Văn học trong nước

Có Một Mầm Hoa Đã Nhú Dưới Tro Tàn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Minh Quốc

Download sách Có Một Mầm Hoa Đã Nhú Dưới Tro Tàn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Lê Minh Quốc không phải là người xa lạ với tôi và có lẽ cũng với nhiều bạn đọc khác nữa vì anh là một nhà báo, một nhà văn, và trước hết, một nhà thơ, bởi vì ngay từ thuở trẻ, anh đã chọn thi ca làm nghiệp dĩ: Tôi chạy theo thơ (2003) và cũng đã có nhiều tác phẩm thơ, tùy bút được xuất bản: Thơ tình Lê Minh Quốc, Thơ tình của Quốc, Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà…

Tôi được quen biết anh khá lâu, có khi là dịp anh phỏng vấn tôi, có khi anh làm MC cho một buổi trò chuyện, một buổi ra mắt sách của tôi…, và tôi vẫn luôn nhìn anh với đôi mắt quý mến lẫn một chút… ái ngại bởi sự cháy bỏng, tràn đầy năng lượng của anh khác với tôi, già nua tuổi tác. Nhưng, một hôm, anh bỗng gọi tôi: “Anh Đỗ Hồng Ngọc ơi, anh viết cho Quốc một bài giới thiệu tập sách sắp in này nhé. Phải là anh viết mới được…”.

Tôi ngạc nhiên lắm. Tôi biết gì về tình yêu, về gái đẹp, về đàn bà… mà viết cho Quốc đây! Nhưng anh không cho tôi kịp từ chối, gởi ngay bản thảo Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn!

Có gì vậy hả Quốc? Sao một người lẫm liệt oai phong, hừng hực năng lượng như nhà thơ Lê Minh Quốc mà bỗng thấy “có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn” vậy?

cửa đã khép thì khác gì cửa mở

anh đứng ngoài khép mở của thời gian

dẫu mở mắt cũng là đang nhắm mắt

anh thấy mầm hoa đã nhú dưới tro tàn…

(LMQ)

Thì ra… tập sách này của anh cho thấy một Lê Minh Quốc khác. Tưởng rất ngổ ngáo, rạo rực, sôi nổi trong tình yêu; sâu sắc, chặt chẽ trong văn chương nghệ thuật, bỗng trầm lắng xuống, thấy mình “dẫu mở mắt cũng là đang nhắm mắt”…

Và anh quay nhìn lại chính mình. Lắng nghe chính mình. Thứ tiếng nói từ sâu thẳm tự bên trong. Anh viết về quê hương, về mẹ, về người xưa, về cái đẹp, về nếp sống hạnh phúc… Những lời ân cần như vừa tâm tình với chính mình, lại như vừa khuyên nhủ người bạn trẻ vào đời…: Học lại người xưa, Đi là sống một đời sống khác, Sống vui từng ngày, Vui trong hiện tại, Niềm tin tâm linh…

Anh viết về mẹ với tất cả tấm lòng, đọc không thể không rưng rưng: “Còn với tôi, một khuya đẹp trời là lúc mở cửa rón rén vào nhà. Đã quen hơi người, con chó mực không sủa, chỉ quẫy đuôi mừng rỡ. Chân bước rất khẽ, thế mà vẫn nghe một giọng ngái ngủ vang lên trong tĩnh mịch: “Q về đó hả con?”, chỉ trả lời một tiếng: “Dạ”. Không gian lại im ắng lạ thường. Đâu đó đã có tiếng gà gáy. Đêm vẫn tối đen. Bình yên”. (Một ngày rất đẹp).

Rất đẹp vì có mẹ. Bởi vì rồi đây, một khi “Mẹ thành mây trắng đã lâu/ Con về thăm mẹ ngồi đâu cũng buồn”…

Anh viết về chữ hiếu: “Dù đứng ở góc độ nào, ta thấy chữ hiếu đã nhập vào tâm thức người Việt như một lẽ sống vĩnh hằng. Kinh Phật có dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (kinh Nhẫn Nhục), “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (kinh Đại Tập)…

Anh nhìn “cái đẹp” cũng đã khác:

“Cái đẹp là gì nhỉ? Khó có thể có câu định nghĩa hợp ý với cả thảy mọi người, nhưng chỉ trong lĩnh vực thời trang, tôi nghĩ rằng, một khi ăn mặc thế nào mà cảm thấy mình ý tứ hơn, dịu dàng hơn và cũng dễ tạo ra thiện cảm, đó chính là đẹp. Với phụ nữ, sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, dù bây giờ đã ít nhiều có cách điệu đi nữa, là một lựa chọn của nhiều người. Sự lựa chọn ấy cho thấy rằng khi xuất hiện trước đám đông, tự nó đã nói lên các đức tính cần thiết của nữ giới” (Gói mây trong áo).

