Chuyên ngành

Trật Tự Thế Giới

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Henry Kissinger

Download sách Trật Tự Thế Giới ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Giới thiệu CÂU HỎI VỀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI

Năm 1961, khi còn là một học giả trẻ, tôi ghé thăm Tổng thống Harry S. Truman nhân dịp tôi có bài phát biểu ở thành phố Kansas. Khi tôi hỏi điều gì trong nhiệm kỳ tổng thống khiến ông tự hào nhất, Truman trả lời: “Đó là chúng ta đã đánh bại hoàn toàn kẻ thù và đưa họ trở lại với cộng đồng các quốc gia. Tôi nghĩ chỉ có Mỹ mới có thể làm được điều này.” Ý thức về sức mạnh khổng lồ của Mỹ, Truman tự hào hơn hết về các giá trị nhân đạo và dân chủ của nó. Ông muốn được mọi người nhớ đến vì những cuộc hòa giải của Mỹ hơn là vì các chiến thắng của nó.

Tất cả những tổng thống kế nhiệm sau Truman đều nói tương tự như vậy cách này hay cách khác, và lấy làm tự hào về các đặc tính tương tự của nước Mỹ. Và trong hầu hết giai đoạn này, cộng đồng các quốc gia mà họ cố duy trì, phản ánh sự đồng thuận Mỹ – không ngừng mở rộng không gian trật tự mang tính hợp tác của các quốc gia trong việc tuân thủ những quy ước và chuẩn mực chung, theo đuổi hệ thống kinh tế tự do, phản đối xâm chiếm lãnh thổ, tôn trọng chủ quyền quốc gia và áp dụng hệ thống nhà nước dân chủ và có sự tham gia của người dân. Các tổng thống Mỹ của cả hai đảng, thường với sự mãnh liệt và thuật hùng biện, đã tiếp tục thúc giục các chính phủ khác duy trì và tăng cường nhân quyền. Trong nhiều trường hợp, việc Mỹ và các đồng minh bảo vệ những giá trị này đã khởi đầu những thay đổi quan trọng trong điều kiện sống của con người.

Tuy nhiên, ngày nay, hệ thống “dựa trên quy tắc” này đang phải đối mặt với những thách thức. Những lời kêu gọi thường xuyên, yêu cầu các nước thực hiện “phần việc công bằng của họ” tham gia theo “quy tắc của thế kỷ 21” hay là “các bên liên quan có trách nhiệm” trong một hệ thống chung, phản ánh một thực tế rằng không có định nghĩa chung về hệ thống này hoặc sự hiểu biết về một đóng góp “công bằng” nghĩa là gì. Bên ngoài thế giới phương Tây, các khu vực – trước đây hầu như không có vai trò nào trong việc hình thành những quy tắc này – đặt câu hỏi về tính hợp lệ của chúng trong hình thức hiện tại, và thể hiện rõ rằng họ sẽ tìm cách để thay đổi chúng. Như vậy, mặc dù “cộng đồng quốc tế” có lẽ là cụm từ được kêu gọi tha thiết vào lúc này hơn bất kỳ thời đại nào khác, nó không hề cho thấy một tập hợp các mục tiêu, phương pháp hay giới hạn rõ ràng hoặc được thống nhất.

Thời đại của chúng ta khăng khăng theo đuổi một khái niệm về trật tự thế giới đôi khi gần như đến mức tuyệt vọng. Sự hỗn loạn chực chờ đe dọa sự tương thuộc chưa từng có trước đây: sự phổ biến của vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự tan rã của các quốc gia, sự ảnh hưởng của môi trường bị phá hoại, sự tồn tại dai dẳng của những hành động mang tính diệt chủng, và sự lan tràn của những công nghệ mới có nguy cơ gây ra xung đột ngoài tầm kiểm soát hay nhận thức của con người. Những phương pháp mới trong việc tiếp cận và truyền đạt thông tin liên kết các khu vực lại với nhau hơn bao giờ hết và phóng chiếu những sự kiện trên quy mô toàn cầu – nhưng bằng cái cách không để người ta có thời gian suy ngẫm, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải thể hiện những phản ứng tức thời qua các khẩu hiệu. Liệu chúng ta có đang phải đối mặt với một giai đoạn mà các lực lượng quyết định tương lai là những lực lượng vượt ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ trật tự nào?

