Văn học trong nước

Ác Mộng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hải Âu Phi Phi

Download sách Ác Mộng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Cả mấy tháng nay các phương tiện thông tin đại chúng dành nhiều giấy mực và thời lượng để đưa tin về sự bất đồng của những người cầm quyền ở hai miền bán đảo Triều Tiên. Chẳng hạn bản tin ngày 03/08/2010 của AFP dưới đây:

“…Trong một cuộc tập trận trên hải phận phía Ðông bán đảo Triều Tiên hồi tuần trước, quân đội Mỹ – Hàn đã có cuộc phô diễn sức mạnh không quân và hải quân lớn nhất. Hai quốc gia đồng minh này có kế hoạch tổ chức nhiều cuộc tập trận khác trong năm nay. Nhưng cuộc tập trận diễn ra tuần này sẽ chỉ có quân đội Hàn Quốc và được coi là để đáp trả cuộc tấn công bằng ngư lôi của Triều Tiên vào tàu Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 03/2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Về phần mình, hôm qua quân đội Triều Tiên đã chối bỏ việc dính líu đến thảm họa Cheonan và gọi cuộc tập trận sắp tới của Hàn Quốc là ‘cuộc xâm lược quân sự trực tiếp’. Họ khẳng định, Hàn Quốc sẽ vấp phải ‘hành động đáp trả mạnh mẽ’. Bình Nhưỡng còn đe dọa sẽ đáp trả bằng hạt nhân. Một tờ báo của Hàn Quốc hôm nay đưa tin, Triều Tiên đã kéo tên lửa tầm xa tới sát biên giới…”

Ðại loại thế. Họ lớn tiếng tố cáo nhau, hăm dọa nhau, cứ như chiến tranh xảy ra đến nơi.

Tôi có cậu con trai sinh sau ngày cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc 15 năm, cháu có thiên hướng về nghệ thuật và đang học năm thứ 3 ở một trường thuộc lĩnh vực này. Không thực sự quan tâm lắm đến những loại tin tức như tôi vừa dẫn, nhưng với một mật độ dày đặc, những bản tin loại này vẫn đến với cháu trong khi xem ti vi hay lên mạng. Một lần trong bữa ăn sang, cháu đột ngột hỏi: “Ba! Ở Triều Tiên liệu có xảy ra chiến tranh?” “Rất có thể, nếu cả hai bên không kiềm chế.” “Họ muốn gì từ cuộc chiến tranh ấy?” “Thống nhất!” Tôi cố giải thích thêm: “Triều Tiên vốn là một đất nước, một dân tộc, họ muốn được thống nhất!” Nghe vậy, cháu nhún vai: “Nhưng chiến tranh đâu phải chiếc gậy thần trong tay bà tiên?”

Ðúng thế! Những ngày sau đó, tôi cứ ám ảnh mãi về câu nói của cháu. Và, tôi quyết định cầm bút, bằng trải nghiệm của chính đời mình, viết cuốn sách này với hy vọng sẽ gửi đến con trai tôi cùng những bạn đọc thuộc thế hệ với cháu một lát nhỏ hiện thực cắt ra từ cuộc chiến tranh lớn mà hết thảy người Việt Nam đều đã từng dấn thân; qua lâu rồi, nhưng mỗi khi nghĩ lại vẫn có cảm giác như vừa trải qua “ác mộng”.

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG I

VÂN TRÌNH, KHÔNG BIẾT NÓ CÓ NGHĨA LÀ GÌ, và từ bao giờ người ta gọi ngôi làng nhỏ khiêm nhường ẩn náu nơi mom sông với cái tên dễ nghe ấy, để rồi ngày ngày chứng kiến dòng Ô Lâu cần mẫn hòa vào phá Tam Giang tạo ra một thứ nước vừa ngọt vừa mặn, đón cái nắng từ trên cao rơi xuống, se lại thành giọt y như ngàn vạn mảnh kim cương lấp lánh trên cái mênh mang của mặt phá, để rồi chợt vỡ vụn và biến mất

Một chiếc đò dọc xuôi từ Huế về làng. Người lái đò mồ hôi nhễ nhại, buông chèo khoan thai. Ðâu đó trong không gian xa lắc, tiếng loong coong… loong coong… vọng lên từ những chiếc thuyền gỗ đánh cá trên sông. Ði trên đò có chừng mươi, mười lăm người, phần lớn là đàn bà lên Huế cất hàng về bán ở các vùng quê. Lài cũng có mặt trong số đó.

