Văn học trong nước

Chuyện Nhà Quê

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Quang Lập

Download sách Chuyện Nhà Quê ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

KÝ ỨC NĂM HÀO

Thủa bé đi học không sợ gì chỉ sợ đến ngày nộp học phí.

Lương ba hình như 105 đồng, gọi là lương cao, nhưng bảy, tám miệng ăn, chưa đến nửa tháng đã hết tiền. Suốt cả thời kì ấu thơ của mình, nhà mình khi nào cũng khốn đốn chuyện nợ nần.

Có tám hào học phí, mua được 16 cái kẹo văn, mà lần nào về xin học phí mạ cũng gắt um lên: Đi học sau này có làm vương làm tướng chi không mà tháng nào cũng đòi tiền tao.

Mình ngồi khóc ri rỉ từ sáng đến chiều, cuối cùng mạ cũng cho. Mừng hết lớn.

Nhưng tháng sau lại lặp lại y xì tháng trước, khốn khổ vô cùng.

Có lần cô giáo nói: Nhà thầy Đạng mà không có tám hào học phí à, vô lí. Nhục quá đã tính tự tử.

Cho nên khi được giải học sinh giỏi lớp bốn của huyện, hình như giải hai, giải ba gì đó cả văn lẫn toán, được thưởng tám đồng, mừng muốn ngất, trông các thầy các cô nói cho nhanh xong buổi lễ mừng công để chạy ù về đưa tiền cho mạ.

Mạ cười xoa đầu nói giỏi hè giỏi hè. Rồi rút ra cho mình năm hào.

Sau này đã có lúc mình làm đến vài trăm triệu nhưng chưa bao giờ có được cảm giác hân hoan như khi cầm năm hào mạ cho ngày ấy.

Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy rưng rưng.

Mình cầm năm hào chạy ù xuống nhà con Hà xì tiền ra khoe, nói tao có năm hào!

Tưởng nó phục lắm, hóa ra nó vặn lưng quần chìa ra một tờ năm hào, cười he he he.

Mình vừa ngượng vừa tức, cứ xui nó tiêu hết năm hào đi để mình nhiều tiền hơn nó nhưng nó kiên quyết không.

Hồi này làng Đông chẳng có quán xá gì. Mọi thứ chỉ chờ đến sáng có phiên chợ thì mua. Chợ họp nhanh, mặt trời chưa quá con sào đã tan, sợ máy bay bắn. Mình thì học buổi sáng, thành ra suốt tuần chẳng mua được gì.

Cứ mong đến ngày chủ nhật, nhất định mua hai cái bánh tráng với hai lát bánh đúc ăn một bữa cho đã. Còn lẩm nhẩm tính cho đứa nào, không cho đứa nào.

Con Hà thì nhất định cho nó rồi. Sáng nào đi học nhờ nó mà mình không bị đói.

Có bất kì cái gì nó cũng để phần cho mình, kể cả mấy lát khoai deo. Em nó đòi nó không cho, kiên quyết để dành cho mình.

Con Hà dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài (giống Thu Hà báo Tuổi Trẻ he he). Nhà nó năm chị em gái, ai cũng xinh.

Mới 11 tuổi ngực nó đã nhú trái cau. Thỉnh thoảng nó lại vén áo cho mình xem đôi núm vú bé xíu của nó. Mình lấy ngón tay ấn ấn hỏi đau không, nó nói mới mọc hơi đau đau giờ hết rồi.

Mình nhìn đôi núm vú say sưa, nói hay hè hay hè. Nó nói rồi to bằng người lớn tề. Mình nói tởm hè. Nó lườm nói tởm răng mà tởm, phải to bằng người lớn để cho con bú chớ. Minh nhăn răng cười, nói tởm.

Năm hào mình để trong túi, thỉnh thoảng giật mình mò vào túi, vẫn còn, thở phào nhẹ nhõm. Sau sợ mạ hay lấy áo giặt bất thình lình làm nát tiền, mình kẹp vào chính giữa cuốn vở bài tập toán.

Thế mà mất. Sáng thứ bảy mình soạn vở đi học, mở cuốn bài tập toán ra xem: năm hào không còn nữa. Đêm qua trước khi ngủ kiểm tra vẫn còn, sáng dậy đã mất.

