Văn học trong nước

Bói Kiều Như Một Nét Văn Hóa

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phạm Đan Quế

Download sách Bói Kiều Như Một Nét Văn Hóa ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Năm 1990, cùng với việc viết quyển Truyện Kiều đối chiếu, chúng tôi đã hoàn thành một chuyên luận khác về Truyện Kiều: TRONG NỀN VĂN HÓA KIỀU đề cập đến các hình thức văn hóa mà kiệt tác đã đóng góp vào nếp sinh hoạt tinh thần của nhân dân ta. Nhưng do những khó khăn khách quan trong thời kỳ đó cũng như trong việc xuất bản, chỉ chọn in một ít trong phần đầu của chuyên luận và cuốn BÌNH KIỀU, VỊNH KIỀU, BÓI KIỀU được ra đời, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1991.

Năm 1994, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin cho in tập thứ hai: TẬP KIỀU – MỘT THÚ CHƠI TAO NHÃ.

Và mãi 10 năm sau đến năm 2000, chuyên luận TRONG NỀN VĂN HOÁ KIỀU của chúng tôi mới ra mắt quý vị độc giả được đầy đủ bằng việc Nhà xuất bản Văn học cho ra đời tập thứ ba: TỪ LẨY KIỀU, ĐỐ KIỀU… ĐẾN CÁC GIAI THOẠI VỀ TRUYỆN KIỀU

Từ bấy đến nay sách đã được tái bản nhiều lần. Trong những hình thức hoạt động văn hóa Kiều, bói Kiều và đố Kiều vốn được nhân dân ta rất ưa chuộng với những biểu hiện thực phong phú và đa dạng. Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, lần này chúng tôi xin đi sâu vào hai lĩnh vực này và giới thiệu với quý vị độc giả hai quyển sách mới được biên soạn về BÓI KIỀU và ĐỐ KIỀU.

Xin được nói đôi điều về quyển thứ nhất này: BÓI KIỀU NHƯ MỘT NÉT VĂN HÓA.

Bói là đoán việc đã qua hay sắp tới, thường là việc sống chết, may rủi của con người, theo mê tín. Không chỉ có như vậy, bói toán – một cách nói khái quát của bói – hay đồng cốt đều thuộc lĩnh vực tâm linh lại là những hình thức của mê tín dị đoan. Nếu mê tín là tin một cách mù quáng vào thần thánh, ma quỷ, số mệnh, và những điều huyền hoặc thì mê tín dị đoan còn là tin những điều quái lạ, huyền hoặc do tin nhảm mà có. Chính vì có nhiều kẻ đã lợi dụng đầu óc mê tín dị đoan của người dân để kiếm lợi, làm nhiều người khuynh gia bại sản, nên bói toán nói chung không được thừa nhận. Nói về bói toán, đồng cốt, Nguyễn Du cũng đã viết một câu rất chí lý lấy từ kinh nghiệm dân gian và được đưa vào ý nghĩ của Thúc Sinh:

Chẳng qua đồng cốt quàng xiên,[1]

Người đâu mà lại thấy trên cõi trần!

Với việc bói Kiều thì có khác. Khi ta gặp khó khăn, Truyện Kiều nhiều lúc đã có thể vừa an ủi ta về mặt tinh thần, vừa giải đáp được những lo âu thắc mắc lại hướng dẫn ta ít nhiều trước các ngả đường cần lựa chọn hoặc mở ra một hướng nào đó trong tương lai. Ta tự mình đặt ra những câu hỏi, những vấn đề rồi lại tự mình thành tâm xin quẻ theo một quy tắc nhất định trong việc bói Kiều để tự phán đoán, tự đoán quẻ cho mình. Hoặc cũng có khi là những người trong gia đình hay giữa những người thân bói Kiều cho nhau, hoàn toàn thành tâm không vụ lợi (Xem ở Phần thứ ba). Vì vậy bói Kiều là một nét văn hóa ngày càng thu hút được sự quan tâm của quần chúng. Đó cũng là điểm đặc biệt mà chỉ Truyện Kiều mới có được. Quyển BÓI KIỀU này gồm 3 phần:

I. Bói Kiều, một nét văn hóa

II. Đáp án 18 đề mục bói Kiều trong dân gian.

III. Bói Kiều qua thơ văn sách báo.

Ngoài ra trong sách cũng cho in đầy đủ văn bản Kiều trong quyển TRUYỆN KIỀU mà chúng tôi lược chú do Nhà xuất bản Thanh Niên in năm 2003 để quý vị độc giả tiện dùng theo cách bói Kiều thông thường như chúng tôi sẽ nói ở cuối Phần thứ nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 9 năm 2004

PHẠM ĐAN QUẾ

[1] Để bạn đọc dễ tra cứu, chúng tôi ghi số thứ tự trước các khổ thơ Kiều, nếu có thể.

ĐỌC THỬ

Phần thứ nhấtBÓI KIỀU, MỘT NÉT VĂN HÓA

I. ĐÔI ĐIỀU VỀ BÓI KIỀU

1. Trước hết xin lướt ít dòng về việc bói toán. Trong cuộc sống luôn biến đổi, người ta dù giàu, dù nghèo, sang hèn hay quyền cao chức trọng, cuộc sống ai mà chẳng có lúc gặp khó khăn. Nhân dục vô nhai, ước muốn của con người là vô cùng, được vật chất thì thấy thiếu về tinh thần và ngược lại. Dù tạm ổn cả về hai mặt ấy thì đòi hỏi của con người cũng ngày một cao hơn: danh lợi, tình yêu, tuổi thọ… Ai cũng muốn mình được sung sướng hơn, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn từ đó nảy sinh mơ ước. Khi vấp váp thì muốn biết căn nguyên, khi mơ ước thì muốn tìm hiểu diễn biến tương lai và con người luôn luôn phải đứng trước nhiều ngả đường để lựa chọn. Ngoài ra, trong xã hội làm sao hết được bất công. Con người vốn sinh ra bình đẳng nhưng mỗi người lại ra đời trong một gia đình cụ thể với những đặc điểm riêng về thể chất, tính cách, năng khiếu… và đâu phải hễ có tài là được hưởng phúc. Mấy ai lại được Chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai. Vả lại: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần. Luật thừa trừ, luật nhân quả, thuyết tài mệnh tương đố là những thực tế của cuộc đời.

