Lịch sử - địa lý

Hoàng Sa Trường Sa Trong Thư Tịch Cổ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đinh Kim Phúc

Download sách Hoàng Sa Trường Sa Trong Thư Tịch Cổ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH LỊCH SỬ – ĐỊA LÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Người Việt Nam thường gọi nơi chôn nhau cắt rốn và sinh thành của mình bằng nhiều từ rất tượng hình như:  Quê hương, Quê cha, Đất mẹ, Non-Sông, Đất-Nước, Dân tộc, Quốc gia…  Đó là gò đất, mảnh vườn, thửa ruộng, bờ đê, con đò, lũy tre làng, mái tranh, bếp lửa, con đường, dòng sông, cánh đồng, dãy núi… Chính Non-Sông, Đất-Nước này giao hòa với nhau không những trở thành nơi sinh sống đặc biệt của người Việt, mà còn hóa thành sự sống, thành cơm gạo, xóm làng, tình nghĩa, bản sắc của cả một dân tộc.

Tất cả là những từ mở rộng của nơi chôn nhau cắt rốn, biểu tượng của gốc rễ người dân Việt làm bằng đất đai, ruộng đồng, sông núi, bờ cõi, mồ hôi nước mắt và xương máu của biết bao nhiêu người. Và một khi hàng ngàn thế hệ nối tiếp nhau đã lấy chính mạng sống để xây đắp và bảo vệ  Quê hương, Đất nước, Non sông  đó, thì đương nhiên chúng trở thành linh thiêng, biểu tượng cho  Quốc gia – Dân tộc.

Chính vì vậy, trong quá trình dựng Nước và bảo vệ Đất – Nước của dân tộc Việt Nam, lãnh thổ và biên giới quốc gia luôn gắn liền với tình tự  Dân tộc  . Suốt bao ngàn năm lịch sử, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là vấn đề thiêng liêng đối với dân tộc chúng ta.

Trước hiểm họa “  nước mất nhà tan  ” vì mưu đồ thôn tính của lũ giặc Tống, Lý Thường Kiệt đã khẳng khái tuyên bố:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm!

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Nghĩa là:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách Trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm!

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Từ đời Tần, mỗi khi có một họ thống nhất Trung Hoa thì lập tức liền nghĩ đến việc chiếm các nước nhỏ chung quanh. Trong quá khứ, Việt Nam nhiều lần đã là nạn nhân đau thương của “chủ nghĩa bành trướng” này, vì người Trung Quốc luôn lợi dụng mọi cơ hội để thực hiện ý đồ bá quyền của họ.

Vào giữa thế kỷ XX, liền sau khi chiến thắng ở đại lục, quân đội Trung Quốc thay thế quân đội Quốc Dân đảng Trung Hoa chiếm đóng đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) năm 1956, trong khi đó Đài Loan vẫn tiếp tục thường xuyên có mặt ở đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa).

Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ lực, đẩy quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, chiếm cứ quần đảo này một cách bất hợp pháp. Hơn 10 năm sau (1988), họ lại ngang nhiên đổ bộ lên một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa.

Sau hơn 50 năm (1956-2012) hoạt động xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong thời gian gần đây Trung Quốc lại bắt đầu một cuộc bành trướng mới, với nhiều hành động khiêu khích và đụng độ, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Việt Nam và nền hòa bình của biển Đông. Cao điểm của những động thái mới này là việc Trung Quốc tuyên bố “  đường lưỡi bò  ” ở biển Đông (chiếm 80% diện tích trên biển Đông) và nhất là quyết định của Quốc Vụ viện Trung Quốc, ngày 2 tháng 12 năm 2007, thành lập một trung tâm hành chính với tên gọi là Tam Sa ở Hải Nam để quản lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác.

Dựa trên các tư liệu cổ của Việt Nam, của các thừa sai Công giáo, của các nước phương Tây, của chính Trung Quốc, các tác giả Đinh Kim Phúc, Trịnh Khắc Mạnh, Hồ Bạch Thảo, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đăng Vũ tiếp tục chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không có cái gọi là “Tây Sa”, “Nam Sa” trong sử liệu của Trung Quốc.

