Chuyên ngành

Trẻ Càng Chơi Càng Thông Minh

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Cao Nhuận

Download sách Trẻ Càng Chơi Càng Thông Minh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Nuôi dạy con

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Từ khi trẻ biết lẫy, biết bò cho đến trước khi trẻ đi mẫu giáo, tình yêu và sự chăm sóc của bạn được thể hiện chủ yếu ở những phương diện nào? Theo cách giáo dục truyền thống, bạn chỉ chăm sóc trẻ về mặt sinh hoạt? Hay bạn biết được vai trò quan trọng của việc giáo dục trẻ sớm nhưng không biết cụ thể phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu?

Nếu đúng như thế bạn nên đọc kỹ cuốn sách này.

Trẻ sinh ra đã có thể trở thành một thiên tài, chỉ có điều chưa được hướng dẫn đúng đắn

Những thông tin mà trẻ thu nhận được trong những năm đầu đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành sau này của trẻ. Nói cách khác, sự phát triển của trẻ về mặt trí tuệ và thể chất khi trưởng thành được quyết định chủ yếu bởi nhân tố môi trường và khả năng kích thích giác quan trong những năm đầu đời.

Khả năng tiếp thu của trẻ trong giai đoạn từ 0-3 tuổi rất tốt. Cho dù mức độ thông tin thế nào thì trẻ cũng có thể hiểu hoặc tiếp thu những kích thích mang tính giáo dục đó ở những mức độ khác nhau. Những nghiên cứu khoa học tâm lý cho thấy: Những kĩ năng cơ bản của sự sống loài người, như việc học ngôn ngữ, nhận thức về môi trường tự nhiên, nắm bắt quy tắc giao tiếp đều được hoàn thành ngay trong thời gian từ lúc sơ sinh đến trước khi đi học lớp 1.

Nếu trong giai đoạn này, bố mẹ có thể cho trẻ trải nghiệm môi trường và hoàn cảnh sống phong phú, dạy dỗ và nuôi nấng trẻ bằng những phương pháp khoa học, thì trẻ có thể có được sự phát triển vượt trội. Cùng chơi các trò chơi với trẻ chính là cách tốt nhất để bố mẹ kích thích giác quan cho trẻ.

“Chơi mà học” chính là trọng tâm phát triển trí tuệ của giai đoạn này

Bạn muốn con mình thật thông minh và khỏe mạnh, vậy thì trong giai đoạn trẻ từ 0-3 tuổi hãy bắt đầu giáo dục trẻ nắm bắt 8 kỹ năng thiết yếu của con người, đó là:

– Kỹ năng ngữ văn (khả năng nắm bắt ngôn ngữ, chữ viết);

– Kỹ năng lôgic toán học (khả năng về toán học, lôgic và khoa học);

– Kỹ năng âm nhạc (khả năng hiểu, sáng tạo và vận dụng âm nhạc, bao gồm thưởng thức, hát theo, sáng tác,…);

– Khả năng vận động cơ thể;

– Khả năng tưởng tượng về không gian (có thể hình thành trong đầu những mô hình hoặc hình ảnh về các sự vật trước mặt);

– Kỹ năng giao tiếp (có khả năng hiểu và giao tiếp với người khác);

– Kỹ năng vốn có của cá nhân (khả năng tự nhận biết và tự xử lý của cá nhân, có thể thống nhất điều chỉnh thế giới nội tâm của mình, đặc biệt là sự phân biệt và điều chỉnh tình cảm, cảm xúc);

– Kỹ năng quan sát tự nhiên (khả năng quan sát và phân biệt động vật, thực vật, khoáng vật, và khả năng phân tích chỉnh thể các hoạt động của con người bao gồm văn hóa, hành vi, môi trường).

Nếu bạn cảm thấy 8 kỹ năng này khá trừu tượng và không biết phải làm thế nào để truyền đạt cho trẻ thì bạn có thể bắt đầu bằng những trò chơi. Bởi vì trẻ ham chơi, mà trong giai đoạn này, việc “chơi mà học” chính là phương pháp học tập duy nhất của trẻ, cũng là phương pháp dạy dỗ tốt nhất mà bố mẹ nên triển khai.

