Văn học trong nước

Việt Nam Danh Tác: Chân Trời Cũ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hồ Dzếnh

Download sách Việt Nam Danh Tác: Chân Trời Cũ ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                                   

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Tập truyện này ra đời, tính năm đã được bốn. Nó ra đời và mang lại ngay cho tác giả một kết quả mầu nhiệm: hầu hết những nhân vật của cuốn sách đã “lên đường” về… chân trời cũ: chú Nhì, người anh Cả, thằng cháu đích tôn, chị đỏ Đương, cô em Dìn, và vài nhân vật phụ: bà mẹ ghẻ, em bé Thi. Mấy người sau này, hiện còn sống, nhưng tuổi già, sức khỏe và hoàn cảnh đã giục họ nghĩ đến cái giờ – để mượn một tiếng chuyên môn của Thiên Chúa giáo – giờ “sinh thì”: bà mẹ già thân yêu, người chị dâu Trung Quốc, ông anh Hai phóng lãng và… tác giả tập sách này.

Một người nữa, tuy không cùng họ đương, dòng giống, nhưng quan hệ mật thiết với tác giả về phương diện cảm tình, một linh hồn Việt Nam tế nhị, một nghệ sĩ trang trọng mà đơn sơ, hiện thân của tình yêu đất nước – nhà văn rất thuần túy, rất nhân đạo, Thạch Lam – người bạn đã đáng tiếc từ trần một tháng sau ngày tập đoản thiên này được xuất bản.

Và một người nữa, vẫn góp mặt trong thế giới hữu hình, một tình yêu cố hữu đi sóng đôi với ân nghĩa anh em đã hy sinh chút ít tiền của để cho in lần thứ nhất cuốn sách này, dầu biết rằng nó “không chạy như các món quà giải trí khác”.

Thêm một người nữa, mà định mệnh đã chọn hộ cho con đường chồng vợ theo luật cõi đòi, người con gái có đôi mắt đẹp như thơ, có quê hương mơ màng và xanh biếc, có tấm lòng thắm dịu, mở rộng như trang sách ái tình…

Tên hai người trên đây, không viết ra vì nhiều lẽ, và cái lẽ chính đáng nhất vẫn là niềm yên lặng đầy tiếng nói thầm.

Và còn những tâm hồn xa xôi và đẹp đẽ, những thương nhớ giải rộng như không gian, những tên có màu xanh hay lòng có nước mắt, sống giữa đô thành hay dưới trời thôn dã, những vương vấn ảo huyền mà chỉ nhà văn mới có toàn quyền đặc hưởng.

Ròng rã trong bốn năm, sống cái đời cô đơn và tịch mịch trong đó thoáng dệt đôi lúc những bóng nắng, hình mây, tôi đã nghĩ rất nhiều đến bao nhiêu linh hồn bạn mà hơi thở hòa vào hơi thở tôi, làm vui buồn những tư tưởng phù hoa do người đời mệnh danh là Nghệ thuật. Bốn năm! Hương sắc chưa mờ, từ ngày reo than lần đầu tiên những tiếng lòng ngây dại. Nước non, trong quãng thời gian đó, từng rung cảm những lớp Phế, Hưng, để ngày nay đi về một Mùa Xuân Trọng Đại.

Dưới bóng thiều quang của một năm ghi bằng nét vàng vào lịch sử cách mệnh người dân Việt, tôi dám tin tưởng rằng tập sách này tái sinh sẽ nói hộ lòng tôi được nhiều lắm. Bằng tình cảm, bằng tôn giáo, bằng tinh thần vĩnh viễn phương Đông, xứ Á châu quê hương của chúng ta, trong đó nổi lên hàng trên Việt Nam và Trung Quốc, sẽ tiến triển một cách mạnh mẽ hơn hết bao giờ. Và Nghệ thuật sẽ làm vinh hiển đời sống rồi đây sắp trở lại tươi tốt với loài người.

Bạn ạ, tôi là kẻ ít tin nhất rằng loài người đẻ ra đã sẵn cái tài trong óc. Cho nên, được mang danh là nhà văn, tôi thấy thẹn thùng biết mấy! Do những tình cờ của hoàn cảnh, xô xát với cõi đời, chúng ta, để gắng nói ra những nỗi lòng u kín, đã nghiêng về cuộc sống bên trong. Nhưng trên cả Tình và Tài, trên những vinh hạnh chói lòa nhiều khi rất không chân thật, một điểm sáng lấp lánh tự ngàn thu, một Triều Thiên mà thế kỷ nào cũng ước ao, thèm khát, đó là Tấm Lòng. Nhà thi sĩ Nguyễn Du đã nói, và câu của thi sĩ có thể dùng để kết thúc bài tự sự nhỏ này:

“Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI.”

ĐỌC THỬ

NGÀY GẶP GỠ

“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò…”

Ngày nhỏ, mỗi lần chán chúng bạn, tôi vẫn hay lại bên mẹ tôi, cầu khẩn người kể lại sự cưới xin giữa người và ba tôi, rồi để tôi đem thuật lại với hàng xóm. Tôi còn nhớ nơi mẹ tôi ngồi kể chuyện là một cái hè bằng đất nện trước nhà. Tự đó, tôi vừa nghe chuyện, vừa nhìn ánh nắng chiều nghiêng xế, và những bóng lá lung linh. Có khi đương giữa câu chuyện, tôi véo má mẹ tôi mà hỏi:

– Đố mẹ biết bao giờ đến Tết? Đố mẹ biết con được bao nhiêu tiền phong bao?

Mẹ tôi khẽ gỡ tay tôi ra, lặng lẽ nói tiếp, và lặng lẽ ru tôi ngủ mất lúc nào! Tuy nhiên, trong giấc mơ kỳ dị, tôi vẫn hình dung được cả đám cưới, chú rể là ba tôi, cô dâu là mẹ tôi và… tôi là người dự lễ! Dần dần tôi lớn lên. Qua mẩu đời sum họp của hai người sinh ra tôi, tôi nhận thấy một định mệnh khe khắt, một duyên phận tăm tối và buồn rầu. Vì thế, tôi được sự thật cho biết rằng phần nhiều, hay tất cả cũng được, những bà mẹ Việt Nam – tôi nói những bà mẹ đáng là mẹ – đều phải đau khổ ngay từ lúc lọt lòng. Mọi sự do “Trời” định, các tâm hồn đó chỉ biết vâng theo, một cách nhẫn nhục, một cách lặng lẽ, một cách chua xót vô cùng! Bao nhiêu thế kỷ rồi, những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hằng ngày, tầm thường và nhỏ mọn. Cuộc hôn nhân của mẹ tôi, đến nay, tôi mới thấm thía được hết cái đơn giản, mới biết suy ngẫm trước sự lễ nghi của nó.