Mình ngồi lặng ngắt, mồ hôi trán ướt đầm, nước mắt cứ thế chảy giàn giụa.

Nghi nhất anh Thắng, anh Tường nhưng không bắt được tay vay được cánh đành chịu.

Mình đến lớp ngồi im. Con Hà đưa cho củ khoai nướng không ăn, hỏi gì không nói. Mãi sau nó không hỏi nữa thì lại nói tao mất năm hào rồi. Nó giật cuốn vở bài tập toán lật lật mấy trang rồi chìa ra tờ năm hào, nói đây nì!

Mình nhảy cẫng lên, sung sướng quay cuồng. Mười năm sau mới biết đó là năm hào của con Hà, nó làm vậy cho mình vui, chứ khi đó thì hoàn toàn không biết.

Nó nói để tao cất cho, mi cất mấy anh mi lấy mất. Mình nói mai mi đi chợ mua ăn hết luôn. Nó nói mua chi, mình nói bánh tráng bánh đúc, chỉ hai đứa mình ăn thôi, không cho đứa mô hết. Nó nói ừ không cho đứa mô hết. Mình nói ừ không cho đứa mô ăn hết. Hai đứa vừa tranh nhau nói vừa nuốt nước bọt ừng ực.

Sáng chủ nhật ngủ dưới hầm, ngủ chán mắt thì thôi, nghe bom nổ ầm ầm cũng không thèm dậy. Đến khi chui ra khỏi hầm thấy mạ đứng nói với mấy người hàng xóm bom thả trúng chợ chết hết rồi.

Lúc đầu cũng chỉ ngồi nghe thế thôi, sau sực nhớ sáng nay con Hà đi chợ, mình ù té chạy xuống chợ.

Chợ ở đầu làng, nằm dưới rặng trâm bầu. Mình chạy xuống chẳng còn ai, chỉ có mấy anh dân quân đang dọn dẹp.

Bốn quả bom thả trúng chợ, nát bét hết, nước mắm, muối, bún, bánh đa, bánh đúc, thịt cá lẫn trong máu, cát và thịt người.

Mấy anh dân quân đuổi mình đi, nói chạy mau lên không máy bay quành trở lại đó.

Mình chạy về nhà con Hà.

Nhà nó chật kín người, cả nhà nó đang khóc rú.

Mình chen vào.

Con Hà nằm trên tấm chiếu hoa trải giữa sân, phủ một tấm vải trắng trùm kín đầu. Không thấy gì hết, chỉ thấy bàn tay nhỏ xíu của nó chuồi ra khỏi tấm phủ đang nắm chặt khư năm hào.

Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc.

ĐỌC THỬ

TRỌC PHÚ

Mình về quê, cô em họ nói tối nay nhà hát thị xã có chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Tinh Tuý, có giấy mời đây, anh có đi không.

Chẳng biết Tinh Túy là ai. Hồi này các nhạc sĩ trẻ nổi lên cũng nhiều, sáng tác như điên, nghe không kịp, toàn những bài na ná nhau, hết nhại Phú Quang sang nhại Ngọc Đại, ca từ hoặc rỗng toếch hoặc nhẹ tênh, chán ốm.

Định bụng không đi.

Cô em họ nói nhạc sĩ Tinh Túy nói ông quen anh đấy, hình như học với anh. Cái tên nghe lạ hoắc, quen thân hồi nào nhỉ?

Ừ thôi thì đi.

Tới nơi thấy đông nghịt, vé 180 ngàn đồng mà đông nghịt. Cô em họ cười rích rích, nói giá vé đề cho oai, thực ra toàn giấy mời. Mình cười, nói ừ, thì mời mà người ta đi cho đông thế này cũng là tốt rồi.

Cô em lại cười rích rích, nói phải tổ chức mời, lôi kéo mọi người vào mới được như vậy, ai mời được một người đi thì được thưởng 10 ngàn. Mình ngạc nhiên nói có chuyện đó a? Nó bảo ông Tinh Túy thiếu gì tiền. Mình trợn mắt hỏi thật a, nó gật gật, nói em mời được sáu chục người được 600 ngàn khỏe re, ke ke ke.

