Chuyên ngành

Sống Tốt Với Nghề Báo

song tot voi nghe bao sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Benjamin Ngô

Download sách Sống Tốt Với Nghề Báo ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Dân gian có câu “Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài, bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo”. Vài năm trước, trong Tạp chí Nghề Báo có một bài đặt tựa thế này: “Nếu chịu khó, nghề báo sẽ không để bạn nghèo”.

Sau 18 năm làm báo, từ kinh nghiệm và vốn sống của mình, tôi nhận thấy nghề báo có thể tạo điều kiện cho bạn sống tốt và có những trải nghiệm thú vị xen lẫn những thương đau. Miễn là bạn hết lòng, hết sức để hoàn thành trọng trách người trung gian xã hội của mình.

Với cuốn sách này, tôi không có tham vọng viết một cuốn tự truyện hay sách dạy làm báo, cẩm nang nghiệp vụ đầy những lý thuyết giáo điều về nghề báo bởi thị trường sách đã có nhiều cuốn như vậy.

Thay vào đó, tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm cá nhân và một số bí quyết để một bạn trẻ mới ra trường có thể sống tốt, sống vui với nghề báo và có điều kiện nuôi dưỡng khát vọng cùng ngòi bút.

Trong cuốn sách The Elements of Journalism (Các yếu tố của báo chí), hai tác giả Bill Kovach và Tom Rosenstiel khẳng định: “Nghĩa vụ lớn nhất của người làm báo là nói sự thật”. Do vậy, trong cuốn sách này, tôi sẽ không né tránh những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc đời của một người làm báo, chẳng hạn: phong bì, nhuận bút, lương thưởng, mối quan hệ với đồng nghiệp, nguồn tin, nạn đạo bài, môi trường làm việc tại các tòa soạn, thách thức của người làm báo trong thời công nghệ thay đổi chóng mặt…

Hy vọng cuốn sách này sẽ truyền cảm hứng cho những bạn trẻ mới chập chững bước vào nghề báo. Qua những trang viết, bạn sẽ có thêm lòng tin để chấp nhận những được – mất và dám dấn thân cho ngòi bút của mình mỗi ngày thêm sắc bén, trang báo đậm tính nhân văn. Từ góc độ người đọc nói chung, bạn sẽ có được một cái nhìn rõ nét về giới phóng viên, nhà báo và hiểu hơn về những giá trị mà họ đóng góp sau mỗi câu chữ trên mặt báo.

BENJAMIN NGÔ

15 phút cà phê với Ben

Phúc Tiến

Hắn có cái tên cúng cơm rất quân tử, rất nghệ sĩ là Bá Nha. Nhưng rồi, số kiếp nào đó đẩy đưa hắn vào nghề báo, làm phóng viên, biên tập viên và thư ký tòa soạn. Tôi biết hắn từ khi hắn còn là một chú bé mặc quần xà lỏn chạy rông trong xóm. Đến giờ gặp lại, hắn đã ngấp nghé 40, vẫn còn chạy rông, nhe răng cười, tưng tửng: “Bây giờ em viết báo, viết sách và bán… iPhone”. Úi chà, hắn có chục quyển sách rồi đấy, đề tên Benjamin Ngô. Quyển gần đây nhất là quyển Thị dân 3.0. Quyển sắp ra là quyển Sống tốt với nghề báo, oách chưa? Tôi thấy cái tên Ben càng oách và trẻ trung nữa, cho nên tôi hỏi:

“Sống tốt với nghề báo”, tựa sách của Ben nghe có vẻ giống sách dạy nghề phóng viên?

– Ồ không, Sống tốt với nghề báo không phải là sách dạy nghề báo và Ben cũng chẳng có tham vọng trở thành giáo sư báo chí. Đơn giản đây là cuốn sách chia sẻ những trải nghiệm của một người trong cuộc, người đó nghĩ rằng những bài học mà mình rút ra từ thực tế của môi trường làm báo có thể giúp ích cho những bạn muốn làm nghề báo, mới vào nghề và cả những người quan tâm đến những câu chuyện phía dưới mặt báo.

