Kinh điển

Hai Vạn Dặm Dưới Biển

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jules Verne

Download sách Hai Vạn Dặm Dưới Biển ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH ĐIỂN

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách

 3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Truyện viễn tưởng hay giả tưởng đã có khá nhiều nhà văn trên thế giới thể hiện trong tác phẩm của mình. Cũng là trí tưởng tượng, nhưng khác với truyện cổ tích hay thần thoại, tiểu thuyết giả tưởng thường mang đậm chất hiện thực, sống động.

Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng hiện đại không chỉ dành cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn dành cho mọi thế hệ người đọc.

Giáo sư Aronnax cùng anh bạn giúp việc vui tính Conseil là những người say mê khám phá sinh vật biển. Họ đã quyết định khám phá bí mật của quái vật biển. Được sự giúp đỡ của anh chàng thợ săn cá voi siêu hạng Ned Land, họ đã sẵn sàng một cuộc đi săn mà không biết có bao điều nguy hiểm đang chờ đợi mình ở phía trước. Bất ngờ đến với họ khi phát hiện ra con cá voi khổng lồ làm bằng sắt, nhưng tất cả đều không kịp, họ bị bắt làm tù binh trên chiếc tàu của thuyền trưởng Nemo. Và bất đắc dĩ, họ phải tham ra chuyến hành trình trên biển dài ngày. Một thế giới kỳ thú của đại dương đã hiện ra cùng cuộc phiêu lưu của đoàn thám hiểm và thuyền trưởng Nemo: Tham gia chuyến đi săn dưới đáy biển, thoát khỏi cá mập nguy hiểm, chạy trốn những người thổ dân, khai thác kim cương dưới đáy biển, khám phá nhiều vùng đất mới và cuối cùng là mắc kẹt trong núi băng ở Bắc Cực…

Câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn ngay từ lúc bắt đầu đến khi ta gấp sách lại sẽ khiến độc giả nhỏ tuổi thích thú, say mê. Nó xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường cho những ai say mê khám phá. Sách được in màu, trình bày đẹp, có kèm tranh minh họa sinh động, nằm trong bộ truyện ngắn 12 cuốn Văn học kinh điển dành cho thiếu nhi.

ĐỌC THỬ

Chương 1 – Dải đá ngầm di động

Năm 1866 được đánh dấu bằng một sự kiện kỳ lạ, một hiện tượng không được giải thích và không thể giải thích nổi mà chắc chưa ai quên. Những lời đồn đại về hiện tượng bí hiểm đó chẳng những làm nhân dân các thành phố cảng và các lục địa xôn xao, mà còn gây hoang mang lớn trong đám thủy thủ. Cánh lái buôn, chủ tàu, thuyền trưởng ở châu Âu và châu Mỹ, các sĩ quan hải quân các nước, và sau đó nhiều chính phủ ở cả hai châu đều hết sức lo lắng về sự kiện này. Số là thời gian gần đây, nhiều tàu buôn đi biển thường gặp một vật hình thoi dài đôi khi sáng lấp lánh, vượt xa cá voi về kích thước và tốc độ di chuyển. Những lời ghi trong nhật ký của các con tàu đó giống nhau một cách lạ lùng về sự miêu tả hình dáng bên ngoài, về tốc độ ghê gớm và sức mạnh của vật đó, cũng như về thái độ đặc biệt của nó. Nếu đó là một loại cá voi thì theo sự miêu tả, nó lớn hơn tất cả những con cá voi đã được khoa học biết đến. Không một nhà khoa học nào có thể tin được hiện tượng kỳ lạ này nếu không được nhìn thấy nó tận mắt. Nếu bỏ qua những sự đánh giá quá dè dặt cho rằng con quái vật không dài quá sáu mươi mét và gạt đi những lời thổi phồng quá đáng miêu tả nó như một con vật khổng lồ rộng một hải lý, dài ba hải lý, thì ta vẫn phải thừa nhận rằng quái vật, nếu có thật, nhất định vượt quá những kích thước đã được các nhà động vật học ghi nhận. Con người vốn cả tin những điều huyền hoặc, nên ta cũng dễ hiểu rằng hiện tượng kỳ lạ này đã làm họ xao xuyến thế nào. Một số người đã tìm cách xếp tất cả các câu chuyện đó vào một loại bịa đặt hão huyền, nhưng vô ích! Con vật kia vẫn tồn tại, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Ngày 20 tháng 7 năm 1866, chiếc tàu Ga-vớc-nơ Hi-ghin-xơn của công ty tàu biển Can-cút-ta-en Béc-nắc đã gặp một vật nổi khổng lồ cách bờ biển phía đông úc năm hải lý. Thoạt tiên, thuyền trưởng Bê-cơ đinh ninh rằng mình phát hiện ra một dải đá ngầm chưa được ghi trên bản đồ. Ông ta vừa bắt đầu xác định tọa độ của dải đá, thì từ trong lòng cái khối màu đen ấy bỗng vọt lên hai cột nước cao hơn bốn mươi mét. Vì sao vậy? Đó là một dải đá mạch nước ngầm? Hay đó chỉ là một động vật có vú sống dưới biển phun không khí từ mũi ra làm vọt lên những luồng nước?

