Văn học trong nước

Chuyện Trò Cùng Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc Về Nếp Sống An Lạc

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : B.S Đỗ Hồng Ngọc

Download sách Chuyện Trò Cùng Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc Về Nếp Sống An Lạc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

TỰA

An lạc không phải là hạnh phúc, sảng khoái nhất thời hay hài lòng, vui sướng… nhất thời, trái lại nó như dòng suối mát tưới tẩm ở bên trong. An lạc là một trạng thái hỷ lạc, một cảm nhận hạnh phúc tự bên trong mỗi cá nhân, nhẹ nhàng, bền bỉ, mang lại sự bình an cả thân và tâm cho chính mình và lan tỏa đến người khác. An lạc thường đến từ tuệ giác, đưa đến sự tự tại, ung dung, cân bằng cả về vật chất lẫn tinh thần.

Một người trúng số độc đắc, một hoa hậu đạt vương miện, một người có tên trên bảng vàng, có thể đang cảm nhận rất hạnh phúc, rất sướng vui… nhưng chẳng bao lâu sự bất an sẽ dồn dập đến, nỗi khốn khổ sẽ kề bên…

Một người thực sự an lạc chẳng thấy có hào hứng rộn rã bộc phát ầm ĩ nào cả; chẳng có đám đông vỗ tay với những tiếng hò reo, chẳng có vòng nguyệt quế, mà chỉ có sự lặng im, nhiều khi một mình, âm thầm, lặng lẽ. Nụ cười đến tự bên trong, nụ cười của toàn thân, của từng tế bào, không ở đầu môi khóe miệng…

Cho nên an lạc không dễ. Nó đòi hỏi sự kham nhẫn, sự tri túc, và cả từ, bi, hỷ, xả.

Nhiều khi phải qua cái tuổi nào đó, thấm đẫm một chút cuộc đời, nghe được cái tiếng kêu “trần thế” thì mới nhận ra sự thiết yếu của “tự tại”. Nhưng đợi đến lúc “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn) thì đã trễ. Bởi người ta có thể an lạc ở đây và bây giờ.

Ta hay chúc nhau “Thân tâm thường an lạc” như một ước vọng. Phải, an lạc thì phải cả thân và tâm. Thân tâm nhất như. Tâm có an thì thân mới lạc. Thân có an thì tâm mới lạc. Mà đời thì vô thường. Làm sao thấy thường trong vô thường đây. Trừ phi thấy Thực tướng, thấy Chơn Như.

Mấy năm gần đây, tôi thường được mời nói chuyện về “Một nếp sống An lạc” ở nơi này nơi khác. Có khi ở một ngôi chùa, có khi ở một trung tâm mục vụ, có khi ở một hội quán, câu lạc bộ doanh nhân, một nhóm bạn trẻ, hoặc cùng các bậc trí thức… Những buổi chuyện trò đó, với tôi, đều là một cơ hội để học hỏi, giao lưu, chia sẻ. Lời lẽ do vậy mà nhiều khi rề rà, cà kê… chớ không mạch lạc, khúc chiết. Có một số buổi được thu âm, ghi hình. Thế rồi một hôm, có bạn đề nghị: Hay là ta gom mấy bài nói chuyện này lại, chọn ra một ít rồi in thành tập sách chia sẻ với mọi người cũng hay! Nhưng nghe thì thoáng qua, trực tiếp, còn in sách lại không dễ tí nào. Nói có thể cà kê, rề rà được, lại còn có những phụ trợ như chiếu slides, vẽ viết lên flipchart, có “body language” (ngôn ngữ hình thể) diễn tả… trong truyền thông trực tiếp, bây giờ phải làm sao? Dù vậy, người bạn cũng đã gom được 31 bài có thu băng, ra đĩa gì đó, cả trên mạng, chọn ra mấy bài có chung chủ đề “Nếp sống An lạc” rồi nhờ “phiên tả”, rồi biên tập… Tôi yêu cầu làm sao giữ được giọng điệu trò chuyện cà kê, kể cả tiếng địa phương, kể cả chuyện tếu táo của mình… để người đọc như đang nghe trực tiếp thì tốt. Tóm lại, đây là một cuốn sách “nói” chớ không phải sách viết. Người đọc thì… nghe chớ không phải xem.