Việc nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông là một việc làm vô cùng cần thiết và khẩn thiết cho tiền đồ của dân tộc. Ngày 1/4/2010, đến thăm trung đoàn HQ 953 đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ và tại buổi làm việc với Bộ tư lệnh hải quân, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn muốn cùng các nước láng giềng giải quyết các vấn đề biên giới, nhất là biên giới trên biển, bằng con đường thương lượng hòa bình.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân. Có hòa bình, hữu nghị thì nhân dân mới có cuộc sống ổn định, đó là thiện chí của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục. Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.

Nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông đang trở thành một thách đố lớn lao, vì tính thời sự và tầm quan trọng của vấn đề. Đọc các bài phản biện trong tập tư liệu này chúng ta sẽ nhận ra ngay là hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc về Việt Nam, chứ không thể thuộc về bất cứ quốc gia nào khác. Những “bằng chứng” thuộc loại “đao to búa lớn” mà Trung Quốc thường trưng dẫn trong mấy thập niên gần đây thực ra chỉ là những “chứng cứ giả”. Trước những bằng chứng lịch sử hiển nhiên, chẳng ai có thể dễ dàng “lấy vải thưa che mắt thánh”.

Tuy chưa khai thác hết nguồn tư liệu phong phú hiện có về vấn đề biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa nói riêng, nhưng tập tư liệu này là một khởi đầu quan trọng và cần thiết để những ai quan tâm đến vấn đề tiếp tục tìm hiểu và đào sâu hơn nữa những lý chứng lịch sử, cũng như pháp lý. Hi vọng tập tư liệu này sẽ tạo ra một ý thức mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền cũng như ở biển đảo của dân tộc ta.

Ý thức rằng vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông sẽ gặp nhiều bất lợi nếu không tìm ra những giải pháp hữu hiệu để đối phó, chúng tôi muốn giới thiệu với quý bạn đọc tập tư liệu này để đào sâu hơn vấn đề, để cùng nhau suy nghĩ về những biện pháp ngăn ngừa không cho những sự cố xấu nhất có thể xảy ra, đồng thời để kiếm tìm những giải pháp trung và dài hạn cho một trong những vấn đề sinh tử của dân tộc.

ĐỌC THỬ

 TƯ DUY BIỂN CẢ CỦA TRUNG QUỐC

Đinh Kim Phúc

Theo tin Tân Hoa Xã  : Ngày 26 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã tiếp Đoàn đại biểu Cấp cao Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc do đồng chí Thượng tướng Lý Kế Nại, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc làm Trưởng đoàn.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Lý Kế Nại, tin rằng chuyến thăm lần này tất sẽ sâu sắc và phong phú hơn nữa nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. Tổng Bí thư nói, Việt Nam luôn dốc sức cho việc củng cố và phát triển sự hợp tác hữu nghị toàn diện với Trung Quốc, nguyện mãi mãi làm người láng giềng tốt của Trung Quốc. Việt Nam coi trọng cao quan hệ quân đội, mong quân đội hai nước giao lưu gắn bó, tăng cường hữu nghị, tăng cường hợp tác.

Đồng chí Thượng tướng Lý Kế Nại nói, Trung-Việt hữu nghị là sự lựa chọn lịch sử, cũng là yêu cầu của thời đại. Quan hệ Trung-Việt đang ở vào khởi điểm lịch sử mới, phải quý trọng gấp bội cục diện tốt đẹp không dễ mà có này. Trung Quốc nguyện cùng Việt Nam, xuất phát từ lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, nhân dịp 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và năm hữu nghị Trung-Việt, cố gắng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển về phía trước”  (1)  .