Ngày 23 tháng 7 năm đó, tàu Cri-xtô-ban Cô-lôn của Công ty tàu biển Đông ấn lại thấy hiện tượng này ở vùng biển Thái Bình Dương. Xưa nay đâu có chuyện cá voi bơi với tốc độ lạ thường như vậy? Chỉ trong ba ngày mà hai chiếc tàu gặp nó ở hai điểm cách nhau trên bảy trăm dặm. Mười lăm ngày sau, cách nơi nói trên hai ngàn dặm, tàu Hen-vê-xi-a của Công ty tàu biển Quốc gia và tàu Sa-nơn của Công ty Roi-ơn Mây-lơ trên đường đi giữa châu Mỹ và châu Âu gặp nhau ở Đại Tây Dương, đã phát hiện ra quái vật ở 42,15 độ vĩ bắc và 60,35 độ kinh về phía tây kinh tuyến Grin-uýt. Hai tàu cũng quan sát và xác định được bằng mắt, là con vật có vú, dài ít nhất hơn một trăm mét. Họ xác định được như vậy là vì hai tàu đều nhỏ hơn con vật, mặc dù cả hai đều dài một trăm mét. Giống cá voi khổng lồ ở vùng đảo A-lê-út cũng không thể dài quá năm mươi mét. Những tin tức này dồn dập bay về, những thông báo mới của tàu Pê-rê vượt Đại Tây Dương, cuộc chạm trán giữa quái vật với tàu ét-na, biên bản của các sĩ quan trên chiếc tàu chiến Pháp Noóc-măng-đi và bản báo cáo tỉ mỉ của Phít-xơ Giêm-xơ, thuyền trưởng tàu Lo Clai-đơ -tất cả những cái đó đã làm náo động dư luận. ở những nước hay suy nghĩ hồ đồ thì hiện tượng kỳ lạ này là đề tài vô tận cho những chuyện bông đùa, nhưng những nước chín chắn hơn và có đầu óc thực tế như Anh, Mỹ, Đức thì hết sức quan tâm đến chuyện này. ở thủ đô các nước, con quái vật đã trở thành “mốt”: người ta hát về nó trong các tiệm cà phê, nhạo báng nó trên báo chí, đưa nó lên sân khấu. Vớ được dịp may hiếm có, mấy tờ lá cải tha hồ tung tin vịt. Họ dựng lên đủ loại quái vật hoang đường, từ con cá voi trắng khủng khiếp ở các nước vùng Bắc cực đến những con bạch tuộc gớm ghiếc có thể dùng vòi cuốn cả tàu chở nặng năm trăm tấn dìm xuống đáy biển. Trong các hội nghiên cứu và các tạp chí khoa học nổi lên một cuộc tranh luận ồn ào không dứt giữa những người tin và không tin.

Các nhà báo, những người yêu khoa học trong cuộc tranh cãi với đối phương, đã phải đổ biết bao nhiêu mực thậm chí một số đã đổ cả máu vì cuộc đấu khẩu về con rắn biển đó dẫn tới những trận đấu chân đấu tay thực sự! Cuộc “chiến tranh” này đã kéo dài suốt sáu tháng ròng không phân thắng bại. .. Mấy tháng đầu năm 1867, câu chuyện quái vật hình như đã bị chôn vùi và chẳng cần gợi lại làm gì. Nhưng những sự kiện mới lại lan truyền trong công chúng. Bây giờ không còn là chuyện giải quyết một vấn đề khoa học thú vị nữa, mà là một nguy cơ nghiêm trọng. Quái vật đó đã biến thành một hòn đảo, một dải đá ngầm di động, bí hiểm, không thể bắt được! Mùng năm tháng ba năm 1867, tàu Mô-ra-vi-an của Công ty tàu biển Mông-rê-an đang chạy nhanh ở 27,30 độ vĩ và 72,15 độ kinh bỗng đâm phải một dải đá ngầm không thấy ghi trên một bản đồ hoa tiêu nào. Nhờ gió thuận và động cơ mạnh bốn trăm sức ngựa, chiếc tàu chạy với tốc độ mười ba hải lý một giờ. Tàu đâm mạnh đến nỗi nếu vỏ tàu không thật vững vàng thì nhất định sẽ bị đắm cùng với hai trăm ba mươi bảy thủy thủ và hành khách từ Ca-na-đa về. Cuộc va chạm xảy ra lúc rạng đông, khoảng năm giờ sáng. Các sĩ quan trực nhật lao tới mũi tàu. Họ xem xét rất kỹ mặt biển, nhưng chẳng thấy gì đáng nghi ngờ, ngoài một đợt sóng to nổi lên cách đó hơn nửa ki-lô-mét. Xác định tọa độ xong, tàu Mô-ra-vi-an lại tiếp tục hành trình mà không thấy chỗ nào bị hư hại. Nó đã va phải cái gì vậy? Một dải đá ngầm hay xác một chiếc tàu bị đắm? Chẳng ai biết cả. Nhưng sau đó, khi xem xét phần dưới của tàu ở xưởng sửa chữa, người ta thấy một bộ phận của lòng tàu bị hư hại. Sự kiện nghiêm trọng này chắc cũng có thể bị lãng quên nhanh chóng như nhiều sự kiện khác tương tự, nếu ba tuần sau đó nó không được lặp lại trong những điều kiện y hệt. Và cũng do chiếc tàu mang cờ một cường quốc và thuộc một công ty hàng hải nên tin xảy ra tai nạn được truyền đi rất rộng…