Rồi còn biết bao nhiêu điều bất ngờ trong cuộc sống. Khi khoa học chưa phát triển thì con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ phải tin vào thần linh ma quỷ. Nhưng ngay cả khi khoa học đã phát triển cao thì đâu đã giải quyết được mọi bất công, làm sao đã giải thích được mọi bất ngờ trong cuộc sống.

Và người ta sẽ tìm đến ai có thể vừa an ủi được về mặt tinh thần, vừa giải đáp được những lo âu thắc mắc lại hướng dẫn ít nhiều trước các ngả đường cần lựa chọn. Ta tìm đến những người bạn tâm tình. Nhưng có phải bao giờ cũng tìm được những người như vậy, nhất là người ấy lại có thể hé cho ta ít nhiều hy vọng ở tương lai. Nghề bói toán sinh ra từ đó.

2. Các thầy bói ở ta, tuy không được đào tạo chính quy song họ cũng phải tìm tòi, học hỏi. Qua kinh nghiệm thực tiễn lâu dài hàng ngàn năm trong nghề nghiệp, họ dần dần tìm ra những cách thức để thu hút khách hàng và lẽ đương nhiên, cũng như bất cứ nghề nào khác, ở đây cũng có luật đào thải tự nhiên. Quá trình lịch sử lâu dài của nghề bói toán đã cho phép phân loại các đối tượng theo yêu cầu của từng người khi đến xem bói. Người ta đã dùng BÁT QUÁI và THẬP CAN để biểu thị và phân loại người đến xem bói theo một trong mười tám yêu cầu sau đây:

BÁT QUÁI:

1. CÀN – Niên vận: Cả năm tốt hay xấu.

2. KHẢM – Công danh: Thăng bổ sớm hay muộn

3. CẤN – Tài lợi: Tiền của dồi dào hay hao hụt.

4. CHẤN – Âm tín: Muốn hỏi tin tức của một ai.

5. TỐN – Tranh tụng: Kiện tụng được hay thua.

6. LY – Bình an: Vận nhà bĩ hay thái.

7. KHÔN – Hôn nhân: Việc vợ chồng tốt hay xấu.

8. ĐOÀI- Thương mại: Buôn bán lỗ hay lãi.

THẬP CAN:

9. GIÁP – Thiên di: Đổi dời chỗ ở êm hay động.

10. ẤT – Tật bệnh: Bệnh nặng hay nhẹ ra sao.

11. BÍNH – Khoa đồ: Thi đỗ hay hỏng.

12. ĐINH – Tử tức: Đường con cái ra sao.

13. MẬU – Xuất hành: Ra đi may hay rủi.

14. KỶ – Truy tầm: Tìm kiếm thấy hay mất.

15. CANH – Ưu tư: Lo sự lành hay dữ.

16. TÂN – Thám yết: Đi thăm có được không.

17. NHÂM – Kỹ nghệ: Nghề nghiệp lợi hay hại.

18. QUÝ – Tâm sự: Tình riêng có toại hay không.

Với mỗi loại khách hàng, người thầy bói phải có câu trả lời cụ thể qua một thời gian ngắn làm các động tác phụ trợ để nghiên cứu đối tượng và sắp xếp chuẩn bị cách “phán”. Qua kinh nghiệm thực tiễn họ thường có một loạt các phương án để trả lời theo mỗi yêu cầu kể trên: có đáp án khẳng định và đặc biệt có những đáp mơ hồ, hai nghĩa. Thầy bói sẽ tùy theo nét mặt, thái độ của thân chủ mà hướng câu trả lời về phía này hay phía kia. Nói chung câu trả lời ít có giá trị đích thực ngoài việc an ủi về tinh thần cũng như tạo cho thân chủ ít nhiều hy vọng. Kết hợp với niềm tin sẵn có cùng ý nghĩa mơ hồ của lời giải đáp, nhiều khi ta lại thấy “thầy đoán trúng”.

Nói về bói toán, Nguyễn Du đã viết một câu rất chí lý lấy từ kinh nghiệm dân gian:

Chẳng qua đồng cốt quàng xiên

Người đâu mà lại thấy trên cõi trần.

Mà trong chúng ta ai chả có lúc đã từng tự nhủ: Chẳng qua đồng cốt quàng xiên… nhưng rồi cũng có lúc lại dao động hoang mang.

Và tiếc thay tuy là đồng cốt quàng xiên nhưng đôi khi nó lại cho một kết quả đúng (Khi tung đồng xu thì khả năng sấp, ngửa là hoàn toàn như nhau – trong phép xác xuất gọi là đồng khả năng). Do đó bói toán mới khó loại trừ.

II. BÓI KIỀU CÓ TỪ BAO GIỜ

Như ta đã biết, trong Bài Tựa viết năm 1898 cho bản Đoạn Trường Tân Thanh của Kiều Oánh Mậu (in năm 1902), Tiến sĩ Đào Nguyên Phổ đã từng thắc mắc: “Ôi! Sao mà lại có văn hay làm say người đến thế? Còn một điều tôi lấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần mà xem tựa linh kinh Quỷ Cốc, là bởi làm sao?… Vì sao lại có thể làm say mê mọi người đến như vậy?”.

