Văn học trong nước

Chiếc Áo Xường Xám Màu Hoa Đào

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tô Hoài

Download sách Chiếc Áo Xường Xám Màu Hoa Đào ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

… Sừng sững một tòa ngôn ngữ chân chất, tinh diệu…

(Thay lời giới thiệu)

Trong tập tùy bút  Thăm thẳm bóng người  của Đỗ Chu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài được tác giả giới thiệu bằng cảm hứng và lời văn trác tuyệt. Trong thăm thẳm bóng  người  có bóng  ta.  Có thăm thẳm bóng Nguyễn Tuân trong những kiệt tác ông để lại cho đời. Tô Hoài còn đấy, “  đứng chống đòn gánh, dưới chân là hai quang sách nặng  ”, bóng của hàng triệu độc giả hòa vào bóng Tô Hoài trong những tác phẩm bất hủ của ông. Trước “cốt kiêu” và uy bút lực của hai ông, Đỗ Chu – lần đầu tiên tôi thấy – … đứng khép nép.

Tôi đã có lần khép nép trước một tác phẩm của Tô Hoài, đó là  Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ  in trong tập truyện ngắn này. Sau  Giăng thề,  đây là kiệt tác thứ hai của Tô Hoài. (  Dế mèn phiêu lưu ký  đương nhiên là một tác phẩm bất hủ, nhưng ý tôi nên xếp sang một chiếu khác). Trong  Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ,  hơi thở hùng tráng của lịch sử vừa kín đáo, vừa mãnh liệt chạm vào tình cảm sâu lắng nhất của bất kỳ độc giả người Việt nào. Ta gặp lại đam mê của Tô Hoài quan sát những lễ tục dân gian và sự am hiểu tinh tường những tập quán ngành nghề, sinh hoạt mà tác giả miêu tả.

Cảnh đám rước kiệu “bà” quay tròn:

“  Kiệu bát cống quay tròn, bây giờ mới thật như chiếc hoa giữa đám hội, vừa bay vừa cong cánh nở. Lòng hân hoan mong đợi của cả ngàn người xem hội cứ thế bồng bột mãi lên. Hai mươi bốn trai kiệu, nghe tiếng trống khẩu, một lượt quỳ như hai mươi bốn thớt voi rồi từ từ bò qua gò, vai kiệu vẫn phẳng lừ như tường đứng.  ” (tr. 146)

Mùa vụ cây dó (làm bột giấy):

“  Cạn kỳ dó chính tuyết, vừa cuối thu. Lần sang vụ dó Một Chạp đến tháng Giêng là “đầu giao”. Một Chạp hay “đầu giao”, áo dó mới lột, quệt sương hay mưa đều ố nước, mất công phơi nhiều nắng mới bó được. Nhưng vừa xong cái vất vả rừng này lại phải lặn lội sang rừng khác, đã vào vụ dó chiêm. Dó chiêm tiếp dó đuôi tháng, quanh lại vừa trở lại chính tuyết.  ” (tr. 163)

Đúng là Tô Hoài. Chỉ có thể là Tô Hoài.

Nhưng cái mà tôi kính nể là đọc tác phẩm này tôi như đứng trước sừng sững một  tòa ngôn ngữ  chân chất và tinh diệu. “Trong ngọc” nhất trong tòa ngôn ngữ này là những câu văn thuộc loại “văn xuôi thơ” sáng giá của văn chương Việt Nam hiện đại. Đây là những câu văn tả tình cảnh một người con gái ngồi trên thuyền ngược sông đi lấy chồng giầu mạn ngược:

“Những lời hò vui mà thảm thiết:

Ra khoang… em bước… qua cầu…

Bến vui em đến…

Trên mui bỗng lóng lánh một trời sao. Con thuyền đêm nao cũng đi qua một trời sao ấy. Dù cho con người có cạn nước mắt rồi cũng muốn hy vọng, như người chèo thuyền mong đến bến…

Một đêm, Hạ ra khoang sau. Hạ ngồi một lúc thật lâu. Bốn bề lặng ngắt. Những ngôi sao long lanh nhỏ lã chã những giọt nước mắt xuống thế gian…”  (tr. 162)

Một lần Hội nghị nhà văn trẻ, nghe giới thiệu nhà văn Tô Hoài lên phát biểu ý kiến, cả hội trường im phăng phắc. Trái với sự chờ đợi của mọi người, nhà văn lão thành lên diễn đàn chỉ để nói với các nhà văn trẻ một câu: “…  chừng nào chưa phân biệt được “  mồm  ” và “  miệng  ” thì đừng có cầm bút…  ”. Tôi thiết nghĩ các bạn trẻ háo hức viết văn nên tìm đọc  Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ  , đọc xong mà nhận ra được vốn ngôn từ của mình sao mà nó nghèo nàn, thảm hại, xô bồ đến thế thì dù có tiến hay thoái cũng là một sự thức nhận hết sức có ích.

