Lịch sử - địa lý

Biển Việt – Đảo Việt

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Vũ Ngọc Khôi

Download sách Biển Việt – Đảo Việt ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Lịch sử – Địa lý

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Trong sự hiểu biết của mình, tác giả có mong muốn được giới thiệu và chia sẻ cùng bè bạn một số giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước quê hương. Cuốn sách đầu tiên theo mảng đề tài này là về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa trên dải Trường Sơn cùng những chiến công của biết bao người đã sống và để lại một quãng đời nơi đây. Cuốn sách có tên Ngàn dặm Trường Sơn, ra đời năm 1982, được tái bản nhiều lần và được dịch ra tiếng Anh với tựa đề “The Hồ Chí Minh trail” (Đường mòn Hồ Chí Minh). Nó đã tạo thêm cảm hứng để tác giả viết tiếp những tác phẩm sau. Khát vọng của người viết là ít nhất cũng phải giới thiệu được một dải núi, một dòng sông, một hòn đảo của Việt Nam vì đó là ba ngọn nguồn văn hóa núi – đồng bằng – biển làm nên linh khí Việt. Năm 1986, khi nhà máy thủy điện trên sông Đà được xây dựng, tác giả cũng có dịp trình làng cuốn “Dọc sông Đà”, những mong đem lại cho người đọc những hiểu biết thêm về thiên nhiên phóng khoáng, lịch sử hào hùng, về cuộc sống bên bờ Đà Giang và Công trình thế kỷ – nhà máy thủy điện Hòa Bình – đang được xây dựng. Dự định viết về đảo ban đầu chỉ gói gọn với đảo Phú Quốc, một hòn đảo lớn, đẹp giàu nằm ở phía tây nam tổ quốc, được hình thành từ năm 1985 và tác giả đã viết được một số trang rồi để đó. Mãi đến hôm nay, khi vấn đề biển đảo trở thành nội dung thời sự gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền khơi lại cảm hứng thì tác giả muốn hoàn thiện khát vọng ngày nào. Cuốn sách bạn cầm trên tay có phần khác ý đồ ban đầu, đã viết rộng hơn, viết khá nhiều về các vùng đảo Việt. Đó là cả một vùng đảo nổi phong phú đẹp giàu thuộc Vịnh Bắc Bộ nổi tiếng với những Hạ Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cát Hải, Vân Đồn, Cô Tô… Đó là vô số những đảo nhỏ rải rác suốt dọc bờ biển miền Trung vào đến biển miền Tây Nam tổ quốc mà người ta gọi là cồn, là hòn, là đá, là cù lao… như Cồn Cỏ, Cồn Niêu, là đá như Cô Lin, Len Đao, là cù lao như cù lao Chàm, cù lao Ré, là hòn như Hòn Mun, Hòn Khoai… Đó là những hòn đảo nổi tiếng như Côn Đảo, Phú Quốc từng là nơi giam giữ rất nhiều những lớp tù nhân yêu nước… Đó còn là hàng ngàn những đảo chìm, những rặng san hô ngập dưới nước hàng chục mét như vùng quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, ở bãi ngầm Tư Chính, Quế Đường… Mỗi hòn đảo quả là một viên ngọc đẹp, mỗi vùng đảo là một phần xương thịt của non sông gấm vóc Việt Nam ta.

Tác giả cũng xin thú thực là bản thân chưa thể nào đặt chân hết từng ấy hòn đảo gần xa mà mình đang tái hiện, song cũng từng đi qua nhiều đảo lớn bé của quê hương, lại có những nơi đã ở lâu đến vài ba tháng. Có những thực tế chính mình đã trải nghiệm, nhưng cũng có nhiều điều phải tìm hiểu tra cứu từ sách vở, từ báo chí và may mắn gần đây có nhiều băng đĩa, hình ảnh được lưu hành. Bởi thế chắc chắn cuốn sách nói chưa đủ, chưa hết về biển về đảo quê hương. Xin chân thành tiếp nhận những đóng góp, phê bình của bạn đọc và xin cảm ơn tất cả các bạn đã chịu khó đọc sách này.