Và đến ngày nay, tôi mới hiểu mẹ tôi hơn lúc nào hết, người con gái lái đò trên sông Ghép ngày xưa, người mẹ Việt Nam một cách dịu dàng và cao trọng…

Cách đây hơn năm mươi năm.

Một buổi chiều mùa hè vàng rực.

Trên bờ sông Ghép lặng lẽ của tỉnh Thanh Hóa, dân làng Ngọc Giáp bỗng thấy mọc lên bóng một người ngoại quốc, tay xách một gói vải xanh thay va li, và đầu chụp chiếc mũ rơm đã vàng ỏng. Người khách lạ có chiếc trán rất lạ: nó nhỏ nhưng nhô ra một cách bướng bỉnh. Nhất là đôi mắt, sắc như dao, bén như nước, nhìn vật gì thì như hút lấy vật ấy. Hai cái đặc điểm đó nhất định không được tạo bằng thủy thổ Việt Nam, mà là bằng tinh hoa của một dân tộc khác. Một vẻ gì xương xương, rắn rắn độn khắp mình người khách, biến cái thân thể thoạt trông thì gầy kia ra sự chịu đựng khó nhọc, ở đấy, một nghị lực bền vững tiềm tàng.

Khách mặc một bộ quần áo bằng lĩnh Quảng Đông, nguyên màu đen, nhưng sau khi trải nhiều phong trần, đã đổi sang màu xám kệch. Y phục ấy gợi được trong lòng người gặp, bao nhiêu là cảm giác thanh thú, hương vị xa xôi. Từ đằng xa, những gợn lụa phơ phất như những gợn gió trùng dương, và khi lại gần thì gió trùng dương lại chỉ toàn xông lên một mùi cá mặn!

Linh hồn Trung Quốc phát lộ ra trong từng bước đi, điệu đứng, trong sự trầm mặc, trông tìm, trong cả cách đưa năm đầu ngón tay có móng dài vẩn ghét lên gãi sồn sột chiếc đầu gần như húi trọc tếch.

Đêm về trong những bước nhẹ, hắt hiu bốc hơi lên mặt sông. Nắng tắt dần dần chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn của Giang Tây, Hồ Bắc, hoàng hôn ở đây ưu hoài như một chinh phụ nhớ chồng.

Và như một gã giang hồ chạnh lòng khóc nước.

Tuy nhiên, đôi mắt trong và sáng kia không hề vẩn bởi màu sắc thê lương, vẫn quắc lên nhìn những đợt sóng nhuyễn nhàng bò quanh mấy con thuyền ngái ngủ. Cử chỉ lạnh lẽo đó thật là trái hẳn với cảnh sông nước buồn rầu, cái cảnh tầm thường nhưng đã làm chuyển dời bao nhiêu cuộc đời ngang dọc.

Khách ngồi xuống vệ cỏ, không để ngắm cảnh chiều tang tóc, mà để tháo cái gói vải từ bao lâu vẫn đeo ở tay, lấy trong đó ra một gói cơm nắm. Rồi không dao, không đũa, khách bẻ ngoắt nửa nắm cơm, đưa lên miệng, trong khi mấy ngón tay lần gỡ từng miếng cá khô. Đôi lúc khách ngừng nhai, chép miệng cho thấm xuống đáy lòng cái hương vị đậm đà của bữa cơm lưu lạc.

Chỉ sau mười phút, không còn một miếng cơm, một khúc cá nào sót lại trên mảnh lá chuối héo. Tất cả lương thực đã ngọt ngào trôi qua cổ họng, đảo lộn trong cái dạ dày vô bệnh, để biến thành những dòng máu hùng cường luân lưu nuôi mạch sống, và nuôi lớn mãi cái chí nguyện giang hồ.

Ăn xong, khách xoa tay đứng dậy, bước xuống bến sông rửa mặt và vốc nước uống, rồi lại trở lên nằm, đầu gối trên bọc hành lý. Tất cả những công việc ấy như đã được ấn định theo một phương pháp, nên có mạch lạc và quy củ hẳn hoi. Khách nằm rất bình tĩnh, tay chân duỗi thẳng, mắt hướng lên không gian, tâm thần nhập định. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy loáng trên bụng khách một lưỡi dao nhọn như lá bùa hộ mệnh đặt ở đấy từ bao giờ.

Trời quang lấp lánh sao, hứa một đêm phẳng lặng. Gió sông lên đầy. Làng mạc, xa xa, chìm mờ trong bóng tối, đôi lúc để lọt ra vài tiếng chó sủa ma. Mấy điểm đèn hạt đậu run trên sông như những con mắt buồn từ kiếp trước. Bỗng, giữa khoảng triền miên rộng rãi, ngân đưa một điệu hát lơ lửng bay trên dòng nước, một điệu hát đò đưa, trầm trầm, lặng lẽ:

“Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền,

Muốn về bên ấy nhưng duyên lỡ rồi!”

Nhịp hát gần lại và xa đi theo chiếc thuyền nhỏ, cô độc, ảo não, trong sự tỏ bày kín đáo của một tấm lòng thương nhớ mênh mông.

Ở trên bờ sông bên này, người khách đã đứng dậy, tay nắm chuôi dao, mắt nhìn cái vệt lửa của chiếc thuyền đặt mờ trên mặt nước.

Thuyền hình như lại gần, vì sóng vỗ vào mạn đò mỗi lúc một mạnh. Và sau khi nhận đúng là một chiếc đò chở khách, người lữ hành của đất nước Trung Quốc hò lên:

– Tồ ui! (Đò ôi!)