Thăm thẳm bóng người  trong tập truyện ngắn này:

Bóng cô Cúc, “một sinh viên người Huế đẹp tuyệt trần” được nhà văn Tô Hoài trao cho bản thảo cuốn tiểu thuyết  Đêm mưa “  một chiều đông rét mướt” năm 1946 và tòa nhà lưu niệm “tiêu điều, ảm đạm” của bà Điềm (cô Cúc năm xưa, nay đã trở thành nhà điêu khắc nổi tiếng Điềm Phùng Thị),…  “trong những tủ kính trang nhã, phủ bụi mấy bức khắc tự họa của nhà điêu khắc”.  (Hồi ký  Tiểu thuyết đêm mưa)

Một người đàn bà “cả đời chỉ đi bói chèo ước mong tái hợp” vì chồng đi “đất đỏ Sài Goòng” mãi không trở về. (  Cô đào Thương)

Bà Tứ dở điên dở dại lúc hấp hối phải gặp được người tình năm xưa mới yên tâm nhắm mắt. (  Tình buồn)

Có một loạt truyện giúp độc giả hình dung được đầy đủ hơn trí tưởng tượng kỳ thú và hóm hỉnh của tác giả  Dế mèn phiêu lưu ký  :  Đôi ri đá, Con gà trống ri, Truyện gã chuột bạch, Một cuộc bể dâu, Mụ ngan…

Trong những truyện về các dân tộc miền núi mà tiêu biểu là truyện  Vợ chồng A Phủ,  còn gì giản dị và sâu sắc hơn tinh thần cứu đất cứu mường nảy sinh trong tâm khảm và gắn với cuộc đời của các nhân vật.

“  … Nhấn nhớ lại cả cái đời thảm của mẹ và của mình. Nhấn muốn khóc.

Giữa khi ấy thì tiếng chim kỳ lanh lảnh như tiếng kèn giục phường săn. Nhấn không khóc được. Nhưng từ đấy, trong đời chiến đấu của người bộ đội, mỗi khi nghe trên cánh rừng, đầu rừng nào có tiếng chim kỳ kêu, Nhấn tưởng hồn mẹ và hồn em đi đâu cũng đuổi theo Nhấn  .” (  Cứu đất cứu mường)

Tập  Chuyện để quên  có những truyện rất “quý”, làm sống lại không khí hồ hởi hồn nhiên của những năm đầu kháng chiến, những đoàn dân công, bộ đội, cán bộ đi công tác…

Truyện – ký  Khiêng máy  là một tác phẩm xuất sắc. Tiêu biểu là cảnh đám công nhân nhà in báo “  Cứu quốc Việt Bắc”  khiêng máy nghỉ lại ở lán.

“… Cứ tối đến, các lán sàn trên, sàn dưới, hai tầng ghép lại bằng ống vầu tươi, người nằm người ngồi ngổn ngang. Một ngày cật lực khiêng máy, vác giấy, tải gạo, tải muối… Tưởng như mỗi khi ngả lưng xuống thì thiếp đi đến chết. Tiếng moóc-chi-ê ình oàng vào sương đêm, không biết từ phía nào. Nhưng chẳng ai có thể chợp mắt. Từ chập tối đến khuya, người nằm cứ rào rào kháo đủ các thứ chuyện. Chẳng chuyện nào vào chuyện nào, nhưng thú vị, hả hê. Họ đố nhau ăn uống cái gì ngon nhất, rồi lấy quần áo ra đổi chác. Quanh quẩn chỉ vài cái cứ đổi đi đổi lại lẫn lộn, như bọn đánh bạc. Lúc thì ồn ào như đương chè chén ở hiệu cao lâu. Lúc thì tranh nhau giá cả, bớt xén như ở nhà cầm đồ Vạn Bảo. Lúc lại bắt chước vợ chồng ỏn ẻn, nũng nịu. Rồi hát tuồng, gẩy đàn mồm, mãi khuya mới ngớt “cuộc vui”…” (Khiêng máy)

Có những truyện nói về cuộc sống cơ cực của người dân trong vùng bị chiếm đóng.

