Văn học trong nước

Bóng Của Cây Sồi

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đỗ Bích Thúy

Download sách Bóng Của Cây Sồi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng EPUB                      Download

Định dạng MOBI                      Download

Định dạng PDF                         Download

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Đây là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của những người Dao ở thung lũng Lao Chải – nơi có rất nhiều sồi, sồi mọc khỏe khoắn và kiêu hãnh từ rừng đại ngàn trở ra cho đến sát với những nương đồi trồng lúa và sắn. Sồi là một phần cuộc sống của Lao Chải.

Thông qua cuộc đời của Phù, Kim, Mai, Nhi, Cường…, người ta thấy được từng sự trăn trở, giằng xé của Lao Chải trên con đường thay da đổi thịt. Sức mạnh của đồng tiền và những giá trị vật chất đã giúp người dân ở đây ngày càng đi lên hay đem theo những bi kịch buồn đến xót xa? Và đau lòng hơn là câu chuyện tình dang dở của hai trái tim khát khao yêu thương nhưng không dám vượt qua mọi rào cản cứ ám ảnh khôn nguôi…

Ở đây có rất nhiều sồi. Sồi mọc khoẻ khoắn và kiêu hãnh từ rừng đại ngàn trở ra cho đến sát với những nương đồi trồng lúa và sắn. Ông và bố đều nói rằng, mỗi cây sồi tượng trưng cho một người đàn ông trong làng. Khi một đứa bé trai ra đời, nếu nó cất tiếng khóc to cả làng nghe thấy, ông nội sẽ đến bên cạnh và nói: Mày là một cây sồi khoẻ. Cũng như khi một người đàn ông trong làng chết đi, thì đâu đó trong rừng, một cây sồi sẽ trút lá, và những cái rễ bắt đầu thối rữa trong lòng đất…

Đã nhiều năm trôi qua, cây sồi này già, rồi chết, rồi khô xác, không còn một mảnh vỏ, đến cả những sợi rễ vững chãi ăn sâu xuống lòng đất ẩm ướt cũng đã đứt thành nhiều đoạn, nhưng cái bóng của nó thì không ai xoá đi được. Ngay cả anh, người đàn ông duy nhất còn lại của dòng họ, cũng không đi qua được nó, không vượt qua được cái ranh giới mà bóng cây sồi đã in xuống vùng thung lũng rộng không đầy một sải chim bay này. Dù anh đã cố gắng làm cái điều mà mẹ anh, cho đến lúc theo cha anh về dưới gốc sồi còn nhắn nhủ lại, rằng hãy sống như một cái cây thẳng, không sợ gió mưa, sấm sét, không sợ sâu mọt, không sợ già nua… nhưng có điều, thế nào là một cái cây thẳng thì thật là khó… Giờ thì mọi chuyện đã qua đi, như ngày tháng, như mùa màng, như dòng nước chảy giữa hai bờ suối, chỉ còn lại duy nhất một mình anh thì cũng không còn là anh nữa, không dám soi mặt mình xuống nước mỗi khi lội qua con suối này.

Đêm mịt mùng, con đường mòn nhỏ dẫn ra suối cũng lẫn vào bờ bụi, chủ yếu bước đi bằng thói quen. Váy của cô gái sẽ quệt loạt xoạt vào mấy ngọn mâm xôi chìa ra đường. Đom đóm bay đầy trên mặt nước tối đen, lập loè soi những tảng đá đủ mọi hình thù nhô lên giữa dòng. Ngày ngày các cô gái trong làng ra chỗ này, lấy tảng đá làm chỗ chải váy áo, giặt xong thì phơi luôn, đợi khô mới mang về. Chỗ này rất kín đáo, có thể tranh thủ trong lúc đợi váy áo khô rủ nhau xuống tắm…

ĐỌC THỬ

Chương một

1.

Trưởng thôn dừng xe lại, quay ra sau:

– Xuống đi. Tôi không lên dốc được.

– Đã thấy làm trưởng thôn khổ chưa? Cứ làm anh Phù vác cày lên nương ra ruộng chẳng sướng hơn à.

– Cô có bịt cái mồm lại không. Tại cô đấy, cô làm khổ người lớn, trẻ
con, làm khổ cả tôi… Lần này thì đã thôi chưa? Thử xuống suối kia soi xem cái mặt mình dày lên mấy phân rồi. Hừ!

Trưởng thôn vừa càu nhàu vừa cúi xuống lắp cái xích xe đạp bị tuột. Trời nắng sớm, rọi xuống mặt đường nhựa bốc hơi nóng ngùn ngụt. Cái xe cọc cạch quá, tại trẻ con mang đi học đèo nhau lao chồm chồm xuống ổ gà đây mà. Trường thì xa, bà chị gái lại không biết đi xe đạp, đành phải để cho chúng nó tự tha nhau đi. Bố vắng nhà, cậu bận việc thôn, không lúc nào được ngồi yên chỗ mà mang cái xe ra sửa.

Kim đi trước, lên lưng chừng dốc, đến chỗ cây xổ xoè tán thì ngồi chờ. Dưới chân dốc trưởng thôn Phù vẫn đang kì cạch lắp cái xích. Lắp lại tuột. Dắt vài bước lại tuột. Lại lắp. Lại tuột. Cái xe như trêu tức Phù. Kim bật cười một mình. Giờ này đường vắng tanh, người đi làm đã đi, người về chưa về. Nếu không thì mọi người tha hồ đứng trêu Phù.

Phù co chân đá cho cái xe một cái. Ô hay, đá xong thì sợi dây xích không tuột nữa mới lạ chứ. Cái xe cũng biết sợ. Cái xe không có mắt, không có tai mà còn biết sợ, thế mà người đàn bà tên Kim kia lại chẳng biết sợ là gì. Kim vẫn ngồi dưới gốc cây xổ đợi Phù đi tới. Phù dắt xe qua trước mặt Kim, không nói không rằng, đưa tay áo quệt mồ hôi đang túa ra.