Tính đa dạng của trật tự thế giới

Không một “trật tự thế giới” mang tính toàn cầu đích thực nào đã từng tồn tại. Những gì tạo nên trật tự trong thời đại chúng ta đã được lập ra ở Tây Âu gần bốn thế kỷ trước đây ở Westphalia của Đức, tại một hội nghị hòa bình được tổ chức mà hầu hết các châu lục hoặc các nền văn minh khác đã không được tham gia hay thậm chí là không biết gì về nó. Một thế kỷ xung đột giáo phái và biến động chính trị trên khắp Trung Âu đã lên đến đỉnh điểm với cuộc Chiến tranh Ba mươi năm1 (1618-1948) – một đại họa trong đó có cả những tranh chấp chính trị và tôn giáo, các bên tham chiến phải viện đến “chiến tranh tổng lực” để chống lại những trung tâm dân số; gần một phần tư dân số của Trung Âu chết vì chiến tranh, bệnh tật hoặc nạn đói. Các bên tham chiến kiệt quệ, gặp nhau để xác định một loạt các thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự đổ máu. Sự thống nhất tôn giáo đã bị rạn nứt với việc Tin Lành sống sót và lan rộng; đa nguyên chính trị trở thành thuộc tính của một số thực thể chính trị độc lập đã chiến đấu tới kỳ cùng. Vì vậy, ngay tại châu Âu, những tình trạng của thế giới đương đại là gần như tương đồng: nhiều thực thể chính trị khác nhau cùng tồn tại, không cái nào đủ mạnh để đánh bại tất cả những cái khác, nhiều thực thể tuân theo những triết lý và thông lệ mâu thuẫn, tìm kiếm những quy tắc trung lập để điều chỉnh hành vi của họ và giảm thiểu xung đột.

Hòa ước Westphalia2 phản ánh một quá trình điều chỉnh thực dụng theo sát với thực tế, chứ chẳng phải một sự thấu thị về đạo đức đặc biệt nào. Nó dựa trên một hệ thống các quốc gia độc lập cố gắng hạn chế can thiệp vào công việc nội bộ lẫn nhau và kiểm soát tham vọng của nhau thông qua một trạng thái cân bằng chung về quyền lực. Trước đó, trong các trận giao tranh ở châu Âu, chưa hề có bất kỳ tuyên bố khẳng định chân lý hay quy luật phổ quát nào… Thay vào đó, mỗi quốc gia được giao quyền chủ quyền trên lãnh thổ của mình. Mỗi quốc gia sẽ thừa nhận những cơ cấu nội bộ và thiên hướng tôn giáo của những quốc gia khác như hiện tồn và kiềm chế thách thức sự tồn tại của những quốc gia này. Bằng sự cân bằng quyền lực hiện được coi là hợp theo quy luật tự nhiên và đáng mong muốn, tham vọng của những người trị vì là họ sẽ được đặt trong thế đối trọng với nhau, từ đó giới hạn phạm vi của các cuộc xung đột ít nhất là về mặt lý thuyết. Phân chia và đa dạng, một sự ngẫu nhiên trong lịch sử của châu Âu, đã trở thành điểm nổi bật của một hệ thống trật tự quốc tế mới với quan điểm triết học riêng biệt. Trong ý nghĩa này, nỗ lực của châu Âu nhằm chấm dứt đại họa của nó đã định hình và báo trước một cảm giác hiện đại: nó dè dặt trong việc phán đoán về tính tuyệt đối để ủng hộ cái thực tiễn và Đại kết3; nó tìm cách đúc kết trật tự từ sự đa dạng và kiềm chế.

Những nhà đàm phán thế kỷ 17 lập nên Hòa ước Westphalia không hề nghĩ rằng họ đã đặt nền móng cho một hệ thống được áp dụng toàn cầu. Họ không hề có ý định mời Nga láng giềng, khi đó đang củng cố lại trật tự riêng của mình sau “Thời kỳ Rối ren”4 ác mộng bằng cách theo đuổi các nguyên tắc hoàn toàn mâu thuẫn với sự cân bằng theo Hòa ước Westphalia: một nhà cai trị tuyệt đối duy nhất, một tôn giáo chính thống thống nhất và một kế hoạch bành trướng lãnh thổ về mọi hướng. Và những trung tâm quyền lực lớn khác cũng không coi các dàn xếp trong Hòa ước Westphalia (nếu họ biết đến nó) có liên quan đến các khu vực riêng của họ.