“Hờn khoác thừng kéo cày vào người, lúc đổi vai, lúc thắt ngang bụng. Cái cánh tay cụt giơ lên, cóng rét, bị nếp thừng kéo thít xuống. Có hôm chỗ đau lại bật máu ra, chảy thấm xuống tận nách áo. Nhưng Hờn vẫn cắn răng, lội. Hờn chỉ còn sức dựa vào cái thừng, lạch đi. Trên cánh đồng này biết bao nhiêu người bì bõm cầy bừa, cấy hái quanh năm như thế, cho đến lúc phía tỉnh gầm gừ tiếng xe, trời tảng sáng, các đồn bốt dọc đường sắp xua nhà phạt và lính tráng vác gậy đi dò mìn, thì những người làm đồng kiệt sức mới lục đục về làng.” (Người mất trí)

Trong một thời gian khá dài (hơn bốn năm), tôi tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học do anh Tô Hoài chủ trì. Thời gian đầu, một tháng họp một lần. Công việc tiến triển hơi chậm, anh Tô Hoài quyết định một tuần họp một lần. Tôi nghĩ bụng đến tuần thứ ba không biết còn chuyện gì để mà bàn, có khi phải hai, ba chầu bia mới hết buổi. Nhưng không phải như vậy. Tô Hoài là một kho chuyện vô tận, có khi một nghìn lẻ một buổi họp vẫn chưa hết chuyện, không riêng gì chuyện văn hóa, văn nghệ, hình như chuyện gì anh cũng biết, chuyện nào anh cũng nhớ vài ba chi tiết đặc sắc, rất quan trọng. Không riêng gì những thời kỳ gần đây, mà những chuyện thời Tự lực văn đoàn và Thơ mới, thời Đề cương văn hóa và Văn hóa cứu quốc, những năm đầu kháng chiến… anh Tô Hoài vẫn nhớ và nhớ tường tận. Những chuyện anh hồi tưởng và kể lại bao giờ cũng hấp dẫn. Anh rất quan tâm đến sự chính xác: tên người, địa danh, niên đại, những sự kiện lịch sử và những chi tiết của đời sống thực tại. Tô Hoài hay nhận xét về những chỗ sai, không chính xác trong các bài báo, bài văn và công trình nghiên cứu anh đọc nhưng tôi chưa thấy ai nêu những điều không chính xác trong những trang viết của anh. Duy có một lần Nguyễn Nguyên, một ký giả lão thành ở Sài Goòng nói với tôi: “Trong bút ký, hồi ký của Tô Hoài có những chi tiết thần tình, phải là một người sành ăn thì miếng thịt chó ngon mới gọi là “đặm và phải chăng cái miếng thịt”. Chỉ tiếc là trong một bài viết về “xóc đĩa” đăng trên  Kiến thức ngày nay  hồi năm trước có những chi tiết sai, tôi có cảm tưởng là Tô Hoài chưa từng bước chân vào sòng xóc đĩa.”

Nghe anh Tô Hoài hồi ức về “những năm tháng, con người và cuộc đời”, tôi hình dung một lịch sử văn hóa, văn nghệ khác, không giống như những điều được trình bày trong những bộ sử đã công bố, nó phong phú hơn, sống động hơn, chứa chất kịch tính, xem ra thảm hơn, mà cũng lớn lao hơn. Cuối cùng thì tôi thông, họp tuần một lần không phải là nhiều vì đề tài nghiên cứu của chúng tôi có liên quan mật thiết đến lịch sử văn hóa. Những chuyện anh Tô Hoài hồi tưởng và kể lại thiên về giải ảo hơn là ảo hóa những người thật, việc thật. Cách nhìn giải ảo thường là một nhân tố tiến bộ trong văn hóa, nhất là khi người giải ảo có ý thức đặt sự thật cao hơn những ước lệ và cấm kỵ. Tô Hoài quá hiểu lịch sử và lịch sử xem ra cũng nể ngòi bút hồi ký của ông. Tô Hoài không chỉ là một nhà tiểu thuyết phong tục có hạng, tác giả  Cát bụi chân ai  còn là một tác gia hồi ký bậc thày, vả chăng những truyện hay của Tô Hoài thường là mang tính chất hồi ký:  Giăng thề  (1943),  Mười năm  (1957  ), Tự truyện  (1978),  Ba người khác  … Anh Tô Hoài không thích nói chuyện sách vở nhưng khi nói chuyện đụng đến những công trình nghiên cứu thì thấy anh có đọc và đọc khá nhiều. Tôi vẫn cho rằng khổ công đọc sách là một biểu hiện đáng tin cậy của sự khiêm tốn, có thể giả vờ khiêm tốn trong ứng xử nhưng đọc sách thì không giả vờ được. Trong một chuyến thày trò trường viết văn Nguyễn Du hành hương về Tiên Điền, Nghi Xuân thăm quê hương đại thi hào có nhà văn Tô Hoài, chủ tịch đầu tiên và cuối cùng Hội đồng giáo dục Trường Nguyễn Du cùng đi. Trong buổi lễ viếng mộ, mọi người nín lặng khi nhà văn Tô Hoài bước ra đứng trước mộ. Ông thắp nhang, rưới rượu lên mồ rồi ông rót rượu vào cái chén ông cầm trên tay và uống cạn chén rượu trước mộ Nguyễn Du và trước mặt mọi người. Tôi nghe tiếng mấy sinh viên viết văn thì thào: “Tô Hoài tranh thủ uống rượu”, “Tô Hoài cũng ngang đấy chứ”… Tôi nghĩ đến hai câu thơ chữ Hán trong bài thơ  Đối tửu  của Nguyễn Du:

