Kinh điển

Ivanhoe

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Walter Scott

Download sách Ivanhoe ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH ĐIỂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

 

Walter Scott sinh tại tỉnh Edinburgh nước Anh, ngày 14/08/1771 trong một gia đình trí thức, cha làm Chưởng lý tại tòa án Edinburgh, mẹ là con một vị giáo sư y khoa đại học.

Từ thuở nhỏ, Scott đã ham đọc truyện cổ nước Anh và tác phẩm những nhà văn lớn thời Phục hưng nước Pháp và nước Ý. Ông thường đi thăm nhiều di tích lịch sử miền Bắc nước Anh (xứ Scotland), nên sau này ông thích viết về đề tài lịch sử của dân tộc. Khi lớn, ông theo học luật khoa và làm luật sư trong hai mươi nhăm năm, vừa làm việc vừa sáng tác. Về già, ông mắc bệnh tê liệt, và chết ở Abbotsford ngày 21- 9- 1832.

Scott bước chân vào làng văn với các tác phẩm dịch của hai thi sĩ Đức là Goethe và Bürger. Sau đó, ông làm nhiều thơ; ba thi phẩm có giá trị của ông là: Bài hát của người ca công cuối cùng (The Lay of the Last Minstrel, 1805), Marmion (1809) và Công nương trên hồ. Về sau ông chuyên viết tiểu thuyết. Những tập truyện nổi tiếng nhất của ông là Truyện Oavớclê (Waverley) , Thời xưa bất tử, Ivanhoe, Chiếc gậy thần.

Ivanhoe là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Scott. Tác giả đã dựa vào một bi kịch cũ, ít giá trị, là Rơnơmiđơ của Logan nhưng thay hẳn cốt truyện và lồng vào một chủ đề mới. Câu chuyện xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ 12, dưới triều đại vua Richard đệ nhất, tóm tắt như sau:

Cedric là một hào trưởng, dòng dõi quý tộc Saxon nước Anh, ông rất căm thù quân xâm lược Normans, và mưu đồ khôi phục đất nước, ông có người con trai là Ivanhoe theo Richard đệ nhất dự cuộc Thập tự chinh ở Palestine. Tuy vua Richard thuộc dòng dõi Normans nhưng là người công bằng yêu nước. Từ Palestine, Richard và Ivanhoe bí mật về nước, cải trang dự hội võ, đánh thắng bọn hiệp sĩ, tay chân của Hoàng tử John, John là em trai Richard đang cầm quyền nhiếp chính, nhưng phản bội anh và thông đồng với ngoại quốc hại Richard, mưu việc chiếm ngôi. Ivanhoe bị thương nặng, được Rebecca, một thiếu nữ đẹp, con một người Do Thái giàu có là Isaac cứu chữa. Sau đó, bọn tay chân của John bắt cóc Cedric, Isaac và Rebecca để cưỡng bức nàng và bắt cả bọn nộp tiền chuộc. Ivanhoe với người yêu là Rowena cũng bị bắt. Tất cả bị giam vào một lâu đài kiên cố. Ở ngoài, Richard cùng bọn lục lâm người Saxon, vì lòng yêu nước và yêu chuộng công lý, tổ chức công phá lâu đài để giải phóng họ. Nhưng Rebecca bị một tên hiệp sĩ Normans là Bois-Guilbert phá vòng vây mang nhốt tại một tu viện. Việc tiết lộ, tên Giáo trưởng buộc tội nàng có tà thuật mê hoặc giáo sĩ, định bắt thiêu sống trên giàn lửa. Mặc dầu đang ốm, Ivanhoe cũng hy sinh thân mình để chiến đấu cứu Rebecca. Bois-Guilbert chết một cách kỳ lạ, Rebecca thoát nạn và bè đảng phản quốc của John bị tiêu diệt.

Tác phẩm đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và đức tính thượng võ cao quý của người Anh thời cổ. Chủ đề của tác phẩm phản ánh tinh thần nhân dân nước Anh trong khoảng đầu thế kỷ 19, khi giai cấp tư sản dân tộc đang phát triển, chiến thắng cuộc xâm lăng của đế quốc Pháp dưới thời đế chế Napoleon I: Cedric tiêu biểu cho những người Saxon thuần túy, có ý thức dân tộc mãnh liệt, đương đầu với bọn quý tộc Normans, đại diện cho bọn xâm lược.

