từ nhăng nhố đến bi hài nhằm khắc họa “sinh hoạt văn nghệ” đã và đang diễn ra trong đời sống này: Đạo diễn nổi tiếng Lắc Lơ của đoàn cải lương Nòng Súng bỗng nhảy sang lĩnh vực hài kịch. Đạo diễn này vừa dựng xong vở hài kịch có tên là Ngã ba chú Ía, 15 màn với ba diễn viên chính: Rền Vang – nhà văn kiêm nhà báo, Rổn Rảng – nhà đòn kiêm nhà thơ, Robert Tạch – GS.TS. chuyên ngành mông má cho những người đàn bà trời bắt làm thân cá sấu. Hai diễn viên phụ là vợ nhà đòn Rổn Rảng và quí bà sồn sồn đến thẩm mĩ viện Dậy Thì cắt mí mắt. Một số diễn viên quần chúng là các tiếp viên hãng bia…

Nhà văn kiêm nhà báo Rền Vang đã diễn quá xuất sắc vai diễn một nhà báo đầy mánh lới kiếm tiền. Dù có uống bao nhiêu bia rượu, Rền Vang không bao giờ say xỉn. Say là say thế nào, không thể say, phải chờ người khác say để còn cầm cố xe máy, hoặc móc túi của nó trả tiền bia. Và còn để ngủ với vợ của nó.

Rổn Rảng, một thương gia trong lĩnh vực kinh doanh nhà đòn (hòm áo quan) bỗng một ngày đẹp giời trời phú cho làm thơ. Chứ không à, thơ hay thơ dở đều phải trời phú cho mới làm được đấy chứ. Khi tập thơ Ngã ba chú Ía hoàn tất, Rổn Rảng tìm đến nhà văn Rền Vang để nhờ nhà văn hồ (gà) cho nổi tiếng.

Robert Tạch, cha mẹ mất sớm phải ở với ông cậu, bán thuốc dạo kiếm ăn, rồi vượt biên, rồi quay về nước làm ăn. Chẳng học hành gì nhưng cứ tự phong hàm GS.TS, cho nó oai. Cái việc tự phong hàm GS.TS như Robert Tạch ở cái đất này thiếu gì. Nào có ai kiểm chứng đâu. Robert Tạch có công ty Luky và thẩm mĩ viện Dậy Thì mở chui.

Rền Vang là một tay “hồ gà” siêu hạng. Rổn Rảng nghe tên đến cầu thân. Rổn Rảng muốn được thành người nổi tiếng. Rền Vang ra tay gạo xay ra cám luôn. Thơ của Rổn Rảng được phổ nhạc. Lại được đạo diễn Lắc Lơ chuyển thể Ngã ba chú Ía thành kịch với giá một chỉ vàng… Rền Vang phải lòng vợ Rổn Rảng. Quen mui thấy mùi ăn mãi, ngủ được một lần với thị khi chồng thị say, ngủ với thị lần nữa thì chồng thị bắt được…

Đến đây vở hài kịch có chuyển sang bi kịch?

Tôi biết Lê Minh Quốc là một nhà báo gạo cội và là nhà thơ nổi tiếng. Trong làng văn làng báo của chúng ta không hiếm những người đa tài, không chỉ tay trái tay phải đều là tay phải, mà sở trường sở đoản đều là sở trường. Nhưng Lê Minh Quốc lại chọn cách thể hiện khác trong Đời, thế mà vui. Anh đã dùng tiếng cười để gắn người đọc vào con chữ của anh. Các nhân vật trong tiểu thuyết của anh với những thói hư tật xấu nhưng lại không ác, có thể lấy những câu chuyện của họ để cười liên tu bất tận, chẳng phải cười đằng sau lưng mà cười ngay vào mũi. Cười vậy là xong, không thấy ghét.

Ngay cả cao trào ở phần cuối tiểu thuyết Rền Vang ngủ với vợ của Rổn Rảng, cũng chỉ cất tiếng cười đau đớn và hỏi thầm trong bụng, có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ rơi vào cảnh này? Lê Minh Quốc không khoáy sâu vào những nỗi đau, không nhấn nhá vào mánh lới. Anh như chẳng thêm thắt, cường điệu chút nào. Anh cứ để nhân vật hồn nhiên bộc lộ cái bi hài của mình. Viết được như vậy là rất khó.

