Văn học trong nước

Chúa Tiền Chúa Bạc

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Bà Tùng Long

Download sách Chúa Tiền Chúa Bạc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Chương 1

MỘT GIA ĐÌNH VỀ CHIỀU

Cái tin nhà triệu phú Ân tự tử loan báo khắp thành phố Sài Gòn làm dư luận hết sức xôn xao.

Ai còn lạ gì triệu phú Ân, một thương gia có óc kinh doanh, có tài tổ chức, còn trẻ tuổi, một mình làm giám đốc một xưởng chế tạo đồ nhôm và có ba tiệm buôn ở Việt Nam.

Công việc làm ăn của ông ngày một phát đạt, tiền vô như nước, sự nghiệp còn nhiều. Ông hy vọng sẽ mở những chi nhánh ở khắp lục tỉnh Nam Kỳ, ở Trung, ở Bắc, và trên trường thương mại, ông cố tranh với người ngoại quốc.

Nhưng việc làm ăn vững như bàn thạch của ông bỗng bị sụp đổ một cách đau đớn và ông giải quyết đời ông bằng cách bắn một phát súng vào đầu.

Nguyên nhân do ông vay vốn nhiều ở một ngân hàng ngoại quốc. Ngân hàng này sụp đổ, người ta tịch thu tài sản của ông. Biết được tin này, ông đi vận động suốt mấy tháng nhưng kết quả vẫn đi đến chỗ bị khánh tận.

Sự khánh tận của ông chẳng những đem cái chết đến cho ông mà còn khiến gia đình ông Hội đồng Minh bị suy sụp theo.

Ông Hội đồng Minh là anh họ của ông Ân. Mỗi khi đứa em cần tiền khuếch trương công cuộc làm ăn, ông Hội đồng cho mượn vốn không ít. Cũng vì thế, sau khi ông Ân chết, tài sản bị tịch biên, ông Hội đồng chẳng còn gì ngoài cái nhà ông đang ở, cách châu thành tám cây số.

Ông Hội đồng Minh buồn hết sức, nhưng vì là chủ gia đình, ông làm bộ vui vẻ và giấu mọi người sự không may xảy đến cho ông.

Là đàn bà, bà Hội đồng không sao không tiếc của, nên bà buồn rầu lâm bệnh rồi chết.

Bà Hội đồng Minh chết để lại cho chồng ba cô con gái đã đến tuổi gả chồng là cô Phi Oanh, Phi Hồng và Phi Loan.

Ba cô đều là học sinh trường Nữ học Gia Long. Cô Phi Oanh đã đậu bằng Thành chung, sắp thi vào ban Tú tài. Còn Phi Hồng và Phi Loan hiện đang học trung học.

Ba chị em xấp xỉ tuổi nhau và đều có nhan sắc mỹ miều, nhưng mỗi người một vẻ, không ai giống ai.

Ông bà Hội đồng chỉ có ba cô con gái nên đều yêu quý cả ba.

Cô Phi Oanh vóc người cao lớn, nước da trắng hồng, cặp mắt sắc sảo dưới hai hàng lông mi dài và cong, miệng cười tươi như hoa, vừa đẹp quyến rũ vừa ăn nói hoạt bát. Cô lại có tánh nghịch ngợm và thích những chuyện ly kỳ.

Cô Phi Hồng không cao như chị, có vóc người đầy đặn, mặt tròn, cặp mắt xếch và to, hai gò má hơi cao, đôi môi mỏng và đỏ, nước da trắng mịn, cái cằm tròn hơi lẹm nhưng có duyên. Ngó chung Phi Hồng rất đẹp, nhưng cái đẹp của cô không gây được thiện cảm cho người khác vì cặp mắt có phần giảo hoạt.

Cô Phi Loan, người bé nhỏ, khuôn mặt trái xoan, xinh xắn, cặp mắt to và đen đầy sự thành thật, cái miệng nhỏ trên chiếc cằm tròn trĩnh. Phi Loan có vẻ đẹp hiền lành, tiêu biểu cho người phụ nữ phúc hậu.

Bà Hội đồng chết, sự học của ba cô con gái phải gián đoạn.

Sống trong gia đình giàu có, ông Hội đồng cũng như ba cô con gái đã quen đà xài phí xa hoa.

