Văn học trong nước

Đắm Và Những Truyện Ngắn Khác

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mai Sơn

Download sách Đắm Và Những Truyện Ngắn Khác ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

ÐẮM

 

Anh mở máy vi tính, màn hình hiện lên email của cô.

Hai giờ khuya nay em ra sân bay và 4 giờ máy bay cất cánh. Em sẽ bay trong khoảng 14 giờ và sẽ đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 12 giờ trưa ngày 28…

Thật bất ngờ, vì mới hôm qua cô còn cho biết… Em đã rời Little Saigon đi San Jose bằng xe đò. Ði mất sáu tiếng đồng hồ. Nghỉ mệt hết hai ngày. Hôm sau em đi thăm Yosemiti Park có những vách núi và thác đổ trông rất hùng vĩ. Hôm sau nữa em đi San Francisco bằng xe monorail. Em đi vòng quanh thành phố, nhìn ngắm mấy căn nhà kiểu cổ được xây dựng cách đây vài trăm năm.

Và trước đó một tuần:

Mấy hôm nay em đi Hawaii nên không check email, anh đừng buồn nha. Hawaii cảnh đẹp, cũng vui, nhưng quá đắt đỏ, nên em không dám đi đâu nhiều. Em chỉ đi một tour vòng quanh đảo, mất năm giờ. Hôm sau em đi xem một chương trình ca nhạc nhảy múa của người thổ dân ở đảo. Ăn bữa tối với nhiều món đặc sản mùi vị lạ lùng lắm. Sáng sớm em đi tắm biển rồi sau đó đi window shopping…

Cô quyết định về đây lúc nào vậy? Có phải là một phút bốc đồng muốn đi chơi như cô vẫn thường bỏ nhà đi chơi một mình đến các thành phố khác ở Mỹ.

Ba năm qua hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua email, và cô có nói với anh chuyện vợ chồng cô rục rịch ly dị, nhưng lúc nào anh cũng khuyên cô cố gắng gìn giữ. Thực ra anh đã thấy mình nguội lạnh. Cô đã thuộc về một thế giới thực xa xôi, thỉnh thoảng mới liên lạc với anh trong thế giới ảo xa xôi. Và quán tính trong anh, cùng lực hấp dẫn từ ngôn ngữ quen thuộc của cô khiến anh tiếp tục gõ lên màn hình những giòng chữ có hồn. Ðúng hơn, đó là những gì còn lại trong tâm trí anh, chưa kịp nói hết với cô, giờ có dịp tuôn ra. Ðể hoàn tất một chuyện tình. Chứ không như người xưa chôn chặt dưới đáy lòng, chờ chết, đem xuống mộ sâu. Anh cũng đón nhận những email dài của cô trong tâm cảm đó. Hoàn toàn bình thản. Nhưng luôn luôn chờ đợi. Như chờ đợi bước vào căn phòng nhỏ của mình thì hơi ấm của những đồ vật quen thuộc sẽ bao bọc lấy anh. Như công việc nghiên cứu ban đêm (ban ngày thì làm báo kiếm sống) nặng nề luôn luôn thách thức, nhưng cũng không bao giờ quên tặng cho anh những phút bừng sáng hân hoan trong đầu. Chờ nửa khuya thức giấc theo tiếng chuông đồng hồ báo thức thì cái tivi sẽ hiện ra một trận bóng đá. Chờ anh Lân người bạn vong niên nhá máy, để anh gọi lại. Anh Lân đang sống những ngày cuối cùng. Ðôi mắt anh đã mù, nhưng ngỡ như sáng quắc lên khi anh nói về tự do, về Cao Hành Kiện, về Remarque, về đàn bà. Giọng anh thều thào nghe đã quen nhưng anh sẽ gào lên sang sảng khi phải nói đến những tin tức gây thất vọng về chính trường, hoặc kêu lên đau đớn khi biết tin đứa cháu gái mười tuổi của anh lại trở bệnh động kinh. Anh chờ những phút giây trò chuyện với anh Lân biết bao. Quả thật, đó là chờ đợi sự an ủi. Và với cô, cũng vậy.