Tôi lại tự hỏi, nếu Lê Minh Quốc không là nhà thơ, nhà báo anh có viết được tiểu thuyết này không? Anh có viết được cái cảnh Lắc Lơ cho tay vào túi quần để sờ ít tiền đã nằm im trong túi. Nếu không để cho Robert Tạch đứng tên thì phải nôn tiền trong túi ra. Được tiền thì mất tên mà được tên thì mất tiền?

Phải chăng đó là bi kịch của Đan Thiềm thời nay?

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG MỘT

Bắc thang lên hỏi ông trời

Vì ai nhăng nhố cho người nhố nhăng?

Giấc mơ lại hiện về trong tâm tưởng của Robert Tạch. Bây giờ, thành phố phồn hoa đô hội vẫn đáng yêu, vẫn bình yên như thuở nào. Đêm. Những ngọn đèn nhấp nháy màu xanh, đỏ rực rỡ. Giấc mơ chìm xuống đáy ly bia. Gã nâng ly uống cạn giọt đắng. Uống để quên đi những hình ảnh của ngày hôm qua. Hãy quên đi! Hãy quên đi! Robert Tạch tự nhủ như vậy. Người ta có thể quên đi một hiện tại giàu có, nhưng không thể lẩn trốn một quá khứ tủi nhục. Lẩn tránh bằng rượu, bằng gái có được không? Tiếng chuông điện thoại reng lên lảnh lót. Nghe cứ như con gà trống tơ cất tiếng gáy. Âm thanh đột ngột đã làm gã giật mình:

– A lô! Xin lỗi ai ở đầu dây vậy? À, nhà văn Rền Vang à? Có chuyện gì không? Vậy à? Ô kê! Mời ông cứ đến!

Gã bỏ điện thoại xuống. Lại nâng ly bia. Nốc cạn. Quay về phía cô gái đang nằm chung giường, gã vuốt ve bờ lưng thon:

– Thôi dậy đi cưng! Đời người ngắn ngủi lắm. Ngủ làm gì nhiều vậy cưng? Dậy đi!

Cô gái ngái ngủ đáp:

– Khuya rồi. Dậy làm gì?

Gã đáp:

– Khuya mẹ gì! Mới mười giờ tối thôi. Dậy đi!

– Sao vậy?

Gã cằn nhằn:

– Có chuyện làm ăn.

Cô gái hỏi lại:

– Vậy là sao?

– Là cưng rời khỏi phòng này ngay lúc này.

Cô gái ngạc nhiên:

– Sao anh lại nói là qua đêm? To ache all over!

– Thôi, đừng than phiền nữa cưng. Tiền đây!

Gã cẩn thận móc trong túi ra những tờ giấy bạc xanh, đỏ, tím, vàng đếm cẩn thận rồi vùi vào áo ngực cô gái. Ả đứng lên. Thân thể nõn nà bước qua mặt gã để đi vào phòng tắm. Thân thể đàn bà lúc khỏa thân là một kiệt tác của Thượng đế. Gã nuốt nước bọt. Dằn lại dục vọng. Gã huýt sáo. Đứng soi gương. Mặc lại quần áo. Chải mái tóc. Và đeo kính trắng. Như một người cận thị. Trí thức nào mà không cận thị? Gã ném những lon bia vào sọt rác. Trên mặt bàn gã sắp xếp lại những quyển sách, những tờ báo mà gã chưa đọc qua một dòng. Cô gái từ phòng tắm bước ra. Không gian thơm mùi son và phấn. Gã nói:

– Em đẹp quá! Anh lại thèm em!

Cô gái cười khẩy và bước ra khỏi phòng. Gã cảm thấy tiếc nuối nên gọi lại:

– Bao giờ chúng mình gặp nhau?

– Tùy anh. Anh còn nhớ số điện thoại của em không? 345678. Nhớ chứ!

Cô gái vội vã bước ra khỏi phòng bằng những động tác khép nép như một thiếu nữ dậy thì mà sự trinh trắng vẫn còn hiện hữu như một phẩm chất cao quý. Cánh cửa phòng khép lại. Robert Tạch ngồi trầm tư.

