Khoa học - viễn tưởng

Thế Giới Bị Quỷ Ám

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Carl Sagan

Download sách Thế Giới Bị Quỷ Ám ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KHOA HỌC – VIỄN TƯỞNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

NHỮNG NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

Đó là một ngày thu gió thổi mạnh vào năm 1939. Trên những đường phố bên ngoài khu chung cư, những chiếc lá rơi cuộn xoáy thành những lốc xoáy nhỏ, với cuộc sống riêng của chúng. Thật may khi được ở trong nhà, ấm áp và an toàn, với mẹ tôi đang chuẩn bị bữa tối ở phòng bên. Trong căn hộ của chúng tôi, không còn đứa trẻ nào lớn hơn một chút chọc ghẹo ta chẳng vì lý do gì cả. Chỉ mới một tuần trước, tôi đã đánh nhau một trận – sau chừng ấy năm tháng, tôi không còn nhớ đã đánh nhau với ai nữa; có thể là Snoony Agata ở tầng ba – và sau một cú đấm bạt rất mạnh, tôi thấy nắm đấm của mình đã xuyên qua ô cửa sổ lắp kính tấm của hiệu thuốc Schechter.

Bác Schechter rất ân cần: “Không sao, bác mua bảo hiểm rồi,” ông nói khi bôi một ít thuốc khử trùng đau không tả được lên cổ tay tôi. Mẹ tôi đưa tôi tới bác sĩ có phòng mạch ở tầng trệt trong dãy nhà của chúng tôi. Bằng một cái nhíp, ông rút ra một mảnh thủy tinh. Rồi ông khâu hai mũi bằng kim và chỉ.

“Hai mũi khâu!” tối hôm đó, bố tôi nhắc lại. Ông biết rõ về các mũi khâu bởi vì ông là một thợ cắt trong lĩnh vực may mặc; công việc của ông là dùng một lưỡi cưa điện rất đáng sợ để cắt ra các miếng ghép – lưng áo, hoặc ống tay áo choàng và com lê của phụ nữ – từ cả chồng vải nghễu nghện. Sau đó, các miếng ghép này được chuyển tới hàng dãy vô tận những bà ngồi bên máy khâu. Ông rất hài lòng rằng tôi đã đủ giận dữ để át cả cái tính nhút nhát bẩm sinh.

Có nhiều lúc, đánh trả lại là rất tốt. Tôi không định làm bất kỳ điều gì liên quan đến bạo lực. Nó tự xảy ra thôi. Một lần, Snoony đẩy tôi và một lúc sau nắm đấm của tôi đã xuyên qua cửa sổ hiệu Schechter. Tôi làm cổ tay mình bị thương, tạo ra một khoản chi thuốc men bất ngờ, làm vỡ một ô cửa kính, và không ai nổi giận với tôi cả. Còn với Snoony, cậu ấy còn thân thiện hơn bao giờ hết.

Tôi cứ băn khoăn chuyện rút ra bài học gì. Nhưng ngồi trong căn hộ ấm áp, nhìn xuống Vịnh Lower New York qua cửa sổ phòng khách và nghĩ về việc đó thú vị hơn rất nhiều so với việc thử một tai nạn mới nào đó ở trên phố dưới kia.

Như thường lệ, mẹ tôi thay quần áo và trang điểm lại để chuẩn bị đón bố tôi về nhà. Mặt trời gần như đã lặn và chúng tôi cùng nhìn ra phía vùng nước sóng vỗ dập dìu.

“Có người đang đánh nhau ngoài kia, giết hại lẫn nhau,” mẹ tôi nói, tay chỉ mơ hồ ra xa Đại Tây Dương. Tôi chăm chú nhìn theo.

“Con biết,” tôi đáp. “Con có thể nhìn thấy họ.”

“Không, con không thể thấy,” bà trả lời, gần như gay gắt, trước khi quay vào bếp. “Họ ở quá xa.”

Làm sao mẹ biết được liệu mình có nhìn thấy họ hay không cơ chứ? Tôi tự hỏi. Nheo nheo mắt, tôi nghĩ mình đã nhận ra cái dải đất mỏng manh ở phía chân trời, nơi nó những bóng người nhỏ xíu đang xô đẩy và vung kiếm đâm chém y như trong những cuốn truyện tranh của tôi. Nhưng có lẽ mẹ nói đúng. Có lẽ đó chỉ là trong tưởng tượng của tôi, hơi giống như những con quái vật lúc nửa đêm vẫn thỉnh thoảng làm tôi choàng tỉnh lúc đang ngủ say, quần áo ướt đẫm mồ hôi, và tim đập thình thịch.

Làm cách nào bạn nói được rằng ai đó chỉ đang tưởng tượng? Tôi đăm đăm nhìn ra vùng nước xám xịt cho tới khi bóng tôi bao phủ và tôi được gọi đi rửa tay để ăn tối. Trước sự thích thú của tôi, bố tôi bế thốc tôi lên cánh tay ông. Tôi có thể cảm nhận được cái lạnh của thế giới bên ngoài vẫn còn trong bộ râu của ông.