Hôm rồi, ngồi với một người bạn trẻ trong một quán cafe nhỏ, chúng tôi bàn với nhau về hai chữ “an lạc”. An lạc có phải là well-being, là bien-être không? Hay an lạc là eudaimonia, một tiếng cổ Hy Lạp thời Aristote gồm “eu” (“good”) và “daimon” (“spirit”), một đức hạnh, đòi hỏi có sự rèn tập? Phải chăng đó cũng chính là điều Phật đã dạy trong “An lạc hạnh” một phẩm của kinh Pháp Hoa hơn hai ngàn năm trăm năm trước: biết an trụ trong pháp không, trong hạnh Tùy hỷ, trong Đại Từ, Đại Bi?

Thử “chiết tự” từ Hán Việt xem sao thì ra An là “dưới mái nhà có người con gái”, còn Lạc là “ngôi nhà tràn đầy ánh sáng, có vườn cây xanh mát, có tiếng hát, tiếng đàn, tiếng dệt cửi, quay tơ…”. Rồi cùng mà cười: “Em lo gì trời gió/ Em lo gì trời mưa…/ Em cứ yêu đời đi/ Như lúc ta còn thơ/ Rồi để anh làm thơ/ Và để em dệt tơ…” (Thoi tơ, thơ Nguyễn Bính, nhạc Đức Quỳnh).

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Sài Gòn, 11-2016)

ĐỌC THỬ

MỘT NẾP SỐNG HẠNH PHÚC

Hôm nay là ngày Doanh nhân Việt Nam, trong một không khí rất ấm cúng như thế này, chúng ta nói về đề tài “Làm thế nào để có một nếp sống hạnh phúc?”. Khi tôi nói “một nếp sống” cũng có nghĩa là chúng ta có thể có rất nhiều nếp sống hạnh phúc khác nhau: có người chọn “nếp” này, người chọn “nếp” kia, không chắc nếp sống của người này là đúng hơn người kia đâu. Bởi vì thật ra hỏi “Hạnh phúc là gì?” thì khó mà trả lời rõ ràng; cũng giống như hỏi “Sức khỏe là gì?”, “Tình yêu là gì?” vậy. Nhưng khi mất hạnh phúc thì người ta biết ngay, mất sức khỏe, mất tình yêu thì người ta biết ngay. Vậy mà muốn định nghĩa Hạnh phúc, Sức khỏe, Tình yêu thì định nghĩa không được. Nhà thơ Xuân Diệu từng nói:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

Nhưng có những từ điển đáng tin cậy có thể tham khảo, chẳng hạn trong đó, như người ta định nghĩa: “Hạnh phúc là trạng thái sảng khoái, hài lòng, mãn nguyện, hoặc là một trải nghiệm hay một kinh nghiệm tạo được sự thỏa mãn cho chính bản thân mình”. Nói như vậy chỉ mang tính lý thuyết, như Krishnamurti đã chỉ ra: “Cái gì được định nghĩa thì có thiếu sót”; bởi vì khi định nghĩa, người ta đã cắt xén đối tượng và chỉ xét trên một phương diện, khái niệm nào đó thôi, và khi đã là khái niệm thì chắc chắn có thiếu sót, không thể đầy đủ như cuộc sống được. Cây đời mãi mãi xanh tươi mà mình đưa ra những khái niệm như vậy thì nó trở nên khô cứng. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý sẽ thấy hạnh phúc tuy khó nắm bắt nhưng vẫn chỉ là một trạng thái, đồng thời cũng là một trải nghiệm; từ đó chúng ta nhận ra vấn đề: “Làm cách nào để có được trạng thái đó, trải nghiệm đó?”.

Nhưng nếu chỉ là cái trạng thái hạnh phúc, sảng khoái nhất thời thì chưa phải là sự an lạc, thứ hạnh phúc lâu bền, sâu thẳm bên trong, đòi hỏi một sự rèn tập, một tuệ giác đưa đến sự tự tại, ung dung, sự bình an cả thân và tâm trong cuộc sống.