Hóa ra là thằng Tụy học lớp bảy với mình, nó là Phạm Tụy, sao giờ nảy nòi đổi tên là Phạm Tinh Túy không biết.

Thằng Tụy không dốt nhưng lười, học hết lớp bảy thì bỏ, lêu bêu ba bốn năm trời, chẳng chịu làm việc gì, nhà nó cãi nhau ỏm tỏi vì nó.

Nó mê con Thủy lắm, rình con Thủy tắm suốt. Một hôm thấy nó di chân trên cát đi một hình vẽ to đùng, mình hỏi vẽ chi rứa? Nó nói bướm con Thuỷ. Vẽ xong, nó ngồi lọt thỏm vào đấy, tay bó gối mắt nhìn đăm chiêu, nói cho tao lấy con Thủy thì sai tao ăn bát cứt tao cũng ăn. Mình hỏi cứt nác có ăn không, nó nói ăn.

Hôm con Thủy cưới chồng, thằng Tụy uống rượu say cứ ép bên tường hồi nhà con Thuỷ, sát ngay phòng ngủ vợ chồng Thủy dập liên tục, ở quê gọi là nắt gió.

Con Thủy đi đâu nó cũng đứng dạng háng chặn lại, nói cái của chồng Thủy có bằng của tui không mà chê tui hử!

Thấy phiền quá, chú nó xin cho một chân làm hậu đài đoàn văn công tỉnh, đuổi nó đi cho khuất mắt con Thủy. Thằng Tụy thích lắm, ai hỏi làm đâu, nó ra cái vẻ khiêm tốn nói làm ở đoàn văn công, phụ trách hậu đài.

Ít ai biết việc của nó là kéo dây, mắc đèn, khuân vác bục bệ, nghe nói phụ trách hậu đài là oách rồi, lương tháng năm đồng ba cọc, bù lại gái gú có dùng, cũng phởn.

Thằng Tụy to đen như con gấu, mỗi tối biểu diễn, nó cứ lởn vởn quanh khu hóa trang, các cô nhờ nó khi thì lấy cái này, khi thì lấy cái kia, rồi nhờ cột cái tóc, sửa cái giày… nó vui vẻ làm hết thảy, thỉnh thoảng lại véo cái, vuốt cái… loanh quanh thế nào nó kiếm được ối cô.

Hồi mình ở tỉnh, nó chuyên kể các nàng ế chồng, các em trẻ ngứa nghề, các bà nạ dòng chồng già mất sức chiến đấu đều vào tay nó cả. Nó kể một hôm ông trưởng đoàn nghi nó tằng tịu với vợ ông, định đuổi đi, chưa kịp mở mồm vợ ông đã cho một vả rụng hai cái răng cửa. Từ đó nó được chiều chuộng nâng đỡ, uy quyền ra phết.

Đến đoàn văn công hỏi gặp anh Tụy, thế nào cũng có người vồn vã dạ đây dạ đây, anh chờ cho chút, rồi hộc tốc đi tìm, y chang thằng Tụy là lãnh đạo.

Thằng Tụy cười, nói tao dưới một người trên muôn vạn người, khác gì phó đoàn, thằng phó đoàn lơ mơ tao cách chức, khe khe khe .

Năm 1985 đoàn văn công vào diễn cho xí nghiệp đông lạnh, ông giám đốc phấn khởi lắm, nói tặng anh em đoàn văn công tỉnh rẻo đất của xí nghiệp làm quà. Đó là rẻo đất thừa, bùn lầy, rác rưởi nằm ngoài khuôn viên xí nghiệp, ông cho ai trong xí nghiệp cũng chẳng lấy, nên cho đoàn văn công.

Mọi người ra nhìn rẻo đất chừng vài ngàn mét ai cũng ngán ngẩm, bỉu môi không lấy. Thằng Tụy nói mọi người không lấy tui lấy, tui làm mấy ao nuôi cá chơi.

Thằng Tụy lấy xong bỏ đấy cả chục năm chẳng làm gì, đụng đến ngày thị xã lên thành phố, quy hoạch thay đổi, giá đất lên ầm ầm, mấy ngàn mét đất của thằng Tụy thành tiền tỉ, nó lại khéo mua đi bán lại đất đai, chỉ vài năm sau nó thành tỉ phú, tiền nhiều như quân Nguyên. Nó mặc nhiên thành ông lớn trong tỉnh, gặp nó ai ai cũng một anh hai anh, tuyệt không ai dám gọi nó bằng thằng.

