Khoa học - viễn tưởng

Chẩn Đoán Học Y Đạo

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Chơn Nguyên

Download sách Chẩn Đoán Học Y Đạo ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Khoa học

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

QUYỂN THƯỢNG

CHẨN ĐOÁN HỌC ĐẠI QUAN

I. XÂY DỰNG MỘT CÔNG CỤ KHÁM PHÁ

1. Hai cách dạy và học
Tổng kết toàn bộ nhân loại có hai đường lối để săn tìm lấy sự nghiệp hiểu biết.

Đường lối thứ nhất: Mọi người đều cảm thấy mình trống thiếu và lạc lõng, không cần nghĩ đến mớ bòng bong đang nằm sẵn trong bụng mình, hay sự nghiệp quá khứ nó có điều động mình hay không; cứ tha hồ thu nạp những gì thuộc hiểu biết của kẻ khác, của bên ngoài để bù đắp thêm cho cái Tôi của mình được càng ngày càng dồi dào sung túc. Để rồi guồng máy hiểu biết của con người trở thành một mớ bòng bong da lộn, nó chi phối lại con người, hay như một cuộn băng cứ tiếp tục thâu từng lớp; hoặc như cuốn phim nhiếp ảnh được chụp chồng lên mãi mãi không biết bao nhiêu lần. Để rồi trong mỗi một con người là cả một tập đoàn chúng sanh vĩ đại, nhiều loại khác nhau, quần tụ lại thành vô số mâu thuẫn. Đó là hậu quả của cách dạy và cách học lẫn nhau theo kiểu đầu tư kiến thức, để rồi phải bị gán cho là một thứ ngu thông thái, hay một thứ ngu hiểu biết cũng thế thôi! Phương cách này được ưa chuộng nhất. Số người theo gần như hầu hết, và trung thành nhất, đa số là những người bán cầu bên kia (phương Tây).

Đường lối thứ hai: Tận tự bao giờ đã có một số người từng khám phá thấy được con người, cũng như vạn hữu, chỉ là kết tinh từ bao la vô tận tựa như mây lưng trời, như trăng đáy nước, như bóng ở vách dưới ánh đèn đêm, như hoa trong gương, như tia chớp lòe, như vang của tiếng, như người trong xi-nê, như với bao la không hề có kẽ hở, như con số không chưa viết… Nếu đừng có cái Tôi phi lý xen vào thì con người có thể tựa như một bóng nước đang bay, mà tất cả hình ảnh của bao la vô tận đều có thể xuyên suốt vào, không cần phải chứa vựa. Đến đó, con người với bao la vô tận trở thành đồng nhất. Từ đây con người mới có đủ tư cách gạn lọc, thu nạp và cuối cùng sẽ kết thành một kho tàng hiểu biết trí tuệ tuyệt vời. Đường lối này nhà Phật mệnh danh là vô niệm, vô tướng, vô trụ và vô đắc. Đường hướng này số người đi theo chỉ là muôn một. Mặc dù chỉ có số người đồng ý tin tưởng tối thiểu, nhưng không vì thế mà nó không phải là một đường lối chính xác nhất! Đa số những người trung thành với đường hướng này thường thuộc người bán cầu bên này (phương Đông).

Thế là hầu hết nhân loại đều thích làm theo thể toán cộng, còn số ít theo hình thức toán trừ. Nhưng trên ý nghĩa thượng tầng toán lý hóa, thì càng cộng càng chia, càng trừ thì càng nhân. Đây quả là một diệu lý mà không được mấy ai để ý!

2. Dư luận về con người
Có người bảo: Con người chỉ là một sinh vật không hơn không kém. Có người lại bảo: Con người bất quá chỉ là một hình nộm bằng máy. Có người lại bảo: Con người là một bầu trời đất nhỏ. Lại có người bảo: Con người là một kho tàng vô cùng tận. Quá quắt hơn nữa có người lo: Không khéo rồi loài người chúng ta sẽ trở thành một thứ khỉ thông thái, có nhiều khả năng lạ lùng, chớ không còn là con người đích thực nữa! Mỗi dư luận, mỗi cách, mỗi kiểu khác nhau nhưng vẫn có lý có cớ để phát biểu. Thậm chí có kẻ bảo: Con người là một sinh vật bị nhốt trong một tháp ngà có nhiều cửa tròn vuông ba góc, bốn góc, với kính lồi lõm xanh, vàng, trắng, đỏ khác nhau. Ở trong đó nhìn ra sự vật bên ngoài, trông thấy quả có trông thấy thật, nhưng vị tất đã là thật thấy?

