Văn học trong nước

Câu Chuyện Về Ngọn Núi Bà Già Mù

cau chuyen ve ngon nui1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Quang Thiều

Download sách Câu Chuyện Về Ngọn Núi Bà Già Mù ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

MỘT

Tôi chưa bao giờ có dịp được đi một chuyến thật xa khỏi làng. Bởi thế tôi không biết những nơi khác trên thế giới này như thế nào. Nhưng tôi luôn tin rằng: làng tôi là một làng quê đẹp nhất thế gian. Có một điều kỳ lạ là trên cánh đồng phẳng lỳ ven sông của làng lại mọc lên một ngọn núi. Hồi còn sống, bà tôi thường bảo ngọn núi ấy chỉ mọc lên trong một đêm.

– Bà nhìn thấy à? – Lúc nào tôi cũng hỏi bà tôi câu ấy.

– Bà đẻ ra thì đã thấy ngọn núi rồi. – Bà tôi nói.

– Thế ai nhìn thấy ngọn núi mọc lên? – Tôi lại hỏi.

– Cụ kỵ cháu nhìn thấy.

Tôi chỉ biết bà nội tôi thôi, còn cụ kỵ nhà tôi thì tôi không được nhìn thấy bao giờ. Tôi chỉ biết những nấm mộ của dòng họ tôi mọc san sát bên nhau như không bao giờ hết, dưới chân núi mọc đầy hoa cúc dại vào mùa thu. Dưới chân ngọn núi có một bà già mù sống cùng một con chó trắng trong một ngôi miếu hoang. Bà già mù không có con cháu gì và hình như bà cũng chẳng có ai thân thích. Bà sống với một con chó trắng. Bà làm nghề hái thuốc và trồng ngô, sắn trên những rẻo đất nhỏ ven chân núi. Thi thoảng bà cũng vào trong làng để xem bệnh cho một ai đó. Mẹ tôi bảo hồi còn bé, tôi bị bệnh hen, cứ khi thời tiết thay đổi là tôi nằm bệt trên giường mà thở. Bà già mù đã đến xem bệnh cho tôi. Rồi bà cho mẹ tôi mấy nắm lá để mẹ tôi sao vàng sắc nước cho tôi uống. Uống hết mấy nắm lá của bà, bệnh hen của tôi hoàn toàn biến mất cho đến bây giờ. Nhiều lần mẹ bảo tôi ra thăm bà vào những ngày nghỉ học để xem bà cần gì thì giúp. Thế nhưng tôi chưa một lần nào bước vào ngôi miếu hoang để thăm bà. Đã có đôi ba lần tôi bò đến sát tường ngôi miếu và hé mắt qua khe hở của cánh cửa sổ nhìn vào bên trong. Trong ngôi miếu nửa sáng nửa tối, tôi thấy bà già mù ngồi bất động nhìn ra cửa, đôi mắt bà đục trắng. Bên cạnh bà là con chó trắng. Bỗng bà từ từ quay mặt về phía tôi. Đôi mắt đục trắng của bà như nhìn thấy tôi. Tôi không đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào đôi mắt bà. Tôi vùng bỏ chạy. Con chó trắng sủa mấy tiếng và đuổi theo tôi. Tôi chạy trong nỗi sợ hãi đến ríu cả chân và ngã xuống.