Nay bỗng nhiên bị sa sút, sự tiêu xài phải kiềm chế, ông Hội đồng còn thấy khó chịu, huống gì ba cô con gái đang trong thời kỳ se sua chưng diện.

Tuổi thanh niên là tuổi bồng bột, tuổi chứa chan hy vọng, nay bị gò ép trong một tình thế không thể tiến được, ba cô thấy mộng tình tan vỡ.

Trong ba chị em chỉ có Phi Oanh buồn hơn cả, vì cô học giỏi, cố đeo đuổi sự học và có mộng du học để sau này thành một nhân tài của đất nước.

Phi Hồng ít ham học bằng chị, nhưng lại xây nhiều mộng đẹp trên đồng tiền. Nàng rất thích du lịch và có nhiều sáng kiến về kinh doanh. Có lẽ Phi Hồng giống bà Hội đồng, vì lúc sinh thời, sự nghiệp của ông Hội đồng phần lớn là nhờ vào tài đảm đang của bà. Vì thế bà mất, ông Hội đồng như mất cánh tay mặt. Và bao nhiêu việc nhà, ông không coi sóc được.

Phi Loan bản tính ít se sua, nhưng vì cha mẹ và hai chị bắt phải ăn mặc sang trọng, nàng cũng làm theo ý muốn người trên. Vì thế hôm nay, đứng trước cảnh nhà sa sút, nàng ít buồn hơn hai chị về sự thiếu thốn vật chất. Nhưng nhiều hơn hai chị, nàng cảm thấy một cách sâu xa, thấm thía về sự mất người mẹ hiền lành giỏi giắn.

Phi Loan chỉ thích làm việc thiện, vì thế không có nhà nghèo nào quanh xóm nàng không tìm đến giúp đỡ. Phi Loan đan những chiếc áo, những đôi vớ để đem cho các bé nhà nghèo ở các xóm lao động. Và trong các xóm ấy, người ta đã gọi nàng bằng “cô áo trắng” vì nàng thường mặc chiếc áo lụa màu trắng.

Thấy con đang sung sướng bỗng phải bỏ học dở dang, ông Hội đồng thương hại lắm, nên ba cô con gái muốn gì ông đều không ngăn cản. Từ nhỏ tới lớn, tài trí ông chỉ quanh quẩn bên đồng tiền, nay trong tay không tiền, ông ngồi đứng, ra vào, lúc nào cũng nghĩ cách xoay tiền, làm sao cho có tiền. Có tiền mới có hạnh phúc.

Tóc càng bạc, sức càng yếu, ông càng lo nghĩ nhiều. Ông phải làm sao cho có tiền để sống những ngày già an nhàn.

Người ta có của nhờ của, ông có con nhờ con. Ông đã nghĩ đến ba cô con gái đẹp đẽ, cái gia tài của ông hiện giờ, vì thế ông luôn luôn dạy con theo luân lý của ông: “Tiền trước nhất”.

Một buổi chiều mát mẻ, ngồi trước sân với ba cô con gái, ông buồn rầu nói:

– Cha thật không ngờ gặp cảnh ngày hôm nay. Cha cứ tưởng với sự giàu có của cha, cha gả ba con dễ như chơi. Té ra gặp phải vận rủi, cha quá tin vào chú Ân, đến nỗi khuynh gia bại sản lây. Giờ đây sự học các con dở dang, cha lo lắm. Nhưng cũng may các con đều có sắc đẹp… Sắc đẹp cũng là một lợi khí cho các con trên đường đời để tìm một người chồng giàu sang, theo ý muốn. Các con đừng nghe theo tiếng gọi của lòng, tìm những ái tình cao thượng, tốt đẹp, mà chết các con ạ. Các con đẹp, các con phải làm chủ những lâu đài tráng lệ, những kho của chồng chất, những thửa ruộng cò bay thẳng cánh. Có thế các con mới sung sướng. Chớ đẹp như tiên mà gặp phải anh chồng nghèo thì lưng ong má phấn cũng phải đọa đày phong sương…

Ông dạy con như thế. Ông nuôi con trong gấm vóc lụa là. Ông âm thầm bán lần hồi những vật quý giá để sắm sửa cho con gái. Ông cố duy trì sự giàu có của ông trước mắt thiên hạ.

ĐỌC THỬ

Nhưng thiên hạ có phải ai cũng dễ bị gạt đâu.