Một người trúng số độc đắc chẳng hạn, một hoa hậu đạt vương miện, một người có tên trên bảng vàng… có thể đang cảm nhận rất hạnh phúc, lâng lâng vui sướng… nhưng chẳng bao lâu sau đó, có thể sự bất an sẽ dồn dập đến, nỗi khốn khổ sẽ kề bên…

Cho nên có được sự hạnh phúc bền lâu, sự an lạc thân tâm không dễ. Nó đòi hỏi sự kham nhẫn, sự tri túc, và cả từ, bi, hỷ, xả.

Mỗi người hiểu hạnh phúc theo một cách riêng: Có người nghĩ hạnh phúc tức là làm được một cái gì đó thành công, có người thì nói chỉ cần tôi hơn người hàng xóm là tôi hạnh phúc rồi… Như vậy có rất nhiều thứ để người ta nhận định hạnh phúc là như thế nào. Cho nên nói về đề tài hạnh phúc là rất khó, mà tôi nói về một nếp sống hạnh phúc thì còn khó hơn nữa. Bởi vì có nhiều “nếp”, mỗi “nếp” do nền văn hóa hình thành: đối với người Tây phương thì khác, còn mình là người Đông phương thì khác. Chẳng hạn nhớ lại thời trước, dường như ông cha ta cả năm đều sống rất “hạnh phúc”:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Tháng Tư đong đậu nấu chè,

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.

Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm,

Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân.

Tháng Tám chơi đèn kéo quân…

Tức là cả năm chỉ thấy… vui chơi không! Vậy không phải “hạnh phúc” là gì! Rồi làm ruộng thì người xưa làm có một mùa thôi nhưng cũng ăn đủ cả năm rồi, thành ra họ rất thảnh thơi, vui thú. Còn bây giờ chúng ta sống “hùng hục”, chúng ta làm đầu tắt mặt tối, từ sáng đến chiều, làm từ ngày này qua ngày khác, hết việc ở cơ quan, ở công ty rồi mang một đống việc về nhà làm tiếp. Cho nên dù bây giờ chúng ta có phương tiện dồi dào hơn, nhà cửa sang trọng hơn nhưng dường như lại thiếu hạnh phúc hơn người xưa. Chẳng hạn có những gia đình, chồng ở một tầng, vợ ở một tầng, con ở một tầng, nhưng lâu lâu mới được gặp nhau một lần, có vẻ gần gũi mà thật là xa cách. Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng dễ bị “vô sinh”, trong khi hồi xưa nhà nghèo, sống chật chội thì đầu năm con trai, cuối năm con gái…

Chúng ta thấy đời sống hiện nay có nhiều thay đổi. Ngay cả những bạn còn trẻ mà thậm chí tìm người yêu cũng khó nữa. Cuộc sống bây giờ không có không khí để hai người trao đổi; nhiều khi tôi thấy hai người ngồi với nhau mà mỗi người nói điện thoại di động với một người thứ ba, thứ tư… Mặc dù thế giới bây giờ hiện đại lắm, bấm nút một cái là đã có thể liên hệ với toàn thế giới được rồi nhưng lại ngày càng thiếu đi sự thân mật. Cho nên kỹ thuật phát triển nhưng lòng người không được thoải mái, không được ổn định và thiếu hạnh phúc.

Gần đây người ta rất quan tâm tới vấn đề hạnh phúc. Ở Anh quốc đã có những lớp học về hạnh phúc dành cho học sinh và hiện nay còn có cả phương tiện để đo đạc hạnh phúc nữa (ít nhất có ba cách để đo như vậy). Những cách đó giúp cho chúng ta cải thiện cuộc sống và cũng là một điều hay để mình có thể dần dần tìm lại được hạnh phúc.

Tôi năm nay cũng lớn tuổi, đã ngoài bảy mươi, như vậy cũng là chín muồi rồi. Tôi học y khoa ở Sài Gòn, ra trường đã gần năm mươi năm, mà khác với bây giờ, thời xưa học y khoa tới bảy năm. Trong nhiều năm, tôi làm ở bệnh viện Nhi Đồng, sau thì về Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe. Có những dịp đi khảo sát, đi học thêm, tôi tìm hiểu, nghiên cứu nhiều về những lĩnh vực này [hạnh phúc]; vì lĩnh vực này các bác sĩ ít quan tâm, bác sĩ thường chỉ quan tâm chữa bệnh thôi, còn làm thế nào để có hạnh phúc, an lạc thì không để ý. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy chính nghề nghiệp bác sĩ lại ít có được hạnh phúc nhất.