Đã đến lúc “về thu xếp lại” của một người vừa chớm nghe “gió heo may đã về” chăng, đã đến lúc phải “dọn lòng” chăng? ““Về thu xếp lại” cũng là lúc “dọn lòng” của chính mình, loại bỏ đi những tị hiềm ganh ghét nhỏ nhoi đã giăng tơ nhện từ ngày này qua tháng nọ. Sự u ám ấy, sao không gạt bỏ đi cho nhẹ lòng? Mà trong lòng mỗi chúng ta sự ngổn ngang ấy… ” (Về thu xếp lại).

Đọc Lê Minh Quốc bây giờ, tôi thấy anh đã thực sự chuyển hóa, khác đi với một Lê Minh Quốc tôi quen biết trước đây. Anh thành thực kể rằng khi viết chuyên mục “Sức khỏe cho tâm hồn” ở một tờ báo, anh luôn tự hỏi mình: “Tâm hồn mình có đủ trong sáng, hướng thiện để bàn luận về sự yêu thương trong đối nhân xử thế?”…Và rồi anh nhận ra, xưa, là con người hành động, anh nghĩ“muốn thay đổi phải có sự tác động giáo dục từ gia đình, nhà trường và môi trường xã hội”, nay thì anh đã nhìn ra hạt giống hướng thiện ở trong ta: “Hạt giống hướng thiện ấy mình gieo ngay trong tâm hồn chính mình. Ta sống với với nó, nuôi dưỡng nó…”. Đúng vậy. Chỉ có cách quay về nương tựa chính mình. Cõi Phật không ở đâu xa! Tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.

Trả lời người bạn đồng nghiệp đặt câu hỏi, anh nói: “Tôi luôn ý thức rằng, những gì viết là điều hằng tâm niệm; hoặc mục tiêu đang hướng tới. Viết cũng là một cách tự giáo dục lấy chính mình”.

Đoản văn, tùy bút của Lê Minh Quốc có lẽ là chỗ tâm đắc của anh, chỗ anh gởi gắm nhiều nhất. Có thể nhiều điều chưa nói ra và nhiều điều chưa nói hết, nhưng nó chân tình và sâu lắng. Thơ, ca dao, tục ngữ… được chọn, câu nào cũng đắt. Và dĩ nhiên, không thiếu chút dí dỏm đáng yêu kiểu Lê Minh Quốc.

ĐỌC THỬ

VỀ QUÊ ĂN TẾT

Tôi đi giang hồ từ năm mười sáu

Còn quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn

Trong những ngày cuối năm, gió rét tràn về, lá vàng bắt đầu lãng du trên mặt phố Sài Gòn thì tôi lại nhớ đến câu thơ đã viết. Nhớ, vì đó là lúc tôi chuẩn bị quay về quê nhà Đà Nẵng. Ngày Tết, ai cũng có một quê nhà để về, không về được thì bứt rứt không nguôi. “Về quê ăn Tết” chỉ bốn từ bình dị như sắn, như khoai nhưng gợi trong tâm tưởng của bao người một âm vang da diết.

Ăn Tết còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn. Thật lạ, ông bà ta luôn dạy con cháu phải biết ơn những gì, những ai đã giúp mình, dù ít, dù nhiều trong quá khứ.

Giã ơn cái cối, cái chày

Nửa khuya giã gạo có mày có tao

Cứ nghe như một lời thủ thỉ tâm sự. Cái chày, cái cối kia không còn là vật vô tri vô giác, nó đã là người bạn của những lúc “tối lửa tắt đèn” có nhau. Xã hội Việt Nam thuở xưa sống bằng nghề nông, thường ngày “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” thì ngày Tết “con trâu là đầu cơ nghiệp” cũng… ăn Tết. Bà ngoại tôi kể ngày xưa ở Quảng Nam, chiều ba mươi Tết chuồng trâu, bò được dọn sạch sẽ và chúng được nghỉ xả hơi. Qua ngày mồng bốn, chúng được đưa ra đồng với cái lễ vui vẻ có cả bánh tét, bánh chưng hẳn hòi. Sau khi khấn vái, người ta dán giấy vàng mã lên sừng trâu bò, con nghé thì được dán giữa trán – như lời cầu chúc cho chúng luôn khỏe mạnh, không ốm đau, không trở chứng xao nhãng công việc. Cúng xong, bánh trái ấy được phân phát cho trẻ mục đồng. Ấy cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn với gia súc đã quanh năm cùng gắn bó “trên đồng cạn dưới đồng sâu”.

