Văn học trong nước

Có Ai Giữ Giùm Những Lãng Quên

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jun Phạm (365 Band)

Download sách Có Ai Giữ Giùm Những Lãng Quên ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi tự nhận mình là nghệ sỹ vì quả thật công việc chính của tôi là nghệ sỹ. Hơn hết thảy, những thói quen của tôi luôn thiên về những người có phần não phải phát triển hơn phần não trái. Tôi yêu thích những gì thuộc về cảm tính, thuộc về những mông lung…

Tôi cũng thích đọc và viết. Đọc là một sở thích chẳng bao giờ chán của tôi. Cũng tương tự với viết, tôi sẽ chẳng bao giờ tìm cho mình một lý do để ngừng thói quen này.

Tôi viết để lưu lại những hồi ức mà tôi sợ một ngày nào đó mình chợt lãng quên. Những hồi ức mà theo tôi, sẽ là những điều thật quý báu mà không một loại đá quý nào có thể thay thế được.

Khi mất đi vật chất, bạn vẫn có thể kiếm lại được nếu như cần cù và kiên nhẫn. Nhưng khi mất đi kí ức, bạn sẽ chẳng bao giờ còn niềm tin và hy vọng, sẽ chẳng còn một thứ gì để vịn vào mà tiếp tục bước trên đường đời.

Tôi chịu cách giữ lại kí ức bên mình không đồng nghĩa với việc tôi sống đầm mình vào quá khứ. Có ai đó từng bảo đừng bao giờ sống vì quá khứ quá nhiều mà hãy sống vì hiện tại và những hoài bão tương lai. Nhưng theo tôi, quá khứ là một điều cần phải được lưu giữ dù muốn dù không, bởi vì đó đều là gốc rễ, đều là nguồn cội cho những thăng hoa và ước mơ trong cuộc đời. Bạn sẽ chẳng thể sống mà không nhớ về một ai đó, bạn chẳng thể nào tồn tại nếu như quên đi từ đâu bạn ra đời, và bạn chẳng thể nào thành đạt nếu như không có những vấp ngã, thất bại của ngày hôm qua…

Trên đường đời tấp nập những bon chen, chắc hẳn rằng chúng ta đã lãng quên đi nhiều thứ. Quên đi tiếng yêu thật lòng, quên nói lời cảm ơn, quên nói lời xin lỗi, quên san sẻ những niềm vui, quên sẻ chia những nỗi buồn, quên cười khi hạnh phúc, quên khóc khi tuyệt vọng, quên nắm tay khi cần, quên cái ôm chầm khi tha thứ, quên hỏi thăm người thân, quên mình vẫn còn trẻ, quên song thân đã thực sự già, quên người ta đang chờ đợi, quên lắng nghe lời khuyên bảo, quên khen ngợi một món ăn ngon,…

Lãng quên không khiến bạn độc ác đi. Nó dường như là tất yếu của cuộc đời. Dĩ nhiên bạn không cần phải thấy mặc cảm tội lỗi khi bỗng lãng quên đi một điều gì đó vì sẽ chẳng ai trách cứ bạn cả. Trên thực tế, bạn không thể nào nhớ hết được tất cả mọi thứ mà chúng ta đã trải qua hằng ngày. Chúng ta làm thế nào nghĩ về gia đình khi đang phải tập trung cho một dự án quan trọng. Chúng ta cũng chẳng thể nào có thời gian quan tâm đến một kẻ hành khất trên đường trong khi chính mình cũng đang bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền…

Nhưng đến một lúc nào đó, vô tình gặp lại một hình ảnh quen thuộc: một món đồ chơi trẻ con, một món ăn thuở bé, một khung cảnh quá khứ, một bàn tay già yếu, một mái đầu bạc phơ… chúng ta mới chợt nhận ra mình đã lãng quên đi quá nhiều thứ…

Tôi viết những dòng trên và những tản văn sau trang này, không có ý muốn khơi gợi lại quá khứ đau buồn hay thể hiện sự hiểu biết nhiều về cuộc sống. Những dòng cảm xúc trong quyển sách nhỏ bé này cốt là để lưu giữ lại những lãng quên, để tôi tự nhắc nhở mình rằng dù oằn vai vì những nặng trĩu quá khứ cũng xin hứa sẽ chỉ để xuống một lát cho đỡ mệt rồi lại tiếp tục mang theo cho phần đời còn lại. Vì đâu đó trên đường đời, tôi không quên rằng, mình đã đánh mất đi rất nhiều thứ mà chẳng thể nào quay đầu lại nhặt…

“Có ai giữ giùm những lãng quên?”