Lài là con gái trên Huế về làm dâu cái làng mom sông này. Làng vừa có nghề chài lưới, vừa có nghề làm ruộng, ruộng làng không nhiều, mỗi năm chỉ có một vụ mà năm nào cũng chạy đua với lũ lụt. Lúa ngoi tới đâu, nước theo lên tới đó. Gặt được hạt thóc như cướp được cơm của trời. Khổ lắm! Lài lấy chồng, nhà chồng chỉ có hai anh em trai. Nối nghiệp cha, cả hai cùng đi làm lính cụ Hồ. Ở nhà chỉ có mẹ chồng và hai người con dâu, thêm hai đứa cháu sàn sàn tuổi nhau, một trai và một gái. Gia cảnh như thế, đeo đuổi cái nghề làm ruộng sao mà sống cho nổi. Hai chị em dâu, chồng cùng đi xa, cũng coi như hai chị em gái, sớm tối đỡ đần chăm mẹ chồng và nuôi con. Bươm chải mãi vẫn không đắp đổi được qua ngày. Thôi thì, làm ruộng vẫn làm ruộng, nhưng cứ tháng đôi ba lần, Lài theo đò dọc lên Huế cất ít hàng vặt vãnh về bán trong làng. Dẫu sao, thời con gái chị cũng từng quen với chợ búa.

Nắng trưa phả xuống mặt sông loang loáng, hắt lên khuôn mặt xinh xắn của Lài. Có tiếng ai đó ca cẩm trong khoang:

– Hàng họ dạo này mắc quá trời! Sao mà nhiều nhà buôn đóng cửa im ỉm, không thèm làm ăn nữa hay sao chớ?

Mấy người ngồi quanh được thể lên tiếng làm cho câu chuyện bỗng trở nên rôm rả:

– Cứ chi nhà buôn, tui quen mấy người làm việc bên Mo-Ranh, công chức hẳn hòi mà còn bỏ nhà bỏ cửa, đưa vợ con vô Tua-Ran nữa là.

– Ðể chi hè?

Một người đàn ông vẻ có học, hiểu biết, chậm rãi giải thích:

– Mấy o mấy thím không biết đó thôi, chính phủ Pháp đang ngồi hòa đàm với chính phủ Việt Minh. Sắp ngưng bắn. Nước mình rồi tạm chia làm hai. Nghe đâu lấy đèo Hải Vân làm giới tuyến. Việt Minh đóng ở đàng ngoài. Thế cho nên…

– Phải rồi! Thì ra mấy ông công chức, mấy bà nhà buôn lớn sợ Việt Minh hơn sợ cọp nên chạy trước đó mà.

– Ðúng! Ðúng thế!

Có ai đó nói trong tiếng thở dài sườn sượt:

– Ôi dào, họ có quyền, có chức, có của nả mới phải lo. Mình là dân đen, chính phủ mô về cũng thế thôi. Dân đen vẫn chỉ là dân đen. Hơi đâu nghĩ cho mệt xác.

Chiếc đò ghé bến làm cho câu chuyện phải dừng. Các bà các cô lủng củng hàng họ, quang gánh, xởi lởi chào nhau lên bờ.

Lài nấn ná ở mũi đò, chờ cho người đàn ông ban nãy đi qua, khẽ hỏi:

– Chú ơi, có chắc là Việt Minh về tới Hải Vân không chú?

– Thì… tui cũng nghe đồn thế thôi.

Người đàn ông nhìn khuôn mặt đang đỏ dần lên của Lài, vẻ dò xét, lặng lẽ bỏ đi.

Lài cất gánh lên vai. Con đường làng phía trước như một vệt cháy. Một quầng bụi tung mù mịt như khói sau chiếc xe ngựa đang lộc cộc chạy ngược lại. Trên xe chở ngổn ngang nào tràng kỷ, câu đối, hoành phi… toàn đồ quý giá và cả một chiếc xe mô-bi-lét cũ kỹ màu xanh rêu. Ngồi phía sau ông giáo đang đánh xe là cô vợ hai kém ông cả chục tuổi. Từ xa họ đã nhận ra Lài. Cô vợ nói với chồng:

– Ðò dọc trên Huế về đó ông ạ!

– Ừ! Bóng vẫn còn đứng, thế mà hai giờ chiều rồi… Ai như o Lài?

– Chớ còn ai vô đó!

Chợt ông giáo kéo dây cương ghìm con ngựa lại khi đi ngang qua Lài. Chị quay đầu nghiêng nón che bụi. Ông giáo xuống xe đến gần:

– O Lài, cho tui hỏi, o lên Huế cất hàng, thấy tình hình trên đó ra sao?

Lài lướt nhìn những đồ đạc trên xe, không trả lời mà lái câu chuyện sang hướng khác:

– Thì ra… ông giáo định…

Dường như chột dạ, ông giáo vội phân bua:

– À… không, không… Có mấy thứ ông cụ tui gởi… vợ chồng tui không dùng tới nữa nên định đưa ra đò, đem lên Huế để lại cho người ta, được đồng nào thì được… Thôi, tui đi cho kịp chuyến đò chiều nghe!

Ông giáo quay lại xe. Hai vợ chồng tỏ ra lo lắng:

– Việt Minh mà về Huế thiệt, con ni gặp thời cho coi!

– Thằng chồng nó đi theo kháng chiến dễ cũng phải lên tới cấp tiểu đoàn rồi ấy chớ.

– Thời thế như ri ai mà biết trước được.

