Văn học trong nước

Đám Cưới Trong Mơ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đỗ An

Download sách Đám Cưới Trong Mơ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Tập truyện ngắn về tình yêu và phụ nữ khiến bạn đọc day dứt với những âm hưởng khó quên. Đó là niềm hạnh phúc, là những giọt nước mắt, là những nỗi buồn hay sự cô đơn… Những cung bậc ấy được biến hóa tài tình dưới ngòi bút của tác giả Đỗ An, khoác lên mình vẻ hiện đại, phóng khoáng trong cốt truyện nhưng cũng rất chân tình và sâu sắc, nội tâm.

“16 tuổi, chị đã sớm mộng mơ về đám cưới của mình.

17 tuổi. Vào một đêm trăng vằng vặc, anh chị trao cho nhau nụ hôn đầu tiên.

18 tuổi. Anh lên thành phố học, đem theo cả trái tim và lẽ sống của người con gái yêu anh.

22 tuổi. Ba mẹ anh sang nhà chị xin làm lễ hỏi. …

30 tuổi. Chị gấp rút chuẩn bị cho ngày trọng đại. Đêm tân hôn. Chị ngồi nhìn trừng trừng vào tấm gương trước mặt, nỗi đau đã đong chị thành đá…”

ĐỌC THỬ

GƯƠNG VỠ

Nhà của Hoài không có chiếc gương soi nào, ngay cả trong phòng tắm. Trước khi ra đường, Hoài thường liếc vội ở đâu đó có thể thoáng thấy bóng mình, như màn hình vi tính, kính chiếu hậu xe máy hay cánh cửa kính vừa khép lại.

Hoài cũng rất ít khi trang điểm. Đôi lần bắt gặp Hoài thoa son dưỡng môi qua hình ảnh phản chiếu trên màn hình điện thoại, bạn bè đứa thì lấy làm lạ, đứa thì cho mượn chiếc gương nhỏ, có đứa còn tìm dịp mua gương tặng Hoài.

Hoài chỉ cười cười khỏa lấp khi có ai đó hỏi sao là phụ nữ mà không thích soi gương. Hoài không muốn kể với mọi người rằng, lúc nhỏ, Hoài thường nằm im trên giường giả vờ ngủ say để dõi theo bóng mẹ ngồi như hóa đá trước gương, thả những suy nghĩ rối bời theo ba, người vẫn hay về nhà khi đã quá nửa đêm…

Hình ảnh đó cứ lặp đi lặp lại, ăn sâu vào tiềm thức, và trở thành một vết cứa nhức nhối Hoài mãi mãi khi một đêm bất chợt giật mình choàng tỉnh không thấy mẹ, Hoài bổ nhào đi tìm khắp nhà, cuối cùng phát hiện mẹ nằm bất động bên tấm gương vỡ nát trong phòng tắm, mà tay vẫn nắm chặt một mảnh thủy tinh. Máu từ cổ tay mẹ chảy ra đã đọng thành vũng đỏ bầm màu uất nghẹn…

Từ cái đêm định mệnh đó, ba Hoài không bao giờ về trễ nữa. Chính ba là người dẹp bỏ hết các tấm gương trong nhà, vì hiểu đây làmột cú sốc quá lớn đối với một đứa trẻ lên chín. Còn Hoài, hiếm khi có được một giấc ngủ không mộng mị, khi mẹ vẫn trở về trong giấc mơ bằng hình hài chắp vá, qua những mảnh thủy tinh sắc nhọn ghép lại với nhau. Đôi khi chỉ cần nhìn vào đáy mắt đầy ân hận của ba, Hoài cũng như thấy bóng mẹ khắc khoải… Dù sau này Hoài đã lớn khôn, được ba đưa cho đọc nhật ký của mẹ, đã hiểu mẹ chỉ vì một phút yếu lòng của đàn bà mà phải nhận sự ghẻ lạnh của ba và trả giá bằng năm dài tháng rộng ngóng trông, để cuối cùng kết thúc đời mình bằng một mảnh gương. Tuy vậy, Hoài vẫn không làm sao thấy dễ chịu khi đối diện với ba.

***

Khi đã lấy chồng, sinh con, Hoài vẫn không soi gương theo đúng nghĩa. Chồng có nghe kể về thời thơ ấu của Hoài nhưng không đủ tinh tế và nhạy cảm để hiểu được Hoài. Vì thế mà vào một lần sinh nhật của Hoài, chồng bất ngờ mua tặng một bàn trang điểm, tất nhiên có hẳn chiếc gương soi. Vừa nhìn thấy nó, Hoài đã chực nôn ọe nhưng dằn được. Không thể… trùm mền món quà đó nên hằng ngày, Hoài phải nín thở đi qua. Năm dài tháng rộng, Hoài dần có cảm giác mình cũng đã lặng lẽ đi qua những đồng cảm vốn hiếm hoi giữa hai vợ chồng.

Khi cuộc hôn nhân từ những mới mẻ, hạnh phúc ban đầu đi dần đến những tẻ nhạt, nhàm chán, Hoài bất ngờ gặp lại anh. Anh chính là người bạn học thời phổ thông mà Hoài từng dành tình cảm tốt đẹp.

Ngày ấy trong lớp học, ngồi bàn trên nên anh hay lén nhìn Hoài qua chiếc gương nhỏ trong hộp bút của mình. Chính hành động đó khiến Hoài chú ý và cảm thấy gần gũi lạ lùng!