Những trò chơi đơn giản, khoa học, trí tuệ

Việc chơi cùng với trẻ thực ra rất đơn giản! Trong cuốn sách này, mỗi giai đoạn, mỗi trò chơi đều có 6 khâu là hướng giáo dục kỹ năng, công việc chuẩn bị trò chơi, độ tuổi phù hợp của trò chơi, các bước thực hiện trò chơi, lời khuyên cho từng trò chơi và phát triển trí tuệ. Đảm bảo các phụ huynh có thể đọc hiểu, dạy tốt, chơi vui mà kiến thức trẻ thu được không hề ít.

Chỉ cần bạn theo sát sự phát triển trí tuệ của trẻ ở từng giai đoạn, dựa vào những trò chơi khoa học của chúng tôi, mỗi ngày bỏ ra 5 đến 10 phút chơi cùng trẻ, trò chuyện với trẻ, vận động cùng trẻ, là con bạn có thể có cơ hội tiếp thu lượng lớn thông tin và được trang bị đầy đủ 8 kỹ năng cần thiết cho sự phát triển một cách hiệu quả!

Chúc bạn càng chơi càng vui, chúc trẻ càng chơi càng thông minh!

ĐỌC THỬ

TRÒ CHƠI PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CỦA TRẺ TỪ 0 – 6 THÁNG TUỔI

TỪ 0 – 3 THÁNG
CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ Ở GIAI ĐOẠN NÀY

Phát triển khả năng vận động: Khi nằm sấp, trẻ có thể làm được động tác bò; khi nhìn thấy mặt người khác, giảm hoạt động; khi được bế, trẻ sẽ biểu hiện tư thế mang tính đặc trưng đó là cuộn chặt giống một chú mèo con.

Đặc điểm phát triển trí tuệ: Trẻ có phản ứng với độ sáng tối, với kích thích nóng lạnh; khi nghe thấy âm thanh sẽ có động tác nhỏ, còn biết nhìn chăm chú, lâu nhưng không hài hòa; còn tồn tại một số phản xạ có điều kiện như ôm, mút, ngáp…

Đặc điểm khả năng ngôn ngữ: Đặc trưng khóc sẽ thay đổi theo hoàn cảnh, có thể phát ra một số âm thanh như “i a”. Khi người lớn nói chuyện hoặc ôm trẻ, trẻ sẽ tỏ ra rất chăm chú không phát ra âm thanh gì.

Đặc điểm phát triển tình cảm: Khi không hài lòng trẻ sẽ khóc, nhưng không có nước mắt; khi nhu cầu được đáp ứng trẻ sẽ tỏ ra hài lòng.

Thói quen sinh hoạt và khả năng tự chăm sóc: Thời gian ngủ tương đối dài, một ngày ngủ khoảng 20 tiếng, dần dần học được “xin đi tè”.

Các điểm quan trọng rèn luyện trò chơi thông minh cho trẻ ở giai đoạn này: Khi chào đời, cơ thể của trẻ sẽ bắt đầu khả năng phát triển nhanh chóng, khả năng nhận biết, khả năng tư duy, phát triển và kiểm soát cơ thể cũng như khả năng biểu đạt tình cảm và giao tiếp xã hội đều phát triển với tốc độ cao. Những thay đổi này của trẻ sẽ dựa vào sự hỗ trợ và hướng dẫn của bố mẹ trong sinh hoạt thường ngày. Do đó, điểm quan trọng cần chú ý để bố mẹ hướng dẫn trẻ chơi trò chơi trong giai đoạn này chính là khả năng nhận thức, khả năng tư duy, khả năng phát triển và kiểm soát cơ thể.

NHÌN ĐỒ CHƠI

Bồi dưỡng kỹ năng:

Trò chơi này có thể giúp trẻ cảm nhận được thế giới hoàn toàn mới nếu ở vị trí cơ thể thích hợp. Hơn nữa, trò chơi sẽ làm cho trẻ cố gắng vươn đầu hoặc chuyển động đầu để nhìn, từ đó làm cho vùng cổ của trẻ được tập luyện, dần dần sẽ giữ được trọng lượng của phần đầu.

Độ tuổi thích hợp:

Trẻ mới sinh.

Chuẩn bị trò chơi:

Đồ chơi nhỏ có màu sắc sặc sỡ, hình dạng rõ ràng.

Phương pháp, các bước thực hiện:

Trẻ nằm ngửa trên giường, mẹ ngồi đối diện và cười với trẻ, cách trẻ khoảng chừng 20 đến 30 cm, cho trẻ nhìn đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, có hình dạng rõ ràng (ví dụ như màu đỏ, màu vàng).