Nhà Phật thì không nói là một sinh vật bị nhốt trong tháp ngà… mà nói là Phật Đa Bảo đã tịch, được cất trong tháp Đa Bảo. Khi mở cửa tháp được rồi, Phật Đa Bảo vẫn còn nguyên, không hề chết! Ở chỗ khác Phật không nói là tháp Đa Bảo, mà lại gọi là núi Lăng Già, núi này nổi lên giữa biển khơi, đá lởm chởm nhọn hoắt như gươm đao, những hang hóc trong ấy toàn là quỷ La Sát ở. Núi cao bao nhiêu, lúc bình minh không thể nhìn thấy ngọn, chỉ khi có những trận bão tố cuồng phong thì mới thấy đỉnh núi cheo leo cao vút, nhập tận tầng mây, chỉ có Phật, Bồ Tát mới có khả năng đến… Quả là một câu chuyện hàm súc, mỉa mai! Và còn, còn nhiều nữa, dẫu nói đến bao giờ cũng không hết.

Nay ta hãy thử trầm tư thí nghiệm, thâm nhập vào tận đáy lòng mình một cách chân thật, rồi nhìn ra mọi tầng lớp nhân loại chúng sanh cả thế giới, ta sẽ thấy mặc dù không ai bảo ai, nhưng chừng như tất cả đều biểu đồng tình rằng: Nếu cuộc sống mà đánh mất đi những phút giây ngầy ngật, chớp nhoáng giữa những cuộc truy hoan nam nữ là kể như đã đánh rơi đi mất hạnh phúc cuộc sống! Cụ thể hơn nữa, không cứ gì là vua chúa, công hầu khanh tướng, hay khố rách áo ôm, cứ hãy nhớ lại hình ảnh của mình trong những phút diễn trò phòng the đêm vắng cũng chỉ thế thôi! Như thế há không phải con người chỉ là một sinh vật không hơn không kém đó sao!

Xa hơn nữa, con người từ khi có cái Tôi đến giờ, tất cả những sự việc đã xảy ra, hoặc ưa hay ghét, đều thu nạp trọn vẹn hình bóng vào trong tâm khảm, để rồi trong đó không thiếu một loài nào. Nhóm nào mạnh, nhóm đó tạm thời làm chủ, chi phối trở lại thằng người, mà lương tri không thể nhất thời đối phó. Và mặc dù có khi lương tri hay trí óc đã hoàn toàn thừa nhận, nhưng đến khi giáp mặt với sự thật thì lại khác hẳn đi. Như thế không phải là một hình nộm bằng máy đó sao?

Ai đã từng thông qua tác phẩm Nội Kinh của cổ Trung Hoa, thâm nhập vào Phật pháp, hay đi sâu vào ngành nguyên tử học của khoa học kỹ thuật vật chất hiện thời, đều có thể nhận thấy ngoài trời đất có gì, trong con người đều thấy có thứ ấy. Cho nên đúng sự thật, con người không những là một bầu trời đất nhỏ mà là cả làn sóng hội tụ tận tự bao la thu hẹp lại nữa.

Con người đã có thể là bao la thu hẹp lại, và bao la vốn có khả năng hóa sanh vạn pháp. Con người cùng với bao la vốn đã không thể phân cũng không thể hợp thì không lý do gì tận từng đáy mạch sống của con người lại không thể có khả năng sanh ra vạn pháp! Ai không tin có thể làm một trắc nghiệm nhỏ, ngồi trong phòng vắng nhắm mắt lại, để tự do cho tâm tư phóng tưởng, rồi sẽ thấy: Tưởng ông Trời có ông Trời, tưởng ông Phật có ông Phật, tưởng cô điếm có cô điếm, tưởng núi non sông ngòi thì có núi non sông ngòi… cho đến ba đầu, sáu tay, mười hai mắt cũng có thể tưởng được. Và bình sinh trong tâm nghĩ thích điều gì thì kiếp sau sẽ nhận lấy hậu quả cảnh trí đúng vừa chừng ấy! Cho nên thiên đường, địa ngục hay Phật trời gì đi nữa, thằng người đều có khả năng làm được hết. Thế là con người vốn nó linh không vô cực, khác chăng chỉ là hướng ngoại hay hướng nội mà thôi. Như thế, con người há không phải là một kho tàng vô cùng tận đó sao!