HOÀNG KHÔI

Những đảo Rồng biển Việt

Cho dù con rồng là một hình ảnh tưởng tượng trong huyền thoại của người Việt, song đại đa số chúng ta trong tâm thức và ý thức đều mặc nhiên xem hình tượng rồng là biểu tượng của quyền uy linh thiêng. Từ thời cổ đại, người Việt đã tự hào mình là con rồng cháu tiên. Đến thời trung đại thì các bậc đế vương chiếm dụng hình tượng rồng đến nỗi từ thân hình, mặt mũi, áo quần, giường ghế, sân điện đều gắn với rồng! Nào là long thể (thân rồng), long nhan (mặt rồng), long bào (áo rồng), long sàng, long ngai (giường rồng, ghế rồng), long cung (cung rồng)… Trong môi trường tự nhiên, một dải núi uốn lượn nhấp nhô, một hang động kỳ bí hiểm trở, một con sông có nhiều nhánh, nhiều dòng… đều có thể được tưởng tượng để đặt tên là núi rồng, núi long, hàm rồng hay sông chín rồng (cửu long). Bởi thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi đến với vùng biển đảo vùng vịnh Bắc Bộ và thưởng lãm hàng ngàn hòn đảo rồng đã làm nên thắng cảnh Hạ Long nổi tiếng là kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Gần kề với Vịnh Hạ Long là Vịnh Bái Tử Long. Đó là hình ảnh của một đàn rồng con theo mẹ xuống hạ giới vì mến cảnh trần gian và muốn gần với rồng mẹ nên cũng vĩnh viễn không trở về trời. Hàng ngày, đàn rồng ấy trấn giữ vùng biển này, tạo ra những dải trường thành bảo vệ biển trời cho ngư dân sinh sống, lao động. Những chú rồng con hiếu động, tinh nghịch nên hay nô đùa. Bởi thế mà những hôm đẹp trời đứng ở phía bán đảo Trà Cổ nhìn ra biển Đông, người ta vẫn thấy trắng xóa bọt nước, đó là bởi đuôi rồng đang quẫy đạp. Người ta gọi đảo này là Bạch Long Vĩ (đuôi rồng trắng). Giữa màu xanh thanh khiết miên man của nước của trời, những hòn đảo rồng như một sức hấp dẫn lớn mời gọi chúng ta khám phá những kỳ bí của tự nhiên, khám phá những giá trị của lao động mà người dân từ nhiều đời nay đã âm thầm tạo dựng…

ĐỌC THỬ

Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là một vịnh biển không lớn lắm nằm ở phần bờ tây vịnh Bắc Bộ bao gồm vùng đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Về khí hậu cảnh quan và văn hóa, Vịnh Hạ Long có sự tương đồng với Bái Tử Long phía đông bắc và quần đảo Cát Bà ở tây nam. Vịnh có diện tích 1553 km2 với 1969 hòn đảo.

Cái tên Hạ Long quen thuộc mà chúng ta gọi ngày nay thì lại chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XIX, còn trước đó nó đã mang nhiều danh xưng như Lạc Châu, Lục Hải (thời thuộc Bắc), Hoa Phong An Bang, Hải Đông, Vân Đồn, Ngọc Sơn, Lục Thủy (từ thời Lý về sau).

Tên gọi Hạ Long có lẽ bắt nguồn từ một truyền thuyết dân gian kết hợp với một vài quan sát của một số người nước ngoài hồi thế kỷ XIX.

Truyền thuyết kể rằng:

Từ thời xửa thời xưa, vùng biển này đã là một vùng trù phú giàu có. Đó cũng là lý do khiến bọn giặc phương bắc và bọn cướp biển khao khát, nhòm ngó. Trên Thiên đình, Ngọc Hoàng vốn là một vị vua sáng suốt công bằng. Ngài không chấp nhận lũ giặc cậy mạnh hiếp yếu nên đã sai một đàn rồng xuống giúp người dân đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ thì đàn rồng cũng vừa đáp xuống. Rồng phun ra vô số châu ngọc khiến bọn giặc lóa mắt. Chúng tranh cướp hỗn loạn vì sự tham lam ngu muội này. Thật không may cho chúng, những ngọc châu vàng bạc ấy thoắt một cái đã biến thành những hòn đảo đá nhấn chìm tất cả tàu thuyền. Chỉ phút chốc biển trở nên trong xanh, yên ả. Những hòn đảo ngọc ấy trở thành những bức tường thành vĩnh hằng, đứng ở vị trí tiền tiêu canh giữ sự yên bình cho cả một vùng rộng lớn. Đàn rồng cũng mến cảnh đẹp do chính mình tạo ra nên rồng mẹ rồng con đều không muốn về trời mà vui vẻ sống giữa trần gian. Chỗ rồng mẹ đáp xuống là Hạ Long, nơi rồng con trú ngụ là Bái Tử Long, đuôi của rồng quẫy lên trắng xóa gọi là Long Vĩ tức là bán đảo Trà Cổ ngày nay – đảo Phù Thủy Châu – hòn ngọc nổi ngoài khơi xa cũng được gọi là đuôi rồng trắng (Bạch Long Vĩ), người ta nói đó là đám rồng con tinh nghịch vẫn đùa giỡn tung sóng trắng hàng ngày.