Sông nước trả lời lại cái giọng kêu quái gở bằng một bóng vang lạnh lẽo. Tiếp đến tiếng từ dưới sông vọng lên, cái tiếng nhỏ nhẹ của một người con gái xứ Trung Bộ:

– Ai gọi đò?

Một phút yên lặng. Người khách lạ, khó nhọc lắm mới kiếm được câu trả lời:

– Ng… ộ… ộ! A “tui tây” (A tôi đây!)

Nói xong, khách xăm xăm bước xuống đò, trước vẻ ngạc nhiên vô cùng của thiếu nữ.

Đò quay mũi, thiếu nữ yên lặng chèo. Tiếng sóng khua, làm rộn vào lòng nàng một nỗi lo sợ kín đáo. Vừa chèo, nàng vừa liếc nhìn người khách lạ mà thoạt trông, nàng có cái cảm tưởng hãi hùng như gặp một tên giặc cướp Tàu Ô ghê gớm.

Đò đã ra giữa sông. Một làn gió thổi mạnh. Người khách lạ lúc này đã như rời bỏ những tư tưởng riêng, bắt đầu ngoảnh lên nhìn thiếu nữ. Đó là một cái nhìn rất lẹ, nhưng rất chắc, cái nhìn vẽ rõ ra một sự quyết định, khiến thiếu nữ bậm môi lại, và tuy trong bóng sao mờ mờ, e thẹn nhìn lảng ra ngoài xa… Một thoáng cười chạy qua môi khách, làm dịu hẳn vẻ hung tợn vừa rồi khiến thiếu nữ sợ hãi.

Là vì lần đầu tiên trong đời, nàng chịu cái nhìn sắc mắc đó. Nó không chú tìm ở người nàng những điểm đẹp đẽ, mà chỉ cốt khám phá những điều kiện cần thiết cho sự gây dựng hạnh phúc gia đình, sự vững bền của nòi giống. Và biết đâu, trong khi nghĩ đến những gương cần mẫn đã từng lấp lánh phản chiếu cái đẹp huyền bí, thần thánh của góc trời phương Đông, người lữ hành kia đã không quan niệm người đàn bà Việt Nam như đã quan niệm người đàn bà Trung Quốc?

Cho nên, dưới bóng sao đêm ấy, trên dòng sông khuya, người con gái Việt Nam đã che đôi má ửng hồng trước mặt người khách lạ và cùng lúc, không hiểu sao, nàng thấy ngậm ngùi chua xót…

– Nhà “nị” ở đâu?

Người con gái ngơ ngác một lúc lâu, rồi mới hỏi:

– Nị? Nị là gì? Tôi không hiểu.

Khách cũng ngẩn người trong vài phút mới tìm được cách cắt nghĩa:

– Nị là… nị! Là…

Một ngón tay, theo câu nói bỏ dở, chỉ thẳng vào thiếu nữ khiến nàng không nhịn được cười:

– A! Nị là cô?

Khách lộ vẻ sung sướng đột ngột, như người học trò không thuộc bài vừa được bạn nhắc:

– Cô ở đâu?

Thiếu nữ mỉm cười, đưa tay chỉ một cái xóm nhỏ gần đấy, nơi hắt hiu sáng vài chấm đèn dầu lạc loáng thoáng qua hàng rào tre thưa mỏng. Trong đêm, vẳng đưa tiếng chày giã gạo, đều đều rơi vào giữa sự tĩnh mịch, như kéo giãn những thời khắc buồn bã không bao giờ tàn.

Đò ghé bến.

Người khách toan đưa đồng xu cầm sẵn trong tay cho thiếu nữ, bỗng lại ngần ngại:

– Cho “tui” ngủ một đêm ở nhà cô nhé?

Thiếu nữ đặt con sào lên thành đò, ấp úng:

– Ông hỏi mẹ tôi ấy. Tôi không biết!

Nói đoạn nàng bước vội đi trước, nhưng đôi lúc chậm chân lại, vì biết người khách đương rảo theo.

Đến một cái ngõ tre, thiếu nữ cất tiếng gọi:

– Mẹ này, có ông khách “Tàu” xin ngủ trọ.

Một bà cụ trạc năm mươi tuổi, tay cầm chiếc đèn con, từ trong nhà đi ra:

– Ai? Ai mà trọ với ngủ?

Người khách lạ cúi đầu chào bà cụ một cách kính cẩn. Bà cụ đáp lễ xong, quay lại bảo người con gái:

– Con xem dọn nhà trên, rồi nhường cái giường cho ông ấy nằm.

Bà cụ nói vừa dứt, cô gái đã vùng chạy vào bóng tối, đem theo cái mặt chắc là phải đỏ hơn ban nãy nhiều.

Trong khi ngồi tiếp chuyện khách, bà cụ thành thực hỏi:

– “Chú” đã xơi cơm chưa, để tôi bảo cháu nó nấu?

“Chú” khách cũng thành thực trả lời:

– “Tui” ăn cơm rồi. Tui ăn ở ngoài bờ sông!

Câu trả lời tự nhiên và ngờ nghệch đó khiến bà cụ mỉm cười và khiến cô gái đương ngồi đun nước gần đấy cũng sặc cười theo.

Nhìn cả hai miệng cười cùng một lúc, người khách ngơ ngác đưa mắt liếc hai bà con chủ nhà:

– Cười? Cười “tui”?

Bà cụ đỡ lời:

– À, cháu nó thấy ông lạ.

Đêm ấy, là đêm đầu tiên trong cuộc đời giang hồ, người lữ khách đặt lưng trên chiếc giường tre ẽo ợt, giữa những tiếng và hình ảnh khác hẳn với những cái quen biết ở quê hương.

Mái nhà tranh lợp sơ sài, để chảy xuống mặt khách một dòng ánh trăng hạ tuần, và ngừng lại ở đấy thành những đồng hào mới long lanh.

Gió thổi trong vườn cau, xào xạc.

Tịch mịch dễ làm đuối lòng người. Lữ khách, lúc này, đã thấy chết chí phiêu lưu, bôn tẩu, để cảm khái trong sự thương nhớ, trong giây phút chạnh lòng tưởng đến một mảnh đất xa xôi…

Lữ khách ngạc nhiên ghé tai vào sự yên lặng, cái yên lặng mênh mông và u uất không bị phá bởi một tiếng súng bắn cướp nào như ở quê hương.