Trò chơi này nên thực hiện mỗi ngày từ 2 đến 3 lần, mỗi lần kéo dài liên tục khoảng 15 giây.

Lời khuyên

1. Với bất kỳ đồ chơi nào, bố mẹ đều phải gây sự chú ý cho trẻ bằng cách liên tục thay đổi. Bởi vì nghiên cứu khoa học phát hiện ra rằng thời gian trẻ nhìn vào hình mới sẽ lâu hơn hình cũ, quá trình này chứng tỏ trẻ có ký ức về hình đã từng nhìn.

2. Khi bố mẹ cầm đồ chơi lắc qua lắc lại thì đừng lắc quá mạnh, cần phải hướng dẫn tầm nhìn của trẻ dịch chuyển từ từ, tạo sự chú ý cho trẻ một cách từ từ.

Phát triển trí tuệ

Đợi đến khi trẻ dần dần quen với đồ chơi này, bố mẹ có thể lắc đồ chơi từ từ sang trái, sang phải, nhằm bồi dưỡng khả năng theo dõi thị giác của trẻ.

Bố mẹ có thể đứng bế trẻ, dùng tay phải đỡ lấy phần đầu trẻ, để trẻ không ngoái ra đằng sau. Thử để trẻ quan sát tranh và đồ chơi treo xung quanh tường trong phòng ở đằng sau từ bên vai trái của bạn.

TAY XINH NẮM NẮM

Bồi dưỡng kỹ năng:

Hướng dẫn trẻ luyện tập vận động vùng tay, học được cách duỗi và nắm chặt ngón tay, biết cách khép và sử dụng đồng thời hai tay, tiếp tục luyện tập sử dụng cả tay và mắt, tập thay đổi động tác của tay.

Độ tuổi thích hợp:

Nửa tháng tuổi trở lên.

Chuẩn bị trò chơi:

Bộ quần áo, chăn hoặc đồ chơi nhỏ, vừa vặn.

Phương pháp và các bước thực hiện:

1. Khi trẻ đưa tay ra, mẹ phải vuốt ve bàn tay trẻ, đặt ngón tay mình lên trên lòng bàn tay của trẻ giúp trẻ luyện tập cách cầm bằng cách thử để cho tay của trẻ nắm chặt ngón tay mẹ.

2. Khi trẻ được 2 tháng tuổi, hãy cho trẻ thử cầm nắm đồ chơi, sờ vào quần áo của mẹ hoặc các đồ vật chất liệu khác nhau để tăng cường xúc giác cho trẻ.

3. Trẻ 3 tháng tuổi rất hay nhìn bàn tay của mình, đồng thời biết cách sờ vào các mép quần áo nhỏ, giường nhỏ, chăn nhỏ mà trẻ tiếp xúc.

Lời khuyên

1. Đồ vật mà trẻ cầm nắm phải mềm, tốt nhất là không được có nút, cúc để tránh làm cho trẻ bị thương.

2. Thời gian cầm nắm đồ chơi và chơi của trẻ không nên kéo dài, thời gian lâu nhất không được quá 5 phút.

Phát triển trí tuệ

Quá trình luyện tập tay không chỉ giúp trẻ phát triển cơ thịt và khả năng vận động, mà còn có thể thúc đẩy quá trình phát triển trí tuệ toàn diện của trẻ.

Do đó, mẹ có thể thử vừa hát vừa vỗ tay cho trẻ nghe và xem, như vậy trẻ sẽ tự học được cách quơ quơ đôi tay nhỏ xíu của mình, từ đó phát triển khả năng cảm nhận tiết tấu của âm nhạc.

NGHE ÂM THANH

Bồi dưỡng kỹ năng:

Trò chơi này giúp trẻ tiếp xúc với âm thanh, quen với âm thanh, từ đó nâng cao khả năng ghi nhớ thính giác của trẻ, xây dựng liên kết ngôn ngữ quan trọng, bồi dưỡng khả năng trí tuệ không gian thị giác, kích thích và thúc đẩy sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ của trẻ.

Độ tuổi thích hợp:

Trẻ mới sinh.

Chuẩn bị trò chơi:

Thanh xúc xắc hoặc là hộp nhạc.

Phương pháp và các bước thực hiện:

1. Thực hiện trò chơi khi trẻ vui. Lúc đó bạn hãy ôm trẻ hoặc để trẻ nằm trong nôi.

2. Dùng thanh xúc xắc có âm thanh nhẹ nhàng (hoặc hộp nhạc) để chơi đùa với trẻ, thanh xúc xắc (hoặc hộp nhạc) có thể quay liên tục, thu hút sự chú ý của trẻ, đồng thời khiến trẻ nghe được tiếng nhạc du dương.

