Tiếng anh

Tớ Đã Học Tiếng Anh Như Thế Nào

to da hoc tieng anh nhu the nao sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đang cập nhật

Download sách Tớ Đã Học Tiếng Anh Như Thế Nào ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH TIẾNG ANH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Ngày mới mở ra showroom kiêm phòng đọc sách miễn phí tại 119 C5 – Tô Hiệu, một con phố đông đúc, trong khu vực dân trí cao, hầu như ngày nào tôi cũng qua đó để pha trà, mời kẹo và giao lưu với bạn đọc, với những người yêu thích sách. Và hình như niềm vui lớn nhất của người mà sau này được mệnh danh là “Tiến sĩ văn hóa đọc” như tôi là được nói chuyện, tâm tình với những người mê sách và muốn ứng dụng tốt nhất những gì học được từ sách vào công việc và cuộc sống như mình.

Có nhiều vị khách đặc biệt đã đến với phòng đọc sách miễn phí này và một trong số đó là cậu bé dẫn chương trình Chúc bé ngủ ngon trên Đài truyền hình Việt Nam với cái tên quen thuộc Đỗ Nhật Nam. Tôi hơi ngạc nhiên về cậu bé mới sáu tuổi mà nói tiếng Anh khá tốt và thích nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh. Tôi bất ngờ khi cậu bé trả lời câu hỏi của một Lời giới thiệu đồng nghiệp tại Thái Hà Books “Cháu có biết ai là giám đốc công ty sách Thái Hà không?” rằng chính là tôi, với lý do rất trẻ con nhưng cũng rất người lớn: “Bởi bác ấy sử dụng tiếng Anh rất tốt. Giám đốc công ty sách thì phải giỏi ngoại ngữ chứ”. Sau này khi thấy tôi biết bốn ngoại ngữ, Nhật Nam nói: “Cháu biết ngay mà!”.

Nhật Nam muốn dịch sách. Vì chiều Nhật Nam và bố mẹ cháu nên chúng tôi đưa cho cu cậu mấy cuốn trong bộ Cu Tí khám phá thế giới với mong muốn thật lòng: “Để cháu đọc cho vui” bởi chẳng nhẽ lại nói luôn rằng: “Làm sao mà cháu dịch được!” Khi đó Nhật Nam mới sáu tuổi. Chúng tôi đưa sách cho Nhật Nam và quên luôn mất chuyện này.

Ngày nhận được bản dịch, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì trình độ tiếng Anh, kỹ năng dịch thuật và khả năng ngôn từ của cháu. Thế là Thái Hà Books dừng ngay việc in bộ sách với bản dịch đã được chọn trước đây của một dịch giả nổi tiếng. Cả Thái Hà Books thừa nhận: Đây mới là giọng dịch phù hợp với một cuốn sách dành cho những cu Tí muốn khám phá thế giới.

Và rồi chúng tôi có mặt trong lễ nhận kỷ lục “Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam”. Lúc đó Nhật Nam bảy tuổi. Và rồi chúng tôi trở thành những người bạn lớn rất thân thiết. Và rồi nếu không gặp nhau, chúng tôi hay nhắn tin cho nhau.

Tôi không thể quên được một lần tôi đã hỏi Nhật Nam, khi ấy mới sáu tuổi, lớn lên cháu muốn làm nghề gì. Không nghĩ ngợi, cậu bé trả lời ngay: Làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Mĩ. Khi tôi hỏi, tại sao lại là Mĩ mà không phải Việt Nam hay một nước khác, cháu bảo, bởi chỉ có Mĩ mới đủ lớn và đủ khó để cháu làm. Khi tôi đùa hỏi tiếp rằng tại sao là Bộ trưởng mà không phải là Tổng thống, Nhật Nam nói: “Ô thế bác không biết à, muốn ứng cử làm Tổng thống Mĩ phải sinh ra trên đất Mĩ mà cháu lại sinh ra ở Nhật!”

Khi Nhật Nam bảy tuổi, vẫn câu hỏi cũ tôi nêu ra, nhưng đáp án lần này lại hoàn toàn khác: “Cháu muốn trở thành nhà sinh vật học”. Hóa ra Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam muốn làm chủ thế giới sinh vật, để các con vật được khám phá, được yêu thương, được sống yên vui và hạnh phúc.

