Lịch sử - địa lý

Góc Nhìn Sử Việt: Cần Vương, Lê Dung Mật kháng Trịnh

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phan Trần Chúc

Download sách Góc Nhìn Sử Việt Cần Vương Lê Dung Mật Kháng Trịnh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : LỊCH SỬ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Bạn đọc thân mến!

Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc.

Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước.

Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật – dù gây tranh cãi – tạo nên lịch sử đó.

Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay… và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội.

Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” – đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước.

Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, “lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản.

ĐỌC THỬ

PHO TƯỢNG NGỌC HOÀNG

Một buổi chiều về mùa đông năm Đinh Tỵ. Luồng gió bấc đưa lại những giọt mưa nhỏ xíu, nhưng mau hạt, như hàng ức triệu mũi tên cùng gieo xuống mặt nước Tây Hồ.

Chùa Trấn Quốc, một thắng cảnh vào bậc nhất, nhì ở Thăng Long bị bao phủ trong tà áo hoàng hôn, chỉ còn lờ mờ như một hòn đảo nổi trên làn nước bạc.

Hồi chuông thu không vừa dứt tiếng, sư Trí Thông, vị sư trụ trì chùa này, cũng vừa cắm xong một tuần hương vào tất cả các ban thờ, ung dung khép cánh cửa chùa lại mà lui xuống tăng xá.

Trong chùa: im lặng. Cái im lặng nặng nề vì khí ẩm ướt của nước hồ và nước mưa, thỉnh thoảng mới bị khua động, vì tiếng xào xạc của mấy con chim sẻ không chịu nổi giá lạnh, ẩn ở nóc chùa.

Trên bệ gạch, Đức Phật Như Lai cũng như các vị Bồ Tát hình như đều ưng thuận cái vị trí mà mấy bác thợ ngõa1 đã định cho mình nên vẫn lẳng lặng giương đôi mắt gỗ nhìn những luồng khói hương quằn quại bốc lên mái nhà.

Duy có pho tượng Ngọc Hoàng khác hẳn.

Sau đôi mắt thủy tinh của đức Thượng đế vẫn có một đôi lòng đen liếc đi liếc lại, làm cho mỗi bên mắt pho tượng này có tới hai con ngươi như mắt Tấn Văn Công đời Xuân Thu, nhưng chỉ có một con ngươi chuyển động, còn con ngươi thứ hai thì vẫn đứng liệt trên miếng thủy tinh. Đôi con mắt này chú ý vào tất cả những cử động của sư Trí Thông và hình như cũng chẳng muốn cho sự già có mặt lâu ở trong chùa nên khi cánh cửa vừa khép hẳn thì, Ngọc Hoàng Thượng đế liền biểu lộ sự nóng ruột bằng một hơi thở mạnh, làm rung động cả những tua vải ngũ sắc đính vào chung quanh cỗ mũ bình thiên mà nhiều chỗ nước thiếp vàng đã tróc hẳn, để lộ ra màu vàng xạm của chất gỗ.

Nhưng pho tượng chỉ được hưởng sự phóng khoáng đó trong khoảnh khắc vì toàn thân tượng thốt lại trấn định như cũ, trừ đôi con mắt là phần vẫn giữ được cái sinh khí nồng nàn.

Phía ngoài, tiếp với những tiếng giày giòn giã nện xuống thềm gạch, cánh cửa chùa bỗng lại mở rộng. Một người ăn mặc rất giản dị bước vào. Người này vừa qua khỏi ngưỡng cửa được hai bước thì từ phía sau, đã ló ra chiếc đầu nhẵn thín của sư cụ Trí Thông. Nhà sư từ dưới tăng xá nghe tiếng giày, hớt hải chạy lên. Khi khách quay lại, Trí Thông cố kìm hơi thở, chắp tay vái chào:

– Xin tướng công đại xá cho nhà chùa đã không sớm biết để ra nghinh tiếp.