ĐỌC THỬ

BÀ CHÍNH KHÁCH ĐIÊN

Bà ấy rõ thật buồn cười, trưa trời trưa trật vẫn hết sức rảnh rỗi đứng trên lan can tầng bốn la hét inh ỏi. Chửi bọn buôn bán khắp khu phố là lũ trời đánh thánh đâm! Lũ vô học không có trình độ. Lũ buôn gian bán lận, chuyên bán bánh mì có bỏ hàn the, bán phở có bỏ phoocmon, bán trái cây có tiêm nhiễm các loại hóa chất làm tăng trưởng, bán thịt cá ươn thiu. Chưa dừng ở đó, bà chửi cả dòng họ khốn nạn của bà, chửi con chửi cái rồi lấy làm tức tối khi chẳng ai thèm chửi lại, bà bèn đem hết chén dĩa trong nhà ném từ tầng bốn xuống lòng đường. Ai hên biết né thì chẳng có gì xảy ra, còn ai xui xẻo thì cùng lắm ăn phải một cái dĩa vào đầu thôi. Bà chả quan tâm! Bà chỉ biết chửi cho sướng mồm, ném đồ đạc khắp nơi cho sướng tay mà chẳng cần biết tối nay nhà bà có đủ chén dĩa để ăn cơm không! Cả xóm ai cũng ghét bà, ghét ra mặt, có khi chửi lại. Nhưng cũng từ rất lâu rồi chẳng nhớ 10 hay 20 năm, người ta chẳng quan tâm đến những lời bà nói nữa. Bà chửi gì cũng mặc, nghe cũng vui tai. Lâu lâu bà ném đồ trúng ai thì xem như ngày đó có hài kịch để xem, có việc cho cả xóm tụm năm tụm bảy nhiều chuyện chơi! Bà tên gì thì chắc chẳng ai nhớ nổi ngoài con cái nhà bà. Cả xóm và người qua đường chỉ gọi bà bằng một cái tên rất dễ nhớ là: “Bà Điên”.

Bà Điên hôm nay như thường lệ lấy chiếc ghế đẩu ra trước lan can tầng bốn nhà mình ngồi hóng mát. Bà dậy từ rất sớm, 6 giờ sáng đã thấy ngồi đó nói chuyện với chim chóc, hoa cỏ. Có khi chẳng có con chim nào bay tới thì bà bầu bạn với ruồi muỗi cũng vui. Ấy thế mà hễ có ai qua đường là bà lại chửi. Hình như bà có lời nguyền không yêu con người. Bà chỉ yêu hoa cỏ thiên nhiên thôi. Hoặc có lẽ bà nghĩ mình là một bông hoa, hay một chú chim chứ chẳng phải là con người! Những điều bà chửi mắng ra khỏi miệng chẳng qua chỉ là tiếng hót líu lo của một con chim. Bà nghĩ vậy cũng phải, vì phàm ai chửi ai, người kia lập tức phản biện lại ngay. Còn mỗi lúc bà mắng nhiếc, người qua đường và các tiểu thương chỉ cười để đó, hoặc thốt lên một câu: “Đến giờ của bả rồi đấy!”. Điều này làm tôi liên tưởng đến việc mỗi buổi sáng, lúc con chim vành khuyên nhà tôi hót líu lo thì bố tôi cũng thường bảo: “Đến giờ của nó rồi đấy!”. Có lẽ vì thế mà bà rất tự hào với giọng hót oanh vàng của mình. Chẳng cần phải trải qua một lớp luyện thanh nào mà giọng bà vẫn cứ thao thao bất tuyệt không khan một tiếng.

Lâu lâu bà gây nhiều phiền toái cho người đi đường và các tiểu thương khắp xóm. Bà bị giải lên công an phường ngồi viết tường trình. Ấy vậy mà bà cũng chẳng sợ gì cả, bà lên đó cứ hết lẩm nhẩm rồi lại hót líu lo trước tượng đài của Bác: “Ông Hồ xuống đây mà xem, tôi khổ thế này…”. Nhìn tượng Bác mỉm cười hiền từ, bà lại càng cảm thấy mình vô cùng đúng đắn. Thôi thì phường bắt người nhà cho bà vào nhà thương điên. Thế là được ít tháng cả xóm bỗng trở nên vô cùng yên tĩnh vì vắng hẳn tiếng la hét của bà. Cả khu phố tưởng như vừa thoát đi một gánh nặng, nhưng chẳng ngờ ở trong bệnh viện điên bà lại tỏ ra rất ngoan như thể mình vô cùng tỉnh táo. Bác sỹ đành cho về nhà vì ở lâu cũng tốn tiền viện phí mà con bà cũng chẳng giàu để trả những món tiền vô lý ấy.

Thế là lại trở về với khu phố văn hóa thân quen, bà cảm thấy vui làm sao khi mỗi sáng vẫn được ngồi trên lan can tầng bốn và nói về những chuyện thị phi mà bà nghe được hay đọc được từ đâu đó! Hôm nay bà chửi về cái thói ăn hối lộ trong các công trình xây dựng làm cho cầu đường càng lúc càng xuống cấp trầm trọng. Nghe có vẻ như bà là một người hùng biện rất có tài. Lời nói có căn cứ, câu cú rõ ràng, hơn nữa tiếng nói dõng dạc đanh thép như thể thay lòng dân trong xóm nói lên ý kiến của họ. Rồi sau đó tự bà đưa ra hình phạt cho lũ ô hợp ấy, phải thiêu sống lũ ăn hối lộ thì nước nhà mới phát triển như lời Cụ Hồ mong muốn được. Cả xóm phì cười vì trong khu phố văn hóa này hóa ra lại có một nữ chính khách vô cùng tài ba và đức độ. Chỉ tiếc rằng bà ấy khùng chứ không thì có thể tham gia vào việc lãnh đạo nhà nước cũng nên.