Ngoài giá trị tư tưởng, Ivanhoe còn có giá trị lịch sử. Những nhân vật và sự việc lớn trong truyện như Richard, John, cuộc Thập tự chinh, việc Richard bị cầm tù, cuộc hội võ, sự áp bức, bóc lột của bọn quý tộc, tình trạng xã hội hỗn độn, đen tối, v.v… đều là những sự thực lịch sử. Tác giả đã mô tả đúng những phong tục, tập quán, những cách trang phục và cả ngôn ngữ của thời đại. Sau này, những nhà tiểu thuyết thời đại lớn của Anh như Thackeray, Dickens cũng chịu ảnh hưởng của Scott về mặt tôn trọng màu sắc địa phương và màu sắc lịch sử trong các tác phẩm của mình. Do giá trị lịch sử nói trên mà Ivanhoe có một số yếu tố hiện thực chủ nghĩa.

Tác phẩm còn có một giá trị nhân đạo sâu sắc. Đương thời nhiều thi sĩ lãng mạn như Byron, Shelley ca tụng tự do một cách nồng nhiệt. Qua những nhân vật Cedric, Richard, Gurth… Scott cũng tỏ thái độ chống áp bức và đề cao tự do. Đồng thời tác giả còn đề cao những đức tinh cao quý như tinh thần ưa chuộng công lý, tinh thần vị tha, đức hy sinh, lòng dũng cảm, tính cương trực… dưới hình thức những phong tục mã thượng đẹp đẽ thời cổ. Tinh thần nhân đạo đó gần gũi với truyền thống nhân đạo tiếp thu từ Shakspeare, thời đại Phục hưng. Tác giả công kích kịch liệt bọn đội lốt thầy tu để thỏa mãn thú tính để tiện và lòng tham lam không đáy. Tác giả bênh vực quyền sống và giá trị của dân tộc Do Thái, tuy kịch liệt mạt sát thói cho vay lãi của họ, tương tự như thái độ của Shakspeare trong Người lái buôn thành Venice. Tác giả đề cao những nhân vật xuất thân từ quần chúng, như anh chăn lợn Gurth, anh hề Wamba, cho ta thấy cả bản chất tốt đẹp của người bình dân: họ có tinh thần yêu tự do công lý, họ cũng thông minh, dũng cảm và có đức hy sinh… Thậm chí Locksley, là đầu lĩnh một bọn cướp, cũng có tinh thần yêu nước chẳng khác gì nhân vật Robin Hood trong truyện cổ dân gian nước Anh. Tóm lại, Scott có quan điểm khá tiến bộ trong những vấn đề tôn giáo, chủng tộc và đẳng cấp. Nhưng Scott quan niệm vấn đề hạnh phúc rất tiêu cực; ông cho hạnh phúc là ở chỗ biết chịu đựng những đau khổ và thiệt thời trong cuộc sống, theo ý Chúa Trời, nên đã để cho Rebecca thất tình, trở về Palestine, tìm quên trong những việc thiện, lấy sự hy sinh những tình cảm cá nhân của mình làm hạnh phúc.

Về mặt nghệ thuật, Ivanhoe có một sức hấp dẫn đặc biệt, cốt truyện có tính chất ly kỳ, nhưng không rối rắm. Tình tiết trong truyện tuy phức tạp nhưng không có sự việc nào thừa, tất cả đều tạo điều kiện làm nổi bật tâm lý của nhân vật, phục vụ cho nội dung của tác phẩm. Cuộc sống trong tác phẩm rất sinh động, các nhân vật va chạm nhau, yêu đương, căm thù, ao ước, chiến đấu… với một cường độ rất cao. Trí tưởng tượng của tác giả kết hợp với óc khoa học đưa ta vào một thế giới vừa thực vừa kỳ lạ, đúng với thực tế lịch sử; song rộng lớn hơn, phong phú hơn, lộng lẫy và hấp dẫn hơn nhiều. Đặc điểm ấy do bút pháp lãng mạn của tác giả; bút pháp này đã ảnh hưởng đến nhà tiểu thuyết lịch sử Pháp nổi tiếng là Alexandre Dumas và cả đến những sứ giả Pháp là Thierry và Michelet với phương pháp “làm sống lại lịch sử một cách toàn vẹn”. Những nhân vật như Cedric, Rebecca, Isaac, Bois-Guilbert, De Bracy, v.v… có tinh chất phức tạp sâu sắc của con người thực, nên hấp dẫn người đọc mạnh mẽ. Chúng tôi dịch theo bản Anh Văn, tôn trọng lối văn đặc sắc của tác giả, khi dí dỏm tế nhị, lúc trang trọng hùng hồn, đồng thời cố gắng giữ đầy đủ nguyên ý và không khí cổ kính của tác phẩm. Song việc đó có nhiều khó khăn, mong độc giả giúp đỡ ý kiến để sau này có thể có một bản dịch hoàn hảo hơn.

