Lịch sử - địa lý

Những Cuộc Chinh Phạt Của Alexander Đại Đế

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Arrian

Download sách Những Cuộc Chinh Phạt Của Alexander Đại Đế ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : LỊCH SỬ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Thư ngỏ gửi độc giả

Nền văn minh Hy-La cổ đại chỉ kéo dài khoảng 20 thế kỷ, nhưng thành tựu và ảnh hưởng của nó trong lịch sử nhân loại không thể đo đếm được bằng con số thời gian cụ thể nào.

Người Hy Lạp-La Mã cổ tạo dựng nên nền dân chủ, nền khoa học duy lý và một nền triết học rực rỡ. Họ xây dựng nên những công trình nguy nga như đền Parthenon, đấu trường Colisée, Khải hoàn môn và thư viện Hoàng gia Alexandria… Họ sáng tạo nên những huyền thoại vượt thời gian như Iliad, Odyssêy hay Oedipus… Phải nói rằng đây là nền văn minh đã phát triển rực rỡ về mọi mặt với những tác phẩm và thành tựu ở nhiều thể loại như văn học, mỹ thuật, kiến trúc, triết học, y học, toán học, lịch sử, vật lý… mà cho đến ngày nay vẫn không ngừng được kiếm tìm, nghiên cứu và khám phá.

Vào quãng những năm 2000, các dịch giả trẻ như Nguyễn Cảnh Bình, Cao Việt Dũng mang trong mình ước mơ giới thiệu và chuyển ngữ trọn vẹn bộ sách Những cuộc đời song hành của Plutarch – một trong những bộ sách quan trọng nhất trong kho tàng văn minh Hy-La cổ đại. Tâm huyết của họ được thể hiện bằng thành quả là tập 1 Những cuộc đời song hành do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.

Nhưng công việc đó vẫn còn dang dở và đã phải dừng lại trong dăm năm trời. Phải đến thời điểm những năm 2010, sau những thôi thúc mạnh mẽ cần xuất bản các tác phẩm kinh điển về nền văn minh Hy-La cổ đại, chúng tôi mới quyết tâm dành trọn vẹn công sức và thời gian để xây dựng nên Tủ sách Hy-La kinh điển của Alpha Books. Bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào? Chúng tôi lần theo dấu chân những “người khổng lồ” trên thế giới, thông qua các danh mục sách kinh điển, chúng tôi đã hình thành nên một danh mục đủ để đeo đuổi trong hàng chục năm trời. Nhưng trước tiên, vẫn phải bước những bước đầu tiên. Và con đường ấy thật nhiều chông gai: sự e dè, nghi ngại của những độc giả tốt bụng, sự hụt hơi trên dặm đường dịch thuật, sự kỳ công trong từng trang bản thảo. Sau những tác phẩm đầu tiên về nền văn minh Hy-La như Chính trị luận của Aristotle, Cộng hòa của Plato; Iliad và Odyssêy của Homer; Ngày cuối trong đời Socrates của Plato đã được ra mắt bạn đọc, Tủ sách Hy-La vẫn đang không ngừng được phát triển, mở rộng nhằm giúp bạn đọc tiếp cận được toàn bộ di sản trí tuệ khổng lồ của nền văn minh này trong mọi lĩnh vực. Và rồi đây, chúng tôi sẽ tự hào giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm quan trọng của Arrian, Herodotus, Plutarch hay các công trình nghiên cứu đồ sộ của Edward Gibbon, v.v…

Lần xuất bản đầu tiên sẽ không tránh khỏi còn tồn tại những thiếu sót. Chúng tôi hy vọng nhận được sự góp ý chân thành của quý bạn đọc để hoàn thiện các tác phẩm đã được chuyển ngữ. Hy vọng quý bạn đọc sẽ thu được nhiều tri thức hữu ích khi lựa chọn các tác phẩm trong Tủ sách này.