Chắc chắn nhiều người trên các thuyền nước ngoài cập bến vùng biển đảo này đã nghe biết về truyền thuyết ấy. Cho đến một ngày vào các năm 1898, 1900, 1902, thiếu úy Legderin, thuyền trưởng tàu Avalence cùng thủy thủ đoàn nhiều lần bắt gặp cảnh một đôi rắn khổng lồ giỡn nhau trên biển. Sự xuất hiện lạ lùng này khiến họ liên tưởng đến huyền thoại hạ long, họ nghĩ đây chính là con rồng trong câu chuyện cổ, con vật mà người Á Đông tôn sùng nên họ đã gọi vùng biển này là Hạ Long. Những người nước ngoài có văn hóa đã trân trọng cách nhìn, cách nghĩ truyền thống của ông cha ta và tên gọi Hạ Long thành quen thuộc từ đó.

Ở Việt Nam ta vốn có nhiều kỳ quan đá thiên nhiên và nhân tạo như cao nguyên đá ở Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu hoặc ghềnh Đá Đĩa ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, một điểm du lịch hấp dẫn, rồi thành đá Tây Giai (thành nhà Hồ) cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, nhưng kỳ quan đá Hạ Long thì sớm được dân Việt và thế giới biết đến hơn cả. Thơ ca của người Việt và người nước ngoài cũng nhiều lần nói tới Hạ Long. Có những câu thơ đã cách chúng ta đến 600 năm từng nói về kỳ quan hiểm trở này như thơ của Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi:

Lộ nhập Vân Đồn san phục san
Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan
Nhất bàn lăm bích trừng minh khí
Vạn hộc nha thanh đá thúy hoàn.

(Vân Đồn)

Tạm dịch:

Đường đến Vân Đồn lắm núi sao
Kỳ quan đá dựng giữa trời cao
Một vùng biển sẫm gương lồng bóng
Muôn hộc xanh ôm tóc mượt màu.

(Theo “Nguyễn Trãi toàn tập” – NXB KHXH – 1969)

Hoặc

Long Vĩ sơn hoành hạn yếu xung.

(Quá hải)

Tạm dịch:

Long Vĩ giăng ngang chặn hiểm xung.

(Qua biển – Sđd)

Theo các nhà khảo cổ và địa chất, Vịnh Hạ Long có lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi trải qua 500 triệu năm. Hạ Long là quần tụ của đa dạng sinh học với nhiều hệ sinh thái và tiểu sinh thái. Địa hình Hạ Long là đảo, núi xen kẽ. Đa số là đảo đá và được xem là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 đến 280 triệu năm trước, là kết quả của một quá trình vận động nâng lên hạ xuống từ lục địa thành vũng biển. Quá trình carxtơ bào mòn phong hóa gần như hoàn toàn đã tạo ra một Vịnh Hạ Long độc nhất vô nhị với hàng ngàn hòn đảo đá, nhiều hình thù khác nhau lô xô trên một vùng biển đẹp.

Trước đây, vì chưa có những số liệu thống kê cụ thể nên chúng ta chỉ mới tuyên truyền trên các hệ thống truyền thông rằng Vịnh Hạ Long có lẽ là một trong số ít vùng biển đẹp nhất thế giới. Phải đến tháng 7/2003, sau khi UNESCO công nhận Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994) và được tái công nhận là Di sản địa chất địa mạo (năm 2000) thì Vịnh Hạ Long được Câu lạc bộ Vịnh đẹp nhất thế giới công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất. (Cùng vinh dự cho Việt Nam, hai vịnh Lăng Cô và Nha Trang cũng nằm trong danh sách hiếm hoi này). Hiện, chúng ta đang lập thêm hồ sơ để trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản khảo cổ học và đa dạng sinh học của thế giới.