Cũng khi cháu mới bảy tuổi, Thái Hà Books tổ chức tọa đàm “Khách hàng chưa phải là thượng đế” và Nhật Nam đến dự. “Cậu bé tý hon” của chúng ta đã có bài phát biểu về lãnh đạo doanh nghiệp làm bao người đứng đầu các công ty và tập đoàn vô cùng bất ngờ. Cháu phân tích về phong cách lãnh đạo tại Việt Nam, Nhật, Mĩ, châu Âu trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Cháu nói về việc nên làm để kinh tế phát triển. Nhiều doanh nhân bữa đó, trong đó có một người khác cũng tên là Nam – anh Nguyễn Thành Nam, người giữ chức Tổng giám đốc tập đoàn FPT sau này, không thể không trầm trồ khen cháu.

Năm 2011, khi phát hiện ra những “tác phẩm” tiếng Anh của Nhật Nam tôi đã rất bất ngờ. Mà không chỉ có tôi, mấy anh bạn sống quen nơi đất Mĩ, đất Anh hay Úc cũng ngạc nhiên. Không ai có thể tin, một cậu bé chưa đến mười tuổi đời, có thể tạo ra được những tác phẩm tuyệt diệu như thế.

Tôi không muốn nói về những kết quả Nhật Nam đã đạt được cho đến thời điểm này mà muốn nói về cháu như một CON NGƯỜI. Nhật Nam rất tình cảm và đáng yêu. Thật sự là như vậy. Nụ cười hiền hậu và ánh mắt hút lòng người của Nhật Nam luôn hiển hiện trong tôi. Và hình như cứ khi nào buồn, nhớ đến khuôn mặt cháu là tôi vui ngay trở lại. Mẹ Điệp của Nam đã mấy lần cám ơn tôi và Thái Hà Books đã phát hiện và tạo điều kiện để cháu học tập và trưởng thành nhưng chị không biết rằng người cám ơn phải là tôi. Nhật Nam đã mang đến cho không chỉ tôi mà tất cả các thành viên của gia đình Thái Hà Books cùng bao bạn đọc nhiều niềm vui và hạnh phúc. Nhật Nam rất rất tình cảm.

Tôi viết những dòng chữ này nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn 2012. Khi đang gõ, không hiểu sao tôi lại nghĩ đến mười người mua quà nhiều nhất cho tôi từ bé đến giờ. Bạn sẽ rất ngạc nhiên bởi trong danh sách này có bé Nhật Nam. Bạn cũng khó tin nếu biết rằng áo len tôi đang mặc, áo sơ mi đang trên người tôi, rồi cả áo khoác hai mặt hay đôi tất đang làm ấm chân khi nhiệt độ Hà Nội đang xuống dưới 10 độ vào đêm như bây giờ… đều do Nhật Nam tự mua, tự chọn. Màu cháu chọn rất tinh tế. Cỡ cháu chọn rất vừa. Cách cháu tặng quà rất trân trọng. Tấm lòng và cách đối xử của Nhật Nam thật đáng để tôi và bao người lớn khác phải học theo.

Nhiều báo đài đã hỏi tôi, liệu Nhật Nam có phải là thần đồng hay không. Xin thưa, không. Cháu là một cháu bé bình thường và có tố chất thông minh. Để có Nhật Nam như ngày hôm nay, anh Thảo và chị Điệp đã rất biết “thai giáo” cháu. Bố mẹ của Nhật Nam đã áp dụng rất tốt những gì đã được viết ra trong những cuốn sách của bộ Phương án 0 tuổi và Dạy trẻ thông minh sớm hay Dạy trẻ biết đọc sớm. Thực ra hiện nay tôi cũng đang theo dõi và giúp đỡ hơn chục cháu nhỏ dưới bảy tuổi và thấy kết quả của việc áp dụng giáo dục trẻ thông minh sớm rất tốt. Phương pháp nuôi dạy của cha mẹ ngay từ khi mang thai và tinh thần hiếu học, sự quyết tâm của chính con trẻ là bí quyết để có Nhật Nam của ngày hôm nay.