Chu choa, nghề báo Việt Nam đã có gần 200 năm. Nếu chỉ tính từ năm 1975 đến giờ thì 40 năm, nhiều đời người. Trong 40 năm đó, Ben gặp bao nhiêu thế hệ làm báo? Quyển sách của Ben thu thập kinh nghiệm và thông tin của những thế hệ nào?

– Ben mới làm báo được 18 năm thôi, hiện giờ chỉ dám nhìn quanh quanh ba thế hệ: đàn anh/đàn chị, đồng trang lứa và đàn em. Quyển sách này chủ yếu thu thập thông tin từ thế hệ của Ben – những người tự học, tự tôi luyện từ môi trường báo chí vào cuối thập niên 1990 với nhiều thay đổi so với thế hệ đi trước. Chẳng hạn, sự tác động của giới PR vào báo chí, hay như sự hỗn độn của các trang tin điện tử câu view, những thách thức của việc đưa tin trong bối cảnh mạng xã hội đang chiếm ưu thế, công nghệ số trợ giúp việc tác nghiệp…

Thế hệ Ben có nghĩ rằng làng báo cũng chia làm nhiều loại, có “chiếu trên”, “chiếu dưới” không? Báo chí chính trị – xã hội – kinh tế là “chiếu trên”, nóng bỏng, toàn những vấn đề to tát. Còn tạp chí life style, mua sắm, tuổi teen, công nghệ, kể cả những báo lá cải là loại “chiếu dưới”, nóng bỏng không kém nhưng thuộc loại hiền lành, “ăn nhỏ nói khẽ”. Phân loại ngành nghề báo chí như thế có đúng không? Ben có cách phân loại nào khác?

– Nói thật, Ben không thích phân loại báo chí hay người làm báo thành các đẳng cấp hoặc mức độ khác nhau, sang hèn hay lớn nhỏ. Với Ben, điều đáng kể và quan trọng nhất cho người viết và bạn đọc là tờ báo có tử tế hay không? Tờ báo có đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc khi bỏ tiền ra mua hay không? Và người làm báo đó có tử tế hay không? Có tư cách, có đam mê nghề nghiệp hay không? Mặt khác, Ben thấy thích nếu làng báo đa dạng, có nhiều món hàng khác nhau, từ báo chính luận đến báo giải trí. Bởi vì người đọc không thể ăn có một thứ, nghe có một loại. Báo thời sự hay không thời sự, báo gì cũng được, miễn là tờ báo đó sống được nhờ tiền bán báo và tiền quảng cáo, chứ không phải xin xỏ ai hết. Còn người làm báo, dĩ nhiên viết gì đi nữa thì phải có nhân cách, phải được tôn trọng.

Ben đã trải qua những loại báo như thế nào?

– Trong 18 năm làm nghề, Ben may mắn được trải nghiệm ở báo của Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Cơ quan Xúc tiến Thương mại, báo của Công ty truyền thông, hợp tác măng sét(1) với báo ở Hà Nội, báo điện tử của một công ty truyền hình. Những trải nghiệm ấy giúp Ben linh hoạt, dễ thích ứng với môi trường báo chí mới, với những yêu cầu khác nhau về mặt truyền thông. Chẳng hạn, khi làm cho báo của công ty truyền thông, Ben mới cảm nhận hết thế nào là một bài báo đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc chứ không phải viết theo lối tuyên truyền.

Thế rồi sau chừng ấy năm lăn lộn qua nhiều cửa, Ben thử định nghĩa xem Nhà báo – ngươi là ai?

– Định nghĩa của Ben cũng là thông điệp mà Ben muốn gửi gắm qua cuốn sách này: Nhà báo là người sống tốt với nghề báo! Sống tốt ở đây có hai nghĩa: Sống không hổ thẹn vì một lúc nào đó đã phải bẻ cong ngòi bút, nói láo ăn tiền. Và sống được với thu nhập từ nhuận bút và lương thưởng.