Ngày 13 tháng 4 năm 1867, tàu Xcốt-len cũng thuộc công ty nói trên đang ở 15,37 độ kinh và 45,37 độ vĩ. Biển lặng, gió nhẹ. Nhờ động cơ rất mạnh, tàu chạy hơn mười ba hải lý một giờ. Guồng bánh quay đều trong sóng biển. Bốn giờ mười bảy phút chiều, khi hành khách đang ăn trong phòng ăn thì thân tàu bỗng rung lên vì va nhẹ vào một vật gì đó ở phía lái, sau guồng bên trái một chút. Xét tính chất của va chạm, có thể đoán là tàu vừa bị một vật nhọn đâm vào. Nhưng có lẽ cũng chẳng ai chú ý tới sự việc đó nhiều, nếu thợ đốt lò không chạy lên boong và kêu ầm lên:

-Hầm tàu bị thủng! Hầm tàu bị thủng! Trong giây phút đầu, hành khách hoang mang nhốn nháo, nhưng thuyền trưởng An-đớc-xơn đã làm họ bình tĩnh lại. Thực ra tàu không bị đe dọa gì. Vì nó được chia thành bảy ngăn riêng biệt không thấm nước, nên một chỗ rò rỉ nhỏ chẳng đáng sợ. An-đớc-xơn lập tức xuống hầm tàu. Ông ta thấy ngăn số năm bị ngập nước. Căn cứ vào tốc độ nước ùa vào, thì lỗ thủng ở thân tàu khá to. Cũng may là ở ngăn này không có nồi hơi, nếu có thì đã bị tắt ngấm. An-đớc-xơn ra lệnh tắt máy và cử một thuỷ thủ lặn xuống nước xem xét chỗ thủng. Mấy phút sau xác định được rằng phần dưới thân tàu có một lỗ thủng rộng hai mét. Vì không có khả năng bịt kín chỗ đó nên tàu Xcốt-len phải tiếp tục hành trình, để guồng bánh xe ngập một nửa xuống nước. Tai nạn xảy ra cách mũi Cle ba trăm hải lý. Thế là tàu Xcốt-len cập bến Li-vớc-pun chậm mất ba ngày, làm mọi người hết sức lo lắng. Tàu được đưa vào xưởng sửa chữa để các kỹ sư xem xét. Họ không tin ở mắt mình nữa! ở thân tàu, dưới mặt nước hai mét rưỡi, có một lỗ thủng hình tam giác cân. Ba cạnh của lỗ thủng rất nhẵn, tựa như bị kéo cắt. Rõ ràng là vật chọc thủng thân tàu phải có độ rắn rất cao. Hơn nữa sau khi xuyên qua lá thép dày bốn cen-ti-mét, nó tự rút ra được. Sự việc đó không ai giải thích nổi!

Từ ngày đó, tất cả những tai nạn ngoài biển mà không có nguyên nhân đều quy cả cho quái vật. Nó phải chịu trách nhiệm về nhiều vụ đắm tàu. Đáng tiếc rằng số tàu bị đắm khá lớn và ít nhất có hai trăm trong số tàu đắm được coi là “mất tích”. Dù sao thì cũng do quái vật mà giao thông giữa các lục địa ngày càng nguy hiểm. Dư luận tha thiết yêu cầu phải trừ khử quái vật đó bằng bất kỳ giá nào.