Về con chó trắng của bà già mù, lũ trẻ chúng tôi đã tranh cãi nhau rất nhiều. Cuối cùng chúng tôi tạm thời thống nhất với nhau rằng: Con chó trắng đó chính là con ma chó trắng mà người làng tôi vẫn thường gặp trong những đêm khuya khoắt ở bãi tha ma dưới núi hay trên con đường chạy ra bờ sông. Con ma chó trắng luôn luôn thay hình đổi dạng trêu chọc người làng. Có một người đàn bà làng tôi một lần đi chợ xa về thấy một đứa bé còn đỏ hỏn đặt bên vệ đường ven chân núi bèn bế lên mang về nhà nuôi. Đi được một đoạn đường, người đàn bà nghe tiếng rên ư ử bèn nhìn xuống. Người đàn bà thất kinh nhận ra mình đang bế trên tay một con chó trắng. Con chó nhe hàm răng nhọn hoắt với nước dãi chảy dòng dòng và đôi mắt đỏ ngầu nhìn người đàn bà. Sợ quá, người đàn bà quăng con chó xuống và bỏ chạy. Sau đêm ấy, người đàn bà lên cơn sốt và trở thành người mắc bệnh tâm thần. Chuyện người đàn bà mắc bệnh tâm thần chỉ là một trong bao nhiêu chuyện về ma chó trắng. Theo người làng tôi bà già mù có thể biết mọi chuyện trong quá khứ và tương lai. Bà nội tôi bảo đó là bà bói mù. Còn chị tôi đang học trên phố huyện gọi bà là nhà tiên tri. Nhưng câu chuyện về một kho báu được chôn giấu trong một cái hang trên ngọn núi mà suốt đời này qua đời khác bao nhiêu người tốn công tốn của tìm kiếm kho báu ấy mà không thấy là câu chuyện luôn luôn ám ảnh lũ trẻ con chúng tôi nhiều hơn cả. Hầu như đứa nào cũng mơ tìm thấy kho báu ấy. Những buổi tối không phải học bài, chúng tôi thường tụ tập quanh gốc đa đầu làng chơi trận giả. Và lúc nào cũng như lúc nào, chúng tôi lại ngồi tựa gốc đa sau khi chơi chán mọi trò và nói chuyện với nhau về kho báu ấy.

– Kho báu chứa gì ở trong nhỉ? – Thằng Phàn Phệch hỏi.

– Vàng chứ còn gì. – Một đứa nào nói.

– Nhiều không? Phàn Phệch hỏi với một bộ mặt ngơ ngẩn như đang quá mê mẩn.

– Hàng tấn.

– Tao chỉ cần một cân.

– Mày cần vàng để làm gì?

– Mua bi ve.

 

ĐỌC THỬ

Có lẽ không ai mê bi ve như Phàn Phệch. Một ông chú của Phàn Phệch làm việc trên tỉnh cho Phàn Phệch một viên bi ve nhiều màu. Nó khâu một cái túi từ một miếng vải để đựng viên bi. Riêng viên bi đó nó không bao giờ dùng để chơi với chúng tôi. Nó giữ viên bi chỉ để ngắm. Một trong những công việc mê mải hết tháng này năm nọ của bọn trẻ chúng tôi là mài bi. Chúng tôi thường đến chân núi tìm những viên sỏi hoặc đá khá tròn về và mài thành bi. Có lần mẹ tôi bảo “Chúng mày cứ mài bi nhiều như thế này rồi sẽ hết cả quả núi”. Phàn Phệch có thể ngồi cả ngày mài những hòn cuội hay những viên đá xanh thành bi. Hai cái túi áo của nó lúc nào cũng sệ xuống vì những hòn bi. Sau câu trả lời của Phàn Phệch, một đứa lên tiếng:

– Thế thì mày mua được một tấn bi ve.

– Nhiều thế cơ à? Phàn Phệch mơ màng rồi nói tiếp. – Nhưng làm thế nào mà tìm thấy kho báu.

– Bà tao bảo bà già mù biết đường vào kho báu ấy. – Tôi nói.

– Thật à? – Bọn trẻ cùng cất tiếng hỏi.

– Thật. – Tôi trả lời với một giọng quan trọng.

– Sao bà ấy không lấy vàng mà bán nhỉ?

– Để làm gì? – Phàn Phệch lại hỏi.

– Để mua gạo chứ làm gì. Bà ấy toàn ăn côn trùng.

– Khiếp thế.

– Bà ấy có phép gọi côn trùng bay về và bắt ăn thịt.

– Hay bà ấy là ma?

– Ma làm sao mà sống chung với chó được. Mẹ tớ bảo ma sợ chó lắm. Làng nào mà không nuôi chó thì tối đến ma về bắt cả làng.

– Thế bà ấy là gì?

Thường là sau câu hỏi ấy chúng tôi đều im lặng. Chẳng đứa nào trả lời được câu hỏi ấy. Chúng tôi trở về nhà. Những buổi tối như thế tôi thường khó ngủ hơn. Tôi nằm im lặng trên chiếc phản gỗ đã bị mọt nhiều chỗ và lắng nghe tiếng chó sủa xa gần trong đêm.