Sinh tiền bất tận tam bôi tửu

Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi.

Diễn nghĩa:

Lúc sống không uống cạn hồ rượu

Chết rồi ai rưới ruợu trên mồ cho?

Làm đề tài nghiên cứu khoa học, về bất kỳ vấn đề nào anh Tô Hoài cũng có chủ kiến riêng. Về vấn đề tranh luận: làm thơ bằng  ý  hay bằng  chữ  ? Ý kiến của Tô Hoài: làm thơ bằng chữ nhưng vấn đề là người làm thơ  sống những chữ  của mình như thế nào? Tôi thấy nói như vậy cũng là rõ và đủ. Đề tài của chúng tôi được phân thành nhiều vấn đề. Giải quyết mỗi vấn đề, trong nhóm đề tài (có Ngọc Trai, Vương Trí Nhàn và tôi) mỗi người viết bài, sau đó anh Tô Hoài tổng kết. Tôi nghiệm thấy trong bài tổng kết, anh Tô Hoài hầu như chỉ trình bày những chủ kiến riêng của anh. Mặt khác, anh Tô Hoài không bao giờ có ý định đưa ra những ý kiến hướng dẫn, dù là dưới hình thức góp ý, gợi ý nhẹ nhàng. Riêng tôi thấy cách làm việc như vậy hết sức dễ chịu. Có một buổi sinh hoạt nhóm tôi trình bày những ý kiến của tôi về văn hóa làng. Sang buổi sau anh Tô Hoài đưa tôi cuốn sách của Nguyễn Hồng Phong về Công xã nông thôn và hỏi: “Hiến đã đọc cuốn này chưa?”. Quả nhiên tôi chưa đọc cuốn này và đây là một tài liệu quý đối với đề tài của tôi, không có nó nội dung bài viết của tôi sẽ kém phần “chắc thiệt” nhiều. Trên đời có một loại ân nhân rất đáng quý nhưng lại ít được chú ý, đó là những người biết ta đương cần đọc cuốn sách gì và đưa cho ta một cách hồn nhiên đúng cuốn sách ấy. Trong các bạn đồng nghiệp ở trong nước, loại ân nhân này rất hiếm. Trong những bạn đồng nghiệp Pháp, Mỹ và Việt kiều dễ gặp hơn những người sẵn sàng chia sẻ sách và tư liệu với mình. Không có những cuốn sách mà Dan Duffy, Neil Jameison, François Jullien, Nguyễn Bá Chung (Mỹ), Nguyễn Ngọc Giao (Pháp)… cho tôi, những công trình biên khảo của tôi sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Những ý kiến riêng của anh Tô Hoài đôi khi rất bất ngờ. Trong một cuộc hội thảo, có một diễn giả nói rất mạnh về sự thiếu khiêm tốn trong giới trí thức. Đây là một định kiến phổ biến và tôi cũng nghĩ như vậy. Giờ nghỉ, anh Tô Hoài nói với tôi: “Lạ thật, cứ nói đến trí thức là nhấn mạnh vào bệnh không khiêm tốn, tất cả những người trí thức tôi biết đều hết sức khiêm tốn, không khiêm tốn làm sao có trí thức được?” Tôi thấy anh Tô Hoài có lý. Thiện cảm và ác cảm ở anh Tô Hoài cũng rất riêng. Có một người bạn văn anh Tô Hoài quen đã hơn bốn chục năm nhưng chưa lần nào anh đến chơi nhà, anh giải thích: “Giả dụ hôm nay tôi mời ông ấy ăn phở, y như rằng ngày hôm sau ông ta mời bằng được trả lại ngay, những người như vậy tôi thấy rất khó giao thiệp”.