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 01

Câu chuyện như vậy; khi đàn lợn ăn no nê

Trở về căn chuồng để tiện buổi tối,

Bị bắt buộc, chúng ngần ngại không muốn bước vào

Chỉ rống lên những tiếng kêu ầm ĩ, nhức óc…

Odyssey của Pope

Một vùng có nhiều cảnh đẹp thuộc lưu vực sông Don nước Anh thanh bình có một cánh rừng lớn lâu bao phủ khắp những quả đồi xinh xắn và những thung lũng rải rác giữa khoảng thị trấn Sheffield và tỉnh lỵ Doncaster. Di tích của cánh rừng lớn này còn tìm thấy ở những nơi phong cảnh kỳ thú tại Wentworth, Warncliffe và quanh vùng Rotherham. Ngày xưa, đây là nơi con rồng Wantley trong truyện cổ tích vùng vẫy, đây cũng là nơi diễn ra những trận ác chiến thời nội chiến “Hai Hoa Hồng”[1]; lại cũng chính đây ngày xưa là sào huyệt của bọn lục lâm anh hùng có những hành động kinh thiên động địa mà dân gian còn truyền tụng qua các bài dân ca.

Câu chuyện này xảy ra tại nơi đó vào khoảng gần cuối triều vua Richard đệ nhất[2], hồi ấy nhà vua bị cầm tù ở phương xa đã quá lâu, bọn thần dân tuyệt vọng chỉ dám ước mà chẳng dám mong nhà vua trở về, họ quằn quại dưới nhiều ách áp bức bóc lột tàn khốc. Dưới triều vua Stephen[3], bọn quý tộc có quyền hành rất lớn mà trước kia vua Henry đệ nhị[4] lại đã thi hành một chính sách mềm dẻo khiến họ rất ít bị lệ thuộc vào triều đình, do đó càng ngày họ càng lộng quyền. Chẳng kể gì đến Hội đồng Mục chính, họ củng cố thành lũy, mở rộng thế lực, buộc bọn quý tộc nhỏ ở chung quanh phải tùy thuộc, cố gây dựng lực lượng tính chuyện mưu bá đồ vương trong những biến cố quốc gia đang đe dọa nổ ra.

Theo tinh thần luật pháp nước Anh thì bọn thị dân tư sản không bị lệ thuộc vào chúa phong kiến, song tình hình ấy cũng rất bấp bênh. Nếu họ biết nhờ một lãnh chúa quý tộc, chịu tự nguyện phục dịch chúng thì còn tạm thời được yên ổn làm ăn. Song như vậy thì họ phải hy sinh đời sống độc lập của họ, mà người Anh lại rất quý đời sống độc lập, chưa kể nhiều khi còn bị lôi cuốn vào những chuyện liều lĩnh do tham vọng của tên lãnh chúa gây ra. Mặt khác, bọn lãnh chúa phong kiến chẳng thiếu gì cách gây chuyện áp bức bọn phong kiến láng giềng yếu hơn, nhiều khi đi đến chỗ tiêu diệt họ chỉ vì họ muốn thoát ra ngoài vòng cương tỏa của chúng, vì họ ngây thơ tin vào pháp luật, hoặc nghĩ rằng mình làm ăn hiền lành, chắc chẳng ai động đến mình.