Đọc tin trên chúng tôi thấy lòng mình phấn khởi, nay lại được củng cố thêm:

“Theo tin Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc ngày 10/6/2010: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: “Trung Quốc không gây đe dọa đối với người khác, cũng không xâm lược nước khác, Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền. Trung Quốc là nước đang phát triển, cho dù sau này Trung Quốc phát triển, cũng sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, mãi mãi không xưng bá, đây là sự tuyên bố trịnh trọng trước thế giới của Chính phủ Trung Quốc”  (2)  .

Nhưng lời nói không đi đôi với việc làm:

Ngày 30/04/2010, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Đông từ 12 giờ trưa ngày 06/05/2010 và sẽ kéo dài đến 12 giờ trưa ngày 01/08/2010.

Được biết, khu vực cấm đánh bắt mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố có nhiều phần nằm trong lãnh hải của Việt Nam (Bắt đầu từ 12 độ Vĩ Bắc đến 113 độ Kinh Đông – khu vực này sẽ kéo dài từ Hải Nam đến vùng biển Nha Trang của Việt Nam). Trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phía Trung Quốc còn đưa ra mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật cấm đánh bắt trên. Ví dụ sẽ tiến hành áp dụng mức phạt lên tới 50.000 NDT trở xuống đối với các hành vi vi phạm thông thường, đối với các tình tiết nghiêm trọng sẽ tịch thu giấy phép đánh bắt, ngoài ra sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.  (3)

Lại nữa, “Theo tin từ mạng báo điện tử Tân Hoa Xã, tính đến trưa ngày 25/05/2010, các khâu cuối cùng của công tác lắp đặt trạm thu phát sóng điện thoại đầu tiên trên đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa) đã hoàn thành.

Được biết, ngay từ đầu tháng 5 Trung Quốc đã cử cán bộ nhân viên kỹ thuật ra hòn đảo này nhằm tiến hành các công tác lắp đặt. Đến ngày 25/05 thì trạm phục vụ điện thoại di động này chính thức bắt tín hiệu và đưa vào sử dụng. Đây là trạm phục vụ điện thoại di động đầu tiên được phía Trung Quốc cho lắp đặt tại quần đảo này. Theo đó, số binh lính Trung Quốc đồn trú tại các đảo của Việt Nam trong phạm vi quần đảo này có thể gọi điện thoại trực tiếp vào đất liền.

Bên cạnh đó, ngoài đảo Chữ Thập ra thì phía Trung Quốc cũng đang tiến hành lắp đặt thêm một số trạm thu phát sóng nữa, đồng thời dự kiến các trạm phát sóng này sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn tiếp theo”.  (4)

Ngày 06/06/2010, một loạt báo chí Malaysia đưa tin nghi ngờ khả năng Trung Quốc có thể sẽ bố trí tên lửa đạn đạo Trường Kiếm 10 tại khu vực quần đảo Trường Sa. Nếu như điều này xảy ra sẽ gây lo ngại cho một số nước và can thiệp đến việc tranh chấp biển Đông hiện nay.

Được biết, trước đó Trung Quốc đã tiến hành bố trí loại tên lửa đạn đạo này tại 3 khu vực trọng yếu phía nam đó là Quý Châu, Quảng Tây và Giang Tây nhằm đối phó với mối đe dọa có thể xảy ra từ các nước như Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan. Chính vì thế, một số nguồn tin lo ngại trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai loại tên lửa đạn đạo này xuống khu vực sâu hơn, trong đó có các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.  (5)

Trong tháng 6/2010, Ủy ban cải cách và phát triển Nhà nước Trung Quốc vừa thông qua “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010 – 2020”.

Cương yếu này xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc quản lý bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa, nêu kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở.  (6)

Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, và tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này.

Ngày 5/8/2010, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 – 116 hải lý. Phía Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này… Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông, thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển ổn định, lành mạnh.

