Chuyên ngành

Vấn Đáp Phật Giáo

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Tuấn Mẫn

Download sách Vấn Đáp Phật Giáo ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tâm Linh – Tôn Giáo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

LỜI GIỚI THIỆU

Là một người thích nghiên cứu nên suốt mấy chục năm qua ngoài sách kỹ thuật và công nghệ, tôi luôn tìm đọc những cuốn sách về tôn giáo, lịch sử, vũ trụ, địa lý, thiên văn. Càng đọc mới càng thấy những gì mình biết chỉ là chút đất dính trên giày dép sau mỗi chuyến đi so với đất trên hành tinh này.

Cách đây gần chục năm tôi mới chính thức trở thành Phật tử. Điều đó có nghĩa là bắt đầu đọc sâu hơn, nghiên cứu sâu hơn, ngẫm nghĩ nhiều hơn và thực hành những lời dạy của Đức Phật đều đặn hơn. Trong quá trình tu tập, nhiều câu hỏi tự khởi lên, đồng thời tôi cũng nhận được nhiều thắc mắc của các doanh nhân, Phật tử, học trò và các bạn đồng tu khác. Chính vì vậy tôi rất thích các chuyên mục hỏi đáp về Phật pháp trên các báo và tạp chí.

Thật may mắn rằng khi mang ý tưởng xuất bản sách này ra bàn với Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo thì ngay lập tức được ủng hộ. Thế là Vấn đáp Phật giáo trở thành cuốn sách đầu tiên của một loạt sách được thực hiện qua sự hợp tác của Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) và Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo. Chúng tôi chọn những bài đã đăng trên tạp chí này với sự đồng ý của Ban Biên tập và của các tác giả để đáp ứng mong mỏi của những người tu tập, để trợ giúp những ai đang nghiên cứu hay thực tập theo con đường mà Đức Phật đã chỉ dạy.

Vấn đáp Phật giáo là tập hợp những bài viết trong mục Hỏi đáp được đăng liên tục trên Văn Hóa Phật Giáo trong suốt hai năm 2007 và 2008. Đây là những giải đáp cho 48 câu hỏi do độc giả gửi đến, thường là những thắc mắc về một số kiến thức Phật giáo (gồm cả Phật học) và cách nhận định về những vấn đề mà giới học Phật chưa giải quyết dứt khoát hoặc có khi mâu thuẫn nhau. Điều này không lạ, vì cả kho tàng văn học Phật giáo với ba tạng kinh điển cùng vô số sách nghiên cứu Phật học suốt hơn 25 thế kỷ với nội dung gồm một hệ thống triết học thâm áo, một hệ thống tu tập phong phú và những truyền thống nghi thức đặc sắc, đa dạng. Tất cả vừa tương đồng, vừa dị biệt theo từng bộ phái, hệ phái, tông phái, tông môn… khó có thể có được một cái nhìn tổng hợp về Phật giáo. Điều này cũng chứng tỏ Phật giáo là một tôn giáo đầy sinh động, có sức hấp dẫn và vô cùng phong phú về mọi mặt.

Tác giả Bàng Ẩn đã biên soạn, phiên dịch nhiều tác phẩm, từng giảng dạy Phật học nhiều năm tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Việt Nam Huế, hiện là Phó Tổng biên tập thường trực kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, đã giải đáp các câu hỏi một cách nghiêm túc, xác đáng, vừa giúp thêm kiến thức, vừa khiến cho người hỏi có cái nhìn, thái độ và cách hành xử đối với vấn đề được nêu.

Khi bản thảo Vấn đáp Phật giáo được hoàn thành, đọc lại, tôi biết rằng những vấn đề được nêu ra và giải đáp trong tập sách này thỏa mãn rất nhiều Phật tử. Với kinh nghiệm đã thực hiện, phát hành được gần 300 đầu sách theo nhiều thể loại, trong đó có khá nhiều sách Phật giáo với tủ sách Phật Pháp ứng dụng (sách Phật giáo dành cho người Việt), Thái Hà Books tin tưởng rằng Vấn đáp Phật giáo thật sự bổ ích đối với những người quan tâm. Chúng tôi biết rằng, được sự ủng hộ của quý độc giả, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào việc phát triển nền văn hóa đọc nước nhà. Rất mong Vấn đáp Phật giáo với phần giá trị của nó, được độc giả đón nhận như một món quà đẹp và đầy ý nghĩa.

 

 

ĐỌC THỬ

1

Ba dấu sẹo tròn trên đỉnh đầu các vị Tăng, Ni có ý nghĩa như thế nào? Xin được giải thích?