Lời giới thiệu

Arrian, hay Lucius Flavius Arrianus, tác giả cuốn sách này, là một triết gia, một quan chức, một nhà quân sự, người sinh trưởng trong gia đình giàu có – đó là tất cả những điều kiện xã hội của một trí thức tinh hoa đúng nghĩa theo truyền thống phương Tây, người sẽ được hưởng một nền giáo dục đủ cao và có cuộc sống đủ tách biệt khỏi những vấn đề thường nhật để có cái nhìn cao thượng nhưng thực tế, khách quan nhưng có chủ kiến về mọi vấn đề cần nhận thức. Đáng tiếc rằng cũng như những tác gia khác của thời cổ-trung đại, Arrian xứ Nicomedia có lẽ đã nghiên cứu và viết rất nhiều tác phẩm quan trọng, nhưng đa phần trong số đó đã không còn có thể tìm thấy. Tác phẩm Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế là kiệt tác quan trọng hiếm hoi còn được đến ngày nay. Đây thực sự là một kiệt tác mà chỉ riêng ở lĩnh vực hẹp về khoa học quân sự, khoa học chính trị hay thậm chí nhân học, ta có thể nói ngay rằng không thể hiểu về quân sự cổ đại và tư duy phức hợp cổ-trung đại giữa huyền thoại-chiến công, nhà nước-quân đội, thần thánh-con người,… mà không tham khảo và đọc một cuốn sách như vậy. Cần nói thêm rằng, cho đến nay, Arrian chắc chắn là tác gia đã đọc nhiều nhất, biết nhiều nhất và có những tư liệu quan trọng nhất về nền quân sự Macedonia và Alexander Đại đế. Tất thảy những điều ấy cho phép hội tụ đủ điều kiện để ông viết nên một kiệt tác về một con người kiệt xuất.

Một con người kiệt xuất là người khiến người khác muốn đọc về họ sau khi nghe về họ – và đó là người mà những cá tính hẹp hòi nhất và con người nhất lại khiến chúng ta thấy họ gần gũi và đáng nhớ hơn bao giờ hết. Alexander Đại đế chính là một con người kiệt xuất như vậy. Nếu mỗi cuộc đời là một tác phẩm, thì tự cuộc đời của Alexander là một tác phẩm vĩ đại. Nếu mỗi anh hùng đều cần một sử thi để trở nên trọn-vẹn là một anh hùng, thì tác phẩm mà bạn đọc cầm trên tay đây chính là sử thi quan trọng hoàn thiện hình ảnh vị vua-thần chiến tranh của thế giới cổ-trung đại. Hãy đọc những câu cuối cùng trong kiệt tác này, để có thể bắt đầu đọc nó trong tinh thần của chính nó: “… Nhưng là một con người, nếu ai đó coi thường Alexander, trước hết anh ta nên tự so sánh mình với ngài: bản thân anh ta, một kẻ tầm thường ít tiếng tăm còn Alexander là vị hoàng đế vĩ đại với những thành công mà không ngòi bút nào tả xiết, người cai trị hai lục địa, người mà danh tiếng đã được cả thế gian biết tới. Làm sao có ai đó dám lăng mạ ngài, khi người đó hiểu rằng sự khinh thị và mục đích tầm thường của anh ta chỉ chứng minh cho sự bất lực của bản thân mà thôi?… tôi tin rằng vào thời đại đó, không một dân tộc nào, không một thành phố nào, không một cá nhân nào lại không biết tới cái tên Alexander; không có một ai trên thế gian này giống như ngài, và do đó, tôi không thể không tin rằng có một vài quyền lực siêu nhiên nào đó liên quan tới cái chết của ngài…Trong cuốn sách này, tôi thừa nhận rằng bản thân có thấy Alexander phạm phải một số sai lầm, nhưng tôi không ngại ngần gì trong việc bày tỏ lòng ngưỡng mộ vô bờ bến đối với con người ngài. Ở những điểm tôi chỉ trích ngài, tôi cần phải làm như vậy vì tôi mong muốn được kể lại sự thật như tôi đã thấy, và do đó, giúp ích cho độc giả của tôi. Những điều này là động lực để tôi bắt đầu viết cuốn lịch sử này: và tôi cũng xin cảm tạ thần linh đã hỗ trợ tôi hoàn thành tác phẩm này.”