Nó thường nhậu nhẹt đàm đạo với các quan chức trong tỉnh, hễ nó nói câu gì cũng được khen giỏi, có đầu óc, tầm chiến lược gia, nghe ù tai.

Bây giờ nó là nhạc sĩ Tinh Tuý, nổi tiếng khắp tỉnh, bài hát thì chẳng ai nhớ nhưng tên nó cứ nổi như cồn.

Mình nghĩ mãi không ra làm sao một lúc nó có thể làm được món nghệ thuật cao sang kia, trong khi một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết.

Hồi lớp ba, cô giáo tập bài Giải phóng miền Nam, hát đi hát lại cả trăm lần, ai cũng thuộc, cô giáo gọi nó đứng lên hát. Bài hát như mắc ngang họng, nó cố khạc ra: Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết quyết quyết… Mọi người cười, nó lườm đe mọi người, nói cười cu tao, rồi hát lại: Giải phóng miền Nam chúng ta cùng bước bước bước…

Thế mà bây giờ nó đã thành nhạc sĩ Tinh Túy, thất kinh.

Đêm ca nhạc tưng bừng, thằng Tụy khiêm tốn ra cúi chào, vẻ mệt mỏi trước hư danh. Các cô gái chạy ào ra tranh nhau tặng hoa, trong đó có cô em họ mình. Cô em họ nói phải tranh nhau tặng hoa thì mới được thưởng, nếu lên chậm, rời rạc thì một xu cũng không có.

Có đến bốn, năm cái máy quay ti-vi, ông nào ông nấy mặt mày nghiêm trọng, lật đật ngược xuôi khắp khán phòng.

Mình ngạc nhiên thấy mấy ông lớn nghệ thuật trong tỉnh, dù đã già nhưng danh tiếng vang lừng đều có mặt trên sấn khấu, người thì hát bài hát thằng Tụy, người thì phát biểu ca ngợi nó, Tinh Túy một phát hiện mới, Tinh Túy một tài năng tiềm ẩn vừa được khám phá… oách kinh.

Anh Hào Hoa nói tao nói Tinh Túy một tài năng, thằng Tụy bỏ bì có năm trăm, ông Xốc Tới nói Tinh Túy một tài năng lớn, nó bỏ bì cho hai triệu, được rồi lần sau tao nói Tinh Túy một thiên tài xem nó bỏ bì tao bao nhiêu.

Hết chương trình, mình tìm gặp nó bắt tay, nói chào thiên tài Tinh Tuý. Nó cười rỉ tai, nói thiên cái đầu b., chơi ngông tốn tiền bỏ mẹ, khơ khơ khơ.

Một người đàn ông già thâm thấp đi đến, vẻ khóm róm, nói dạ thưa anh mời anh lên xe. Thằng Tụy vỗ vai người này, nói anh Tải, chồng cô Thủy, chánh văn phòng công ty tôi. Mình à và bắt tay, ông Tải khom người hai tay nắm tay mình, gập cái đầu thiệt lẹ, rồi lón thón chạy về chiếc Mezcerdez đang chờ, mở sẵn cửa.

Mình lên xe cùng thằng Tụy, ông Tải lại khom người kính cẩn, gập cái đầu thiệt lẹ, nói dạ các anh đi. Mình hỏi thằng Tụy đi đâu? Nó bảo qua chỗ này nghe tụi nó nịnh tao chút, rồi hai thằng mình ngồi với nhau.

Đến nhà hàng, cả trăm người đang chờ, đủ mặt cả: văn nghệ sĩ, quan chức trong tỉnh và các ca sĩ phục vụ đêm nhạc, nhiều nhất là các nhà thơ.

Thằng Tụy bắt tay, nhận hoa, vỗ vai người này, cụng ly người kia, nói cười ha hả. Thằng Tụy đi đến đâu ti-vi chạy rật rật theo đấy.

Ai cũng nói đêm nhạc thành công, bài này hay, bài kia sâu sắc, hiếm có ai đa tài như Tinh Túy.