Mấy tiếng tù và khuya rúc lên, mơ màng bay vào gian nhà vắng. Lắng biết mọi người đã ngủ yên cả, vị thần tử của giang sơn Trung Quốc, vắt chân chữ ngũ, khe khẽ ngâm một bài thơ cổ, qua nỗi xúc động đột nhiên tụ lại trong lòng người:

“Uỵt loọc, vú thày, sướng mán thín,

Coóng phống, dì phổ, tui sàu mìn,

Cú cháu sèng ngồi Hồn Sán sì,

Dề pun, chống séng tâu hác sin.”

(Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,

Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên,

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền…)

Ngay lúc ấy, từ gian buồng bên nổi lên mấy tiếng gì như chuột rúc. Lữ khách, thấy đứt mạch cảm hứng, càu nhàu trong bóng tối:

– Cẩm tố sỉ a! Tỉu a má! (Lắm chuột thế!…)

Nhưng đó không phải là tiếng chuột rúc. Đó là tiếng người con gái chở đò ban tối cười qua hai làn môi kín đáo khép lại.

NGƯỜI CHỊ DÂU TÔI

Dòng máu Trung Hoa thấm đến ba anh em chúng tôi thì không còn được nguyên chất nữa.

Người lo đến cái ngày lạc giống nhất, có lẽ là ba tôi. Triết lý qua làn khói thuốc phiện, chén nước chè tàu, ba tôi thường bảo:

– Thế nào một trong ba đứa cũng phải cho về Tàu mới được!

Công việc gây lại nòi giống Trung Hoa thiêng liêng được anh tôi đảm nhận bằng cách cưới, sau bốn năm trời nghiên bút, một người vợ đặc Tàu. Cái hỉ tín ấy bắn từ bên kia trùng dương sang khiến ba tôi vuốt râu cười khoái chí, trong khi mẹ tôi có vẻ không bằng lòng. Rồi, mặc dầu sự phản đối nhỏ nhặt của một người đàn bà phương Đông yếu đuối, chị dâu tôi đã ở dưới cái nóc nhà thân mật với chúng tôi, cái nóc nhà sau này đã chứng kiến những ngày buồn thảm của đời chị, mà tôi muốn tả ra đây bằng một nét bút chí thành.

Hỡi chị! Nếu số phận đã bắt chị vào làm dâu một gia đình cơ khổ, làm vợ một người chồng không bằng người, làm một người đàn bà lưu lạc, chị hãy nhận ở đây, trong mấy dòng chữ này, một lời an ủi, để may ra lòng đau khổ của chị được san sẻ một vài phần.

– Ừ, rồi tha hồ mà vui. Chốc nữa chị dâu mày sắp về đấy!

Mẹ tôi bỏ rá gạo vo xong xuống miệng chum, nhìn tôi và cười một vẻ mai mỉa. Từ hôm nhận được tin anh tôi cưới vợ, mẹ tôi đâm ra buồn rượi suốt ngày. Là vì mẹ tôi đã có định kiến sẵn về cuộc hôn nhân của anh tôi, và người con dâu của mẹ tôi phải là người biết gồng gánh, biết chịu khó xay lúa, giã gạo, cáng đáng mọi việc trong nhà. Tôi còn nhớ hôm cầm đến ảnh anh chị tôi, mẹ tôi thở dài:

– Cái ngữ này rồi lại chỉ sõng xác ra là hết!

Tôi nhỏ nên vẫn dễ tưởng tượng. Tôi tưởng tượng chị dâu tôi là một thiếu phụ sang trọng, đẹp đẽ, bó chân và chuốt bím bằng dầu thơm. Năm sáu lần, cầm bức ảnh chụp từ bên Tàu gửi sang, tôi sung sướng vì sắp được làm em một người đàn bà Tàu quý phái, yêu tôi và cho tôi nhiều tiền. Mà chị dâu tôi đẹp thật, nói là yểu điệu thì đúng hơn.

Đôi má hồng luôn, và cặp mắt ngơ ngác như vừa qua cái thảm cảnh của phân ly, chị tôi nhìn chúng tôi, thằng nhớn dắt tay thằng nhỏ, ngó chăm chú cái con người bắt đầu đến làm thân với hơi bàn ghế trong nhà. Mẹ tôi lúc ấy không có ở đấy. Chỉ có mình ba tôi yếu đuối ngồi trên sập gụ mỉm cười. Tôi đánh bạo sán lại gần chị. Chị vui vẻ vuốt tóc tôi, và dúi vào tay tôi hai hào chỉ. Tôi càng mến chị tôi hơn lên, quấn quýt bên chị suốt ngày. Hình như chị dâu tôi sống giữa sự lãnh đạm của mọi người, trừ anh Cả tôi – chồng chị – và tôi, những người đem lại cho chị một phần lớn tình lưu luyến của gia đình.

Thậm chí đến anh Hai tôi cũng thường bảo tôi:

– Mày cứ sán lại gần chị ấy, mẹ ghét lắm đấy!

Mỗi lần anh tôi mắng, tôi thường đem những đồng hào mới tinh ra khoe:

– Này, anh xem, chị ấy tốt lắm kia!

Chị dâu tôi sống trong sự bỡ ngỡ có đến ngót hai tháng. Một hôm đi học về, tôi ngạc nhiên thấy chị đương xay lúa, thở hổn hển, và luôn luôn đưa khăn mặt lên lau trán. Tôi chạy ngay xuống nhà bếp, giận dỗi hỏi mẹ tôi:

– Sao mẹ bắt chị Cả xay lúa thế? Chị Cả có quen làm những công việc ấy đâu!

Mẹ tôi trừng mắt:

– Không quen thì không làm à? Tao mua con dâu về có phải để mà thờ đâu!

Tôi ức quá, toan cãi, nhưng nghĩ đến ngọn roi mây, lại thôi. Mẹ tôi, nói đúng ra, không phải là người ác. Sự cần cù có từ khi lấy ba tôi, và cái thành kiến xấu xa về mẹ chồng, con dâu nuôi ngấm ngầm trong những đầu óc bảo thủ, là hai cớ chính xui mẹ tôi khinh ghét những kẻ không quen làm.