ĐỌC THỬ

Đồng chí Hùng Vương

Tư hấp tấp chạy sang nhà chủ nhiệm Việt Minh Nông Văn Pảo. Vào một xóm lưa thưa mấy búi mai. Đồng chí Tư qua dưới nhà đồng chí Hùng Vương  [1]  , nghe tiếng trang thóc rào rào trên sân sàn, Tư ngẩng đầu gọi to:

– Kìa Hùng Vương!

Hùng Vương ngừng tay trang thóc, nhìn xuống. Hùng Vương, người nhễ nhại mồ hôi dưới ánh nắng hanh. Đôi vai trần và tảng ngực gồ lên trong múi thịt tròn, đỏ bóng. Hùng Vương lặng lẽ nhìn xuống, như nghĩ ngợi mà chưa tìm ra được một câu gì để nói. Đó là một cái thói quen trầm lặng chậm chạp vốn có.

Tư rửa chân, lên nhà. Hùng Vương ngồi xuống sân và hỏi:

– Mới ở đâu về đấy?

Tư sốt ruột, hỏi lại:

– Đồng chí biết Pháp tấn công lên chợ Phủ chưa?

– Biết.

– Chợ Phủ có kịp phá hoại không?

– Phá hết rồi.

– Bấy giờ từ chợ Phủ lên và trong toàn châu chuẩn bị như thế nào?

– Đương chuẩn bị cả.

Hùng Vương vòng tay lên đầu gối, ngước mắt lên nghe cán bộ Tư hỏi từng việc: Phá châu, phá đường cái chưa? Canh gác làm sao? Còn quân dân? Kế hoạch đối phó với tình thế mới cho các ban Việt Minh xã? Châu bộ khai hội chưa? Mỗi câu Tư hỏi, Hùng Vương lại huơ một tay qua đầu, trả lời:

– Không sợ. Chúng nó không thể làm gì được ta đâu.

– Đồng chí phải về châu ngay, triệu tập châu bộ thảo luận mấy ý kiến tôi đã đưa ra. Nhất là công tác phá hoại, phá đường, phá ngay không có không kịp.

– Thế thì tốt đấy. Tôi đi ngay được.

Hùng Vương gọi con đến. Thằng bé mắt đen láy, mới độ mười hai, mười ba tuổi. Cũng cởi trần và ngực cũng dô ra như bố. Hùng Vương dặn nó đổ nốt thóc ra sân phơi. Hùng Vương lấy cái áo sơ mi trắng cộc tay, mặc quần soóc vàng. Hùng Vương đội mũ trắng. Cái xắc cốt da bò quàng vào sườn bên vai trái. Con dao găm cắm trong bao da đeo sườn bên phải, cạnh túi quần sau. Hùng Vương bước xuống cầu thang thong thả, chắc chắn.

Hùng Vương rẽ sang đường cái lớn đi lên châu.

Năm năm trước, cán bộ Đức Xuân về khai hội bí mật, đặt bí danh cho các tiểu tổ nông dân, cũng bắt đầu từ ấy, Hứa Văn Nảo có tên bí mật là đồng chí Hùng Vương do Đức Xuân đặt cho. Đức Xuân nói: “Hùng Vương là tên ông tổ sinh ra các họ nước ta. Đặt bí danh thế cho suốt đời ta nhớ được tên ông tổ”. Đức Xuân ở đấy rồi về sau trúng kế của thằng phản động cai Mói, bị giết ở Hạ Vị, sau đó thì tiếng đồn cách mệnh đã về ở núi Cứu Quốc  [2]  nhiều lắm, thôi thì bọn châu Hồ, châu Quận, cai Mói ra sức lục lọi khắp các triền núi. Người ở các bản xung quanh bỏ hết rãy ruộng, ngày đêm phải khốn khổ đi tuần phòng, mò thám. Các làng Mán bị dồn xuống ở cả dưới chân núi. Chúng sợ các làng Mán nuôi cách mệnh ở trên núi. Nhưng cách mệnh vẫn ở trên núi được. Cho đến một hôm giữa năm 1941, có cuộc khủng bố to, tất cả dân các bản phía núi Tây Bắc, từ trẻ con, đàn bà đến người già mắt còn sáng, mỗi người phải đem dao đi mò các hang, các khe, các hốc đá từ dưới chân thung lũng lên tới đỉnh ngọn Píc Cáy. Hùng Vương và đồng chí Lâm Tuấn đã tìm cách vượt vây, từ đấy Hùng Vương bỏ vùng quê, bỏ nhà, thoát ly đi công tác bí mật. Đến khi đảo chính Nhật, bộ đội về giải phóng xã, làm chủ nhiệm Việt Minh xã. Sau tổng khởi nghĩa, Hùng Vương lên làm cán bộ Mặt Trận của châu.