Nhà thơ Hoài Ân nói may trời có mắt, tỉnh mình có Tinh Túy, không thì nỏ biết lấy chi mà tự hào.

Mấy người nói đúng đúng, giả sử Tinh Túy không sinh ra ở đây có phải tỉnh mình trơ mép không.

Mấy người lại nói đúng đúng không có Tinh Túy tụi mình bốc cát mà ăn.

Mấy người lại nói đúng đúng, đừng nói cát, cứt cũng không có mà ăn.

Thằng Tụy nhận những lời khen có vẻ như miễn cưỡng, lấy lệ. Nụ cười khiêm tốn lấy lòng người khen, chắc là được rèn giũa nhiều, rất chuẩn.

Thằng Tụy nâng cốc nói giờ tôi có việc phải đi, không vui được với anh em, rất mong thông cảm. Mọi người cứ nhậu thoải mái, nhậu đến sáng cho vui.

Ông Tải lón thón cầm xấp phong bì đưa từng người một, kèm theo một chai rượu xịn, ông gập lưng đưa phong bì, gập lưng đưa chai rượu, lại gập lưng chào rồi lón thón chạy sang người khác, cứ thế cả trăm người. Nhìn ông cứ thương thương.

Thằng Tụy nói anh em mình biết nhau rồi, nói thiệt nhạc của tao đếch đâu. Tao soạn lời, thằng Tải phổ nhạc, nó lấy tiền, tao lấy tên, rứa thôi.

Mình nói ông không làm nhạc thì người ta giết ông à? Nó cười nói bây giờ phải nhà nọ nhà kia chút làm ăn mới dễ, tiến sĩ thạc sĩ bây giờ mất giá, thèm vào. Tao vốn ở văn công, chọn cái món nhạc là dễ nhất, tiếng tăm mau nổi, gái gú cũng dễ kiếm, cứ véo von mấy điệu dân ca quen tai là nức nở hết lượt.

Mình nói ông đúng là thiên tài. Nó cười ha hả nói tao không thiên tài thì thằng nào thiên tài đây. Mình nói thế mà tôi tưởng ông trọc phú, nó cười khe khe khe, nói trọc phú hết lượt, mình tao à.

Mình lại theo thằng Tụy lên xe đi ra bờ biển với nó. Mình nói ông mời cả trăm người nhậu đến sáng, tốn cả đống tiền, không tiếc à? Nó bảo lo chi, nhận xong phong bì, chai rượu chúng nó cút cả đó mà.

Xe ra bờ biển, thằng Tụy vừa xuống xe, bà chủ quán lật đật chạy ra kêu một tiếng ôi anh ngọt lịm, rồi chạy lui mời anh ra đây, mời anh ra đây.

Nhìn cái dáng chạy lui của bà, mắt sớn sác, miệng cười gượng, vú sệ rung bần bật, thấy tức cười.

Một cái chòi vắng, nằm nghiêng bờ cát, ở giữa những cây phi lao mắc đèn xanh đỏ mờ ảo dưới trăng rất đẹp.

Mình vừa bước vào đã thấy Thủy. Cô bận bộ đồ nền nã, sang trọng, chìa bàn tay thon dài đeo hai nhẫn mặt ngọc nói chào Lập, lâu ngày quá hè. Thằng Tụy ôm vai Thủy, nói đây là vợ thằng Tải nhưng là bồ của tôi.

Nó rỉ tai mình, nói tao chơi gái nhiều, chưa thấy con nào hay như con này, mao nó rẽ ngôi, hai xoáy, giống y chang cái đầu hói xếp tao khơ khơ khơ.

Hôm sau mình ra Hà Nội, chỉ con Thủy đến, nó đưa gói quà thằng Tụy cho mình, nói anh Tinh Túy bận tiếp khách sở không ra được. Mình nói họp gì họp khiếp thế. Thủy cười khẩy, nói họp chi mô, thấy anh Tinh Túy có chút tiền chúng đeo anh suốt ngày, tệ lắm.

Mình nói không ngờ cuối cùng hai bạn lại yêu nhau. Thủy nói Lập đừng nghĩ mình lăng nhăng, anh Tinh Túy tâm hồn như rứa ai mà không yêu.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button