Những tác phẩm Cổ-Trung đại nói chung là khó-hiểu và dễ-đọc với phần lớn những người muốn tìm hiểu – một mặt vì chúng thường bao hàm những ẩn ý cổ thuộc về một nghệ thuật văn chương mà đến nay gần như đã biến mất, nhưng mặt khác những người viết không sử dụng đến hệ thống thuật ngữ khoa học rắc rối hay những phương pháp nghiên cứu phức tạp nào. Dù vậy, xuyên qua mọi lớp vỏ ngôn ngữ và thời đại, có những điều luôn luôn khiến con người ở bất cứ nơi đâu bị thu hút, đó là sự huyền bí gắn liền với những tâm tình phàm tục, sự vĩ đại mà một nửa của nó là cá nhân và nhỏ nhen, những chiến công oanh liệt mà phần chìm là sự dằn vặt và những khát vọng dường như là tầm thường nhất, và những phẩm chất phi thường trong hình hài một con người nhân gian. Tác phẩm Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế mà bạn đang cầm trên tay là một cuốn sách kỳ lạ và đáng đọc như thế.

Alpha Books trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm giá trị này. Chúng tôi hy vọng, tác phẩm này của Arrian sẽ làm thỏa mãn những ai yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật quân sự, chiến tranh, cũng như nền văn minh Hy-La. Trong quá trình hoàn thành tác phẩm, mặc dù đã rất cố gắng, song chúng tôi e rằng vẫn còn những thiếu sót. Bởi vậy, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc về bản dịch để hoàn thiện trong những lần xuất bản sau.

ĐỌC THỬ

QUÂN ĐỘI CỦA ALEXANDER ĐẠI ĐẾ

Vào mùa xuân năm 334, Alexander khởi hành từ Macedonia, rời Antipater với 12.000 bộ binh và 1.500 kỵ binh để bảo vệ mảnh đất quê hương và trông chừng những thành bang Hy Lạp. Quy mô của đội quân mà cùng với nó, ngài đã băng qua eo biển Hellespont được ghi chép lại rất khác nhau, tổng số dao động trong khoảng 30.000 tới 43.000 bộ binh và từ 4.000 tới 5.500 kỵ binh. Nhưng con số chi tiết mà Diodorus đưa ra: 32.000 bộ binh và 5.100 kỵ binh, về cơ bản, gần với tổng số mà Arrian (Ptolemy) đưa ra, và có thể là con số chính xác. Quy mô và cách bố trí lực lượng giữ khu vực chiếm được trên đất của địch tại Abydos – nơi chắc chắn đã có sự xuất hiện của vài đội quân vào năm 334 – chưa được biết tới, nhưng có nhiều khả năng nó chỉ là một lực lượng nhỏ và chủ yếu là bộ binh đánh thuê.

Trụ cột của bộ binh là bộ binh hạng nặng Macedonia, “Bộ binh Chiến hữu” (Foot Companions), đã được tổ chức dựa trên nền tảng quân địa phương thành sáu tiểu đoàn (taxeis), mỗi tiểu đoàn khoảng 1.500 người. Thay vì mang theo cây thương chín feet (gần 3 mét) như bộ binh hạng nặng của Hy Lạp, bộ binh Macedonia được vũ trang với một thanh giáo hoặc sarissa[40] khoảng từ 4 đến 4,3 mét, mà phải dùng cả hai tay mới sử dụng được. Một tấm khiên tròn, màu sáng được đeo ở vai trái, nhỏ hơn tấm khiên thường được lính Hy Lạp mang theo và sử dụng bằng tay trái. Cả bộ binh Hy Lạp lẫn Macedonia đều mặc giáp và đội mũ sắt, nhưng có thể là lính Macedonia không mặc giáp che ngực.[41] Đội hình phalanx (một thuật ngữ tiện dụng để chỉ toàn bộ bộ binh Macedonia hạng nặng), giống như tất cả những đội quân Macedonia khác, đều được vua Philip áp dụng một tiêu chuẩn rèn luyện và kỷ luật xuất sắc. Không giống như đội hình phalanx mà người La Mã đã chạm trán khoảng một thế kỷ trước, đội hình phalanx của Alexander có tính cơ động cao và có khả năng áp dụng chiến thuật nhanh, như chúng ta sẽ được thấy khi đọc sáu chương đầu tiên trong cuốn sách của Arrian.