Pháp đã lên tới chợ Phủ rồi. Các xóm bắt đầu làm vườn không nhà trống, lại như những năm chạy Nhật trước. Bà già, trẻ con đeo túi quần áo, chăn, màn, xanh, khiêng nồi, chảo tốt vào ở kín trong ngọn suối. Từng bu gà, bu vịt, gánh lợn cũng kĩu kịt. Làng xóm đi lặng lẽ, lạnh lẽo và bí mật. Nhưng ngoài đồng, tiếng đập lúa thình thịch vẫn đều đều. Những đệp thóc gặt rồi phơi vàng rượi trên các mỏm đá dọc bờ suối.

Tư ra ruộng tìm, thấy Pảo đương gặt. Tư bàn với Pảo: “Ta bàn với Việt Minh xã, với Ủy Ban về khai hội. Tình hình nóng lắm rồi”.

Pảo lên bờ ruộng nói:

– Việt Minh cả xã, chúng nó cũng sẽ thất bại thôi, đồng chí ạ.

– Thất bại là thế nào?

– Anh em bận gặt, phải gặt nhanh.

– Thế thì tối nay khai hội ban làng vậy.

Pảo gật đầu, lại bước xuống ruộng. Xung quanh cánh đồng người lặng lẽ, bình thản khuân từng bu gà, bu vịt, dồn lợn vào lán. Người vẫn tấp nập đập lúa, thản nhiên như chưa biết Pháp đã tới chợ Phủ.

Cuộc khai hội ban làng tối hôm ấy lại có cả chủ tịch kháng chiến và nhiều tổ trưởng các giới cứu quốc đến tham gia. Mười hai người ngồi vòng trước bếp lửa trước nhà. Chủ nhiệm Việt Minh Nông Văn Pảo kê một mảnh giấy bên cạnh đống củi bập bùng cháy, viết chương trình khai hội. Anh ngẫm nghĩ, đôi lông mày díu lại. Anh cúi xuống viết, rồi giơ giấy lên đọc: “Thưa các đồng chí, chương trình khai hội hôm nay có: lý do, bầu chủ tịch, thư ký, thảo luận công tác canh gác, giao thông, du kích, tiếp tế, công tác phá hoại, làm mít tinh giải thích cho xóm biết cách đề phòng Tây.”

Bắt đầu, bàn việc canh gác… Họp đến khuya mới xong. Mọi người chuyền nhau cái điếu cày, bàn tán về thuốc lào mấy hôm nay đắt giá. Tám mươi đồng một bánh mà không có người bán. Chuyện khuya rồi mọi người ngủ ngay trên mặt sàn bếp lửa.

Hôm sau, Tư ra hỏi kết quả khai hội. Hai dân quân đã vác súng kíp ngồi giữa đỉnh rồi. Buổi tối, Tư lại đến nhà Pảo. Bỗng nghe có tiếng súng xa ầm ì. Trời tối, Tư, Pảo và Eng, em trai Pảo, ra đứng ngoài sàn ngẩng đầu lên. Tiếng ầm ì từ ngoài chợ Phủ đưa lại. Thấy xa xa phía ngoài đường lằn lên một vạch sáng. Cách một quãng lại nổi từng hàng ánh sáng trắng như một sải vải mới. Pảo vào nhà, rít hơi thuốc, lại ra đứng, vừa thở khói, vừa hỏi:

– Ô tô của ta hay của nó, đồng chí Tư?

Tư khẽ đáp:

– Ta không có ô tô. Mà nhiều thế kia. Ô tô của nó rồi.