Một ngày Chủ nhật cùng năm đó, bố tôi kiên trì giải thích cho tôi về số 0 như là một con số quan trọng trong môn số học, về những cái tên nghe rất kỳ quái của những con số lớn, và về sự thật là không có số lớn nhất. (“Con luôn luôn có thể thêm một số nữa,” ông nói). Đột nhiên, tôi có cái ham muốn rất trẻ con được viết lần lượt cả dãy toàn bộ các số nguyên từ 1 đến 1000. Chúng tôi chẳng có thếp giấy nào cả, nhưng bố tôi chìa ra một tập bìa các tông màu xám mà ông dành dụm được khi đem những chiếc áo sơ mi đi giặt. Tôi háo hức bắt tay vào việc, nhưng rất ngạc nhiên rằng sao nó lại chậm chạp đến vậy. Khi tôi mới viết được chưa quá vài trăm số, mẹ tôi bảo rằng đã đến lúc tôi phải đi tắm. Tôi cảm thấy chán nản. Tôi phải viết đến một nghìn chứ. Cả đời luôn trong vai trò hòa giải, bố tôi can thiệp ngay: Nếu tôi vui vẻ đi tắm, ông sẽ tiếp tục viết cho tôi. Tôi vô cùng phấn khởi. Đến lúc tôi quay ra, ông đang viết gần đến 900, và tôi có thể viết đến 1000 chỉ quá giờ đi ngủ bình thường một chút. Tầm vóc của những con số lớn chưa bao giờ thôi ám ảnh tôi.

Cũng vào năm 1939, bố mẹ tôi đưa tôi tới Hội chợ Thế giới New York. Ở đó, tôi được nghe về viễn cảnh một tương lai hoàn hào có thể đạt được nhờ khoa học và công nghệ cao. Người ta chôn giấu một khoang thời gian, trong đó chứa nhiều đồ vật của thời đại chúng tôi để gửi lại cho các thế hệ tương lai – những người có thể không biết gì nhiều về con người năm 1939. “Thế giới Ngày mai” sẽ trù phú, sạch sẽ, hợp lý và, như tôi nghĩ, không hề có dấu vết của người nghèo.

“Nhìn âm thanh,” một sản phẩm trưng bày đưa ra lời tuyên bố khiến ai cũng phải bối rối. Và đúng như vậy, khi âm thoa được một chiếc búa nhỏ gõ vào, một sóng điện từ hình sin rất đẹp chạy ngang màn hình máy hiện sóng. “Nghe ánh sáng,” một áp phích khác khẳng định. Và quả thật, khi dùng đèn pin chiếu vào tế bào quang điện, tôi có thể nghe được tiếng gì đó như tiếng tĩnh điện trên cái máy thu thanh hiệu Motorola của chúng tôi khi kim dò sóng nằm giữa các điểm có sóng. Rõ ràng thế giới có những điều kỳ diệu mà tôi chưa bao giờ đoán ra. Làm thế nào một âm thanh lại có thể trở thành một hình ảnh và ánh sáng trở thành tiếng động?

Bố mẹ tôi không phải những nhà khoa học. Họ gần như chẳng biết gì về khoa học. Nhưng khi cho tôi làm quen với cách hoài nghi cùng những điều kỳ diệu, họ dạy tôi hai cách tư duy vốn không dễ cùng tồn tại nhưng lại là trung tâm của phương pháp khoa học. Họ không lấy gì làm sung túc. Nhưng khi tôi tuyên bố rằng tôi muốn trở thành một nhà thiên văn, tôi đã nhận được sự ủng hộ hết mức – thậm chí nếu họ (và cả tôi) chỉ có hiểu biết hết sức sơ đẳng về thế nào là một nhà thiên văn. Họ chưa bao giờ đề xuất rằng, nếu cân nhắc tất cả mọi điều thì có lẽ tốt hơn cả là tôi nên trở thành một bác sĩ hoặc luật sư.

Ước gì tôi có thể nói với các bạn về những người thầy khoa học đã truyền cảm hứng cho tôi từ thời còn học phổ thông. Nhưng khi tôi nghĩ lại thời kỳ đó, lại chẳng hề có ai cả. Trong tôi chỉ còn trí nhớ “thuộc lòng” về Bảng Tuần hoàn các Nguyên tố, về đòn bẩy và mặt phẳng nghiêng, về quang hợp ở cây xanh, và về sự khác nhau giữa anthracite với than đá có bitumen. Nhưng không hề có cảm nhận gì về những điều kỳ diệu, không có mảy may gì về triển vọng tiến hóa, và chẳng có gì về những ý tưởng sai lầm mà tất cả mọi người từng tin tưởng. Trong các buổi thí nghiệm ở trường phổ thông, chúng tôi thường phải tìm cho được một câu trả lời. Chúng tôi sẽ bị mất điểm nếu không làm nổi. Không hề có sự khuyến khích theo đuổi những điều chúng tôi quan tâm hoặc những linh cảm hay những khái niệm chưa đúng. Ở bìa sau của sách giáo khoa, luôn có tài liệu mà bạn có thể nói rằng thú vị. Năm học luôn kết thúc trước khi chúng tôi tiếp thu được tài liệu đó. Bạn có thể tìm được những cuốn sách tuyệt vời về thiên văn học trong thư viện, nhưng không hề có trong lớp học. Phép chia dài được dạy như một loạt quy tắc rút ra từ một cuốn sách dạy nấu ăn vậy, chẳng hề có giải thích làm thế nào cái biểu thức gồm những phép chia ngắn, phép nhân và phép trừ này lại có thể đem lại cho bạn kết quả đúng. Ở trường phổ thông, phép tính căn bậc hai được dạy đầy vẻ cung kính, cứ như thể đó là một phương pháp từng được truyền lại từ núi thiêng Sinai vậy. Nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ việc nhớ những gì chúng tôi được yêu cầu. Tìm câu trả lời đúng, và đừng bao giờ bận tậm rằng bạn không hiểu những gì bạn đang làm. Tôi từng học một giáo viên đại số năm thứ hai rất giỏi mà tôi đã học được rất nhiều về toán học; nhưng ông ấy cũng là một tay ưa bắt nạt rất khoái trò làm cho các cô gái trẻ phải bật khóc. Mối quan tâm của tôi đối với khoa học vẫn nguyên vẹn trong suốt những năm học phổ thông đó nhờ việc đọc sách và tạp chí về sự thật cũng như hư cấu khoa học.