Lời khuyên

1. Âm nhạc của thanh xúc xắc (hoặc hộp âm nhạc) tốt nhất là nhạc của hai bài khác nhau trở lên.

2. Mẹ còn có thể cho trẻ nghe âm nhạc nhẹ nhàng du dương hoặc âm nhạc thai giáo. Mẹ có thể thay đổi âm điệu, dùng âm cao, âm thấp, âm trầm, nhưng nhất định phải nhẹ nhàng, dịu dàng, thể hiện được tình yêu thương.

3. Khi trẻ nghe nhạc, bố mẹ có thể đặt thanh xúc xắc (hoặc hộp nhạc) ở cạnh tay của trẻ, rèn luyện khả năng cầm nắm của trẻ. Lúc mới đầu, có thể trẻ không quen nên bố mẹ hãy nắm tay trẻ để hướng dẫn.

Phát triển trí tuệ

Bố mẹ có thể tìm băng nhạc thai giáo cho trẻ nghe lúc mang thai để bật cho trẻ nghe theo giờ định sẵn, để trẻ nhớ lại nhạc đã từng nghe. Bố mẹ hãy bật các bài hát ru cho trẻ nghe trước khi ngủ, còn nhạc thiếu nhi và hành khúc có thể bật nghe vào ban ngày khi trẻ thức giấc. Bài hát mẹ đã từng cho thai nhi nghe trong thời gian mang bầu cũng có thể bật lại cho trẻ nghe khi trẻ thức giấc.

Nghiên cứu cho thấy, trẻ được nghe lại nhạc thai giáo sẽ củng cố trí nhớ âm nhạc, có thể khơi dậy khả năng cảm hứng với cái đẹp của não phải. Nếu trẻ không luyện tập nghe âm nhạc từ hồi thai giáo, thì ảnh hưởng của thai giáo sẽ bị mất đi trong nửa năm.

Ú ÒA

Bồi dưỡng kỹ năng:

Trò chơi này giúp rèn luyện trí nhớ ban đầu và nâng cao khả năng chú ý của trẻ. Đồng thời nó cũng giúp nâng cao khả năng nhận thức và khả năng tư duy cho trẻ, giúp trẻ trải nghiệm được sự tồn tại lâu bền và thường trực của sự vật.

Độ tuổi thích hợp:

Trẻ mới sinh.

Chuẩn bị trò chơi:

Khăn tay, khăn bông tắm (hoặc miếng vải nhỏ).

Phương pháp và các bước thực hiện:

1. Khi trẻ nằm ngửa hoặc nằm sấp, tốt nhất để trẻ nằm ngửa, mẹ áp sát mặt lại gần trẻ, cách trẻ khoảng 30 cm.

2. Đợi đến khi trẻ chú ý, mẹ hãy dùng khăn tay (khăn bông) để che mặt lại và nói với trẻ: “Mẹ đi mất rồi, mẹ đâu rồi nhỉ?”

3. Khi trẻ suy nghĩ, thì mẹ hãy nhấc khăn tay (khăn bông) ra và thò mặt ra cho trẻ nhìn thấy.

4. Làm lại nhiều lần, khi trẻ chú ý đến khuôn mặt của bạn thì bạn hãy nói với trẻ rằng: “Mẹ ở đây.”

Lời khuyên

1. Các mẹ chú ý không được che mặt quá lâu nhé.

2. Nếu trẻ khóc vì khuôn mặt của mẹ biến mất đột ngột quá thì các lần sau, mẹ hãy thực hiện động tác chậm lại một chút, để cho trẻ biết bạn đang làm gì.

3. Trước khi trẻ hiểu được quy tắc khá cơ bản của trò chơi này, các mẹ không nên đổi trò chơi khác, tránh gây ra cảm giác khó khăn cho trẻ.

Phát triển trí tuệ

Trò chơi trên đây cũng có thể chơi như sau:

Cách thứ nhất: Mẹ có thể lấy khăn che khuôn mặt của trẻ, sau vài giây thì dịch chuyển khăn và nói với trẻ: “Mẹ ở đây cơ mà!”

Cách thứ hai: Đợi đến khi trẻ học được cách chơi hai trò chơi trên, mẹ có thể dùng khăn để che khuôn mặt của búp bê, để mình và trẻ cùng chơi trò này.

