Văn học trong nước

Con Đến Như Một Phép Màu

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Hữu Nam

Download sách Con Đến Như Một Phép Màu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

NHỮNG LÁ THƯ CHO TẤT CẢ

“Người người vẫn qua lại, mọi thứ diễn ra bình thường, như chẳng có chuyện gì, nhưng ba không thể nào đến gần con được.” Hai cha con đang sống trên đất nước hòa bình. Nhưng chuyện gặp lại chỉ trông chờ vào những tấm ảnh thời con dăm ba tháng và những giấc mơ. Hà Nội – Sài Gòn nào phải xa xôi. Một vé máy bay giá rẻ, đôi ba giờ cho tất cả thủ tục và hành trình, nơi cần đến đã hiện ngay trước mắt. Nhưng Hà Nội mãi là một giấc mơ khi người cha đang ở Sài Gòn không thể ngồi máy bay cũng không thể ngồi xe đường dài. Ðứa con trai nhỏ nhắn đang ở đâu đó chỗ giấc mơ. Hình vóc nó như thế nào, nặng hay nhẹ, mạnh hay yếu? Người cha không được biết. Người cha từng nghĩ con là một giấc mơ hạnh phúc mà cả đời cha không dám ước. Cha thấy mình là người may mắn nhất trên đời khi có con. Rồi giấc mơ bay đi… Trong khi đứa con không hề bay đi, nó vẫn vô tư khóc cười đâu đó cách người cha hơn ngàn cây số.

Ðọc Ba ơi, mình đi đâu? – của nhà văn Jean Louis Fournier tôi đã khóc với một người cha có hai ngày tận thế vì sinh ra hai đứa con có hệ thần kinh tật nguyền. Ðến khi đọc Con đến như một phép màu tôi thấy tác giả Lê Hữu Nam còn phải đối diện với nhiều ngày tận thế hơn… Ngày bồng con ra sân bay cứ luôn nghĩ một khoảnh khắc xa con là một khoảnh khắc tim ngừng đập. Dẫu rằng khoảng trống đó đang được hứa hẹn lấp đầy sau mươi ngày con quay về. Không ai ngờ khoảng trống dần dần rộng như chốn vô cùng khi lời hứa sum vầy cũng kéo dài vô hạn. Nó đã thành một hố thẳm. Người cha đứng trong lòng hố vẫn không ngừng vẽ lên nền trời mong ước bé nhỏ những mảng màu tươi thắm. Dẫu cho ba với con như những vì sao ở hai phía bầu trời thì tia mắt mong chờ của ba vẫn đủ sức phóng đi xa hơn trời đất bao la kia. Căn bệnh tim càng trầm trọng. Có lúc “nó ngừng đập vài giây”. Rồi nó đập trở lại. Người cha dưới lòng hố nhìn miệng hố ngày càng vời xa, vẫn vẽ lên nền trời bằng tàn hơi đầy những mảng màu thắm thiết. Màu cho con.

Có những loại văn chương tài hoa, sắc sảo như những đóa hồng nhung được chăm chút bởi người làm vườn lành nghề. Nhưng cũng có những loại văn giống như được đâm ra từ một xác cây đã tróc sạch vỏ, khô cháy từng thớ gỗ, chỉ còn lại một dòng nhựa nhỏ len lỏi. Và dòng nhựa đó nẩy chồi. Văn trong “Con đến như một phép màu” là dòng nhựa mỏng tràn đầy sức sống. Chồi non cứ phún xanh. Nắng dội, mưa dầm nó quẹo xuống tàn lụi. Nhưng sau đó nó tủa chi chít chồi mới, sẵn sàng phủ xanh lên mọi cỗi cằn. Một quyển nhật ký hay những trang thư cho con mang hơi hớm tiểu thuyết. Trong đây nhân vật chính diện không phải chiến đấu với nhân vật phản diện mà là chiến đấu cùng nỗi nhớ và căn bệnh tim bẩm sinh đột biến vô chừng.