Đại học chính là nơi thực hiện những giấc mơ của tôi: Tôi tìm thấy những vị thầy không chỉ hiểu khoa học mà thực tế còn có thể giải thích nó. Tôi may mắn được theo học một trong những cơ sở học thuật danh tiếng thời đó, Đại học Chicago. Tôi là sinh viên vật lý tại một khoa có nhà vật lý vĩ đại Enrico Fermi1; tôi phát hiện ra cái hay đích thực của môn toán học từ Subrahmanyan Chandrasekhar2; tôi có cơ hội được trò chuyện về hóa học với Giáo sư Harold Urey3; các mùa hè, tôi được thực hành sinh học với H. J. Muller4 tại Đại học Indiana; và tôi học về thiên văn học hành tinh từ nhà nghiên cứu toàn thời gian duy nhất thời đó là G. P. Kuiper5.

  1. Enrico Fermi (29 tháng 9 năm 1901 – 28 tháng 11 năm 1954) là một nhà vật lý Mỹ sinh tại Italia, được tặng giải thưởng Nobel Vật lý năm 1938 cho công trình về phóng xạ cảm biến. Ông nổi tiếng với những đóng góp cho việc phát triển lý thuyết lượng tử, vật lý hạt và hạt nhân, cùng môn cơ khí thống kê. Thời kỳ Thế chiến II, ông làm việc tại Đại học Chicago và những nghiên cứu của ông tại đây đã dẫn tới việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trên thế giới mang tên Chi cago Pile -1 trên một sân quần vợt bên dưới phần mái che phía tây của sân vật động Alonzo Stagg Field trong khuôn viên trường. Phản ứng dây chuyền hạt nhân tự lực đầu tiên được tiến hành tại CP-1 ngày 2 tháng 12 năm 1942. – ND
  2. Subrahmanyan Chandrasekhar (19 tháng 10 năm 1910 – 21 tháng 8 năm 1995) là nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Ấn Độ, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1983 cùng với William A. Fowler với những phát hiện quan trọng dẫn tới lý thuyết về các giai đoạn phát triển muộn của các sao đỏ siêu khổng lồ. Chandrasekhar từng làm việc tại Đại học Chicago từ năm 1937 cho tới khi qua đời năm 1995 ở tuổi 84. – ND
  3. Harold Clayton Urey (29 tháng 4 năm 1893 – 5 tháng 1 năm 1981) là nhà vật lý hóa học người Mỹ với công trình tiên phong về chất đồng vị đem lại cho ông giải Nobel Hóa học năm 1934. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bom nguyên tử và đặc biệt có nhiều đóng góp cho các lý thuyết về sự phát triển dạng sống hữu cơ từ vật chất vô cơ. – ND
  4. Hermann Joseph Muller (tức H. J. Muller) (21 tháng 12 năm 1890 – 5 tháng 4 năm 1967) là nhà di truyền học, nhà giáo dục người Mỹ đoạt giải Nobel, nổi tiếng với công trình về hiệu ứng vật lý và gien của phóng xạ (đột biến gien X-quang). Muller thường xuyên cảnh báo về những hiểm họa lâu dài của bụi phóng xạ do thử nghiệm hạt nhân và chiến tranh hạt nhân, giúp nâng cao nhận thức của công chúng trong lĩnh vực này. Ông cũng là người đầu tiên mô tả những gì sau này được đặt thuật ngữ là “tính phức tạp tối giản”, được sử dụng trong luận điểm của những người theo chủ thuyết sáng tạo, đối lập với lý thuyết tiến hóa. – ND
  5. Gerard Peter Kuiper (7 tháng 12 năm 1905 – 24 tháng 12 năm 1973 tại Mexico City) là nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan, được lấy tên đặt cho vành đai Kuiper. Kuiper phát hiện hai vệ tinh tự nhiên của các hành tinh trong hệ mặt trời là vệ tinh Miranda của Sao Thiên vương và vệ tinh Nereid của Sao Hải vương. Ông cũng phát hiện ra khí CO2 trong bầu khí quyển của Sao Hỏa và sự tồn tại của bầu khí quyển có khí methane phía trên vệ tinh Titan của Sao Thổ vào năm 1944. Kuiper cũng là người đi tiên phong quan sát bằng tia hồng ngoại sử dụng máy bay Convair 990 vào những năm 1960. Ông hỗ trợ xác định địa điểm hạ cánh trên Mặt trăng cho chương trình Apollo và cũng phát hiện ra một số sao nhị nguyên, như KUI 79. Kuiper chủ yếu làm việc tại Đại học Chicago, trước khi chuyển tới Tucson, Arizona năm 1960 để thành lập và là giám đốc Phòng Thí nghiệm Mặt trăng và Hành tinh tại Đại học Arizona. – ND