Có lẽ là vì dù chỉ có 3.254 câu thơ nhưng đó là quyển bách khoa thư của một vạn tâm hồn, cuốn sách của muôn ngàn tâm trạng mà ở trang nào ta cũng thấy bóng dáng của thực tiễn cuộc đời.

Chính vì vậy, người dân say mê Truyện Kiều đến nỗi không biết từ bao giờ, có ai đó đã bắt đầu việc bói Kiều, lấy Truyện Kiều làm nơi an ủi tinh thần, tìm lời giải đáp cho tương lai, cho quá khứ, cho sự lựa chọn đường đi trong cuộc sống của mình, bói Kiều trước hết là biện pháp trấn an tinh thần vậy.

Cách bói dân dã là mượn một quyển Kiều, rồi tâm niệm điều ao ước, nỗi băn khoăn và tin tưởng thành tâm (Có khi thắp hương khấn vái) đọc câu:

– “Lạy vua Từ Hải,

Lạy vãi Giác Duyên,

Lạy Tiên Thúy Kiều,

Con tên là… ở… xin được…

ba (hay mấy) câu đầu, cuối hoặc giữa trang”…

hoặc:

– “Khấn chư vị:

Thuý Kiều, Thúy Vân,

Vương Quan, Kim Trọng,

Ông bà viên ngoại,

Từ Hải, Giác Duyên,

Sống khôn chết thiêng

Xin về ứng quẻ:

Thấy hoa đừng bẻ,

Thấy trẻ đừng chơi,

Thấy quán đừng ngồi,

Mau mau chóng chóng,

Về giúp tôi bói quẻ…”

Và theo luật “trai tay trái, gái tay mặt” (đàn ông xem trang bên trái, đàn bà trang bên phải) để tìm câu ứng nghiệm. Sau khi nhận được câu trả lời, tự mình suy ngẫm, so sánh với tình cảnh thực tại của bản thân để suy nghĩ và tự đưa ra lời giải thích.

Thi pháp kể chuyện trong Truyện Kiều làm cho người kể và các nhân vật của tác phẩm hết sức gần gũi với người đọc nên những lời khấn vái trên cho thấy người bói Kiều xem các nhân vật chính diện của tác phẩm (Từ Hải, Giác Duyên, Thuý Kiều…) như những con người đã từng tồn tại trong thế giới có thực và rất gần gũi với cuộc sống. Điều này không mấy tác phẩm có được.

Trong nghề bói toán, như trên đã nói người ta cũng đã tổng kết để phân loại yêu cầu của khách hàng theo 18 loại yêu cầu. Dựa vào tâm lý người xem, các thầy bói thường chọn những câu Kiều có ý nghĩa chung chung để từ đó có thể thay đổi cách đoán định. Những cặp câu Kiều như vậy rất nhiều, các thầy bói đều thuộc lòng rồi tùy liệu đem ra sử dụng.

Chẳng hạn với yêu cầu muốn biết kết quả việc thi cử ra sao tức mục 11: BÍNH – Khoa đồ thì ba đáp án sau đây sẽ theo từng mức độ:

a) Tấm thân rày đã nhẹ nhàng

Bây giờ Kim mã Ngọc đường với ai. (Tốt)

b) Mới hay tiền định chẳng lầm

Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai (Trung bình)

c) Dắt tay vội bước vào nhà

Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau (Không tốt)…

Trong đó ngoài những câu trả lời khẳng định tốt hay xấu, nhiều câu mang tính mơ hồ, lấp lửng để người đọc tự suy luận hay ông thầy tùy theo đối tượng đến bói mà đưa ra lời giải đáp… Và ở đây chúng tôi sẽ giới thiệu một số câu tập Kiều trả lời thành 15 đáp án cho từng yêu cầu trong 18 đề mục kể trên.

Cũng đã có những phương pháp bói Kiều phức tạp hơn. Chẳng hạn gieo năm ba đồng xu rồi dùng một số biện pháp khá rắc rối mà thực chất là để lần lượt tìm ra được các con số cho phép tìm lời giải đáp bằng những câu tập Kiều. Những phép bói Kiều này chúng tôi đã trình bày trong quyển Tập Kiều – một thú chơi tao nhã hay Thú Chơi Tập Kiều. Nhưng cách làm đó chỉ làm cho việc bói Kiều có một vẻ huyền bí mà thôi.

III. CÂU KIỀU NÓI HỘ TA ĐƯỢC NHIỀU ĐIỀU

1. Những câu thơ Kiều thường có nhiều ẩn dụ nên khi vào trong câu bói Kiều, chúng như những đề án mở để người bói giải thích những linh cảm của mình. Không những chỉ là đề án mở, bản thân câu Kiều lại như có sự thu hút, mời gọi người mở. Hàng mấy thế kỷ nay người Việt Nam vẫn say sưa lý giải, đi tìm những ứng nghiệm của câu sấm Trạng Trình, chúng như được viết ra để dự báo tương lai dưới một hình thức đầy vẻ huyền bí. Tự bản thân những câu sấm đã mang tính chất mời gọi người đời sau dùng kiến thức, kinh nghiệm để lý giải… Kinh dịch có 64 quẻ nhưng thực ra là 64 ký hiệu với một ngôn ngữ mang tính khái quát nhiều khi mơ hồ đã khiến cho “Kinh dịch trở thành lời đoán quẻ cho nên ngữ nghĩa khá mơ hồ chung chung như mọi lời bói của bất kỳ môn bói nào” (Nguyễn Duy Hinh, Chu dịch phổ thông). Và những câu Kiều khi được đưa vào bói Kiều cũng mang tính chất như vậy. Bói Kiều cũng là một cách đọc Truyện Kiều tuy với ít nhiều mê tín dị đoan.