Đêm qua người ta bắt được Kim lúc Kim đang kéo cái máy bơm Trung Quốc dưới giếng nhà vợ chồng Phấn lên. Con chó cái nhà Phấn đang nuôi con bú, ngủ ngày thức đêm, thế nên lúc Kim lạch cạch lôi cái máy bơm lên gần miệng giếng rồi thì nó phát hiện ra, sủa inh ỏi. Phấn chồng thức dậy, mang gậy lao ra. Kim thả bõm cái máy bơm trở lại giếng rồi co cẳng chạy. Phấn chồng vừa đuổi theo vừa lạc giọng quát. Phấn chồng bảo, nếu chạy nữa thì nó ném dao vào lưng, đừng có trách. Kim nhảy qua hàng rào, gai ô rô xé rách cả váy. Nghe Phấn chồng doạ cũng sợ, dừng lại. Phấn vợ dậy, lấy dây thừng trên gác bếp xuống, mang ra cho chồng trói Kim lại. Điện trong nhà, ngoài sân, ngoài cổng bật hết cả lên. Trói xong, bắt Kim ngồi vào một xó nhà, Phấn chồng đi gọi tự vệ thôn. Tự vệ thôn có bốn người. Phù là trưởng ban tự vệ kiêm trưởng thôn, Cường là phó ban, hai người còn lại là Sinh, đi bộ đội về và Lạc, nhà làm nghề đánh vòng tay, hoa tai, nhẫn bạc cho con gái trong làng. Phù, Cường cùng đến. Phù đang chưa biết xử trí ra sao, líu cả lưỡi lại khi nhận ra Kim ngồi gục mặt trên hai đầu gối thì Cường đã lấy giấy bút ra lập biên bản. Cường ngồi vắt chân chữ ngũ trên cái ghế mà Phấn vợ vừa bê ra:

– Cô Kim, tại sao cô dám vào tận nhà người ta ăn cắp máy bơm? Cô có đi với ai nữa không? Có đứa nào đứng ngoài cảnh giới cho cô không?
– Cường à, mình không ăn cắp. Đừng nói thế. Mình nghèo quá, mấy hôm nay đứa bé bị ốm, muốn đưa đi viện thì phải có tiền, mình nghĩ mãi mới đến nhà Phấn. Nhà Phấn giàu quá, mình định xin cái máy bơm nhà nó. Một cái máy bơm chỉ bằng hai cây cam thôi mà…

Phấn vợ há hốc mồm, một lúc mới lắp bắp:
– Xin cái máy bơm! Hay thật! Cái máy bơm mà như nắm rau dền thế thì ai chẳng có được. Mà… đi xin sao lại không nói với chủ nhà? Sao không đi ban ngày? Sao lại phải trèo hàng rào? Không hỏi nữa. Anh Cường ghi vào biên bản thế này này: Phạt ba ngày làm cỏ sân kho. Bắt nhịn cơm…

Cường gắt:
– Cái cô này hay nhỉ. Cô là tự vệ hay chúng tôi là tự vệ? Cô có hiểu biết gì về pháp luật không? Để yên cho chúng tôi làm việc. Cô Kim, trả lời nghiêm túc đi. Cô đã thực hiện bao nhiêu vụ trộm tương tự ở thôn này rồi? Cô bắt đầu ăn trộm từ bao giờ? Có phải mấy vụ mất gà gần đây ở trong thôn cũng đều do cô làm không? Cô mang gà đi đâu bán?

– Mình nói rồi mà. Mình không ăn trộm. Mình chỉ định xin nhà Phấn cái máy bơm thôi, nhà mình nghèo quá, con thì bé, chồng không có… Mình không lấy gà nhà ai hết. Mình khát nước quá, cho mình xin nước uống với…
Đội tự vệ làm việc mãi chưa xong, tờ giấy Cường ghi biên bản còn trắng ba phần tư. Chẳng lẽ lại ghi đúng lời khai của Kim vào biên bản. Hỏi thế chứ nữa nó cũng không chịu nói khác đi. Cuối cùng, Cường đành ghi thế này: Chị Phùng Thị Kim, hai mươi tư tuổi, người thôn Lao Chải, bị anh Nguyễn Văn Phấn bắt quả tang ăn trộm máy bơm lúc mười một giờ rưỡi đêm 13 tháng 4. Không hỏi cung được. Thôn không giải quyết được. Đề nghị chuyển xuống xã, xã giải quyết. Đội tự vệ thông qua, lấy chữ ký chủ nhà, lấy điểm chỉ ngón tay Kim. Xong ai về nhà nấy.

Trời đã sáng. Phấn vợ nhìn đồng hồ để bàn rồi xuống bếp chuẩn bị nấu cơm. Trưởng thôn kiêm trưởng ban tự vệ quyết định để tạm Kim ở nhà Phấn, đợi một lúc nữa thì tìm cách đưa xuống xã. Nếu là mấy ngày trước thì đưa vào tạm giam ở trường học, nhưng trường học đang sửa, không còn chỗ nhốt nữa rồi. Phấn chồng lấy một cái ghế dưới bếp lên, để ngoài hè rồi kéo Kim ra, bắt ngồi ở đấy. Phải đưa cái đứa ăn cắp ra ngoài, cho ai đi qua cũng nhìn thấy, ai muốn mắng thì mắng, muốn chửi thì chửi. Phải làm thế nó mới chừa đi. Thằng Dình, con lớn nhà Phấn, xé một trang giấy từ vở làm toán, viết một dòng chữ in hoa to tướng: Phùng Thị Kim là thằng ăn trộm máy bơm. Viết xong, nó dán tờ giấy lên mặt cái ghế con, dựng ngay trước mặt Kim. Kim hỏi tờ giấy viết gì, thằng Dình bảo viết họ tên Kim, không thì người ta lại tưởng Kim là người nhà.