ĐỌC THỬ

Chương 1. ĐIỀU QUÝ GIÁ NHẤT

Toàn bộ nền khoa học của chúng ta, đem đọ với thực tiễn, còn rất sơ đẳng và như trò trẻ con – và đó lại là điều quý giá nhất mà chúng ta có.

Albert Einstein

(1879-1955)

Khi tôi bước xuống máy bay, anh ta đang đợi tôi, tay cầm một tấm bìa có ghi nguệch ngoạc tên tôi trên đó. Tôi đang trên đường tới dự một hội nghị các nhà khoa học và các phát thanh viên truyền hình, những người rất nhiệt tình với khả năng dường như vô vọng là cải thiện sự hiện diện của khoa học trên truyền hình thương mại. Các nhà tổ chức đã chu đáo cử một lái xe đi đón tôi.

  • Tôi xin phép hỏi một câu được không? – Anh ta hỏi khi chúng tôi đợi lấy hành lý của tôi.

Dĩ nhiên tôi sẵn lòng.

  • Rất dễ gây nhầm lẫn khi có tên trùng với vị khoa học gia đó phải không ạ?

Tôi phải mất một lúc mới hiểu. Anh ta đang giễu cợt tôi chăng? Cuối cùng, tôi cũng hiểu ra ngọn ngành.

  • Tôi chính là vị khoa học gia đó đây – tôi đáp.

Anh ta im bặt và sau đó mỉm cười.

  • Tôi xin lỗi. Vậy là vấn đề do tôi rồi. Tôi cứ nghĩ ngài cũng như vậy.

Anh ta chìa tay ra.

  • Tôi tên là William F. Buckley. (Chậc, chính xác thì anh ta không phải là William F. Buckley, nhưng đúng là anh ta có tên gọi giống hệt một phóng viên phỏng vấn trên truyền hình rất nổi tiếng, cho nên rõ ràng anh ta cũng rất có khiếu bông đùa).

Khi chúng tôi yên vị trên xe để bắt đầu một chuyến đi dài, trong khi mấy cái cần gạt nước cứ đều đều gạt qua gạt lại, anh ta nói với tôi rằng anh ta rất vui vì tôi chính là “vị khoa học gia đó” – anh ta cũng có rất nhiều câu hỏi về khoa học. Liệu tôi có vui lòng trả lời?

Dĩ nhiên tôi rất sẵn lòng.

Và cứ thế chúng tôi trò chuyện với nhau. Nhưng hóa ra lại không phải là nói về khoa học. Anh ta muốn nói về những sinh vật ngoài vũ trụ đã được hóa đông vẫn đang nằm trong một căn cứ không quân gần San Antonio, về “lên đồng” (một cách nghe những gì đang diễn ra trong tư duy người chết – những hóa ra chẳng được bao nhiêu), về các tinh thể, về những lời tiên tri của Nostradamus2, về tử vi, về tấm vải liệm Turin… Anh ta nói đến từng chủ đề kỳ lạ này với thái độ cực kỳ nhiệt thành. Mỗi lần tôi đều phải làm anh ta thất vọng:

  • Bằng chứng không có giá trị – tôi cứ liên tục đáp vậy. – Có cách giải thích đơn giản hơn nhiều.

Phải nói là anh ta đọc rất nhiều. Anh ta biết đủ mọi sắc thái suy đoán về “các lục địa bị chìm” là Atlantis và Lemuria. Anh ta biết rành rẽ những gì mà các cuộc thám hiểm dưới nước được cho là đang bắt đầu tìm ra những cây cột bị gãy và những tòa tháp đổ của một nền văn minh rực rỡ một thời mà nay những phế tích chỉ còn được các loài cá phát sáng ở vùng biển sâu và những con thủy quái khổng lồ viếng thăm. Ngoại trừ… trong khi đại dương còn giữ kín rất nhiều bí mật, tôi biết rằng không hề có dấu vết đại dương học hay địa vật lý gì ủng hộ cho giả thuyết về Atlantis và Lemuria. Với kiến thức khoa học hiện tại thì chúng chưa bao giờ tồn tại cả. Giờ thì tôi nói với anh ta như vậy, có hơi do dự một chút.

Khi chúng tôi lái xe trong mưa, tôi có thể thấy anh ta càng lúc càng cau có. Tôi đang thảo luận không chỉ một học thuyết sai sót nào đó mà còn cả một khía cạnh quan trọng trong đời sống nội tâm của anh ta.

