Lịch sử - địa lý

Hồi Ký Chiến Tranh Tập 1

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Charles De Gaulle

Download sách Hồi Ký Chiến Tranh Tập 1 ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : LỊCH SỬ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Charles de Gaulle là một vị tướng kiêm chính trị gia người Pháp; ông là người lãnh đạo phong trào Nước Pháp Tự Do trong Thế chiến II và là nhà kiến trúc đại tài, người đã xây dựng nên Đệ ngũ Cộng hòa. Tư tưởng chính trị của ông – được gọi là “Gaullism” (chủ nghĩa De Gaulle) – đã và vẫn có những ảnh hưởng to lớn lên chính trường Pháp.

Charles de Gaulle sinh ngày 22 tháng Mười một năm 1890 tại Lille và lớn lên tại Paris, nơi cha ông làm giáo sư sử học. Tuy nhiên, de Gaulle không nối nghiệp cha mà lựa chọn binh nghiệp. Ông đã chiến đấu can trường trong Thế chiến I.

Trong thập kỷ 1930, de Gaulle viết sách và báo về các chủ đề quân sự, qua đó ông phê phán việc nước Pháp quá phụ thuộc vào Phòng tuyến Maginot để phòng thủ trước quân Đức và kêu gọi thành lập các quân đoàn thiết giáp cơ giới hóa. Nhưng những lời kêu gọi của ông đều rơi vào chân không. Tháng Sáu năm 1940, các lực lượng Đức Quốc xã đã đánh bại Pháp một cách dễ dàng. Không cam chịu chấp nhận thỏa thuận đình chiến của chính phủ với Đức, de Gaulle chạy sang London. Tại đây, ông đọc lời kêu gọi nhân dân Pháp đứng lên đánh đuổi quân xâm lược và tuyên bố thành lập chính phủ Pháp lưu vong. Ông trở thành người lãnh đạo phong trào Nước Pháp Tự Do.

Sau khi Paris được tự do vào tháng Tám năm 1944, de Gaulle trở về và được chào đón như một vị anh hùng dân tộc. Trong những năm tháng tiếp theo, ông là trụ cột trong công cuộc khôi phục vị thế nước Pháp trên trường quốc tế cả về mặt kinh tế và quân sự.

Bộ ba cuốn Hồi ký chiến tranh là những tâm sự chân thành của Tướng Charles de Gaulle về con đường ông đã trải qua để vực dậy nước Pháp. Qua ngòi bút bậc thầy, hiện thân của nền văn học hiện đại Pháp, chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước sắt son của de Gaulle, sự đơn độc mà ông đã trải qua khi những dự đoán, phân tích và đề xuất thống thiết của ông với nhà nước đều bị chối bỏ, nỗi gian truân và cả sự thất vọng trong những ngày tháng tha hương. Với những ảnh hưởng lớn về tư tưởng mà ông đã để lại trên chính trường nước Pháp cho đến ngày nay, cuốn sách này là một kho tư liệu quý nhằm diễn giải những lý do đằng sau những hành động của vị tướng đồng thời cũng là một vị chính khách tài ba này.

Không giống với những nhân vật của công chúng khác, de Gaulle tự tay viết nên cuốn hồi ký này. Và lối viết tao nhã đầy tính văn chương của một vị tướng từng vào sinh ra tử đã lập tức khiến Hồi ký chiến tranh được công nhận là cuốn sách kinh điển trong nền văn học hiện đại Pháp; không những thế, cuốn sách còn được đề cử giải thưởng Nobel Văn học năm 1963.