Nhà Phấn ở ngay mặt đường, trước sân chỉ có một dàn mướp. Phấn mới chuyển ra ngoài ở nên cái gì cũng mới. Bậc lên xuống còn chưa mòn vết chân. Kim ngồi trên ghế, hai tay bị trói quặt ra sau, tóc bù xù, khăn tuột xuống gáy, mặt bợt bạt, môi tái ngắt. Ngồi lâu một chỗ, tay bị trói tê đi, Kim vẫn thều thào gọi Phấn. Kim bảo, mệt quá, muốn về nhà nghỉ một tí, xin Phấn cho Kim về một lúc, tiện thể xem đứa bé thế nào, rồi Kim sẽ tự đến. Phấn chồng không nghe. Bắt ngồi yên đấy. Suốt đêm không được ngủ rồi. Phấn chồng trải manh chiếu ra sát cửa, ngủ một giấc, ngáy ầm ầm. Người trong thôn lũ lượt kéo đến xem mặt đứa ăn cắp. Biết nhau cả, nhưng vẫn muốn xem cái đứa đi ăn cắp rồi thì mặt nó có khác đi không.

Kim vẫn gục mặt trên hai đầu gối. Mọi người đến, tưởng Kim ngủ, gọi dậy. Tất cả những nhà đã từng kêu mất trộm gà đều đến. Đến để hỏi xem có phải chính kẻ trộm vào nhà Phấn cũng là kẻ trộm vào nhà mình không. Kim lắc đầu, chỉ lắc đầu thôi. Mệt quá rồi, không mở miệng được nữa. Mỗi người mắng một câu, sân nhà Phấn đông nghịt, ồn ào như cái chợ. Bảy rưỡi sáng, Phù đến, rẽ đám đông len vào. Tấm khăn đen của Kim đã tuột hẳn xuống gáy, tóc bù xù lộ ra. Một bà già đến gần Kim. Từ nãy đến giờ bà là người không chửi mắng gì, cũng không hỏi han gì. Bây giờ bà bảo:

– Lần sau đừng làm thế nữa cháu nhé. Để người ta trói thế này xấu hổ lắm, làm khổ con nữa. Chịu khó làm ruộng lấy gạo ăn chứ sao lại đi ăn trộm. Nhỡ đêm qua thằng Phấn nó ném dao trúng người, hôm nay chết thì sao?
Bà già buộc tóc, vấn lại khăn cho Kim. Kim vẫn gục mặt trên hai đầu gối, nước dãi nhỏ xuống hè nhà mới lát gạch hoa, con chó con lò dò len vào, liếm bằng sạch. Một lúc sau thì nó nằm luôn ngay trước mặt Kim, đầu ghếch lên một bàn chân lấm lem bùn đất của Kim mà ngủ.

Phù nhận ra bà già đang vấn khăn cho đứa ăn trộm là mẹ mình. Đúng là mẹ Phù thật. Thế này thì còn biết nói gì nữa.
Đích thân trưởng thôn đưa kẻ trộm xuống giao cho xã giải quyết. Trưởng thôn đi để còn báo cáo cả tình hình chung nữa, có gì thì mời công an xã lên hỗ trợ. Từ thôn xuống xã đi bộ mất hai tiếng đồng hồ, Phù lấy xe đạp đi cho nhanh. Kẻ trộm ngồi đằng sau, hai tay phải tháo dây trói ra để còn bám lấy sườn trưởng thôn kẻo ngã. Cái váy Kim mặc bị rách toạc một đường, Phấn vợ đã lấy kim chỉ đính tạm lại cho, nhưng cái váy thì đen mà nhà Phấn lại còn mỗi chỉ trắng nên đường khâu nhìn rõ mồn một. Nhùng nhằng mãi đến tám giờ, mọi người bỏ về đi làm hết, Phù và Kim mới đi được. Trời đã nắng chang chang. Phù gò lưng đạp, đằng sau Kim ngồi ngật ngưỡng, tay túm chặt lấy mạng sườn Phù. Cả hai không mở miệng nói với nhau câu nào. Cho đến khi cái xe tuột xích ở chân dốc.

Chỉ còn một đoạn nữa là đến trụ sở uỷ ban. Phù vẫn dắt xe đi trước, Kim chậm chạp đi sau, tay bám vào phoóc ba ga. Phù quay lại bảo:
– Kéo cái vạt áo xuống. Vào uỷ ban xã phải nghiêm chỉnh biết chưa… Nghe tôi dặn đây này: Đến đấy, công an xã hỏi gì cô phải thật thà, đừng có xiên xẹo như nói với thằng Cường đêm qua. Bực mình lên người ta đem xuống huyện, cho vào nhà giam là không có đường về đâu. Nhớ chưa!

Kim vẫn không nói không rằng, mặt cúi gằm nhìn đường. Trời nắng nóng, mồ hôi túa ra ướt đẫm áo mà Phù lại thấy lành lạnh ở lưng. Lâu lắm rồi hai người mới đi gần nhau thế này. Mọi chuyện tưởng như quên mà không quên được, lúc này mới thấy là để quên một người nào đó thật khó. Cái xe đạp càng đến gần uỷ ban càng nặng như đeo đá đằng sau, níu tay Phù lại, sắp dắt không nổi nữa thì lên đến đỉnh dốc, đã nhìn thấy nhà trụ sở uỷ ban mới xây quét vôi xanh trước mặt.
– Kim! Mệt lắm à?… Cố lên một tí. Mẹ tôi đã mang đứa bé về nhà lấy cơm cho ăn rồi. Không phải lo nữa.
Kim vẫn không mở miệng. Cái váy rách khâu một đường bằng chỉ trắng đập vào mắt Phù. Bên trong cái váy rách ấy là bắp chân trắng như mầm cây giáy đã từng làm Phù mất ngủ nhiều đêm liền…