Và trong khoa học thực tế có rất nhiều điều thú vị không kém, và huyền bí hơn, một thách thức tri thức lớn hơn – cũng như gần với chân lý hơn nhiều. Liệu anh ta có biết về các khối hình thành phân tử sự sống đang tồn tại trong màn khí loãng lạnh ngắt giữa các vì sao không? Anh ta đã nghe nói đến những dấu chân của tổ tiên chúng ta tìm thấy trong tro than núi lửa có độ tuổi 4 triệu năm chưa? Rồi quá trình nhô cao của dãy Himalayas khi Ấn Độ va vào Châu Á nữa? Hay là cách thức các loại virus, được hình thành giống như các ống tiêm dưới da, phóng DNA của chúng qua các lớp phòng thủ của cơ thể vật chủ và phá hỏng bộ máy sinh sản của tế bào; hoặc việc tìm kiếm các nền văn minh ngoài vũ trụ bằng sóng vô tuyến ; hay nền văn minh cổ đại Ebla1 mới được phát hiện gần đây vẫn được dùng trong quảng cáo bia Ebla? Không, anh ta chưa hề nghe nói đến. Anh ta cũng không hề biết, cho dù là mơ hồ, về đặc tính không xác định lượng tử, và anh ta nhận ra DNA chỉ như ba chữ cái viết hoa ghép thường xuyên được nhắc tới mà thôi.

  1. Ebla (nay là Tell Mardikh, tỉnh Idlib, Syria) là một đô thị cổ cách thành phố Aleppo khoảng 55 km về tây nam. Đây là một đô thị-thành bang quan trọng trong hai thời kỳ, lần đầu vào cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên và lần hai vào giữa năm 1800 và 1650 trước Công nguyên. Địa danh này nổi tiếng với các thẻ bài Ebla, một tàng thư gồm khoảng 20.000 tấm thẻ có ký tự hình nêm, niên đại khoảng năm 2250 trước CN, viết bằng văn tự Sumeria để ghi lại ngôn ngữ của người Eblait — một ngôn ngữ chưa được biết đến. Địa điểm này được xác nhận vào năm 1968, khi các nhà khảo cổ học Italia thuộc Đại học Rome La Sapienza tìm được một bức tượng nữ thần Ishtar có mang tên Ibbit-Lim, một vị vua của Ebla trong quá trình khai quật Tell Mardikh. Các thẻ bài được tìm thấy tại một cung điện có niên đại khoảng năm 2500–2000 trước CN trong thập kỷ tiếp theo. – ND

Quý ông “Buckley” – ăn nói hoạt bát, thông minh, tò mò – rõ ràng chưa hề nghe nói về khoa học hiện đại. Anh ta có ham mê bẩm sinh đối với những điều kỳ diệu của Vũ trụ. Anh ta muốn biết về khoa học. Chỉ có điều toàn bộ kiến thức khoa học đã được sàng lọc trước khi đến được với anh ta. Các mô típ văn hóa của chúng ta, hệ thống giáo dục của chúng ta, bộ máy truyền thông của chúng ta đã đánh trượt người đàn ông này. Những gì xã hội được phép tiết lộ chủ yếu lại rất giả dối và gây nhầm lẫn. Người ta chưa bao giờ dạy anh ta biết cách phân biệt giữa khoa học thực sự với sự bắt chước rẻ tiền. Anh ta chẳng biết gì về cách hoạt động của khoa học.

Có hàng trăm cuốn sách nói về Atlantis – cái lục địa bí ẩn được nói là đã từng tồn tại khoảng 10.000 năm trước ở Đại Tây Dương. (Hay ở đâu đó. Một cuốn sách gần đây đặt lục địa này ở Nam Cực). Câu chuyện quay trở lại thời Plato, người nói rằng nó truyền đến ông như là những đồn đoán có từ thời xa xưa. Các cuốn sách gần đâu mô tả nghe rất có căn cứ về trình độ công nghệ, đạo đức và đời sống tâm linh rất cao của người Atlantis, và cả thảm kịch về một lục địa có người ở bị chìm sâu dưới những ngọn sóng. Có một Atlantis “Thời đại Mới”, “nền văn minh huyền thoại của các ngành khoa học tiên tiến,” chủ yếu tập trung vào “khoa học” về các tinh thể. Trong bộ sách gồm ba tập có nhan đề Khai sáng pha lê (Crystal Enlightenment) của Katrina Raphaell – bộ sách chịu trách nhiệm chính cho cơn sốt pha lê ở Mỹ – các tinh thể của người Atlantis đọc được tư duy, truyền tải được ý nghĩ, là nơi chứa đựng lịch sử cổ đại và là mô hình cũng như nguồn gốc cho các kim tự tháp của Ai Cập. Không hề có gì gần giống như là bằng chứng được đưa ra để củng cố cho những khẳng định này. (Cơn sốt pha lê có thể lại trỗi dậy sau khi có phát hiện gần đây của ngành địa chấn học cho biết lõi trong của Trái Đất có thể chỉ là một tinh thể khổng lồ, gần như hoàn hảo, duy nhất – của sắt).