Thỉnh thoảng, bà chính khách điên ấy cũng đi lòng vòng trong xóm xem xét tình hình nhà dân thế nào. Lâu lâu không thể chấp nhận được việc để xe lung tung khắp phố, bà bèn lấy một tờ bìa cứng cuốn tròn lại thành hình cái loa, rồi cứ thế, bà dõng dạc hô to khẩu hiệu của mình.

“Loa Loa Loa! Toàn khu phố 4 chiều nay họp gấp tại nhà số 371 để bàn về an ninh trật tự trong khu phố! Loa Loa Loa! Bàn về an ninh trật tự trong khu phố, toàn khu phố 4 chiều nay họp gấp tại nhà số 371! Loa Loa Loa!”.

Bà đinh ninh rằng ai cũng nghe rồi và chắc mẩm rằng cả khu phố sẽ đến nghe bà thuyết giảng mà thôi. Thế là bà chính khách khùng tự đi lại căn nhà nào đó có vẻ to lớn nhưng bỏ hoang, đứng đó bà tưởng rằng người cả khu phố đã đến đông đủ và ngồi vô cùng trật tự. Cũng may có vài ba đứa con nít đến ngồi chơi trò chính khách với bà. Thế là bà bắt đầu nói lên luận điểm, luận chứng về việc phải ăn ở như thế nào cho ra một nếp sống khu phố văn hóa. Cách để xe trật tự, cách vệ sinh lề đường, cách giáo dục con cái, v.v… Sau khi nói hả hê bà ghé ngang một tiệm bánh mì quen thuộc gần đó mua một ổ. Rồi bà cứ chê ỏng chê eo. Rằng ngày xưa có hai ngàn một ổ mà đầy thịt cả ra, giờ bán đến mười lăm ngàn mà chỉ có pate và ốp la là thế nào! Buôn bán bánh mì hay là ăn cướp vậy! Nói rồi bà liếc xéo bỏ đi. Còn cô bán bánh mì chỉ cười vu vơ rồi bán cho người tiếp theo như thể chẳng mấy quan tâm đến lời nói của bà chính khách khùng ra cái gì cả!

Cả xóm chỉ mong đợi một lúc nào đó, bà bị đẩy ra đảo người điên, đi luôn không về nữa thì cả khu phố sẽ yên tĩnh biết mấy!

Thế rồi ba mùa thu đi qua! Hình như cũng đã lâu rồi không nghe tiếng bà chính khách ấy chửi nữa. Bà chẳng còn ngồi đâu đó trên lan can tầng bốn bao đồng nói lên những suy nghĩ của dân về chuyện này chuyện kia. Bà chẳng còn quan tâm đến những ngôi nhà trong xóm nay xả rác dơ bẩn như thế nào. Bà cũng chẳng buồn chạy lại mắng lũ trẻ khi thấy chúng chợt văng tục chửi thề nữa. Người dưng vô tình qua khu phố ấy chẳng hề biết trước đây có một bà chính khách vĩ đại như thế từng tồn tại! Khu phố 4 rốt cuộc cũng chỉ chán òm như bao khu phố khác. Vẫn yên tĩnh, vẫn văn hóa có mức độ, vẫn an bình và hằng ngày con người ta vẫn sinh sống như bao con người khác.

Cô bán bánh mì thỉnh thoảng đốt vài nén nhang ngay cây cột điện gần xe bánh mì của cô. Ai hỏi thì cô bảo cúng thần tài thổ địa cho làm ăn phát đạt. Nhưng cả khu phố này ai cũng biết rõ, ngày đó bà chính khách ngồi đợi mãi nơi cột điện này. Nơi bà thông báo cho cả khu xóm phải đến đúng giờ để triển khai kế hoạch làm sao nâng tầm văn hóa của khu phố ta lên cao hơn một bậc, nhà nào cũng là nhà văn hóa, trẻ em nghèo trong xóm phải được phường hỗ trợ tiền ăn học. Vậy đó mà chẳng ai thèm đến nghe! Lũ trẻ chơi chán cũng bỏ bà về nhà ăn cơm tối! Con cái thấy bà đi ngoài đường cũng xem là chuyện bình thường, thể nào lát nữa cũng về nên chẳng quan tâm. Nhưng bà vẫn kiên trì đứng đó chờ đợi, rồi ngồi đó chờ đợi, rồi nằm đó chờ đợi. Để rồi, một cơn gió ác tính bay qua cuốn luôn linh hồn bà về nơi thiên đàng.

Chắc hẳn nơi đó không phải là đảo người điên! Chắc hẳn đó là nơi mà linh hồn của những vị chính khách vĩ đại nhất từng bay đến!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button