Thông minh, chị dâu tôi dần dần làm được hết mọi việc. Từ chiếc áo dài hoa, đôi giày nhiễu, chị tôi đã nhũn nhặn đổi sang bộ quần áo màu chàm thẫm, đôi dép da trâu mà chị tôi không bao giờ rời ra nữa. Cực khổ nhất là mấy tháng đầu, khi chị tôi chưa nói thạo tiếng Việt Nam. Nhớ đến sự cực khổ ấy, có lần chị tôi đã nhắc lại:

– Thà cứ câm đi mà hơn, chú ạ.

Nhà tôi là nhà nghèo, cơm thường ghế khoai cho đỡ gạo. Trừ tôi là được ăn cơm trắng. Nấu niêu cơm ngon lành mà tôi thường ăn hết ấy, tai hại! lại là công việc của chị tôi, một người đàn bà Tàu xưa nay chỉ quen sống trong cảnh đài các. Một hôm, ăn quá no, tôi bảo đùa chị:

– Chị ăn hộ cả cơm cho em nhé!

Chị tôi ăn thật, ăn ngon lành, nhưng với một vẻ sợ hãi làm tôi đoán ra là lâu nay chị thường thèm những bữa cơm gạo trắng lắm. Từ đấy, tôi thường kín đáo dành lại trong nồi một hai bát, và bao giờ, bao giờ, chị dâu tôi cũng nể lòng ăn hết!

Chị tôi hay khóc lắm, khóc rưng rức suốt ngày. Chị thường bảo tôi bằng một giọng lơ lớ:

– Mẹ hay mắng lắm, em ạ!

Tôi còn nhỏ, không biết can gián, yên ủi thế nào cho khéo, ngoài cách khóc theo với chị tôi. Tôi hiểu biết người đàn bà ấy lắm, người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt mẳn xuống nong, trong khi trời chiều từng giọt hoàng hôn xuống tóc. Trông chị ngồi tẩn mẩn làm những công việc hằng ngày mà có lẽ xưa kia, chị không bao giờ ngờ sẽ phải dúng tay tới, tôi thấy tâm hồn xúc động, bâng khuâng… Tôi nghĩ đến cái tổ quốc Trung Hoa với những manh áo chàm giang hồ khắp tứ xứ, cái tổ quốc mà tôi chưa từng biết bao giờ!

– Tối rồi, em ạ, thắp đèn mà học đi!

Ô hay! Sao lúc viết mấy dòng chữ này, tôi còn thấy như một niềm bối rối, gió tối bận bịu trong chùm tre, một chấm lửa lung lay châm loe vào bóng đêm bất tận! Tôi chăm chỉ ngồi học dưới ánh đèn lúc ấy, nhưng lúc này, quay nhìn lại cái dĩ vãng không vui vẻ, tôi rùng mình thấy hiện ra trên cái gì xa xôi, một váng vất buồn rầu, tang chế.

Người chị dâu tôi… Người chị dâu tôi…

Tôi là người biết cảm sầu rất sớm, nên người đàn bà lìa quê hương ấy đã là cái đề cho tôi khóc bằng thơ để làm ố hoen cả một buổi bình minh đáng lẽ rất tươi đẹp.

Hai năm sau khi chị dâu tôi sinh thằng cháu đầu lòng, thì ba tôi mất. Cái vận mệnh nhà tôi thâm lại với những gót chân của ba thằng con mất bố. Mẹ tôi yếu, gia đình sa sút thêm. Chỉ còn mình tôi là được đi học. Chị dâu tôi phải về ở nhà quê làm việc. Ngày đưa chân cả nhà tôi ra ga để lìa bỏ cái tỉnh thành bạc bẽo, tôi sụt sùi bảo chị dâu tôi:

– Chị về chịu khó hầu mẹ nhé. Đến Tết em về, em mua nhiều bánh cho cháu.

Chị tôi gật, ứa nước mắt.

Từ đấy cứ tuần tuần, tôi gửi về một bức thư, phần nhiều là thư khuyên mẹ tôi ăn ở rộng lượng với mọi người trong nhà. Làm như thế, tôi mong mỏi sẽ vợi được ở lòng người chị dâu đau khổ của tôi những nỗi buồn rầu khi xa đất nước…

Mỗi một dịp được nghỉ về nhà, với tôi hồi ấy, là sự giải thoát cái ngục tù thành phố, nơi tôi chỉ mơ màng thấy hình bóng một người đàn bà Tàu đau khổ. Tội nghiệp, những lúc trông thấy mặt tôi, chị dâu tôi cứ đứng ngây người ra, vì sự cảm động đã làm cạn hết lời nói. Tôi giấu mẹ tôi những thức quà biếu chị, có lúc là chai dầu thơm, có khi là vài thước lụa. Chị tôi thường phàn nàn:

– Chú tử tế với chị quá. Chị chả biết biếu chú gì được bây giờ.

Có, chị ạ, chị đã biếu em một thứ quà quý nhất, một tấm lòng thương người, một chân tình xứng đáng. Và bây giờ đây, trong cái linh hồn thơ pha lệ bị vùi sâu giữa cát bụi của đời, vẫn còn sáng mãi những cảm tình chân thật buổi đầu.

Thường thường, chị kể chuyện cho tôi nghe:

– Chú ạ, ngày xưa chị sung sướng lắm kia. Chị là con một trong gia đình quý phái, cũng được nuông chiều như chú bây giờ, có phần hơn thế nữa.

Nói xong, chị tôi lại khóc. Chị tôi chỉ biết khóc. Những bữa cơm khoai, những ngày lam lũ đã làm chị chạnh nhớ đến cảnh sum họp năm nào.

Thời hạn nghỉ của nhà trường rất ngắn, nên thường thường tôi chỉ ở nhà được ba hôm là cùng. Mỗi lần lên tỉnh, chị tôi hay cho tôi tiền, hoặc bỏ giấu vào túi áo, hoặc nhét dưới đáy va li, và dặn quen miệng:

– Chú chăm mà học, rồi về dạy cháu.

Anh Cả tôi vì sự làm ăn ở tỉnh, chỉ có thể về quê thăm nhà mỗi năm vào dịp Tết. Vắng hai người thân ái nhất, chị tôi trở lại sống buồn bã như ngày mới về nhà chồng. Tiếng xay lúa ồ ồ nhiều lúc đến tận hai giờ sáng như những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người.