Ý tưởng về trật tự thế giới đã được các chính khách thời đó áp dụng trong phạm vi địa lý mà họ biết tới – một mô hình lặp đi lặp lại ở những khu vực khác. Điều này phần lớn là do công nghệ thịnh hành lúc đó không khuyến khích hoặc thậm chí không cho phép một hệ thống toàn cầu duy nhất hoạt động. Không có những phương tiện để tương tác với nhau thường xuyên, không có khuôn mẫu để đo lường sức mạnh của một khu vực này so với khu vực khác, mỗi khu vực coi trật tự riêng của mình là vô song và coi những khu vực khác là “man di,” những khu vực bị cai trị theo cách thức khó hiểu đối với hệ thống đã được thiết lập từ trước, chẳng liên quan gì đến thiết kế của hệ thống này ngoài việc là một mối đe dọa đối với nó. Mỗi khu vực tự coi mình như khuôn mẫu cho mô hình chính danh của cả nhân loại, và tưởng tượng rằng bằng việc cai quản những gì bày ra trước mặt, nó đang sắp đặt trật tự thế giới.

Đối lập với châu Âu, ở đại lục Âu-Á, Trung Quốc là trung tâm theo khái niệm tôn ti trật tự và phổ quát về mặt lý thuyết của riêng mình. Kể từ khi Đế quốc La Mã cai trị toàn bộ châu Âu, hệ thống này đã hoạt động hàng thiên niên kỷ và không dựa trên sự bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, mà dựa trên sự mở rộng lãnh thổ được coi là vô biên của Hoàng đế. Trong khái niệm này, chủ quyền theo nghĩa châu Âu không tồn tại, bởi Hoàng đế nắm quyền thống trị đối với “Thiên hạ.” Hoàng đế ở trên đỉnh của hệ thống tôn ti trật tự về chính trị và văn hóa, riêng biệt và phổ quát, từ trung tâm thế giới là kinh đô của Trung Quốc tỏa chiếu tới tất cả phần còn lại của nhân loại. Phần còn lại này được phân loại theo những mức độ “man di” khác nhau, tùy thuộc một phần vào sự thông thạo của họ đối với chữ viết và phong tục văn hóa Trung Quốc (một thế giới quan đã kéo dài trọn vẹn tới kỷ nguyên hiện đại.) Theo quan điểm này, Trung Quốc sẽ sắp đặt trật tự thế giới chủ yếu bằng cách dùng nền văn hóa vĩ đại và kinh tế dồi dào của mình để làm cho những xã hội khác khiếp sợ, đưa họ vào cái thế của những kẻ có thể bị cai trị nhằm mục tiêu “nhất thống thiên hạ.”

Trong phần lớn khu vực nằm giữa châu Âu và Trung Quốc, khái niệm phổ quát khác về trật tự thế giới của Hồi giáo đang thống trị, với quan điểm riêng về sự cai trị duy nhất được Thượng đế ban cho để thống nhất và bình định thế giới. Trong thế kỷ 7, Hồi giáo đã bành trướng qua ba châu lục trong một làn sóng vô tiền khoáng hậu nhằm xiển dương tôn giáo và bành trướng đế chế. Sau khi thống nhất thế giới Ả-rập, tiếp quản tàn dư của Đế quốc La Mã và hợp nhất Đế quốc Ba Tư, Hồi giáo tiến tới cai trị Trung Đông, Bắc Phi, nhiều dải đất lớn ở châu Á, và một phần châu Âu. Dưới cách nhìn của mình về trật tự thế giới, Hồi giáo có thiên mệnh là phải bành trướng khắp “vương quốc chiến tranh”, cách mà họ gọi tất cả các vùng đất do dân vô thần cư trú, cho đến khi cả thế giới là một hệ thống đơn nhất, không thể chia tách, được lời phán truyền của Đấng Tiên tri Mohammed làm cho hài hòa. Khi châu Âu xây dựng một trật tự đa quốc gia của mình, Đế quốc Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khôi phục lại tuyên bố này thành sự cai trị chính danh duy nhất và bành trướng uy quyền tối thượng của mình trên toàn khu vực trung tâm thế giới Ả-rập, Địa Trung Hải, các quốc gia vùng Balkan và Đông Âu. Đế quốc này nhận thức được trật tự giữa các quốc gia mới hình thành của châu Âu, và coi đây không phải là một mô hình mà là một nguồn cơn gây chia rẽ sẽ bị Đế quốc Ottoman khai thác để mở rộng lãnh thổ về phía tây. Như Sultan (Vua Hồi giáo) Mehmed-Kẻ Chinh phạt đã phủ dụ các thành bang của Ý khi họ đang thực hành phiên bản đầu tiên của sự đa cực vào thế kỷ 17, “Các ngươi có hai mươi bang… các ngươi bất đồng với nhau… Chỉ nên có một đế chế, một đức tin và một chủ quyền trên thế giới.”