Nay ta hãy trầm ngâm và trầm ngâm hơn nữa, nhớ lại việc làm táy máy của con người như bắt con chó mổ ra, cắt bỏ Tỳ âm đi (Tụy tạng, Pancreas), xong rồi khâu lại, ít hôm sau con chó lành không thấy chết liền kết luận là Thượng đế chế dư một bộ phận. Hay như lấy trái tim con cừu ghép vào con người, lấy trái tim người nữ ghép vào người nam, lấy tinh trùng và trứng ghép lại nuôi vào ống nghiệm để lớn cho thành người, thậm chí ngồi nghĩ ra những cái máy để làm chủ, điều động trở lại con người, quả là đem một đứa giặc về làm con, rồi dựng nó lên làm cha mình một cách thật là tếu! Và còn muôn vàn chuyện khác nữa không thể kể xiết. Như thế há chẳng phải là không khéo rồi loài người chúng ta sẽ trở thành một thứ khỉ thông thái, có nhiều khả năng lạ lùng, chớ không còn là con người đích thực đó sao!

Bổn tính linh không vô cực của mỗi con người, khi chưa động dụng thì cùng với bao la vô tận vốn đồng lượng. Nhưng từ khi bị giam hãm vào cái Tôi xác thân vật chất này thì tai đuổi theo tiếng, mắt đuổi theo sắc, mũi đuổi theo mùi, miệng đuổi theo vị; mặt da đuổi theo cảm giác trơn nhám, ấm lạnh, mềm cứng; tâm phóng vọt ra ngoài để săn đuổi theo muôn vàn sự việc. Cái gì ưa thích thì cái đó đẹp, không thích thì cái đó xấu, “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”. “Người yêu ỉa cứt cũng thơm; kẻ ghét, Trầm Hương cũng thối!” Như thế há không phải là một sinh vật bị nhốt trong tháp ngà đó sao!

Nhưng trên sự thật, tánh linh của con người cùng với bao la vô tận vốn không phải hai mà cũng không khẳng định mãi mãi kẹt vào vòng thiện ác. Cả đến cái sống chết cũng chỉ là hão huyền. Khi giải tỏa được dứt khoát cái Tôi rồi, dù kẻ chí ngu cũng trở thành hiền thánh, và đồng lượng cùng với trời đất bao la. Cho nên, câu chuyện Phật Đa Bảo khi mở tháp ra vẫn còn nguyên không hề chết là một câu chuyện thật là thấm thía!

Nhưng ta thử nghĩ, thân người chỉ là khối tổ hợp tế bào, sanh diệt không đồng đều, biến hóa triền miên. Vậy thử hỏi cái Tôi dựa vào đâu mà kiến lập? Và đời cũng chỉ là một biển chen lấn, tranh đoạt, sóng gió ba đào. Con người đối xử với con người, nhìn bề ngoài ta thấy như trơn tru vô sự, nhưng khi động đến quyền lợi là sẵn sàng đối phó bằng gươm đao! Hang cá tính tàn ác thường ẩn sâu trong kẹt hóc đáy lòng. Lúc bình thường thấy như tròn hơ, không hình tướng, nhưng khi tam bành ác tính nổi lên thì mới thấy khủng khiếp đến độ nào! Và quả thật! Quả thật! Muốn thâm nhập hoàn toàn thì phải là Phật và Bồ tát! Như thế, há không phải con người là một thứ núi Lăng Già đó sao…!

Thế mới biết, mỗi một cái thấy là một khía cạnh nhìn tựa như kim cương, vốn nó không màu sắc, nhưng khi được cắt nhiều khía cạnh rồi thì mỗi một khía cạnh không thể không chiếu ra một màu sắc khác nhau vậy.