Những hậu quả của việc Quận công Normandy[5] chiếm nước Anh càng khuyến khích sự áp bức của bọn quý tộc phong kiến, và các tầng lớp dưới trong xã hội lại càng thêm cực khổ. Trải qua đã bốn thế hệ mà hai dòng máu Normans và Anglo- Saxon vẫn không hòa hợp với nhau được, quyền lợi vẫn không thống nhất, ngôn ngữ vẫn còn tách biệt: một đằng thì tự hào vì chiến thắng, một đằng thì rên xiết dưới những hậu quả của chiến bại. Sau trận Hastings[6] quyền hành lọt cả vào tay bọn quý tộc Normans, lịch sử đã cho biết chúng cực kỳ hà khắc. Hầu hết vương công quý tộc Saxon bị tước đoạt tài sản, kể cả những người có đất đai ở quê quán, hoặc các lãnh chúa nhỏ. Từ lâu nhà vua thi hành đủ mọi chính sách hợp pháp và bất hợp pháp nhằm làm yếu dần thế lực của những người nuôi chí chống lại bọn xâm lược. Những triều vua thuộc dòng Normans hậu đãi ra mặt bọn thần dân Normans, trái lại, nhân dân Saxon thì bị những luật lệ hà khắc, rất xa lạ với tinh thần tương đối tự do của hiến pháp Anh, như luật săn bắn chẳng hạn, đè nặng lên đầu lên cổ chúng với những ách áp bức bóc lột khác của chúa phong kiến. Trong triều đình và trong dinh lũy của bọn quý tộc, cuộc sống cực kỳ xa xỉ, chúng chỉ dùng tiếng Pháp trong tòa án, xử án và biện hộ cũng bằng tiếng Pháp. Tóm lại tiếng Pháp là ngôn ngữ của những người danh giá, quý phái và của công lý. Còn tiếng Saxon, mặc dầu phong phú và mạnh mẽ hơn, chỉ có bọn quê mùa và người bình dân dùng. Tuy nhiên bọn chúa đất vẫn cần bọn nông dân cày sâu cuốc bẫm và trong việc tiếp xúc để hai bên có thể hiểu nhau, dần dần hình thành một thứ ngôn ngữ lẫn lộn cả tiếng Pháp và tiếng Saxon. Thứ tiếng ấy chính là mầm mống của tiếng Anh hiện nay, phối hợp với các ngữ vựng của các ngôn ngữ cổ và ngôn ngữ vài nước miền Nam Âu châu.

Chúng tôi thấy cần trình bày với các độc giả tình hình trên để các bạn khỏi quên rằng từ triều vua William đệ nhị đến triều vua Edward đệ tam, tuy rằng không có chiến tranh khởi nghĩa, song dân tộc Saxon và dân tộc Normans vẫn luôn luôn cách biệt nhau, vì giữa hai giống người có sự khác biệt về chủng tộc, về địa vị; đối với người Saxon, vết thương của sự chiến bại vẫn còn rớm máu vì họ luôn luôn so sánh tình trạng nô dịch hiện tại với quá khứ tự do của họ.

Mặt trời rọi xuống một con đường viền cỏ rậm trong cánh rừng nói trên. Hàng trăm cây sồi cành lá rậm rạp, tán rộng, thân lùn, xưa kia có lẽ đã nhìn thấy những binh đoàn Normans hùng dũng đi qua, đang vươn những cánh tay lực lưỡng ôm lấy một khoảng rừng xanh kỳ thú. Nhiều chỗ cành lá đủ mọi thứ cây chằng chịt quấn vào nhau thành một đám rậm rì, ánh sáng xuyên ngang của mặt trời sắp lặn cũng không lọt qua được. Nhưng thỉnh thoảng cũng có chỗ quang đãng, phong cảnh rất đẹp, nhìn không chán mắt khiến ta tưởng tượng như đường vào tiên cảnh. Ánh nắng mờ nhạt rải rác tỏa xuống những cành cây lay lắt, những thân cây phủ rêu xanh và đây đó từng mảng cỏ sáng rọi lên. Giữa khoảng cây cối um tùm đó có một khoảng trống khá rộng, hình như xưa kia là nơi hành lễ của những tín đồ tôn giáo Druidical[7]

Trên đỉnh một quả đồi tròn như đắp, còn sót lại vài tảng đá lớn xù xì, xếp theo đường vòng tròn. Bảy viên còn đứng trơ, những viên khác lăn lốc chung quanh, có lẽ bị những người theo đạo Gia tô[108] phá hủy. Hòn thì nằm ngay cạnh đó, hòn thì lăn xuống lưng đồi, chắn ngang dòng nước một con suối lững lờ uốn quanh, làm cho dòng nước bị cản lên tiếng rì rào nhè nhẹ.