Hoài lại nhoi nhói nơi lồng ngực trái, như bắt gặp chính mình thuở mẹ còn sống. Nhưng anh chỉ nhìn thôi mà chẳng nói gì, suốt ba năm cấp ba và mãi đến khi hai người hai ngả…

Anh khác trước đến nỗi, ngồi đối diện nhau trong quán cà phê, khoảng cách chỉ là chiếc bàn nhỏ có đặt một bình hoa cúc tím, nghe anh kể chuyện hiện tại và hỏi thăm chuyện của mình, nhưng Hoài liên tục xao lãng vì bận lục tìm trí nhớ. Mái tóc rẽ ngôi giữa ngang tàng ngày xưa đã không còn nữa. Gương mặt đẹp một cách baby tất nhiên cũng không còn. Đôi mắt nâu mà Hoài thích nhất ở anh, giờ dường như cũng vơi màu sương khói…

Anh cầm bàn tay đã bắt đầu nổi lên những đường gân xanh của Hoài: “Em vẫn xinh xắn và dịu dàng”.

Hoài cong môi: “Nhưng anh thì khác trước”, khiến anh bật cười: “Khác theo chiều hướng tốt hay xấu?”.

Hoài đưa mắt nhìn quanh quán nước để tránh cái nhìn đắm đuối của anh, nổi hứng bông đùa: “Em sẽ từ từ kiểm chứng”….

Cuộc nói chuyện trở nên cởi mở, thân tình hơn, dù liên tục bị chen ngang bởi những cuộc điện thoại. Lúc anh bận rộn trả lời họ, Hoài có thời gian quan sát anh và bất giác so sánh với chồng mình. Một công chức mẫn cán thường tự trào rằng cuộc đời không có thành công nào lớn hơn là cưới được Hoài làm vợ, quả là khập khiễng khi so với người đàn ông đến từ quá khứ của Hoài. Mùi nước hoa thoang thoảng, bộ quần áo đắt tiền, cặp kính râm hàng hiệu giắt nơi ngực áo, cả chiếc điện thoại thời thượng kia. Hoài lập tức bị thu hút bởi hình ảnh hiện tại của anh, dù biết nó toát lên vẻ… nguy hiểm không cần cảnh báo.

Những ngày sau đó, anh và Hoài không hẹn mà lại tìm mọi cách “đến gần” nhau, bằng những khơi gợi về trường xưa, lớp cũ, thầy cô, bè bạn… Những dòng tin nhắn kín đáo, những cuộc gọi vội vã, những email chan chứa tình cảm… ngày càng nhiều. Một cách tự nhiên, Hoài thả trôi mình theo dòng hoài niệm, cùng anh thong dong đi ngược thời gian, nơi có trời xanh, mây trắng, nắng vàng, nơi không có những lo toan cơm áo gạo tiền, những đời thường hơn thua.

Đôi lần, Hoài e ngại vì thấy có lỗi với chồng. Nhưng khi lướt mắt tới góc phòng ngủ, nơi có cái “của nợ” là bộ bàn trang điểm mà chồng vô tình mang về, Hoài thả trôi ý nghĩ có lỗi ấy ngay. Hoài lặng lẽ quan sát chồng trong những phút ít ỏi mà gia đình đủ mặt và cảm thấy chán chường khi chồng không có vẻ gì nhận ra tâm hồn Hoài đang ít nhiều xao động.

***

Anh chủ động mời Hoài một bữa cơm trưa văn phòng trong một ngày không hẹn trước. Vừa nghe giọng anh trầm buồn qua điện thoại, Hoài gạt hết mọi việc đang dang dở sang một bên và chạy bay đến với anh. Hai người lặng lẽ ăn uống chứ không nói cười như lần đầu gặp mặt. Chỉ đến khi hai tách cà phê được bưng ra thì anh mới đăm đắm nhìn Hoài: “Hôm nay là kỉ niệm mười năm ngày cưới của vợ chồng anh”.

Hoài sững sờ rồi bối rối quay mặt đi nơi khác. “Thế sao anh không hẹn hò với vợ mà lại đi tìm em? Sao anh nghĩ em cần phải biết điều này? Một người đàn ông lén lút đi gặp người phụ nữ khác trong ngày như thế thì đáng tội gì?…”

Biết bao câu hỏi cùng lúc xô đẩy nhau trong đầu Hoài, chỉ chực tràn ra khỏi đôi môi mấp máy kia nhưng cái nắm tay ân cần của anh đã ngăn lại kịp lúc: “Em hãy hiểu ngày này không còn ý nghĩa gì với anh nữa, từ trước khi gặp lại em. Và càng không có ý nghĩa gì sau khi anh gặp lại em”.

Hoài nghẹn thở. Hoài rưng rưng nhìn anh, thấy như ngay trước mặt mình chàng trai đã leo lên cây phượng cao nhất phía sau trường để hái tặng cô chùm hoa đẹp nhất. Những cánh hoa học trò, Hoài đã ép khô trong trang lưu bút và cất giữ nơi ngăn tủ bí mật, chồng Hoài chưa bao giờ biết để chạm đến và cũng không bao giờ có thể chạm đến.

Hoài ngập ngừng ngả đầu vào vai anh, theo cái ôm choàng dịu dàng và ấm áp của anh. Hoài run rẩy khi môi anh lướt trên những sợi tóc óng ả lần tìm xuống tới mắt, tới môi cô. Giây phút đó, Hoài không còn nhớ gì cả, chồng Hoài, con Hoài, những bài giảng đạo đức, những ánh mắt đảo qua vô tình hay hữu ý của các thực khách trong quán. Và cả cái tuổi thơ đầy ám ảnh, trong phút chốc Hoài cũng quên đi…

***

Suy nghĩ: “Mình chỉ ăn trưa với anh ấy thôi, không hơn” giờ đã thành “Mình chỉ hôn môi thôi, không hơn”. Chưa kịp dặn dò bản thân kỹ càng thêm, Hoài lại bị cuốn theo những tin nhắn cuồn cuộn cảm xúc của anh sau đó. Lần đầu tiên Hoài biết được, người ta có thể “làm tình” qua tin nhắn, khi đang ở cách xa nhau hơn mười cây số, thậm chí khi đang có một người khác bên cạnh. Anh dẫn dắt Hoài đi vào “khúc dạo đầu” bằng những lời mơn trớn, cùng Hoài buông lơi cơ thể để đi dần vào nhau một cách nồng nàn.