Trong quyển Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi đề cập đến cảm tình của bình dân đối với Truyện Kiều dẫn đến việc bói Kiều, Hoài Thanh đã viết:

“… Những tình, những cảnh trong đời Kiều cũng là những tình, những cảnh trong đời họ. Cái việc Kiều phải hy sinh tình ái vì cha không xa gì bao nhiêu chuyện gả bán ngày xưa, cái việc Kiều lâm vào cảnh tôi đòi, bị chủ nhà hành hạ lại càng không xa với những cảnh đời trước mắt. Nói rộng ra, người bình dân thấy cuộc sống diễn ra muôn hình, vạn trạng trong Truyện Kiều cũng như trong thực tế. Truyện Kiều là cả một thế giới. Vô luận trong cảnh ngộ nào, họ cũng thấy có một vài câu Kiều hợp cảnh. Họ không làm những bài tập Kiều như các nhà nho. Nhưng với họ những câu thơ Nguyễn Du cũng đã vượt ra ngoài phạm vi câu chuyện nàng Kiều và đi vào cuộc sống xã hội. Những câu diễn đạt một chân lý thông thường biến thành tục ngữ, điều ấy đã đành. Cả những câu diễn tình, diễn cảnh đáng lẽ phải dính chặt với thân thế người trong truyện cũng muốn lìa tình cảnh riêng của Thúy Kiều để gia nhập cái vốn từ ngữ chung của dân tộc. Những câu như:

Tông đường chút chửa cam lòng,

Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai.

Hay là:

1247. Vui là vui gượng kẻo là,

Ai tri âm đó mặn mà với ai.

Người ta vẫn nhắc lại luôn mà nhiều khi cũng không còn nhớ là từ đâu ra. Chỉ bước thêm một bước là đến cái chuyện bói Kiều trong đó những câu Kiều không còn dính líu gì với câu chuyện nàng Kiều nữa. Điều này rất đáng cho ta suy nghĩ. Một câu thơ của Coóc-nây (Corneille), của Ra-xin (Racine), trừ những câu diễn đạt một chân lý thông thường, không mấy khi tách hẳn ra ngoài nguyên tác. Có lẽ cũng bởi quan niệm về cá nhân rất sắc, rất chặt chẽ trong văn học phương Tây…”

2. Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết câu chuyện tình trắc trở giữa Lan và Điệp trong tác phẩm Tắt lửa lòng, đã chọn đầu đề từ câu Kiều:

Sự đời đã tắt lửa lòng,

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!

Bởi Kiều đi tu, Lan cũng đi tu và đều tưởng đã: Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên (câu 1932).

Mối tình tan vỡ giữa Mai và Lộc được nhà văn Khái Hưng đưa vào cuốn tiểu thuyết nhan đề Nửa chừng xuân là từ câu Kiều viết về Đạm Tiên:

Kiếp hồng nhan có mong manh,

Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương.

Rồi còn có: Truyện ngắn Con người Sở Khanh (Phạm Duy Tốn- 1919), Châu về Hiệp phố (Phú Đức- 1926), tập thơ Mây Tần (Nguyễn Bính – 1942)… và cuốn tiểu thuyết Nhạt tình của nhà văn Mạnh Phú Tư viết năm 1941 với câu đề từ mở đầu sách:

Mặn tình cát luỹ, nhạt tình tao khang (câu 1480)

Chỉ trong hơn một chục năm trở lại đây từ những năm 90 của thế kỷ 20, đến nay đã có gần hai chục quyển sách mới xuất bản có nhan đề được lấy từ những câu Kiều như: Những điều trông thấy (Tập thơ trào phúng, đả kích của Bảo Định Giang- Hội Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản, 1992), tập thơ Gươm đàn nửa gánh (Lê Tú Lệ – NXB Trẻ, 1996), Đốt lò hương ấy (Bảo Định Giang – NXB TP. Hồ Chí Minh, 1997)… Rồi tập truyện ngắn Dẫu lìa ngó ý (Nguyễn thị Minh Ngọc – NXB Trẻ, 1998), Ai tri âm đó (Nguyễn Thị Minh Ngọc – NXB Trẻ, 1998), Chân trời góc bể (Nguyễn Dậu – NXB Hà Nội, 2000). Các tập phê bình tiểu luận Lời quê góp nhặt (Nguyễn Thụy Kha – NXB Hội nhà văn 1999), Lời quê chắp nhặt (Nguyễn Thạch Giang –NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội 2001), Vườn khuya một mình (Phê bình tiểu luận, chân dung văn học của Văn Tâm – NXB Văn hóa Thông tin 2001), Tìm hoa quá bước (Phê bình tiểu luận, chân dung văn học của Hoài Anh –NXB Văn học 2001), Của tin gọi một chút này… (Tập tạp văn của Trương Phiên – NXB Trẻ, 2002)… đến tập truyện phim của Nguyên Hồ – Một cuộc bể dâu (NXB Văn học, 1999) và tập truyện, tạp văn Nghề văn cũng lắm công phu của Nguyễn Khải (NXB Trẻ, 2003), tập chuyện tình yêu của người Việt Phong tình cổ lục của Vũ Ngọc Khánh (NXB Văn hóa Thông tin, 2004)…

Viết xong tác phẩm quan trọng nhất của đời mình là quyển Thi nhân Việt Nam, các tác giả Hoài Thanh – Hoài Chân đã trân trọng dành cả hai trang đầu tiên chỉ để ghi Lời đề từ rút từ Truyện Kiều: Của tin gọi một chút này làm ghi…

Câu Kiều nói hộ ta rất nhiều điều.