Trong trận chiến, cánh phải của đội hình phalanx được bảo vệ bởi những Hypaspist hay “Vệ quân”. Họ là một tập hợp những người xuất sắc, bao gồm tiểu đoàn Hoàng gia (agema) và hai tiểu đoàn khác, mỗi tiểu đoàn xấp xỉ 1.000 người. Alexander thường sử dụng họ trong những cuộc hành quân nhanh chóng và những hoạt động lưu động khác, thường kết hợp với kỵ binh và những đội quân vũ trang hạng nhẹ. Điều này cho thấy, mặc dù không được chứng minh, rằng vệ quân được vũ trang sơ sài hơn bộ binh hạng nặng; nhưng nếu như vậy, chúng ta không rõ điểm khác biệt này dựa vào đâu.

Các thành viên của Liên minh Corinth đóng góp 7.000 bộ binh hạng nặng, trong đó có 5.000 lính đánh thuê Hy Lạp. Phần còn lại trong bộ binh của Alexander bao gồm 7.000 quân Thracia và Illyria, được trang bị lao và hai đội bắn tên do người Crete và Macedonia chịu trách nhiệm. Đơn vị xuất sắc nhất trong số những đội quân trang bị hạng nhẹ là quân Agrianes, gồm 1.000 người. Họ được đánh giá rất tốt trong tương quan với lính Macedonia và xuất sắc không kém những Gurkhas[42] trong quân đội Ấn Độ. Về phía các đội quân đồng minh, họ đã sát cánh bên Alexander trong suốt các cuộc chinh phạt và được Arrian nhắc đến khoảng 50 lần. Cùng với những cung thủ và vệ quân, quân đồng minh đã góp phần trong tất cả những lần trinh sát, các trận đánh nhỏ, đồng thời đã chiến đấu rất anh dũng trong nhiều chiến dịch.

Niềm kiêu hãnh giữa đội kỵ binh được nắm giữ bởi “Những chiến hữu Hoàng gia” (Royal Companions) người Macedonia. Đội quân này ban đầu có 1.800 kỵ binh, chia thành tám tiểu đội hay Ilai, tất cả ở dưới quyền chỉ huy của Philotas, con trai của Parmenio. Trong số đó, Tiểu đội Hoàng gia, bao gồm khoảng 300 người, là vệ quân riêng của Alexander, đội quân mũi nhọn cho sức mạnh tấn công của kỵ binh trong những trận đánh lớn. Vị trí của họ là ở bên cánh phải của vệ quân, những người có nhiệm vụ duy trì liên kết giữa Kỵ binh Chiến hữu và đội hình phalanx. Bên cánh trái của đội hình phalanx là kỵ binh Thessaly, bao gồm khoảng 1.800 người vào lúc khởi đầu cuộc viễn chinh. Đặt dưới quyền chỉ huy chung của Parmenio, họ đảm nhận nhiệm vụ khó khăn tại Issus và Gaugemela là giữ chân lực lượng kỵ binh xuất sắc của người Ba Tư càng lâu càng tốt trong khi Alexander tung ra đòn quyết định ở cánh phải. Những đồng minh Hy Lạp đã cung cấp 600 kỵ binh, và phần còn lại là 900 quân, được hợp thành bởi những người Thrace, Paconian, và “Lính trinh sát” (Prodomoi), những người còn được gọi là “Kỵ binh đánh giáo” (Sarissophoroi) vì họ được trang bị sarissa, có thể là ngắn hơn những chiếc sarissa mà bộ binh sử dụng. Việc những kỵ binh hạng nhẹ là người Macedonia hay người Thrace là không rõ ràng; nhưng chắc chắn họ được phân biệt với “quân Thrace”. Cuối cùng, mặc dù Diodorus không nhắc tới kỵ binh đánh thuê trong danh sách lực lượng của ông, Alexander có thể đã có một vài đội như vậy ngay từ đầu. Trước trận Gaugamela, ít nhất, ngài có thể đã sở hữu khoảng 1.000 lính đánh thuê.[43]