Nhật Nam là người bạn lớn của tôi. Tôi cũng là người bạn thân thiết của cháu. Nhật Nam đã bước qua ngưỡng cửa mười tuổi và tôi tin rằng cháu sẽ thành một công dân tuyệt vời của đất Việt chúng ta. Tôi nguyện cầu cho cháu có thêm những thành tích mới. Tôi cũng đang chờ đón những Nhật Nam khác trong tương lai gần.

Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT
kiêm Giám đốc Công ty Sách Thái Hà

Lời tựa

Kính thưa bạn đọc!

Ngay từ nhỏ, Nhật Nam đã thích đọc và thích viết. Hàng ngày, Nhật Nam thường tự mình ghi chép những điều quan sát được vào một cuốn sổ nhỏ. Ban đầu, Nam viết bằng tiếng Việt sau rồi chuyển sang viết tiếng Anh. Có lẽ chính vì ham viết mà các bài viết của Nam hầu hết thường trong sáng, dễ hiểu. Ở trường học, ngoài môn Tiếng Anh, Nam cũng rất xuất sắc ở môn Tập làm văn. Cô giáo thường ngạc nhiên vì khả năng viết nhanh, viết có cảm xúc của Nam trong mỗi đề Tập làm văn cô giao tại lớp. Có một điều rất thú vị là Nam viết tiếng Anh dễ hơn viết tiếng Việt, khi gặp chủ đề gì khó, Nam thường tự vạch dàn ý bằng tiếng Anh rồi mới triển khai viết tiếng Việt. Nam thường hay tự mình dịch các truyện nước ngoài, đôi khi mua cả bản dịch nhưng không để đọc mà là để so sánh cách dịch của mình với cách dịch trong sách. Nếu bắt gặp từ nào hay, Nam ghi chép lại cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Nhờ đọc nhiều sách, chịu khó sưu tầm nên Nam có vốn hiểu biết về xã hội khá dày dặn để có thể vượt qua các kì thi lấy chứng chỉ quốc tế với số điểm khá cao. Các bài luận tiếng Anh của Nam thường được đánh giá cao vì cấu trúc chặt chẽ, nhiều ý tưởng mới mẻ mà vẫn giữ nguyên được sự hồn nhiên, sinh động.

Được sự động viên của các cô chú trong công ty Thái Hà Books, đặc biệt của bác Hùng – Giám đốc công ty, cũng là người bạn lớn thân thiết của Nam, cháu đã tập hợp lại một số phần ghi chép của mình thành cuốn Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? với mong muốn truyền đến cho bạn đọc niềm đam mê môn Tiếng Anh. Chúng tôi hy vọng cuốn sách như dòng suối nhỏ hiền hòa, mát lành, thân thiện và mến thương thay cho lời chào của Nhật Nam đến với mọi người. Xin mọi người hãy đón nhận và chia sẻ niềm hạnh phúc cùng chúng tôi khi đang nâng niu những hạt mầm của tình yêu thương trong gia đình mình.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Đỗ Xuân Thảo

Bố của Đỗ Nhật Nam

ĐỌC THỬ

Lớp Một ơi, lớp Một!