Lê Hữu Nam gần như vô vọng ngày gặp lại con vì bệnh cứ luôn chực đến, chực kéo anh khỏi thế gian mà tin tức con cứ bằn bặt. Anh chiến đấu với cái tên “nỗi nhớ” bằng tất cả sức lực mong manh của mình. Nhìn cách anh cười, cách anh nghĩ về những hoạt động giúp đỡ trẻ khuyết tật hay viết về con đường bảo vệ môi trường chung cho trái đất, ta cứ tưởng anh rất may mắn, rất sung sướng. Có lẽ anh đang tự hào vì luôn tin đây là món quà anh có thể gởi lại cho con và nó sẽ vô cùng hạnh phúc vì đã được chào đời trên thế giới đầy yêu thương này.

Với vòng tay từng ôm ấp thiên thần giờ chỉ còn là khoảng trống triền miên, Nam oằn mình biến bất hạnh thành bông hoa giàu hương sắc dâng cho cuộc sống. Và con trai Nam sẽ nhận được một món quà lớn, cần cho nó. Tôi không nghĩ đây chỉ là những lá thư cho con mà nó giống như những lá thư dành cho tôi, cho tất cả những người đang có may mắn được kề cận con cái mỗi ngày. Tài sản chúng ta để lại cho con là gì? Con đến như một phép màu đầy nỗi niềm riêng nhưng lại trả lời được những câu hỏi rất chung dành cho tất cả những người làm cha làm mẹ.

Võ Diệu Thanh

ĐỌC THỬ

NGÀY ĐẦU CÁCH XA CON

Một màn mưa dày đặc bao trùm lên mọi ngã phố Sài Gòn…

Chiếc taxi từ từ lăn bánh trên mặt đường lênh láng…

Đèn giao thông dường như vội vàng chuyển sang màu xanh…

Điều đó có nghĩa con sắp phải xa ba rồi đấy, con trai ạ…

Trong vòng tay ba, con cứ quay ngược quay xuôi, một lúc lại nhoài người, cố với lấy cặp kính của ba. Thỉnh thoảng nheo mắt nhướng mũi rồi lại nhếch môi cười tủm tỉm, mặc cho những giọt nước tất tả rơi bám vào lăng kính, mặc cho giờ phút chia tay sắp diễn ra bịn rịn, mà ba biết chắc rằng chính ba sẽ phải giấu đi những nghẹn ngào tận sâu trong lòng.

Chú Nguyên, cô Quỳnh và chú Tin cũng ra sân bay cùng gia đình mình, ai cũng muốn nói lời tạm biệt mẹ và con, muốn nhìn thấy anh chàng Po láu lỉnh đi chơi vui vẻ. Bồng con trên tay, ba thấy con trai của ba rất bảnh bao trong bộ quần áo của cô Mai mua tặng hôm đầy tháng. Quả đúng khi ai cũng nói con xinh xắn như mẹ và có nét hao hao giống ba. Ai cũng nói con tinh anh với đôi mắt tròn đen lay láy và bụ bẫm như một thiên thần. Và ai cũng bảo ba có phúc vô cùng khi có cậu con trai như vậy. Riêng ba, ba thấy còn hơn thế nữa, bởi có mẹ và con, cuộc đời ba như một vùng sa mạc hoang vu được tắm trong biển nước mát lành.

Mặc dù biết con chỉ không ở cạnh ba trong thời gian ngắn, nhưng cảm giác xa cách làm cho ba thấy trống trải, kể cả lúc chưa thật sự phải xa. Nhìn bảng thông báo chuyến bay, lắng tai nghe lời nhắn của tiếp viên, ba thấp thỏm khi nghĩ đến cảnh phải xa con. Rồi giây phút chia tay cũng đến hồi phải diễn ra. Cùng mẹ và con bước vào khu vực soát vé, nối theo hàng người dài ở khu vực này, ba cầu mong những bước chân của họ chậm lại, để ba được ở bên con lâu hơn. Ba muốn giữ con lại, một phút thôi cũng được, nhưng đã đến giờ. Dòng hành khách đang tiến vào khu vực chờ.