Nguyễn Thị Vân, đường Phan Chu Trinh, T/P Đà Nẵng

Trong đời sống hàng ngày, nhiều người cạo sạch tóc có thể là do ước nguyện một điều gì đó, hoặc do quan điểm vệ sinh, do sở thích, thẩm mỹ… Việc cạo tóc cũng là một truyền thống khá phổ biến trong Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo… tùy theo hệ phái, thời kỳ hoặc từng nghi lễ. Chẳng hạn, các vị hành hương Thánh địa (Hajji Pilgrim) của Hồi giáo, các vị thuộc phong trào Hare Krishna của Ấn giáo… Ở Ấn Độ thời cổ, các du sĩ, khất sĩ, ẩn sĩ vẫn thường cạo tóc. Trong Phật giáo, hầu như tất cả Tăng, Ni đều cạo tóc (thường gọi là thế phát, tịnh phát, trang phát, lạc phát…) đông đảo và đồng nhất đến nỗi các ngoại đạo thường gọi mỉa là Sa môn đầu trọc (Thốc Sa môn hay Thốc đầu Sa môn).

Khi Đức Phật từ bỏ ngai vàng, gia đình để xuất gia, Ngài ra khỏi thành Ca Tỳ La Vệ rồi vượt sông A Nô Ma, đến bờ bên kia, Ngài tự cắt bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, trở thành một tu sĩ không nhà. Rất nhiều nơi trong các kinh Nikaya và A-Hàm nhắc đến sự việc cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, xuất gia, sống đời không nhà của Đức Phật và các Thánh đệ tử của Ngài (ví dụ các kinh Chuyển Luân Vương Sư Tử Hống, Phạm Cầu, Phạm Ma, Lõa Hình Phạm Chí, Lại Tra Hòa La, Lạc Thọ…). TheoKinh Quá Khứ Nhân Quả, khi Đức Phật thế phát, Ngài nguyện: “Nay tôi cạo bỏ râu tóc, nguyện cùng với tất cả, đoạn trừ phiền não, tập chướng”. Luận Đại Trí Độ cũng ghi: “Cạo tóc, mặc áo nhuộm, ôm bát khất thực; đó là pháp phá trừ phiền não”.

Như vậy, việc cạo tóc của chư Tăng, Ni Phật giáo mang ý nghĩa của sự đoạn trừ phiền não, tham ái, tập chướng, xuất gia làm Sa môn, hướng đến giải thoát. Ngoài ra, việc cạo tóc cũng nhằm loại bỏ sự trang sức, vẻ đẹp bề ngoài, loại bỏ các ký sinh trùng.

Luật Tứ Phần 51 ấn định: “Tỳ kheo phải cạo bỏ râu tóc, không được để dài quá hai ngón tay, hai tháng phải cạo một lần” (phải chăng là không được để râu tóc dài qua 20 cm?). Luật Ngu Phần 14 ấn định: “Tỳ kheo Ni, Thức xoa ma na, Sa di Ni nửa tháng phải cạo tóc một lần.”

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, trong các đại giới đàn, sau khi thọ giới Bồ-tát, hầu hết chư Tăng, Ni đều tự nguyện để ba đốm nhang (có thể là sáu đốm hay chín đốm – ở Việt Nam phổ biến nhất là ba đốm) cháy trên đầu thành sẹo suốt đời, trong ý nghĩa cúng dường Tam bảo và là bước đầu thực hiện hạnh nguyện Bồ-tát. Có một số cư sĩ nhân lễ này thọ giới Bồ-tát tại gia, cũng phát nguyện đốt hương như các vị Tăng, Ni. Sự việc này được gọi là đốt hương cúng dường. Ba đốm hương tượng trưng cho:

1/ Lòng kính tin Tam Bảo hoặc,

2/ Ba thệ nguyện là đoạn trừ tập nhiễm và ý nghĩ xấu, vun trồng thiện nghiệp, thủ đắc trí tuệ để giúp người khác thoát khổ hoặc,

3/ Sự tu tập giới, định, tuệ.

(Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng để cho da thịt cháy như vậy là không cần thiết và có hại cho sức khỏe. Năm 1983, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc có văn thư cho rằng đốt nhang trên đầu không có nguồn gốc trong Phật giáo và có hại cho sức khỏe, từ nay nên bỏ đi).

Cạo tóc, đốt nhang trên đầu dĩ nhiên không quan trọng bằng sự thể hiện cái nội dung cốt lõi mà hai điều này tượng trưng. Đó là cái tâm đoạn trừ phiền não, ly tham, kính tín Tam Bảo, kiên trì tu tập, tinh tấn trong giải thoát.

2

Các chúng sinh làm thiện khi đang sống thì khi chết đi được sinh lên cõi trời, được an vui tột độ, nhưng nếu làm ác thì phải đọa xuống địa ngục, khổ cực vô cùng. Xin được giải thích và cho ý kiến.