Đây là lần thứ tư Robert Tạch về nước mà trong túi áo có tấm hộ chiếu. Với tư cách là một Việt kiều. Gã trở về với mục đích tìm kiếm cơ hội làm ăn trong thời kỳ kinh tế mở cửa. Gã quan niệm rành rọt: Đây là lúc tranh tối tranh sáng, thuận lợi cho lối làm ăn chụp giựt. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Không tranh thủ lúc này thì còn đợi lúc nào nữa? Trong một cuộc họp báo ra mắt văn phòng đại diện của công ty Luky, gã đã gặp nhà văn Rền Vang. công ty này nằm tít bên Mỹ với số vốn cố định hằng trăm triệu đô la, người ta nghe Robert Tạch báo cáo vậy, chứ có ai thấy đồng đô la hình thù như thế nào đâu? Những quan khách được mời đến đã nghe Robert Tạch đọc một bài diễn văn dài tám trang đánh máy. Những ngôn từ đẹp nhất đã nằm lổn ngổn, nằm lố nhố, nằm la liệt trong bài diễn văn này. Quan khách vỗ tay ầm ĩ. Những lon bia được bật nắp. Rót tràn ly. Mọi người tán thưởng công ty Luky vì mục đích tốt đẹp của nó. Nó sẽ dành một ngân khoản để giúp đỡ các bệnh viện, xây dựng trường trẻ em khuyết tật, mở nhà giữ trẻ cho con em liệt sĩ bằng số tiền lãi hằng năm. Nó sẽ v.v… và v.v… Mọi người nhìn Robert Tạch bằng con mắt kính phục và họ không ngần ngại tuôn ra những lời lẽ tán dương Robert Tạch.

Trong số những quan khách ngày hôm ấy có nhà báo Rền Vang. Anh ta được mời với tư cách là phóng viên của báo Mầm Non. Trong thời buổi này, nhà văn kiếm sống bằng nghề viết báo, nhà giáo kiếm sống bằng nghề đạp xích lô, nhà trẻ kiếm sống bằng cách cho thuê mặt bằng để mở quán bia cũng là điều tất nhiên thôi. Nhà văn nói khẽ bên tai Robert Tạch:

– Tôi là nhà văn kiêm nhà báo. Nhưng ông hãy gọi tôi là nhà văn.

Vừa nói anh ta vừa móc thẻ hội viên Hội Văn vẻ đưa cho Robert Tạch xem. Robert Tạch cầm một cách trịnh trọng. Và nở một nụ cười thân thiện. Kính trọng thay những nhà văn – người đã dự báo những vấn đề tâm huyết cho xã hội và thúc đẩy sự tiến hóa cả một dân tộc. Suy nghĩ như thế nên Robert Tạch siết tay Rền Vang thật chặt để bày tỏ sự thân thiện trong phút gặp gỡ ban đầu. Rền Vang hiểu ý nên nói cởi mở:

– Chút xíu nữa ông cho moa mượn bài diễn văn nhé! Moa sẽ cho in vào số báo đặc biệt. Đây là trái bom sẽ làm nổ tung trái tim chai đá của người đời. Tiếng nổ khủng khiếp của nó sẽ gợi lên lòng nhân ái, lòng yêu thương con người – mà lâu nay được quan niệm như món hàng xa xí phẩm. Moa phải biểu dương cái tốt của công ty Luky chứ!

Robert Tạch xoa tay đáp:

– Vâng, xin cám ơn đánh giá chí tình của nhà báo, à quên, của nhà văn đã hiểu tận tường về công ty chúng tôi. Đâu phải bất cứ Việt kiều nào về nước là cũng để chơi bời, truyền bệnh Sida cho con cháu bà Eva? công ty Luky có mặt ở Việt Nam là vì mục đích nhân đạo, là vì sự đầu tư xây dựng nước nhà. Ông cho in giùm bài diễn văn này nhé. Thù lao bao nhiêu thì tôi sẽ tính sau!