Tạm biệt mẫu giáo

Xin chào các bạn, tớ tên là Đỗ Nhật Nam. Tớ học mẫu giáo ở trường mầm non Baby World. Tớ không đi học đều vì chẳng hiểu sao, cứ ở nhà thì tớ rất khỏe nhưng đi học thế nào cũng ốm. Trước tình hình ấy, bố tớ quyết định là cứ để tớ ở nhà. Bố tớ lúc nào cũng thế, luôn sợ tớ bị ốm này, sợ bị học nhiều quá này, bị ngã đau này… nói chung là sợ rất nhiều thứ. Bố tớ kể là bố tớ chẳng có tuổi thơ (điều này tớ cũng đọc được trong một vài câu chuyện mà bố tớ viết về cuộc đời mình), thành ra bây giờ bố tớ muốn mang lại những gì thần tiên nhất cho tớ hì… hì, kể cả việc nghỉ học ở nhà cũng là việc mà bố tớ cho là thần tiên ấy. Ở nhà, tớ tự học đánh vần và học ghép chữ. Tớ thấy học đọc dễ cực, chẳng khó tẹo nào. Mẹ tớ treo bảng chữ cái lên đầu giường của tớ, mỗi tối mẹ chỉ dạy năm chữ, hôm sau ôn lại rồi học thêm, cứ thế, tớ học bảng chữ cái trong vòng chưa đầy một tuần. Tiếp theo, mẹ tớ không dạy tớ đọc luôn mà dạy cách đánh vần. Cứ tưởng đánh vần là ngon ăn, nhưng cũng có những tiếng dễ bị mắc lừa lắm đấy. Ví dụ như tiếng “ông” chẳng hạn. Tớ luôn luôn đánh vần là ờ… ông… ông làm mẹ tớ cười ngặt nghẽo. Sau giai đoạn đánh vần, tớ bắt đầu ghép các vần trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một, từ vần dễ đến vần khó. Thế là, chẳng mấy chốc, tớ đã có thể đọc được.

Trước đó, tớ rất ham đọc truyện, nhất là truyện tranh như Đôrêmon chẳng hạn. Tớ mê tít con mèo máy có nhiều phép thuật và ngộ nghĩnh. Thế nên, vì chưa biết đọc, tớ hay phải nằn nì nhờ bố mẹ đọc hộ, có khi còn phải mang sách sang nhờ cả bác bán chè cạnh nhà. Nhưng tớ nói thật nhé, nhờ người khác đọc truyện tranh thì chẳng thú vị chút nào vì mình không theo dõi được tranh, chán lắm. Nhưng khi biết đọc rồi, tớ được tự mình phiêu lưu trong thế giới của các nhân vật. Chỗ nào thấy hay, tớ có thể gấp sách lại để tưởng tượng. Câu chuyện dài đầu tiên mà tớ tự đọc là Tottochan – Cô bé bên cửa sổ. Các ấy đã đọc truyện này chưa? Nếu chưa thì các ấy nên tìm đọc đi – hay cực. Tớ yêu cái lớp học trên toa tàu, yêu thầy hiệu trưởng trong truyện đến nỗi luôn mơ là mình cũng sẽ đi học trên một con tàu như thế. Mà từ khi đọc truyện này, tớ trở nên ăn uống khoa học hơn – mẹ tớ bảo thế, vì trước đây tớ không thích ăn rau và cá, chỉ thích ăn thịt thôi, nhưng bây giờ thì tớ đã ăn để cho một bữa ăn có cả “thức ăn của biển” (cá) và “thức ăn của đất” (rau, đậu…) như ở trường học toa tàu. Mà các ấy biết không, người lớn không thích chúng mình đọc truyện tranh nhiều đâu. Mẹ tớ còn gọi những quyển truyện tranh là “con sâu đục phá tâm hồn” – nghe ghê thế! Mẹ thích tớ đọc truyện cổ tích, truyện khoa học… Nhưng dù sao thì thỉnh thoảng đọc truyện tranh chắc cũng không đến nỗi bị đục phá gì đâu (mong là mẹ không đọc chỗ này).