Một vài cuốn sách – chẳng hạn cuốn Những truyền thuyết của Trái Đất (Legends of the Earth) của Dorothy Vitaliano – diễn giải những truyền thuyết Atlantis nguyên gốc như là một hòn đảo nhỏ ở Địa Trung Hải đã bị hủy hoại bởi một đợt núi lửa phun trào, hoặc là một thành phố cổ đại bị chìm xuống Vịnh Corinth sau một trận động đất. Đây, như tất cả chúng ta biết, có thể là nguồn gốc của truyền thuyết này, nhưng nó là tiếng vọng xa xăm từ quá trình hủy diệt của một lục địa nơi từng xuất hiện một nền văn minh huyền bí và cực kỳ tiến bộ về kỹ thuật.

Cái mà chúng ta hầu như không bao giờ tìm thấy – trong các thư viện công cộng hoặc các tạp chí bày bán tại quầy hay các chương trình truyền hình phát sóng giờ vàng – là bằng chứng từ đáy biển và ngành kiến tạo địa tầng học, và từ quá trình lập bản đồ đáy đại dương vốn cho thấy rành rành rằng có thể không hề có lục địa nào nằm giữa Châu Âu và Châu Mỹ vào bất kỳ giai đoạn nào trong tiến trình thời gian.

Những bài viết không xác thực chuyên đánh lừa những người cả tin lúc nào cũng đầy rẫy. Những nghiên cứu mang tính hoài nghi khó tìm hơn nhiều. Những ý kiến nghi ngờ vốn bán không chạy. Một người tò mò và thông minh chỉ dựa vào văn hóa đại chúng để được biết thông tin về những chuyện như Atlantis thì chắc chắn cả trăm hoặc thậm chí nghìn lần chỉ gặp được một câu chuyện bịa được mặc nhiên công nhận chứ không phải một đánh giá tỉnh táo và cân bằng.

Có lẽ Quý ông “Buckley” cũng biết nghi ngờ về những gì anh ta tiếp nhận từ văn hóa đại chúng. Nhưng ngoài chuyện đó, khó mà thấy được anh ta sai lầm đến đâu. Đơn giản là anh ta chấp nhận những gì mà các nguồn thông tin sẵn có khắp nơi vẫn cho rằng đúng. Với sự cả tin của mình, anh ta “lạc lối” và bị lừa một cách có hệ thống.

Khoa học khơi dậy cảm nhận ngày càng tăng về những điều kỳ diệu. Nhưng khoa học giả hiệu cũng làm được như vậy. Những đợt phổ cập khoa học thưa thớt và nghèo nàn bỏ qua các vùng sinh thái mà khoa học giả hiệu lấp đầy ngay lập tức. Nếu hiểu rộng rãi rằng những tuyên bố đối với tri thức đòi hỏi phải có bằng chứng phù hợp trước khi được chấp nhận thì đã chẳng có chỗ dành cho khoa học giả hiệu. Nhưng một dạng Luật Gresham1 vẫn thịnh hành trong văn hóa đại chúng mà nhờ đó, khoa học giả hiệu thắng thế khoa học thật sự.

  1. Luật Gresham được đặt theo tên Sir Thomas Gresham (1519–1579), nhà tài chính người Anh dưới triều đại Tudor. Đây là một nguyên tắc kinh tế, khẳng định rằng khi một chính phủ quá coi trọng giá trị một loại tiền tệ và xem nhẹ một loại khác thì loại tiền bị xem nhẹ sẽ biến mất khỏi quá trình lưu thông, trong khi loại tiền được coi trọng sẽ tràn ngập. Nguyên tắc này được diễn đạt nôm na là “Tiền xấu đấu tiền mạnh”. Quy luật này áp dụng khi có hai loại tiền hàng hóa cùng lưu thông và đòi hỏi được cùng chấp nhận là có giá trị mặt (giá trị in trên mặt đồng tiền) như nhau để dùng cho các giao dịch kinh tế. Đồng tiền được coi trọng có xu hướng lấn át đồng tiền bị xem nhẹ và đây là kết quả của việc kiểm soát giá. – ND

Trên khắp thế giới, có rất nhiều người thông minh, thậm chí có tài rất say mê khoa học. Nhưng niềm đam mê đó lại không được đền đáp. Nhiều khảo sát cho thấy khoảng 95% người Mỹ “mù khoa học.” Con số tương tự cũng từng được ghi nhận với những người Mỹ da đen, hầu hết là những nô lệ mù chữ trước thời Nội chiến – khi mà những hình phạt hà khắc được áp dụng cho bất kỳ ai dạy nô lệ biết đọc. Dĩ nhiên, hơi có phần khiên cưỡng trong việc xác định tỉ lệ thất học, cho dù điều này áp dụng với ngôn ngữ hay với khoa học. Nhưng bất kỳ điều gì như là tỉ lệ thất học ở mức 95% là cực kỳ nghiêm trọng.