Đ. B. Thanh, đường Yersin, T/P Mỹ Tho, Tiền Giang

Chúng sinh (Sattva) là những sinh thể được giả hợp bởi các thành tố vật chất, tinh thần (đại, uẩn), có cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ (hữu tình), đôi khi kể cả loài vô tình như đất đá, cây cỏ… chịu sự sinh ra và chết đi vô số lần trong ba cõi dục, sắc, vô sắc và qua sáu đường, tức sáu cảnh giới tâm linh từ cao đến thấp là người, trời, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, với bốn cách sinh ra là từ trứng (noãn sinh, như loài chim, cá…), từ thai (người, động vật có vú…), từ nơi ẩm thấp (thấp sinh, như muỗi mòng…), và hóa sinh (bằng cách biến hóa như chư thiên, ma quỷ…).

Cõi trời là cảnh giới cao nhất trong các cõi, chúng sinh ở đây có tuổi thọ hàng ngàn năm, sống an lạc, hạnh phúc. Có nhiều tầng bậc khác nhau của cõi trời, được miêu tả, liệt kê theo nhiều cách khác nhau, khởi từ tín ngưỡng của Ấn Độ cổ. Kinh sách Phật giáo phân biệt ba cõi trời gồm 26 tầng trời: sáu tầng ở cõi dục, 16 tầng ở cõi sắc, và bốn tầng ở cõi vô sắc. Kinh Đại Niết-bàn (bản Bắc) lại chia một cách tổng quát gồm bốn cõi trời: Thế gian thiên (cõi trời trên thế giới này của các Thiện đại vương), Sinh thiên (cõi trời của những người chuyên tu ngũ giới, thập thiện), Tịnh thiên (của chư Thanh văn, Duyên giác đã diệt trừ phiền não và Nghĩa thiên (của chư Bồ-tát đã ngộ ý nghĩa Phật pháp). Kinh tập (Sutta Nipata) của Tiểu bộ kinh khẳng định một cách đơn giản rằng những ai cúng dường thức ăn cho Sa-môn, Bà-la-môn và những người đói khát xin ăn sẽ được sinh lên cõi trời. Về sau, ba bộ luận lớn (Tam đại luận) là Thí luận, Giới luận, Sinh thiên luận nhấn mạnh đến hàng tu tại gia, khuyến khích bố thí, giữ giới để được sinh lên cõi trời.

Cũng như cõi trời, địa ngục cũng được liệt kê thành nhiều tầng, nhiều cảnh giới. Đây là cõi thấp nhất, khổ đau, tệ hại nhất trong các cõi. Đại khái có bốn loại địa ngục gồm 60 cảnh giới: căn bản địa ngục gồm 16 thứ trong đó có tám địa ngục cực nóng và tám địa ngục cực lạnh; cận biên địa ngục gồm 16 địa ngục phụ cận tám địa ngục cực nóng; Cô độc địa ngục gồm 28 địa ngục, trong đó Vô gián địa ngục, hay A-tỳ địa ngục (Avici) là nơi khổ đau cùng cực và liên tục. Khi nói đến các cõi trời, các kinh luận cũng như Kinh Ý Hành, Đại Lâu Thánh, Đại Bát-nhã, Thủ Lăng Nghiêm, Địa Tạng…, luận Câu-xá, Tỳ-bà-sa, Đại Trí Độ, Du-già Sư Địa… cũng liệt kê, miêu tả các địa ngục nhằm cảnh giới, khuyến tu đối với hàng tại gia.

Như trên đã nêu, các cảnh giới luân hồi của chúng sinh không chỉ là các cõi trời hay địa ngục mà còn các cảnh giới khác như người, A-tu-la (loài có thần thông nhưng phải khổ đau vì nóng giận, bạo lực…), súc sinh (sống trong sự giết chóc và bị giết…), ngạ quỷ (đói khát, sống lang thang, nương gá…). Các loài chúng sinh sống cùng một cảnh giới lại sướng khổ khác nhau (như người sang, kẻ hèn, loài thú trên rừng, loài thú phải cực nhọc ở môi trường khó khăn hoặc bị người hành hạ hay được nuông chiều…). Lại nữa, việc tái sinh ở cõi nào không chỉ tùy thuộc vào hành động thiện ác trong đời hiện tại mà còn là kết quả của các hành động (nghiệp) từ vô số đời quá khứ. Chúng sinh có thể tái sinh vào cõi cao hơn hay thấp hơn do nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ, cho nên một người không chỉ có thể sinh lên cõi trời hay địa ngục mà còn có thể sinh vào các cảnh giới khác như A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ.

Dù được tái sinh ở cõi nào trong ba cõi, sáu đường, bốn cách (tam giới, lục đạo, tứ sinh), chúng ta vẫn phải mang thân phận chúng sinh, phải luân hồi khổ đau cho đến khi chúng ta đạt mục tiêu tối hậu của Phật giáo, tức Đại giải thoát, Niết-bàn, thành Phật. Rất cụ thể và thực tiễn, chúng ta cứ nỗ lực làm thiện, tránh ác thì nhất định về sau sẽ an vui hơn, thuận tiện hơn trên bước đường tìm về Đại giải thoát.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button