ĐỌC THỬ

Chương 1 Cái dốc

Trọn đời tôi, tôi luôn nghĩ về nước Pháp với một niềm đinh ninh được vun bồi bằng cả tình cảm lẫn lý trí. Một cách tự nhiên, con người tình cảm trong tôi hình dung rằng nước Pháp, giống như nàng công chúa trong những câu chuyện cổ tích hay Đức Mẹ trên những bức bích họa, đã được định sẵn một số phận cao quý và phi thường. Bằng trực giác, tôi có cảm tưởng rằng Đấng Sáng Thế đã tạo nên Người cho những thành công tuyệt đích hoặc những nghịch cảnh tận cùng. Nếu trong hành động của Người có dấu vết của sự tầm thường thì với tôi, đó là một ngoại lệ kỳ quặc do lỗi của người Pháp gây nên chứ không nằm ở linh hồn Tổ quốc. Nhưng con người lý trí trong tôi cũng lại cho tôi thấy rằng nước Pháp chỉ thật sự là chính mình khi ở hàng đầu; rằng chỉ có những sự nghiệp lớn lao mới có thể bù đắp cho những mầm mống chia rẽ nơi bản thân dân tộc; rằng đất nước tôi, như Người vẫn thế, ở giữa những quốc gia khác, như họ vẫn vậy, trước những hiểm nguy chết người vẫn phải hiên ngang đứng thẳng và vươn cao. Tóm lại theo tôi, nước Pháp không thể là nước Pháp thiếu sự vĩ đại.

Niềm tin này đã theo tôi lớn lên trong môi trường tôi ra đời. Cha tôi, con người của tư duy, của văn hóa, của truyền thống, đã thấm nhuần ý thức về phẩm cách của nước Pháp. Ông đã mở ra cho tôi lịch sử của tổ quốc. Mẹ tôi dành cho tổ quốc một niềm đam mê không gì lay chuyển nổi, sánh ngang với lòng sùng đạo. Đối với ba anh em trai của tôi, chị gái tôi, và bản thân tôi, lòng tự hào rộn ràng đối với tổ quốc tồn tại như một bản năng thứ hai vậy. Là chú bé gốc tỉnh Lille sống tại Paris, không gì gây ấn tượng cho tôi bằng những biểu tượng vinh quang của dân tộc chúng tôi: đêm xuống trên nhà thờ Đức Bà, vẻ huy hoàng của buổi chiều Versailles, Khải Hoàn Môn dưới ánh mặt trời, những lá cờ thuộc địa run rẩy trên vòm điện Invalides. Không gì khiến tôi xúc động hơn những bằng chứng về thành công của dân tộc chúng tôi: sự nhiệt tình của dân chúng lúc sa hoàng nước Nga đi qua, cuộc duyệt binh ở Trường đua Longchamp, những kỳ quan trong cuộc Triển lãm Quốc tế, những chuyến bay đầu tiên của các phi công của chúng tôi. Không gì khiến tôi buồn sâu sắc hơn những yếu đuối và sai lầm của dân tộc mà tuổi thơ tôi cảm nhận được qua những khuôn mặt và những câu chuyện của người lớn: sự kiện Fashoda(1), sự kiện Dreyfus(2), những xung đột xã hội, những bất đồng về tôn giáo. Không gì làm tôi xúc động bằng câu chuyện về những nỗi bất hạnh của chúng tôi trong quá khứ: cha tôi kể về cuộc phá vây vô vọng ở Le Bourget và Stains(3), nơi ông bị thương; mẹ tôi nhớ về nỗi thất vọng của bà khi còn là một đứa trẻ đứng nhìn cha mẹ nghẹn ngào: “Bazaine đã đầu hàng rồi(4)!”

Thời niên thiếu, điều khiến tôi quan tâm hơn cả là những gì xảy đến với nước Pháp, dù đó là đề tài lịch sử hoặc những được thua trên chính trường. Vì thế, tôi say mê theo dõi, nhưng với óc phán xét nghiêm khắc, vở kịch đang được trình diễn không ngừng nghỉ trên sân khấu chính trị; tôi mê mẩn trước sự thông minh, bầu nhiệt huyết và tài hùng biện mà nhiều diễn viên đã không tiếc công phô diễn, và não lòng khi thấy bao thiên tư bị phung phí trong sự hỗn loạn chính trị và sự chia rẽ của dân tộc, nhất là vào giai đoạn đầu thế kỷ khi những dấu hiệu báo trước chiến tranh xuất hiện. Thú thực, trong những năm đầu của tuổi tráng niên, tôi đã mường tượng không chút sợ hãi, thậm chí còn lý tưởng hóa, cuộc phiêu lưu còn chưa được biết đến này. Tóm lại, tôi tin rằng nước Pháp phải trải qua những thử thách to lớn, rằng cái thú vị của cuộc sống là có ngày được phụng sự tổ quốc, và rằng tôi sẽ có cơ hội được làm điều đó.