Trong khi đó, ở bên kia Đại Tây Dương, một tầm nhìn khác biệt về trật tự thế giới đang được đặt nền móng ở “Tân Thế giới.” Khi những xung đột chính trị và giáo phái ở châu Âu nổ ra vào thế kỷ 17, những người Thanh giáo đã lên đường để vãn hồi kế hoạch của Thiên Chúa với một “chuyến đi sứ mệnh tới vùng hoang dã,” thứ sẽ giải thoát họ khỏi việc phải tuân thủ những cấu trúc uy quyền mà họ cho là đồi bại. Như Thống đốc John Winthrop giảng giải trên một con tàu tới định cư ở Massachusetts vào năm 1630, họ sẽ xây dựng ở đó một “thành phố trên đồi,” truyền cảm hứng cho thế giới thông qua sự công bằng trong các nguyên tắc và sức mạnh từ điển hình của thành phố này. Theo quan điểm của Mỹ về trật tự thế giới, hòa bình và cân bằng sẽ diễn ra tự nhiên, những hận thù xa xưa sẽ được gạt qua một bên một khi các quốc gia khác được trao quyền phát ngôn theo nguyên tắc tương tự như người Mỹ trong việc cai quản riêng của họ. Do đó, nhiệm vụ của chính sách đối ngoại không thiên về theo đuổi một lợi ích Mỹ đặc biệt nào mà thiên về sự gây dựng những nguyên tắc chung. Theo thời gian, Mỹ trở thành nước bảo vệ không thể thiếu cho trật tự mà châu Âu đã thiết kế. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ gia tăng ảnh hưởng trong nỗ lực này thì một mâu thuẫn vẫn cứ tồn tại dai dẳng, bởi tầm nhìn của Mỹ không dựa trên việc tiếp thu hệ thống cân-bằng-quyền-lực của châu Âu mà dựa trên việc đạt được hòa bình thông qua truyền bá những nguyên tắc dân chủ.

ĐỌC THỬ

Khi cuốn sách này được viết, trong số tất cả những khái niệm về trật tự trên, các nguyên tắc của Hòa ước Westphalia là cơ sở chung duy nhất được thừa nhận của một trật tự thế giới đang tồn tại. Hệ thống theo Hòa ước Westphalia lan rộng trên toàn thế giới như là khuôn mẫu cho một trật tự quốc tế dựa trên nền tảng các quốc gia có chủ quyền trải dài qua nhiều nền văn minh và khu vực, vì khi các quốc gia châu Âu mở rộng, họ mang theo bản thiết kế trật tự quốc tế của mình. Trong khi các quốc gia châu Âu đó thường phớt lờ việc áp dụng khái niệm chủ quyền đối với các thuộc địa và các dân tộc thuộc địa, thì các dân tộc này bắt đầu đấu tranh giành lại nền độc lập, dưới danh nghĩa các khái niệm trong Hòa ước Westphalia. Các nguyên tắc độc lập dân tộc, vị thế quốc gia độc lập có chủ quyền, lợi ích quốc gia, không can thiệp [vào công việc nội bộ của nhau] tỏ ra là những lập luận hiệu quả chống lại các nước thực dân trong những cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ cho các quốc gia mới được thành lập của họ từ đó về sau.

Hệ thống theo Hòa ước Westphalia toàn cầu hiện nay – theo thông lệ được gọi là cộng đồng thế giới – đã nỗ lực hạn chế tính chất vô chính phủ của thế giới bằng một mạng lưới rộng lớn các cơ cấu pháp lý và tổ chức quốc tế được thiết kế nhằm thúc đẩy thương mại mở cửa và một hệ thống tài chính quốc tế ổn định, thiết lập những nguyên tắc được chấp nhận về giải quyết các tranh chấp quốc tế và đặt ra giới hạn đối với việc tiến hành chiến tranh khi chúng xảy ra trên thực tế. Hệ thống những quốc gia này hiện nay bao gồm tất cả các khu vực và nền văn hóa. Các thể chế của nó đã mang lại khuôn mẫu trung lập cho sự tương tác giữa các xã hội đa dạng, hầu như độc lập với các giá trị tương ứng của chúng.