Bây giờ cô sắp về đây, ở bên anh, nằm ngủ bên anh, hơn cả sự an ủi, đó là hạnh phúc có thể sờ nắm được. Khi nhận được tin cô sắp về Sài Gòn, anh bối rối suốt một ngày, sau đó quyết định xin nghỉ phép ở cơ quan nửa tháng. Anh không thể thu xếp để cô ngụ trong căn hộ ba chục mét vuông của hai cha con anh, nên anh đề nghị tạm thời hai người sẽ đi du lịch. Cô đồng ý, muốn đi ngay, vì vẫn còn nguyên cảm giác đề phòng lo sợ, phải trốn tránh những con mắt Sài Gòn dòm ngó.

…Ngày rạng, khi xe vừa lăn bánh lên dốc cầu Sài Gòn, cô xin phép tài xế kéo cửa xe xuống, rồi quay qua áp mặt vào má anh, thì thầm: “Em đã tưởng tượng ra khoảnh khắc này, và giờ đây nó đang là hiện thực.” Gió lùa ù ù vào trong xe. Những đám mây đang đổi màu nơi chân trời. Trên sông, những bè gỗ không rõ là đang trôi hay đang nằm yên. Không có tiếng động lớn nào làm rung rinh mặt sông như anh thường hình dung. Bên kia sông phía chân trời, một khối hình khu biệt thự im ắng với một ngọn đèn đỏ chớp tắt trên cột ăng-ten cao, không thấy chút dấu hiệu xôn xao bước vào một ngày mới như phía bên này sông. Một ngày mới không có anh ở cơ quan. Những cô gái đồng nghiệp sẽ không cảm thấy cái nhìn của anh dừng đâu đó trên người họ. Một ngày mới thật lạ lẫm đang bắt đầu với anh. Hay như người ta thường nói, một chương mới của đời anh?

Anh không hiểu sao rạng sáng hôm ấy ba mẹ anh và chín anh chị em anh đều sống sót quay trở lại thị xã sau một đêm tháo chạy hoảng loạn. Ðoàn xe nối đuôi nhau bò trên quốc lộ 1. Trời tối mịt. Hình như tất cả xe cộ đều tắt hết đèn. Tiếng rít của đạn pháo trên đầu như xé nát bầu trời.. Mẹ anh lầm rầm đọc kinh cầu nguyện. Cha anh đưa cho anh chiếc áo măng tô đen, khi thấy anh co ro. Anh và ông không hợp tính nhau. Ông từng thua bạc về nhà kiếm chuyện đánh anh rồi đập nát cây đàn ghi-ta gỗ của anh, thứ quí giá nhất mà anh có lúc lên lớp 10. Ông thương thằng em kế của anh hơn, vì nó lanh lẹ, giỏi giang việc vặt trong nhà; còn anh chỉ có đọc sách, tập đàn, mơ mộng, suy tư, nên ông ghét lắm. Chiếc áo măng tô sau đó anh lại đưa cho cô bạn học chung lớp ngồi chung xe đêm đó khi cô kêu lạnh. Anh ngủ gục. Khi trời ửng sáng anh thức dậy thì thấy đoàn xe không di chuyển nữa. Mọi người xuống xe. Có một ngọn đồi bên tay phải theo hướng đi tới. Mọi người dắt díu nhau lên đồi, tìm nước uống. Khát quá. Có một ngôi chùa trên đồi. Vài chú tiểu xách từng gàu nước từ giếng lên cho mọi người. Ngọn đồi đầy đặc người. Chợt anh thấy mình đang đi ngang dưới một họng súng. Một thanh niên mặc xơ-vin đứng thẳng người, giương súng ngắm bắn ai đó. Anh nhìn theo hướng ngắm của anh ta. Xa xa là một người đàn ông đang nghiêng ngả chạy. Anh thanh niên bắn đĩnh đạc từng phát một. Người đàn ông ngã xuống rồi đứng lên. Ngã xuống, đứng lên. Cuối cùng không thấy nguời đàn ông đứng lên nữa. Cha anh kêu lên: “Hình như chú Dương!” À, chú Dương thường đánh bài tứ sắc với ba. Chú Dương hiền như đất sao lại bị đẩy đến (hay chọn lựa) một hành vi bạo liệt đến vậy? Nhưng đâu chỉ chú Dương, cả gia đình anh nữa, những con chiên thuần thành, được bà con lối xóm thương mến, sao phải chọn một chuyến đi bạo liệt, giữa mưa đạn chết chóc thế này? Trên đường lộ, không còn xe lớn chạy nữa, nhưng không biết từ đâu ra rất nhiều xe máy và một đoàn người nối đuôi nhau thành một khối, một khối tuyệt vọng, chầm chậm nhích tới trước. Một vài lá cờ trắng vẫy lên. Anh kinh ngạc tự hỏi: Cờ trắng là dấu hiệu đầu hàng; đầu hàng thì dừng lại chứ sao cứ đòi đi tới, đòi tự do. Khùng điên quá. Một tiếng nổ, rồi hai, rồi ba tiếng nổ vang lên. Một đám khói đục cuộn lên. Cái khối người xe tuyệt vọng khùng điên đó chợt khựng lại.