Khi anh “vỡ òa” bên kia đầu dây thì Hoài cũng rùng mình nhận ra mình “ướt đẫm”. Chồng vẫn vô tư ngáy vang ở nửa giường còn lại khiến Hoài chạnh lòng. Nhưng rồi những đêm sau, Hoài vẫn nhắm mắt để anh cầm tay lôi vào trò chơi đầy nhục cảm qua những con chữ không dấu, với sự tự trấn an: “Mình chỉ ngoại tình qua tin nhắn thôi, không hơn”.

Sinh nhật anh, Hoài không chuẩn bị quà vì anh gợi ý: “Em chính là món quà mà anh muốn nhận”. Suốt buổi sáng hôm đó, Hoài thừ người không làm được gì cả. Anh chẳng nhắn tin nhắc Hoài ăn sáng, nhắc Hoài thỉnh thoảng nghỉ mắt, tránh nhìn màn hình vi tính như thường lệ. Có lẽ, anh cũng đang hồi hộp giống Hoài.

Hai người nhanh chóng dùng xong bữa trưa và lẳng lặng cho xe chạy bên nhau, hướng về khúc đường vắng có nhiều nhà nghỉ san sát.

Không ai nhìn vào mắt ai, khi anh làm “thủ tục” và đung đưa chiếc chìa khóa phòng theo nhịp bước chân lên lầu.

Hoài run run bước vào căn phòng mà cả anh và Hoài đang định dùng nó để biến những tin nhắn “nồng nàn” bấy lâu thành hiện thực. Anh tế nhị tắt hết đèn, chỉ để ánh sáng mờ mờ thoát ra từ cửa toa-lét. Khi anh khéo léo thả rơi chiếc váy trên người Hoài xuống, Hoài chợt hóa đá.

Hai bên vách tường bao quanh chiếc giường nệm êm ái, chủ nhà nghỉ cho đặt những tấm gương lớn tự bao giờ. Để làm gì, Hoài không biết và cũng không cần biết.

Trong tích tắc, Hoài nhặt nhạnh những gì của mình và vội vã thoát ra khỏi căn phòng ma mị đó. Sau lưng Hoài, anh chỉ ngơ ngác gọi tên Hoài một lần, nhưng cô lại nghe thấy hàng trăm tiếng vọng và tưởng như có hàng ngàn mảnh gương vỡ bay bám theo.

Hoài vừa khóc vừa gọi điện cho ba, hẹn ngày cùng ra thăm mộ mẹ. Mẹ Hoài đã vì những phút yếu lòng như thế…

CON HOANG

Linh có thai.

Chị tình cờ biết được bí mật đó vào một đêm mùa hè nóng bức. Chị trở dậy nửa đêm, dò dẫm xuống bếp tìm chút nước chữa cơn khát đang đốt cháy cổ họng. Gian bếp tối mờ nhưng ánh đèn vàng từ cầu thang hắt xuống đủ để chị giật mình phát hiện một người đang ngồi ở bàn ăn. Đưa tay chặn lên ngực ngăn cơn hoảng sợ, cùng lúc chị nhận ra Linh đang ngấu nghiến mẩu bánh cuối cùng. Trên bàn la liệt những hộp sữa, vỏ trái cây, bịch bánh quy đã trống rỗng.

Trông thấy chị, Linh trố mắt định nói gì đó nhưng nó đột nhiên đứng bật dậy, chạy lại bồn rửa chén nôn thốc nôn tháo. Con bé đói bụng nửa đêm, âm thầm ăn hết các thức ăn trong tủ lạnh như bị bỏ đói cả ngày, rồi buồn nôn đến nỗi không kịp vào toilet.

“Trời ơi!”. Chị buột miệng kêu lên, ào đến vỗ vỗ vào lưng con bé rồi đỡ nó ngồi xuống ghế, lăng xăng tìm dầu xức, nhưng nó phất tay, giọng rít qua kẽ răng: “Mợ không biết tôi ghét nhất là mùi dầu sao?”.

Chị run rẩy nói không ra hơi: “Con dại dột với ai, nói cho mợ biết coi, sao mà…”.

Linh nóng nảy cắt ngang: “Thôi đi! Tôi làm, tôi chịu. Mợ mà hó hé với bà nội hay ba tôi thì đừng nhìn mặt tôi nữa. Dọn dẹp cái đống dơ đó giùm tôi đi!”.

Ra lệnh xong, Linh mệt mỏi bỏ về phòng riêng. Chị nhanh tay dọn dẹp “bãi chiến trường”, sao cho không để lại một dấu tích nào. Vừa làm, nước mắt chị vừa rơi lã chã.

Đến khi đã nằm xuống chiếc giường nhỏ của mình, cạnh bên là con bé tên Sa cũng giúp việc nhà như chị đang ngáy ngon lành, chị phải bụm miệng lại cho tiếng nấc không thoát ra khỏi cổ họng. Lần này, chị không tủi thân vì thái độ hằn học của Linh đối với chị như những lần trước, mà chị khóc vì lo sợ tai họa đang giáng xuống đầu con bé. Linh chỉ mới mười bảy tuổi, nó còn chưa thi vào đại học. Chắc chắn bà chủ và cậu chủ sẽ không để yên cho cái bào thai vô duyên vô cớ đang lớn lên từng ngày trong bụng con bé.