Tuy nhiên, các nguyên tắc của Hòa ước Westphalia đang bị thách thức trên tất cả các phương diện, đôi khi cũng dưới chính danh nghĩa trật tự thế giới. Châu Âu đã bắt đầu từ bỏ hệ thống quốc gia có chủ quyền mà nó thiết kế và vượt qua các giới hạn của hệ thống này bằng khái niệm chủ quyền chung. Và nghịch lý thay, mặc dù châu Âu đã thiết kế khái niệm cân-bằng-quyền-lực, nhưng nó đã chủ tâm và quyết liệt hạn chế yếu tố quyền lực trong các tổ chức mới của mình. Do đã hạ cấp năng lực quân sự của mình, châu Âu có rất ít cơ hội để ứng phó khi những chuẩn mực phổ quát bị coi thường.

Ở Trung Đông, các chiến binh thánh chiến (jihad) ở cả hai bên của sự chia rẽ hệ phái Sunni-Shia xâu xé xã hội và hủy diệt các quốc gia trong quá trình tìm kiếm viễn cảnh cách mạng toàn cầu dựa trên trào lưu tôn giáo chính thống của họ. Bản thân quốc gia độc lập – cũng như hệ thống khu vực dựa vào nó – lâm vào tình trạng nguy hiểm, bị tấn công bởi những ý thức hệ không thừa nhận các điều cấm của mình là bất hợp pháp và bởi phiến quân khủng bố mà ở một số nước còn mạnh hơn cả lực lượng vũ trang của chính phủ.

Trên một số phương diện, châu Á là khu vực thành công nhất trong các khu vực áp dụng khái niệm vị thế quốc gia độc lập có chủ quyền, nhưng nó vẫn hoài niệm các khái niệm trật tự khác và chao đảo vì những sự kình địch và yêu sách lịch sử giống như những gì đã từng khuấy đảo trật tự châu Âu ở thế kỷ trước. Gần như tất cả các nước đều coi mình “đang lên,” đẩy bất đồng tới nguy cơ đối đầu.

Mỹ đã đi từ việc bảo vệ hệ thống theo Hòa ước Westphalia đến chỗ khiển trách các tiền đề của nó về cân-bằng-quyền-lực và không can thiệp vào công việc nội bộ [của nhau] là trái luân lý và lỗi thời, và đôi khi lại vừa bảo vệ vừa trách cứ. Mỹ tiếp tục khẳng định các chuẩn mực của mình có mối liên quan chung trong việc xây dựng một trật tự thế giới hòa bình và nắm giữ quyền hậu thuẫn các chuẩn mực đó trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi rút khỏi ba cuộc chiến tranh trong hai thế hệ – mỗi cuộc bắt đầu với khát vọng lý tưởng và sự ủng hộ rộng rãi của công chúng nhưng đều kết thúc trong chấn thương tâm lý quốc gia – Mỹ nỗ lực xác định mối quan hệ giữa quyền lực (vẫn rộng lớn) và các nguyên tắc của nó. Tất cả các trung tâm quyền lực lớn đều vận dụng các yếu tố của trật tự theo Hòa ước Westphalia đến mức độ nào đó, nhưng không nước nào coi mình là người bảo vệ đương nhiên của hệ thống. Tất cả đều đang trải qua những thay đổi nội bộ quan trọng. Liệu các khu vực với những nền văn hóa, lịch sử và lý thuyết truyền thống về trật tự khác nhau như vậy có thể bảo vệ tính chính danh của bất kỳ hệ thống chung nào?

Thành công trong một nỗ lực như vậy sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận tôn trọng về cả sự đa dạng trong điều kiện sống lẫn cuộc tìm kiếm tự do muôn đời của con người. Trật tự theo nghĩa này phải được gây dựng chứ không thể bị áp đặt. Điều này đặc biệt đúng trong thời đại của truyền thông tức thời và dòng chảy chính trị cách mạng liên tục. Bất kỳ hệ thống trật tự thế giới nào muốn bền vững cần phải được chấp nhận là chính đáng – không chỉ bởi các nhà lãnh đạo, mà còn bởi các công dân. Nó phải phản ánh hai sự thật: trật tự mà không có tự do, dù được duy trì trong sự vui sướng trong khoảng thời gian ngắn ngủi, cuối cùng sẽ tạo ra đối trọng riêng của chính nó; và tự do không thể được bảo đảm hay duy trì nếu thiếu một khuôn khổ để gìn giữ hòa bình. Thay vì đôi khi được miêu tả như là các cực đối lập trên phổ kiến thức, trật tự và tự do nên được hiểu là phụ thuộc lẫn nhau. Liệu các nhà lãnh đạo ngày nay có thể vượt lên trên tính cấp thiết của các sự vụ hằng ngày để đạt được sự cân bằng này?