Vịnh Hạ Long là một vịnh biển đẹp, trong xanh, êm đềm và thanh bình, song những đảo đá trong vịnh lại có những nét vừa hùng vĩ, vừa bí ẩn. Khám phá ra vẻ đẹp này đầu tiên không phải là những nhà địa chất hay các chuyên gia khảo cổ mà chính là những cư dân đầu tiên của vùng đảo. Đó là những cư dân tiền sử đã có mặt ở đây thuộc các nền văn hóa Soi Nhụ và Hạ Long. Họ có mặt ở Hạ Long cũng khá sớm và đã tạo lập được những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau như văn hóa Son Nhụ (18.000 – 7.000 năm trước công nguyên) và văn hóa Hạ Long (3500 – 5000 năm). Để sinh nhai, cư dân nơi đây không chỉ đánh bắt cá tôm, khai thác những giá trị trong lòng nước biển, họ còn biết tìm gỡ những con sò, con hàu bám ở vách núi gần kề mép nước hoặc trèo núi hái trái, chặt gỗ, bẫy thú…

Quả thật, các đảo đá của Hạ Long vừa có thể xem như là những công trình điêu khắc sinh động, lại vừa có thể xem đó là những công trình kiến trúc của tự nhiên. Nhìn từ đất liền ra hay nhìn từ ngoài biển vào thì đó là những dải trường thành lô xô, nhiều tầng nhiều lớp kiên cố án ngữ, bảo vệ phần lục địa. Nhìn từ trên cao thì thấy có những cụm đảo xúm xít quần tụ, bao bọc lấy nhau. Lại có những đảo đứng một mình, chông chênh, biệt lập. Chen giữa những đảo là vô số những luồng lạch như một ma trận, một bát quái trận gồm nước và đá ngoằn ngoèo, lô xô. Có những con lạch có tên như lạch Cửa Áng, lạch Ghềnh Cam, lạch Hang Trống, lạch Miều, nhưng cũng có những con lạch vô danh, chỗ rộng chỗ hẹp quanh co. Thuyền đi trên vịnh biển nhiều lúc tưởng như đụng đầu vào đá núi bởi đột ngột một dãy đảo sừng sững dựng ra trước mắt. Nhưng đến gần, đảo như có phép lạ, mở ra bởi các lối ngoặt trái, ngoặt phải bất ngờ. Thế là lại thấy rộng rãi một khoảng nước, khoảng trời trong xanh, sáng lóa bởi ánh mặt trời lấp lánh.

Hình dáng bên ngoài của các hòn đảo cũng vô cùng lạ mắt và dường như có những biến đổi kỳ ảo. Có hòn vút lên cao chót vót, có hòn chỉ nhô cao trên mặt nước chút ít khiến ta tưởng như những con trâu nước khổng lồ đang im lìm nghỉ ngơi sau những lần tắm mát, ăn no. Có những đảo nhỏ và cao đứng rất chênh vênh do sóng biển nhiều năm âm thầm bào mòn phía dưới chân khiến ta có cảm giác nó rất mảnh khảnh khi so với phần thân phía trên khá đồ sộ. Có hòn đảo giống như ngọn tháp, chiếc đũa, lư hương, có hòn giống con rùa, con cóc, cánh buồm, người câu cá, cô gái hay đôi gà đang đấu mỏ vào nhau… Dựa vào hình thế của đảo mà người dân đã đặt tên cho nó như hòn Rồng, hòn Đầu Người, hòn Lã Vọng, hòn Mâm Xôi… rồi Cánh Buồm, Lư Hương, Ông Sư, hay hòn Ông, hòn Đũa, hòn Gà Chọi hoặc hòn Trống Mái… Có những hòn đảo nhỏ được gọi bằng hai ba tên khác nhau. Đó là vì quan sát ở phía này thì đảo giống một vật – chẳng hạn như một đầu người già, song đứng ở góc nhìn khác nó lại như một ngón tay, hoặc một chiếc đũa đang chọc vào trời xanh. Bởi thế, người ta khi gọi là hòn Ông, khi lại gọi là Chiếc Đũa.

