Văn học trong nước

Bánh Trái Mùa Xưa

download-sach-banh-trai-mua-xua1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Ngọc Tư

Download sách Bánh Trái Mùa Xưa ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời Giới Thiệu

Thân thương như tên gọi, “Bánh trái mùa xưa” đầy ắp cảm xúc và những lời thủ thỉ. Tác giả kể về đầm, về đất, về nhà, về sông, về gió… nhưng trong tất cả những thứ được gọi bằng tên đó, có nhiều thứ không thể gọi thành tên. Bởi nó là tình yêu, là kỉ niệm, là những thứ vô hình không nắm bắt được.

Trong “Của nước và gió”, có đoạn “ Người ta sống trên nó, rửa chân và vất rác lên nó nhưng quên lãng nó. Và một buổi sáng mở cửa sau, sông bỗng tràn đầy trong mắt. ”. Đâu dễ gì quên được thiên nhiên, như là hơi thở, như là tình yêu vậy. Trong “Khoảnh khắc của hoa quỳnh ” là sự tiếc đất, tiếc người, để rồi giữa con người và thiên nhiên, giữa cái hữu hình và vô hình, tác giả đứng trước một sự đổi thay đành thốt lên: “ Như là tôi vừa chứng kiến xong một cuộc hoa quỳnh nở, rồi tàn nhanh, mang theo một vẻ đẹp tuyệt tích .”. Trên “Xe miền Tây” cũng khác, cũng đáng để yêu: “ Thôi thì chân chất, ừ thì quê mùa … miền Tây mà, vẫn hoang dã vẫn xa xôi. Đây không phải Sài Gòn, Hà Nội, đây là một thế giới khác rồi. Thế giới mà người ta vẫn còn mua bắp luộc, bánh mì ở bến xe đem về xứ làm quà, trẻ con vẫn reo mừng tở mở … Những người miền Tây quăn queo lam lũ thật thà này, bolero này, dầu gió này mình không bao giờ gặp trên những chuyến bay …”.

Đôi khi đằm thắm, đôi khi cà tửng với lối viết kiểu đặc trưng người vui tánh mà thâm sâu Nam bộ, trong “ Ông Cà Bi ở Xẻo Quao ”, triết lý sống cũng được đề cập tới. Đời này không biết ai tội nghiệp ai. Người giàu tội người nghèo hay người nghèo tội người giàu. Cái sướng thì không ai giống ai, chớ cái khổ thì giống cả: sợ mất của, sợ già, sợ chết. Ông Cà Bi quan điểm, sướng là không nhiều tiền của, bởi “ Có tiền nhiều giống như có con vợ đẹp, mắc công giữ …”.

Mỗi khi được đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, như được sống lại với chính mình và những nơi “nhớ đầy”.

ĐỌC THỬ

Rạch Rập

Tên thì rõ ràng là rạch, nhưng đoạn chảy gần chợ người ta lại gọi kinh, và dòng chảy bị bóp nghẹt bởi hai dãy nhà sàn san sát. Rạch Rập chảy sâu về phía Nam thì rộng dần ra, qua những ruộng vườn xanh ngắt nghe trẻ con rủ nhau tắm sông tụi bây ơi .

Hồi tôi bảy tuổi, đó là con sông rộng nhất trần đời. Nhất là những buổi chiều tần ngần nhìn ông ngoại chống xuồng đưa má qua sông, rồi má một mình lội men theo bờ ruộng lên lộ xe, đi thêm gần chục cây số nữa, là đến nhà. Cái tổ đó tôi chui rúc cho đến năm bảy tuổi, cái tuổi cần tới trường mà ngoảnh đi ngoảnh lại trường nào cũng xa, đường nào tới chữ cũng bị mưa nhấn chìm ngoi ngóp. Má đưa tôi về ở với ngoại, trường học cách nhà ngoại chỉ một mảnh vườn, còn gì tiện bằng. Chủ nhật tôi tha thẩn chạy chơi ở đâu cũng ráng dỏng lỗ tai ngóng bên sông coi có ai kêu ới lên không. Phía đó lao xao có nghĩa là má vô thăm, có khi đi cùng ba, cùng anh hay chị. Buổi má ra về, chắc thấy nắng úa dần trên đám lá dừa nước trước nhà ngoại chưa đủ cho tôi mủi lòng, mấy con bìm bịp còn đem rải tiếng kêu rầu rĩ lên mặt sông đang đầy cho buổi tiễn đưa sầu sâu thêm nữa.