3. Con người là một tác phẩm cực kỳ khoa học
Nay ta cứ bình tâm mà nhìn kỹ con người, rồi ta mới thấy con người là một tác phẩm kết hợp với hai hệ thống hiện tượng thể xác và tinh thần một cách vô cùng cân xứng, khít khao. Người nào cũng mũi dọc mày ngang, hai bên hai lỗ tai, dưới cái miệng. Thế mà chẳng hề ai giống ai, dù là sanh song thai cũng vẫn khác hẳn, làm như là tạo hóa đổ khuôn được một người, liền đập vứt đi, lại chế ra cái khuôn khác. Để rồi sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật, bệnh mỗi người mỗi chứng, nên thuốc cũng mỗi người mỗi phương. Nhưng tạo hóa là ai, thì cổ nhân đã từng định nghĩa là cấu tạo bằng khí hóa, bằng biến hóa. Nhà Phật còn nói thêm: Xác thân như khối sáp, tâm con người như điêu khắc gia, cho nên tướng sẽ tùy theo tâm mà biến hóa. Thế là đòn cân tinh thần và thể xác trong con người luôn luôn phải được thật là cân xứng. Thế mà có một số người, không biết vì lẽ muốn lợi ích riêng cho nhóm của mình, hay vì tư lợi mà tối mắt, chủ trương lệch hẳn về vật chất, và nêu lên nào là “khách quan quyết định”, “vật chất quyết định”. Từ đó dựa theo nghề nông, người ta chủ trương chọn giữ giống tốt, loại trừ giống xấu. Theo đây thấy có khả quan, rồi đem áp dụng vào xã hội loài người. Người ta nghĩ chọn rặt người tốt để lại, tiêu diệt hết kẻ xấu xa, thì xã hội loài người sẽ thành lạc quốc. Nhưng than ôi! Khi gạn lọc xong, nhìn lại số còn được để giống thì thấy toàn là những kẻ xấu xa, ác độc, tàn nhẫn, tệ bạc mà thôi! Và dù chưa thấy đến tình trạng đó chăng nữa, rồi trong số người còn để lại, nhất định cũng sẽ tách đôi, tách ba để ứng hợp với sự biến hóa sanh tồn. Thế là chủ trương ấy trở thành mộng huyễn. Và xã hội loài người cũng nhờ cái thế lệch hẳn về vật chất, mà hóa ra đổ vỡ chòng chành, trời đất nghiêng ngửa, chẳng khác nào thương binh bị cưa mất hẳn một chân, phải khập khễnh với cặp nạn mà thả trôi theo ngày tháng!

4. Con người là trọng tâm vấn đề
Khi chưa có con người, chưa có cái biết của con người, thì dù thiên nhiên bao la này có hay không, bí mật hay không bí mật cũng không thành vấn đề. Nhưng khi có con người, có cái biết của con người, thì muôn vạn vấn đề ùn ùn kéo tới. Thế mới biết chính con người mới là trung tâm vấn đề, mà nhất là con người của chính Tôi.

Nếu nói theo nhà Phật, khi chưa có con người, chưa có cái biết của con người, là chưa có đủ sáu đường của luân hồi.

Có người bảo Kinh Thánh chép: Thượng Đế lấy cát bụi nhào nặn với nước, nắn con người hao hao giống ngài, rồi hà hơi vào, trở nên có sự sống. Chép như thế là sai! Trên sự thật phải là: Thằng người lấy cát bụi nhào nặn với nước, nắn hình Thượng Đế hao hao giống nó, rồi hà hơi vào trở thành có sự sống thì mới đúng lý! Nói như thế thật là thấm thía làm sao!

Thế là con người và cái biết của con người đã trở thành vấn đề trọng đại ưu tiên cho chính con người, không thể khác hơn được! Mà nhất là con người của chính Tôi! Nếu vấn đề này chưa tách bạch dứt khoát mà con người của Tôi đã vội kiến thiết những ngôi nhà lầu chọc trời chăng nữa cũng chỉ làm chuyện dã tràng se cát.

ĐỌC THỬ

5. Cái Tôi
Có người bảo: “Có cái Tôi thì cái Tôi bị ở trong trời đất, khi không có cái Tôi thì trời đất ở trong Tôi”. Nhưng riêng tôi, tôi thấy khác: Khi không có cái Tôi thì mới hay ra trời đất bao la cũng chỉ là tôi, tôi có khả năng tạo ra thiên đường, địa ngục, tạo ra vạn cảnh muôn màu, để rồi tôi chui vào đó mà ở thì cũng chỉ là tôi. Tôi với ngoại giới tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nhà Phật nói: Tướng tôi tức là không phải tướng tôi, nên gọi là tướng tôi. Và dù cho chỉ một mình tôi, nếu tôi chưa đạt đến bao la vô tận thì tôi vẫn là chúng sanh, vì trong tôi chỉ là một khối tổ hợp của vô số cái tôi sanh diệt không đồng thời.

Chữ TÔI quả là một chữ có khả năng biến hóa kỳ bí, dù cho viết ra chữ hay không viết ra chữ, dù cho chữ hay tiếng của một nước nào, nghĩa của nó vẫn đủ khả năng biến hóa từ TÔI, rồi TỐI, rồi TỒI, rồi TỘI; hay hoặc từ Tôi rồi đến cái không phải Tôi, nên gọi là Tôi.