– Một cái, hai cái, ba cái, bốn cái, năm cái…

Đoàn xe ấy chạy, lằn sáng cứ tuôn mãi ra. Sáu cái, bảy cái, tám cái… Sương lạnh phả vào mặt Tư đương nóng bừng.

Tiếng Pảo nói:

– Ngày trước ô tô của Nhật nó cũng đi cả đêm thế này. Nó còn chạy bộ từng mấy trăm thằng nữa. Lúc nào bị ta phục kích thì nó nằm im hết. Thằng Nhật gan lắm. Nó ném một quả lựu đạn khói, mả mẹ nó, nó đã đứng vào khói và lưỡi lê trước mặt ta rồi.

– Mười bốn cái, mười lăm cái…

– Thằng Pháp này chắc là dát lắm. Cái năm mà Việt Minh xuống lập ban châu, quân cách mạng ta bảo nó cùng bắn thằng Việt gian châu quận, nó không dám bắn. Đến lúc ta bắn thì cả lũ lính, cả thằng đồn Tây Đờ-đông, Tây chủ mỏ cũng tái mét mặt. Pháp, thì như con cua. Thế là Tây hàng cách mạng hết rồi.

Câu nói ấy của Pảo làm cho Tư vừa bực mình, vừa buồn cười. Nhưng sự ung dung lạ lùng ấy thực tình khi cướp chính quyền tỉnh cũng làm cho Tư bình tĩnh trở lại từ lúc nhìn đoàn xe Pháp chạy qua núi.

Từ sau hôm đấy, ngày nào cũng có ô tô Pháp vù vù chạy ngoài đường cái. Dân làng đã vào các lán. Trâu bò đuổi hết lên rừng rồi. Có một lần mười lính Pháp mò vào làng. Nhưng không lấy được gì. Chúng nó đốt hai cái nhà.

Thế rồi một tháng qua. Pháp không thể xuyên chéo qua được tỉnh Bắc Cạn, chúng phải kéo về chợ Phủ, bỏ vị trí huyện Chợ Rã.

Ở Pá Pầu về, Tư đương lội suối, nom xa thấy đồng chí Hùng Vương. Xắc cốt da vẫn quàng cạnh sườn. Bao dao găm thò một tí đầu mẩu dưới thân áo sau lưng.

Hùng Vương đến bắt tay Tư, rồi nói:

– Tôi xin báo tin: Pháp đã rút khỏi châu Chợ Rã. Đồng chí đã biết chưa?

– Biết rồi.

– Mời đồng chí về nhà tôi. Tôi có vấn đề muốn thảo luận.

Cái máng nước nhà Hùng Vương lại lách rách chảy xuống chiếc bồn gỗ đầu thang. Trong nhà, bếp chưa đặt kiềng, bên buồng còn ngổn ngang ba, bốn túi đựng quần áo mới mang ở lán về. Thằng bé con Hùng Vương cởi trần, đắp chăn, đương ngủ ngon.

– Ta chưa nên cho người già, trẻ con và đem quần áo về nhà vội.

Hùng Vương cười, tìm chổi quét sàn, nói: “Tôi cũng chủ quan một tí đấy”.

Tư hỏi:

– Có việc gì thảo luận với tôi?

– Tôi có nhiều danh từ muốn hỏi đồng chí (Hùng Vương lấy sổ tay, bút máy trong xắc cốt), nhiều chữ mới lắm. “Lễ Nô-en”, “Nhân dân giải phóng quân Trung Hoa”, “tài phiệt Mỹ”, “kế hoạch Cờ-lô Cờ-lô”, “hội tề”. Từ hôm chị Bắc đi về khu, tôi có nhiều danh từ lắm mà không hỏi được ai.

Tiếng đại bác phía chợ Phủ vẫn dội lại. Nhưng, như không nghe tiếng, hai người vẫn ngồi, người nói, người ghi cắm cúi.

Rồi có đến mấy tháng, lâu không gặp Hùng Vương. Nhưng thỉnh thoảng Tư vẫn nhận được thư của Hùng Vương gửi về hỏi chữ. Biết Hùng Vương bận công tác ở xã mà vẫn chịu khó đọc chữ. Tư đọc thư, lần nào cũng trả lời ngay.

Thỉnh thoảng, đi qua nhà Hùng Vương, gặp thằng bé con, Tư hỏi:

–  Cá  (bố) có về không?