Chỉ trong thoáng chốc, con và mẹ khuất sau bức tường, mất hút vào trong, ba nghẹn ngào đứng trong khoảng lặng, chỉ muốn gọi tên con “Po ơi!”. Nhưng sự quyến luyến cần phải nhường chỗ cho niềm vui, ba phải vui lên vì con nay cứng cáp, mẹ khỏe khoắn hơn, hai mẹ con đã đủ điều kiện để về thăm ngoại. Đó là điều tốt lành. Ông bà ngoại sẽ tự hào, thích thú khi bồng đứa cháu ngoại bụ bẫm trên tay. Cả nhà sẽ rộn lên tiếng cười khi đón con về, mẹ con sẽ vui hơn. Và ba cảm thấy như vậy là niềm an ủi, dẫu có quyến luyến hay có phải sống trong nỗi nhớ con. Một tháng, chỉ thấm thoát mà thôi, con sẽ lại về bên ba với những ngày tháng tràn ngập yêu thương.

Ba trở về nhà, cùng chú Nguyên, cô Quỳnh và chú Tin. Con và mẹ đã ngồi vào máy bay, trên không trung bao la, giữa những áng mây kỳ vĩ trắng xóa, con trai ba đã cất cánh cho chuyến đi đầu tiên của đời mình, cùng mẹ, con được tìm về nơi một nửa là gốc gác quê hương, một nửa dòng máu con là nơi đó, Hà Nội. Thế nhưng, sau bốn tiếng mà cả nhà vẫn không nhận được tin tức của hai mẹ con. Ba lo lắm, ông bà nội cứ hối ba gọi điện cho mẹ, nhưng không tài nào liên lạc được.

Đến tối, điện thoại ba đổ chuông. Ba mừng quá reo lên, đó là số của mẹ. Từ đầu dây bên kia, mẹ nhẹ nhàng chậm rãi thông báo cho cả nhà biết “Hai mẹ con đã về nơi an toàn, vì máy bay khởi hành muộn nên giờ mới đến Hà Nội. Con rất ngoan, cả nhà không phải lo gì cả”. Vậy là ba có thể thở phào nhẹ nhõm. Thầm nhủ, con sẽ có những ngày êm đềm bên mẹ, ông bà, cậu mợ và các anh, em của con. Hà Nội đã chào đón một chàng trai Sài Gòn thông minh, lanh lợi và rất bảnh trai trong bộ quần áo tinh tươm cùng đôi môi hay nhoẻn cười. Và con sẽ là niềm kiêu hãnh của ba, dù ở phương trời nào, con vẫn là con trai của ba, phải thế không?

Từ hôm nay, ba bắt đầu làm quen với một cảm giác mới. Cảm giác mà không người làm cha nào muốn, đó chính là nỗi nhớ con. Thế nhưng, rồi sẽ chóng qua, con và mẹ sẽ lại về bên ba. Ngày đầu tiên xa nhau, lần đầu tiên trong cuộc đời con rời khỏi vòng tay ba, ba thầm mong con được mạnh khỏe, chóng lớn. Ba yêu con, trong từng hơi thở…!

28/04/2013

MỘT TUẦN SAU

Chủ nhật, chú Nguyên chở ba đi làm bài về sự kiện đấu giá sách có tên gọi là “Sách cũ bừng sáng tương lai” của tổ chức 350.org. Sự kiện diễn ra nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện dự án lắp đặt “Chai mặt trời” cho những gia đình khó khăn. “Chai mặt trời” là phát kiến của hai nước Philippines và Brazil trong việc cải thiện môi trường cho hành tinh. Bằng một cái chai trong suốt, đổ đầy nước và lắp trên mái nhà để hấp thụ ánh sáng mặt trời, từ đó có thể thắp sáng một phần diện tích đáng kể phía trong ngôi nhà. Ngoài việc giúp các hộ gia đình tiết kiệm phần nào chi phí, “Chai mặt trời” còn giúp giảm tiêu thụ điện năng, thân thiện với môi trường.

Vì liên quan đến chương trình đấu giá sách, nên ba đã mang theo “Hành trình trở về” của chúng ta để quyên vào quỹ sách đấu giá. Có lẽ ba là phóng viên duy nhất mang sách đến quyên cho chương trình, cũng là cuốn sách do chính tay mình viết, mới xuất bản hẳn hoi. Tổng số tiền thu được từ việc đấu giá sách sẽ thực hiện dự án lắp đặt “Chai mặt trời” cho những hộ gia đình thu nhập thấp ở các địa bàn ngoại thành Sài Gòn. Dẫu chưa thật sự thiết thực, nhưng ba nghĩ tương lai nó sẽ được hoàn thiện hơn để có thể nhân rộng.