– Sư cụ bất tất phải giữ lễ quá. Lúc này chúng ta còn có thời giờ đâu nữa mà để ý vào những lối thù tạc dung thường.

Vừa nói, khách vừa kéo tay sư cụ cùng tiến vào trước phật đài. Tới đó, sư cụ cung kính mời khách ngồi bên bệ gạch, còn tự mình thì lùi xuống một tấm chiếu trải trên mặt đất.

– Các vị Hoàng tử và quan Đông Các Hiệu thư vẫn chưa đến ư?

Đưa mắt nhìn chung quanh mình, khách tự biết câu hỏi này là thừa, vì ngoài khách và sư cụ ra thì, trong chùa, không có ai khác là những pho tượng gỗ ngồi rất nghiêm trang mà chủ, khách, đều tin rằng chẳng lưu tâm gì đến những công việc dung tục của họ. Nhưng sự tin tưởng đó là lầm. Từ nãy đến giờ, pho tượng Ngọc Hoàng vẫn chòng chọc nhìn vào khách mà không bỏ sót một lời nói hoặc một cử chỉ nào. Pho tượng ấy có lẽ còn biết rõ khách hơn cả sư cụ Trí Thông. Vì pho tượng biết rằng hôm nay, khách mặc chiếc áo vải xanh của kẻ dân thường là cốt để che mắt người ngoài. Vì, ở vào địa vị khách, áo mặc hằng ngày, ít ra cũng phải là cẩm sa hay bắc đoạn. Khách tuy mới chừng năm mươi tuổi, nhưng coi rất đạo mạo. Khổ người tầm thước đỡ lấy một khuôn mặt vuông vắn, tuy đã điểm vài nếp nhăn nhưng nước ra rất hồng hào. Để làm giới hạn cho khuôn mặt ấy, Hóa Công điểm ba chòm râu thật dài làm cho dáng người đã có vẻ phong lưu lại càng thêm đài các.

Với dáng người ấy và bộ mặt ấy, nếu vấn vuông khăn thô và một cái áo vải có thể giấu được chân tướng của khách thì, hai bàn tay cũng là một bản cáo trạng rất hùng hồn. Vì hai bàn tay có những ngón nhỏ nhắn và móng để rất dài, khiến cho cử chỉ của khách nhiều khi hơi ngượng nghịu.

Khách vừa uống cạn chén trà do sư cụ cung kính dâng lên thì, chợt lại có tiếng kẹt cửa, rồi lần lượt có tới hai chục người nữa, chia thành từng bọn lẳng lặng bước vào. Đến trước vị quý khách ngồi trên bệ, ai nấy đều kính cẩn vái chào, rồi người thì bước vào chiếu của sư Trí Thông, kẻ thì ngồi các chiếu bên, coi cử chỉ của mỗi người, người ngoài cũng có thể phân biệt được là ở vào giai cấp tôn quý hay trong hàng ty thuộc.

Vị quý nhân đến trước nhất, sau khi đã đưa mắt nhìn chung quanh mình và nhận ra rằng những người mà mình vẫn phải chờ đến đông đủ cả, liền dõng dạc nói:

– Nhà Lê chúng ta kể từ hồi Trung Hưng đến bây giờ, thấm thoắt đã gần hai trăm năm. Liệt Thánh nối nhau trị vì, đến Đức Kim Thượng ta là đúng 15 đời vua. Trong khoảng gần hai thế kỷ, cuộc đời đã xảy ra biết bao nhiêu cuộc biến thiên, thế mà giang sơn vẫn không di dịch, là vì dân nước nhớ mến công đức của nhà Lê.