Khi bà nội tôi còn nhỏ thì đã có một bà già mù sống dưới chân núi. Đến khi mẹ tôi sinh ra và lớn lên cũng vẫn có bà già mù sống cùng con chó trắng. Và đến khi tôi sinh ra, lớn lên tôi cũng lại thấy bà già mù sống ở đó. Những câu chuyện của người làng tôi về bà già mù luôn quyến rũ chúng tôi bằng cả nỗi sợ hãi. Có người bảo bà không ăn cơm như mọi người mà chỉ ăn côn trùng để sống. Đã có lần, có những đứa trẻ liều lĩnh lẻn vào ngôi miếu khi bà già mù đi vắng để mở nắp vung cái nồi đất dùng nấu ăn của bà xem có phải bà ăn côn trùng không. Nhưng cuộc thám hiểm của lũ trẻ bị thất bại vì con chó trắng phát hiện. Bọn trẻ đã chạy bán sống bán chết mới thoát được cuộc săn đuổi của con chó trắng. Và thế là bí mật về việc ăn côn trùng của bà già mù vẫn là bí mật. Tôi thực sự không làm sao hiểu được những câu chuyện về bà già mù. Tôi hỏi mẹ:

– Thế bà già mù bây giờ có phải là bà già mù ngày xưa không mẹ?

– Bà già mù ngày trước chết rồi. – Mẹ tôi cười – Ai mà sống dai được như vậy.

– Bà già mù này là con bà già mù kia à?

– Là con, nhưng không phải bà ấy đẻ ra. Bà già mù không có chồng. Bà ấy xin một đứa bé mù ở bên kia sông về nuôi.

– Sao bà ấy lại không nuôi một đứa bé không mù? – Tôi băn khoăn hỏi.

– Mẹ cũng không biết, nhưng có lẽ bà ấy mù nên bà ấy thương những đứa bé mù.

– Bà nội nói bà già mù ấy biết được kho báu chôn trong lòng núi, có thật thế không mẹ?

– Mẹ cũng nghe người ta bảo thế. Bao nhiêu người gạ gẫm bà già mù mách họ nơi chôn kho báu, họ hứa cho bà cả một đống tiền. Nhưng bà già mù không chỉ cho ai cả. Nghe đâu bà nói với những người đã đến gặp bà rằng: Bà sẽ chỉ cho một người biết kho báu ấy, nhưng không phải họ.

– Ai sẽ được bà ấy chỉ cho kho báu? – Tôi hỏi và hồi hộp đợi câu trả lời của mẹ.

– Mẹ cũng không biết, mà biết đâu người đó lại chẳng là con.

Mẹ tôi cười và xoa đầu tôi. Sau câu nói của mẹ, tôi bàng hoàng sung sướng. Chiều ấy tôi lang thang đến chân núi. Nhưng không dám bước đến gần ngôi miếu hoang. Tôi thường mơ những giấc mơ về bà già mù ăn côn trùng. Tôi mơ thấy bà huơ hai tay lên trời và hú dài. Ngay lập tức côn trùng từ núi bay về làm tối đen cả bầu trời. Cả ngôi miếu hoang nơi bà già mù ở tràn ngập côn trùng. Đủ loại côn trùng bò lổm ngổm trên nền miếu. Bà già mù vừa gầm gừ vừa bắt những con con trùng bỏ vào miệng nhai rau ráu. Tôi mơ thấy chúng tôi tìm được cái hang chứa kho báu. Vàng chất đầy trong hang. Từ đống vàng một thứ ánh sáng như lửa tỏa ra rừng rực. Đứa nào cũng phải lấy tay che mắt vì chói. Phàn Phệch nhảy bổ vào đống vàng và vội vàng nhặt một thỏi vàng bỏ vào túi. Bỗng nó kinh hoàng nhận ra một ngón tay của nó đã rụng xuống. Ngón tay ngoe nguẩy như một con giun rồi chui xuống đất. Sau phút kinh hoàng nó lại nhặt một thỏi vàng khác bỏ vào túi.

Cũng giống như lần trước, một ngón tay khác của nó lại rụng xuống nền đất và ngoe nguẩy. “Vứt vàng đi, vứt vàng đi”. Một đứa kêu lên. Phàn Phệch kinh hãi nhìn bàn tay của nó đã rụng mất hai ngón. Nó hấp tấp lấy một thỏi vàng trong túi ra và ném trả vào đống vàng. Từ dưới đất, một ngón tay của nó chui lên và vụt dính vào bàn tay nó. Tất cả lũ trẻ chúng tôi bàng hoàng trước cảnh tượng ấy. “Vứt vàng đi, vứt vàng đi”. Tất cả chúng tôi kêu lên. Phàn Phệch vội móc túi lấy thỏi vàng còn lại vứt đi. Một ngón tay lại từ đất chui lên và dính vào bàn tay nó. Phàn Phệch giơ bàn tay lên. Bàn tay nó đã lành lặn như cũ. Mồm nó méo xệch và rồi bật khóc hu hu. Nó quay đầu chạy ra khỏi hang. Lũ trẻ chúng tôi hoảng sợ chạy theo.