Ngày 6/8, khi trả lời báo giới về việc người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng phản đối Trung Quốc tiến hành khảo sát tại đảo Tri Tôn và các vùng biển lân cận thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Jiang-Yu lên tiếng phản đối đồng thời cho biết, Trung Quốc  “có chủ quyền không thể tranh cãi  ” đối với quần đảo Hoàng Sa. Sự thật về cái gọi là chủ quyền mà Trung Quốc nói tới này là kết quả của việc Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực đánh chiếm và hiện vẫn đang chiếm giữ bất hợp pháp nhiều đảo và quần đảo của Việt Nam.  (7)

Trong những ngày gần đây  ,  “Bất chấp những phản ứng và tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên cho tổ chức hoạt động diễn tập quân sự của hải quân tại khu vực này.

Một số báo chí Hồng Kông đưa tin, vừa qua Trung Quốc đã cho hàng trăm xe bọc thép lưỡng cư, pháo tự hành, xe chở quân với hàng ngàn binh lính ra quần đảo Hoàng Sa tiến hành diễn tập thực binh.

Theo đó, nội dung chủ yếu của cuộc diễn tập lần này đó là diễn tập tấn công và phòng ngự đối với các cụm đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng của Việt Nam tại quần đảo này.

Trong đó, báo chí Trung Quốc nhấn mạnh, điều đặc biệt đáng chú ý trong lần diễn tập này đó chính là lần đầu tiên hải quân nước này đưa vào sử dụng tác chiến trên đảo một khối lượng lớn các trang thiết bị vũ khí mới mà trước nay Trung Quốc chưa từng cho vào tham gia các cuộc diễn tập trước đó. Bên cạnh đó, các xe thiết giáp chở quân lưỡng cư tham gia diễn tập này cũng hoàn toàn được trang bị mới.

Cũng theo tờ báo này, mục đích của cuộc diễn tập này của hải quân Trung Quốc đó là nhằm “đối kháng” với cuộc diễn tập trên biển Đông sắp tới với sự tham gia của Mỹ và Nhật, bên cạnh đó đây còn là một “lời cảnh báo không lời” của Bắc Kinh.

Ngoài ra, cuộc diễn tập lần này còn huy động sự tham gia của một sư đoàn phòng không Trung Quốc đóng tại quân khu Quảng Châu. Theo đó, nội dung mà quân khu này tham gia diễn tập bao gồm khoa mục tiếp dầu trên không, tấn công đánh chiếm đảo, diễn tập phòng không…”  (8)

Nhưng những diễn biến tiếp theo lại đặt “16 chữ vàng” bên lề tình hữu nghị.

Sự xung đột trong tuyên bố về chủ quyền lãnh hải ở biển Đông của Trung Quốc, nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào với các nước trong khu vực đang làm gia tăng nguy cơ có thể dẫn tới chiến tranh tại vùng biển Đông Nam Á.

Ngày 2/3/2011, tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động trong nhóm đảo Kalayaan của Philippines tiếp cận một tàu khảo sát địa chấn của Philippines trong vùng biển ngoài khơi bãi Cỏ Rong và ra lệnh cho con tàu này rời khỏi khu vực.

Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), ngày 26/5/2011 các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động bình thường của PVN. Tàu hải giám Trung Quốc đã đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 km hải lý. Hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh đã được diễn ra một cách bình thường từ năm 2010 không có tranh chấp.

Ngày 28/05, hai ngày sau khi Việt Nam cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo nói đây là “hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền” của nước này.

Sau đó, tại cuộc họp báo hôm thứ Ba 31/05, người phát ngôn Khương Du nhắc lại lập trường của Trung Quốc: “Tàu hải giám của Trung Quốc chỉ làm việc thực thi pháp luật trước sự hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam. Đây là hành động hoàn toàn chính đáng (của Trung Quốc)”. “Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay các hoạt động của họ và không gây thêm rắc rối”.

Tiếp đó, ngày 9/6/2011, tàu khảo sát địa chấn Viking 2 mà Việt Nam thuê của Pháp đã bị tàu cá của Trung Quốc phá dây cáp vào buổi sáng.