Đường khâu bằng chỉ trắng này in hằn trong đầu Phù, có lúc nó xiết lại như người ta dùng lạt giang xiết cái bánh gù. Có những vết đứt trong lòng Phù đã được năm tháng, mùa màng, lo toan làm cho thành sẹo, mờ đi rồi nhưng thỉnh thoảng đường chỉ vẫn xiết vào đấy. Mỗi lúc như thế Phù lại ra ngồi dưới gốc cây sồi mục ruỗng, nhìn dòng nước trôi đi trên những viên đá cuội óng ánh. Dòng nước chảy mãi, năm này qua năm khác không mệt mỏi, nhiều chuyện xảy ra dưới bóng cây sồi này cũng dần thành chuyện cũ, nhưng không phải cái gì cũng quên đi được…

Lao Chải có một con suối to chảy qua. Người Dao ở Lao Chải nói, các cụ tổ ngày xưa sống trên núi cao, phát rừng làm nương, trỉa ngô trỉa lúa. Nơi nào đất tốt thì làm hai ba vụ, nơi nào đất xấu, làm một vụ đã bạc trắng ra thì thu hoạch xong là bỏ đi nơi khác. Cả bản đi. Đi mãi, đến chỗ nào có đất mới, rừng chưa có người chặt thì dừng lại. Một đời người có khi thay chỗ ở đến mười mấy lần. Các bà mẹ địu con trên lưng, tay cầm giỏ ngô đi thả hạt sau chồng, miệng hát: Người Dao là con chim xanh, gặp quả thì ăn, gặp nước thì uống. Bay hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Người Dao đi mãi, đến cánh rừng bên trên Lao Chải này, định dừng lại, chặt cây làm nương rẫy mới thì có người lên ngăn lại, không cho chặt. ấy là người Tày sống dưới thung lũng. Người Tày trồng lúa nước trong ruộng bậc thang, chỉ trồng lúa thôi cũng tạm đủ ăn. Nhưng người Tày không cho phá rừng, phá rừng là phá luôn nguồn nước chảy đầu nguồn về Lao Chải. Không có nước ngập chân ruộng thì cây lúa không mọc được. Thấy người Dao từ nơi xa đến, người Tày ở Lao Chải mới rủ ở lại cùng làm, cùng ăn cho đông làng đông bản. Mấy chục gia đình người Dao đã cạn cái ăn rồi, mà đi nữa thì không biết bao giờ mới đến được chỗ có đất mới để làm nương rẫy, vậy là ở lại. Trong bản đã hết chỗ ở nên người Dao đến sau phải làm nhà ở bìa rừng, thành một vòng quây lấy Lao Chải. ở mãi, bao nhiêu năm rồi không ai nhớ, nhưng người Dao bây giờ vẫn sống vòng xung quanh, người Tày ở bên trong. Con suối chảy từ đầu nguồn về Lao Chải mỗi năm được khơi rộng ra một tí, lắp thêm guồng đưa nước vào ruộng. Làm thêm chục cối nước nữa để các nhà người Dao có chỗ giã gạo.
Phù bắt đầu mang gương mặt Kim trong đầu từ khi gặp Kim lần đầu tiên bên một cái cối nước. Cái cối mới, nước vào đầy vẫn chưa chịu cất đầu lên. Kim cho thóc vào cối rồi mà chờ mãi không thấy cối giã. Kim chạy vòng quanh, tìm đủ mọi cách cho cái cối làm việc mà không được. Đang loay hoay thì Phù đi qua. Phù chạy về nhà lấy một ít dầu đổ vào cái trục cối, một lúc là cỗi giã đều như đã dùng hàng năm. Kim đứng một bên, im lặng nhìn, hai tay vặn vẹo. Muốn cảm ơn Phù mà không cất lời được.

Con suối này bắt nguồn từ một ngọn núi trên dãy Tây Côn Lĩnh. Mỗi năm một lần, người Lao Chải lại làm một cái lễ mang lên tận đỉnh núi tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho con suối không bao giờ cạn nước, cầu cho ngô ra nhiều bắp, lúa ra nhiều hạt, trâu bò lợn gà sinh sôi đầy sân đầy chuồng… Đứng trên núi cao nhìn xuống Lao Chải giống như một cái lá, nhọn hai đầu, phình ra ở giữa. Nhìn thì gần mà đi thì xa. Đi theo con suối mới biết dòng nước ngọt như nước trong ống vầu, trong như rượu thóc này đã phải qua bao nhiêu thác ghềnh mới về đến Lao Chải. Đầu nguồn đá cuội to, cuối nguồn đá cuội bé. Suối về đến Lao Chải, chảy một đoạn qua đồng ruộng nữa thôi là ra đến sông Lô. Sông Lô quanh năm đỏ ngầu, dòng nước từ suối Lao Chải chảy ra lại xanh biếc. ở chỗ hai dòng nước hoà vào nhau có một đường biên ngoằn ngoèo. Chính chỗ ấy thuyền ra sông không được qua lại. Dù thế nào cũng phải tránh đi. Người già bảo đấy là nơi dừng chân của thuỷ thần trên đường từ thượng lưu về hạ lưu, người trần chèo thuyền qua đấy là phạm thượng, là tội lớn.

Ngày mười ba tháng năm âm lịch là ngày làm lễ. Tiếng trâu bò gà lợn bị giết thịt kêu váng trời. Làng sắm hai mâm lễ, một mang lên thượng nguồn, một mang ra cửa sông. Mang lễ lên thượng nguồn là mười chàng trai chưa vợ, mang lễ ra cửa sông là mười cô gái chưa chồng. Năm ấy, Phù ở trong số mười chàng trai lên thượng nguồn, nhưng Kim thì không có trong số mười cô gái ra cửa sông. Mười cô gái chưa chồng, xinh đẹp, chăm ngoan nhất làng. Vậy mà không có Kim thì lạ thật. Xong buổi lễ, tối về nhà Phù mang chuyện ra hỏi bố.

Bố Phù là già làng. Nói một câu làng nghe một câu, nói nửa câu nghe nửa câu, không nói chỉ nhìn thôi làng cũng biết thế nào là đúng sai. Việc Kim không có mặt trong số mười cô gái ra sông đám thanh niên thắc mắc nhưng không ai dám hỏi. Vì già làng đã quyết thì thế nào cũng có lý do chính đáng. Khuya rồi, bình rượu đã vơi đi hơn một nửa, cái đầu dê người ta đem đến cho già làng vẫn treo trên bếp, bố bảo Phù mang cái điếu cày ra ngoài sàn phơi lúa nói chuyện.