Khi tôi nhập ngũ, quân đội là một trong những điều vĩ đại nhất trên thế giới này. Mặc cho những lời chỉ trích và lăng nhục trút lên đầu, họ vẫn cảm thấy, với sự thanh thản và thậm chí cả niềm hy vọng ngấm ngầm, rằng rồi sẽ tới những ngày mà tất cả đều trông cậy vào họ. Sau khi tốt nghiệp trường Saint-Cyr(5), tôi làm sĩ quan tập sự tại Trung đoàn Bộ binh 33 ở Arras(6). Pétain, vị Đại tá đầu tiên của tôi, đã chứng minh cho tôi thấy thiên tư và nghệ thuật chỉ huy có giá trị như thế nào. Rồi sau đó, trong lúc bão táp cuốn tôi đi như cuốn một cọng rơm qua những cơn chấn động của chiến tranh – cuộc thử lửa đầu tiên của tôi, cảnh kham khổ trong các chiến hào, những cuộc tấn công, những trận oanh tạc, thương tích và tù đày – tôi có thể thấy nước Pháp, tuy bị tước đi một phần phương tiện cần thiết để phòng vệ do tỉ lệ sinh thấp, do những ý thức hệ rỗng tuếch và sự chểnh mảng của chính quyền, vẫn kiên cường bước tới, lấy lòng hi sinh không biên giới để bù đắp cho những thiếu hụt của dân tộc, và đưa thử thách tới một kết thúc thắng lợi. Tôi có thể thấy, trong những ngày tháng nguy kịch nhất, đất nước tôi củng cố lại tinh thần, ban đầu là dưới sự che chở của Joffre(7), và kết thúc với sự khích lệ của “Con hổ(8)”. Tôi có thể thấy, sau đó tổ quốc tôi, dẫu kiệt quệ vì mất mát và đổ nát, dẫu cơ cấu xã hội và sự thăng bằng về tinh thần bị đảo lộn, vẫn khập khiễng lê bước về phía định mệnh của mình; trong khi đó thì chế độ, sau khi một lần nữa lấy lại hình hài cũ và chối bỏ Clemenceau, đã quay lưng lại với sự vĩ đại để quay về với sự hỗn loạn.

Trong những năm tiếp theo, sự nghiệp của tôi trải qua nhiều giai đoạn khác nhau: nhận lãnh một nhiệm vụ đặc biệt và tham gia một chiến dịch tại Ba Lan, giảng dạy môn lịch sử tại trường Saint-Cyr, làm việc tại văn phòng Thống chế, Chỉ huy Tiểu đoàn Kỵ binh 19 tại Trèves, và tham gia vào Bộ Tham mưu ở vùng sông Rhine và Levant. Đến đâu tôi cũng cảm nhận được một uy thế mới mà những thành công gần đây đã mang về cho nước Pháp, nhưng bên cạnh đó còn có cả những hoài nghi về tương lai do cách hành xử thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo khơi dậy. Rốt lại, tôi vẫn thấy binh nghiệp mang lại cho tinh thần và trái tim mình sự hứng thú mạnh mẽ. Quân đội, tuy lúc này vẫn đều đều một guồng quay vô sự, song tôi đã nhìn thấy trong đó cái phương tiện để thực hiện những hành động lớn lao sắp tới.

Rõ ràng là kết quả của cuộc Thế chiến I vẫn chưa thiết lập được hòa bình. Đức đang quay trở lại với những tham vọng của mình với tốc độ tỉ lệ thuận với tốc độ khôi phục sức mạnh. Trong khi Nga bận đóng cửa làm cách mạng, trong khi Mỹ vẫn giữ khoảng cách với châu Âu, trong khi Anh lại đối xử mềm mỏng với Berlin để có lúc Paris cần tới Anh; trong khi các nhà nước mới thành lập vẫn còn yếu và phân tán – thì cái trọng trách kiềm chế đế quốc Đức đặt nặng lên đôi vai của một mình nước Pháp. Thật ra Pháp đã cố gắng, nhưng không liên tục. Vì thế mà chính sách của Pháp ban đầu là kiềm chế Đức dưới sự chỉ đạo của Poincarés(9), sau đó lại tìm cách hòa giải theo khởi xướng của Briand(10), và cuối cùng là tìm chỗ trú thân trong Hội Quốc Liên. Nhưng mối đe dọa từ nước Đức mỗi lúc một lớn hơn. Hitler đang tiến gần đến quyền lực.