Bất chấp nhu cầu về những đơn vị đồn trú tại Tiểu Á và Ai Cập, quân đội của Alexander tại Gaugamela đã lên tới con số 40.000 bộ binh và 7.000 kỵ binh. Theo như Arrian thuật lại, chỉ một vài viện quân đáng kể tới từ quân đội Macedonia và quân đồng minh khi Alexander đặt chân lên đất Gordium vào đầu năm 333. Không có bằng chứng nào cho thấy Alexander đã nhận được quân viện trợ trước trận Gaugemela. Quintus Curtius, người đã thuật lại rằng sau năm 331 Alexander đã nhận được nhiều viện quân, cũng chỉ nhắc tới những viện quân của lính đánh thuê trong giai đoạn này. Rõ ràng sự gia tăng về số lượng binh lính phần lớn là do tuyển mộ lính đánh thuê từ Hy Lạp và những lính đánh thuê đã từng chiến đấu cho Ba Tư. Alexander ban đầu đối xử với nhóm sau như những kẻ phản bội, nhưng sau này, khi nhận ra rằng điều này chỉ kích động sự kháng cự liều mạng nên sau đó vài tháng, ngài đã thay đổi chính sách của mình. Nhiều đơn vị đồn trú của Alexander bao gồm phần lớn là lính đánh thuê.

Ngay sau trận Gaugamela, Alexander nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của quân đội Macedonia, không ít hơn 6.000 lính bộ binh và 500 kỵ binh. Điều này cho phép ngài thành lập tiểu đoàn thứ 17 cho bộ binh, điều chắc đã diễn ra vào đầu năm 330.[44] Những tiểu đoàn khác chắc hẳn vẫn duy trì được sức mạnh trong một thời gian. Đó là phân đội Macedonia cuối cùng mà Alexander nhận được cho tới khi ông trở về phía Tây sau cuộc chinh phạt Ấn Độ, và cũng không có lý do thuyết phục nào về việc ông nhận được một đội quân tiếp viện nào khác. Vào năm 333, những đội quân đồng minh từ các thành bang Hy Lạp và từ Thessaly đã được thải hồi tại Ecbatana. Chúng ta được thuật lại là nhiều người trong số họ đã được tuyển mộ lại như những lính đánh thuê. Lính đánh thuê Hy Lạp được sử dụng ngày càng nhiều, và những đơn vị đồn trú tại nhiều thành phố được Alexander lập ra tại những tiểu bang (satrapy) miền Đông, thường gồm những lính đánh thuê này cùng với cư dân bản địa và một vài người Macedonia không đủ sức khỏe. Có thể đoán được rằng một phần trong số 10.000 bộ binh và 3.500 kỵ binh được để lại để bảo vệ Bactria vào năm 327 đều là người Macedonia.

Sau Gaugamela, mô hình chiến tranh đã thay đổi. Ở Bactria và Sogdiana, Alexander nhận ra ông đang phải đương đầu với sự kháng cự của cả một dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của Bessus và sau đó là Spitamenes, những người đã gạt đi những mâu thuẫn lớn và tập trung mở rộng chiến tranh du kích. Để có thể đối phó với kiểu chiến đấu linh hoạt này, vào năm 329, Alexander đã tiến hành một thay đổi quan trọng trong việc tổ chức Kỵ binh Chiến hữu. Chúng ta không còn nghe về tám tiểu đội (Ilai), mà nghe nói đến (ít nhất) tám trung đoàn (Hipparchiai), mỗi trung đoàn bao gồm hai tiểu đội hoặc nhiều hơn. Một số tiểu đội này dường như bao gồm cả những kỵ binh xuất sắc người Ba Tư.[45] Dĩ nhiên, Alexander đã sử dụng kỵ binh Ba Tư bên ngoài Kỵ binh Chiến hữu. Vào đầu năm 330, chúng ta được biết về đơn vị kỵ binh phóng lao người Ba Tư, và tại trận chiến sông Hydaspes vào năm 326, Alexander đã sử dụng đội quân của Daae, những cung thủ cưỡi ngựa, cũng như những kỵ binh từ Bactria, Sogdiana, Scythia, Arachotia, và vùng Parapamisus hoặc vùng Hindu Kush.[46]