Họ Trịnh không hiểu như thế mà cũng chẳng nghĩ đến đạo vua tôi: Chúng cậy có công phù lập, ức chế nhà vua, thậm chí hoàng tộc bị chúng khinh bỉ, triều đường như chợ không người; chính quyền và quân quyền về hết cả bên Trịnh phủ. Nhà vua thế lực mỗi ngày một yếu, mong lấy yên thân cũng chẳng được nào. Trịnh Tùng hại đức Kính tôn, Trịnh Tạc ức vua Thần tôn. Gần đây hơn nữa, Trịnh Giang vu cho vua ta tư thông với con Kỳ viên phi là thiếp yêu của cha hắn2 mà giáng xuống làm Hôn đức công, rồi âm mưu hãm hại3… Vây cánh của họ Trịnh, vì đó càng ngày càng đông, thiên hạ không ai biết đến vua Lê nữa mà chỉ biết có chúa Trịnh. Cũng vì vậy nên họ Trịnh được tự ý phế lập, một mình Trịnh Giang đặt và bỏ có tới hai ba bốn đời vua. Cái tâm địa độc ác của hắn dù bọn Vương Mãng và Đổng Trác đời xưa, cũng không ví kịp.

Đức vua đã bị họ Trịnh rẻ rúng và giết hại thì hoàng tộc chúng ta có khác gì cá nằm trên thớt, quyền sinh sát đã bị chúng nắm ở trong tay, không lẽ chúng ta chờ chết hay sao? Vậy ai là người có tâm huyết đều phải vì nước liều mình để diệt họ Trịnh mà khôi phục lại chính quyền cho nhà Lê. Việc dù thành hay không, chúng ta cũng vẫn lưu được một tiếng thơm trong sử sách.

Bây lâu chúng ta vẫn ngậm hờn mà ẩn nhẫn, cốt ý là để đợi thời. Vậy nên gian thần Trịnh Giang và đảng của hắn là Hoàng Công Phụ đã lộng hành quá lắm, dân chúng đều oán họ Trịnh đến cốt tủy. Tôi muốn nhân cơ hội này mà khởi nghĩa. Vậy ý các ông thế nào, xin cho được biết.”

Dứt câu nói của quý nhân mà mỗi tiếng đều có sức làm rung động đến tim óc của mọi người, ngôi chùa tịch mịch lại trở lại cái yên lặng nặng nề. Phía ngoài, mưa gió và sương mù đã dần dần thu nốt những tia sáng yếu ớt của hoàng hôn và đẩy cả Tây Hồ vào bóng tối.

Đon đả như tất cả những người đã được cái vinh hạnh có quý khách đến nhà mình, sư Trí Thông lần lượt rọi một mồi lửa vào tất cả những cây đèn dầu lạc đứng ngất ngưởng trên Phật đài. Nhà sư lại lựa lấy một cây đèn sáng nhất mà kính cẩn đặt lên chiếu của quý nhân.

Trong bầu không khí mà các ánh nhạt của những ngọn đèn dầu chẳng đủ xua đuổi được hết bóng đen tối, một người tiến đến trước quý nhân, chắp tay thưa:

– Chúng tôi nối đời ăn lộc của nhà Lê, tự biết có nghĩa vụ phải quên cả tính mệnh để đền ơn nước. Nhưng xét mình không có tài cán gì cả, sợ bạo động không khỏi có sự lầm lỡ đến việc lớn. Nay được Tướng công là bậc Hoàng thúc và hai vị Hoàng tử dẫn đường cho thì dù có phải tan xương nát thịt để làm trọn đạo thần tử, chúng tôi cũng không dám từ. Nhưng rắn còn phải có đầu, một việc quan trọng như việc này, không lẽ không ai giữ trách nhiệm về việc chủ trương. Vậy xin hai vị Hoàng tử và tất cả các bạn đồng chí cùng suy tôn Tướng công làm minh chủ và thề cùng với Tướng công cùng sống chết.

Tiếp với câu nói này, mọi người cùng nhao nhao lên tán thành:

– Ông Vũ Công Thế nói phải, xin suy tôn Tướng công làm minh chủ.