Như trên kia đã từng nói, cái Tôi chỉ là một thứ ảo tưởng. Thế mà gần như hầu hết mọi người đều lấy cái Tôi làm nền tảng xây dựng sự nghiệp. Nhưng mấy ai ngờ, khi tôi đã quan niệm lấy cái Tôi làm nền tảng xây dựng sự nghiệp cho riêng tôi, thì lúc đó vô số tế bào, vô số tinh trùng trong chính con người của tôi đều thấm nhuần quan niệm như tôi; để rồi trong tôi có vô số triệu ức cái Tôi đang dồn dập tranh chấp, đòi hỏi cấu xé nhau chẳng khác nào một chuồng sinh vật. Và khi đã kiến thiết sự nghiệp trên cái Tôi thì hướng nhắm ruổi dong, săn đuổi cũng chỉ là hình tướng vật chất. Nhưng trớ trêu thay, nhìn ra xa xa chỗ sắp hút đường trần, tôi đã thấp thoáng thấy ló dạng hình bóng một đấng chúa tể. Cho nên loài người càng đi sâu vào khoa học kỹ thuật vật chất, thì lại càng cần phải quy y với một đấng chúa tể nào, rồi đấng chúa tể của nhóm này thì lại không phải là đấng chúa tể của nhóm khác, mà tạo thành thế “chân lý của”, để dày xéo lẫn nhau cũng chỉ vì đấng “chúa tể của”. Cho nên tôi nói: Khi tôi chưa biết gì hết về chính con người của mình mà đã vội nghĩ làm lợi ích cho ai, thì nếu không phải là tôi đánh lừa người khác, thì cũng là tôi bị người khác đánh lừa, hoặc chính là tôi đánh lừa tôi cũng chưa biết. Cho nên tôi chưa biết gì hết về tôi, thì dù tôi có sống đến 800 tuổi như Bành Tổ, cũng vẫn là một đứa bé già. Có người hỏi Giê-su: Trên nước Thiên đàng có gì? Người đáp: Chỉ có trẻ con. Nhưng riêng tôi, tôi nói nước Thiên đàng chỉ có người trưởng thành mà thôi!

Thế mới biết: Có một điều kiện bắt buộc rằng tôi phải vừa là một chủ thể khám phá, vừa là một đối tượng khám phá thì tôi mới có cơ trưởng thành vậy.

6. Con người của chính mình mới là công cụ cần phải được khám phá và điều chỉnh trước nhất
Có ai ngờ một con người bình thường của thế gian lại là một tập đoàn sinh linh bị nhốt trong một cái chuồng thật là linh động, được mệnh danh là cái Tôi, ở trong đó nhìn ra để tìm hiểu sự vật, dù cho tận lực cố gắng đến đâu cũng vẫn bị bao trùm một màu huyền bí. Thậm chí giáp mặt nhau nói chuyện tâm tình thân thiết đến đâu chăng nữa cũng giống như hai kẻ ở hai biệt thự cách xa nói vói lẫn nhau, lõm bõm điều được điều mất, thì làm sao biết được thế nào là sự thật! Cho nên dù là vợ chồng, anh em ruột thịt, thân bằng quyến thuộc, làng nước xã hội, cho đến cả thế giới, khoa học kỹ thuật vật chất năm châu họp chợ, sát mặt nhau chăng nữa, thì cũng chẳng qua chỉ là một thứ đồng sàng dị mộng, mặt giáp mặt mà lòng cách nghìn non thì còn biết gì chứ?!

Giả sử có một số người mắc phải bệnh đau mắt, mỗi người nhìn ra hư không thấy một màu sắc khác nhau, rồi cãi vã lẫn nhau để tìm lấy màu sắc đích thực của hư không. Như thế ta phải hiểu số người ấy thế nào?

Lại như có một đàn khỉ bị nhốt trong chuồng kín mít có nhiều tầng, nhiều cửa kính tròn vuông lồi lõm, màu sắc khác nhau, rồi mỗi con khỉ đeo theo một vòm cửa nhìn ra thấy sự vật bên ngoài mỗi con mỗi cách, mỗi kiểu khác nhau, tạo nên một bầu không khí thường trực xôn xao, ồn ào cãi vã, không lúc nào ổn định. Như thế ta nghĩ thế nào về sự hiểu biết của bầy khỉ ấy? Thế mà có kẻ nghĩ rằng chỉ một cái chuồng Tôi, với một đám lao nhao nhỏ, không thể có đủ tư cách thông minh, khách quan, sáng suốt để khám phá, nên cần phải được quần tụ nhiều cái chuồng Tôi lao nhao nhỏ, cho cái Tôi được phình to vĩ đại, thì mới có đủ sáng suốt để kiến thiết một điều gì. Mới nghe qua với danh từ “khách quan quyết định”, “tập thể quyết định” thì thấy làm như thế thật là hữu lý. Nhưng càng nghĩ kỹ càng bắt phì cười. Nhà Phật nói: Câu chuyện này dù gom hết các bậc nhị thừa lại để suy nghĩ, cũng không thể biết. Vì sao thế? Vì gộp vô số cái Tôi lại để suy nghĩ chỉ tổ làm to lớn thêm cái mù lòa. Nói như thế thì đó há chẳng phải là điều vô lý sao!