Gia đình anh cùng hàng ngàn người khác đi bộ quay trở về lại thị xã, về nhà, vượt qua hai chục cây số đường lộ đầy quần áo lính, lựu đạn, súng ống, máu me, xác người, xác xe… Anh không nhớ người mẹ ốm yếu của anh đã đi đứng như thế nào với thằng em út còn bồng trên tay và thằng em áp út còn đi lẫm chẫm.

Cô ôm chặt anh từ phía sau. Biển trước mặt đã thẫm đen. Biển khi đã thẫm đen như thế này thì không còn là biển của anh. Ðây là bóng tối dày đặc. Và trong lòng bóng tối đó, một tiểu đoàn đặc công lặng lẽ bơi vào bờ sau khi thả mấy trăm trái dừa khô cho sóng nhẹ đưa vào trước để nghi binh. Ngay khi những trái dừa khô đầu tiên nhấp nhô trên biển được phát hiện, lệnh khai hỏa của địch từ bờ được phát ra. Và khi hỏa lực từ bờ cạn dần, thì những cái đầu người mới nhấp nhô tiến vào. Biển của chiến tranh như thế thật lãng mạn, bi hùng. Nhưng anh thích biển ban ngày hơn, dù nắng chói lóa, và màu xanh ngút mắt của nó không nói lên điều gì cả. Ngay cả thời gian, biển cũng không biểu tượng cho nó, mặc dù biển chuyển động ngày đêm, biển xoay vần với thủy triều lên xuống, với sóng vỗ vào bờ rồi rút ra. Biển là vô hạn, thế thôi. Nhưng anh không thể chịu nổi cái vô hạn đó nếu không có cái hữu hạn là cô bên cạnh. Anh thích đường chân trời đồng thời anh thèm đường cong ướt nước khởi đi từ hông cô. Anh mê sự dữ dội của biển sóng và mê sự dữ dội sóng biển của cô trên giường. Nó chồm lên nuốt chửng anh.

Anh đứng dậy, kéo cô xuống mép biển, nằm xuống cùng cô, và những đợt sóng rào rạt đi qua thân thể hai người. Anh đưa tay sờ soạng lên hai mảnh bộ bikini của cô. Trí nhớ anh nói: màu huyết dụ. Và đột nhiên anh không nhớ nổi cô đã trút ra khỏi thân thể cô màu sắc gì, kiểu dáng quần áo gì khi thoát y trước mặt anh và phủ hai mảnh huyết dụ lên người.