Chương 2 – Tán thành và phản đối

Khi xảy ra những việc vừa kể trên thì tôi đã hoàn thành công việc nghiên cứu ở bang Nê-brát-xca (bắc Mỹ) và đang quay về. Chính phủ Pháp cử tôi vào đoàn nghiên cứu khoa học với tư cách là phó giáo sư của Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Pa-ri. Sau khi đã đi khắp miền Nê-brát-xca trong sáu tháng và thu thập được những bộ hiện vật hết sức quý giá, cuối tháng ba tôi về tới Niu I-ooc. Tôi dự định sẽ lên đường về Pháp vào đầu tháng năm. Vì vậy, mấy ngày rỗi rãi còn lại trước khi xuống tàu, tôi dành để xếp loại những bộ sưu tập về khoáng vật, thực vật và động vật của tôi. Chính lúc đó tàu Xcốt-len gặp nạn. Tất nhiên tôi theo dõi sát mọi việc đã làm dư luận xôn xao. Tôi đã đọc đi đọc lại tất cả những báo chí châu Mỹ và Châu Âu, nhưng những cái đó cũng chẳng soi sáng gì thêm cho vấn đề đang làm mọi người thắc mắc. Câu chuyện bí hiểm đã kích thích tính tò mò của tôi…

Tôi tới Niu I-ooc đúng lúc đang nổi lên những cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh câu chuyện này. Những giả thiết về hòn đảo di động, về dải đá ngầm do những người ít thẩm quyền đề ra, đã bị vứt bỏ hoàn toàn. Thật vậy “dải đá ngầm” sao có thể di chuyển với tốc độ như vậy nếu nó không có máy móc cực mạnh? Giả thiết cho rằng đó là xác một chiếc tàu khổng lồ bị đắm trôi đi với tốc độ ghê gớm như vậy cũng bị gạt bỏ. Còn lại hai giả thiết có người ủng hộ: một số người cho rằng mọi sự bất hạnh đều do một con vật khổng lồ gây ra; một số khác thì cho rằng đó là một chiếc tàu ngầm có động cơ cực mạnh. Giả thiết cuối cùng đó có vẻ gần sự thật hơn cả, nhưng lại bị bác bỏ sau những cuộc điều tra ở cả hai bán cầu. Khó có thể tin rằng một tư nhân nào lại có được một chiếc tàu như vậy. Nó đã được đóng bao giờ và ở đâu? Và việc đóng một chiếc tàu khổng lồ như vậy làm sao có thể giữ kín được? Chỉ nhà nước mới có thể chế tạo ra những loại máy có sức phá hoại ghê gớm như vậy. ở thời đại chúng ta, khi trí tuệ con người rất thành thạo trong việc sáng chế ra những công cụ giết người thì cũng dễ tin được rằng có một nước nào đó đã bí mật chế tạo và đem thử chiếc tàu khủng khiếp này. Nhưng cuối cùng giả thiết về một chiếc tàu ngầm quân sự đã đổ sụp, vì tất cả các chính phủ đều tuyên bố là không dính dáng gì đến chuyện này. Không thể nghi ngờ được sự thành thật của những bản tuyên bố đó, vì các đường biển quốc tế đều bị đe dọa. Hơn nữa, việc đóng một chiếc tàu ngầm khổng lồ như vậy không thể thoát khỏi sự chú ý của dư luận. Giữ bí mật trong những điều kiện như vậy đối với tư nhân đã hết sức khó, còn đối với từng nước là điều không tưởng vì mỗi hành động của họ đều bị các cường quốc đối địch theo dõi gắt gao. Thế là sau khi điều tra ở các nước Anh, Pháp, Nga, Phổ, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Mỹ và cả Thổ nữa, giả thiết về tàu ngầm đã phá sản hoàn toàn. Mặc dù bị những tờ báo lá cải chế giễu, con quái vật kia lại nổi lên mặt nước. óc tưởng tượng được kích động lại vẽ nên những bức tranh vô lý nhất trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng. Về tới Niu I-ooc, tôi có vinh dự được nhiều người đến hỏi ý kiến về vấn đề này. ở Pháp tôi có cho xuất bản cuốn sách in thành hai tập, nhan đề “Những bí mật của biển sâu”. Cuốn sách đó được giới khoa học hoan nghênh và đã khiến tôi trở thành chuyên gia nổi tiếng về một lĩnh vực ít được nghiên cứu của lịch sử tự nhiên. Người ta yêu cầu tôi phát biểu ý kiến về vấn đề này. Nhưng trong tay tôi không có một tài liệu cụ thể nào nên tôi từ chối, lấy cớ là hoàn toàn không hiểu biết gì cả. Tuy nhiên, bị dồn vào chân tường, tôi đành phải nói lên phán đoán của mình. Và cuối cùng, “Tôn ông A-rô-nắc”, giáo sư viện bảo tàng Pa-ri, mà các phóng viên báo Niu I-oóc Hê-rơn yêu cầu “phát biểu ý kiến” phải đầu hàng. Tôi lên tiếng vì im lặng mãi cũng không tiện. Tôi xem xét vấn đề về cả mọi mặt chính trị và khoa học.