Tính chính danh và quyền lực

Một câu trả lời cho những câu hỏi trên phải giải quyết được ba cấp độ trật tự. Trật tự thế giới mô tả khái niệm được một khu vực hay một nền văn minh hiểu về bản chất của những sắp xếp chính đáng và sự phân chia quyền lực được cho là có thể áp dụng với toàn thế giới. Trật tự quốc tế là việc ứng dụng trong thực tế những khái niệm này trên một vùng rộng lớn của thế giới – đủ lớn để ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Trật tự khu vực liên quan đến những nguyên tắc tương tự áp dụng cho một khu vực địa lý xác định.

Bất kỳ một hệ thống nào trong những hệ thống trật tự này đều dựa trên hai thành phần: một bộ quy tắc được chấp nhận chung, xác định những giới hạn của hành động được phép làm và sự cân bằng quyền lực bảo đảm sự kiềm chế khi những quy tắc này bị phá vỡ, ngăn ngừa một thực thể chính trị này khuất phục tất cả các thực thể chính trị khác. Một sự đồng thuận về tính chính danh của các thỏa thuận hiện tại – hiện nay hay trong quá khứ – dù không loại trừ cạnh tranh hay đối đầu, nhưng sẽ góp phần đảm bảo nếu chúng xảy ra sẽ chỉ như những điều chỉnh nằm trong trật tự hiện tại chứ không trở thành những thách thức căn bản đối với trật tự này. Một sự cân bằng giữa các lực lượng không tự nó bảo đảm hòa bình, nhưng nếu được xây dựng và áp dụng triệt để, có thể giới hạn phạm vi và tần suất của những thách thức căn bản và hạn chế cơ hội thành công của những thách thức này khi chúng thực sự xảy ra.

Không một cuốn sách nào có thể hy vọng đề cập mọi cách tiếp cận lịch sử đối với trật tự quốc tế hay mọi quốc gia hiện đang chủ động định hình các vấn đề thế giới. Cuốn sách này chỉ cố gắng đề cập những khu vực mà khái niệm trật tự của chúng đã định hình hầu hết quá trình phát triển của kỷ nguyên hiện đại.

Sự cân bằng giữa tính chính danh và quyền lực là vô cùng phức tạp; khu vực địa lý mà sự cân bằng này được áp dụng càng nhỏ và niềm tin văn hóa bên trong khu vực địa lý đó càng gắn kết, thì càng dễ dàng đạt được một sự đồng thuận hoàn toàn khả thi. Nhưng trong thế giới hiện đại hôm nay, cần có một trật tự thế giới toàn cầu. Việc sắp xếp các chủ thể không liên quan về lịch sử hay các giá trị (ngoại trừ việc các chủ thể này chỉ gần nhau về mặt địa lý) và về căn bản tự xác định bởi giới hạn năng lực của mình có nguy cơ sẽ gây ra xung đột chứ không phải trật tự.

Năm 1971, trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của tôi nhằm tái lập quan hệ với Trung Quốc sau hai thập kỷ thù địch, tôi đã đề cập vấn đề này, rằng với phái đoàn Mỹ, Trung Quốc là một “vùng đất bí ẩn.” Thủ tướng Chu Ân Lai trả lời: “Các anh sẽ thấy Trung Quốc không hề bí ẩn. Khi các anh đã trở nên quen thuộc với nó, nó sẽ không có vẻ rất bí ẩn như trước.” Theo quan sát của ông, có 900 triệu người Trung Quốc và họ dường như có cuộc sống bình thường như ai. Trong thời đại chúng ta, cuộc tìm kiếm trật tự thế giới sẽ đòi hỏi phải đưa tới nhận thức về những xã hội mà trên thực tế phần lớn bị khép kín. Bí ẩn cần giải mã ở đây là bí ẩn mà mọi dân tộc cùng chia sẻ: những kinh nghiệm và giá trị lịch sử đa dạng có thể được định hình trong một trật tự chung như thế nào.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button