Kéo mạnh một hơi thuốc, rồi đặt xe điếu xuống chiếu, người mà hội đồng suy tôn làm minh chủ ung dung nói:

– Nếu là một việc dễ dàng mà các ông có lòng yêu đề cử cho thì tôi vui lòng nhận ngay. Song Cần vương là việc có quan hệ lớn đến vận mệnh của Hoàng gia và nhà nước. Chủ tướng phải là người trẻ trung khỏe mạnh và mưu trí hơn người. Tôi già rồi thật không đương nổi chức ấy.

Nhìn sang hai thiếu niên ngồi riêng ra một chiếu, quý nhân nói tiếp:

– Chức minh chủ xin nhường hai Đức ông đây, vừa là huyết mạch của Tiên Hoàng, vừa là những vị thiếu niên anh hùng mà thiên hạ nghe tên đều mến phục.

Hai thiếu niên từ nãy vẫn không ai để ý, nay được quý nhân đả động đến thì, mọi người cùng chăm chú nhìn vào. Trỏ vào thiếu niên ngồi gần mình, quý nhân giới thiệu:

– Đức ông đây là Hoàng đệ Lê Duy Quy.

Và chỉ người ngồi đối diện với Duy Quy.

– Còn Đức ông là Hoàng đệ Lê Duy Mật.

Khi mọi người đều biết rằng hai thiếu niên đều là em ruột của Lê Đế Duy Phương, ông mà đã bị Trịnh Giang hãm vào một cái chết nhơ nhuốc và khốc liệt thì, ai nấy đều vì luyến mộ người chết mà tỏ một mối cảm tình đằm thắm với những người còn. Đã vậy, hai vị Hoàng tử lại có những diện mạo và cử chỉ xứng đáng với mối cảm tình ấy.

Duy Quy, chừng ba mươi tuổi, tuy sinh trưởng ở nơi quyền quý, nhưng ăn mặc rất sơ sài: đầu chít khăn nhiễu tam giang nhiều nếp, mình mặc áo lụa màu huyền. Y phục đó rất hợp với cái dung mạo của chàng: từ con mắt êm dịu đến cái miệng tươi tắn đều tỏ vẻ hiền lành; lại thêm nước da trắng để lằn lên nhiều sợi gân xanh, khiến cho trong cái hiền lành ấy có ẩn vẻ yếu ớt.

Duy Mật khác hẳn.

Vị Hoàng tử này chưa đầy hai mươi tuổi. Nhưng thân thể to lớn không kém gì những người đã phát triển hoàn toàn. Cứ coi những bắp thịt vạm vỡ và nước da hồng hào, người ta cũng biết rằng Duy Mật luyện các môn võ nghệ và có sức khỏe hơn người. Chàng chít khăn yến vĩ, hai đầu mối vểnh lên trời ăn khớp với đôi con mắt xếch và lóng lánh như hai vì sao. Cái miệng rộng rãi của chàng viền bằng hai chiếc môi đỏ thắm, đỡ lấy một cái mũi to, nhưng đều đặn. Dung mạo Duy Mật đẹp, song là vẻ đẹp hùng hậu của những viên hổ tướng về đời xưa. Tiếng chàng nói lanh lảnh như tiếng đồng. Nó có cái uy lực đè lấp cả tiếng người chung quanh, không cứ là ở đám đông nào cũng vậy.

Khi thấy Lê Duy Chúc – vị quý nhân ngồi chiếu trên – nhường ngôi minh chủ cho anh em mình thì Duy Quy hai vành tai đổi ra hung đỏ, thẹn thùng không biết nói thế nào. Thấy anh lung túng, Duy Mật nhanh nhẩu đỡ lời:

– Tướng công là bậc Hoàng thúc, lại đứng vào ngôi cực phẩm nhân thần, các bạn đồng chí suy tôn làm minh chủ là đích đáng lắm. Xin tướng công vì sự an nguy của nước nhà mà nhận cho.