Tôi xin trích ra đây mấy đoạn trong bài báo đăng ngày 30-4: “Sau khi cân nhắc từng giả thiết đã được đề ra và không có những giả thiết khác vững chắc hơn, chúng ta đành thừa nhận sự tồn tại của một con vật sống dưới biển có sức mạnh phi thường. Những lớp nước sâu của đại dương hầu như chưa được nghiên cứu. Chưa một cuộc thăm dò nào xuống được tới những lớp nước đó. Cái gì đang xảy ra dưới vực thẳm chưa ai biết đến ấy? Những sinh vật nào đang sống và có thể sống ở độ sâu mười hai, hay mười lăm hải lý dưới mặt biển? Cơ thể của chúng ra sao? Bất kỳ giả thiết nào cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi. Nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta có thể giải quyết bằng hai cách: Hoặc là chúng ta đã biết hết các loài sinh vật sống trên hành tinh chúng ta, hoặc là chưa biết hết. Nếu ta chưa biết hết, nếu trong lĩnh vực ngư học, thiên nhiên còn giấu ta nhiều điều bí mật, thì chẳng có cơ sở nào để không thừa nhận sự tồn tại của những con cá, hay động vật có vú thuộc những giống, loài mà ta chưa biết, những sinh vật đặc biệt sống được ở các lớp nước sâu; chỉ thỉnh thoảng mới nổi lên mặt biển do tác động của các Quy luật vật lý nào đó, hoặc do tính khí bất thường của thiên nhiên. Trái lại, nếu ta đã biết hết các loài động vật, thì cần tìm kiếm con vật nói trên trong số những con vật biển đã được phân loại, trong trường hợp này, tôi sẵn sàng cho rằng đây là một con cá thiết hình khổng lồ. Cá thiết hình bình thường, hay cá một sừng, dài tới mười tám mét. Hãy nhân kích thước nó lên năm lần, mười lần, hãy cho nó một sức mạnh, một cái sừng cân xứng với thân hình nó. Như vậy các bạn sẽ hình dung được con quái vật! Nó sẽ có kích thước mà các sĩ quan tàu Sa-nơn cho biết, có cái sừng nhọn đâm thủng được tàu Xcốt-len và các tàu vượt đại dương khác. Cá thiết hình có một sừng lớn sắc như gươm và rắn như thép. Người ta đã nhiều lần thấy những vết thương trên mình cá voi là loại động vật mà bao giờ cá thiết hình cũng đánh thắng.

Nhiều khi người ta lấy được những mảnh vụn của sừng cá ở vỏ tàu bằng gỗ bị đâm thủng. Viện bảo tàng của Đại học y khoa Pa-ri có một cái sừng cá thiết hình dài hai mét hai mươi lăm cen-ti-mét, chu vi chỗ to nhất là bốn mươi tám cen-ti-mét. Chúng ta hãy hình dung một cái sừng lớn hơn mười lần, con cá mạnh hơn mười lần, bơi nhanh hai mươi nhăm hải lý một giờ, hãy nhân khối lượng của con cá với tốc độ của nó, thì sẽ hiểu được nguyên nhân gây ra tai nạn. Tóm lại, trong khi chờ đợi những tin tức đầy đủ hơn, tôi nghiêng về ý kiến cho rằng đây là một con cá thiết hình khổng lồ có sừng nhọn, lớn như những tàu chiến bọc thép và cũng di chuyển nhanh như vậy. Tôi xin giải thích hiện tượng bí hiểm này như trên, nhưng với điều kiện là nó phải có thực chứ không phải là chuyện bịa đặt (điều này cũng có thể xảy ra).” Những lời cuối cùng là mưu mẹo của tôi: tôi muốn giữ uy tín của nhà bác học và không muốn cho dân Mỹ, một dân tộc hay đùa cợt, có cớ để nhạo báng. Tôi đã để lại một con đường để rút lui. Thực lòng tôi rất tin rằng đây là một quái vật. Bài báo của tôi đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi và được nhiều người đọc. Có cả những người tán thành tôi. Cách giải quyết vấn đề do tôi đề nghị, cho phép người ta được hoàn toàn tự do tưởng tượng. Trí tuệ con người được thỏa thích tạo nên hình tượng những con vật khổng lồ, mà những động vật trên trái đất như: voi, tê giác, nếu đứng cạnh chỉ là những chú chim chích. Môi trường nước sản ra những loài có vú rất lớn, có lẽ cả những loài nhuyễn thể khổng lồ, những loài giáp xác khủng khiếp, những con cua nặng hai trăm tấn! Đã có một thời, những động vật trên trái đất, những loài bốn chân bốn tay, bò sát và chim đều có hình thù đồ sộ. Sau đó thời gian đã rút ngắn kích thước của chúng lại. Vì sao ta không thể cho rằng dưới các lớp biển sâu chưa được nghiên cứu còn bảo tồn được những động vật khổng lồ của những thời kỳ xa xưa nhất?