CƯỜI ĐÙA

Bồi dưỡng kỹ năng:

Trẻ học cười đùa càng sớm thì càng thông minh. Trò chơi này có thể giúp trẻ hình thành tính cách lạc quan và thúc đẩy trí não phát triển.

Độ tuổi thích hợp:

1 tháng tuổi.

Chuẩn bị trò chơi:

Không.

Phương pháp và các bước thực hiện:

1. Mẹ bế trẻ, xoa nhẹ cơ thể trẻ, vuốt nhẹ khuôn mặt trẻ, dùng giọng nói và động tác vui vẻ để truyền cảm hứng cho trẻ.

2. Bố mẹ thường xuyên chơi đùa cùng trẻ, làm mặt xấu để trẻ cười thành tiếng.

3. Các bà mẹ cũng có thể cười phát ra tiếng, như vậy sẽ bắt chước và cười tiếng giống người lớn

Lời khuyên

1. Kể từ ngày đầu tiên khi trẻ chào đời, các bà mẹ đã có thể trêu đùa trẻ. Có trẻ sau khi chào đời khoảng 20 ngày đã có thể chơi trò chơi này, thường sau khi đầy tháng trẻ đã có thể phát ra tiếng, có trẻ cá biệt thì chậm hơn một chút.

2. Trẻ thường xuyên có người trêu đùa và được sống trong không khí vui vẻ sẽ biết cười sớm hơn. Trẻ hay cười sẽ dễ kết bạn và được mọi người yêu quý, trẻ sẽ hạnh phúc hơn trong cuộc sống sau này.

3. Không nên trêu đùa trẻ quá mức, vì như vậy sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Bởi vì lúc này trẻ thiếu ý thức tự kiểm soát bản thân, nếu trẻ bị trêu đùa cười không dứt rất có thể sẽ bị ngạt thở, thiếu khí, gây ra xuất huyết não tạm thời, tổn hại đến chức năng não, có thể sẽ gây ra chứng nói lắp. Đồng thời, khi trẻ há miệng quá to để cười sẽ dễ bị sái khớp hàm dưới. Ngoài ra, không nên trêu trẻ cười trước khi đi ngủ vì sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

Phát triển trí tuệ

Khi chơi đùa cùng trẻ, bố mẹ phải chú ý quan sát xem trẻ thuộc đối tượng nào, là trẻ kiểu thị giác, kiểu xúc giác hay là kiểu thính giác, từ đó tìm ra phương thức chơi đùa thích hợp, có hiệu quả cao đối với trẻ. Ví dụ, có một số trẻ là “trẻ thuộc loại thị giác”, thích nhất là trò chơi trốn mèo con, hoặc là rất thích mẹ làm trò mặt xấu; trẻ thuộc loại “trẻ xúc giác” sẽ cười lớn nếu mẹ thổi vào da bụng hoặc cù nhẹ vào nách trẻ; còn có trẻ là “trẻ thuộc loại thính giác” thì rất mẫn cảm với tiếng hát hoặc một vài âm thanh đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày.

PHÁT ÂM VÀ BẮT CHƯỚC

Bồi dưỡng kỹ năng:

Khuyến khích trẻ phát âm và học được cách dùng âm thanh để hưởng ứng với người khác, tạo nền tảng cho việc tập nói sau này. Đồng thời có thể thúc đẩy trẻ hiểu được ngôn ngữ, gia tăng giao lưu tình cảm. Thêm vào đó bố mẹ phải kịp thời trả lời trẻ, để trẻ có cảm giác tin tưởng bố mẹ, sau này trẻ mới có thể tin tưởng được người khác.

Độ tuổi thích hợp:

1 tháng tuổi.

Chuẩn bị trò chơi:

Không.

Phương pháp và các bước thực hiện:

1. Khi trẻ khóc, các bà mẹ cũng nên dùng âm thanh tương tự để phản hồi lại, trẻ sẽ nhanh chóng nín khóc. Trẻ sẽ lắng nghe xem rốt cục là mình khóc hay người khác đang khóc.

2. Một lát sau, trẻ sẽ lại khóc lên vài tiếng để chứng thực xem có phải tiếng của mình không, lúc này sẽ xuất hiện phát âm ngoài tiếng khóc.