Chắc hồi ấy tôi hơi buồn, nên ký ức về sông Rạch Rập cũng khoác một vẻ buồn thẳm suốt. Với những rặng dừa nước, những cây bần, cây vẹt mọc nghiêng nghiêng chểnh mảng ven bờ. Những hàng đăng đó lơ phơ chồi sậy, những cái vó cất gác chếch lên hóng gió sau một đêm sũng nước. Những chiếc ghe hàng bông neo lại bên rặng mắm nấu cơm chiều om lên vài lọn khói còm nhom. Hai bên sông nhà cửa lưa thưa, núp ló sau những bụi rậm mọc hoang những ô rô, chùm gọng, ráng, choại…

Sông buồn đến có thể ngửi được, khi ngồi ngoài bến. Thoảng trôi lại mùi của những cái bập dừa ngâm trong nước lâu ngày, mùi lá ráng mục nát, mùi sình non đùn trên ổ con chù ụ, và mùi những bông tra, bông quao nằm chới với trên bãi chờ nước lớn để bắt đầu cuộc đi hoang.

Một dòng sông lẻ, chảy hiền, dáng vẻ hơi hiu quạnh như thể ở bên rìa đời, không nhiều người biết, không nhiều người lại qua nhưng nó vẫn sống tất tả một đời sông. Cũng chảy ngược xuôi mê mãi, cũng nhiều tôm cá, cũng nước ngầu ngầu phù sa, cũng nước lớn tràn bờ, ròng phơi bãi. Mỗi lần vớt chiếc dép còn mới, con búp bê nhựa bị mất tay, hay cái bình trà mất nắp… tôi vẫn chờ đợi một ngày nào đó sông sẽ đem tới cho mình phần còn lại của chúng. Bà ngoại kể những năm chiến sự ác liệt, ra sông gặp một đoạn chi người tấp vô ven đó là chuyện thường. Một năm sau cái Tết Mậu Thân, bà ngoại vẫn không ăn tôm cá ngoài sông vì ghê sợ chúng đã từng sống nhờ vào những mảnh người trôi dạt. “Là máu thịt đồng bào mình…”, ngoại ngậm ngùi. Trận đó thương vong lớn, kẻ khuất sông đưa về đồng bãi, kẻ sống sông che chở trong lòng, nhiều người không rút kịp ngụp lặn dưới những dãy nhà sàn tồi tàn lụp xụp, lần lượt cũng qua khốn khó.

Những câu chuyện kể của ngoại đã có tác dụng đáng kể, nó tác dụng ngay lập tức lên trí tưởng tượng phong phú của tôi, ngoại khỏi phải giữ chằng chằng cháu bà lén xuống sông tắm nữa. Nó sợ.

Nên Rạch Rập với tôi vừa thân thiết vừa bí hiểm, vừa thương vừa giận. Những ngày bên sông im lìm không tiếng ới, tôi đòi ông ngoại cho tập chèo xuồng. Ngoại cười, tướng chỉ cao hơn cây cột chèo mà đòi chèo… rồi ngùi ngùi hỏi nhớ má hả, để ngoại chở về. Ông ngoại chèo giỏi, nghe nói hồi chiến tranh ông chèo đi công tác hàng trăm cây số cũng thường. Và quãng đường gần tám cây số đường sông giữa nhà và nhà ngoại, giữa những chuyến đi về, tôi học làm người.

Đi xuồng phải ngồi day lại, nhìn nhau. Vì sao hả, vì cái lưng con người ta là ngó buồn nhứt hạng. Ông ngoại tôi nói vậy khi cười cái tướng tôi ngồi đằng mũi nhóc mỏ ngóng như chó chờ xương. Bỗng nhớ tới lưng má mình mỗi khi qua sông và chìm lút trong đám lức trên đường mòn. Tôi ái ngại xoay mặt lại về phía lái, mới hay áo ông ngoại ướt đầm, mà trước đó tôi còn cằn nhằn ông chèo chậm, ngồi mỏi quá chừng vẫn chưa tới nhà má.