Và anh chỉ mới bắt đầu câu chuyện của mình, câu chuyện dài, nặng nề. Theo yêu cầu của cô, thay vì mang theo những cuốn sách đọc chung, anh sẽ kể chuyện của anh. Anh giữ kín nó, nhưng thực ra nó giam hãm anh suốt bao nhiêu năm nay. Và quan trọng hơn, không có một câu chuyện đầu đuôi mạch lạc nào hết. Chỉ là những hồi ức lộn xộn. Những mảnh đổ vỡ. Một mảnh đổ vỡ đầu tiên đã được lấy ra. Nó sắc bén, dữ dội quá. Cô tỏ vẻ lo lắng, cảm thấy anh có thể bị nó chém đứt bất cứ lúc nào. Anh có thể chảy máu. Hay là thôi, anh đừng kể nữa. Anh sẽ không chịu được. Em thấy anh bần thần. Cô áp má vào mặt anh.

ĐỌC THỬ

Những đêm đầu tiên trong thành phố mới giải phóng rất ít ánh đèn và đến 10 giờ là giới nghiêm, tôi lang thang với Hoàng, có đêm với cả chị của Hoàng. Một lần trời bất chợt đổ mưa, cả hai chúng tôi chạy vào một hè phố. Vai sát vai. Và tôi gần như ngộp thở, ú ớ với những cú đụng chạm thoáng qua vào tay, vào vai, hông, và mông Hoàng. Tôi còn chưa kịp hiểu từ đâu một hạnh phúc như trong mơ thế này lại đến với tôi. Từ lâu tôi yêu Hoàng, tìm mọi cách chinh phục Hoàng, nhưng không bao giờ thành công. Và tôi đã bỏ cuộc nhiều tháng trước cuộc di tản. Ðêm đầu tiên trở về từ cuộc di tản không thành, tôi chui vào quán cà phê của Hoàng, quán cà phê nổi tiếng nhất thành phố, vì ở đó có ba chị em gái xinh đẹp kiêu kỳ, lại rất có gu về âm nhạc. (Tôi đã nghe ở quán này ca khúc “Mắt Biếc” của Cung Tiến do Lệ Thu hát, và cho tới bây giờ vẫn chưa được nghe lại.) Liên tiếp mấy tuần liền, đêm nào tôi cũng đến, chọn một góc khuất, gọi một ly chanh rum, và bao giờ cũng là người cuối cùng rời quán. Bỗng dưng một đêm, trong lúc quán còn đông khách, Hoàng đột ngột đến bàn tôi ngồi rủ tôi đi dạo chơi. Ðúng là món quà từ trên trời rơi xuống. Tôi đứng dậy, đi theo Hoàng như bị ma dẫn. “Ðám cây si” trong quán nhìn tôi cái nhìn chất vấn. Hoàng đẹp, đẹp nhất trong mắt tôi lúc đó. Khuôn mặt, với cánh mũi cao và cặp mắt to, bao giờ cũng hơi ngước lên khinh khỉnh. Những khi cô mặc quần short trắng, áo pull trắng, tóc buộc đuôi gà, tay cầm chiếc vợt cầu lông đi nhanh nhanh trên đường buổi chiều, hồn vía tôi bay đâu mất, nhưng đôi chân thì cứ nhắm hướng cô mà bước.

…Rồi một đêm, khi hai đứa chụm đầu trong một chiếc áo mưa lang thang đi trong thành phố không đèn điện, và tôi đang ngây ngất hít hít mùi da thịt Hoàng, thì Hoàng nhẹ nhàng thông báo: “Ba Hoàng ở trong trại cải tạo biết Hoàng tối tối đi chơi với bạn trai, ba không thích. Ba sợ chuyện này ảnh hưởng đến ba.” Tôi không tin lời Hoàng. Tôi tức điên. Sau đêm đó Hoàng không rủ tôi đi dạo phố đêm nữa. Và trong một đêm ngồi quán, tôi đã xé nát cuốn sách đang đọc thành những mảnh nhỏ, nhét vào cái gạt tàn thuốc. Khoảnh khắc đó tôi đã quên hết tất cả những gì yêu thương Hoàng dành cho tôi suốt thời gian tôi hoàn toàn tuyệt vọng sau ngày thành phố giải phóng.