Nhà văn nghiêm mặt trả lời:

– Ậy! Ông nói gì mà lạ quá vậy? Chúng tôi là nhà văn có nghĩa là viết văn chương theo chỉ đạo của trái tim, mà trái tim ấy đã thuộc về quần chúng nhân dân. Không phải quần chúng nhân dân chung chung đâu nhé! Mà nó thuộc về quần chúng nhân dân say mê lao động đang ngày đêm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sao ông lại nói chuyện tiền bạc ở đây? Thôi bỏ qua chuyện này đi! Ông cứ đưa bài diễn văn cho moa. Nào cụng ly nhé! Một trăm phần trăm. Chúc mừng buổi tri ngộ này.

Hai cái ly chạm vào nhau một cách mạnh bạo và cả hai cùng ngửa cổ để tống bia trôi xuống cổ họng. Nhà văn đang uống bỗng dừng lại:

– Tội tình gì mà trong ngày vui hôm nay chúng ta không dành lấy một vài phút để ca tụng thi ca? Thi ca là nữ hoàng trong các loại hình nghệ thuật. Moa đọc thơ nhé. Được không? Xin một tràng pháo tay của các vị quan khách.

Những tiếng nói cười ồn ào vang lên trong căn phòng nghi ngút khói thuốc lá. “Hoan hô nhà văn Rền Vang!”.“Hoan hô nàng thơ nằm trần truồng trên bàn nhậu hôm nay”. Ai đó đã cao hứng phát biểu như thế. Nhà văn Rền Vang nói tiếp:

– Moa cám ơn quý vị đã quan tâm đến thơ. Thơ không làm ra bia, nhưng có thơ thì người ta sẽ uống bia ngon hơn. Khi nhạc sĩ bước lên sân khấu, hắn có cây đàn để làm người bạn. Còn nhà thơ thì chẳng có gì cả, ngoài một trái tim cô đơn và lạnh lẽo suốt canh dài. Vì vậy, xin mọi người hãy động viên hắn bằng một tràng pháo tay rôm rả nhất.

Những tiếng vỗ tay ầm ĩ, những tiếng cụng ly chan chát, những tiếng cười nói ngả ngớn, những lời chúc tụng vui vẻ đều được trộn lẫn vào nhau để làm nền cho một giọng thơ ra đời. Nhà văn Rền Vang bắt đầu chiếm diễn đàn và ngoác mồm ra:

– Trăm năm trong cõi người ta

Mua vui cũng được một vài trống canh

Mọi người đều hào hứng lắng tai nghe. Một đoạn thơ Kiều của Nguyễn Du sẽ lảnh lót vang lên chăng? Nhà văn Rền Vang sẽ dẫn họ về cội nguồn với dòng lục bát mượt mà, tuyệt vời của nền thi ca Việt Nam chăng? Chao ơi! Thi ca sẽ làm họ thanh khiết lại tâm hồn lâu nay vốn bị bụi bặm trần gian làm hoen ố. Tác dụng của thi ca vĩ đại thật, nó sẽ… Nhà văn Rền Vang vẫn giữ bộ mặt nghiêm trọng và bắt đầu:

– Trên đời có lắm thằng điên

Trong túi lắm tiền nó bảo rằng… không!

Suốt ngày nó chạy lông nhông

Phán thì như thánh nhưng làm không ra gì

Nhưng mà nó được cái lì

Quy định kiểu gì nó học cũng xong

Tiếng ngâm thơ vừa dứt thì mọi người phá lên cười như nắc nẻ. Nhà văn sung sướng nói:

– Xin cảm ơn tất cả quý vị. Xin quý vị giữ yên lặng để chương trình phục vụ thi ca có thể tiếp tục.

Khi tiếng cười nói đã chui lại vào cuống họng thì không gian trở nên yên tĩnh và nhà văn tiếp tục:

– Trên đời có lắm thằng khôn

Nó chạy cửa trước nó lòn cửa sau

Quyết tâm nuôi chí làm giàu

Nó gõ đúng cửa, nó câu đúng người

Nói năng giọng lưỡi giáo điều

Thao thao quy định không theo quy nào!

– Hay! Không! Phải nói là quá hay mới đúng. Đọc nữa đi.