Họ cũng quá hiểu cảnh ông. Ông bây giờ chỉ còn cái vỏ. Những món nữ trang quý giá bằng kim cương của ba cô đã nằm trong tủ các tiệm buôn bán nữ trang. Các cô đeo toàn đồ giả.

Không chốn vui nào ông không dẫn ba cô con gái đi dự, và không cái “mốt” nào các cô không theo.

Những buổi chiều mát, người ta thấy ba cô đạp xe chạy bon bon trên những con đường ở Tân Định, để mãi chiều tối mới trở về nhà.

Bà Hội đồng chết đã ba năm, ông Hội đồng sắp đặt đủ cách vẫn chưa gả được chồng cho con.

Điều đó không lạ. Ở xã hội này đâu phải chỉ có ông Hội đồng Minh dạy con bài học “tiền trước nhất”, mà biết bao kẻ khác đã lấy câu này làm kinh nhật tụng.

Vì thế dân đào mỏ đời nào bỏ công vào cái mỏ chì của ông Hội đồng Minh.

Và cô Phi Oanh vẫn chưa có chồng, mặc dù cô đẹp như tiên sa…

Khi còn là một nữ sinh, cô có quen một sinh viên trường Trung học Trương Vĩnh Ký, tên Nguyễn Huy Hoàng.

Ban đầu thư từ qua lại rất tâm đồng ý hợp, sau đôi bạn trẻ đã thề non hẹn biển hễ thành tài là cùng nhau kết bạn trăm năm.

Chẳng may bà Hội đồng chết, Phi Oanh bỏ học.

Nguyễn Huy Hoàng được tin vội vã tìm Phi Oanh để chia buồn và cũng để dò ý kiến Phi Oanh luôn thể.

– Em có thể cho anh biết, vì sao em nghỉ học?

– Mẹ em chết, không ai săn sóc nhà cửa, bổn phận em là gái lớn phải ở nhà giúp đỡ cha già.

– Thế hai em Phi Hồng, Phi Loan có đi học nữa không?

– Tùy ý hai em ấy.

Hoàng buồn rầu:

– Từ nay em thôi học về nhà, chắc anh ít có dịp gặp em!

– Tình cảnh em bây giờ khó xử lắm. Cuộc hôn nhân giữa anh và em thật bấp bênh. Trước kia em hi vọng vào mẹ em để khiến cha em ưng thuận, nhưng giờ thì không ai nói xuể cha em được. Cha em chỉ hy vọng gả chồng giàu sang cho tụi em thôi.

Huy Hoàng thở dài.

Phi Oanh bèn an ủi:

– Anh ráng học thành tài sẽ hay.

– Nghĩa là em vẫn đợi anh đấy chứ?

Phi Oanh lặng thinh, đôi mắt nhìn xa xăm.

Hoàng hiểu Phi Oanh còn suy tính, nhưng bỗng Phi Oanh chìa bàn tay cho Hoàng bắt. Và cái bắt tay ấy, sau này Hoàng nghĩ mãi không biết đó là cái bắt tay ưng thuận hay là cái bắt tay chia ly…

Thế rồi Hoàng đậu Tú tài. Nhà nghèo, cha mẹ chết sớm, Hoàng không thể tiếp tục đi học nữa. Hoàng đành tìm một chỗ làm trong một công sở để mưu sống.

Và nghĩ đến Phi Oanh, Hoàng tìm đến nhà để nhắc nàng nhớ lời hứa hai năm về trước.

*

Ông Hội đồng Minh ở một căn nhà lầu khá đẹp giữa một vườn cây um tùm. Cách nhà ông độ một trăm thước, có một biệt thự rất lớn, mỗi năm đóng cửa hết tám tháng, chỉ thấy bóng người ở trên lầu từ tháng bảy dương lịch đến tháng mười mà thôi.

Biệt thự này của ông Thượng Vũ Hồng Đức. Ông này giàu lắm, làm chủ sáu, bảy biệt thự riêng cho thuê ở Đà Lạt và có phố xá cho mướn ở Hà Nội.

Ông người Bắc, làm quan đến chức Thượng thư. Ông đã ba lần cưới vợ, nhưng vẫn chưa có con. Đã ba lần khóc vợ, ông vẫn chưa nguôi giấc mộng tình. Hơn năm chục tuổi, ông vẫn còn mạnh mẽ. Con đường chính trị đổi thay, ông chán công danh, xin về hưu để sống an nhàn tận hưởng sự giàu sang.