Chị giật mình thức dậy vì tiếng đổ vỡ vọng xuống từ phòng bà chủ. Không kịp rửa mặt, chị chạy ào lên lầu. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chị là mâm thức ăn sáng chưa dùng của bà chủ nằm chỏng chơ dưới đất. Vừa trông thấy chị, Linh ngước đôi mắt đẫm lệ nhưng cũng đầy oán hận lên nhìn. Con bé đang quỳ gối bên cạnh bà nội nó. Gương mặt bình thường vốn lạnh băng, giờ hằn lên sự giận dữ của bà chủ mách bảo cho chị biết rằng bà đã tường tận mọi chuyện.

“Sao, chị còn đứng yên đó à? Chị định giấu tôi tới bao giờ? Đến khi cái bụng nó phình to thì ba đời nhà chị cũng gánh không hết. Đúng là có cái dòng con hoang mà”. Câu cuối cùng, bà chủ nhà làu bàu như chỉ để bản thân và chị nghe thấy. Chị gằm mặt xuống đất, nỗi tủi nhục không lớn bằng sự thương xót, lo lắng cho Linh đang vật vã khóc than.

Ba của Linh chợt đằng hắng: “Giờ tính sao, má?”. Chị liếc nhìn người đàn ông đã gần năm mươi tuổi đầu. Ngày trước, chị cũng nghe ông ấy hỏi một câu tương tự khi chính chị rơi vào trường hợp này. Đã mười bảy năm rồi, sự nhu nhược vẫn không hề mất đi.

“Dẫn nó đi bỏ cái của nợ đó!” Nghe vậy, cậu chủ kêu lên: “Con ư? Trời ơi, con làm sao…”.

Bà chủ mặt đỏ phừng phừng: “Không lẽ để bà già này làm việc đó à?”. Chị rùng mình. Linh quỳ thụp xuống, sợ hãi: “Con lạy bà nội, xin bà hãy thương con!”. Giọng bà chủ the thé như vọng về từ cõi nào: “Đó là ta thương cháu đấy.

Vì tương lai của cháu và cũng vì cái gia đình này, cháu hãy chịu đau một lần!”. Mặc cho Linh gào khóc thảm thiết, bà hất tay con bé đang níu chặt chân bà ra. Bà trừng mắt bảo cậu chủ: “Bịt miệng nó lại, muốn cả cái xóm này biết chuyện hết à”.

Nước mắt giàn giụa, chị nhỏ giọng: “Con xin bà cho con dẫn nó đi làm cái chuyện thất đức kia”. Bà chủ phóng tia nhìn tức giận về phía chị:

“Phải. Nếu ngày trước tôi cũng làm cái chuyện thất đức kia với chị thì bây giờ đã không có cái ngữ này. Chị nói chị dẫn nó đi bệnh viện, tôi tin chị được không?”. Chị cúi đầu không đáp. Nghe cuộc trao đổi giữa bà nội và chị, Linh nín khóc.

Nó phẫn nộ nhìn chị trân trối. Kể từ giờ phút đó, nó chỉ được quanh quẩn trong phòng bà nội, không được đi đâu nữa.

Chị thất thểu đi về phòng. Nói là phòng cho oai chứ thật ra chỉ là cái nhà kho tận dụng làm chỗ ngơi nghỉ cho người ăn kẻ ở trong nhà. Sa đang soạn đồ chất vào cái giỏ mà cách đây mấy tháng khi đến nhận việc, nó đã xách theo. Vừa thấy chị, con bé thút thít: “Bà chủ đuổi con rồi”.

Nhìn vào mắt nó, chị xâu chuỗi lại những sự việc vừa xảy ra và ngờ ngợ: “Phải mày nhiều chuyện không Sa?”. Ban đầu Sa chối quanh, nhưng khi thấy chị quá hiểu tánh ý bà chủ, nó thừa nhận hồi đêm đã thấy Linh ói và thấy chị bao che cho Linh. Nó tưởng mách lại bà chủ, sẽ được thưởng. Không ngờ bà mắng té tát vào mặt và trả luôn một tháng lương, bảo nó cuốn gói đi ngay, cái tội “nói xấu” cháu gái bà. Bà chủ là vậy, sẽ bưng bít chuyện bằng mọi cách. Chỉ khổ thân chị, Linh lại thêm ghét cay ghét đắng vì ngỡ chính chị đã làm lộ bí mật của nó.

Con Sa vừa bắt xe ôm ra bến xe về quê, nghĩa là trong nhà không còn một người ngoài nào, bà chủ gọi ngay chị lên phòng. Dúi vào tay chị một xấp tiền, bà gằn từng tiếng: “Liệu mà làm cho trót lọt. Tôi thuê xe rồi. Con Linh và ba nó sẽ đi một lượt giống như đi du lịch vậy. Còn chị đi xe ôm, ra tới ngã ba thì đứng chờ xe tới rước. Phải “làm” ở thành phố mới không gặp người quen.

Tôi không muốn hàng xóm dòm ngó khi thấy chị và chúng nó đi chung với nhau. Chị hiểu không?”. Chị “Dạ” thật nhanh và quay đi cũng thật nhanh, sợ còn nấn ná, nước mắt sẽ lại rơi trước mặt người đã chứng kiến chị không biết bao nhiêu lần đau khổ.