Tại Massaga ở Ấn Độ, người ta thuật lại rằng Alexander đã cố gắng tuyển mộ lính đánh thuê Ấn Độ cho quân đội của mình, nhưng khi họ có ý định đào ngũ, ngài đã tàn sát hàng loạt nhóm binh lính. Không có đợt tuyển mộ lính Ấn Độ nào khác được ghi chép lại, và đội quân Ấn Độ duy nhất trong quân đội của Alexander mà chúng ta được biết là đội quân do các vương gia (rajah) Taxiles, Porus và thành phố Nysa cung cấp với tổng số khoảng 11.000 người. Tuy nhiên, nếu Nearchus chính xác khi nói rằng (Indica 19.5) ngay khi bắt đầu chuyến hải hành xuôi theo sông Hydaspes, Alexander mang theo 120.000 quân lính (Curtius 8.5.4) đưa ra con số tương tự về quân đội của ngài khi bắt đầu cuộc chinh phạt Ấn Độ; Plutarch (Alexander 66.4) cũng thuật lại tương tự về lực lượng (kỵ binh) mà Alexander mang theo khi rời Ấn Độ, Alexander chắc hẳn phải có một lượng quân Ấn Độ rất lớn trong quân đội của mình. Nhưng sự hiện diện của họ chỉ là tạm thời, bởi không có dấu hiệu nào cho thấy có bất kỳ người Ấn Độ nào quay trở lại phía Tây cùng với ngài.

Giữa những lời than phiền của người Macedonia vào năm 324, Arrian nhắc tới việc thành lập trung đoàn kỵ binh thứ 15 mà hầu hết bao gồm những người Iran, nếu chúng ta chấp nhận việc hiệu đính của Giáo sư Badian với trước tác của Arrian.[47] Điều này có nghĩa là việc phân chia Kỵ binh Chiến hữu thành tám trung đoàn đã bị loại bỏ, và chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi trở về từ Ấn Độ, Kỵ binh Chiến hữu chỉ còn bốn trung đoàn. Đôi khi người ta nói rằng thay đổi này phản ánh những tổn thất trong suốt cuộc hành quân qua sa mạc Gedrosia. Đội quân của Hephaestion được miêu tả như một “Chiliarchy”, một nhóm gồm 1.000 người, và mặc dù thực sự Hephaestion đúng là một “Chiliarch”[48] hoặc một “Vizier”, điều đó không có nghĩa hiển nhiên là phải giữ lại tên của ông dẫn đến đội quân của ông được gọi là “chiliarchy của Hephaestion”, thay vì “trung đoàn của Hephaestion”. Điều này, đối với tôi, dường như có nghĩa là những trung đoàn mới (trên danh nghĩa) có khoảng 1.000 người. Nếu như vậy, việc thay đổi sẽ được tiến hành trong cách tổ chức, hợp nhất kỵ binh vào những đơn vị yếu hơn và mạnh hơn.

Vào năm 324, khoảng 30.000 người Ba Tư trẻ tuổi (những “Người nối nghiệp”), được rèn luyện theo kiểu mẫu của Macedonia trong ba năm ròng, đã được sáp nhập vào đội quân của Alexander tại Susa. Cùng năm đó, sau cuộc binh biến tại Opis, Alexander đã gửi những người Macedonia không đủ sức khỏe hoặc đã quá tuổi phục vụ quân ngũ, khoảng 10.000 bộ binh và 1.500 kỵ binh, chắc hẳn là phần lớn lực lượng Macedonia của ngài, trở lại quê hương. Vào năm 323, quân tiếp viện đã tới Babylon. Philoxenus đã mang theo một đội quân từ Caria và Menander mang một đội quân từ Lycia, trong khi Menidas đã tới cùng đội kỵ binh dưới quyền chỉ huy của ông. Chắc hẳn là, như Brunt giả định,[49] đó là những phân đội mới đến từ Macedonia để thay thế cho những cựu binh đang trên đường về nhà. Từ năm 331, Alexander đã không tuyển mộ thêm nhân lực từ quê hương. Tuy nhiên, việc có phải Alexander muốn giảm bớt yếu tố Macedonia xuống mức không đáng kể trong quân đội của ngài hay không thì không chắc chắn. Hơn nữa, Peucestas đã mang tới 20.000 cung thủ và những lính bắn đá người Ba Tư, cũng như một lực lượng đáng kể quân Cossaea và Tapurian, mà có thể là kỵ binh. Lúc đó, Alexander đã thực hiện cuộc cải cách cuối cùng của ngài. Những người Ba Tư đã hợp nhất vào các đơn vị Macedonia theo một cách thức mà mỗi trung đội bao gồm bốn phó chỉ huy người Macedonia và mười hai người Ba Tư, mỗi người đều được vũ trang theo kiểu mẫu dân tộc của họ.