Giữa phong cảnh đó, có hai bóng người áo quần và dáng điệu có vẻ thô sơ, man rợ như cảnh trí miền Tây Yorkshire hồi đó. Người lớn tuổi có vẻ mặt khắc khổ dữ tợn. Áo quần rất giản dị; hắn vận một chiếc áo chẽn có tay bằng da thuộc đã cũ, trước kia cũng có lông phủ ngoài, nhưng bây giờ nhiều chỗ rụng trơ, khiến ta không phân biệt được là da loài thú gì. Chiếc áo này dài từ cổ xuống đến gối và dùng làm thứ áo mặc trong mọi trường hợp. Cổ áo hẹp chỉ chui vừa đầu, ta có thể kết luận rằng muốn mặc ắt phải luồn từ dưới bụng áo mà chui đầu ra, theo lối áo sơ mi kiểu mới của chúng ta ngày nay, hoặc lối áo giáp thời cổ. Chân hắn đi một đôi dép quai bằng da lợn, quấn chằng chịt những sợi dây da mỏng đến quá bắp chân, đầu gối để trần như kiểu người miền núi xứ Scott. Để cho chiếc áo thêm bó khít vào người, ngang lưng hắn thắt một chiếc thắt lưng da to bản có một cái khóa đồng, một bên buộc một cái túi, một bên đeo một cái tù và làm bằng sừng cừu đực. Cạnh sườn đeo một con dao dài to bản, mũi nhọn, hai lưỡi, chuôi bằng sừng dê, hồi đó thường gọi là đoản đao xứ Sheffield. Đầu để trần, mớ tóc bù xù dãi dầu sương gió, nắng thiêu đỏ quạch, nổi bật trên hàng râu xồm xoàm màu vàng như hổ phách. Ta lại không thể bỏ qua không chú ý đến chiếc vòng thau hắn đeo trên cổ, giống như một cái vòng cổ chó, song không có chỗ mỏ, vừa đủ rộng để khỏi nghẹt thở, cũng vừa đủ khít để không lấy ra được, trừ phi dùng dũa mà cắt. Trên mặt vòng khắc mấy chữ Saxon: “Gurth, con trai Beowulph, là nô lệ của Cedric ở Rotherwood”.

Cạnh anh chăn lợn Gurth có một người ngồi trên một tảng đá của bọn dị giáo, hắn ta trông trẻ hơn Gurth độ 10 tuổi, vận quần áo cùng kiểu, song may bằng vải tốt hơn và trông cũng kỳ quái hơn. Hắn bận một chiếc áo dài màu đỏ sẫm có nhiều hình vẽ lạ lùng, sặc sỡ. Bên ngoài lại khoác một chiếc áo ngắn đến đùi màu đỏ pha sợi vàng rộng lùng thùng như một cái chăn để khi cần hắn có thể vắt qua vai hoặc quấn quanh mình được. Chiếc áo quá rộng mà chiều dài thì lại ngắn quá, thành ra trông đến lạ mắt. Tay hắn đeo nhiều vòng bạc, cổ cũng đeo một chiếc vòng bạc có khắc dòng chữ: “Wamba, con trai Witless, là nô lệ của Cedric ở Rotherwood”. Hắn cũng đi dép như Gurth, song bắp chân không buộc dây da mà lại đi ghệt, một chân đỏ, một chân vàng. Hắn đội một cái mũ có một hàng nhạc kêu loong coong mỗi khi động đậy; những chiếc nhạc giống nhạc đeo ở cổ chim ưng, vì hắn luôn luôn quay bên nọ ngó bên kia nên không lúc nào ngớt tiếng động. Phía trên mũ có một vành da cắt răng cưa, ở giữa là cái chỏm mũ dài vắt xuống một bên vai giống như một kiêu mũ ngủ ngày xưa, hoặc như cái túi lọc bột, hay cái mũ của một viên mõ tòa ngày nay vậy. Bộ nhạc được đính ngay vào cái chỏm mũ này.