Trên đường lên Sài Gòn đến thẳng bệnh viện, ba người không ai buồn mở miệng nói với nhau điều gì. Thỉnh thoảng nhìn qua Linh đang ôm đầu, gục gặc vì say xe, chị thờ thẫn nhớ lại ngày Linh còn bé, một tay chị ẵm bồng, chăm bẵm. Con bé rất quý chị, quấn chân chị suốt ngày. Thế nhưng năm nó mười hai tuổi, cô chủ mắc bệnh nan y không qua khỏi. Trước khi mất, cô gặp riêng nó rất lâu, và kể từ lúc đó, Linh thay đổi hẳn. Con bé không còn tíu tít nói cười như trước mà tỏ ra chán nản, bất cần, hằn học với mọi người xung quanh, nhất là đối với chị.

Mỗi lần chị đến gần định hỏi han, nó đều tìm cớ tránh đi, thậm chí thẳng tay xua đuổi. Ngoại trừ bà nội và ba Linh, những người xung quanh ai cũng bất bình trước thái độ hắt hủi chị không thèm giấu giếm của Linh. Họ có cảm giác chị yêu thương Linh bao nhiêu thì nó ghét bỏ chị bấy nhiêu. Họ ngạc nhiên sao chị có thể trụ lại ngôi nhà đó gần hai mươi năm trời, cun cút phục vụ một bà lão đã gần đất xa trời nhưng nghiêm khắc, khó gần cùng một người đàn ông chỉ biết ngồi quản lý tiệm vàng kiêm cầm đồ lớn nhất nhì thị xã, mà lại không đời nào ngó ngàng tới con gái và cô chủ nhỏ hách dịch, trịch thượng với người giúp việc lâu năm như chị.

Tới nơi, ba Linh không vào mà ngồi ở quán nước gần cổng bệnh viện. Chị xót xa dẫn Linh đi. Con bé mặt che kín nhưng vẫn không giấu được ánh mắt hoảng hốt và dáng vẻ lớ ngớ đến tội nghiệp.

Chị dắt tay Linh, đỏ mặt len qua những dãy hành lang đầy người chờ tới lượt. Linh líu ríu theo chị như ngày bé, không hó hé một lời. Xong hết mọi thủ tục giấy tờ, thăm khám, chỉ còn chờ “công đoạn” cuối cùng, con bé đòi ra căng-tin uống nước, rồi lại đòi vào phòng vệ sinh. Chị biết Linh lo sợ, muốn kéo dài thời gian nên chị nắm chặt cánh tay con bé, vỗ về. Đến khi Linh ở mãi trong phòng vệ sinh không chịu ra, chị vội mở cửa bước vào thì thấy Linh đang ôm mặt khóc. Nhác thấy chị, nó òa lên như đứa trẻ:

“Đừng mợ ơi, đừng giết con con!”. Chị ôm Linh đang mềm quặt vào lòng, nức nở theo: “Ráng đi con, mợ thương con mà”. Linh chợt khựng lại.

Nó nhìn chị bằng ánh mắt ban sáng ở phòng bà nội nó: “Thương con? Hay mợ chỉ thương tiền. Mẹ tuy không sinh ra con, cũng không gần gũi con nhiều nhưng trước khi chết, mẹ đã làm điều tốt cho con là kể hết với con sự thật. Còn mợ, ngay cả đứa con của mình, mợ cũng không dám nhận. Mợ hèn lắm”.

Những lời kết tội của Linh khiến chị như hóa đá. Chị khóc không thành tiếng. Linh ôm lấy cái bụng đã lùm lùm: “Ngay từ khi biết mình có thai, con đã yêu giọt máu này. Con không hiểu sao mợ lại vì vài chỉ vàng của bà nội đưa lúc đó mà bán con cho mẹ, vậy mà mợ nói mợ thương con?”.

Chị nấc lên: “Linh à, mẹ con không kể là bà nội con đã ép mợ lên thành phố chờ ngày sinh nở, trong khi mẹ con giả có thai, rồi danh chánh ngôn thuận cướp con trên tay mợ sao? Mợ năn nỉ cho mợ ở bên con, với lời thề không bao giờ nhìn nhận con… Mợ không ngờ con đã biết chuyện từ lâu”.

Nhớ lại chuyện cũ chẳng khác gì khơi lại vết thương chưa bao giờ lành miệng. Từ bé, chị đã không biết mặt cha, cũng như hai bên nội, ngoại. Mẹ chị với cái bào thai vô chủ, bỏ xứ mà đi. Sự nghèo túng, khổ cực đã quật ngã bà. Mẹ chị chết không nhắm mắt vì chưa thực hiện được nguyện ước về lại quê nhà để lạy tạ ông bà. Lần theo địa chỉ mẹ để lại, chị tìm tới nơi ông bà ngoại sinh sống thì mới hay họ đã dời đi nơi khác từ lâu…

Ngày ấy, chị bằng tuổi Linh bây giờ, chẳng còn ai thân thích, không nghề nghiệp, bỏ quê nghèo lên thị xã làm người giúp việc. Lần đầu tiên tiếp xúc với người khác phái, chị không tránh khỏi choáng ngợp trước vẻ lịch lãm và dịu ngọt của cậu chủ. Chị đã không thể mở miệng kêu cứu vào một đêm mưa, khi cậu ta lén vào phòng, đè nghiến chị trên giường. Cậu thề sống thề chết sẽ yêu thương chị suốt đời nhưng lại trơ mắt ngó khi vợ cậu phát hiện. Bị đánh ghen một trận thừa sống thiếu chết trước mặt hai mẹ con bà chủ, chị vẫn nhất quyết bảo vệ đứa bé trong bụng. Chính bà chủ đã sắp đặt mọi thứ, tất cả đều vì đứa con dâu mà sau này chị mới hiểu, dù vô sinh nhưng với tài sản khổng lồ đem về nhà chồng, cô ta vẫn đứng vững ở vị trí của mình. Còn chị, mãi mãi là thân ở đợ, chỉ là mang nặng đẻ đau thay người khác mà thôi. Và cho đến lúc mất, cô chủ vẫn trả thù chị bằng cách gieo vào đầu đứa con chị rứt ruột sinh ra mối căm thù chính mẹ nó.