Một lần nữa, cử tọa lại nhao nhao lên tán thành. Thế không thể từ chối được, Hoàng thúc Lê Duy Chúc phải ưng thuận và mới các đồng chí làm lễ tuyên thệ.

ĐÊM BA MƯƠI TẾT

Trong lúc mọi người chỉnh đốn khăn, áo để dự lễ thì sư già Trí Thông cũng lúi húi thắp một nắm hương bỏ vào cái lư đồng đặt trên một cái hương án mà nhà sư đã hì hục kê từ buổi trưa ở gian bên. Trên hương án, ngoài hương, hoa và đèn nến ra, có bày một cái bát cổ Giang Tây trong chứa máu loãng hòa với rượu.

Xếp đặt xong, Duy Chúc đến trước án, rót một tuần rượu, lạy bốn lạy, rồi nghiêm trang nói:

– Trước linh vị của Lê triều Liệt thánh, tôi là Lê Duy Chúc cùng với các bạn đồng chí là Duy Quy, Duy Mật, Vũ Công Thế, Vũ Thước… tất cả hai mươi người uống máu ăn thề, nguyện cùng nhau sống chết để trừ bọn gian thần và tôn phù nhà Lê. Nếu ai không giữ lời thề hoặc đem lòng phản trắc xin trời tru đất diệt.

Dứt lời Duy Chúc cầm một cái chén vục vào bát máu lấy một ít mà uống, rồi lễ tạ, bước ra.

Bọn Duy Quy, Duy Mật cũng theo khuôn mẫu của Duy Chúc mà lần lượt uống máu ăn thề.

Lễ xong, mọi người quay về chỗ cũ để bàn việc khởi sự. Trao đổi ý kiến hồi lâu, cử tọa quyết định mưu sự vào giờ Tý ngày ba mươi tháng Chạp năm Đinh Tỵ. Vì – theo lời chúc Đông Các Hiệu thư là Vũ Công Thế – cần phải dùng cái thế “công kỳ vô bị”. Ngày ấy các tướng hiệu cũng như quân lính trong Trịnh phủ phần nhiều xin nghỉ về quê ăn tết Nguyên đán. Người nào còn lại thì cũng để ý vào rượu chè, cờ bạc, nhiều hơn là việc canh phòng. Đảng Cần Vương sẽ thừa lúc phái địch không phòng bị mà đốt Trịnh phủ và cướp lấy Kinh thành, khi nào đã chiếm được thành Thăng Long và giết Trịnh Giang rồi đảng Cần vương sẽ tâu lên vua Lê xin xuống chiếu “nhất thống thiên hạ”. Như vậy, những vây cánh của họ Trịnh, nếu có muốn cựa quậy cũng khó lòng. Thảng hoặc có kẻ nào nổi lên, triều đình sẽ phái quân đi đánh dẹp.

Duy Chúc chuẩn kế ấy, liền cắt đặt công việc cho mỗi người.

Lê Duy Quy cùng với một viên vũ tướng là Hà Quốc Uy mang năm mươi thủ hạ ăn mặc giả làm dân quê ẩn ở phường Vũ Thạch, chờ đến giờ Tý thì cùng nổi dậy, giết quân canh cửa ô Cựu Lâu (Trường Tiền) và mở cửa ô.

Vũ Công Thể và Vũ Thước mang đội Cẩm vệ thân quân là một đội quân túc vệ do Vũ Thước làm Vệ úy – hiện đóng ở Thịnh Hào, do cửa ô Cựu Lâu (Trường Tiền) vào đốt Vương phủ và bắt Uy Nam Vương (Trịnh Giang)

Lại Thế Tế mang 50 tên quân Hổ nhuệ đến vây bắt viên Chưởng phủ là Bào quận công Hoàng Công Phụ.

Minh chủ là Lê Duy Chúc thì cùng với Lê Duy Mật và một số đồng chí chờ ở quán Nghinh Xuân, để tiếp ứng và khi đã thành công rồi, thì vào Nội điện tâu với Hoàng đế xin ban chiếu “nhất thống thiên hạ”.