Nhưng nếu tất cả câu chuyện huyền bí đó đối với một số người chỉ có ý nghĩa thuần túy khoa học, thì những người có đầu óc thực tế hơn, đặc biệt là người Mỹ và người Anh, lại rất lo lắng đến sự an toàn của các đường giao thông vượt đại dương và đặt việc trừ khử con quái vật ra một cách cấp thiết. Báo chí đại diện quyền lợi của các giới công nghiệp và tài chính xem xét vấn đề này một cách nguyên tắc, nghĩa là từ mặt thực tế này. Dư luận các nước, trước hết là Mỹ, ủng hộ sáng kiến đó của giới kinh doanh. ở Niu I-ooc, người ta bắt đầu chuẩn bị một chuyến đi đặc biệt, nhằm tìm kiếm con cá thiết hình đó. Chiếc tàu chiến A-bram Lin-côn phải gấp rút ra khơi ngay. Cửa các kho quân sự được mở ra để cung cấp mọi thứ cần thiết cho thuyền trưởng Pha-ra-gút, chỉ huy tàu. Nhưng đúng lúc có quyết định trang bị cho đoàn thám hiểm, thì con cá lại biến mất. Suốt hai tháng trời con cá chẳng thấy tăm hơi nó đâu. Chẳng một chiếc tàu nào gặp nó. Hình như con cá cảm thấy người ta đang mưu hại nó. Người ta đã nói đến chuyện đó quá nhiều! Lại truyền đi bằng cả đường điện tín đặt ngầm dưới Đại Tây Dương nữa! Những người hay đùa quả quyết rằng con cá xảo quyệt đó đã tóm được bức điện và đã có những biện pháp đề phòng. Chiếc tàu chiến đã chuẩn bị xong để đi xa, được trang bị loại đạn bắn cá voi rất mạnh, nhưng sẽ đi hướng nào thì chẳng ai được biết. Tình trạng căng thẳng đang lên tới đỉnh cao thì bỗng ngày 2 tháng 7 có tin đồn là chiếc tàu chạy thường xuyên giữa Xan Phran-xit-xcô và Thượng Hải ba tuần trước đây đã gặp quái vật ở phía bắc Thái Bình Dương. Tin đó đã gây một ấn tượng rất mạnh. Thuyền trưởng Pha-ra-gút chỉ còn không đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Lương thực đã được chất lên tàu. Các hầm tàu đầy ắp than. Thủy thủ đã tập hợp đông đủ. Chỉ còn việc đốt lò và nhổ neo! Pha-ra-gút không được phép chậm trễ dù chỉ mấy giờ! Vả lại, chính Pha-ra-gút cũng nôn nóng muốn ra khơi ngay. Trước khi tàu Lin-côn nhổ neo ba tiếng đồng hồ, tôi nhận được một bức thư, nội dung như sau:

Kính gửi Ngài A-rô-nắc, giáo sư Viện bảo tàng Pa-ri. Khách sạn “Đại lộ số 5” Niu I-oóc, Thưa Ngài, Nếu Ngài có ý muốn tham gia đoàn thám hiểm trên tàu A-bram Lin-côn, thì chính phủ Mỹ sẽ lấy làm hài lòng về việc Ngài thay mặt nước Pháp đóng góp vào việc này, Thuyền trưởng Pha-ra-gút sẽ dành cho Ngài một phòng riêng trên tàu. Kính chào Ngài Bộ trưởng Bộ hàng hải Đ.B.Hốp-Xơn.

Chương 3 – Xin tùy giáo sư

Khi nhận được thư của ông Hốp-Xơn, tôi đang vừa nghĩ nhiều về việc bắt con cá một sừng, vừa nghĩ nhiều về ý định vượt qua những cánh đồng Tây -Bắc. Tuy vậy, đọc xong thư của ông bộ trưởng, tôi hiểu ngay rằng sứ mệnh thực sự của tôi, mục đích của cả cuộc đời tôi là phải tiêu diệt được con quái vật này, không cho nó làm hại mọi người. Tôi vừa kết thúc một cuộc hành trình gian khổ nên rất mệt mỏi và cần nghỉ ngơi: Tôi rất mong trở về Tổ quốc, về với bạn bè và căn phòng ở Vườn bách thú, về với những bộ sưu tập quí giá của tôi! Nhưng không gì có thể ngăn cản tôi tham gia đoàn thám hiểm này. Sự mệt nhọc, bạn bè, những bộ sưu tập -tất cả đều bị quên đi! Không cần suy nghĩ nhiều , tôi nhận ngay lời mời của chính phủ Mỹ. Tôi nghĩ:

“Dù thế nào, mọi con đường cũng đều dẫn tới bờ biển nước Pháp! Nó sẽ giúp ta mang về Viện bảo tàng tự nhiên Pa-ri cái sừng dài không dưới nửa mét của nó”. Nhưng trong khi chờ đợi tương lai xa xôi đó, tôi còn phải tìm nó ở phía bắc Thái Bình Dương, nói khác đi, là phải đi về phía ngược với nước Pháp.