Cách đây năm chục năm, khi ấy cả khu vực này còn hiếm dấu chân người, hổ báo đi lại như chó mèo nuôi trong nhà. Đường từ Lao Chải xuống huyện lị đi mất hai ngày, vừa đi vừa phát đường. Còn từ huyện lị ra tỉnh phải đi mất hơn một tuần. Ngày ấy, đám thổ ty mới nổi làm tay sai cho quan tây ra sức bóc lột sức lao động của người Dao, người Mông, người Tày… Con chim còn bầu trời để bay, con giun còn lòng đất để bò, chỉ con người là không có chỗ thả hạt ngô hạt lúa. Còn mỗi một cách là vào làm người ở, làm trâu ngựa cho thổ ty. Cách mạng về giải phóng cả vùng, người dân chưa kịp đón hạt ngô mới về nhà thì nạn phỉ nổi lên. Phỉ hầu hết là con cháu thổ ty, không quen lao động, thích ăn ngon mặc đẹp, nghe lời xúi giục của kẻ xấu kéo nhau lên hang ở. Đói ăn là mò về các bản làng cướp phá. Trong một đêm phỉ về, cô gái đẹp nhất vùng đã bị mười mấy thằng thay nhau hãm hiếp. Phỉ đi, cô gái nhảy xuống sông Lô tự tử nhưng người làng đã vớt lên. Cô gái mang thai, sinh một con gái. Con gái đẹp hơn cả mẹ, nhưng không có bố, đúng hơn là không ai xác định được bố của cô gái, cho dù sau đó cả toán phỉ đã bị công an vũ trang tóm gọn.

Cô gái ấy là mẹ của Kim.
Kim là cô gái duy nhất trong làng không có bố. Mẹ của Kim hai mươi tuổi mà như người bốn mươi, sống một mình mãi không chịu nổi đã xin Kim từ một ai đó. Không dám lấy một người như mẹ Kim làm vợ, nhưng cho một đứa con thì có người đã làm. Ngày mẹ sinh Kim, không có bà đỡ nào bên cạnh. Sáng hôm sau mang váy áo ra suối giặt làng mới biết. Kim lớn lên chỉ có mẹ. Mẹ mặc áo rách nhường áo lành cho Kim, chỉ hai mẹ con lủi thủi từ nhà ra nương, từ nương về nhà. Nhà không có đàn ông, không góp công khai phá nên không được chia ruộng, hai mẹ con phải lên nương trỉa hạt ngô hạt lúa. Làm quần quật vẫn không đủ ăn. Kim không được đưa vào danh sách mang lễ ra cửa sông. Mặc dù ai cũng thấy Kim là cô gái đẹp nhất, ngoan hiền chăm chỉ nhất Lao Chải.
Mẹ Kim đã đi vào vết chân của bà ngoại Kim, Kim cũng không tránh được vết chân của mẹ. Mẹ đã nhìn thấy rõ điều ấy. Lúc chết, Kim vuốt mãi mà mắt bà không nhắm lại được, đành để như thế mà đưa vào quan tài.

Trước ngày mẹ Kim chết trời đổ mưa tầm tã suốt hàng tuần lễ. Nước suối dâng lên ngập lút cầu gỗ, cuốn trôi cả mấy cái cối nước. Muốn đưa mẹ đi chôn thì phải qua suối. Tất cả những khu rừng mả của các họ trong làng đều ở bên này, riêng nơi dành cho người không có họ lại ở bên kia. Kim cứ đứng ở cửa, nhìn lên dãy Tây Côn Lĩnh mà xin trời đừng cho nước từ trên đó trôi về nữa. Nhà chỉ có hai mẹ con, không anh em họ hàng, gà vịt chỉ đếm trên đầu ngón tay, trâu bò dê lợn không có, thóc chẳng mấy khi đầy trong bồ, Kim đành gạt nước mắt đưa mẹ đi sớm, xin mẹ đợi mấy vụ lúa nữa, cô chăm chỉ làm lụng, rồi mới làm ma khô cho mẹ được. Kim phải nhờ thanh niên đến giúp đưa mẹ qua suối. Phải làm một cái mảng nứa thật to, đặt quan tài lên đấy, buộc dây thừng vào một đầu mảng rồi một nhóm sang trước, bên này ném dây sang mà kéo qua dòng nước cuồn cuộn, sôi ùng ục. Chỉ có duy nhất một cái quan tài, không có nhà táng, không có đón rước ông Then. Kim mang đi một con gà, cái nồi, cái bát, đôi đũa, quẩy tấu, dần sàng, ít gạo… đấy là phần dành cho mẹ mang theo xuống đất. Nhưng nước mưa làm cho tất cả đều ướt, cả con gà trong lồng cũng ướt lướt thướt.

Kim còn một mình. Kim xinh đẹp nhất làng nhưng cũng như mẹ, đã mười sáu tuổi rồi mà không ai muốn lấy về làm vợ. Dòng máu chảy trong người Kim, như người già nói, không phải màu đỏ mà là màu đen. Gột rửa mười đời không sạch được.