Chị có ham tiền, ham bạc gì cho cam. Ngay cả tiền lương tháng, chị cũng không được nhận, như một sự trừng phạt vô thời hạn. Còn cậu chủ, quá sợ mẹ và vợ, hơn nữa lại sợ không được thừa kế gia sản, ông ta không dám đến gần chị nữa. Mỗi khi đi ngang phòng chị, ông đều cắm đầu đi như bị ma đuổi. Ngay cả đứa con gái của ông và chị, ông còn không dám bày tỏ tình cảm dành cho nó. Sau khi vợ mất, ông ta có gõ cửa phòng chị mấy lần vào lúc đêm khuya nhưng chị im lặng chốt chặt then cửa. Trong lòng chị, ông ta đã chết từ cái ngày nhắm mắt làm ngơ cho vợ đánh mắng chị, cạo sạch đầu tóc chị.

Chị đành mất con vì sức yếu, thế cô, và cũng vì một lẽ sâu xa nhất: chị không muốn con bé chịu tiếng con hoang suốt đời như mình. Chị chỉ mong nó có cha có mẹ đầy đủ trong mắt người đời và được hưởng cuộc sống ấm êm. Chị cắn răng nhịn nhục, ở lại ngôi nhà đó vì chị không cam lòng để con một mình bên những người dư dả tiền bạc nhưng thiếu tình người.

Đột ngột, chuông điện thoại của Linh đổ dồn. Con bé lập cập trả lời. Ba nó hỏi mọi chuyện đã xong chưa.Chị run rẩy lôi tuột con bé đi về phía phòng “giải quyết”. Không nỡ nhìn con trong chiếc váy trắng toát của bệnh viện, mỏng manh như cây non gặp bão, chị quay mặt đi. Bắt gặp những chiếc băng ca đưa những cô gái lỡ dại như con chị từ phòng trong ra, cô nào mặt cũng xanh mét, mắtnhắm nghiền, chị nhói buốt bên lồng ngực trái.

Chỉ ít phút nữa thôi, con của chị cũng sẽ như thế, và đứa cháu bé bỏng của chị sẽ mãi mãi là giọt máu bị vứt lại ở chốn này, khi chưa kịp tượng hình. Linh nghe gọi tên lần thứ ba mới quờ quạng đứng lên, líu quíu đi theo cô y tá. Cánh cửa phòng kín đã khép lại sau lưng con bé. Ngày trước, nếu mẹ chị cũng đi vào cái phòng như thế, thì chị đã không có mặt trên đời. Chị biết phải cảm ơn bà đã chịu nhục, chịu khổ sinh ra chị, hay oán trách bà sao không “giúp” chị chết đi từ trong trứng, để chị lớn lên khổ nhục chẳng kém gì bà? Còn chị, nếu ngày ấy bỏ đi giọt máu của mình thì sao? Và Linh, có bao giờ nó cũng mang suy nghĩ giống chị không?

Bỗng chị đứng bật dậy, chạy ào theo hướng con. Linh đang nằm dang chân trên giường bệnh. Gần đó, một cô y tá chuẩn bị những dụng cụ y khoa, tiếng va chạm nghe rợn cả người. Một chiếc bình lớn đầy máu, nối với đám dây nhợi lằng nhằng mà không cần phải nhìn lâu, chị cũng biết những thứ đó sẽ đưa vào ngưỡng cửa cơ thể con bé để hút ra cái mầm sống vô tội.

Một cô y tá khác đang cầm ống tiêm, có lẽ là mũi thuốc mê dành cho Linh. Trông thấy chị, nó kêu như xé lòng: “Mợ ơi cứu con”.

Chị luýnh quýnh xin lỗi bác sĩ và mấy cô y tá, vội vã đỡ con dậy, rời khỏi căn phòng đầy ám khí. Chị dắt con đi như chạy ra cổng sau, vừa đi chị vừa dáo dác nhìn sau lưng, sợ ba nó phát hiện, đuổi theo. Nhất định lần này, chị sẽ không để mất Linh. Chẳng những có được đứa con gái chị yêu thương nhất trên đời, mà chị còn có thêm một đứa cháu. Nghĩ thế, chị thấy như được tiếp thêm sức mạnh dù tương lai còn mờ mịt. Chị sẽ ở lại thành phố này, nơi không ai biết lai lịch, gốc tích mẹ con chị. Số tiền bà chủ đưa giờ chỉ còn tạm đủ cho hai mẹ con sống thêm vài hôm nữa. Nhưng với sự cần mẫn của mình, chị tin chị có thể làm thân trâu ngựa nuôi Linh, chờ ngày con sinh nở.

Khi đã yên vị trên chuyến xe buýt xuôi về một quận ven, Linh mệt mỏi ngả đầu vào vai chị. Con bé nghẹn ngào gọi: “Mẹ ơi!”.

CHIẾC BÔNG TAI

Chưa vào đến phòng khách, Nguyệt đã nghe tiếng nói cười vọng ra. Mẹ của Quốc đang nắm tay Lan, con dâu cũ, thăm hỏi ân cần, điều mà bà chưa từng dành cho Nguyệt. Cha của Quốc mải chơi đùa với hai đứa cháu nội, vui vẻ đến nỗi không nghe tiếng Nguyệt chào ông.

Lúc chiều, khi Quốc bảo cùng ghé thăm ba mẹ vì có Lan và hai đứa nhỏ ở nước ngoài về, Nguyệt đã định tìm cách thoái thác. Nhưng phần vì giọng nói nghiêm nghị như ra lệnh của Quốc, phần vì tò mò khi nghe Quốc nói Lan muốn gặp cô, Nguyệt đành miễn cưỡng bước vào căn nhà bề thế của cha mẹ Quốc mà Nguyệt chưa được “chính thức” rước về.