Tôi tìm đến thầy Hiến. Thầy không còn dạy triết trong trường nữa. Bây giờ thầy đã là cán bộ đoàn thanh niên hay mặt trận gì đó. Thầy có súng ngắn. Tôi không quen được hình ảnh thầy đeo nó bên hông. Thầy Hiến có tướng đi nhanh, cao ráo, hào hoa. Thầy hút thuốc ba số 5 luôn miệng, và thường bỏ lại gói thuốc trên bàn giờ ra chơi để mấy thằng học sinh thèm thuốc như tôi lén lấy hút. Thầy Hiến vào lớp tay không, viết cái đề bài thật to lên bảng và bắt đầu thao thao bất tuyệt. Và tôi là thằng học trò gần như duy nhất trong lớp tranh luận với thầy thường xuyên mỗi buổi học. Thầy có vẻ thích tranh luận với tôi, và tự nhiên điều đó trở thành một phần quan trọng của giờ triết. Thầy xúi giục tụi tôi biểu tình, chặn đường, ném đá xe Mỹ. Thầy bị cảnh sát bắt, đưa vào Sài Gòn, rồi thả về, nhưng không được dạy nữa. Một ông thầy khác lên thay. Thầy Hùng. Thạc sĩ triết học. Nhưng dạy dở không chịu được. Tôi không đặt câu hỏi, không tranh luận với ông thầy không mời mà đến này.

Thầy Hiến bảo tôi: “Nhà trường không dạy triết nữa.”

Tôi chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra trong ngôi trường thân yêu của mình thì ba tôi yêu cầu tôi nghỉ học. Tôi không dám cãi lời ông. Ông là nhà độc tài trong gia đình. Nhưng tôi phải hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi rất quan tâm đến sự học của tôi. Có lần tôi ham chơi, học hành bê trễ, bà xem học bạ. Thấy tôi đứng ngoài danh sách top 5, bà đuổi đánh tôi. Tôi chạy vòng vòng trong xóm. Ồ, bà đang mang thai, cái bụng bầu chắc phải tháng thứ bảy, thứ tám gì rồi. Tôi phải dừng lại, chịu để bà quất mấy roi và hứa chắc như đinh đóng cột: “Dạ, để tháng tới con đứng nhứt cho, mẹ đừng đánh con nữa.” Và tôi giữ đúng lới hứa. Chỉ cần tập trung một chút, bớt những trưa bi-da kéo dài suốt đến chiều, những đêm lê la cà phê với bạn bè là tôi sẽ giành được cái gì mình muốn có trong lớp, trong trường.

Mẹ tôi nói rằng: “Con cứ tạm nghỉ, lúc nào có điều kiện con sẽ đi học lại. Bây giờ con không sợ phải đi lính nữa.” Tôi từng lo sợ nơm nớp đang học giữa chừng mà có lệnh gọi nhập ngũ. Mẹ tôi cũng hằng đêm thao thức lo nghĩ. Nhưng khi cất được gánh nặng lo sợ đó, thì một ngõ cụt lớn xuất hiện: tôi không được đi học nữa.

Tôi sắp mất tất cả, không chỉ những giờ triết sang trọng mà cả tương lai của mình. Tôi đã sớm nhận ra sự đảo lộn ghê gớm của xã hội đã ảnh hưởng đến từng gia đình, từng cá nhân như trường hợp của tôi.