Viết sách này, Ben mong muốn nói được điều gì lớn nhất? Ai nên đọc sách của Ben trước nhất?

– Ben mong muốn cuốn sách của mình sẽ đem đến một góc nhìn mới về nghề báo. Thị trường sách hiện nay đã có quá nhiều cuốn sách nghiệp vụ báo chí mang tính chính thống của những nhà báo tên tuổi và cả sách dịch. Ben biết cuốn sách của mình có thể gây tranh cãi khi đề cập đến những vấn đề mà người ta thường né tránh: phong bì, nạn đạo bài, giá trị thực của ngày 21/6… Khi viết cuốn này, Ben nhắm đến những người đọc đầu tiên là những bạn trẻ muốn làm báo và nghĩ đó là một nghề khá oai. Đồng thời, Ben cũng muốn nhắm đến những người quan tâm về nghề báo và giới phóng viên, nhà báo. Chắc hẳn họ muốn biết thế giới thật của người làm báo là gì, đằng sau những trang giấy trắng mực đen có điều gì ẩn giấu, và những trang sách của Ben kỳ vọng giải đáp điều đó.

Trong sách dường như Ben chưa nói nhiều đến những người viết báo về kinh tế, chính trị và xã hội. Lĩnh vực đó có gai góc, khó viết lắm không? Ben không trả lời câu hỏi này, chỉ cười lém lỉnh, xem chừng hắn khôn lắm, muốn nói: Hãy đợi đấy, xem tập tiếp theo! Thôi thì, 15 phút cà kê cũng đủ, phải cho hắn thời gian để chạy sô, tìm nơi in sách, bán sách nữa chứ…

ĐỌC THỬ

Phần 1. Được mất của nghề báo là gì?

Nghề này đem lại cho bạn những hân hoan, vui sướng khi cầm tờ báo còn thơm mùi mực trên tay, khi bạn đọc quan tâm, sếp khen mình viết bài có chất nhân văn giữa thời buổi mọi giá trị đảo lộn. Song nghề này cũng có lúc khiến bạn ê chề, cay đắng khi bài bị gác vào giờ chót bởi những lý do rất trời ơi: cơ quan chủ quản không thích một bài “nhạy cảm” như vậy, không được viết bài “nói xấu” người quen của sếp, bài có yếu tố bất lợi cho khách hàng quảng cáo…

Tìm Tử Kỳ qua những trang báo.

Những năm về sau trong nghề báo, tôi nhận ra rằng, việc đặt mục tiêu trở thành “nhà báo nhớn”, tên tuổi lẫy lừng là khá phù phiếm. Có chăng là ước vọng bạn đọc nhớ đến mình qua những bài báo đậm chất nhân văn và tư duy khoáng đạt.

“Ngô Bá Nha là tên thật hay là bút danh của anh? Anh đã tìm thấy Tử Kỳ chưa?”– đấy là câu hỏi mà tôi hay nhận được trong đời làm báo mỗi khi tiếp cận một người nào đó. Có người còn nửa đùa nửa thật tự nhận: “Tử Kỳ đây!”

Mỗi lần như vậy, tôi lại tự hào là ngày trước, ba tôi đã đặt cho tôi cái tên thật lạ, như thể ông nhìn thấy trước cái nghiệp cầm bút mà tôi sẽ theo đuổi. Với tôi, đời làm báo thật sự là những ngày sống giữa hai bài báo: một bài đã đăng và một bài đang hình thành. Và cứ thế, những bài báo cuốn tôi hối hả theo nhịp của đời sống xã hội.

Các bài báo tựa như những nhịp cầu, nối kết tôi với bạn đọc – những người đã tin yêu những bài báo ký tên Ngô Bá Nha. Qua những cú điện thoại, thư phản hồi sau các bài báo, bạn đọc đã và đang khiến tôi thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn để đảm đương tốt vị trí “trung gian xã hội” của người làm báo.