Tiếng Việt mình có nhiều cái hay, như từ “đau khổ” chẳng hạn, bác sĩ chỉ chữa cái “đau” thôi nhưng cũng còn cái “khổ” đằng sau cái đau, cái “khổ” sinh ra cái “đau” thì bác sĩ không biết. Bác sĩ chỉ biết đau chỗ nào chữa chỗ đó: đau cái chân thì chích thuốc cái chân, đau lưng thì mổ chỗ này chỗ kia; tức là chỉ chữa cái đau, chứ cái khổ, cái gì dẫn đến cái đau, bác sĩ ít quan tâm. Hay chữ “bệnh hoạn” chẳng hạn: “Bệnh” tức là bệnh, còn “hoạn” ở đây là hoạn nạn, nghĩa là người nào có bệnh thì tự nhiên thấy có hoạn nạn. Nhưng nếu mình chỉ chữa cái bệnh không thôi thì bệnh cũng không hết mà còn tái đi tái lại nữa, dù cho có chuyển qua bác sĩ này, chuyển qua bác sĩ kia, cũng cứ đi lòng vòng như vậy thôi.

Trong khi đó, có một câu nghe giản dị mà thực ra rất hay, “Hãy quay về nương tựa chính mình”, không phải chỉ nương tựa cái tâm không mà phải nương tựa cái thân nữa; ngay cả cái thân cũng phải quay về nương tựa chính mình. Với tình hình hiện nay, chúng ta cứ nghĩ rằng có bác sĩ lo cho sức khỏe của mình rồi; nhưng thật ra còn lâu bác sĩ mới lo được sức khỏe cho mình, và ngay cả bác sĩ cũng không lo được cho sức khỏe của họ nữa. Ngay như bản thân tôi cũng bị bệnh nhiều vố rất nặng nề; các bác sĩ khác cũng vậy thôi. Nhưng điều quan trọng nhất là chính bản thân mình, cho nên kinh nghiệm mà tôi rút ra được là mình phải biết ơn mình, mình phải từ bi với chính mình. Tại vì tôi thấy bây giờ nhiều người cứ nguyền rủa mình, chê trách mình, như: “Sao mình xấu xí vậy, không bằng bà hàng xóm, không bằng cô hoa hậu này, cô hoa hậu kia…?”; nhưng mà biết đâu mấy cô hoa hậu cũng khổ lắm, cho nên thay vì tự trách móc, mình phải biết hãnh diện về mình. Như vậy nương tựa vào chính mình là ý đó, cả thân và tâm. Bởi vì mình tự hiểu mình, tự rèn luyện mình thì mình sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Thật ra, như lúc nãy tôi có nói đến, hạnh phúc là gì chúng ta không biết, nhưng dần dần bây giờ người ta định nghĩa được, người ta đo đạc được, dù chỉ đo đạc được phần nào thôi. Có thể nói là có hai loại hạnh phúc: Một loại hạnh phúc cho cá nhân, cho bản thân mình, còn loại kia là hạnh phúc cho đất nước, cho quốc gia.

Hạnh phúc cho toàn thể xã hội hiện nay rất được quan tâm, thuật ngữ tiếng Anh happiness economic. Chẳng hạn như ở xứ Bhutan, GDP (tổng sản lượng nội địa) của họ không cao nhưng chỉ số hạnh phúc (GNH) của quốc gia thì rất được chú ý đến. Ngày nay, người ta nghiên cứu chỉ số hạnh phúc này để làm sao có được hạnh phúc cho mỗi người dân trong quốc gia họ.

Nhưng hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện về hạnh phúc cá nhân, tại vì mỗi một người hạnh phúc thì đất nước sẽ hạnh phúc. Vấn đề chính là nếu chúng ta có một cái tâm Phật thì chúng ta sẽ ở trong “Phật quốc” được.