Bất chợt anh thấy anh và cô, hai người đang nằm thẳng chân trên giường, không tiếp xúc gì với nhau. Anh nhắm mắt hít nhẹ mùi thơm từ thân thể cô. Chắc chắn cô không hay biết điều đó. A, ngày xưa còn nhỏ, khi nằm hít ngửi mùi da thịt nồng nàn của cô Hương, bạn của mẹ anh, anh đã bị phát hiện. Cô Hương thân hình tròn lẳn, đôi mắt biết nói, khóe miệng hay cười, hay mặc mấy bộ quần áo may theo kiểu Tàu, bó sát người làm nổi lên cặp vú đầy đặn, mỗi lần nhìn thấy cả người anh nóng ran. Cô Hương thường qua nhà anh chơi mỗi chiều tối, nói chuyện với mẹ anh, nhờ mẹ anh chỉ cho mấy mũi đan len phức tạp. Sau đó cô sẽ nằm xuống chiếc giường đặt giữa nhà, vấn tóc lên, để lộ chiếc gáy, bắt đầu “kể chuyện đời xưa” cho anh và mấy đứa em anh nghe. Anh thường không chú ý lắng nghe câu chuyện của cô kể vì anh có thể đoán trước, hoặc vì câu chuyện không hấp dẫn lắm. Anh nằm im bên cạnh cô hít nhè nhẹ vào lồng ngực mình mùi thơm da thịt của cô. Anh cố giữ không cho tay chân động đậy, sợ chạm đến người cô, sợ cô phát hiện ra cái khối nóng bỏng tội lỗi đang làm hỏng không khí hồi hộp dễ chịu của văn chương truyền thuyết. Nhưng một đêm nọ, khi cô mặc chiếc áo sát nách, nằm xuống, và “cô kể tiếp đoạn chót nghe” thì anh không còn biết gì nữa, đầu óc anh mụ mị. Anh thở dồn dập như sắp bị dìm sâu vào vùng da thịt ngào ngạt thơm tho của cô lúc ấy như con nước xoáy. Rồi không thể chịu đựng được nổi, anh nghiêng người qua một bên để cho nó trào ra trong cơn ngất khoái. Anh đã khéo che giấu được hành động bùng nổ. Anh đờ đẫn ngây dại nằm đó, ngửi thấy mùi gì dễ chịu thật khó tả. Ðột nhiên, cô Hương quay qua nhìn anh, nhìn thẳng vào mặt anh, cái bản mặt ngu muội vì đam mê nhục dục, và cô buông tóc xuống, nhổm dậy. Quên cả chào mẹ anh, cô như thu người lại, đi nhanh ra khỏi nhà. Từ đó, chấm dứt những đêm kể chuyện đời xưa. Vì cô không đến nhà anh nữa. Chắc là cô ghét anh lắm. Cô luôn tránh mặt anh. Và để hoàn tất hình phạt dành cho thằng oắt con mất dạy, cô đi lấy chồng, một người đàn ông bảnh bao giàu có đàng hoàng trắng trẻo, và chắc không có một tuổi thơ hư hỏng như anh. Sao cô có thể tàn bạo với anh như thế? Nhưng anh không có tội. Cô Hương mới có tội. Cô là khối nhục thể chết người. Bầu vú căng đầy của cô, cặp mông đong đưa của cô, cánh tay rờn rợn lông của cô… Nhất là đôi mắt cô, đó mới là bằng chứng giải oan cho anh. Cô đã nhiều lần nhìn anh như thể muốn hớp hồn anh. Cô là khối nam châm vĩ đại mà anh là chiếc kim may bé bỏng.

Anh liếc thấy mắt cô trừng trừng nhìn lên trần nhà.

Không chỉ anh, tất cả mấy đứa em anh đều phải nghỉ học. Cha anh đánh giá nghề may của ông và nghề đan len của mẹ không bảo đảm được kinh tế gia đình trong thời buổi này nữa. Và một kế hoạch kiếm sống được ông vạch ra rõ ràng. Ông sẽ xin cha sở miếng đất sau nhà thờ để trồng rau. Mẹ anh chạy chợ, mua đi bán lại mấy món hàng rẻ tiền. Anh và đứa em trai đi rừng đốn củi về chẻ nhỏ thành bó đem ra chợ bán. Hai đứa em gái lớn chằm nón.