Cắt đặt xong thì trong phường Yên Hoa vọng ra tiếng gà gáy đã mau. Trên cửa ô An Hòa hồi trống đổi canh cũng dồn mạnh, tỏ ra rằng trời sắp sáng. Sợ để sáng rõ có khi bại lộ, nên mọi người cùng vội vã cáo biệt sư cụ Trí Thông mà ra về để lo những việc trong phận sự của mình. Sư Trí Thông suốt từ chiều hôm trước phải lo việc thù tiếp các quan khách và không biết bao nhiêu việc khác nữa chẳng dính líu gì với Phật Thích Già, cũng ngáp dài vài cái rồi tắt đèn, xuống tăng xá nghỉ.

Khi trong chùa đã vắng ngắt và tiếng giày của quan khách cũng không còn vang đến đây nữa thì, pho tượng Ngọc Hoàng đã lâu chúng ta không lưu tâm đến, lại phát ra một hơi thở mạnh, hình như để dốc cho hết không biết bao nhiêu nỗi khó chịu từ lâu vẫn chứa chất trong mình.

Tiếp với hơi thở, toàn thân pho tượng rung động, hình như Đức Ngọc Hoàng thượng đế của chùa Trấn Quốc cũng muốn đứng dậy mà theo quan khách vào thành. Song, chỉ trong giây phút, pho tượng lại ngồi im. Lưng tượng bỗng bựt ra một tấm gỗ con, rồi một người từ trong tượng chui ra. Người này búi lại mớ tóc vừa bị xổ rối, rồi vươn vai để giải phóng cho những gân cốt đã bị tù hãm suốt một đêm trời.

Người này thân hình nhỏ bé: từ gót chân lên đến búi tóc chỉ gọn lỏn chừng sáu gang tay. Nếu tình cờ mà hắn có làm nên to, các thầy tướng tất phải tán dương là vì hắn đã có tướng ngũ đoản, nếu tay hắn không dài quá, đến trùm lên đầu gối.

Sau khi đã quấn lại chiếc khăn vành dây mà hắn buộc tạm làm thắt lưng trong lúc ngồi chồm chỗm phía trong pho tượng Ngọc Hoàng, hắn vuốt mấy sợi râu thưa thớt, rồi cười một mình:

– Bác Lê Duy Chúc này táo gan thật. Giết chúa Trịnh, bắt quan Chưởng phủ, đốt phá kinh thành. Phát giác ra được ngần ấy việc, dù họ phong cho Trương Tiềm này đến tước Quận công cũng còn là ít.

Trương Tiềm – tên hắn – là một trong bầy chó săn rất đông đúc mà viên Chưởng phủ Hoàng Công Phụ thả ra ở đô thành. Cái công việc của chúng là đi dò xét những người có chí đánh đổ chúa Trịnh hoặc viên quan hoạn họ Hoàng là người hiện đương giữ chính quyền để về tâng công với chủ. Trương Tiềm cũng là nội giám như Hoàng Công Phụ và là một gián điệp rất tinh quái, nên được Phụ rất tin yêu. Đổi lại, Tiềm cũng không phụ lòng ủy cậy của chủ mình. Chính Tiềm đã tố giác việc Nguyễn Công Hãng xin Nhân vương (Trịnh Cương) bãi ngôi thế tử của Trịnh Giang. Rồi lại cũng Tiềm đã tố giác việc Lê Anh Tuấn mưu với các quan đại thần bài trừ viên Chưởng phủ họ Hoàng. Bởi có những kỳ công ấy nên từ một tên quan hoạn ngu dốt Trương Tiềm đã được thăng lên chức Đô chỉ huy sứ, tước Sơn Thọ bá.