Để thực hiện các bài báo, đeo đuổi những đề tài, tôi đã có dịp đến nhiều nơi, gặp nhiều người, trải qua những thời khắc “hú vía” vì gặp phải trở ngại, vướng mắc trong lúc thu thập thông tin, áp lực vì thời hạn nộp bài ngặt nghèo…

Làm nghề báo, tôi biết mình phải mất công sức, thời gian để đầu tư cho ra sản phẩm báo chí đạt chất lượng nhưng bù lại, tôi cũng thấy mình được nhiều. Từ bài báo này sang bài báo khác, tôi dần trưởng thành, hiểu biết về nhiều lĩnh vực, có thêm những mối quan hệ xã hội và những người bạn.

Thấm thoắt mà đã 18 năm trôi qua, kể từ cái ngày tôi chập chững bước vào nghề báo với nhiều va vấp. Quãng thời gian đủ để đong đầy những kỷ niệm, trải nghiệm của một người trẻ sau một chặng đường làm báo. Có nhiều điều bên dưới mặt báo mà tôi muốn chia sẻ với những bạn đọc của tôi, với những ai muốn nghe tiếng nói tri âm của người trong cuộc.

Trong hành trình cầm bút của mình, tôi chưa bao giờ đếm mình đã viết được tất cả bao nhiêu tin, bài, cũng như nhận được bao nhiêu khoản tiền nhuận bút. Trong nghề này, số lượng hàng trăm, hàng ngàn bài báo không nói lên điều gì cả. Điều quan trọng là bài báo của bạn đem lại những giá trị gì, gợi mở suy nghĩ, làm sáng tỏ vấn đề đang gây tranh cãi, giúp người đọc tiếp cận góc nhìn mới về một vụ việc đã đi vào lối mòn…

Những năm về sau trong nghề báo, tôi nhận ra việc đặt mục tiêu trở thành “nhà báo nhớn”, tên tuổi lẫy lừng là khá phù phiếm. Có chăng là ước vọng bạn đọc nhớ đến mình qua những bài báo đậm chất nhân văn và tư duy khoáng đạt.

Và như vậy, mỗi ngày qua, tôi vẫn đang mải miết tìm “Tử Kỳ” qua những trang báo…

Nghề báo là việc tôi làm tốt nhất

Đã có những lúc gặp trúc trắc trong nghề báo, tôi “tự vấn”: Đây là việc mà mình sẽ làm suốt đời sao? Không phải là lần đầu tiên tôi đặt ra câu hỏi đó và các bạn đồng nghiệp hiểu tôi muốn nói gì.

Vào những buổi tối chạy về tòa soạn lúc 8-9 giờ đêm trong lúc đói “bạc mặt” để kịp bài viết cho số báo ra ngày hôm sau, và trở về nhà lúc gần nửa đêm trong khi các bạn cùng tuổi đang vui vẻ đi chơi, đôi khi tôi đã từng tự hỏi: Liệu mình có đủ sức đeo đuổi nghề báo suốt đời?

Nhưng rồi bao giờ cũng thế, chỉ ngày hôm sau, khi bài viết của mình xuất hiện trên mặt báo, hoặc khi nhận được những cuộc gọi phản hồi của bạn đọc, biết rằng bài báo của mình có ích cho mọi người, là câu hỏi đó không còn vương vấn nữa. Dĩ nhiên, đây là việc tôi yêu thích, là việc tôi làm tốt nhất, là việc tôi sẽ tiếp tục làm!

Theo tôi, một khi đã làm báo, bạn phải hiểu công việc của mình, xác định được vai trò của mình và làm công việc đó thật tốt. Phương Tây gọi báo chí là quyền lực thứ tư (bên cạnh các cơ quan hành pháp, lập pháp, tòa án). Tôi muốn nhìn nhận nghề báo từ một góc độ đơn giản hơn: người làm báo là người đi tìm sự thật và tường thuật lại sự kiện.