Trong tương lai, sau đó, hoặc ít nhất là trong tương lai gần, quân đội ở châu Á chủ yếu bao gồm những phân đội người Iran. Theo lời thuật lại của Quintus Curtius, dấu hiệu duy nhất về quy mô của hợp phần Macedonia đã được đưa ra trong bài diễn văn mà Alexander đọc nhưng đây hẳn là sáng tác riêng của sử gia. Trong đó nhà vua nhắc tới đội quân gồm 13.000 bộ binh và 2.000 kỵ binh, tất cả đều là người Macedonia, ngoại trừ những đơn vị đồn trú.

Quyển Một

Nếu có ai đó băn khoăn vì sao tôi lại tiếp tục đào xới những bước đường viễn chinh của Alexander, việc mà rất nhiều người đã thực hiện, thì xin quý vị hãy dành chút thời gian đọc trọn tác phẩm rồi hãy đưa ra những đánh giá khách quan nhất về công trình của tôi.

Đối chiếu những ghi chép của Ptolemy và Aristobulus về Alexander Đại đế, con trai của vua Philip xứ Macedonia, ở những điểm giống nhau tôi đều thực hiện việc khảo cứu về độ xác thực của những dữ liệu này, còn ở những điểm khác nhau, tôi lựa chọn điều mà tôi cảm thấy có nhiều khả năng xảy ra hơn và thú vị hơn.[50] Cuộc đời của Alexander vĩ đại và bí ẩn hơn bất kỳ nhân vật lịch sử nào – việc tái hiện cuộc đời ông trên trang giấy, dù là của bất cứ tác gia nào, luôn dẫn đến những tranh cãi không dứt về tính xác thực; tuy vậy, dường như đối với tôi, việc sử dụng những cứ liệu của Ptolemy và Aristobulus là đáng tin hơn cả, vì Aristobulus là người đã sát cánh trong những cuộc viễn chinh của Alexander, còn Ptolemy có ưu điểm là một vị vua, mà việc nhầm lẫn sẽ đem lại sự xấu hổ cho người hơn bất kỳ ai. Hơn nữa, Alexander đã qua đời khi những người này viết về ông nên họ không phải chịu một áp lực nào, và họ cũng không thể thu được món lợi nào từ việc xuyên tạc sự thật. Một vài tuyên bố của những sử gia khác về Alexander có thể tương ứng với những truyền thuyết phổ biến: một vài trong số đó thú vị và nhiều khả năng là sự thật, tôi cũng đã nhắc đến chúng trong công trình của mình.

Vua Philip của Macedonia qua đời khi Pythodelus đang là quan chấp chính ở Athens.[51] Người kế vị ông, Alexander, khi đó chỉ tầm 20 tuổi.[52] Tương truyền rằng, khi vừa kế vị, Alexander đã tới Peloponnese, yêu cầu tất cả các thành bang trong Hy Lạp một lần nữa thể hiện sự trung thành như đã thể hiện với cha ngài bằng việc tập hợp lực lượng, và khởi phát một cuộc viễn chinh tới xứ Ba Tư. Sự khước từ duy nhất là từ phía những người dân thành Lacedaemon (Sparta), viện dẫn những truyền thống xưa cũ rằng không thể để ngoại nhân là người thống lĩnh. Cũng tại Athens, có nhiều vấn đề đã nảy sinh; nhưng mọi chướng ngại cuối cùng đã bị phá bỏ với sự xuất hiện của Alexander. Thậm chí vị hoàng đế trẻ tuổi còn nhận được những cam kết ủng hộ mạnh mẽ hơn cả thân phụ ngài là Philip[53] lúc sinh thời. Sau khi dàn xếp xong việc này, Alexander trở lại Macedonia và chuẩn bị cho cuộc chinh phạt châu Á.