Một năm, bốn tháng mưa, ông ở Sài Gòn, tại biệt thự Hồng Đức. Từ tháng tư đến tháng sáu dương lịch, ông ở Đà Lạt, còn mấy tháng kia ông ở Hà Nội, nơi sinh trưởng của ông.

Ông là người giao thiệp rộng, có tài ăn nói, ai gần ông đều khen ông vui tính, dễ gần.

Hôm nay đứng trên lầu nhìn xuống, lòng ông bỗng rung động vì một thiếu nữ có sắc đẹp mê hồn, đang ngừng xe đạp trước biệt thự ông.

Thiếu nữ tay nhấn mạnh vào cái bánh xe sau tỏ vẻ thất vọng.

Ông Thượng Đức tự nói:

– Ồ, ta sống đã nhiều, chưa thấy ai đẹp bằng cô kia. Cặp mắt như luồng điện thu hút linh hồn đàn ông. Cái trán rộng và đẹp làm sao, thật đáng cho ta đặt vào đấy những cái hôn say đắm. Còn cái miệng! Một cái miệng đáng nghìn vàng. Chẳng biết Tây Thi ngày xưa, có được như nàng Tây Thi sống động trước mắt ta đây không?

Ông vội vàng xuống lầu, gọi người bếp và hỏi:

– Ông có biết cô nào ngừng xe trước ngõ ta kia không?

Ông bếp chạy ra và khi nhìn thấy cô gái thì reo lên:

– Kìa, chào cô Phi Oanh! Cô đi đâu về mà mồ hôi ướt cả áo thế?

Thiếu nữ đang đứng nhìn cái xe, vẻ mặt thất vọng, nghe gọi liền nhìn lại sau, đổi ngay nét mặt:

– Chào ông Năm, tôi đi chơi từ sáng, bây giờ về ngang đây bỗng xe nổ bánh…

Ông Năm nói:

– À ra thế… Vậy xin mời cô vào nghỉ tạm trong này cho mát. Tôi sẽ giúp gọi người chữa sau.

Phi Oanh mừng rỡ:

– Cảm ơn ông Năm.

Phi Oanh dắt xe vô vườn và ngạc nhiên thấy một người đàn ông đã đứng tuổi, có vẻ quan cách, từ trong nhà bước ra nhìn nàng không chớp mắt.

Phi Oanh hơi ngượng nhưng cũng cúi đầu chào. Ông Năm liền giới thiệu:

– Đây là cụ Thượng, chủ nhân của biệt thự Hồng Đức này.

Ông Thượng vừa cười vừa nói:

– Ai lại giới thiệu tôi bằng cụ. Không khéo cô… cô gì nhỉ, lại tưởng tôi già thì nguy to.

Phi Oanh bỗng tức cười và nói bằng một giọng như rót mật vào tai ông Thượng:

– Già hay không là do lòng người, chớ nào phải tại tiếng xưng hô.

Rồi đứng thẳng người, Phi Oanh nói:

– Như tôi, ai gọi tôi bằng cụ, bằng bà… hay bằng gì gì đi nữa, đố mà làm tôi già nổi.

Ông Thượng thích chí khen:

– Cô thật là một nhà tâm lý học. Nhưng xin mời nhà tâm lý học quá bước vào nhà uống chén trà với tôi gọi là ghi lại một cuộc gặp gỡ rất đẹp.

Phi Oanh cười giòn:

– Cuộc gặp gỡ đẹp là cuộc gặp gỡ vì cái lốp xe bể, thưa ông.

Thấy Phi Oanh ranh mãnh, ông Thượng cũng nói đùa lại cho vui:

– Nhưng nhờ có cái lốp xe bể, tôi mới được hân hạnh làm quen với cô… Một thiếu nữ có sắc đẹp kiều diễm của các cô đào màn ảnh Âu Mỹ.

Phi Oanh đùa lại:

– Thế thì chắc cụ lớn có sưu tập ảnh các cô đào hát bóng Âu Mỹ?

– Ai lại gọi tôi bằng cụ, ngượng chết.

– Thế thì gọi bằng gì?

– Bằng anh vậy.

Nói câu này, ông Thượng nhìn vào mặt Phi Oanh với đôi mắt mơ màng.