IV. VÌ SAO CÓ HIỆN TƯỢNG BÓI KIỀU

1. Sấm là những lời lẽ tiên tri đoán định xa xôi về sau, có tính bí ẩn về sự kiện lớn trong tương lai có quan hệ đến đời sống của một cộng đồng như sấm Trạng Trình. Nhưng khi cần đoán định những việc đã qua hay sắp tới, thường là sự may rủi, việc sống chết của con người thì theo mê tín người ta đi xem bói. Nhiều người hay tin một cách mù quáng vào số mệnh, thần thánh, ma quỷ và những điều huyền hoặc nên nặng đầu óc mê tín. Khi gặp được những câu Kiều có sức khái quát cao, người ta hay nghĩ đến số phận của mình và tìm thấy ở đấy một lời mách bảo về cuộc đời, về niềm tin vào cuộc sống rồi cùng với đầu óc mê tín, tin vào những suy đoán của chính mình. Truyện Kiều – qua câu chuyện của một nữ nhân vật bị vùi dập khổ đau – đã chứa đựng một nội dung hiện thực sâu sắc lại có sức khái quát được nhiều mảnh đời nên đã có sức quyến rũ kỳ lạ đối với dân tộc và dần dần đi vào đời sống tâm linh của mọi người. Qua diễn biến của câu chuyện, Nguyễn Du lại có cái nhìn rất phù hợp với quan niệm mỹ học đạo đức dân gian nên có sự gặp gỡ giữa nội dung tác phẩm và kinh nghiệm sống của độc giả, giữa số phận của nhân vật và cuộc sống của con người. Đó cũng là kết quả của quá trình chuyển hóa tâm lý của độc giả từ say mê yêu quý đến tin tưởng vào tác phẩm kỳ diệu này. Trong Truyện Kiều, những trạng thái chủ yếu của con người trong hạnh phúc và khổ đau lại được ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du thể hiện rất đa dạng, phong phú và cô đọng trong một vài câu. Chính vì vậy, những câu Kiều đã có khả năng sống một cuộc sống độc lập ngoài ngữ cảnh để hòa nhập trong một bối cảnh mới và do đó người ta đã muốn mượn những câu Kiều để nói hộ tâm trạng mình. Từ đó nẩy sinh hiện tượng bói Kiều.

2. Mà không chỉ như vậy. Vì sao có hiện tượng bói Kiều? Trước hết Truyện Kiều là tác phẩm bao quát nhiều tâm trạng, nhất là những tâm trạng vui buồn, hạnh phúc, khổ đau. Mà đời Kiều đã trải qua biết bao nhiêu cảnh ngộ trong suốt mười lăm năm lưu lạc trên một không gian thật là rộng lớn. Hai tâm trạng chủ yếu trong cuộc đời là hạnh phúc khổ đau đều đã được thể hiện rất đa dạng trong Truyện Kiều. Mà nỗi đau thì thiên hình vạn trạng, từ nỗi đau tinh thần dằn vặt tâm can đến nỗi đau thể xác bị đọa đày, biết bao nhiêu cảnh huống với biết bao nhiêu cấp độ lại thường xảy đến rất bất ngờ. Với biết bao tình cảnh, sự kiện thật đa dạng và phong phú, Truyện Kiều là quyển sách của muôn ngàn tâm trạng, những tâm trạng mang tính điển hình và cô đọng. Câu Kiều như mô tả được tâm trạng của người đọc trong từng bối cảnh cụ thể và tác phẩm như đến được tận tâm can người đọc. Trong hệ văn chương thời trung đại, Truyện Kiều với những câu thơ mang tính đa nghĩa như mở ra cho người đọc đang có những vướng mắc trong tâm tư. Qua những câu Kiều, người đọc như thấy được gửi gắm nỗi lòng riêng. Mỗi câu thơ trong kiệt tác của Nguyễn Du tưởng như đều có số phận, có cuộc đời, nên người xưa mới lấy Kiều ra để bói. Và dường như ở mỗi một độ tuổi, cùng với thời gian, người Việt Nam chúng ta sẽ hiểu Kiều theo một cách khác nhau: sâu sắc, chín chắn, bình tĩnh hơn…. qua những kinh lịch từng trải ở đời.

3. Nếu vịnh Kiều, tập Kiều, bình Kiều… dành cho người có học, những tao nhân mặc khách muốn tìm thấy ở đấy niềm đam mê của một thú chơi mà là một thú chơi tao nhã thì bói Kiều cùng với lẩy Kiều, đố Kiều lại là thú vui của người bình dân ít học, họ muốn qua những câu Kiều được dãi bày tâm sự, gửi gắm những ước mơ trong cuộc đời đầy gian truân đến vất vả lầm than của mình. Đặc biệt họ bói Kiều vì trong Truyện Kiều bao gồm cả một thế giới sống động với mọi cảnh ngộ từ vui buồn, đau khổ nhục nhã đến hạnh phúc mừng vui, từ cảnh chia ly “dâng sầu lên vạn hộc” đến hội ngộ đoàn viên… Họ thấy ở Truyện Kiều những câu thơ diễn tả mọi hỷ nộ ái ố của cuộc đời, luôn mê hoặc lòng người mà vẫn bình dân và trang nhã thanh cao. Người Việt Nam không phải ai cũng mê tín, nhưng người ta vẫn bói Kiều. Trong quyển Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, giáo sư Phan Ngọc giải thích về hiện tượng bói Kiều như sau:

“Trước hết, người Việt Nam đọc Kiều thì sợ hãi về trình độ phân tích sâu sắc, mới mẻ của tác phẩm. Anh ta bái phục sự phân tích ấy bởi vì các thao tác phân tích kỳ diệu của nó khiến anh ta cảm thấy chỉ có Kiều mới nói được cái thầm kín trong lòng anh ta. Mỗi người xem văn học là xem với tất cả kinh nghiệm sống của mình. Vô hình trung có một sự đua tài ở đây. Nếu tác phẩm chứng tỏ tác giả hiểu cuộc sống còn kém người đọc thì lập tức người đọc coi thường, trái lại người đọc sẽ bị chinh phục khi tác giả phơi bầy được tâm trạng của người đọc hay hơn chính người đọc tự phân tích mình. Trường hợp các nhà văn thông thạo về tâm lý là thế. Trường hợp Nguyễn Du còn cao hơn một bậc, dưới ngòi bút của ông, con người bị phanh phui hết kiệt, mọi bí ẩn bị bóc trần. Người đọc bàng hoàng, sửng sốt, khiếp sợ tưởng chừng như trong câu thơ có một ma lực gì, tại sao những ý nghĩ thầm kín nhất của mình mà mình vẫn cố tự che dấu ở đây lại bị bộc lộ. Lúc đầu người ta xem Truyện Kiều để giải trí. Sau đó sinh nghiện Kiều, mỗi lúc buồn, mỗi khi gặp một trắc trở trong đời, người ta lại đọc và mỗi khi đọc người ta lại phát hiện ra vô số quan hệ mới mà trước đây người ta không thấy. Người còn trẻ đọc Kiều thấy khác với khi mình đã già. Sau đó dần dần nẩy sinh sự mê tín. Thứ hai, người ta tìm thấy tâm trạng mình nên tưởng đâu trong Kiều nói được cả tương lai của mình. Thế là xuất hiện thói quen: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều xin cho con ba dòng, v.v…”.

Một quyển sách bói có hai nghĩa, nghĩa thực và nghĩa ẩn. Ta lấy quyển sách bói thông thường nhất của phương Đông là Kinh Dịch làm thí dụ. Người bói rút thăm hay xem mai rùa hay dùng một thao tác nào đấy như ném đồng tiền, qua đó anh ta quy ra điều anh ta muốn nói với một hào trong Kinh Dịch. Sau đó anh ta dựa vào cái hào này mà đoán. Ngôn ngữ trong Kinh Dịch rất kỳ quặc, toàn những câu ngô nghê không đâu vào đâu cả. Nhưng đằng sau những câu ngô nghê ấy lại ẩn nấp những quan hệ khá rộng lớn, cho phép ta căn cứ vào yêu cầu của mình để biết kết quả sẽ đạt được hay thất bại. Người bói Dịch bổ sung câu nói trong hào bằng những kiến thức thực tiễn của mình, bằng kinh nghiệm giải thích dịch của các thế hệ trước và rút ra những kết luận cần thiết. Khác với bói Kiều, công việc đơn giản hơn, nghĩa câu văn rõ hơn so với nghĩa câu văn của Kinh Dịch, nhưng trong ba câu mà ta cần bói cũng chứa đựng một quan hệ khác nằm ngoài ngữ cảnh. Ba câu ấy thường chứa đựng một tính tổng thể trọn vẹn cho phép ta kết luận về kết quả của công việc mình muốn hỏi.

Tóm lại chúng tôi đã phân tích cái quy luật tình cảm khiến người ta đi từ chỗ tìm hiểu tâm trạng của mình trong Kiều, đến chỗ bói Kiều. Tất cả đều bắt nguồn từ phong cách của Nguyễn Du, từ phương pháp phân tích tâm lý siêu việt tàn nhẫn của ông.

4. Trong bài Bói Kiều nhìn từ góc độ tiếp nhận văn học, (Tạp chí Khoa học ĐHSP – TP. HCM), Phan Công Khanh viết:

“Truyện Kiều là quyển sách của tâm trạng. Điều đáng nói là những tâm trạng ấy thường thể hiện hết sức cô đọng. Với số lượng chữ rất hạn chế, từng cặp lục bát, thậm chí từng dòng thơ Truyện Kiều có khả năng biểu đạt trọn vẹn một bối cảnh, một tâm trạng dưới dạng một câu hoàn chỉnh. Chúng có khả năng tạo một đời sống độc lập ngoài ngữ cảnh bằng cách hòa nhập vào một bối cảnh mới. Đặc điểm này cho phép bất cứ ai cũng có thể mượn thơ Kiều để mô tả tâm trạng của mình. Hoàn thành quyển “Thi nhân Việt Nam”, các tác giả đã trang trọng để lên đầu sách câu thơ “Của tin, gọi một chút này làm ghi” mà theo họ “Đọc đi đọc lại riêng lấy làm đắc ý lắm”. Những người tổng kết phong trào Thơ mới như gởi gắm trọn vẹn tình yêu, niềm tin, tâm huyết vào cái công trình “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” ấy. Một thứ “của tin” thực sự nhưng được trao tay một cách khiêm tốn: “một chút này”. Thật ra trong văn học Việt Nam (và cả văn học thế giới) không thiếu những câu thơ như vậy nhưng tập trung vào một tác phẩm như trường hợp Truyện Kiều thì quả là hiếm.

“Nhưng đó là trường hợp người đọc có thể tự do lựa chọn câu Kiều phù hợp với tâm trạng của mình trong ngân hàng chữ nghĩa của họ. Giở một trang Kiều bất kỳ để bói, sự tự do này đã bị tước mất. Làm sao người bói có thể tìm đúng địa chỉ tâm trạng của mình trong 3.245 câu thơ? Dĩ nhiên, sự ra đời của bói Kiều không thể nào giải thích trong phạm vi văn học. Chúng tôi xin bước đầu đưa ra ý kiến của mình từ góc độ nghiên cứu của đề tài.