Thế hệ nào cũng lo lắng rằng các tiêu chuẩn giáo dục đang giảm sút. Một trong những tiểu luận xa xưa nhất trong lịch sử loài người, có từ thời người Sumer cách đây khoảng 4.000 năm, than rằng giới trẻ ngu dốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước đó. Hai nghìn bốn trăm năm trước, Plato đã đưa ra định nghĩa mù khoa học trong Cuốn VII bộ Pháp luật:

Ai không biết đếm một, hai, ba, hoặc phân biệt được các số chẵn lẻ, hoặc không biết đếm tí nào, hoặc ước tính ngày và đêm, và ai hoàn toàn không biết đến sự xoay vòng của Mặt trời và Mặt trăng, cũng như các ngôi sao khác… Tất cả những con người tự do, theo tôi quan niệm, cần học thật nhiều nhánh tri thức này giống như mọi đứa trẻ ở Ai Cập vẫn được dạy dỗ khi học bảng chữ cái. Ở đất nước đó, các trò chơi số học đã được nghĩ ra để dụng cho trẻ con, và chúng học rất hào hứng và thích thú… Tôi… đến cuối đời hết sức kinh ngạc nghe nói đến sự dốt nát của chúng ta ở những vấn đề này; với tôi chúng ta hình như giống lợn hơn là con người, và tôi rất xấu hổ, không chỉ với trước chính mình mà trước tất cả người Hy Lạp.

Tôi không biết tình trạng thiếu hiểu biết về khoa học và toán học góp phần vào sự suy tàn của người Athens cổ đại đến mức độ nào nhưng tôi biết rằng các hậu quả của tình trạng mù khoa học trong thời địa chúng ta còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với bất kỳ thời kỳ nào trước kia. Sẽ rất nguy hiểm và liều mạng nếu một công dân bình thường vẫn hoàn toàn không biết đến tình trạng ấm lên toàn cầu, lấy ví dụ như vậy, hay các hiện tượng thủng tầng ozone, ô nhiễm không khí, các chất thải phóng xạ và độc hại, mưa a-xít, xói mòn lớp đất mặt, nạn phá rừng nhiệt đới, và sự gia tăng dân số theo cấp số mũ. Việc làm và lương lậu tùy thuộc vào khoa học và công nghệ. Nếu đất nước chúng ta không thể sản xuất, với chất lượng cao và giá thành thấp, những hàng hóa mà người dân muốn mua, thì các ngành công nghiệp sẽ tiếp tục để tuột sự phồn thịnh sang những khu vực khác của thế giới. Hãy suy nghĩ về những phân nhánh xã hội của năng lượng phân hạch và tổng hợp hạt nhân, các siêu máy tính, các “xa lộ” dữ liệu, nạo phá thai, nguyên tố radon, việc giảm mạnh vũ khí chiến lược, nạn nghiện hút, hiện tượng chính phủ “nghe lén” cuộc sống của các công dân, truyền hình độ phân giải cao, an toàn hàng không và sân bay, cấy ghép mô bào thai, chi phí y tế, các chất phụ gia thực phẩm, các loại thuốc điều trị tậm thần, trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt, các quyền của động vật, hiện tượng siêu dẫn, các loại thuốc ngừa thai, các khuynh hướng phản xã hội được cho là di truyền, các trạm không gian, việc du hành tới Sao Hỏa, việc tìm kiếm thuốc chữa trị bệnh AIDS và ung thư.

Chúng ta có thể ảnh hưởng đến chính sách quốc gia – hoặc thậm chí đưa ra những quyết định thông minh trong đời mình – như thế nào nếu chúng ta không nắm bắt được những vấn đề bên dưới? Như tôi viết, Quốc hội sắp giải tán Văn phòng Thẩm định Công nghệ – tổ chức duy nhất chuyên trách tư vấn về khoa học và công nghệ cho Hạ viện và Thượng viện. Trong nhiều năm, cơ quan này đã chứng tỏ được năng lực của mình. TRong số 535 nghị sĩ Hoa Kỳ, thật hiếm hoi là trong thế kỷ 20 lại có tới 1% có kiến thức đáng kể về khoa học. Vị Tổng thống cuối cùng am tường về khoa học là Thomas Jefferson.

  • Mặc dù cũng có thể tính thêm cả Theodore Roosevelt, Herbert Hoover và Jimmy Carter. Nước Anh có một nhân vật tương tự là Thủ tướng Margaret Thatcher. Những nghiên cứu của bà về hóa học, một phần dưới sự chỉ dẫn của nhà khoa học đoạt giải Nobel Dorothy Hodgkins, là chìa khóa cho sự ủng hộ mạnh mẽ và rất thành công của Anh quốc đối với việc cấm sử dụng trên quy mô toàn đối với CFC hủy hoại tầng ozone. – TG

Vậy người Mỹ quyết định những vấn đề này như thế nào? Họ hướng dẫn những người đại diện cho mình như thế nào? Thực tế ai đưa ra những quyết định này, và trên cơ sở nào?

Hippocrates là cha đẻ của ngành y học. Ông vẫn được ghi nhớ 2.500 năm sau với Lời thề Hippocrates (một hình thức cải biến nào đó của lời thề này vẫn được các sinh viên y khoa tuyên thệ trong lễ tốt nghiệp). Nhưng ông chủ yếu được tôn vinh vì những nỗ lực đưa y học ra khỏi màn đêm mê tín dị đoan để bước vào ánh sáng khoa học. Trong một thông điệp, Hippocrates viết: “Con người nghĩ chứng động kinh là điều siêu phàm, đơn giản vì họ không hiểu nó. Nhưng nếu họ gọi mọi thứ họ không hiểu là những điều siêu phàm thì sẽ chẳng bao giờ hết những điều siêu phàm.” Thay vì thừa nhận rằng ở nhiều khu vực, chúng ta vẫn rất mông muội, chúng ta lại có xu hướng nói đến những điều kiểu như Vũ trụ đầy rẫy những gì không mô tả được. Một vị Thần Lỗ hổng chịu trách nhiệm cho những gì chúng ta không hiểu. Khi kiến thức về y khoa được cải thiện kể từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, ngày càng có nhiều điều chúng ta hiểu và ngày càng ít việc phải quy cho sự can thiệp của thần thánh – hoặc liên quan đến các nguyên nhân hoặc liên quan đến cách điều trị bệnh. Tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giảm, tuổi thọ tăng lên, và y học cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng tỉ người trên khắp hành tinh này.