Kim ra cửa sông, ngồi trên vạt cỏ lá tre. Trăng rằm tràn trên mặt nước. ở ngoài sông ánh trăng màu vàng, ở trong suối ánh trăng màu trắng. Còn một mình Kim thôi, mãi mãi chỉ thế thôi. Kim không muốn làm như mẹ, kiếm một đứa con để không phải sống một mình. Con Kim rồi cũng phải chịu số phận như cụ, như bà, như mẹ nó thì khổ lắm. Mẹ mà biết Kim khổ thế này thì mẹ đã không sinh ra Kim. Trước lúc từ biệt con gái mẹ đã nói như thế. Những giọt nước cuối cùng trong cơ thể khô xác trôi ra khỏi khoé mắt mẹ là dành cho Kim. Mẹ nói đúng. Lẽ ra mẹ không nên sinh Kim. Kim không có ở trên đời thì không biết khổ là gì. Mọi người đã nói, không gì gột rửa được dòng máu đen chảy trong cơ thể trắng ngần này của Kim. Kể cả khi Kim và Lao Chải sống giữa hai nguồn nước mạnh như thần rừng thần núi. Kim nhìn hai bàn tay mình. Hai bàn tay chẻ trúc, vót trúc suốt mấy đêm liền, kịp đan quẩy tấu cho mẹ mang theo còn xây xước, nát tươm ra đây. Kim đã nhìn thấy máu mình chảy ra từ những vết đứt khắp các ngón tay, máu Kim vẫn màu đỏ, giống như mọi người. Nhưng Kim không thanh minh được. Kim nhúng hai bàn tay mình xuống chỗ hai dòng nước tiếp giáp nhau. Một nửa nước đục, một nửa nước trong. Kim kỳ mạnh hai bàn tay vào nhau, không còn cảm thấy đau từ những vết đứt nữa. Rồi Kim vén váy lên, lội xuống. Nước ở chỗ giao nhau nửa ấm nửa lạnh dìm Kim xuống đến ngực, đến cổ. Kim là con của rừng núi này, của làng bản này. Vậy mà tất cả lại hắt hủi Kim, chỉ còn sông suối thôi. Kim tin là nếu có thuỷ thần đang dừng chân ở chỗ này như người ta nói thì thuỷ thần sẽ đưa Kim đi đến một nơi không có khổ đau, không có sự xa lánh, ghê sợ. Hai dòng nước giao nhau, dịu dàng dìm Kim xuống…

Đúng lúc ấy thì có một người xuất hiện. Người ấy lao theo Kim xuống dòng nước sâu hun hút…

Đứng từ Lao Chải nhìn sang bên kia sông Lô chỉ thấy mênh mông đồi tiếp đồi, núi tiếp núi, và lau trắng như mây. Lau mọc dày từ bờ sông, sát mép nước lên đến đỉnh núi. Người Dao Lùng áng ở đằng sau dãy núi ấy, họ làm nương ở sườn núi bên kia nên bao nhiêu năm nay vạt lau vẫn còn nguyên. Buổi chiều mặt trời chiếu sau lưng Lao Chải thì cũng cùng lúc chiếu thẳng vào triền núi. ánh mặt trời cuối ngày chiếu vào lau trắng khiến cả vạt đồi vừa dài vừa rộng chuyển thành màu đỏ tía. Gió từ sông thổi lên xô vạt lau thành từng đợt sóng cuồn cuộn, mềm mại, huyền ảo. Bao giờ hoàng hôn bên ấy cũng kéo dài rất lâu. Có khi bên này đã lên đèn rồi bên ấy vẫn còn đỏ tía rồi đỏ sẫm. Sau một đêm đẫm sương, sáng hôm sau khi những ngọn lau đang rạp cả xuống vì sương ướt nặng, mặt trời lên, thì chỉ một lúc sau, chừng sôi ấm nước là tất cả những ngọn lau lại vươn cao. Gió lại thổi suốt ngày. Mùa lau ra bông kéo dài hàng tháng, sau đó thì khô gốc khô cành, cả triền đồi chuyển sang màu vàng sậm. Cây lau chết già. Phải đến sau tết mới ra mầm.

Nhìn qua sông sang triền lau mờ ảo, Kim hỏi mà như chẳng đợi câu trả lời:
– Phù không sợ à?
– Sợ gì?
– Sợ người Lao Chải nhìn thấy Phù với Kim ở đây…
– Không. Ai nhìn thấy Kim thì cũng làm như tôi thôi. Kim à, đừng dại thế nữa, nhé. Mình như cây rừng ấy, cây nào khoẻ mới sống được. Đã sống bằng này rồi, sao lại muốn từ bỏ…
– Mình không còn mẹ nữa rồi, Phù ơi! Không còn mẹ là không biết sống thế nào nữa rồi…
– Đừng dại miệng thế. Không còn mẹ nhưng còn…

Giọng Kim bất chợt vội vã, thảng thốt:
– Còn ai? Còn ai? Phù nói đi. Phù dám nói không? Phù nhìn hai bàn tay mình đây này, hai bàn tay này đứt bao nhiêu vết, chảy bao nhiêu máu. Máu mình cũng đỏ như máu người Dao người Tày Lao Chải, không phải màu đen như người ta ác miệng nói đâu. Phù không tin à? Cho mình mượn con dao, lấy máu ra cho Phù xem…
– Không! Kim…
Phù giữ chặt con dao ở trong bao, giật tay Kim ra. ánh trăng sáng quá, không trốn đi đâu được. Mặt Phù đã trắng bệch từ lúc nào lộ ra dưới ánh trăng. Kim quay mặt đi, thật không muốn nhìn thấy Phù như thế này tí nào.
Gió từ sông thổi vào, từ suối thổi ra, gió mang mùi cỏ tranh cháy mằn mặn, nồng nồng. Hai người ngồi giữa hai luồng gió. Kim bỏ khăn ra, xoã tóc cho khô. Từ người Kim phả ra một thứ mùi thơm nồng như mùi quả bướng chín rụng, Phù thấy rát cánh tay để trần gần với người Kim. Cá chép sục vào gốc sung tìm chỗ đẻ, quẫy ùng ục ngay dưới chỗ hai người ngồi. Ngày bé, đêm nào Phù theo bố đi đặt đó cũng chạy qua nhà Kim gọi một câu, Kim rất thích đi theo hai bố con Phù. ở chỗ này, Kim đã suýt chết đuối vì trượt chân, rơi xuống cái hõm bị nước quẩn, xoáy vào gốc cây sung. May mà túm được đám rễ sung chứ không thì đêm ấy Phù nhảy xuống theo Kim, trôi đi tận đâu rồi.