Lắp miếng gỗ vào lưng pho tượng Ngọc Hoàng, để cho tượng được trơn tru như cũ, Trương Tiềm vỗ vào vai tượng, nhoẻn cười:

– Cám ơn đức Ngọc Hoàng Thượng đế. Nhờ ngài mà tôi có chỗ trú chân được một đêm. Nhưng chỉ ái ngại cho đệ tử của ngài là sư cụ Trí Thông. Sư cụ phen này hẳn được đi đường tắt để sang Tây Trúc.

Rồi đó, Trương Tiềm sẽ lách cửa mà rón rén bước ra khỏi chùa. Hắn do theo bức thành cổ Đại La, thủng thỉnh về ô Thụy Chương. Tới cửa ô, mấy tên lính canh thấy Trương Tiềm đều chắp tay vái chào. Tiềm hỏi han mọi người, rồi hớn hở đi thẳng về Vương phủ.

Tới Nghị sự đường là một tòa lâu đài lập ngay ở cửa phủ, Trương Tiềm bất giác ngừng lại và để ý trông các nha lại và quân lính đương tấp nập ra vào, rồi thình lình nhận ra một viên nội giám trong bạn thân của mình, Tiềm tiến lên mấy bước, co tay người ấy lại, hỏi:

– Quan Chưởng phủ đã vào chầu chúa hử, tôn huynh?

Viên nội giám mỉm cười, trỏ một cỗ kiệu tam hồng, để ở cửa phủ, bảo Trương Tiềm:

– Quan bác không nhận ra là kiệu ai để kia ư?

Trương Tiềm gật đầu, buông bạn ra, rồi rẽ đám quân lính mà đi thẳng vào Tả xuyên đường là chỗ Hoàng Công Phụ phê phán các công việc hàng ngày. Tới thềm, Tiềm rón rén đứng vào một góc cột, lẫn với mấy cậu lính đương chờ sai phái.

Hoàng Công Phụ đương đọc một tập công văn, chợt ngẩng lên, trông thấy Trương Tiềm và vẻ mặt ngượng nghịu của hắn, thì hất hàm, ra ý hỏi là hắn muốn bẩm gì?

Tiềm tiến lên mấy bước, sẽ thưa:

– Gửi tướng công, sắp có một việc biến cố rất lớn.

Phụ nghiêm sắc mặt, vội hỏi:

– Thế nào là việc biến cố rất lớn?

Tiềm vừa toan trả lời, chợt lại rụt rè và đưa mắt nhìn chung quanh mình.

Phụ hiểu là việc cơ mật liền đuổi các liêu thuộc ra và gọi Trương Tiềm đến cạnh mình.

Khi mọi người đã ra khỏi, Trương Tiềm liền mang tất cả những việc đã do thám được đêm trước bẩm với viên Chưởng phủ họ Hoàng.

Công Phụ tuy đứng đầu các quan võ, nhưng chẳng hiểu nghệ thuật của Khương Thái Công là gì, nên khi mới nghe nói bọn Lê Duy Chúc định đốt Vương phủ, giết chúa Trịnh và bắt mình thì lưỡi líu lại và nước da tái nhợt.

Trương Tiềm vốn hầu hạ Công Phụ đã lâu nên hiểu rõ tính tình viên Chưởng phủ, vội thưa.

– Nhà nước còn có tướng tá, có quân đội, nếu tướng công muốn dẹp chúng, tưởng cũng chẳng khó gì.

Hoàng Công Phụ sực tỉnh ngộ, xoa tay nói:

– Những kẻ bé người xưa nay vẫn nhiều mưu. Anh quả đã không phụ lòng ta ỷ trọng.

Công Phụ lại mở tráp lấy 10 lạng vàng mà thưởng cho Trương Tiềm, rồi truyền cho hắn về chực sẵn ở dinh mình. Tiếp, cho mật triệu viên Thự phủ là Thực quận công Dương Trọng Liêu vào phủ để cùng bàn mưu đối phó.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button