Những lần đi sâu vào lòng núi trên vịnh, cư dân tiền sử đã dần khám phá ra muôn vàn hang động với những kỳ ảo lung linh của thạch nhũ, của suối nước, của đá sỏi, của ánh sáng, của âm thanh. Nói tới kỳ quan đá Hạ Long mà quên nói về vẻ đẹp của hang động thì sẽ là một thiếu sót.

Thế giới hang động trong lòng những viên “ngọc rồng” khổng lồ Hạ Long là một thế giới gây nhiều sửng sốt cho những ai chiêm ngưỡng nó. Hai chữ “sửng sốt” nay cũng đã được dùng để đặt tên cho một cửa hang: hang Sửng Sốt. Hang động này còn có tên là Động các kỳ quan vì nó là một động rộng và đẹp nhất vịnh. Đó là một hang dạng ống, cao 25 mét so với mực nước biển, có diện tích đến 10.000 m2 dài 200 mét, rộng nhất đến 80 mét và trần cao đến 20 mét. Nhũ đá, măng đá trong hang đan xen, quấn quýt theo con đường đi lên quanh co, uốn lượn. Hang Sửng Sốt có hai ngăn. Ngăn thứ nhất khá rộng mở ra như một thế giới cổ tích với các hình tượng voi đá, ngựa đá, hải cẩu rồi hoa lá, mâm xôi… tất cả đều là thạch nhũ óng ánh. Vòm hang cũng bằng nhũ đá khiến không gian động cũng được mở ra, được nâng lên bừng sáng long lanh. Ngăn thứ hai cách biệt với ngăn thứ nhất bằng một lối đi hẹp mà bên cạnh đó là một khối đá giống con ngựa và một thanh gươm dài khiến người ta liên tưởng tới con ngựa của Thánh Gióng đánh giặc Ân ngày nào. Nhất là khi nhìn vào lòng hang lại bắt gặp những vũng nước liên tiếp nhau để trí tưởng tượng bay bổng tới hình ảnh của những dấu chân ngựa. Hang Sửng Sốt được phát hiện từ lâu, nhưng tới năm 1946 mới được đặt tên. Song bởi có nhiều vẻ đẹp bất ngờ nên hang lại sớm được đưa vào khai thác du lịch. Nó được nằm trong hệ thống du lịch gồm bãi tắm Ti Tốp (tên một phi công vũ trụ thời Liên bang Xô Viết), hang Bồ Nâu, động Mê Cung, hang Luồn.

Nếu hang Sửng Sốt được xem là hang rộng nhất thì hang Cửa Giữa ở phía nam vịnh Hạ Long lại được xem là dài nhất. Hang này chạy thông trong lòng đảo quanh co dài đến hơn hai nghìn mét. Hang có nhiều ngăn, ngăn này thông với ngăn kia thường là bằng một cửa tò vò. Người ta bắt gặp ngăn ngoài cùng là những nhũ đá xùm xòa như những chùm rễ cây lơ lửng, rủ từ trần hang xuống. Phần lớn nhũ màu tím thẫm có điểm màu trắng bạc lấp lánh hấp dẫn. Ngăn tiếp theo hẹp và có phần tối hơn lại có nhiều măng đá, trụ đá, nhánh đá với những hình thù kỳ dị khác nhau, màu sắc cũng đa dạng, bắt mắt hơn, nhất là dưới ánh đèn hay ánh đuốc phản chiếu. Ngăn trong nữa lại là thế giới của các loài động vật đủ các cỡ lớn nhỏ nào sư tử, voi cho đến con chuột, con rùa.

Hang Cửa Giữa còn có tên là hang Con Gái, hang Trinh Nữ. Tên này được đặt theo sự tích về một cô gái nghèo, xinh đẹp, kiên trinh đã dũng cảm chống lại cường quyền, kiên quyết giữ mình trong sạch. Dụ dỗ rồi đe dọa, rồi đánh đập mà vẫn không khuất phục được cô gái, bọn chủ ác đã đày cô ra đảo, trói cô vào một vách đá trước cửa hang tuyệt đường nước uống cơm ăn. Nhưng cô gái vẫn cất cao tiếng hát cho đến khi kiệt sức! Sau khi cô chết, bà con quanh vùng đã chôn cất cô tại chỗ và dựng một ngôi miếu thờ. Một ngày đẹp trời vách đá nơi cô bị trói đột ngột mọc lên một măng đá cao giống hình một cô gái xõa tóc nhìn ra biển. Phía đối diện có một hang nhỏ được gọi là hang Trống, hay hang Con Trai – có lẽ đó là một gia giảm cho câu chuyện hấp dẫn thêm. Nhưng có một sự thực là vào những hôm gió lộng, cửa hang đón gió lùa vào khiến các hốc đá tạo ra những âm thanh trầm bổng thì hết thảy mọi người đều cho rằng đó là tiếng hát bất tử của cô gái kiên trinh.