Hai gò má Kim ánh lên màu xanh, đôi mắt lấp lánh nhìn trân trân ra mặt nước mênh mông. Hình như Kim lạnh, Phù thấy Kim so vai, rùng mình. Phù cởi áo:
– Lạnh à?
Không có trả lời, chỉ thấy tiếng xuýt xoa im bặt.
– Mặc áo của tôi nhé… Tôi đi ra đằng kia cho Kim thay áo…
Phù đặt áo lên vai Kim, đứng dậy, định đi. Kim ném cái áo của Phù xuống đám cỏ ướt, gắt lên:
– Không cần!

Phù lúng túng ngồi xuống, không mặc áo mà cởi trần. Cái áo Kim đang mặc mỏng quá, ướt nước nên dính chặt vào người. ánh sáng mờ mờ đủ cho Phù nhìn thấy thân hình tròn lẳn của Kim, hai bờ vai cũng tròn, hằn dưới áo. Năm nay Kim mười tám tuổi, bằng tuổi Phù. Đắn đo một lúc, Phù cầm cái áo của mình khoác vào vai Kim. Mu bàn tay vô tình chạm phải cái cổ để trần trắng muốt, Phù giật bắn mình. Có cái gì râm ran bứt rứt như kiến đốt từ gáy xuống tận gót chân, cổ họng khô rát, muốn vục mặt xuống dòng nước kia mà uống cho thoả thuê. Kim ngồi im như bị ghim chặt, hình như không thở. Phù đã ngồi gần Kim đến nỗi cảm thấy mấy sợi tóc mềm bay phơ phất chạm vào mặt mình, nghe thấy tiếng đập thình thịch từ lồng ngực Kim, cảm thấy hơi nóng từ người Kim đang đốt cháy những chỗ da thịt hai người sắp chạm vào nhau. Một tí nữa thôi, một cái nhích người của Phù nữa thôi. Phù căng cứng lên, cố kìm lại cơn thúc dục vô hình đang bóp chặt ý nghĩ mình, đầu óc sắp nổ tung ra rồi, nhưng chân tay Phù cứng như cành cây khô, không thể ngọ nguậy được. Phù nghe rõ tiếng Kim thở gấp gáp, như người bị tức ngực, hơi thở phả ra mỗi lúc một nóng, bỏng rẫy… Mặt trăng đầu tháng chầm chậm trôi xuống đỉnh quả núi nhọn như mũi tên bên kia sông. Đúng lúc Phù run rẩy đưa đôi tay đang kẹp chặt giữa đùi ra, định chạm vào đâu đó trên cục than đang hừng hực ngay cạnh mình thì Kim đứng bật dậy, tay Phù buông thõng. Giọng Kim lạc đi:
– Về thôi, Phù. Muộn rồi. Về ngủ mai còn đi làm sớm.

Phù líu ríu bước sau Kim. Hai bàn tay không giấu đi đâu được. Hai bàn tay như không phải của mình, nó không nghe theo ý mình rồi.
Ngọn đèn bão vẫn còn treo ở cửa, Phù khẽ khàng dội nước rửa chân rồi đi từng bậc lên nhà. Lấy cái đèn bão xuống, mang vào theo. Phù giật mình, bố vẫn đang ngồi bên bếp, chân khoanh tròn, bên cạnh là chai rượu vơi một nửa.
– Bố chưa đi ngủ à?
– Chưa. Đợi thằng con trai út về để hỏi chuyện đây.
– Chuyện gì thế bố? Bí thư đoàn xã đến tìm con à? Vừa hỏi Phù vừa ngoắc cái mũ nồi ướt sương lên cái đinh trên cột cạnh bếp, mắt không nhìn bố.
– Ngồi xuống đây. Uống rượu thì tự rót lấy. Mày vừa ở sông về phải không?
– Con…
– Tao ngửi thấy mùi nước sông mà. Phù à, có nhớ mày mang họ gì không?
– Nhớ…
– Nhớ thì được rồi. Họ Nông ở Lao Chải xưa nay chưa có ai làm bẩn dòng họ, mày là đời thứ chín đấy nhé. Tự biết lấy việc gì nên làm, không nên làm…

Phù đi ngủ. úp cái áo ướt sương đêm vào mặt. Cái áo còn lưu lại mùi cay cay nồng nồng của dòng sông, mùi bướng chính nẫu từ cơ thể Kim. Bóng đêm đen đặc thế mà Phù lại nhìn trong cái áo thấy rõ một mảng cổ bị ánh trăng nhuộm thành màu xanh, thấy hai bờ vai tròn đầy nóng hổi. Bố vẫn chưa đi ngủ, gà đã gáy rồi. Mùi rượu ngâm tắc kè với củ hoàng tinh quẩn quanh từ ngoài nhà vào trong buồng, đặc sền sệt. Hình như bố đã cố nín nhưng vẫn không ngăn được cơn ho đang đến trong cổ, cái bóng cao lớn nhưng đã còng xuống như một cái cây đeo quả nặng, in trên vách, vẹo vọ.

Cuộn trong chăn, duỗi hai chân ra, để cho cơn buốt từ đâu đột ngột tới lắng dần xuống. Giá mà Phù đổi được một ít tuổi trẻ, một ít sức lực cho bố được vững vàng trở lại có phải tốt biết mấy không. Giờ thì chẳng biết lúc ngồi với Kim ngoài bờ sông vẫn kìm được, chưa để cho nỗi khát thèm cháy bùng lên là đúng hay sai. Chính bố là người đã kể cho Phù nghe về mẹ con Kim, người con gái vừa dứt ra khỏi Phù như dứt một cái cúc ra khỏi tấm áo, bố chẳng hề giấu diếm nỗi ngờ vực của bố dành cho Phù.