Một luồng điện lạnh cả người chạy khắp thân thể Phi Oanh. Mặt nàng đang tươi bỗng sa sầm lại và bỗng chạnh lòng nghĩ đến Hoàng. Hoàng trong cái bắt tay chia ly cũng đã nhìn nàng với cặp mắt ấy.

Nhưng Phi Oanh vẫn trêu ghẹo:

– Vâng, cụ lớn đã cho phép thì tôi xin gọi là “ông anh cả” vậy.

Rồi thấy Phi Oanh ra chiều suy nghĩ, ông Thượng hỏi:

– Nhà tâm lý học đang nghiền ngẫm vấn đề gì mà có vẻ kém vui như thế?

– Dạ tôi đang ân hận là chưa được hân hạnh làm quen với nữ chủ nhân biệt thự Hồng Đức.

– Thế à? Thưa cô, biệt thự này vô phúc chưa có nữ chủ nhân. Và hôm nay, nếu phải là ngày đáng nhớ, thì cô nhìn kia, hoa cỏ đang vươn mình chào đón nữ chúa của nó.

Phi Oanh cúi đầu lặng thinh.

Nhưng bỗng ngoài cửa có tiếng cười giòn giã. Phi Hồng và Phi Loan ào vào:

– Tưởng chị đạp nhanh về trước, té ra lại còn ở đây?

Phi Oanh chỉ bánh xe bị xẹp:

– Tại cái lốp xe chớ không thì chị đã về nhà rồi.

Ông Thượng nhìn ba chị em, hết sức ngạc nhiên vì ba cô đều đẹp, thật là một bức tranh tố nữ.

Phi Loan hỏi nhỏ chị:

– Nhà ai thế chị?

Phi Oanh cười:

– À quên, xin giới thiệu với cụ Thượng hai em gái của tôi, Phi Hồng và Phi Loan.

Ông Thượng ngó Phi Oanh, tỏ vẻ trách móc:

– Sao cứ gọi “cụ” mãi thế. Xin chào cô Phi Hồng và Phi Loan. À, còn cô, cô là Phi gì nhỉ? Cô không chịu giới thiệu.

Phi Oanh tươi cười:

– Đâu, cụ lớn đoán thử…

Ông Thượng cũng vui vẻ:

– Ừ thì đoán… Phi Anh?… Phi Vân?…

Ba chị em cùng cười rộ lên, làm ông Thượng im bặt. Rồi Phi Oanh nói:

– Hồng, Loan, thì tôi là Oanh chớ…

Mọi người đều cười và ông Thượng ân cần mời các cô vào nhà trong. Sau khi uống trà và chiếc xe đã chữa xong, ba cô từ giã ra về. Ông Thượng đứng nhìn theo ra chiều lưu luyến.

Ngày hôm sau, ông Thượng lập tức tìm đến nhà ông Hội đồng Minh. Rồi những ngày kế tiếp đó, không ngày nào ông Thượng không đem xe đến đưa ba cô đi chơi Thủ Đức, đi tắm hồ bơi, đi ăn ở Chợ Lớn, hoặc đi xem xi-nê…

Đo được lòng say đắm con gái mình của ông Thượng, ông Hội đồng Minh liền kêu Phi Oanh dặn riêng:

– Ông Thượng Đức đã mê mệt nhan sắc của con rồi. Thế là con sắp làm chủ một gia tài to lớn và với hai mươi cái xuân, con nghiễm nhiên là bà Thượng đó, con ạ. Con phải thắt chặt cái lưới lại, đừng để sẩy con mồi con nhé. Có thế con mới có thể tác thành cho hai em được và cha cũng nhẹ lo phần nào.

Phi Oanh đứng khựng. Trong đầu óc nàng, một sự đấu tranh giữa tiền và tình đang diễn ra kịch liệt. Lấy ông Thượng Đức, nàng sẽ sống trên đống vàng, trong sự nuông chiều cực điểm.

Nhưng chua cay thay, ông Thượng đã già. Còn gì là đời xuân trẻ của nàng!

Lấy Hoàng, nàng sẽ sống trong một cuộc tình duyên say sưa êm đẹp… Nó thích hợp với lòng nàng, với tuổi nàng… Nhưng Hoàng nghèo… Ông Hội đồng có bao giờ chịu gả.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button