Từ Cửa Suốt nhìn vào hòn Canh Độc thấy có một đầu mỏm núi giống như một cây gỗ nổi lập lờ trên nước. Hai bên mỏm đá có hai hốc lõm tựa như hai “mắt gỗ” mà những người thợ sơn tràng khi hạ xong cây đã đục nhằm luồn dây vào cho trâu kéo đi. Hang Đầu Gỗ nằm ở lưng chừng đảo Canh Độc (còn gọi là Vạn Cảnh), cách Bãi Cháy khoảng 8 km về phía tây nam, cửa hang quay về phía tây bắc. Canh Độc – Vạn Cảnh là một đảo tương đối lớn, cao chừng 189 mét, nằm cạnh luồng tàu Hải Phòng – Quảng Ninh. Từ ngoài nhìn vào, cửa hang hao hao hình ngũ giác. Muốn vào thăm hang, trước đây phải chờ lúc nước triều lên cao, canô hoặc thuyền mới cập vào chân đảo và du khách theo vách núi để leo tới cửa hang. Ngày nay thì đã có một hệ thống đường sàn và tàu thuyền có thể từ xa thả khách đi bộ từ biển lên đảo. Hang Đầu Gỗ có ngăn ngoài cũng là một lòng chảo lớn thấp hơn cửa hang bốn năm mét có thể chứa được cả ngàn người. Ở đây là thế giới của những nhũ đá, măng đá, cột đá từ vòm hang rủ xuống, từ đáy hang nhô lên tạo ra hàng trăm hình dạng với đủ sắc đủ màu hấp dẫn. Đặc biệt tận cùng lòng hang có một tảng đá màu xám trắng giống hình một con rùa; ở giữa lòng hang có một măng đá cao chạm tới trần giống như một pho tượng la hán tay cầm gậy, mặt hiền hòa đứng trên đài sen hướng ra bên ngoài như chào mời khách thập phương thăm động.

Theo một lối hẹp gập ghềnh sau măng đá là đường vào ngăn động thứ hai. Ngay ở đường vào là một khối đá tròn cao ngang ngực án ngữ. Chiếu đèn vào khối đá thì nó sáng rực lên, hắt ra những sắc màu xanh đỏ vàng óng ánh. Trong lòng ngăn này cũng là nhiều măng đá, nhũ đá và những hình người, hình chim thú sinh động nhất là khi có ánh sáng chiếu vào.

Ở ngăn trong cùng hẹp hơn cũng là thế giới của nhũ đá, măng đá nhưng nhỏ hơn. Đặc biệt là ở đây xuất hiện một số giếng đá hình tròn, nước ngọt trong mát, tràn đầy quanh năm. Giếng không sâu, đáy giếng là những hòn đá cuội nhỏ to nhiều cỡ nhưng sắp xếp loại nào riêng ra loại đó. Nếu ta đưa tay vào khuấy đảo vị trí của đá sỏi thì chỉ một lát sau, chúng lại tự sắp xếp loại nào ra loại đó như ban đầu.

Tên của hang này là Đầu Gỗ do chỗ người ta nhận biết dáng vẻ bên ngoài của nó như đã nói ở trên, song lại còn một cách lý giải khác gọi tên là hang Giấu Gỗ. Bà con kể chuyện đời nhà Trần khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Thượng tướng Trần Khánh Dư bố trí trận địa cọc trên sông Bạch Đằng đánh tan quân xâm lược thiện chiến Nguyên – Mông thì hang này đã được dùng làm nơi chứa gỗ, giấu gỗ. Chứng cớ là ngày nay vẫn còn những đầu gỗ và mảnh dăm gỗ trong hang. Cho nên gọi nó là hang Đầu Gỗ hay Giấu Gỗ đều không sai. Lại có người cho rằng, tên hang vốn là Đầu Gỗ nhưng khi người Pháp làm bản đồ họ ghi âm không có dấu nên chữ Dau Go đã bị đọc chệch đi. Truyền thuyết nào cũng có những bóng dáng sự thực sau ánh hào quang. Nếu hang Đầu Gỗ được gắn với câu chuyện bảo vệ non sông thời nhà Trần thì đó cũng là một cách lý giải đẹp.