Ít ai ngờ rằng, ngay cả giếng trong nhà cũng… ăn Tết.

Tuổi thơ của tôi có những vạt mây trắng. Mây bay trên trời xanh lồng lộng bây giờ đã chìm khuất đâu đó trong trí nhớ, nhưng vạt mây từng soi bóng dưới giếng chắc vẫn còn. Giếng nhà ông ngoại. Cái giếng cũ kỹ ấy là một thời kỷ niệm khó quên. Nước trong vắt. Mỗi chiều, bà con láng giềng thường đến múc nước. Tình làng nghĩa xóm thân mật và gần gũi lắm. Trong tôi vẫn còn nghe vọng lên âm thanh của những chiếc gàu va vào thành giếng. Âm thanh của tuổi thơ nhiều mộng mị xa vời.

Lớn lên, có lần đọc một khúc dân ca của người Campuchia, tôi nghĩ, đã có những cuộc tình bên cạnh giếng. Tại sao? Vì biết đâu trong đám trai làng ngày ấy, chắc rằng đã có lúc, có người tần ngần nhìn xuống giếng sâu và thì thầm trong tâm tưởng: “Anh đi ra giếng một mình/ Chiếc bóng dưới nước long lanh đâu rồi?/ Chỉ nhìn thấy bóng em thôi/ Lúc em tắm để quên nơi giếng này”. Tôi tạm dịch như thế. Và thích tứ thơ này. Khi người con trai thất tình, không thấy bóng mình dưới giếng, chỉ thấy hình bóng người yêu năm xưa. Diệu vợi đến ngậm ngùi đau đớn. Ấy là do tôi tưởng tượng, chứ cái giếng ngay trước nhà, làm gì có ai dám đứng tắm.

Lớn lên, đi xa nhưng mỗi lần nhớ về tuổi nhỏ, trong tôi vẫn luôn hiện lên hình ảnh cái giếng đó. Nếu biết nói, chắc nó sẽ kể cho tôi nghe nhiều thăng trầm năm tháng đã đi qua. Nó sẽ kể rằng, một ngày nọ, đã xa lắc xa lơ, khi trong nhà không còn một hạt gạo, bỗng nhiên sáng mồng một Tết có người đến thật sớm. Đến “đạp đất” mừng tuổi ông bà ngoại tôi chăng? Không, họ đến để mượn chiếc đòn gánh. Mượn trong ngày đầu năm là điều tối kỵ. Mà lại mượn cái đòn gánh đã mòn trên vai mẹ tôi từng ngày kiếm sống. Lạ quá đi chứ? Nào ngờ đó là một phép lạ. Ra Giêng ngày rộng tháng dài, bỗng gia đình ông bà ngoại tôi làm ăn phát đạt. Các cậu, dì mua may bán đắt đến diệu kỳ. Những tiệm vàng mang chữ “Vĩnh” như Vĩnh Châu, Vĩnh Thái, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận… lần lượt được khai trương – một thời lừng lẫy ở chợ Cồn. Chuyện này, mẹ tôi đã kể tôi nghe trong một ngày đứng bên thành giếng nhà ông ngoại.

Khi tôi đi bộ đội về, việc làm đầu tiên của tôi là lên nhà ông ngoại tìm lại ngày tháng tuổi thơ. Kỷ niệm tốt tươi nhất trong đời tôi vẫn là ngày mồng một Tết, anh em tôi mặc quần áo mới chúc ông bà sống lâu muôn tuổi, để rồi được dì, cậu, ba mẹ “lì xì” những đồng tiền mới đựng trong phong bì đỏ chói. Nhưng rồi, tôi bàng hoàng nhận ra cái giếng ngày cũ đã không còn. Ngày tháng cũ đã mất. Chính vì thế, trong tập thơ Yêu em, Đà Nẵngcó một đoạn tôi viết “Em đi qua vườn bàn chân bước vội/ Nén nhang thơm trên bàn thờ ông ngoại/ Thơm hoài nỗi buồn về khuya… Quay về tuổi thơ không còn ai/ Chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim lăn dài”.Vì nhiều lý do, các dì, cậu đã bán một phần căn nhà cũ của ông bà ngoại và người mua đã lấp cái giếng ấy, lấy thêm đất dựng nhà. Kỷ niệm cũ của tôi đã chìm sâu dưới đất. Đã chìm sâu cả trò chơi của tuổi thơ “Nào oẳn tù tì! Cái gì? Cái kéo/ Cùng kéo co nhau ngày Tết đến rồi/Nồi bánh chưng xanh con chim lè lưỡi/ Chơi trò chơi nhỏ em gọi Tết ơi!”.