-Công-xây!

-Tôi nóng ruột gọi to. Công-xây là người giúp việc tôi và theo tôi đi khắp nơi. Tôi mến anh ta và anh ta cũng quý tôi. Công-xây tính điềm đạm, trung thực, cần cù, thường nhìn nhận các bước ngoặt của số phận một cách triết lý, rất khéo tay và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Trái hẳn với tên gọi, anh ta chẳng bao giờ khuyên ai, ngay cả khi người ta đến hỏi ý kiến. Vì thường xuyên tiếp xúc với giới khoa học của Vườn bách thú. Công-xây học tập được nhiều điều. Anh ta chuyên về phân loại tự nhiên, rất thành thạo về các “kiểu, nhóm, lớp, bộ, họ, giống, loài”. Nhưng kiến thức của anh ta đến đấy cũng là hết. Phân loại là năng khiếu tự nhiên của Công-xây, anh ta không tiến xa nữa. Nhưng dù sao Công-xây cũng là người rất tốt. Mười năm nay, Công-xây theo tôi trong tất cả các chuyến đi nghiên cứu. Tôi chưa hề thấy anh ta kêu ca phàn nàn khi chuyến đi bị kéo dài hay gặp khó khăn, gian khổ, Công-xây sẵn sàng theo tôi đi bất kỳ nước nào, dù đó là Trung Quốc hay Công-gô, dù đường xa đến mấy. Ngoài ra, Công-xây có thể tự hào về sức khỏe hiếm có bất chấp mọi bệnh tật, về những bắp thịt rắn chắc và một hệ thần kinh rất vững vàng. Công-xây ba mươi tuổi, so với tuổi tôi thì như mười lăm so với hai mươi. Xin các bạn thứ lỗi cho cách diễn đạt rắc rối của tôi vì đó chỉ là cách thú nhận rằng tôi đã bốn mươi tuổi! Nhưng Công-xây có một nhược điểm. Là người câu nệ hình thức, anh ta bao giờ cũng gọi tôi là “giáo sư”, điều đó làm tôi rất bực mình.

-Công-xây!

-Tôi gọi lần thứ hai và hối hả chuẩn bị lên đường. Tôi rất tin ở lòng trung thành của Công-xây. Thông thường, tôi không hỏi xem anh ta có đồng ý đi theo tôi không, nhưng chuyến đi này có thể sẽ kéo dài chưa biết đến bao giờ, có thể sẽ nguy hiểm, vì đây là cuộc săn bắt một con vật có khả năng đánh chìm tàu chiến xuống biển như một cái vỏ hạt dẻ! Mọi người dù dửng dưng đến đâu cũng phải suy nghĩ ít nhiều!

-Công-xây! -Tôi gọi lần thứ ba. Công-xây xuất hiện.

-Giáo sư gọi tôi ạ?

-Anh ta vừa vào vừa hỏi.

-Đúng vậy, anh bạn ạ. Anh hãy thu xếp đồ đạc của tôi và chuẩn bị cho mình nữa. Hai giờ nữa chúng ta sẽ lên đường!

-Xin tùy giáo sư, -Công-xây bình thản trả lời.

-Không được lề mề một chút nào! Anh xếp tất cả hành lý, quần áo của tôi vào va-li, càng nhiều càng nhanh càng tốt.

-Còn những bộ sưu tập của giáo sư thì sao ạ? -Công-xây hỏi.

-Chúng ta sẽ giải quyết sau.

-Sao lại sau ạ?

-Chúng sẽ được bảo quản ở khách sạn. Rồi tôi sẽ cho gửi về Pháp.

-Thế chúng ta không về Pa-ri ạ?

-ừ… tất nhiên sẽ về… nhưng có lẽ phải đi vòng một chút…

-Xin tùy ý giáo sư. Đi vòng cũng được ạ!

-Vòng một chút thôi! Chúng ta chỉ đi chệch đường thẳng một chút thôi! Và đi bằng tàu A-bram Lin-côn.

-Xin tùy giáo sư. -Công-xây ngoan ngoãn trả lời.

-Anh bạn ạ, anh biết không, chúng ta sẽ đi để trừ khử con quái vật, con cá thiết hình nổi tiếng đó. Tác giả bộ sách “Những bí mật của biển sâu” không thể từ chối việc đi cùng thuyền trưởng Pha-ra-gút trong chuyến thám hiểm này được. Nhiệm vụ thực vinh quang nhưng cũng rất nguy hiểm, vì phải hành động một cách mò mẫm và con quái vật có nhiều điều bí ẩn. Nhưng dù thế nào, thuyền trưởng của chúng ta cũng sẽ không cho nó thoát!…

-Giáo sư đi đâu, tôi xin đi đó ạ, -Công-xây trả lời.