– Chị có quà cho Nguyệt này!

Lan tươi cười ngoắc Nguyệt. Ngượng ngùng ngồi xuống cạnh Lan, đưa tay nhận hộp quà bé xíu nhưng Nguyệt cảm thấy nặng trĩu.

Suốt buổi gặp gỡ, mọi quan tâm của ba mẹ Quốc hầu như dồn hết vào hai đứa trẻ. Nguyệt nhấp nhỏm không yên khi nghĩ họ đang bóng gió về sự chậm con của mình. Bữa cơm đoàn tụ diễn ra vui vẻ, sôi nổi như không hề có sự tồn tại của Nguyệt.

Quốc không cùng về mà kêu taxi cho Nguyệt khi cô viện cớ mệt để thoát khỏi sự bức bối đang bủa vây. Nguyệt lủi thủi trở về căn hộ mà Quốc mua làm tổ ấm cho hai người.

Trước giờ, khi bước chân vào căn phòng ngủ màu hồng lãng mạn chính tay cô bày trí, Nguyệt luôn thấy thoải mái. Nhưng tối nay cảm giác đó dường như đã tan theo tiếng cười của hai đứa con riêng của Quốc. Chợt nhớ món quà Lan tặng, Nguyệt hờ hững mở ra xem. Là đôi hoa tai nhỏ nhắn đính đá quý, giông giống thứ trang sức mà ngày ấy Nguyệt luôn đeo. Đó cũng là món quà đầu tiên Quốc tặng, đánh dấu mối quan hệ tội lỗi của hai người. Vậy là Lan chưa bao giờ quên, hay đúng hơn là chưa bao giờ tha thứ cho Nguyệt. Cũng vì chiếc hoa tai ấy mà mọi chuyện mới vỡ lở…

***

Ngày ấy Nguyệt mới ra trường, tất tả nộp đơn hết nơi này nơi nọ vẫn chưa xin được việc. Long đã nhờ chị ruột đưa Nguyệt vào công ty mà chồng chị là Giám đốc.

Nguyệt vừa ổn định công việc thì Long được ba mẹ bảo lãnh xuất ngoại. Trước khi đi, hai người đã làm lễ hỏi. Long đi rồi, chị Lan thương Nguyệt nhiều hơn, thường rủ Nguyệt đến nhà chơi. Cùng làm việc ở công ty, lại thêm tiếp xúc, gặp gỡ nhau trong những bữa cơm thân mật hay những buổi đi chơi xa với cả gia đình, Nguyệt dần chú ý đến Quốc. Càng chứng kiến cảnh gia đình Lan vui vẻ, Nguyệt càng khát khao thứ hạnh phúc không phải của mình. Biết như thế là có tội với cả hai chị em Long, Nguyệt nhiều đêm thao thức. Khổ nỗi, người chị chồng tương lai quá tin tưởng Nguyệt. Chị rủ rỉ thế nào mà khi cô thư ký riêng của Giám đốc vừa nộp đơn xin nghỉ, Nguyệt liền được chọn để thay thế. Chị đâu biết đã vô tình tạo điều kiện cho thứ tình cảm tội lỗi trong Nguyệt đơm hoa kết trái.

Cách xa nửa vòng trái đất, Long làm việc cật lực, cố gắng ổn định mọi thứ để nhanh chóng đưa Nguyệt sang. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi với chồng sắp cưới không thể làm dịu nỗi cô đơn trong lòng Nguyệt. Trẻ trung, duyên dáng cộng thêm năng động, nhạy bén trong công việc, lại đặc biệt quan tâm và hiểu ý sếp, Nguyệt dần dần chiếm được cảm tình của Quốc.

Rồi những chuyến công tác xa, những bữa tiệc mừng với đối tác…

Lần đó, Nguyệt đưa Quốc về khách sạn trong tình trạng say mèm. Không một chút đắn đo, Nguyệt ở lại với anh suốt đêm… Sáng ra, khi thấy dấu vết trinh nguyên của Nguyệt còn vương lại trên tấm drap trắng tinh, Quốc thật sự bối rối.

Những ngày sau đó, anh yêu chiều Nguyệt hết mực nhưng cũng thận trọng hơn để che mắt mọi người. Ngất ngây hạnh phúc trong mối tình vụng trộm, Nguyệt không còn nhớ gì đến vị hôn phu đang ở xứ người cũng như những ân tình mà Lan đã dành cho cô.

***

Một lần Quốc bệnh không đến công ty, Nguyệt mang giấy tờ về tận phòng riêng cho Quốc xét duyệt. Nỗi nhớ người yêu khiến Nguyệt không ngại ngùng khi cánh cửa phòng vừa khép lại. Cô chủ động ôm hôn Quốc ngấu nghiến ngay trên giường của hai vợ chồng Quốc dù anh đã giữ ý nhắc nhở cô.

Tối đó trở về nhà, Nguyệt giật mình khi phát hiện chỉ còn một chiếc bông tai. Không biết đã đánh mất nó ở đâu nhưng Nguyệt cũng không mấy bận tâm. Cô đang mơ về những ngày vui vẻ bên Quốc trong chuyến đi công tác ở Thái Lan sắp tới.

Chuyến đi diễn ra tốt đẹp khiến Quốc vui lắm. Anh bỗng cuồng nhiệt với Nguyệt như thuở thanh niên, dù hơn Nguyệt mười một tuổi.