Sau những giấc mơ như thế, ngọn núi càng trở nên bí ẩn với chúng tôi. Nhưng với những đứa trẻ chúng tôi, càng bí ẩn bao nhiêu thì sự tò mò của chúng tôi tăng lên bấy nhiêu. Chúng tôi từng bàn với nhau tiến hành khám phá kho báu khi chúng tôi nghỉ hè. Năm nào nghỉ hè chúng tôi cũng lang thang suốt ngày trên núi. Lâu nay, ngọn núi làng tôi cũng đã là một thế giới bí ẩn và kỳ diệu với chúng tôi. Trên núi có rất nhiều tổ ong. Những tổ ong to như một cái quạt mo treo lơ lửng trên cành cây. Mỗi một tổ ong ấy đủ cho chúng tôi có một bữa tiệc đã đời với sáp ong và ong non. Rồi quả tóc tiên, quả vú bò, quả gáo… Chúng tôi từng nấp dưới những gốc cây vào cuối chiều để xem bầy chim trở đập cánh như có bão trên những vòm lá. Chúng tôi đã từng ngắm nhìn mê mải những quả trứng nhiều màu trong các tổ chim vào mùa đẻ trứng. Nhất là vào khi lũ chim non ra đời. Thằng Phàn Phệch đã có lần bắt trộm đầy hai túi áo chim non. Chúng tôi phát hiện ra điều ấy vì những con chim bố, chim mẹ bay quần đảo trên đầu Phàn Phệch và kêu căm giận. Thỉnh thoảng có con chim bố và chim mẹ gì đó lao xuống đầu Phàn Phệch. Nó bỏ chạy. Bầy chim đuổi theo. Chúng tôi bắt Phàn Phệch phải trả lại những con chim non về tổ của chúng.

– Mày bắt chim non làm gì? – Một đứa hỏi:

– Tao bắt để nuôi – Phàn Phệch nói.

– Mày không sợ ma chim mổ mắt à?

– Tao đếch sợ.

Nhưng ngay sau đó Phàn Phệch im lặng. Tôi tin chắc nó sợ ma chim. Làng tôi ai cũng biết ối chuyện ma chim. Ma chim bay chập chờn trong đêm. Người lớn hay mang chuyện ma chim ra để dọa những đứa trẻ nheo nhẻo khóc đêm. “Nhắm mắt lại ngủ đi kẻo ma chim mổ vào mắt đấy”. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ma chim. Nhưng tôi đã nghe thấy tiếng chim kêu của con chim lợn. Bà tôi bảo: “Hễ chim lợn kêu ở đâu là ở đó có người chết”. Bởi thế mỗi lần nghe tiếng chim lợn thét lên trong đêm, tôi lại hỏi bà: “Làng mình ai chết hở bà?”. Bà tôi bảo: “Không có ai chết cả”. Tuy bà tôi nói vậy nhưng tôi vẫn nơm nớp sợ nhỡ bà tôi chết thì sao. Và tôi vừa sợ vừa ghét con chim lợn.

Cuối cùng thì Phàn Phệch cũng trả lại mấy con chim non về tổ của chúng. Nhưng nó vẫn giấu một con trong túi quần mang về. Những con chim bố mẹ đã theo Phàn Phệch về tận nhà. Chúng sà đậu trên mái nhà Phàn Phệch kêu đến khản giọng. Đêm ấy chúng ở lại trên cây dâu da nhà thằng Phàn Phệch và kêu suốt đêm. Nghe chim kêu, bà thằng Phàn Phệch nói: “Mấy con chim này là ma hay sao mà kêu ghê thế”, Phàn Phệch thấy sợ, nó hỏi: “Có ma chim thật hở bà?”. Bà nó đang mơ mơ màng màng ngủ, nói: “Có”. Thế là Phàn Phệch không dám ngủ. Cuối cùng nó mang con chim non, mở hé cửa vứt ra ngoài sân. Sáng hôm sau thức dậy chạy ra sân. Nó thấy con chim non nằm chết trên sân bị kiến bu đầy. Từ ngày ấy, chẳng bao giờ Phàn Phệch bắt trộm chim nữa.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button