7. Chính con người, nhất là con người của chính mình, mới là một công cụ khám phá độc đáo
Cái Tôi bắt đầu từ mối đầu dòng sinh mệnh, kết thành một bài toán cộng vĩ đại, cho đến khi thu gọn vào trong một cái chuồng Tôi ngày nay. Nhưng kiếp sống của cái Tôi ngày nay đến trăm tuổi cũng chẳng được mấy người. Nhưng nếu tôi chỉ là một cái chuồng lao nhao, thì kiếp sống càng được kéo dài bao nhiêu, số lao nhao trong chuồng ấy cũng càng được nhân lên bấy nhiêu. Vậy thử hỏi đám lao nhao ấy càng đông đảo, càng trường cửu để làm gì chứ!

Giả sử có một đám lao nhao ấy, và cái Tôi tức là không phải cái Tôi, thì việc gì sẽ xảy ra? Và tại sao nhà Phật lại mượn câu chuyện tháp Đa Bảo để ám chỉ cho thân chúng sanh?

Như trên kia đã từng nói, nếu lấy cái Tôi mộng huyễn làm nền tảng cuộc sống, lấy hướng ngoại làm đường hướng, lấy vật chất, sắc tướng, âm thanh làm miếng mồi để săn đuổi, thì đằng kia xa xa, cuối con đường khám phá đã ló dạng một đấng chúa tể đang ngồi chờ. Và toàn bộ cái Tôi, cho đến từng tinh trùng, từng tế bào, đều chỉ là một tập đoàn mâu thuẫn vĩ đại ùn ùn nổi dậy; và cái chuồng Tôi ngày càng bị thắt chặt lại, bẩn chật thêm, làm cho màn bí mật của sự vật ngày càng được khép kín. Dẫu cho cái Tôi ấy là của một nhà khoa học vĩ đại chăng nữa, cũng chỉ đến thế là cùng.

Có ai ngờ, chỉ một phút giây quay trở lui vào để xem xét những biến cố của cái Tôi, thì sự thắt chặt của cái Tôi lập tức nới dãn. Tập đoàn lao nhao trong cái Tôi cũng tự nhiên lắng dịu bớt sự ồn ào. Tất cả những mâu thuẫn đòi hỏi của khắp tinh trùng và tế bào, cũng tùy thuộc vào đó mà lắng dịu được phần nào, và tùy theo đó mà nhãn quan của cái Tôi ấy cũng tùy trình độ hướng nội mà tăng thêm phần chiếu diệu.

Thế mới biết: Toàn bộ cuộc sống tôi đang sống đây với cả bao la vô tận quả là một môi trường vĩ đại cần phải được khám phá, mà chính con người của tôi mới là một công cụ khám phá thâm thiết vô cùng. Cho nên nếu tôi chưa biết gì về tôi, chưa điều chỉnh được cái Tôi mà tôi ỷ lại vào những dụng cụ máy móc, trí óc, vật chất, con toán từ cái Tôi đẻ ra, để làm nền tảng khám phá, thì toàn bộ cuộc sống đều trở thành hỏng bét. Và trong vô tình tôi đã đội đứa con giặc lên làm cha rồi vậy.

Như có kẻ đã bảo: Khi có cái Tôi thì cái Tôi bị ở trong trời đất, khi không có cái Tôi thì dù cho bao la trời đất cũng chỉ là tôi. Như thế cái Tôi không phải là vật chết tê đóng cứng, và khi bao la trời đất cũng chỉ là tôi thì còn đâu những đối tượng bí mật để khám phá khó khăn nữa chứ! Như thế chẳng là lý thú lắm sao! Thế nghĩa là gì? Thế nghĩa là con người của tôi là một công cụ khám phá độc đáo, tức là không phải một công cụ khám phá độc đáo, cho nên gọi là một công cụ khám phá độc đáo.

8. Một cuộc thâm nhập vào tận nguồn tâm linh
Muốn có một cuộc thâm nhập vào tận nguồn tâm linh để đi vào khám phá Y Đạo, thì sớm muộn gì cũng phải có đủ bốn đức tánh với ba điều kiện.

Bốn đức tánh là: Anh hùng, hiên ngang, chân thành và tài tử. Nói một cách khác là không khiếp sợ, không nương dựa, tột bậc chân thật với chính mình và không mong cầu riêng tư gì cả.

Thế nào là ba điều kiện?