 

Cứ nhìn y phục, cử chỉ và dáng điệu nửa ngờ nghệch nửa láu lỉnh của hắn ta, cũng đoán ngay được hắn là thằng hề chuyên làm vui cho các gia đình giàu có trong những phút nhàn rỗi. Ngang lưng hắn cũng đeo một cái bao, song không có tù và mà cũng chẳng có dao: có lẽ vì người ta không dám cho hắn giữ những vật sắc nhọn. Tuy vậy hắn cũng được mang một chiếc gậy ngắn, giống như chiếc gậy xiếc.

Lối phục sức của hai người thật là trái ngược mà vẻ mặt cũng khác nhau. Anh nô lệ có vẻ buồn rầu bực tức, mặt cúi xuống đất như đang âu sầu thất vọng, dường như đờ đẫn không thiết làm gì, nhưng trông khóe mắt dữ dội, ta đoán biết được anh ta đang căm giận thân phận nô lệ của mình và sẵn tiềm tàng một tinh thần phản kháng. Còn anh hề Wamba thì lại có cái vẻ tò mò ngờ nghệch, tự mãn với cách ăn mặc và địa vị của mình, luôn luôn động đậy. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Saxon là tiếng nói của bọn bình dân, trừ bọn binh lính Normans và đám thuộc hạ của các chúa phong kiến. Nhưng nếu nhắc lại nguyên văn câu chuyện của họ thì e rằng đối với các bạn độc giả hiện nay cũng ít bổ ích, cho nên để các bạn dễ hiểu, tôi xin phép kể lại như sau:

Anh nô lệ chăn lợn rúc một hồi tù và dài để gọi đám lợn đi ăn rải rác về và chửi đổng: “Mẹ cha chúng nó, trời đánh thánh vật chúng nó chết tiệt đi cho rảnh”. Đàn lợn ủn ỉn, đáp lại bằng những tiếng du dương không kém, đà đận không muốn rời bỏ đám lá non và quả đồi cũng như cái thú dầm mình trong vũng bùn giữa lòng suối; nhiều con bùn ngập đến quá nửa bụng, nằm ềnh ra một cách thoải mái, nghe thấy tiếng chủ gọi cũng cứ làm lơ. “Từ giờ đến tối nếu không lạc mất vài con, tao chỉ làm con vật. Fangs! Fangs!”. Anh lớn tiếng gọi con chó săn trên đồi dữ tợn như một con sói đang giúp chủ khập khiễng chạy lùa đàn lợn bướng bỉnh ăn lạc hướng không chịu về, nhưng lại càng làm cho chúng tán loạn thêm, không biết vì nó hiểu lầm ý chủ, vì nó không rõ nhiệm vụ của nó, hay vì nó cố tình tinh quái. “Lão coi rừng ôn vật đi giũa hết cả móng của con chó khiến nó thành vô dụng. Wamba! Nhúc nhích lên một tí chứ, đứng dậy giúp tao một tay với. Mày chịu khó đi vòng quanh quả đồi này, đến đầu kia, xuôi gió là cứ việc lùa chúng về, dễ như bỡn thôi”.

 

Wamba vẫn ngồi yên không nhúc nhích: “Phải, tôi đã hỏi ý kiến đôi giò của tôi rồi, chúng đồng thanh nói rằng mặc quần áo đẹp thế này mà đi săn lợn thì không đúng phép. Thôi, tôi khuyên anh cứ gọi con Fangs về và mặc kệ xác chúng. Chúng có gặp cướp, gặp lính hay gặp thầy tu thì cũng thế thôi. Mà giá chúng có biến thành bọn Normans, thì anh càng khoái chứ sao?”.

Gurth ngạc nhiên hỏi lại: “Lợn biến thành tụi Normans mà tôi lại thích? Này Wamba, anh hãy nói rõ tôi nghe, tôi vốn ngu si, không quen chơi chữ đâu”.