Câu hỏi tiếp theo là: Cái gì đã cản trở mình, không cho mình có được hạnh phúc? Có hai điều cản trở hạnh phúc. Điều thứ nhất là thiếu sức khỏe: Nếu một người đau triền miên, sức khỏe không tốt thì chắc chắn là khó mà hạnh phúc được; mặc dù sức khỏe chỉ quyết định phần nào thôi, bởi tâm hồn mới là quan trọng trong vấn đề hạnh phúc, nhưng phần thể chất cũng không kém quan trọng. Nếu anh chị nhớ lại tháp nhu cầu Maslow thì thấy: Nền tảng ở dưới là phần vật chất; sau đó mới tới phần an toàn, an ninh; rồi mới tới phần tình cảm, mối quan hệ với gia đình, bạn bè, cộng đồng; rồi mới tới vấn đề được tôn trọng, vị trí của mình trong xã hội; cuối cùng mới tới vấn đề tâm linh, sự khẳng định mình, sự tự tại trên cùng. Cho nên đầu tiên cần có một nền tảng vững chắc ở phía dưới, là phần physiological needs, tức là sức khỏe, cái ăn, cái ngủ, cái thở, vận động thể lực và kể cả tình dục. Chúng ta không được coi thường những nhu cầu sinh lý căn bản này. Nó là cái nền của sức khỏe thể chất, vì không có sức khỏe chúng ta sẽ khó tìm được hạnh phúc.

Điều gây cản trở nhất đối với sức khỏe chính là cách sống, nếp sống của mình. Những vấn đề đó hiện nay người ta gọi là stress, sự căng thẳng trong đời sống. Nếu sự căng thẳng đó gắn với mình suốt ngày, suốt tháng, đi theo mình nhiều năm thì dần dần cơ thể sẽ bị hủy hoại, hủy diệt. Theo những nghiên cứu của Đại học Harvard, 60% đến 90% các bệnh hiện nay có nguồn gốc là do stress mà ra, do sự căng thẳng trong cuộc sống mà ra. Tại sao bây giờ chúng ta khá hơn, giàu có hơn ngày xưa nhiều nhưng mình lại khổ hơn, căng thẳng hơn? Bởi vì mình mặc cái áo tốt rồi nhưng muốn tốt hơn nữa, thấy người kia có cái nhà đẹp hơn thì mình muốn cái nhà đẹp hơn nữa… cứ như vậy chúng ta bị kéo đi và bị cuốn hút vào những ham muốn bất tận làm cho mình bị căng thẳng, bị stress. Nói khác đi, đó chính là lòng tham, lòng tham không đáy. Tham mà không đạt được thì chuyển thành sân (sân giận, giận dữ), nguồn gốc là từ sự si mê.

Yếu tố thứ hai gây cản trở hạnh phúc của chúng ta đó chính là cách sắp xếp công việc trong đời sống của mình, làm cho đời sống của mình thiếu quân bình. Cho nên giải quyết hai điều đó thì chúng ta sẽ tìm được những điều căn bản của hạnh phúc: Chúng ta giải quyết stress như thế nào để cho cuộc sống chúng ta an tịnh hơn và thứ hai là làm thế nào để có thể có cuộc sống cân bằng trở lại.

Thứ nhất, chúng ta cần tìm hiểu stress là gì. Bây giờ mình dùng chữ “stress” quen rồi cho nên chúng ta dùng stress cũng được, nó có nghĩa là sự căng thẳng. Đôi lúc stress cũng cần thiết cho con người; như trong thời kỳ còn sống kiểu săn bắt, hái lượm thì stress giúp cho con người chống lại thú dữ, chống lại những nguy cơ tiềm ẩn gây nguy hại cho cơ thể mình, giúp cho mình trong nhiều tình huống có thể sẵn sàng đối phó, chiến đấu hoặc bỏ chạy. Bây giờ chúng ta không còn cái stress do hòn tên mũi đạn nữa mà lời nói, cử chỉ của những người làm ăn với nhau, tranh đua, giành giật một cái hợp đồng chẳng hạn mới tạo ra sự căng thẳng. Lúc đó có những cái gọi là giết người không dao (Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Bề trong nham hiểm giết người không dao), tức là những stress âm thầm nhưng kéo dài. Đó là những điều hiện nay chúng ta đang tiếp xúc: sự tranh đua, ganh ghét, sẵn sàng tiêu diệt nhau, cá lớn nuốt cá bé… Những căng thẳng đó tạo nên một nếp sống và liên tục làm ảnh hưởng đến thân tâm của mình.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button