Sau khi đã biết đọc, mẹ cũng dạy tớ làm toán. Ban đầu, nếu cứ để những con số là tớ chịu, không biết cộng trừ làm sao. Cho nên, mẹ tớ toàn phải lấy những ví dụ “rất hấp dẫn” như 3 cái kẹo này, 6 cái bánh hambuger này, thậm chí cả 10 đĩa mì Ý nữa chứ (vì tớ rất khoái món này), cứ thế tớ cộng trừ ngon ơ. Đến đây tớ chợt nhớ một câu chuyện vui: Cô giáo hỏi bạn Tèo: “Nếu cô cho con 6 cái kẹo, con cho bạn Tí 3 cái thì con sẽ còn mấy cái kẹo?” Ngẫm nghĩ một lúc, bạn Tèo trả lời: “Thưa cô, con không còn cái nào ạ vì sau khi cho xong thì con cũng ăn hết luôn ạ.” Các ấy thấy buồn cười không? Cho nên đừng tưởng tượng quá mức khi mẹ cho các ví dụ là những món ăn nhé! Tớ cũng không thích khi làm toán mà phải giơ ngón tay hoặc cả ngón chân lên để đếm đâu. Trông chẳng đẹp chút nào. Thử tưởng tượng nếu đang ngồi cạnh một bạn rất dễ thương, mình lại giơ bàn chân lấm lem lên, đặt lên ghế và đếm. Chắc chắn bạn ấy sẽ nhìn mình chằm chằm, hệt như mình là người hành tinh khác đến vậy. Xấu hổ lắm! Nghĩ thế nên tớ luôn tìm cách nhẩm trong đầu chứ nhất định không giơ ngón tay ra, dần dần rồi cũng quen, tất nhiên ban đầu tớ cũng hay nhầm lẫn lung tung, lắm khi mẹ tớ bực cả mình. Tớ còn nghe mẹ tớ than thở với bố tớ: “Hình như cu Nam nhà mình không có năng khiếu Toán học”. Chẳng nghe thấy bố tớ nói gì, không biết bố có buồn vì điều đó không nữa.

Ngoài môn Toán ra, tớ cũng phải làm quen với cả những môn như tập tô này, mà không phải tô theo hình như ở lớp mẫu giáo đâu, tô theo chữ. Nói chung đây là một công việc rất nhạt nhẽo, các con chữ không hấp dẫn bằng hình vẽ, lại có nhiều nét cong nên rất khó tô cho đẹp. Mà mẹ tớ lại yêu cầu phải tô gọn gàng, không được lệch ra ngoài. Tớ thường phải mắm môi mắm lợi, toát cả mồ hôi mà kết quả cũng chẳng được như ý. Nhưng được cái là tớ không nản. Mẹ tớ nói, đó là phẩm chất đáng yêu nhất của tớ, điều này tớ sẽ nói lại ở phần học lớp tiếng Anh. Nhờ chăm chỉ nên dần dần tớ tô không đến nỗi tệ. Nhưng vẫn không thích một chút nào – chỉ là nghĩa vụ thôi, các ấy ạ.

Sau khi có thể yên tâm với việc chuẩn bị các kiến thức vào lớp Một, mẹ tớ bắt đầu chuyển sang giai đoạn mà tớ gọi là “tưởng tượng về lớp Một”. Mẹ tớ hay kể cho tớ nghe vào học lớp Một có gì vui, cô giáo sẽ như thế nào… Nói chung là toàn những điều hay cả. Thế nhưng cũng có thêm nhiều nghĩa vụ rất khác với hồi học mẫu giáo nhé, như mình không được vừa học vừa chơi này, không có những giờ học như đóng giả bác sĩ, công nhân xây dựng, không có những giờ học bằng đồ hàng này. Thay vào đó là cô giáo giảng và mình phải ngồi lắng nghe thật chăm chú, khi nào trống báo hết giờ mới được ra chơi. Cũng không được nũng nịu, đang học lại “Con thưa cô cho con đi tè ạ”, “Con thưa cô bạn Hoa trêu con ạ”, cô giáo sẽ không vui đâu! Tớ chịu không hình dung ra việc tất cả lớp ngồi ngay ngắn sau bàn học sẽ như thế nào. Ở lớp mẫu giáo, chúng tớ toàn ngồi thành một vòng tròn, nếu thỉnh thoảng có bò quanh vòng tròn cũng không sao.