Thông tin từ PVN cho biết, tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 6226 đã chạy với tốc độ cao ngang qua và phá hoại dây cáp thăm dò của Viking 2 “bằng thiết bị chuyên dụng”, gây rối cáp khiến tàu này phải ngừng hoạt động.

Đây là một việc làm “hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng” và được tiếp sức bởi nhà cầm quyền Trung Quốc. Ngay sau khi người phát ngôn Việt Nam tổ chức họp báo thì Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam đã “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc” trong vụ xảy ra sáng ngày 9/6/2011.

Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Trung Quốc nói: “Tàu cá Trung Quốc, trong khi hoạt động tại vùng biển trên, đã bị tàu có vũ trang của Việt Nam xua đuổi”. “Trong khi đuổi bắt lộn xộn, lưới của một trong các tàu cá Trung Quốc bị vướng vào dây cáp của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, vốn đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển này”.

Nhưng sự thật là vị trí xảy ra sự việc là ở lô 136.03, hoàn toàn nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Hồng Lê Thọ đã nhấn mạnh: “Nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay đang cố gắng dùng lời lẽ ngọt ngào trong đàm phán ngoại giao, với những thông điệp rất êm tai như “hòa bình”, “hữu nghị”, “láng giềng thân thiện”… hay gần đây nhất là “sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi đề cập đến quan hệ Trung-Việt nhưng bên trong và hành động trên thực tế hoàn toàn trái ngược, áp đặt “một chiều” để lấn át  và răn đe thô bạo kiểu Trung Quốc. Nhìn hạm đội của Trung Quốc trong tư thế vũ trang sẵn sàng chiến đấu, thao dượt rầm rộ trên biển Đông và liên tục bắt bớ tàu đánh cá, đánh đập ngư dân Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa, xem biển Đông và Nam Trung Hoa như ao nhà, người ta không thể không cảnh giác trước uy hiếp về quân sự của Trung Quốc. Tư tưởng biên giới lãnh thổ mở rộng và luôn biến động theo tầm địa lý của lợi ích quốc gia trong một số nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc càng kích động những người quá khích chạy theo chủ nghĩa dân tộc ích kỷ và bành trướng, đưa nguy cơ xung đột ngày càng có điều kiện bùng nổ bất cứ lúc nào.

Không thể xây dựng niềm tin trên sự giả dối và càng không thể thương thảo khi đối tác lăm lăm gươm giáo, đằng đằng sát khí, với mùi khét của khói súng lảng vảng bên cạnh. Lời nói phải đi đôi với việc làm với thái độ tự trọng và biết kiềm chế, tương kính lẫn nhau là điều kiện tiên quyết để tìm lối thoát hợp lý và công bằng vì một nền hòa bình và ổn định dài lâu để cùng phát triển phải chăng là một đòi hỏi quá đáng hay ngược lại đang nằm trong tầm tay của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nếu họ chấp nhận từ bỏ tư tưởng Đại Hán?”  (9)  , Tác giả Hồng Lê Thọ kêu gọi: “Với tình hình quốc tế hiện nay, việc “đa phương hóa” hay “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông đã có được những tiền đề vô cùng thuận lợi, không nhất thiết phải lo lắng thái quá trước động thái phá hoại hay ngăn cản từ một phía nào đó, mà theo chúng tôi chẳng qua là họ bắt buộc phải lên tiếng hung hăng như bao lần, vẫn cứng cổ rằng “không thể tranh cãi” trong yêu sách ngoan cố về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông ngang ngược và trái khoáy với “chiếc lưỡi bò” lãnh hải vô căn cứ “do lịch sử để lại”. Trước khi chấp nhận một giải pháp đa phương, nhà đương cuộc của Trung Quốc có thể có hành động làm càn, ra tay trước để thị uy. Vì vậy việc cảnh giác trước mọi động thái hiếu chiến và khả năng sử dụng vũ lực của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần phải có phương án để đối phó một cách hữu hiệu và nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền hải đảo trong nhân dân hơn bao giờ hết”.  (10)


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button