Nó đáp:

–  Cá  không về.

Một hôm, em bé đến tìm Tư, bảo:

–  Cá  đã về đấy.  Cá  bảo đồng chí ra chơi ăn cơm ngay.

Nhưng Tư bảo nó về trước. Tư đã thuộc cái tính rềnh ràng của mọi người ở đây. Quả nhiên, một lúc sau, Tư ra thấy mới chỉ có một mình bố Hùng Vương ở nhà. Ông ké nói:

– Hùng Vương còn đi đắp bờ ruộng.

Ngồi đợi một lúc mới thấy Hùng Vương lững thững về, quần xoe lên tận bẹn. Vai vác cái mai đắp bờ. Chiếc xắc cốt đựng tài liệu vẫn quàng bên trái sườn. Con dao găm cắm trong bao da đeo bên phải. Vợ Hùng Vương cũng vác mai, tay xách thêm giỏ ốc. Tư ra cầu thang, vừa cười vừa nói:

– Đi làm ruộng mà cũng đeo xắc cốt à?

– Quân sự hóa, đồng chí ạ. Bao nhiêu năm nay thế, nó thành tính rồi.

Vợ Hùng Vương nấu nồi canh ốc cả vỏ. Con bé chạy vào lán trong rừng lấy thêm bát. Trong khi ấy Hùng Vương cầm cái kéo ra sân sàn cạo đầu cho thằng con giai. Tiếng kéo kêu tách tách, Hùng Vương nói:

– Sang năm nay thằng này nó nhớn một tý, tôi cho nó đi theo đồng chí. Cho nó học tập, nó tiến bộ, về sau hơn tôi nhiều.

Một lát sau, vào mâm cơm, Hùng Vương mới thong thả nói:

– Đoàn thể vừa đổi tôi lên công tác trên Ngân Sơn, đồng chí ạ.

– Đi Ngân Sơn à? Bao giờ đi?

– Mai tôi cùng đi với Pảo. Pảo cũng công tác trên Ngân Sơn.

Ngân Sơn. Hai tháng nay Pháp chiếm Ngân Sơn, phá châu Ngân Sơn rất dữ, rất hại. Châu Ngân Sơn, toàn rừng thưa, núi đá, đồi trọc san sát liền nhau như bát úp, người đi đêm lúc nào cũng trông thấy bóng. Tây lên, làng không có chỗ làm lán bí mật, phải chạy sang các châu khác. Cán bộ thì cứ ngày nằm trong rừng, đêm về gặp dân. Ngân Sơn, đất bị khủng bố, đất đau thương. Cán bộ Hoàng, người Mán năm trước đã chết ở đấy. Cả cán bộ thượng cấp, đồng chí Mã Gầy  [3]  , cũng đã ngã xuống hy sinh ở Ngân Sơn. Trong vòng hai tháng nay, nhiều cán bộ đã hy sinh ở Ngân Sơn.

Hùng Vương nói:

– Tôi lên công tác Ngân Sơn, không gặp được anh Tư cũng là thiệt cho tôi, không học thêm được chữ mới.

Ăn xong, ông ké say rượu vào nằm trong phản nói mê một lúc rồi ngủ. Ba bố con Hùng Vương và Tư ngồi chơi trước sân sàn.

Hùng Vương dạy các con học hát. Hai đứa bé ngồi xếp bằng trước mặt bố.

Trăng mùng mười đã lên đứng trên đầu núi trong leo lẻo. Tiếng hai đứa trẻ thánh thót hát theo bố.

– Mai Hùng Vương đi lúc nào?

– Hùng Vương bừa sáng xong rồi mới đi. Lên Ngân Sơn phải đi đêm mà.

Sáng hôm sau, từ sớm, Hùng Vương với vợ và thằng bé đã ra ruộng. Ba con trâu, ba cái bừa răng gỗ, ba người đi bừa lại, quần vòng vèo trên mảnh ruộng nước hẹp, như trẻ con chơi rồng rắn đuổi nhau.

Rồi mỗi lần, nghe tin giặc khủng bố Ngân Sơn, Tư lại nhớ Hùng Vương và Pảo. Nghĩ đến những khi cùng nhau còn công tác ở dưới này. Không biết Hùng Vương đã trở lại Ngân Sơn chưa. Khuôn mặt vuông, chắc của Hùng Vương. Lặng lẽ, chậm nhưng bình tĩnh, bây giờ nghĩ lại, mới càng hiểu, càng nhớ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button