Con ngựa thình lình bị quất một roi, chiếc xe chồm lên, chạy lộc cộc, lộc cộc…

Cái làng này lạ lắm, có vẻ như nhà nào cũng phải quay mặt về phía mặt nước. Nếu không phải là dòng sông lớn hầm hập chảy thì cũng là con hói nhỏ lượn lờ; bởi thế mà một bên là cái cổng vào nhà, còn bên kia nhất thiết phải là bến nước. Trong đời người, cái cổng nhiều khi không mấy nhớ, nhưng bến nước thì lại là chỗ neo đậu ký ức của cả một đời, không quên được. Nói cái làng này lạ là lạ thế đó. Nhìn hai đứa nhỏ thì biết. Ðứa con trai tên Khôi, đứa con gái tên Thương. Khôi và Thương là hai anh em con chú con bác. Bé Khôi đang ngồi bệt trên một thớt đá to và đen như lưng con trâu mộng kê ở bến, thả hai chân xuống mép nước, một tay cầm cái gáo dừa. Dưới sông, bé Thương bơi lội, vùng vẫy thỏa thuê. Thấy Khôi múc từng gáo nước dội lên người, bé Thương cười như nắc nẻ. Biết bị chế nhạo, bé Khôi cố biện bạch:

– Nội nói dưới sông có con ma rà. Nó mà hiện lên, cầm chân kéo tuột xuống tận Hà bá cho coi.

– Không sợ! Con trai chi nhát như cáy.

– Ai thèm nhát.

– Không nhát, giỏi thì ra đây! – Bé Thương thách thức.

– Ứ ra!

– Ra!

– Ứ ra!

Bé Thương bơi vào bờ, toan kéo Khôi ra giữa dòng nhưng thằng bé đã vùng chạy. Hai đứa đuổi nhau lên bờ, giằng co, xô đẩy. Một lát thì bé Thương cũng kéo được Khôi xuống nước. Thằng bé la hét, vùng vẫy, sặc sụa:

– Nội ơi!… Mạ ơi!… Cứu con!…

Vừa lúc đó, ghe lúa đầy ắp của Trinh cũng ghé bến. Trinh là con dâu thứ trong nhà, bằng tuổi Lài, còn sinh trước Lài ba tháng mấy ngày nhưng lấy người em trai nên đành nhận phận làm em. Ðược cái Trinh rắn rỏi, giỏi chịu đựng và quyết đoán, đã định làm gì là làm tới cùng. Như một người đàn ông trong nhà, Trinh lo toan mọi việc đồng áng, cày cấy, đạp nước, gặt hái, không từ bất cứ việc gì. Trinh chống sào đẩy nhanh ghe lúa, nhảy ào xuống nước bế thốc Khôi lên ghe, thằng bé sợ đến cứng người, mặt tái mét. Còn bé Thương bơi một mạch vào bờ, chạy mất hút. Trinh hốt hoảng:

– Có làm sao không con? Ðưa thím coi!

Rồi an ủi:

– Cái con Thương này hư quá! Ðể thím cho nó một trận. Thương! Vô đây biểu!

Bà nội của hai đứa nhỏ trong nhà nghe tiếng la lối om sòm ngoài bến cũng tất tả đi ra, thấy bé Thương chạy vụt qua, vội hỏi:

– Có chuyện chi rứa?

Bé Thương không trả lời bà, lẩn luôn vào buồng. Cũng lúc đó Trinh dắt bé Khôi lên bờ, gặp bà ở cổng, chị phân bua:

– Con Thương lại trêu chọc thằng Khôi. Ðã dặn là anh Khôi sợ nước, tắm còn không dám tắm sông, thế mà con nhỏ cứ ép anh tập bơi cho được. Mạ coi, thằng nhỏ sợ đến mặt cắt không còn giọt máu. May con về kịp không thì nó được bữa no nước.

Bà nội cũng ca cẩm:

– Thiệt là… Bay mà đi khỏi là tụi nhỏ ở nhà nghịch đến kinh thiên động địa. Chịu không nổi.

Bé Thương thay xong quần áo, thò đầu ra cửa buồng, đưa mắt tìm Khôi, bĩu môi, lè lưỡi, nhăn nhở cười. Thấy vậy, bé Khôi lại khóc ré lên. Trinh quay ra mắng:

– Con gái chi nghịch hết chỗ nói! Cứ liều liệu cái thân. Bác Lài mà về, đánh chết cha mi đó nghe.

Vừa hay Lài cũng xuất hiện trước cổng. Trinh xởi lởi:

– Thấy chưa, vừa nhắc là bác mi về nè. Chị coi mà phân xử chúng nó dùm em!

Bé Khôi lao ngay vào lòng mẹ, khóc tức tưởi. Lài vuốt tóc con:

– Con là con trai, lại là anh, việc chi mà khóc!

Nghe vậy, thấy được bênh, bé Thương cũng chạy ra sà vào lòng bác:

– Ðúng, làm anh mà cái chi cũng sợ. Hay là, bác Lài ơi, bác để cho con làm chị anh Khôi đi bác.

Nghe vậy, bà nội mắng yêu:

– Nói năng hay chưa, thằng cha mi nữa!

Cả nhà cùng cười. Tiếng cười ấm cả sân vườn và ngôi nhà tranh đơn sơ.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button