Vào thời kỳ đó, tôi được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Bộ Quốc phòng, cơ quan thường trực dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng có nhiệm vụ chuẩn bị cho quốc gia và dân tộc bước vào cuộc chiến. Từ năm 1932 tới năm 1937, dưới sự quản lý của 14 chính phủ, tôi đã tham gia, ở góc độ hoạch định nghiên cứu, vào mọi hoạt động chính trị, kỹ thuật và hành chính liên quan tới việc phòng thủ đất nước. Cụ thể, tôi phải làm quen với các kế hoạch về an ninh và hạn chế vũ trang mà André Tardieu(11) và Paul-Boncour(12) đã trình bày tại Genève; cung cấp cho nội các của Doumergue(13) những thông tin cần thiết để họ ra quyết định lựa chọn đường lối khác sau khi Quốc trưởng(14) lên nắm quyền; miệt mài dệt tấm vải nàng Penelope(15) – một dự thảo luật tổ chức đất nước trong thời chiến; và nghiên cứu các biện pháp liên quan đến việc tổng động viên các cơ quan dân chính, các lĩnh vực ngành nghề, các cơ quan dịch vụ công. Những công việc mà tôi phải làm, những hội thảo mà tôi có mặt, những cuộc tiếp xúc mà tôi phải thực hiện – tất cả đã cho tôi thấy nguồn lực vô bờ của tổ quốc, nhưng tôi cũng thấy cả sự yếu kém của nhà nước.

Bởi lẽ, chính quyền tràn ngập những mâu thuẫn. Dĩ nhiên, không phải vì những con người trong chính quyền đó thiếu trí tuệ hay không có lòng yêu nước. Trái lại, tôi đã thấy những con người có tài, đôi khi là những tài năng lớn, đứng đầu các bộ. Nhưng trò chơi của chế độ đã hủy hoại họ và khiến họ trở nên tê liệt. Là một chứng nhân thầm lặng nhưng nhiệt tình trước sân khấu chính trị, tôi thấy có một kịch bản được lặp đi lặp lại liên tục. Hầu như thủ tướng nào sau khi nhậm chức cũng lập tức bị bủa vây trong vô số những yêu sách, chỉ trích, và những chèo kéo lấy lòng, khiến ông ta phải dốc sức mà né tránh chứ không kịp trấn áp chúng. Quốc hội chẳng những không ủng hộ mà còn đặt ra những ổ phục kích và bỏ rơi ông ta. Các bộ trưởng của ông lại kình địch với ông. Dư luận, báo chí, các nhóm lợi ích đều xem ông ta là mục tiêu của tất cả những lời kêu ca, phàn nàn. Vả chăng mọi người – mà trước tiên là ông ta – đều biết rằng ông ta chỉ tại vị trong một thời gian ngắn; mà thực ra, sau vài tháng ông ta lại phải nhường chỗ cho người khác rồi. Về mặt quốc phòng, những điều kiện như vậy gây cản trở khiến những người có trách nhiệm không thực hiện được một chỉnh thể hữu cơ bao gồm những kế hoạch, những quyết định chín chắn và những biện pháp được tiến hành tới nơi tới chốn, tức là cái mà chúng ta vẫn gọi là chính sách.

Vì những lý do này mà quân đội, vốn không nhận được gì từ nhà nước ngoài những thúc giục dồn dập và đầy mâu thuẫn, tiếp tục quy thuận theo giáo điều. Họ trở nên mắc kẹt trong những tư tưởng từng rất sống động trước khi kết thúc cuộc Thế chiến vừa qua. Và họ càng xuống dốc hơn nữa vì những người chỉ huy đang ngày một già cỗi trên chiếc ghế lãnh đạo, cố bám giữ lấy những sai lầm ngày nào đã mang lại vinh quang cho họ.