Hai năm sau, chị dâu tôi hoàn toàn thành một người đàn bà quê Việt Nam đặc. Trên cánh đồng rộng rãi của làng Đông Bích, người ta thường thấy một dải áo chàm in bật trên nền trời mỗi sáng, chăm chỉ và lặng lẽ như dấu hiệu một cuộc sống vâng lời ngu muội.

Chị dâu tôi đã khác với ngày trước lắm rồi. Ba năm đôi, mấy đứa cháu tôi thi nhau ra đời, thi nhau sống một cách cơ cực, và thi nhau kết thêm một ít dây liên lạc trói buộc chặt chẽ người mẹ chúng nó với cái đất nước này.

Người đàn bà ấy đã thôi không bao giờ còn dám hy vọng trở về quê hương nữa.

Tôi ra đời, xếp sách vở lại, mang vào trong bụi bặm cái hình bóng một người chị dâu lam lũ, nghèo hèn, chút chân tình nhận được khi trái tim tôi chưa biết đập một tiếng giả dối nào.

Sáu năm rồi, tôi cố nhắm mắt xóa cái vết đen mò của dĩ vãng, và xóa luôn cả những kỷ niệm buổi đầu.

Vài ba lá thư mỏng mảnh thỉnh thoảng rơi vào trong cái tẻ lạnh của đời tôi, đem lại nỗi nhớ nhung còn hơi vấn vương ở góc trời cũ. Mẹ tôi bây giờ đã già, ngót bảy mươi tuổi. Chị tôi thêm được mấy cháu, đôi mắt lâu ngày tôi chưa gặp, chắc cũng mờ dần dần…

Tôi đi con đường tôi, đem châu báu của lòng ném hết vào những cuộc tình duyên vô vọng. Tôi hao phí Thanh Xuân đi để chóng thấy cái ngày già sắp tới, để tự phụ là mình biết sống đúng theo linh hồn.

Trên cái bao lơn của năm tháng cũ, chị dâu tôi vẫn đứng, buồn bã với manh áo màu chàm cũ, mắt nhìn từ quãng trời xa về, bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật.

Chỉ có tôi là sống ích kỷ, còn người mẹ già, người chị dâu đau khổ, mấy đứa cháu rách rưới vẫn sống theo khuôn phép, lặng lẽ và cần cù.

Sáu năm! Tôi xa quê hương sáu năm rồi mà không một lần nào nghĩ đến chuyện trở lại. Cái sức khỏe yếu ớt của mẹ tôi còn đứng được hay không, tôi không biết, và người chị dâu lưu lạc của tôi, có nói dối mấy đi nữa, chắc cũng đã quá chiều, xế bóng rồi…

Tháng Tư, 1936

CON NGỰA TRẮNG CỦA BA TÔI

Ba tôi lúc mới đặt chân lên cõi đất này thì vốn liếng không ngoài mấy đồng bạc. Cũng được đúc theo khuôn khổ kiên nhẫn và cần kiệm như bao nhiêu bạn đồng bang khác, ba tôi hơn họ ở chỗ sớm biết tìm học chữ Pháp.

Tôi biết không được tường tận lắm về sức học của ba tôi, bởi tôi sinh ra quá chậm và khi cái tuổi lên chín bắt đầu mở hai con mắt ngờ nghệch của tôi ra chung quanh, thì ba tôi mất. Ba tôi thụ bệnh đau xương trong một khu rừng ở Thanh Hóa, sau bốn mươi năm trời lăn lộn, gian nan, và mất đi, một buổi sáng, lúc tôi còn bận gỡ nốt một đoạn dây thả diều. Tôi nhận cái hung tin ấy với một tấm lòng bình tĩnh vô hạn, vì tôi chưa từng được chứng kiến một cuộc ly tán nào xảy ra trong gia đình tôi, từ ngày tôi cất tiếng khóc.

Hôm ấy, người vú già bảo tôi:

– Ông “già” rồi cậu ạ.

Tôi không hiểu nên đáp trơn tru:

– Không già mà lại có râu!

– Không, già là mất, là chết kia.

Tôi vẫn nhìn vú, bình thản:

– Thế mất thì phải làm thế nào, u?

– Cậu phải chít khăn trắng, phải chống gậy, phải khóc nữa.

Tôi không hiểu làm sao lại có thể khóc được. Khóc được với tôi, chỉ có khi nào bị đánh. Tôi lo lắng tìm cách để khóc, khóc cho nhiều như mẹ tôi trong những ngày giỗ chẳng hạn. Tôi đem duyên cớ sự lo lắng nói với một người bạn nhỏ, thì hắn bảo rằng thế nào tôi cũng khóc được, vì “ngày xưa”, hắn cũng đã khóc được một lần như thế rồi. Chúng tôi đem chuyện đám ma ra bàn với nhau, và cuối cùng, cả hai đều thấy có những ý nghĩ vui vui cả. Nó tưởng đến sự được mặc áo mới, chít khăn mới, còn tôi tưởng đến những bữa cỗ bày ra để mời mọc xóm giềng.

Hồi ấy, chúng tôi chưa sống văn minh như bây giờ, để có được một tấm lòng tám chín tuổi đã biết suy nghĩ hay thao thức. Chúng tôi sống bình yên với cảnh đời thay đổi, chưa từng để ý đến sự cảm xúc bâng khuâng gợi lên bởi một mảnh áo, hay một tấm lá. Cái vui của chúng tôi là cái vui của con diều lên gió, và cái nhớ viển vông chỉ có thể hơi làm buồn được những lúc vắng nhà.

Vậy, tôi đã đợi ngày rước linh cữu ba tôi về – ba tôi mất ở trong nhà thương – với những ý nghĩ hoàn toàn ngây dại như trên.

Tôi chỉ nhớ rõ một buổi sáng năm ấy, nhưng không biết về mùa nào, mới sáng tinh sương, tôi đã bị đập dậy bởi những tiếng kêu hoảng hốt của người vú già:

– Cậu! Cậu dậy mau! Về đến nơi rồi!