Thái Lan lại không phải quê nhà. Khi cùng nhau ăn uống cũng như dạo quanh đường phố, hai người tình tứ tay trong tay như một đôi uyên ương đi hưởng tuần trăng mật. Và có lẽ họ sẽ lưu dấu kỉ niệm trước khi trở về nước bằng một trận mây mưa bất tận, nếu như không trông thấy một bóng dáng quen thuộc đang chờ họ ở cửa khách sạn.

Đến tận bây giờ, Nguyệt vẫn không thể quên ánh mắt của Lan lúc đó. Đôi mắt thăm thẳm yêu thương, đau đáu ghen tuông và ngùn ngụt hận thù. Đôi mắt nói lên tất cả những gì tốt đẹp nhất chị đã dành cho cả hai người, giờ bỗng chốc trở thành những gì ghê tởm nhất. Ném trả Nguyệt chiếc bông tai chị nhặt được trên giường ngủ của vợ chồng chị, ném cho Nguyệt cả tia nhìn khinh bỉ, chị bỏ đi…

Lan quyết định không cho Quốc cơ hội chuộc lỗi. Chính chị đã đẩy Quốc về phía Nguyệt dù chị biết anh còn yêu thương chị và hai đứa con xinh đẹp, ngoan ngoãn. Vội vã làm thủ tục xuất cảnh, Lan dắt hai con ra đi trước sự ngăn cản thống thiết của gia đình chồng. Ba mẹ Quốc giận anh đến nỗi tuyên bố sẽ không nhận bất kỳ ai làm dâu nữa.

Năm năm trôi qua, Nguyệt không còn là người tình trong bóng tối của Quốc nữa nhưng lại là người vợ chưa bao giờ cưới. Mỗi lần cô tấm tức khóc than cho danh phận của mình, Quốc lại dỗ dành bằng một món quà giá trị nào đó. Cứ ngỡ theo thời gian, ba mẹ Quốc sẽ chấp nhận Nguyệt nhưng họ vẫn tỏ thái độ lạnh lùng.

Có lần Nguyệt ân cần hỏi thăm mẹ Quốc khi thấy sắc mặt bà mệt mỏi, bà đã thẳng thừng:

“Cô không cần phải đóng kịch với tôi. Con dâu tôi quá tin tưởng cô nên hối hận suốt đời. Chứ tôi thì không đâu”. Nguyệt về khóc nức nở với Quốc thì anh hờ hững: “Anh không muốn nghe những chuyện như vậy nữa”.

Quốc vốn ít nói, càng kiệm lời hơn. Anh miệt mài làm việc ngay khi đã về phòng riêng.

Anh chỉ giao tiếp với Nguyệt những điều thật cần thiết. Anh vẫn tặng hoa cho Nguyệt những dịp sinh nhật, lễ tết, vẫn thỉnh thoảng đưa cô đi dự tiệc, mua sắm hay bất cứ đâu cô yêu cầu. Nhưng tự sâu thẳm, Nguyệt cảm nhận được vẻ miễn cưỡng của anh. Có lẽ vì Nguyệt đã từng chứng kiến cảnh anh đầm ấm bên vợ như thế nào. Cũng có lẽ vì Nguyệt nhạy cảm quá!

***

Hết giờ làm, Nguyệt nhận được cuộc gọi từ số máy lạ: “Chị Lan đây. Gặp chị một chút nhé!”. Nguyệt hồi hộp giấu Quốc. Cô bảo anh về trước và tự đón xe đi một mình.

Từ xa, Nguyệt trông thấy Lan đang quỳ trước tượng Phật bà. Quang cảnh trầm mặc của ngôi chùa cổ kính khiến Nguyệt thêm bồn chồn.

Hai người phụ nữ từng có biết bao thâm tình cũng như oán hận vừa dạo quanh khuôn viên chùa, vừa trao đổi đủ thứ chuyện. Giọng Lan êm ái trong gió chiều vừa tắt nắng: “Em sống có hạnh phúc không?”.

Nguyệt cảnh giác: “Dạ, cũng bình thường thôi chị”.

“Biết chị về nên Long có gửi lời thăm em”.

Nguyệt ngập ngừng: “Anh Long khỏe không chị?”.

Lan cười nhẹ: “Nó ăn chay và thiền mỗi ngày để tâm hồn thanh thản. Chị chỉ mong làm được như nó”.

Nói những từ cuối, Lan nhìn xoáy vào mắt Nguyệt. Nguyệt rùng mình nhìn tránh đi nơi khác, giọng nghẹn lại: “Em có lỗi với chị và anh Long quá! Em…”

“Lỗi phải gì em! Chuyện qua rồi mà. Chị về lần này là để xem anh Quốc hoàn tất di chúc cho hai đứa nhỏ. Cũng thiệt thòi cho em thật! Nếu “theo” anh ấy, em sẽ không được làm mẹ đâu. Trước khi ly hôn, anh ấy đã tự nguyện triệt sản vì không muốn có thêm con nữa. Anh ấy không nói với em sao?”

Nguyệt đứng sững lại, chỉ muốn ngồi thụp xuống đâu đó cho khỏi ngã. Miệng Lan cười nhưng giọng nói rít qua kẽ răng.

***

Nguyệt chông chênh trở về với căn hộ sang trọng cô đang ở – nhưng lại không phải là người sở hữu. Không có gì thật sự là của Nguyệt ở đó.

Cô đã dốc hết vào tình yêu và cả khối tài sản của Quốc, nhưng cuối cùng cô được gì? Tuổi xuân, lòng tự trọng và cơ hội cho tương lai, cô đã tự mình đánh mất.

Quốc vẫn chưa về. Đặt hộp quà có đôi bông tai của Lan tặng lên gối nằm của mình, nhét vội dăm bộ quần áo vào va li, Nguyệt nghẹn ngào đứng dậy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button