-Anh cứ nghĩ kỹ đi! Tôi chẳng muốn giấu anh điều gì cả. Tham gia những cuộc thám hiểm thế này có thể sẽ không trở về đấy.

-Xin tùy giáo sư. Mười lăm phút sau, va-li đã xếp xong. Công-xây chuẩn bị rất nhanh, có thể bảo đảm là anh chẳng quên gì, vì anh ta xếp quần áo cũng thạo như phân loại chim và cá vậy. Người phục vụ ở khách sạn mang hành lý của chúng tôi ra phòng ngoài. Tôi chạy vội xuống tầng dưới, thanh toán tiền nong ở văn phòng khách sạn, nơi luôn luôn tấp nập khách mới đến. Tôi yêu cầu chuyển về Pa-ri những kiện hàng gồm tiêu bản động vật và thực vật đã sấy khô. Sau đó, tôi và Công-xây nhảy lên xe ngựa. Mấy phút sau, xe đỗ ở bến, nơi tàu Lin-côn đang thả từng cuộn khói dày đặc. Hành lý của chúng tôi được mang ngay lên boong. Tôi chạy lên tàu và hỏi thuyền trưởng Pha-ra-gút. Một thủy thủ dẫn tôi đi. Một sĩ quan tư thế hùng dũng bắt tay tôi và hỏi:

-Ngài là Pi-e A-rô-nắc?

-Vâng. Còn ngài là thuyền trưởng Pha-ra-gút?

-Vâng, chính tôi! Xin chào giáo sư! Chúng tôi đã dành cho ngài một phòng riêng! Tôi đáp lễ và biết thuyền trưởng đang rất bận chuẩn bị cho tàu nổ máy nhổ neo, tôi chỉ đề nghị cho biết phòng riêng của tôi ở đâu. Tàu Lin-côn rất thích hợp với nhiệm vụ mới. Đó là một chiếc tàu chiến có những máy móc tối tân chạy bằng hơi nước có áp suất tới bảy at-mốt-phe. Với áp suất đó, tàu Lin-côn chạy nhanh mười tám hải lý một giờ. Tốc độ như vậy là nhanh nhưng tiếc thay vẫn chưa đủ để đuổi bắt con cá khổng lồ kia. Sự trang trí bên trong tàu cũng tương xứng với những phẩm chất hàng hải của tàu. Tôi rất hài lòng về căn phòng riêng ở phía lái và thông với phòng ăn.

-Chúng ta ở đây rất tiện, -tôi bảo Công-xây.

-Thưa giáo sư vâng. Tôi bảo Công-xây mở va-li, xếp ra những đồ dùng cần thiết còn tôi thì lên boong xem tàu chuẩn bị nhổ neo. Đúng lúc đó, thuyền trưởng Pha-ra-gút hạ lệnh tháo dây neo tàu Lin-côn ở bến Blúc-lin. Nếu tôi đến chậm 15 phút, thậm chí ít hơn, thì có lẽ tàu đã lên đường và tôi sẽ không được tham gia cuộc thám hiểm rất đặc biệt, có một không hai này, cuộc thám hiểm dù có thuật lại một cách chân thực cũng vẫn bị coi như một chuyện bịa đặt hoàn toàn. Thuyền trưởng Pha-ra-gút không để mất một ngày, một giờ nào. Ông ta phải tức tốc tới những vùng biển đã phát hiện ra quái vật. Pha-ra-gút gọi trưởng máy lên hỏi:

-Áp suất đã đủ chưa?

-Thưa, đủ.

-Cho tàu chạy!

-Pha-ra-gút ra lệnh. Mệnh lệnh lập tức được truyền xuống buồng máy. Chân vịt quay ngày càng nhanh. Tàu Lin-côn hùng dũng tiến quân, có hàng trăm xuồng và tàu kéo chở đầy người tiễn đưa long trọng. Bến tàu Blúc-lin và tất cả khu vực dọc sông It-ri-vơ của Niu I-ooc chật ních người. Những tiếng hoan hô từ miệng năm mươi vạn người vang lên không ngớt. Hàng ngàn khăn tay được tung lên trời cho tới khi tàu Lin-côn ra tới vịnh Hút-dôn ở mỏm ngoài cùng của bán đảo, nơi thành phố Niu I-ooc đang xây dựng. Ba giờ chiều. áp lực hơi nước tăng lên, chân vịt quay ngày càng nhanh. Chiếc tàu chạy dọc theo bờ cát thấp Long Ai-len và tới gần tám giờ sáng thì mở hết tốc lực vượt trên sóng nước Đại Tây Dương đen thẫm.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button