Bốn giờ sáng hai anh em thức dậy, gói cơm, rít mỗi đưa một hơi thuốc lào cho tỉnh ngủ rồi vác rựa và một cái gối nhỏ lót vai ra khỏi nhà. Con đường nhỏ vòng quanh nhà thờ tối như mực. Anh không nghĩ ngợi gì. Chỉ cảm thấy một nỗi trống vắng đau điếng trong lòng không chịu nổi. Trống vắng bạn bè, thầy cô, trường lớp. Trống vắng Hoàng. Anh cũng không biết thằng em anh nghĩ gì trong đầu. Anh không muốn tâm sự với nó, e rằng nỗi buồn sẽ tăng lên gấp đôi. Anh đã thấy nét ưu tư chịu đựng trên khuôn mặt nó, dù chỉ cách đây mấy tháng nó còn mải mê với những chú chim bồ câu. Hai anh em lặng lẽ đi ra bến sông. Dòng sông đen mịt. Theo tiếng kêu của người chủ ghe, hai anh em dò dẫm bước từng bước xuống con dốc ẩm ướt, chui vào ghe, kiếm chỗ ngủ tiếp. Ghe chạy ngược lên thượng nguồn trong khoảng ba tiếng đồng hồ. Ngày đầu tiên (cũng là lần đầu tiên trong đời) ngồi trong ghe anh chợt nhớ hồi học đệ lục mình từng làm bài văn hay nhất lớp về câu ca dao “Muốn tắm mát lên ngọn sông đào. Muốn ăn sim chín thì vào rừng sâu.” Giờ đây thì ngọn nguồn và rừng sâu chỉ làm anh hãi sợ, ngán ngẩm và anh chỉ muốn hư vô hóa nó thôi.

Ghe cập vào bìa rừng. Anh và thằng em chia nhau một điếu Tam Ðảo trước khi nối đuôi đoàn người vác rựa vào rừng. Chỉ chừng 10 phút anh đã bị bỏ rơi phía sau. Thằng em anh thỉnh thoảng phải dừng lại chờ anh. Và khi trở về, anh cũng là người ra khỏi rừng sau cùng với một khúc cây có thể nói là xấu xí còm cõi đáng thương nhất. Anh đã phải nghỉ dọc đường xuống dốc không biết bao nhiêu lần đến mức thằng em không thể đợi anh được nữa. Người ta đau vai phải, chuyển cây qua vai trái dễ dàng và đi tiếp. Anh thì không, anh không thể vác cây bằng vai trái được, nên hễ đau vai phải là anh đứng lại, dựng cây xuống, ôm cây, thở dốc. Và dù còn đi rừng liên tục mấy tháng sau đó, nhưng “năng suất” của anh vẫn không khá lên được.

Cha anh nhìn “thành quả lao động” của anh một cách khinh miệt, giận dữ. Anh tưởng ông sẵn sàng lao vào tát tai anh mỗi chiều về. Nhưng sự chì chiết, chửi rủa của ông mới làm anh đớn đau, nhục nhã. Trước giải phóng, trong mắt ông, anh là kẻ lười biếng, chỉ biết đàn hát và chúi đầu vào mấy cuốn sách triết lý, nhưng nhờ mẹ anh bênh vực, ông không dám dùng bạo lực với anh; bây giờ, dường như mẹ anh cũng đã âm thầm đứng về phía ông rồi, nên ông không ngại ngần gì nữa trước những biểu hiện vô tích sự của anh dù anh đã hết sức cố gắng. Ông trở thành hung thần của anh. Thằng em thương anh, nhưng không có cách nào giúp anh được. Mỗi người một rựa ra đi, một cây gỗ trở về – biết làm sao? Nhưng rồi nó sẽ giúp anh một việc rất quan trọng khi anh quyết định bỏ nhà đi hoang. Nó không níu kéo anh ở lại, dù trong nhà chỉ có hai anh em gần gũi nhau nhất. Nếu nó tỏ ra rầu rĩ chưa chắc anh đã đi. Mãi về sau này anh mới nhận biết nó là người rất cứng rắn. Nó còn bày cho anh cách ăn cắp tiền của mẹ anh để làm lộ phí đi đường.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button