Trong chẩn đoán bệnh tật, Hippocrates giới thiệu các yếu tố của phương pháp khoa học. Ông ủng hộ quan sát cẩn thận và tỉ mỉ: “Không được bỏ sót gì cả. Không bỏ qua điều gì. Kết hợp những quan sát mâu thuẫn nhau. Bỏ ra đủ thời gian.” Trước khi phát minh ra nhiệt kế, ông đã vẽ được biểu đồ nhiệt độ của nhiều loại bệnh. Ông đề xuất rằng, từ các triệu chứng có được, các thầy thuốc có thể nói rõ tiến trình trước kia và trong tương lai của từng loại bệnh. Ông nhấn mạnh đến tính trung thực. Ông sẵn sàng thừa nhận những hạn chế trong kiến thức của thầy thuốc. Ông không hề xấu hổ khi cho thế hệ sau biết rằng hơn một nửa số bệnh nhân của ông đã bị chết vì những chứng bệnh mà ông điều trị. Dĩ nhiên những lựa chọn của ông rất hạn chế; thuốc men ở thời ông chủ yếu là thuốc nhuận tràng, gây nôn, và an thần. Phẫu thuật có được thực hiện, và cả phương pháp đốt nữa. Nhiều tiến bộ đáng kể đã đạt được vào thời cổ đại cho tới khi đế chế La Mã sụp đổ.

Trong khi y học phát triển mạnh trong thế giới Hồi giáo thì những gì diễn ra tiếp sau đó ở Châu Âu lại thực sự là một thời kỳ đen tối. Nhiều kiến thức về giải phẫu và phẫu thuật bị thất truyền. Người ta lại dựa vào cách điều trị bằng cầu nguyện và phép màu. Các thầy thuốc thế tục không còn nữa. Cầu kinh, thánh dược, tử vi, và bùa chú được sử dụng rộng rãi. Việc mổ tử thi bị cấm ngặt hoặc bị coi là phạm pháp, cho nên những người thực hành y khoa bị ngăn trở trong việc lĩnh hội kiến thức trực tiếp về cơ thể con người. Nghiên cứu y học lâm vào thế bế tắc.

Đây là tình trạng mà sử gia Edward Gibbon mô tả cho toàn bộ Đế chế phía Đông, với thủ đô là Constantinople:

Trong tiến trình suốt 10 thế kỷ, không một phát minh nào được thực hiện để nâng cao phẩm giá hoặc tăng cường hạnh phúc của con người. Không một ý tưởng nào được bổ sung cho các hệ thống tự biện của cổ nhân, và các môn đồ kế thừa lại trở thành những người thày giáo điều của thế hệ mù quáng tiếp theo.

Thậm chí lúc thuận lợi nhất thì nên y học tiền hiện đại cũng không cứu chữa được nhiều người. Nữ hoàng Anne là vị vua dòng họ Stuart cuối cùng ở Anh. Trong 17 năm cuối cùng của thế kỷ 17, bà mang thai 18 lần. Nhưng chỉ có năm người con sinh ra sống sót được. Chỉ có một người trong số họ sống trọn thời thơ ấu nhưng người này cũng chết trước tuổi trưởng thành và trước lễ đăng quang của mình vào năm 1702. Dường như không có bằng chứng về tình trạng rối loạn gien nào đó. Nhưng bà đã nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất có thể mua được bằng tiền.

Những loại bệnh từng cướp đi sinh mạng của vô số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nay đã được kiểm soát và điều trị nhờ khoa học – thông qua việc phát hiện ra thế giới vi khuẩn, thông qua hiểu biết rằng các thầy thuốc và các bà đỡ phải rửa sạch tay và khử trùng dụng cụ, thông qua dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng và các biện pháp vệ sinh, các chất kháng sinh, thuốc, vắc xin, việc phát hiện ra cấu trúc phân tử của DNA, sinh học phân tử, và hiện nay là liệu pháp gien. Ít ra trong thế giới phát triển, các bậc cha mẹ ngày nay có cơ hội nhìn thấy con cái mình sống tới lúc trưởng thành cao hơn rất nhiều so với người kế vị ngai vàng của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất trên Trái đất ở cuối thế kỷ 17. Bệnh đậu mùa từng lan tràn khắp thế giới. Diện tích hành tinh của chúng ta bị các loại muỗi mang bệnh sốt rét hoành hành đã thu hẹp rất nhiều. Qua mỗi năm, số năm một đứa trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu có thể sống được đã tăng đáng kể. Khoa học cho phép Trái đất nuôi sống số người nhiều thêm khoảng 100 lần và trong những điều kiện bớt nghiệt ngã hơn so với vài nghìn năm trước.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button