“Theo Jakobson, để giải mã một thông điệp cần có một bối cảnh mà xét về mặt chức năng, đó là lời dẫn. Lời dẫn khác nhau có thể đưa đến những cách hiểu khác nhau. Trong trường hợp bói Kiều, lời dẫn chính là linh cảm, là tâm trạng của người bói. Trạng thái tinh thần này sẽ định hướng cho việc giải mã những câu thơ Kiều đã bị tách ra khỏi hệ thống văn bản. Trong thực tế, linh cảm của con người có thể mách bảo cho họ những gì sắp xảy ra. Và những câu thơ Kiều như một công cụ hỗ trợ có tác dụng giúp người bói giải thích những linh cảm ấy. Nếu giữa lời dẫn và câu thơ có sự ăn khớp nhất định, bói Kiều có thể đưa đến một kết quả khá chính xác. Ở trường hợp ngược lại, nghĩa là khi bắt gặp một câu Kiều không hoàn toàn phù hợp với tâm trạng mình, người bói sẽ cảm thấy khó hiểu, có thể họ phải xin một câu Kiều khác và làm tăng thêm cơ hội bắt gặp mình trong vô vàn những câu thơ Kiều. Đó là trường hợp của nhân vật Ngọc mà Ngô Tất Tố đã miêu tả trong “Lều chõng”.

“Theo chúng tôi, có thể hình dung việc người đọc tự do lựa chọn câu thơ Kiều để mô tả tâm trạng bản thân với việc bói Kiều như hai giai đoạn của một quá trình. Ban đầu, người đọc nhận thấy nhiều câu thơ Kiều có thể mô tả hoàn toàn chính xác tâm trạng của họ trong những bối cảnh cụ thể nào đó. Dần dần hiện tượng này phổ biến đến mức họ kinh ngạc, thấy tác phẩm như thấu hiểu cả tâm can của mình. Trong cuộc sống, không phải bao giờ con người cũng có thể nắm bắt được tâm trạng bản thân, nhất là khi có sự xuất hiện của linh cảm. Trong trường hợp như vậy, một thao tác ngược lại được xuất hiện, thay vì huy động trí nhớ, người ta giở một trang Kiều bất kỳ để tìm kiếm một câu thơ mô tả tâm trạng của mình. Lâu dần, sự ứng nghiệm đã hình thành bói Kiều”.

V. NHỮNG TRÙNG HỢP NGẪU NHIÊN ĐẾN KỲ LẠ

1. Bói là đoán việc đã qua hay sắp tới thường là việc sống chết hay may rủi của con người, theo mê tín. Bói Kiều là dựa vào những câu Kiều mà đoán việc cũng là một dạng mê tín. Sấm là lời dự đoán có tính chất bí ẩn về sự kiện lớn trong tương lai có quan hệ đến đời sống một xã hội, một dân tộc, theo thuật số. Sấm ký và bói toán cùng thuộc thế giới tâm linh là khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, với người theo quan niệm duy tâm. Trong thế giới tâm linh ở ta, Trạng Trình còn để lại một tập Sấm ký với mấy chục giai thoại khá hấp dẫn có chỗ đến kỳ lạ khó tin do những câu chữ trong đó có cái trừu tượng ở cả thời gian và không gian. Gần đây, ở quê hương Trạng, nội cũng như ngoại, các bô lão lại nhắc tới lời tiên tri:

Bao giờ Tiên Lãng chia đôi

Sông Hàn nối lại thì tôi lại về.

Và cho rằng hai câu này ứng với việc khơi lại con sông đào chia huyện Tiên Lãng, chiếc cầu phao mới bắc qua sông Hàn để đại biểu toàn quốc về thăm quê Trạng và đền thờ Trạng được trùng tu nhân Hội nghị khoa học Kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng năm 1985 (Tôi lại về!). Tất cả những giai thoại này đã được chúng tôi đề cập đến trong quyển Giai thoại và Sấm ký Trạng Trình.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên coi việc bói Kiều là một trò chơi xác suất, chứ không có gì thần bí cả. Nói về những cái bất ngờ thì ngay trong các câu Kiều cũng có nhiều điều kỳ lạ đến khó tin như những câu sấm Trạng Trình. Trong quyển Từ lẩy Kiều, đố Kiều… đến các giai thoại về Truyện Kiều, chúng tôi đã viết và nay xin nêu thêm: Truyện Kiều luôn luôn hấp dẫn chúng ta, luôn luôn đem đến cho ta những điều mới lạ và độc đáo. Có người quá say mê đến trở thành mê tín. Họ đã dò thử từng câu thơ trong Truyện Kiều và xem số thứ tự của từng câu. Họ đã thấy gì và nói gì? Xem bài Truyện Kiều và lịch sử dân tộc – những trùng hợp ngẫu nhiên? Trong Tạp chí Văn Hiến Việt Nam – Số 2(46)-2005 trích in ở cuối sách.