Chiến cuộc đánh dấu cho năm trị vì đầu tiên của Alexander là cuộc đột kích vào xứ Tharce, vùng đất nằm ở biên giới phía bắc quê hương Macedonia của ngài vào mùa xuân năm 335 TCN, nơi đang bị xới tung vì cuộc tranh chấp của người Triballi và Illyria.[54] Để chu toàn cho cuộc viễn chinh sẽ vươn tới đất Ba Tư bên kia bờ đại dương, việc sáng suốt nhất cần làm ngay là dẹp yên những hỗn loạn ở vùng đất cận kề xứ sở của ngài.

Trong vỏn vẹn mười ngày, Đại đế và đội quân hùng mạnh của ngài đã bỏ lại sau lưng Amphipolis, thành phố bên bờ biển Aegea, rời Philippi và ngọn núi Orbelus, băng qua Nestus, tới ngọn Haemus. Ở đây, chắn giữa ngài và tập hợp lực lượng dân bản địa[55] cùng những người Tharce trên đỉnh là triền núi dốc, nơi chỉ có thể hành quân từng đơn vị một. Những người Tharce tự do với vũ khí lăm lăm trong tay đã tập hợp một hàng rào chắn bằng các chiến xa, với dụng ý xa hơn là sẽ đè bẹp hoàn toàn đội quân Macedonia khi những binh lính này đang dần tiến lên từ triền núi. Họ hy vọng rằng sự va chạm với chiến xa sẽ gây ra tổn thất cho quân đội kẻ thù, từ đó, tạo được thế cân bằng về lực lượng.

Đứng trước thử thách phải vượt qua ngọn núi với ít tổn thất nhất, Alexander đã đưa ra đối sách là dùng bộ binh hạng nặng đi theo đội hình phalanx, trong đó từng chiến binh nhích từng bước một với khiên che kín trên đầu; họ di chuyển sát nhau thành một đội hình chặt chẽ nhất có thể, với cách thức này khi các chiến xa lăn xuống triền núi, chúng sẽ lao vượt qua họ mà không gây ra thương tích gì. Chiến lược của ngài đã tỏ ra hiệu quả: không có khoảng trống giữa các đơn vị để các chiến xa gây tổn thất, chúng chỉ có thể nảy lên trên những tấm khiên xếp chồng nhau. Người Macedonia khi vượt qua đợt tấn công của các chiến xa, đã hò reo một cách điên cuồng khi lên tới đỉnh, hăm hở xông vào đội hình đối phương với sự dũng cảm đáng kinh ngạc. Cung thủ dưới sự điều động của ngài đã di chuyển sang bên cánh phải để có được một vị trí thuận lợi hơn trước tuyến chính trong đội hình, nhằm phong tỏa những đợt phản công mà người Thrace có thể tung ra. Vệ binh của ngài cùng với những người Agrianes di chuyển về phía cánh trái, tạo thành gọng kìm bóp nát đội hình của kẻ thù. Chiến lược hoàn hảo này của ngài có vẻ đã quá chu toàn, vì trước khi gọng kìm siết lại, toán quân ô hợp của những người Thrace đã tự tan vỡ trước sự tấn công mạnh mẽ của bộ binh. Quả thực, thậm chí trước khi những đội quân dưới sự chỉ huy của Alexander ở cánh trái tiếp xúc với quân Thrace, lực lượng của họ đã bị phá vỡ và bỏ chạy xuống núi. Khoảng 1.500 người đã bị giết, chỉ một vài người bị bắt; phần lớn những người còn lại rất nhanh nhạy và quá thông thuộc địa hình để không bị rơi vào tay kẻ thù. Kho báu, đồ dự trữ, phụ nữ và trẻ em của người Thrace, tất cả đều thuộc về những chiến binh thắng trận.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button