3. Lúc này bố mẹ phải kịp thời nói chuyện với trẻ, đặc biệt là khi thay tã lót, tắm, cho bú sữa, để khơi dậy cảm hứng và khả năng bắt chước của trẻ. Thông thường lúc này trẻ sẽ khóc quấy, mẹ có thể vừa xoa nhẹ bụng trẻ, vừa nói chuyện an ủi trẻ, như vậy trẻ sẽ nhanh chóng yên lặng trở lại.

Lời khuyên

1. Có khi trẻ không bằng lòng cũng sẽ khóc, nếu không lấy được đồ chơi, chân bị quần áo gây cản trở cũng sẽ kêu lớn để có người đến giúp đỡ, lúc này các mẹ nhất định phải kịp thời phản hồi lại trẻ.

2. Bố mẹ phải thường xuyên trò chuyện với trẻ, hướng dẫn trẻ biết kêu gọi, khiến cho trẻ phát ra các âm thanh khác nhau để thể hiện các yêu cầu khác nhau. Khi bố mẹ nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ há miệng để bắt chước phản hồi, sau đó sẽ phát ra tiếng “u, ươ” nho nhỏ, đôi khi cao hứng lại phát ra âm thanh “à, ơ” hoặc “a không”, các bà mẹ cũng có thể bắt chước, để trẻ phát ra âm thanh hưởng ứng cao hơn, to hơn.

Phát triển trí tuệ

Khi trẻ phát âm hoặc khóc quấy, bố mẹ phải kịp thời phản hồi lại. Bởi vì tiếng gọi của trẻ (phát âm) cũng giống như ngôn ngữ, nếu được bố mẹ lý giải và phản ứng lại thì trẻ sẽ muốn gọi hơn và biểu đạt của trẻ sẽ ngày càng rõ ràng, chính xác hơn.

Các bà mẹ phải hướng dẫn trẻ phát ra các âm thanh khác nhau, biểu đạt các yêu cầu khác nhau, để trẻ có thể dùng âm thanh, tư thế và ngôn ngữ giao lưu với mọi người.

HÁT CÙNG TRẺ

Bồi dưỡng kỹ năng:

Trò chơi này có thể giúp trẻ phát triển thính giác đồng thời bồi dưỡng cảm giác vui vẻ của trẻ, giúp trẻ xác định được vị trí nguồn âm thanh.

Độ tuổi thích hợp:

Trên 1 tháng tuổi.

Chuẩn bị trò chơi:

Các bài hát dành cho trẻ nhỏ.

Phương pháp và các bước thực hiện:

1. Các mẹ phải định giờ hát cho trẻ nghe (chủ yếu là các bài hát thiếu nhi, vừa đơn giản, vừa dễ nghe để sau này trẻ có thể học được dễ dàng).

2. Mẹ có thể vừa khe khẽ hát, vừa lắc nhẹ theo nhịp. Nếu mẹ bế chặt trẻ rồi lắc khẽ hoặc bước vòng tròn, thì thay đổi cảm giác khi chuyển động này có thể khiến cho trẻ được rèn luyện cân bằng các cơ quan, rất tốt cho việc ngồi, đứng, đi lại của trẻ sau này.

3. Khi dừng hát, các bà mẹ có thể quan sát nét mặt trẻ, thái độ khoa trương một chút, để trẻ chú ý đến biểu đạt của mẹ, đây chính là khởi nguồn cho tiền đình của trẻ.

Lời khuyên

1. Âm thanh quá lớn, động tác quá mạnh của mẹ sẽ khiến trẻ sợ hãi, do đó mẹ phải chú ý mức độ trò chơi khi chơi đùa với trẻ.

2. Nếu bố và mẹ có thể hát cùng trẻ thì hiệu quả sẽ càng cao hơn nữa. Ngoài ra, các ông bố cũng có thể dùng tiếng hát trầm thấp để giúp trẻ cảm nhận được một cung bậc khác.

Phát triển trí tuệ

Có thể phát triển trò chơi này bằng cách dùng một cái khăn tắm dài, bố và mẹ lần lượt nắm chắc hai góc trái phải ở mỗi đầu của khăn tắm, để trẻ ngủ trên khăn tắm đó, đầu kê cao, chân để thấp, để trẻ được lắc lư theo khăn. Khăn cách đệm dưới đất khoảng 10-15 cm, phải nắm chắc, lắc nhẹ, cung độ phải nhỏ.

Gợi ý các bài hát thiếu nhi hoặc đồng dao: Bà còng đi chợ trời mưa, Con cò bé bé, Một con vịt[1]…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button