Việc vất vả nhất của bố mẹ tớ là chọn trường để tớ vào học lớp Một. Một danh sách dài dằng dặc bố mẹ tớ đưa ra để cân nhắc. Đôi khi có những cuộc tranh luận khá căng thẳng giữa bố tớ và mẹ tớ. Bố thì nói: “Tiêu chí ưu tiên hàng đầu là tiện lợi cho việc đi lại, càng gần càng tốt”. Mẹ tớ thì lại muốn trường nào phải có các cô giáo kinh nghiệm này, tâm lí này… nói chung là rất nhiều thứ nữa cơ. Tớ cũng thỉnh thoảng được hỏi ý kiến trong việc lựa chọn đó, như: “Nam có thích trường này không? Con thấy thế nào khi học ở đây?” mỗi khi mẹ đèo tớ đến thăm một trường nào đó. Những lúc được hỏi thế, tớ vui lắm, như mình là người lớn đến nơi. Thành ra, tớ phải cân nhắc rất kĩ để đưa ra câu trả lời, chứ không chỉ nói “con thích” hay “con không thích”. Mà phải có lí do hẳn hoi, ví dụ như: “Trường này có nhiều cây xanh, trông cũng mát mẻ” hay: “Sân trường này hẹp quá, con sợ không đủ chỗ chơi.” Nói tóm lại, nghe rất là “người lớn”. Tuy nhiên, có một đặc điểm mà tớ rất hay để ý mỗi khi đến thăm một trường nào đó nhưng tớ không dám nói cho mẹ tớ nghe, sợ mẹ cười, đó là khu nhà vệ sinh! Tớ nói thật đấy, tớ rất sợ và không dám đi tè ở những nơi nào không vệ sinh đâu. Chẳng thế mà hồi học mẫu giáo, tớ chuyên nhịn đến tận lúc về nhà. Bao giờ việc đầu tiên của tớ khi về đến nhà cũng là lao ầm ầm vào nhà vệ sinh. Mẹ tớ sợ lắm, đến nỗi không dám rẽ vào chợ để mua thức ăn, sợ nhỡ tớ buồn tè quá không chịu nổi thì gay. Nhiều lần mẹ tớ nghiêm khắc phê bình nhưng tớ vẫn chưa sửa được tật này. Thế nên, tớ chỉ ao ước được học ở những trường có nhà vệ sinh sáng choang, thơm phức như kiểu nhà vệ sinh ở sân bay thôi. Nếu tay bạn bẩn, chỉ cần thò tay dưới cái vòi, nước sẽ tự động chảy ra, tha hồ mà sạch.

Nhiều danh sách các trường để lựa chọn quá cho nên đã sang đến tháng Sáu mà bố mẹ tớ vẫn chưa tìm được. Trong lúc bối rối, một cô ở cơ quan bố tớ có đưa ra gợi ý về trường Lê Quý Đôn – một trường rất mới, chỉ có hai tuổi thôi. Bố mẹ tớ lập tức đến để tìm hiểu tình hình. Trường mới, đẹp, khu nhà vệ sinh sạch sẽ lại có xe đưa đón học sinh tận nhà nữa chứ. Thế là ổn rồi! Bố mẹ tớ quyết định mua hồ sơ và không còn phân vân về việc chọn trường nữa. Cũng có nghĩa là từ giờ trở đi, tớ không còn là học sinh của mẫu giáo nữa mà đang tiến gần hơn đến thế giới của người lớn với nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ mà bất kì một học sinh nào cũng phải thực hiện. Oai hơn và cũng lo lắng hơn!

Tớ vào lớp Một

Các ấy ơi, không phải cứ bố mẹ chọn trường nào cho mình là mình sẽ học trường đó đâu. Còn phải thi xem có được vào trường đó không nữa chứ. Từ hồi nảo hồi nào, tớ cũng vài ba lần thi rồi. Thi bé khỏe bé đẹp này, thi để tuyển cộng tác viên cho truyền hình này. Những cuộc thi cũng gay go ra phết. Vậy nên, khi lần này mẹ nói phải ôn tập để chuẩn bị thi vào trường, tớ cũng khá căng thẳng. Trường đẹp thế, chắc hẳn phải có nhiều bạn muốn vào. Khu nhà vệ sinh của trường khá ổn, chắc không đến nỗi phải nhịn đi tè. Nếu không cố gắng sẽ phải vào học ở một trường mà trong nhà vệ sinh có rất nhiều chuột cống, to bằng bắp đùi ngồi mở mắt thao láo nhìn mọi người qua lại – mẹ tớ bảo thế.