Phù là con trai út, đứa con thứ mười ba. Đến Phù, bố mẹ phải nghĩ một tuần mới đặt được tên để không trùng với anh em họ hàng. Dạy đứa con trai trong một gia đình có mười ba người đàn bà thì đúng là khó thật. Dạy mãi, dạy mãi, thế mà để nó làm việc gì cũng vẫn chưa yên tâm. Bố Phù lo nhất là đứa con trai này sinh ra ban ngày, xung quanh nó chỉ có đàn bà, lớn lên trong một gia đình toàn đàn bà, sau này cũng như tàu lá chuối hơ lửa thì bỏ đi. Họ Nông ở Lao Chải đời nào cũng đông con trai, thế mà đến đời bố Phù, con trưởng lại chỉ được một đứa. Lúc Phù ra đời, tóc trên đầu bố đã bạc gần hết, mang khẩu súng kíp vào rừng không dám chắc bắn trúng con mồi nữa rồi.

Mẹ đã dậy làm cơm sáng. Từ ngày chị gái cuối cùng đi lấy chồng, mọi việc trong nhà lại dồn vào tay mẹ. Lưng mẹ đã còng, mang mấy cành củi từ dưới gầm sàn lên bếp vừa đi vừa thở. Mẹ giục bố bắt thằng con trai út lấy vợ, bố vẫn chưa nói chuyện ấy với Phù.

Gộc củi ngun ngún cả đêm, chỉ cần cho mấy thanh nòm vào là thổi bùng lên thành ngọn lửa. Lửa tí tách reo, chỗ đầu cành chưa khô hẳn bọt trắng phun ra xèo xèo, cành trúc con vỡ lốp đốp. Cái gác bếp có bốn tầng, bồ hóng nhuộm đen. Tầng dưới cùng đang sấy một lượt chuối đã bóc vỏ, bổ đôi. Chuối để làm bánh phải sấy trước rằm độ hai ba tháng, bao giờ miếng chuối quắt lại như cái lưỡi mèo thì được. Tầng thứ hai sấy đậu đũa, vụ vừa rồi để lại làm giống, quả nào cũng vừa dài vừa to, cả xóm ai cũng dặn để cho một ít cùng trồng vụ tới. Tầng thứ ba để mấy cái xoỏng đựng hạt giống thảo quả, ớt khô, một đôi sừng bò, hương liệu làm các loại bánh. Tầng trên cùng, chạy suốt từ chái bên này sang chái bên kia, áp mái nhà là ngô bắp chưa bóc vỏ, nếp cum và lúa tẻ trong bao. Người đàn bà sống trong thung lũng chật hẹp không có ước muốn gì hơn là bữa nào nồi cơm trên bếp cũng sôi lục bục. Được như thế đã là nhiều quá, đã là niềm mơ ước bao đời nay của người Lao Chải rồi. Mọi thứ gắn với mỗi ngày của bà Mẩy đều từ cái gác bếp này mà ra. Cái gác bếp cùng với bàn thờ là một trong những thứ phải nhớ đầu tiên khi làm nhà mới. Bàn thờ để cho đàn ông, gác bếp để cho đàn bà. Đàn bà không được thắp hương, không được bưng mâm thờ cúng tổ tiên, trời đất, cũng như đàn ông không bao giờ xếp những quả chuối hay vài quả đậu làm giống lên gác bếp. Cái gác ở trên bếp, quanh năm, mùa hè cũng như mùa đông, lúc nào cũng chỉ có chỗ ở trên bếp, bên trên lửa, bên trên khói. Người đàn bà cũng biết chỗ của mình ở dưới bếp. Nhà có khách không được lên nhà, không được ăn cơm cùng chồng. Trong nhà lúc nào cũng có hai cái mâm. Mâm to dành cho chồng mời khách, mâm bé để vợ ngồi cùng với các con, ăn riêng.

Ngày đầu tiên cái bếp này được nhóm lửa lên, lửa bám vào mấy thanh kiềng cũng là ngày mẹ chồng bà Mẩy mang một ống mẻ vào dựng cạnh bếp, chỉ mong sao họ Nông ở Lao Chải con cháu sinh sôi nảy nở nhiều như con cái mẻ. Điều làm bà Mẩy cảm thấy nặng nợ nhất với gia đình chồng chính là ở đây. Mẻ ở trong ống từ ngày bà về làm dâu không khi nào hết, vơi lại đầy, vừa trắng vừa thơm, nhưng cố mãi, cố mãi, bà cũng chỉ sinh được mình Phù là con trai. Khi Phù ra đời, tóc trên đầu hai vợ chồng bà đã bạc, đứa cháu ngoại đầu lòng đã lên bảy tuổi. Cặp vú trong ngực áo bà đã quắt lại như hai miếng mướp khô, đến cả sữa cho Phù ăn cũng chỉ có đến tháng thứ hai là cạn. Sau Phù bà không sinh nở được nữa. Không chỉ cặp vú mà cả cơ thể bà đã khô quắt lại rồi, những ngón tay cũng bé lại, móng thì to ra. Bà trông Phù lớn từng ngày, có mình Phù nên nó lớn đến đâu bà lo đến đấy. Ngày ấy không kịp có thêm Phù thì đến lúc chết chắc bà cũng không nhắm được mắt, có khi phải xin họ hàng đừng chôn mình trong rừng mả họ Nông. Người Tày ở Lao Chải không như nhiều nơi khác, đàn ông chỉ lấy một vợ, trừ khi vợ chết, nếu không cả đời, khổ mấy cũng không lấy vợ khác.

Quanh cái bếp nóng rừng rực mấy ngày nay đang sấy thịt bò. Con bò tơ lần đầu tiên mang lên nương tập cày, hăng tiết gây sự với bò hàng xóm, đánh nhau lồng lên lao xuống vực, chết. Bò chết thì phải mổ. Con bò lưng to như tấm phản, thịt bày ra kín mấy cái mẹt chưa hết. Chia cho mỗi nhà một miếng, còn lại đem sấy làm thịt bò khô. Từng miếng một, dài ba gang tay, tẩm thuốc chống thối, đem vắt lên cây, treo quanh bếp. Phơi đến bao giờ bẻ thành miếng được thì đem cất. Thịt bò sấy khô như thế thì để một năm, hai năm cũng không lo hỏng.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button