VI. VỀ QUYỂN BÓI KIỀU NHƯ MỘT NÉT VĂN HÓA.

Bói hay bói toán vốn là một vấn đề rất nhạy cảm, thường không được chấp nhận, bởi phần nhiều nó mang tính mê tín dị đoan, lại hay bị người ta lợi dụng. Nhưng như trên đã trình bày, bói Kiều không những chỉ là một nét văn hóa, mà lại là một nét văn hóa độc đáo mang nặng tính dân tộc vì trên thế giới có lẽ ít có trường hợp nào mà một tác phẩm có thể đi sâu đến tận mọi tầng lớp quần chúng nhân dân mình đến thế. Lần này, chúng tôi mong gửi đến quý vị độc giả một quyển sách về bói Kiều mà chúng tôi đã ấp ủ từ mười lăm năm nay. Trước hết chúng tôi xin được nêu ở đây hai điểm:

1. VĂN BẢN VÀ LỜI CHÚ GIẢI

Chúng tôi dựa vào văn bản Truyện Kiều của những nhà chú giải như Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, Tản Đà, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, Nguyễn Thạch Giang… chọn lấy những chữ thông dụng nhất mà không cần quá câu nệ để có một bản Kiều phổ thông.

Về dấu câu: Truyện Kiều vốn là tác phẩm thời trung đại với cách viết chữ Nôm không có dấu câu như của chúng ta ngày nay. Tác phẩm gồm hàng trăm đoạn liền mạch, không đứt quãng không cần phân chia theo từng hồi, từng lớp, từng chương mục nhưng vẫn hết sức gắn bó, như một kỳ công tuyệt xảo không thể nhận ra những mối nối ở bất cứ chỗ nào. Vì vậy đúng ra không nên phân đoạn Truyện Kiều như Tản Đà đã làm. Vả chăng xem lại bản Kiều của các tác giả nêu trên, mỗi nhà chú giải lại chia theo một cách vì giữa hai đoạn thường có một hay hai khổ thơ nối – vừa tiếp ý đoạn trước, vừa dẫn mở đoạn sau nên tách ra đưa vào trước hay vào sau đều được, mà cuối cùng đưa vào đâu cũng khó mà ưng ý. Tuy biết thế, nhưng để bản Kiều được phổ thông, chúng tôi vẫn tìm cách chia bản Kiều này thành 55 đoạn với 3 phần cho dễ hiểu. Chúng tôi cũng đánh dấu câu lại toàn bộ tác phẩm: Đoạn đối thoại được để trong ngoặc kép sau dấu hai chấm tiếp gạch ngang (:– “… “… “… … ”), và để dấu mở ngoặc (“) đặt ở trước mỗi câu của lời thoại, kết thúc bằng dấu đóng ngoặc (…”). Đoạn độc thoại thì không có dấu gạch ngang sau dấu hai chấm (: “… …”), còn dấu mở ngoặc, đóng ngoặc chỉ có ở đầu và cuối đoạn. Tuy nhiên, nhiều chỗ chúng tôi vẫn cảm thấy lúng túng và chắc chắn còn có nhiều sai sót, rất mong quý vị thông cảm và sẵn lòng chỉ bảo cho.

2. NỘI DUNG QUYỂN SÁCH VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM BÓI KIỀU.

Chúng tôi chọn một số bài đã từng in trên sách báo gồm 6 bài thơ, một đoạn tiểu thuyết, mấy bài viết về bói Kiều trong sinh hoạt và chiến đấu mong giúp bạn đọc có một cái nhìn tương đối cụ thể về từng trường hợp. Những bài trích này được in ở Phần thứ ba cuối sách. Chúng tôi cũng xếp khoảng 150 trang văn bản Truyện Kiều ở giữa sách để khi bói chúng ta có thể dùng cả 2 cách là: cách bói thông thường dựa vào mấy câu Kiều khấn được và cách bói theo 18 mục mà các thầy bói thường dùng.

* Trước khi bói Kiều bạn đọc nên đọc những bài viết ở Phần III cuối sách để biết người ta đã bói Kiều và đoán quẻ như thế nào.

* Cách thông thường nhất để bói Kiều là xin quẻ rồi tự mình nghiền ngẫm với hoàn cảnh của mình mà đoán định tương lai theo quyển Truyện Kiều in ở giữa sách này. Nếu cảm thấy khó hiểu hay có điều nghi ngại thì có thể xem cả đoạn hoặc bói lại.

* Sau đây chúng tôi giới thiệu những câu tập Kiều đã được các nhà bói toán sử dụng để trả lời cho 18 đề mục đã trình bày ở trên (Mỗi đề mục – có in ở Mục lục – đều có 15 đáp án).

Thí dụ, hỏi về việc hôn nhân, vợ chồng tốt hay xấu, thì tra mục 7. Khôn. Nếu xin được quẻ thứ hai thì đáp án thứ hai là:

Rằng hay thì thật là hay

Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương

Nếu được quẻ thứ năm thì đáp án là:

Quản bao tháng đợi năm chờ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai …

Trường hợp muốn hỏi việc đi thi đỗ hay trượt, ta lại xem mục 11. Bính, Khoa đồ. Nếu được quẻ thứ tư thì đáp án là:

Kim từ nhẹ bước thanh vân

Hoa xuân đương nhuỵ ngày xuân còn dài

Nếu được quẻ thứ 11 thì đáp án là:

Nghe lời sửa áo cài trâm

Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau…

* Ngày nay trong thời đại của Công nghệ thông tin, bói Kiều đã cũng được đưa lên mạng Internet, như ở Vietshare.com…, trong đó người xin quẻ nhấn chuột vào một vòng bát quái (một thái cực đồ hay tiên thiên bát quái viên đồ) chuyển động quay tròn để tìm ra quẻ muốn có. Ở đây Truyện Kiều đã được chia thành 88 mục, mỗi quẻ là một đáp án với 4 câu Kiều, thuộc từng mục trên, rồi người xin quẻ cũng tự mình đoán định tương lai cùng những điều mình ao ước dựa trên 4 câu Kiều tìm được. Nếu cảm thấy khó hiểu hay có điều nghi ngại thì có thể xem cả đoạn…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button