Con có nghĩ như ba, con người mình rất sáng tạo? Mặc dù nhiều thế kỷ qua chúng ta đã rất tệ trong việc bảo vệ thiên nhiên, có không ít người đã hủy hoại môi trường sống của chính mình, nhưng cũng rất nhiều người bỏ tất cả tâm huyết để bảo vệ những gì còn sót lại. Giữ gìn môi trường sống một cách khoa học và sáng tạo, đó là điều mà mỗi người sống trên hành tinh này nên làm.

Người tác nghiệp cùng ba là chú Đăng, một cameraman còn rất trẻ nhưng nhiệt tình, vui vẻ và khá tỉ mỉ trong các góc quay. Dù mới là lần thứ hai làm cùng với nhau, nhưng ba đã rất ấn tượng với chú Đăng từ ngay lần đầu. Lần đó làm bài về “Lễ cưới tập thể của 120 đôi uyên ương” vào ngày 12 tháng 12 năm ngoái, đúng 12 ngày trước hôm con ra đời. Thật trùng hợp với con số 12 đúng không nào?

Ngày hôm đó ba mẹ cùng đi với nhau, vì mẹ cần ghé bệnh viện để bác sĩ kiểm tra xem con sắp chào đời hay chưa, bởi hôm đó cũng đã gần đến ngày dự sinh. Mẹ khám xong, ra siêu thị gần đó đợi ba, còn ba với chú Đăng vẫn bám trụ “hiện trường” đến hơn một giờ trưa mới xong. Thật sự là hôm đó ba hơi lóng ngóng vì sốt ruột, nhưng chú Đăng đã giúp ba rất nhiều. Mặc dù là lần đầu bọn ba phối hợp với nhau, nhưng chú Bang biên tập đã rất hài lòng về bài của hai anh em.

Sau khi làm xong, ba đói bụng đến lả người, từ chỗ tác nghiệp đến siêu thị, nơi mẹ ngồi chờ chỉ khoảng vài trăm mét, nhưng mất đến mười phút ba mới đi tới nơi. Vừa vào đến, ba nhìn thấy mẹ đang lượn qua lượn lại ở cửa hàng bán đồ nữ giới. Mẹ kéo tay ba lại cửa hàng kẹp tóc, hỏi ba nên mua cái kia hay cái này, ba bảo chọn cái này, thế là mẹ mua luôn. Sau đó ba dắt mẹ vào cửa hàng Lotteria, đây là lần đầu tiên ba mẹ cùng vào một cửa hàng phục vụ thức ăn nhanh. Mẹ gọi món cơm thịt bò có salad, ba gọi Hamburger, mẹ sợ ba ăn bánh sẽ đói nên sớt cơm cho ba. Lúc đó ba ước, nếu ba làm nhiều tiền, mẹ thích gì ba sẽ dẫn mẹ đi ăn.

Trở lại ngày hôm nay, buổi quay kết thúc trước giờ trưa. Ba phỏng vấn trôi chảy, máy quay không có gì trục trặc. Chú Đăng vui vẻ từ biệt ba và chú Nguyên, mấy anh em hẹn ngày gặp lại. Ba và chú Nguyên vội vàng về nhà dưới trời nắng như đổ lửa. Về đến nhà, bà nội chuẩn bị cơm sẵn. Bưng chén cơm lên ba lại không tài nào nuốt trôi, bởi ba nhớ con quá, đúng một tuần ba phải xa con. Một tuần sao cứ như một năm, một đời vậy. Lâu quá!

Nếu giờ này có con ở đây ba sẽ nằm sát bên con, để con nắm chặt ngón tay ba. Nhẹ nhàng hôn lên hai má đỏ hồng của con. Hoặc chỉ cần nhìn con cục cựa, quẫy đạp hay chỉ cần ngắm con ngủ say ba cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Nhưng ba không sao, ba nhớ con nhiều, nhớ mẹ nhiều, như tất cả đều thuộc về hơi thở. Phải không con?

05/05/2013


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button