Một là vì trên sự thật của khung cảnh thiên nhiên bao la này vốn sẵn một nguồn năng lực tuyệt đối bình đẳng không hai, để làm trung tâm mạch sống của vạn loại, được mệnh danh là Chơn Như. Nếu chưa phát giác được điều kiện bổn tánh này thì toàn bộ cuộc sống không có khả năng giải quyết, nên gọi tắt là Duy Như.

Điều kiện thứ hai: Khi đã là động vật biết máy cựa thì phần trung tâm mạch sống trong vạn loại vốn tuyệt đối bình đẳng, chớ không thể chỉ thiên trọng con người hay hoặc vật dưỡng nhơn, hoặc Thượng Đế tư vị cho loài người có quyền sát phạt vạn loại. Chỉ vì sinh ra không một lượt, chết đi không một lượt, trình độ không như nhau, để làm cơ cọ sát độ rỗi. Đó là một mặt khác. Điều kiện này gọi tắt là Duy Sinh, nghĩa là đều là chúng sinh, vẫn là chúng sinh. Điều kiện bổn tánh vốn bình đẳng, nên không thể chỉ thiên trọng con người.

Điều kiện thứ ba: Đời sống của tất cả tinh cầu hay quả đất này đều vẫn thăng trầm trong thăng trầm. Cho nên vạn loại bám theo địa cầu mà tồn tại, cũng không thể khác hơn. Vả lại cuộc sống đã là một cuộc cọ xát độ rỗi lẫn nhau, nên không thể không có sai lầm và sửa chữa. Từ ngay chính thân tâm mình cho đến từng cá nhân, bệnh tật, từng gia đình, từng xã hội, từng quốc gia, đến cả thế giới không lúc nào không đòi hỏi một tinh thần điều chỉnh siêu tuyệt để giữ thế quân bình cho quy luật trật tự cộng đồng của thiên nhiên. Việc làm ấy được mệnh danh là Y Đạo. Vì lúc nào cũng chuyên tâm chú ý tìm đủ mọi cách khéo léo để tham gia tán trợ việc hóa dục của thiên nhiên nên gọi tắt là Duy Y.

Ba điều kiện này được ứng hiện trong một số người, ở giai đoạn thế giới cực kỳ xuống dốc này nên được mệnh danh chung là Tam Duy Học.

Ta hãy thử nghĩ: Làm sao có được một tinh thần sáng suốt, một cặp mắt trong lành khi mang theo trong lòng đầy lo sợ, lúc nào cũng muốn có chỗ dựa, không muốn giáp mặt thành thật với những biến cố trong chính tâm linh mình, lúc nào cũng chỉ mong cầu cho cái riêng tư của cuộc sống. Cho nên tôi nói sớm muộn gì cũng phải chấp nhận bốn đức tánh ấy.

Xa hơn nữa, nếu đã chấp nhận chỉ có con người trên hết, tức là con người đã thẳng thừng ký giấy hợp pháp cho cuộc sống này, hoàn toàn chấp nhận tàn sát lẫn nhau là chân lý. Nếu không thấy được điều kiện này thì không thể đặt chân trên con đường khám phá của Y Đạo vậy.

Nếu con người của tôi, cái biết của con người tôi đã là điều kiện ưu tiên trong cuộc sống, thì công việc khám phá chính con người của tôi đến tận nguồn tâm linh cũng phải là điều kiện ưu tiên trên hết.

Có ai ngờ sức hiểu biết của con người ngày nay có thể làm mây mưa, sấm chớp, có thể chế phi thuyền con thoi vượt không gian, có thể làm vệ tinh nhân tạo kiểm soát khắp mặt địa cầu, có thể chế vô tuyến truyền thanh, truyền hình, máy thâu băng, có thể cắt nghĩa làn sóng chuyển động của không gian, của ý niệm, của cây cỏ… Thế mà không thể thấy được bao la vô tận vốn là một biển từ điện không có giai tầng, ngấm vào tận trung tâm tế bào tất cả vạn vật, để làm nền tảng chung cho cuộc sống vạn loại. Và về thể xác, con người cũng như vạn loại, vốn cùng điện từ bao la đồng nhất. Và thể xác này chỉ như một bóng nước tí teo, kết hợp với vô số hột nước nhỏ nữa, bám theo một hột nước khổng lồ đang chuyển dần trong không gian, thể nó vốn trong suốt, tất cả hiện tượng đều có thể xuyên qua. Chỉ vì cái Tôi làm rối loạn theo chiều hướng ngoại nên không thấy được cái thực tại bao la kia vốn đầy đủ nơi chính mình, làm cho cuộc sống càng ngày càng bị cái Tôi, với tập đoàn lao nhao trong cái Tôi náo loạn, biến thành tù hãm.