Bài học nhỏ về sự vô tâm đó, và cái lưng gây buồn ám ảnh tôi, nhất là những lúc nhìn lưng ấy ơi ấy à xa khuất. Tôi còn mang theo nhiều thứ nữa từ con bé bảy tuổi ngày xưa, từ những chuyến ngồi xuồng cà tịch cà tang xuôi sông Rạch Rập. Con bé nhận ra nôn nóng cũng chẳng ích gì, sao không thử cảm nỗi lẻ loi của chị kia đang chèo một mình cất cái mũi xuồng lêu đêu đi giữa dòng gió, thử ngửi sự hiu quạnh của ngôi đình Tân Hưng nằm lút dưới những tàng cây rợp tối, thử nhìn mây trời mà tưởng tượng mơ mộng, thử học mót chút nào sự khoáng đạt của sông…

Quãng đường đó dễ chừng hơn mười lăm năm tôi không quay lại. Khi đi khỏi nó tôi vẫn chưa biết chèo, ông ngoại nói chuyện chèo chống con nít không phải làm. Rạch Rập nước vẫn chảy, mỗi lần cắt ngang dòng để đi qua thắp nhang cho ngoại, lại nhớ chiều dọc mà hai ông cháu từng đi, nhớ những chòi vó, rạp xuồng nằm núp ló trong tán cây, nhớ tiếng hỏi han hổn hển của những người quen đi ngược chiều.

Dòng sông chỉ chảy qua đời tôi hai năm chẵn, nhưng đã mặc định mãi mãi trong tôi rằng, sông thì buồn. Tôi té xuống sông Tiền, đi thuyền trên sông Hàm Luông, ra chơi giữa sông Hồng, thò chân xuống sông Nho Quế, nghe Sereprok sôi réo… thì vẫn không nguôi được cảm giác buồn của sông. Muôn thuở. Của chia cắt, của thầm lặng, của những cuộc luân lạc gần như bất tận, của sự cho đi, chỉ có cho đi.

Một gian nhớ đầy

Nhà mình hình như là giống cái , nên đẻ sai. Nhà trước nhà sau sẵn rồi, lâu lâu ba mình lại nối thêm vài ba căn nữa, nào là nhà kho, mái che sàn nước, chái nấu bếp củi… Cây có sẵn trong vườn làm nên kèo cột, tận dụng những tấm tôn cũ, chỉ lá lợp mái hay dừng vách đôi khi phải mua… ba dựng lên những chái nhà nho nhỏ đầy ngẫu hứng. Chúng giản dị, nhẹ nhõm, không tham vọng. Chỗ này để cất những vật dụng lâu không dùng tới, chỗ kia cánh phụ nữ hay ngồi rửa rau làm cá nên cần che chắn nắng mưa, chỗ kia nữa để nấu nướng cho hết mớ củi vụn, bẹ dừa khô… nằm lổn nhổn ở vườn sau. Nhưng những chái nhà không tồn tại đơn điệu như tên gọi, bước vào kho là vấp chân vào kỷ niệm; sàn nước ban trưa gió lộng là chỗ mấy má con ưa ngồi hong tóc, nhổ những sợi bạc, hoặc bày ra dĩa xoài chua, cóc chua chấm muối ớt. Và nơi đặt mấy cái cà ràng khói ám má mình giăng cái võng dù tranh thủ ngã lưng trong lúc chờ cơm sôi, chờ khoai chín trong nồi.

Ngó thấy má nằm trong khói bếp cay mù chắc là ba thấy áy náy, thấy ngứa ngáy chân tay. Bên hè lại mọc lên căn nhà hai mái lợp lá dày, bốn bề trống trơn không phên vách. Ba nói “Làm chỗ này cho má mầy giăng võng nằm chơi”. Món quà ba dành cho má nhưng ai nấy đều mê. Nhà có năm người mà treo gần chục cái võng, chia nhau nằm không hết, để võng trống cho gió thốc thấu quăng quật tơi bời.

Trước cả nhà chỉ gặp nhau ở mâm cơm, giờ buổi chạng vạng trong nhà võng cũng đông đủ mặt. Muỗi cỏ bay dìu dặt, ba quạt cái mẻ ung. Nằm giữa đám khói thơm thơm phảng phất từ mấy gộc củi mục, trong tiếng võng kêu cót két cọt kẹt, trong gió hiu hiu, mưa liu riu, chỉ thiếu tiếng ai đó ầu ơ là đủ bộ sướng rồi.