Đoạn vú cõng tôi một mạch chạy ra cổng làng. Khi chúng tôi đến nơi thì đã thấy hiện ra một đám người trắng lồ lộ. Ảnh ba tôi được phủ lụa điều, được bốn người khiêng lên như kiệu, và theo sau cái bài vị son đỏ, mẹ tôi và anh tôi đi đếm từng bước. Tiếng khóc mà tôi lo lắng từ mấy ngày nay không biết làm sao cho có, thì lúc này tự nhiên bật ra, khi tôi thấy cái gì không còn nữa trong cái gì đương còn trước mắt tôi.

Đó là những tiếng khóc lần đầu tiên tôi biết, tiếng khóc sau này, khi tắt đi, còn vẳng lại một điệu thở dài chua xót trên ngày tháng bơ vơ của tôi. Mẹ tôi thấy tôi thì bù lu, bù loa lên, bế xốc lấy tôi, và đôi lúc dừng lại để xịt mũi hay lau nước mắt.

Tôi nhận thấy mấy cây cột nhà đứng bơ vơ hơn trước, bóng tối mau chiếm lấy sân và lòng tôi hay nhớ thương, ngao ngán.

Ở trong cái lạnh lẽo bốc lên trước lúc gà vịt nhảy chuồng, bốn ngọn nến cùng nháy mắt trên chiếc bàn thờ mới dựng, thay chỗ cho nơi kê bàn đèn thuốc phiện ngày xưa. Tôi bắt đầu sợ bóng tối, rùng mình tưởng rằng ở đâu đây, vẫn còn rè rè những tiếng dọc tẩu kéo ngày xưa.

Một tình thương mất đi, vừa khơi lũng xuống tháng ngày tôi sống.

Như trên kia tôi đã nói, tôi biết ba tôi quá chậm. Bảy năm một, ba anh em chúng tôi thi nhau ra đời, tài trí và tính tình khác nhau xa quá. Khi tôi bập bẹ biết nói thì anh Cả tôi đã trưởng thành, và anh Hai tôi cũng bắt đầu giật sợi dây diều xuống cùng với cái tuổi bay lượn của anh để vào trường. Tôi lớn lên giữa sự chiều chuộng, nưng niu của một gia đình có thể kể vào bực khá. Tôi là một đứa bé đầy nước mắt, và cái thân hình gầy gò được dễ dàng uốn xuống trên sự hèn yếu, do đấy, tôi thành ra tôi ngày nay.

Thoạt đầu ba tôi làm thông ngôn cho một viên chức nhà Đoan, rồi sau xoay ra lập một ty muối. Dần dần, vì công việc phát đạt, ba tôi mở đồn điền buôn gỗ. Những cuộc kinh doanh, hồi ấy, tóe ra tiền, nảy ra bạc, nhờ ở cái thời mà mọi người chưa bị ngạt thở về sinh kế như bây giờ.

Tôi không hiểu rằng ba tôi đã học chữ Pháp với ai, bằng cách nào, vì một người Tàu chưa nói sõi tiếng Việt Nam đã “thạo” cái tiếng ngoại quốc ấy, kể cũng kỳ!

Đó là một sự hân hạnh lớn lao cho nhà tôi. Công nghiệp của ba tôi xưa, thường được mẹ tôi kính cẩn thuật lại, có khi đương thuật, người đưa mắt nhìn lên bàn thờ ba tôi… Ngày nhỏ, mỗi lần chạy chơi đâu về, tôi thường lò mò lên gác, nằm yên lặng bên cạnh khay đèn, mũi hít từng hơi dài làn khói xanh thơm phưng phức, như khi chạy ra đường cái đón lấy cái mùi “ét xăng” dễ chịu tỏa lại sau chiếc ô tô. Tôi tò mò đưa mắt ngắm mấy quyển sách chữ Pháp đặt cạnh đấy, mà ba tôi ít khi rời ra.

Ngoài cái sung sướng, hãnh diện có một người cha khác thường, thỉnh thoảng một vài cái xe ngựa đỗ lại ngoài cổng, đem đến nhà tôi những người ngoại quốc lại làm tôi nghĩ ngợi về cái gia thế hẳn không phải là tầm thường của chúng tôi. Tôi thấy ba tôi nói chuyện với họ một cách dễ dãi quá. Người luôn luôn gật đầu, mỉm cười, khiến tôi nghĩ đến sự dồi dào chữ nghĩa ở bên trong chiếc trán rộng mênh mang! Thường thường, những buổi đàm luận rất thân mật kia đều được hết bởi một bữa tiệc có bánh “bích quy” và “sâm banh”. Hồi ấy, mái tóc tôi thường được xoa bù lên dưới mấy cái bàn tay hùng vĩ và tôi sung sướng đoán qua những tiếng gió xì xào bao nhiêu là lời khen tặng.

Tôi thường hỏi anh tôi:

– Ba học ở đâu mà giỏi thế anh?

Anh tôi vênh mặt lên:

– Mày tưởng ba vừa chắc? Ba giỏi gấp trăm tao kia!

Chắc chắn là ba tôi phải giỏi, không còn ngờ gì nữa. Cái người Tàu ấy đã có thể vào làng Tây được rồi. Nhưng tôi còn muốn biết thêm nữa, tôi muốn biết về mấy quyển sách đẹp đẽ mà ba tôi hay đặt lên ngực, khi mắt người lim dim, môi người mấp máy!

Nghe tôi hỏi thêm, anh tôi gắt với một vẻ tự phụ:

– Lăng-ga făng-se, đích-son-ne, hỏi mãi!

Nhưng những sự dẫn giải ấy không gạch được vào óc tôi một nét sáng gì cả. Tôi đành phục ba tôi vậy. Cái con người kỳ lạ ấy là cả một sự khó hiểu với tôi, khó hiểu như cái ngôn ngữ xa lạ kia không biết nhờ ở một phép bí truyền gì, lại có thể kết được ý nghĩ trên đôi môi chỉ quen mấp máy thứ tiếng phương Đông.

Sau này, đem chuyện ba tôi ra khoe với các bạn cùng lớp, tôi bị họ chế giễu:

– Ba mày có nói tiếng Tây… giả cầy!

Mặc dầu, tôi vẫn tin ở tài trí của ba tôi, vì hằng ngày những bạn ngoại quốc vẫn đến, vẫn vui vẻ nói chuyện và vẫn vui vẻ ra về.