Một sự thú vị lạ kỳ là cái thực tại bao la vô tận nói trên kia, nếu nhìn trở ra bằng giác quan mà thấy được chăng nữa, đối với cuộc sống vẫn hoàn toàn vô hiệu lực. Nhưng khi hồi quang phản chiếu, soi trở lại thân tâm của mình mà thấy nó, thì cái Tôi lập tức đổ vỡ, tập đoàn lao nhao đang quấy rối, chi phối mình lập tức bị phân hóa.

Hãy cử lên một ví dụ để nhận thức: Trên thực tế mỗi con người đều có hai thành phần nam nữ. Thành phần nào thiên trọng về nam thì xuất hiện tướng nam, thiên trọng về nữ thì xuất hiện tướng nữ. Rồi từ khi mang tướng ấy mà nhìn ra thì cuộc đời sẽ có một quãng bơ vơ, lạc lõng. Có thể là âm côi hay dương côi. Cho nên đúng khác phái, đúng dạng tương ưng thì lòng trần rộn rã, tế bào, tinh trùng, buồng trứng đều nổi dậy lao nhao. Nhưng khi quay trở vào hồi quang phản chiếu, thì lập tức thế âm côi, dương côi liền được lấy lại quân bình, và buồng trứng, tế bào, tinh trùng, cũng liền trở nên ôn hòa thuần hậu, không còn rộn rã xuống đường nữa. Há không phải là một bài toán cực kỳ khoa học, có thể làm đáp án chung cho tất cả muôn vạn bài toán đó sao! Ai thâm nhập được điều kiện này là đã được tiến sâu vào lãnh vực khám phá chính con người của mình rồi đấy.

Muốn hiểu biết hết một guồng máy, ít nhất phải biết tháo tung ra một cách có hiểu biết, hoặc ráp lại, rồi mở cho chạy một cách chậm chậm từ từ thì mới thấy được nó. Muốn thâm nhập vào tận tầng đáy cuộc sống của chính mình, cũng tương tự như vậy.

Đành rằng cái Tôi chỉ là một cái bóng nước tí teo, mà cũng vẫn là một thực tại bao la vô tận. Nhưng lúc nhàn rỗi bình thường, hoặc khi vội vàng xốc nổi, có mấy ai nhớ lại thực tại ấy bao giờ đâu! Rồi một lúc nào sóng lòng chớm nở, cũng không hơi đâu mà bắt gặp. Hoặc để cho nó tha hồ nổi dậy ba đào, rồi mình cũng lặn hụp trong đó mà chìm nổi không hay biết. Đến khi sóng lòng yên lặng, mặt phẳng của lòng ra sao cũng không cần biết. Thế mới biết: Ngay khi thầy thuốc khám phá bệnh nhân, thì việc khám phá bệnh nhân đối với thầy thuốc hẳn là ít quan trọng hơn việc thầy thuốc khám phá chính mình ngay trong lúc va chạm với bệnh nhân.

Một thiền sinh mới học tọa thiền, bị vị thầy bắt buộc ngồi mỗi đêm 20 phút. Qua mấy hôm, vị thiền sư hỏi: Ngồi như thế anh thấy gì? Đáp: Con chỉ thấy vọng niệm như mưa. Vị thiền sư cười, rồi bảo thực hành liên tiếp. Được ít hôm lại hỏi: Có thấy gì nữa không? Đáp: Khi con vừa thấy vọng, thì lập tức là chơn. Thiền sư cười, và từ đó chấp nhận vị thiền sinh vào chính thức. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là khi sóng lòng chưa nổi dậy, mặt thật vẫn y nguyên. Đến khi sóng lòng nổi dậy, mặt thật vẫn y nguyên. Đến gió lặng sóng yên, biển lòng cũng vẫn không hơn không bớt.

Tuy nhiên, khi đã có một phen khám phá được cái bao la thực tại không giai tầng ở chính mình rồi, mà còn thấy có “được” là còn nằm trong cõi nhân sinh. Vẫn là chưa phải. Nhưng nếu bỏ lờ đi là bất thần động dụng không xuất hiện được, thì bài toán cuộc sống vẫn còn y nguyên. Cho nên mới nói: “biết khó, làm khó, chứng khó, bỏ khó và dụng khó”. Nếu ai chưa vượt qua năm đoạn đường khó nói trên, tức là chưa có dịp lặn sâu vào tận cùng chính con người của mình, mà cũng chưa có dịp để thám hiểm vào cái bao la linh không vô cực tánh, thì làm sao khám phá được gì nữa chứ!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button