Mẹ tớ bắt đầu chiến dịch ôn thi cho tớ và tớ nghiêm chỉnh chấp hành. Nghe đâu có bạn còn tập trung trong các lớp để luyện thi nữa. Buồn cười thế, không biết những lớp đó gọi là gì nhỉ, có gọi là “lớp luyện thi cấp tốc vào lớp Một” không hay gọi là “lò luyện thi” như những lớp ở cạnh nhà tớ vẫn hay có. Ôn thi cho tớ, mẹ tớ chủ yếu luyện tớ ở điểm nói năng cho trôi chảy, mạch lạc. Cái chính là không thấy “run” khi vào phòng thi. Điều này thì tớ tự cho mình điểm cộng. Tớ thấy người lớn ai cũng yêu trẻ con cả. Cho nên, mình không cần phải sợ.

Tuy nhiên, nếu người lớn để trẻ con tự giải quyết theo kiểu trẻ con thì có lẽ trẻ con sẽ đỡ sợ hơn, tớ nghĩ thế. Tớ nhớ trong truyện Tottochan – Cô bé bên cửa sổ mà tớ nói ở trên, có lần bạn nhỏ đánh rơi một cái ví xuống hố phân, bạn ấy tiếc đứt cả ruột lên ấy chứ. Thế là bạn ấy kiên nhẫn múc từng gáo phân lên để tìm. Khi thầy hiệu trưởng thấy, thầy vô cùng kinh ngạc nhìn Tottochan bên cạnh một đống phân to đùng, mồ hôi nhễ nhại. Thế nhưng khi hỏi lí do xong, thầy bảo Tottochan cứ tiếp tục tìm cái ví nhưng với điều kiện là sau đó phải múc toàn bộ chỗ phân về chỗ cũ. Tớ rất kinh ngạc về chi tiết này. Nếu là mẹ tớ hay một ai khác, chắc chắn sẽ phải hét ầm lên về việc làm dại dột và bẩn thỉu. Mẹ tớ rất không thích khi chân tay tớ lấm lem. Cho nên tớ nghĩ giá mà thay bằng việc phải thi, chúng mình được vào phòng thi, bạn nào thấy mình giỏi về cái gì nhất thì tự nói ra. Có bạn sẽ chọn môn vẽ, bạn chọn hát hoặc cũng có bạn giỏi việc chạy bộ cũng không sao. Nhưng mẹ tớ bảo, nếu làm vậy thì sẽ không còn là phòng thi nữa. Thay vì việc coi thi, các cô giáo sẽ phải chạy từ nơi này đến nơi kia để xem năng khiếu của các bạn. Nếu chợt có bạn nào đó nói “con giỏi trèo cây ạ” các cô sẽ phải căng mắt ra nhìn lên cây. Nhỡ bạn ấy trèo lên cây rồi thấy hay quá, không muốn xuống để thi tiếp nữa thì làm sao, các cô giáo không thể trèo lên để bắt bạn ấy xuống được vì các cô đều mặc áo dài… Lí lẽ mẹ tớ đưa ra rất thuyết phục cho nên tớ hiểu rằng, dù sao thì mình cũng phải thi theo như quy định chung thôi.

Chờ đợi mãi rồi ngày thi cũng đến. Hình như đó là dịp tháng Tám thì phải. Hôm ấy, nắng gay gắt. Mẹ tớ diện cho tớ một chiếc áo rất đẹp, cho áo vào trong quần và còn thắt một chiếc nơ nữa. Mẹ nhìn tớ có vẻ rất hài lòng. Tớ cũng thấy mình bảnh bao hơn nhưng nói thật là rất nóng! Trên đường đi, mẹ còn tranh thủ dặn tớ, nào là phải bình tĩnh, phải ngoan, phải cẩn thận… rất nhiều thứ “phải” mà tớ đã được nghe cũng khá nhiều lần rồi. Tớ cũng không tập trung lắm vì còn mải nhìn đường. Từ hôm đến thăm trường buổi đầu, hôm nay mới là buổi thứ hai tớ quay lại. Tớ cứ nghĩ miên man, nếu giả sử mẹ quên không đến đón thì sao nhỉ, liệu mình có tìm được đường về nhà không? Tớ lại tiếc là sáng nay đi không cầm theo mấy hạt đỗ để rắc trên đường, giống như trong truyện về các anh em tí hon khi bị bố mẹ bỏ rơi ý, để vẫn tìm được đường về. Nhưng mẹ chắc chẳng quên mình đâu. Nghĩ thế nên tớ yên tâm với việc nghe mẹ dặn dò.