Hang động trong các đảo rồng không thể nào kể hết và người ta vẫn còn tiếp tục phát hiện. Ngay tại đảo Vạn Cảnh (Canh Độc) này đang còn một hang động đẹp nữa là động Thiên Cung nằm sát mép nước và cách Đầu Gỗ chỉ khoảng 100 mét. Đó cũng là một động đẹp vách đá cao với nhiều hình thù kỳ lạ, hấp dẫn du khách tham quan. Hệ thống hang động thuộc các đảo của Vịnh Hạ Long nói chung thuộc các nhóm hang ngầm cổ, hang nền carxtơ và các hàm ếch biển.

Trong chuỗi đảo rồng xung quanh Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long còn phải kể tới những nhóm đảo như quần đảo Vân Hải, Cô Tô, Cát Bà… Đó là những nhóm đảo mang những vẻ đẹp khác nhau góp phần tạo ra một vùng biển đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ rộng lớn đầy sắc thái.

Hòn đảo lớn nhất trong nhóm đảo Vân Hải là đảo Trà Bản dài đến 30 km nằm theo hướng đông bắc – tây nam. Đảo có phần giữa phình ra và hai đầu thót lại. Đứng trên cao nhìn xuống nó giống như một chiếc thuyền nằm trên sóng nước bồng bềnh. Vút lên giữa đảo Trà Bản là ngọn núi Vân cao gần 450 mét, mây phủ đỉnh núi gần như quanh năm – Châu tuần quanh núi Vân là những đỉnh thấp hơn như đỉnh Bản Sen, đỉnh Cánh Quýt cao khoảng 300 mét. Quần đảo Trà Bản có một địa thế, địa hình hiểm trở. Phía nam đảo là Vịnh Vân Đồn rộng đến gần 100 km2 với những dãy đảo đá vây kín chung quanh như những bức thành lũy thiên nhiên. Phía đông là đảo Quan Lạn tức là Vân Hải dài và hẹp. Còn phía tây là đảo Vạn Cảnh tựa như hình một con ngựa đang phi, nếu nhìn vào bản đồ. Gần kề là đảo Ngọc Vừng như một con sam biển có cái đuôi dài vểnh lên phía bắc. Còn ở phía nam là hàng loạt các đảo Phượng Hoàng, đảo Hạ Mai, đảo Thượng Mai… Chính những đảo này đã che chở cho vịnh Vân Đồn thành một vùng sâu kín gió có nhiều luồng lạch thuận tiện giao thông và phòng thủ. Lạch vào vịnh Vân Đồn khá sâu có thể tạo điều kiện dễ dàng cho tàu trọng tải một vạn tấn lưu thông. Từ thế kỷ XIII, Vân Đồn đã là một trung tâm thương cảng sầm uất nhộn nhịp. Công lập nên thương cảng Vân Đồn, khi ấy gọi là Trang Vân Đồn, là do vua Lý Anh Tông chủ trương. Theo sách “Đại sử Việt ký toàn thư” thì việc này xảy ra vào năm thứ 10 niên hiệu Đại Định. Thuyền buôn các nước Lộ Lạc, Xiêm La, Trảo Oa thường vào Vân Đồn buôn bán và dâng cống phẩm vật. Hàng hóa trao đổi với thuyền buôn nước ngoài của ta chủ yếu là các thứ hương liệu, ngà voi, ngọc trai, vàng bạc, diêm tiêu, đồ sành đồ sứ… Đặc biệt sứ men ngọc đời Lý của ta có hình dáng thanh nhã, nước men trong sáng, hoa văn trang nhã đẹp mắt, lại đắp nổi ngoài thành đồ vật nên được rất nhiều nước ưa chuộng nhất là vùng đông Âu, gần Địa Trung Hải. Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện những đồng tiền của Tây Ban Nha đúc năm 1862 tại Vân Đồn để suy ra rằng nơi đây trước thế kỷ XX đã là một điểm giao thương rộng rãi với nhiều nước trên thế giới.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button