Bây giờ cũng gọi Tết ơi! Nhưng lại thấy xa xăm quá đỗi…

Nay, tôi đã bước vào lứa tuổi biết “sợ Tết”. Bởi sợ thời gian lướt qua nhanh. Dù vậy, giếng nước nhà ông ngoại vẫn còn trong văn vắt trong tâm tưởng. Tôi lại nhớ đến Tết xưa, chiều ba mươi mỗi năm, bà ngoại tôi dán tờ vàng mã màu son rực rỡ bên thành giếng, trên giếng có đặt mâm ngũ quả, nén nhang, đèn sáp thắp đỏ rồi khấn vái bà Thủy Long. Xong lễ, bà thả gàu xuống múc một gàu nước trong vắt để dành cúng đầu năm.

Mỗi lần Tết đến, nhiều người lại nhớ những món ăn mẹ nấu cho ăn thuở ấu thơ, nó luôn ám ảnh trong trí nhớ, ngọt bùi trong ký ức. Có thể sau này, khi lớn lên ta được ăn biết bao “món ngon vật lạ” trên đời nhưng cũng không thể sánh nổi… Bởi món ăn của ngày xa xưa ấy không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn chứa cả tấm lòng, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Món ăn ngày Tết, tôi thích nhất là thịt heo ngâm nước mắm. Không rõ, trong Nam ngoài Bắc có món này không? Là những miếng thịt heo thật ngon, đem luộc chín (nhưng chín đến mức độ nào là một “bí quyết” của người nội trợ tài hoa). Sau đó, vớt ra chờ ráo nước, rồi đặt vào trong thẩu và đổ nước mắm vào. Điều khó nhất là phải pha chế nước mắm như thế nào mới “đúng điệu”? Cũng là một… “bí mật”! Dù thế nào đi nữa, nhưng chắc chắn phải là loại thượng hạng, phải là nước mắm Nam Ô thì mới… đúng “bài bản”!

Nay tôi đã lớn. Mẹ tôi đã già. Trong ngày Tết, tôi không còn được ai làm cho món ăn ấy nữa. Nghĩ lại, thấy bùi ngùi và thương tiếc năm tháng đã xa…

Hàng ngàn hàng triệu năm nữa, tôi nghĩ, phong vị Tết trong tâm thế của người Việt vẫn thiêng liêng như thuở nào. Dù siêu thị mọc lên ngày càng nhiều, hàng hóa đa dạng hơn, nhịp sống có hối hả hơn, tất bật hơn… nhưng trong ngày Tết, tất cả những thứ ấy lại mang một ý nghĩa khác hẳn. Món ăn của ngày Tết còn có hương vị của sự sum họp, đoàn tụ; trong bộ quần áo mới còn có cả niềm vui trong trẻo của ngày Nguyên đán; trong giọng nói tiếng cười không chỉ mang ý nghĩa thông tin mà còn là nỗi niềm tâm sự và chia sẻ… Ngày Tết của Hôm Nay, tôi vẫn đón nó bằng tâm thế náo nức, chờ đợi, hân hoan của Hôm Qua.

Nói đến Tết, ta không thể quên được tiếng gọi thầm vọng lại tự lòng mình: “Về quê ăn Tết”. Thật hạnh phúc cho những ai còn có nơi chốn để về đoàn tụ, sum họp cùng gia đình. Cũng như mọi năm, năm nào tôi cũng về quê trên chuyến bay vào ngày cuối cùng của một năm. Mở rộng lồng ngực để đón gió mới. Mở to mắt để nhìn nắng mới. Và hy vọng những niềm vui mới của ba ngày Tết. Vâng, làm sao có thể quên được câu thành ngữ: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Nhìn rộng ra, bao đời nay, người ta dành ngày thiêng liêng nhất cho bên nội (cha), bên ngoại (mẹ) và thầy dạy nhằm thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo”. Năm nay, tôi sẽ khai bút đầu xuân như thế nào? Chưa rõ. Nhưng chắc chắn, tâm trí tôi nhớ đến mấy câu thơ còn ghi trong gia phả:

Cây có gốc mới sinh ra ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu?

Có Tổ tiên trước rồi sau có mình.

(Tết năm Kỷ Sửu)


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button