Trường thi đông nghịt người. Cũng toàn các bạn nhỏ như tớ. Bạn nào cũng có vẻ rất diện. Chắc là để lấy lòng cô giáo chấm thi. Vì nếu không cô sẽ nghĩ: Trời ơi, mũi anh này bẩn thể, không biết nhận vào học xong cu cậu có bôi ra áo mình không? Thành ra, tớ thấy nhiều bạn nữ mặc những bộ váy rất diêm dúa, tóc thắt nơ xinh lắm. Chưa vào lớp Một mà trông chúng tớ có vẻ khác hẳn rồi đấy. Vì nhiều “thí sinh” quá nên kì thi phải chia ra làm hai ca. Các phụ huynh thi nhau chen lấn để xem con mình thi ở phòng số mấy. Tớ thi ca hai, phòng thi số 9. Tớ phải ngồi chờ cho các bạn thi ca một xong xuôi mới được vào. Trong lúc ngồi chờ, nhìn xung quanh thấy một số bạn cũng đang được mẹ dặn dò (chắc cũng một loạt những cái “phải” như mẹ tớ). Một số bạn khác thì có vẻ rất tự tin chạy đuổi nhau trong sân trường. Phòng thi nằm ở tầng hai, phía cầu thang được ngăn không cho phụ huynh đi lên. Ca một bắt đầu vào thi. Từng phòng thi sẽ xếp hàng đợi cô giáo từ trên tầng xuống dắt lên. Kể từ phút này, không được nắm tay mẹ nữa. Lúc xếp trong hàng nhiều bạn rất hùng dũng nhưng khi mẹ vừa buông tay ra đã khóc ầm ĩ.

Ca một vào, sân trường yên ắng hơn. Các bạn cùng thi ca hai với tớ cũng ngồi yên, chắc ai cũng đang nghĩ xem lúc mình lên tầng hai thì sẽ như thế nào. Một số bạn bên cạnh tớ còn lấy quyển sách Tiếng Việt lớp Một ra đọc vèo vèo mới khiếp chứ. Chắc biết tớ lo lắng nên mẹ quay sang rỉ tai: “Sách ấy khi nào con vào học, các cô giáo sẽ dạy, không cần thiết phải học trước đâu.” Tớ cười một cách yếu ớt. Tớ đang nghĩ đến những cô giáo mà tớ vừa nhìn thấy loáng thoáng. Cô nào cũng mặc áo dài xinh lắm nhưng có vẻ gì đấy nghiêm trang chứ không như cô giáo hồi mẫu giáo. Dưới sân trường, những phụ huynh có con đang thi có vẻ rất sốt ruột, cố gắng nghển cổ lên tầng hai để nghe ngóng. Nhất là khi có tiếng khóc của một bạn nào đó ré lên, tất cả đều hướng ánh mắt vào đó, rồi thở phào khi đó không phải con mình. Có nhà đi theo rất đông, cả ông, bà, bố mẹ còn cầm theo máy quay nữa. Chắc cả nhà muốn ghi lại hình ảnh rất trọng đại rồi chú thích ở dưới “Thí sinh lớp Một”. Trong lúc đang rối bời thì mẹ tớ đọc cho tớ nghe bài thơ Nghé đi thi, đại thể là về một chú nghé ọ lần đầu tiên đi thi nghé xem con nào gầy, con nào béo. Nghé tung tăng đi nhưng đến cuối cùng nghé quên mất nhiệm vụ, lại chạy ù lên đồi cao. Buồn cười thế, mẹ tớ làm tớ quên cả hồi hộp. Nhất định mình không thể như chú nghé ngây thơ, ngốc nghếch kia được. Mẹ tớ luôn thế, luôn làm tớ cảm thấy yên tâm mà. Chờ đợi mãi rồi ca một cũng xong. Các bạn ca một được dắt ra ngồi ở phòng chờ, đợi bố mẹ ra đón. Ai cũng hớn hở chứ không như lúc ban đầu. Nhìn thèm ơi là thèm!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button