Hai năm sau đấy, một chuyện phi thường vụt xảy ra trong gia đình tôi: anh Hai tôi đậu bằng cơ thủy Pháp-Việt. Đậu được cái bằng cơ thủy, vào hồi ấy, người ta có thể được bổ dụng ngay rồi. Anh tôi về nhà, tay xun xoe đốt một bánh pháo tép, đá vào đít tôi một cái, rồi nhảy thót lên gác báo tin mừng cho ba tôi. Thực là long trọng! Thực là vui mừng! Mấy người Pháp ngồi cạnh đấy rối rít xoa đầu anh, xì xồ nói những gì làm anh đỏ mặt. Tự nhiên tôi cảm thấy hổ thẹn, ghen tị khi tôi thấy anh sung sướng chạy nhảy khắp nhà.

Tôi bảo anh tôi:

– Anh cũng không giỏi bằng ba đâu. Ba sắp mua cho em cái xe đạp ba bánh kia!

Anh tôi quay lại:

– Ừ thì mày có xe đạp ba bánh. Tao có tiền đây này.

Đoạn anh dằn lên nền gạch cho tôi nghe tiếng kêu “coong coong” của đồng bạc mới long lanh. Tức quá, tôi chạy lại bên ba tôi, khóc tấm tức:

– Bắt đền ba đấy. Ba không cho con tiền, ba cho anh Hai.

Ba tôi bế tôi vào lòng, rồi móc túi cho mấy đồng hào con mới tinh.

Tôi nhỏ ở cái tuổi sung sướng và trưởng thành trong cái bắt đầu khổ của cuộc đời. Cái cơ nghiệp to tát của ba tôi, những người nối nghiệp là mẹ tôi và dì ghẻ tôi không giữ vững nổi. Chúng tôi sớm bị đuổi ra khỏi cuộc đời sung túc; cái bóng người mẹ già yếu đuối, và ba tấm lòng mồ côi là chúng tôi thực đã thấy rơi hoàn toàn cả một buổi chiều đời buồn bã. Có đặt tai lên dĩ vãng, chúng tôi cũng chỉ nghe thấy sự hờn trách ở bên kia nấm mồ, nơi nương giữ lấy nắm xương tàn của một người không bao giờ trở lại.

Tôi nhớ từng mảnh sân, từng hòn ngói, từng chuồng chim, rành rọt như một con chiên xét lại tội lỗi mình trước Chúa. Nếu ba tôi sống lại, nếu người được thấy chúng tôi, thằng lớn chạy từng bữa cơm nuôi vợ con, thằng nhỏ đi những bước đường điên dại, bất chấp lề luật trong đời, thì cái ngao ngán, thất vọng của người sẽ đến bực nào!

Cái làm tôi nhớ nhất, và tôi không hiểu tại sao lại nhớ đến thế, là con ngựa kim hoa trắng của ba tôi.

Những buổi trưa hè oi ả, mệt nhọc mang ba tôi từ những cánh rừng xa về, nó vui mừng hí lên khi nhận thấy cái mái nhà thân thiết, trên đấy đậu mấy con chim bồ câu. Chân nó đập lên những lối đi quen biết, mồm nó ngoạm những cây cỏ ngon lành. Tôi chạy ra đón ba tôi và thường thường người giao cương cho tôi cột nó lại. Dưới cánh những con muỗi bay vo ve, nắng hoa xôn xao, da nó động đậy, mỡ mượt trong một vẻ đẹp đẽ oai nghiêm riêng. Rồi những buổi trưa không còn có trong đời tôi nữa, tôi theo người nhà dắt nó đi tắm, đánh nó bơi qua sông. Tôi sung sướng cười vang trên mặt nước lòa nắng, cưỡi trên mình con ngựa kim hoa mà tiếng hí quen quen, tôi chắc đã lâu ngày rồi, không còn rên qua cánh đồng ngập cỏ nữa.

Bây giờ đời tôi chỉ còn lại những trời quạnh vắng, những buổi trưa đột nhiên khởi một tiếng gà gáy lạ lùng. Tôi thoáng thấy bóng người cưỡi ngựa về sau hàng rào, đi ngược lại thời gian, run run như chỉ đợi một hơi gió mơ hồ là biến mất.

Mẹ tôi bán dần dần nhà cửa, ruộng vườn để giả nợ, và cả con ngựa trắng cũng bị đổi lấy tám mươi đồng. Hôm mẹ tôi định bán nó đi, tôi thấy lòng buồn vô hạn. Tôi không mấy lúc rời cái buồng nhốt nó ra nữa, lưu luyến như đứa trẻ con bị đuổi khỏi căn nhà cũ, còn tiếc rẻ những chốn ăn nằm, đồ đạc quen thân. Tôi cầm một nắm cỏ đút vào mồm con ngựa trắng, vỗ vào mớ lông bờm trắng toát của nó. Từ ngày ba tôi mất đi, nó gầy gò thiểu não, mắt nó ướt và có ghèn, thỉnh thoảng cất tiếng hí không nhất định, mà tiếng hí mới buồn thảm làm sao!

Hôm người mua đến dẫn nó đi, tôi khóc bảo mẹ tôi:

– Mẹ đừng bán nó cho người ta. Mẹ để cho con.

Mẹ tôi thở dài:

– Nhà còn chả tiếc nữa là ngựa. Không bán đi thì xé xác ra mà trả nợ à?

Con ngựa ấy ngày nay đã chết. Cũng như ba tôi để lại cái danh vọng tàn của những ngày rực rỡ, nó cũng đã từng nổi tiếng một thời về nước kiệu hay.

Anh Hai tôi thường trêu tôi:

– Đồ người không nhớ người, lại nhớ ngựa. Rõ dở hơi!

Mà tôi dở hơi thật. Trên đường đời, tôi đã nhiều lần dở hơi như thế, và chắc sẽ phải dở hơi suốt đời…

Ngày nay, mỗi lần đi qua cánh đồng ngập cỏ, tôi vẫn còn phảng phất ngửi thấy mùi ngựa, nghe thấy tiếng ngựa, và hình tượng một bộ yên cương vắng chủ, ngơ ngác đâu đây…

Tháng Hai, 1940


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button