Tiếng nhừa nhựa vì men rượu của ai đó gào lên như con lợn bị cắt tiết! Tiếng vỗ tay náo nhiệt như đang xem xiếc có pha trò tấu hài tại các tụ điểm ca nhạc bình dân dành cho thợ thuyền và con buôn hàng xén. Nhà văn Rền Vang càng hứng chí:

– Trên đời có lắm thằng ngang

Nó ăn như phá nó làm như điên

Trong túi xúng xính đầy tiền

Mới cưới vợ cả tính liền vợ hai

Suốt ngày nó nhậu lai rai

Có mỗi quy định học hoài không xong

Khi nhà văn vừa buông tiếng “hết” thì mọi người nhiệt liệt hoan hô.

– Hoan hô một giọng thơ trác tuyệt dưới vòm trời thẩm mỹ. Hoan hô! Nào mời các bạn cụng ly chúc mừng nhà văn của chúng ta.

Robert Tạch cao hứng phát biểu. Những cánh tay cùng đưa ly về phía Rền Vang. Anh ta chếnh choáng uống cạn phần còn lại trong ly một cách kiêu hãnh. Uống xong, anh ta bật người ra ghế cười ha hả một cách mãn nguyện. Phàm khi cười như thế thì mắt người ta sẽ nhắm tít lại. Từ buổi gặp gỡ đó, Robert Tạch và Rền Vang trở nên đôi bạn thân thiết. Thân thiết còn hơn đôi bạn trong giai điệu âm nhạc “đôi bạn ngày xưa học chung một lớp, cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…”.

Đêm nay, Robert Tạch đang ngồi chờ Rền Vang. Theo tìm hiểu của Robert Tạch thì nhà văn Rền Vang vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống thọc huyết heo.

Sống trong một lò mổ heo với tiếng dao liếc xoành xoạch, với tiếng kêu eng éc nên ngay từ tuổi ấu thơ, y đã có ý thức về lẽ sinh tồn. Con heo ngay từ lúc còn đỏ hon hỏn, được người ta chăm sóc, nuôi nấng vỗ béo để cho mau lớn. Và khi lớn lên mập mạp thì người ta lại giết nó để bán kiếm tiền. Với số tiền kiếm được đó người ta lại mua bầy heo khác, rồi người ta lại nuôi nấng cho mau lớn, rồi người ta lại giết nó để kiếm tiền. Cái vòng lẩn quẩn ấy được lập đi lặp lại trong trí nhớ của y. Cho đến năm mười tám tuổi, tình cờ y được nghe ông lão thầy bói nói về triết lý nhà Phật với “sinh, lão, bệnh, tử”, y chợt liên hệ đến số kiếp con người. Con người cụ thể ấy là bản thân y. Y cần ăn cho ngon, cho no để mau lớn. Mau lớn cũng có nghĩa mau già. Khi già rồi thì y cũng chết. Vậy là xong một kiếp người. Nỗi ám ảnh về lẽ sinh tồn ngày càng bám chặt lấy y, nhất là mỗi lần y hùng hổ thọc lưỡi dao bén lẹm vào cổ con vật đáng thương. Tiếng kêu não nùng của con heo trước giây phút sẽ trở thành miếng mồi ngon chui tọt vào bao tử con người đã làm y hối hận. Nó khao khát sự sống cũng như y, thế tại sao y lại giết nó? Từ suy nghĩ hết sức nhân ái đó, y đâm ra căm thù cái nghề này. Bố y truyền nghề cho y, bây giờ không lẽ y dạy lại cho con y? Y quyết tâm tìm mọi cách để lên án cái nghề độc ác này mà theo y, khi bước sang thế kỷ 21 nó không có quyền tồn tại nữa.

Thế nhưng, khi y lên án bằng mồm, mọi người cười khì khì vào mũi. Bực tức vì lời nói của mình chẳng thấm vào đâu, khác nào nước đổ đầu vịt, y bèn viết văn để lên án nó. Nếu lý giải như những nhà phê bình văn học thì công việc viết văn của y – là một công việc phản ánh theo tinh thần tái tạo, nghĩa là dựng lại trong tác phẩm một cách trung thành và hư cấu sáng tác theo những nguyên tắc, những tiêu chuẩn và biện pháp nghệ thuật nhất định.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button