Bên nhà chồng mình cũng có cái võng, nhưng nhà ở chợ hẹp te không gió, giá võng công nghiệp nhỏ xíu nên khó đòng đưa. Lần mang thai bạn nhỏ đầu lòng, mình ngủ trên võng thấy có bà già không rõ mặt cứ nắm đầu võng dục dặc bảo mình xuống. Vía mình nói để tui nằm thêm tí nữa nhưng bà giật một giật hai nói xuống mau xuống mau cho bà tháo võng đi… giặt. Tỉnh dậy nghĩ ngay tới bà mẹ chồng đã khuất núi của mình. Mấy bà già xưa không cho phụ nữ đang cấn thai nằm võng, họ sợ rủi đứt dây hoặc tác động lên tư thế bào thai sẽ khó sinh. Mình tính lì lợm không sợ ma, nên mấy bữa sau lại lên võng ngủ trưa, lần nay thì bà già giận lắm, chẳng nói chẳng rằng lù lù tới nắm võng toan hất vía mình xuống. Mình nể (hương hồn) mẹ chồng nên lúc sau này chạy về nhà má định bụng nằm võng cho sướng, nhưng vừa đặt lưng xuống là bị cằn nhằn cử nhử. Bộ điệu xua đuổi cũng giống hệt bà già kia, chỉ khác là bà già này còn sống chân chấm đất mạnh giỏi.

Quãng đó đi ngang cái võng thấy thèm thuồng vô kể.

Chẳng giải thích được cơn thèm đó, có thể do mình vừa rời lòng mẹ là đã sà xuống lòng võng rồi. Những lúc đi huyện công tác bằng xe máy, cứ ngang qua một cái quán võng là cả người nhũn ra rã rời buồn ngủ. Không chống đỡ được, mình tấp vô sà xuống võng ngủ một giấc đã đời, nhiều khi không kịp đợi uống ly nước dừa của dì chủ quán mang tới. May mà có rất nhiều quán võng nằm bên đường gió bụi sẵn dành cho khách đi đường gió bụi như mình. Ghé lại đòng đưa cho mệt nhọc tan đi, đôi lần mình còn được đãi những lời ru ngọt lịm từ bà mẹ trẻ phía nhà trong, nhưng lần sau ghé lại chỉ thấy cái cassett ca văng vẳng bên võng trẻ con, tự dưng nghe nước dừa lạt nhách.

Giờ nhà võng mà ba cất lên cũng rộng thênh thang gió như những cái quán bên đường, mình cũng làm khách của ba, cứ một vài ngày là ghé lại. Nằm võng ở đây chỉ là sướng một, sướng hai là được quây quần cùng với cả nhà, nghe chung bài vọng cổ, nói chung một câu chuyện. Sướng ba là ngắm những món đồ cũ treo trên mấy cây xà ngang dọc, những nông cụ đã lâu mình không thấy lại, từ hồi người ta trồng cái nhà máy trên đất ruộng nhà mình.

Ngó thấy chị em mình quá phấn khích, ba thừa thắng xông lên biến nhà võng như một bảo tàng thương nhớ đồng quê. Ba sưu tầm về những thứ khiến mình phải tròn cái miệng trố con mắt động đậy lòng. Gàu dai những năm xưa mình từng dùng tát nước ruộng, đìa. Cái đèn manchon lừng lẫy một thời – chưa – có – điện. Những cái chum vại bằng sành đủ cỡ. Cái cối xay bột đẽo từ đá xám. Ít vật dụng được bện, chầm bằng lá dừa nước mà lúc nào nhìn thấy mình cũng nhớ tới bà ngoại một đời đan lát khéo tay. Và cái nhà võng không đơn thuần để giăng võng nằm chơi mà nằm nhớ đứng nhớ ngang qua nhớ.

Cũng bất ngờ, nó trở thành phòng khách, bởi ai tới nhà chơi cũng thích tạt qua sà xuống mấy cái võng, cũng trầm trồ những món nhà quê bày biện chung quanh. Chúng nhắc nhớ những vụ mùa, những liếp rau bờ chuối, những xóm làng quê xứ… Hoặc chúng chẳng nhắc nhớ gì, người ta thấy ngộ quá thích quá vậy thôi.

Mà ba cất căn nhà này nào có tham vọng gì đâu, chỉ cho má một chỗ giăng võng ngã lưng sau buổi lui cui làm lụng. Thơm thảo, má chia quà cho cả những người xa lạ…


 

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button