Do đó, xây dựng mặt trận cố định và liên tục là tư tưởng chủ đạo trong chiến lược hành động tương lai. Việc tổ chức, lập chính sách, huấn luyện và vũ trang đều trực tiếp bắt nguồn từ đó. Điều đó được hiểu là, trong trường hợp chiến tranh, nước Pháp sẽ huy động được số quân dự bị đông đảo và thành lập càng nhiều sư đoàn càng tốt; những sư đoàn này được dựng lên không phải để điều động, tấn công và khai thác, mà để trấn giữ các khu vực. Họ sẽ được bố trí dọc theo biên giới Pháp và Bỉ – khi ấy Bỉ đang công khai là đồng minh của chúng tôi – và sẽ ở đó đợi địch quân tấn công.

Còn về phương tiện: xe tăng, máy bay, đại bác cơ động và đại bác xoay nòng – những loại vũ khí đã chứng tỏ được khả năng tạo bất ngờ và khả năng đột phá trong những trận đánh cuối cùng của cuộc Thế chiến I, mà sức mạnh của chúng cũng không ngừng được tăng cường kể từ đó – sẽ chỉ dùng để củng cố phòng tuyến và, nếu cần, tái lập phòng tuyến bằng các cuộc phản công tại chỗ. Các loại vũ khí được xây dựng cố định như sau: xe tăng di chuyển chậm thì được trang bị các loại vũ khí nhẹ và ngắn, dùng để hộ tống bộ binh chứ không tham gia vào các hoạt động nhanh, độc lập; máy bay tiêm kích được dùng để bảo vệ các vùng trời, nhưng Không quân chỉ có thể cử một số ít máy bay ném bom đi kèm chúng, và không có chiếc máy bay ném bom bổ nhào nào; các loại pháo thì chỉ được thiết kế để bắn từ một vị trí cố định với một trường hoạt động nằm ngang chật hẹp chứ không thể xuyên qua mọi địa thế và bắn ở mọi góc độ. Hơn nữa, trước đó mặt trận đã được định hình bằng những công trình của Phòng tuyến Maginot(16) và nối dài bằng những công sự của Bỉ. Như vậy, cả nước sẽ vũ trang để giữ một rào chắn, và đằng sau cái rào chắn ấy họ sẽ đợi – họ nghĩ vậy đấy – cho đến khi cuộc phong tỏa làm kiệt sức kẻ thù cũng như áp lực của thế giới tự do khiến chúng sụp đổ.

Quan điểm như vậy về chiến tranh phù hợp với tinh thần của chế độ. Bị dồn vào chỗ đình đốn bởi sự yếu kém của chính quyền và những chia rẽ về chính trị, chế độ chỉ còn nước bám chặt vào một hệ thống chết cứng như vậy. Ấy thế nhưng liều thuốc trấn an này lại đáp ứng quá tốt tâm lý chung của cả nước nên những ai muốn thắng cử, muốn được tán dương hay được lên báo đều không thể không chấp thuận. Dư luận không quan tâm tới những cuộc tấn công mà chìm đắm vào cái ảo tưởng rằng lên án chiến tranh sẽ ngăn chặn những kẻ hiếu chiến khỏi gây chiến, họ nhớ đến những cuộc tấn công thảm họa mà không nhận ra cuộc cách mạng trong sức mạnh quân sự được sinh ra chính từ động cơ đốt trong đó. Tóm lại, tất cả đều hợp lại để biến sự thụ động trở thành nguyên tắc cho công cuộc quốc phòng của chúng tôi.

Đối với tôi, đây là xu hướng hết sức nguy hiểm. Từ quan điểm chiến lược, tôi cho rằng, nó trao cho kẻ thù quyền chủ động hoàn toàn. Từ quan điểm chính trị, tôi tin rằng việc công bố ý định duy trì quân đội Pháp ở vùng biên giới sẽ khuyến khích Đức hành động chống lại các nước yếu, vốn bị cô lập từ thời điểm đó như vùng Sarre, các nước thuộc vùng sông Rhin, Áo, Tiệp Khắc, các nước vùng biển Baltique, Ba Lan, v.v…; Nga sẽ không muốn thiết lập quan hệ với chúng tôi nữa; và Ý sẽ đinh ninh rằng dù họ có làm gì đi chăng nữa thì chúng tôi cũng sẽ không áp đặt bất kỳ giới hạn nào đối với dã tâm của họ. Cuối cùng, từ quan điểm đạo đức, tôi thấy thật tệ hại khi khiến đất nước này tin rằng nếu chiến tranh xảy đến thì điều cốt yếu là làm sao để chiến đấu càng ít càng tốt.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button