Wamba bèn hỏi:

– Vậy chứ anh gọi những con vật bốn chân kia là gì?

– Con heo chứ gì, ai mà không biết.

– Ấy, “heo” là tiếng Saxon chính cống. Thế khi nó bị chọc tiết, mổ bụng rồi, treo ngược lên như một tên bội phản thì anh gọi là gì?

– Gọi là “lợn”[8].

– Tôi rất sung sướng thấy tên ngu ngốc nào cũng biết cái đó. Thế mà “Lợn” là tiếng Normans đây, biết không? Nghĩa là khi nó sống mà ta phải chăm sóc thì nó là Saxon, lúc nó bị làm thịt mang nuôi béo bọn quý tộc thì nó biến thành Normans, anh có thấy không?

– Ồ! Đúng quá. Thế mà mày cũng biết được cơ à?

Wamba lại tiếp:

– Tôi còn biết khối cái khác cơ. Con bò ấy mà, nó là con “bò” khi anh còn phải cho nó gặm cỏ, nhưng nó lại là con “bù” khi nó sắp chui vào bụng người ta. Con “bê” cũng thế, lúc ấy biến thành con “mê”. Nghĩa là khi nó cần chăm nom, săn sóc thì nó là Saxon, còn lúc nó làm cho người ta thích khẩu thì là Normans.

Gurth trả lời:

– Trời đất ơi! Toàn là những sự thực đáng buồn nhỉ! Bây giờ chúng mình chỉ còn được chút khí trời để thở, mà cũng chỉ vừa đủ sống để làm tôi mọi mãi thôi. Thức gì bổ béo, ngon ngọt thì người được xơi, gái nào đẹp thì người được hưởng. Bọn vũ dũng can đảm nhất thì đâm đầu đi lính cho ngoại tộc, vùi xác nơi quê người, chẳng còn ai che chở cho dân Saxon không may chúng ta nữa. Vậy mà chủ chúng ta, ông Cedric đã ở lại. Trời phật phù hộ cho ông. Nhưng thằng cha Đầu Bò (Reginald Front- de- Boeuf) đến xứ này thì sớm muộn thế nào cũng gây chuyện với ông cho mà xem”.

Gurth lại cao tiếng gọi con chó săn:

– Fangs! Fangs! Được lắm! Được lắm! Bây giờ mày lùa được chúng rồi đây. Cứ thế, cố lên.

Anh hề nói:

– Anh Gurth! Anh cho tôi là xuẩn hay sao mà anh dám nói năng liều lĩnh thế? Tôi mà đi mách lão Đầu Bò hay lão Philip Malvoisin rằng anh nói xấu người Normans thì liệu anh có thoát bị treo cổ lủng lẳng trên cành cây làm gương cho những kẻ hay nói xấu người quyền quý không?

– Đồ tồi! Mày gợi chuyện cho tao nói rồi lại định phản tao à?

– Phản anh ư? Nói đùa đấy. Người khôn ngoan mới lừa lọc nhau được, chứ một thằng hề như tôi thì lo cho bản thân còn chưa xong. Nhưng yên, có người kia kìa.

Hắn lắng tai nghe tiếng chân ngựa gõ dồn dập.

– Ai cũng mặc họ.

Gurth vừa trả lời vừa cùng con Fangs lùa đàn lợn qua hàng cây um tùm rậm rạp.

– Này, họ đi ngựa anh ạ. Có lẽ họ mang chiếu chỉ của Thượng đế ở trên trời xuống đấy.

Anh chăn lợn gắt lên:

– Thằng chết toi. Mưa đến nơi rồi mà còn đùa, sấm chớp ầm ầm kia kìa. Mùa này là mưa to lắm đấy. Trông xem. Những cây sồi cổ thụ kia mà cũng rung lên rào rào, có lẽ bão mất. Mày muốn triết lý thì mặc mày, đi về thôi, không có tối mà lại mưa thì bỏ mẹ.

Wamba cũng thấy sợ hãi nên đi theo bạn. Gurth nhặt chiếc gậy dài trên cỏ, vội vàng theo con đường hẻm trong rừng cùng con Fangs lùa vội đàn lợn đang vừa đi vừa kêu ủn ỉn một cách không du dương chút nào.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button