Dĩ nhiên, bạn không muốn làm người kể chuyện nông cạn thông thường, rằng chuyện như thế, ông ta nói thế này, bà ấy nói thế kia. Bạn muốn đào sâu, đi vào cội rễ, ngóc ngách của sự kiện, bạn muốn trình bày cho độc giả một tầm nhìn, giúp họ có đủ thông tin để đưa ra những phán xử riêng của mình.

Bạn sẽ không thể nhảy vào, ngồi chễnh chệ trong bài báo, rồi đưa ra những phán xét riêng của mình một cách sống sượng. Muốn làm việc đó, hãy trở thành một nhà bình luận, nhưng xin nhớ rằng để làm nhà bình luận, bạn phải là người cực kỳ hiểu biết, có trách nhiệm với từng câu chữ mình viết ra.

Theo tôi, đã chọn nghề báo, bạn cần tự nhắc mình luôn cầu tiến và ham học hỏi. Cái đáng sợ nhất đối với người làm báo là sự bằng lòng với mình, hài lòng với quyền lực báo chí mà mình cho là mình có và lạm dụng nó. Với người làm báo, học hành không bao giờ là quá muộn: khi đi phỏng vấn, viết bài, lúc đến một miền đất lạ, khi tiếp xúc với những người chưa quen – tôi nghĩ đó đều là những cơ hội học hỏi cho người làm báo, một “đặc quyền” của người làm báo mà không phải nghề nào cũng có được.

Được – mất của nghề báo là gì?

Người ngoài nhìn vào chỉ thấy người làm nghề báo thật oai, góp mặt tại những nơi long trọng, ngồi hàng ghế đầu, được thết đãi trọng vọng, biết tin tức trước người khác. Mấy ai hiểu những nỗi cám cảnh, khắc khoải bên dưới những trang báo.

Vậy Được – mất của nghề báo là gì? Bây giờ, tôi không còn đặt câu hỏi đó cho mình. Đơn giản tôi nghĩ rằng mình đã, đang và sẽ “được” rất nhiều: được đi nhiều, được gặp nhiều người, được chứng kiến sự đổi thay, chứng kiến lịch sử, được là một phần của nó và được ở vị trí có khả năng tạo ra sự thay đổi.

Dĩ nhiên là phải làm việc cật lực: nhưng thử hỏi nghề nào mà không đòi hỏi sự hết mình? Dĩ nhiên là có những đêm thức trắng, có những cuối tuần, ngày lễ không được nghỉ, có những lúc bạn phải làm việc khi mọi người đang thảnh thơi nghỉ ngơi, tiệc tùng. Tôi còn nhớ mãi vào ngày Tết Tây cách đây khoảng 15 năm, khi tôi đang thảnh thơi nghĩ đến buổi tiệc họp mặt bạn bè thì sếp phân công đi viết bài gấp về một phụ nữ bị chồng bạo hành đến chết tại huyện Củ Chi (khu vực gần địa đạo). Không thể từ chối nhiệm vụ, tôi lập tức lên đường để kịp có bài nóng hổi trên mặt báo vào sáng hôm sau.

Nghề này đem lại cho bạn những hân hoan, vui sướng khi cầm tờ báo còn thơm mùi mực trên tay, khi bạn đọc quan tâm, sếp khen mình viết bài có chất nhân văn giữa thời buổi mọi giá trị đảo lộn. Song nghề này cũng có lúc khiến bạn ê chề, cay đắng khi bài bị gác vào giờ chót bởi những lý do rất trời ơi: cơ quan chủ quản không thích một bài “nhạy cảm” như vậy, không được viết bài “nói xấu” người quen của sếp, bài có yếu tố bất lợi cho khách hàng quảng cáo… Tệ hơn, sẽ có lúc bạn bỗng nhiên trở thành nạn nhân của một vụ “kẻ cướp kiện người ngay”, bị đối tượng trong bài điều tra chửi bới, hăm dọa, thậm chí kiện ngược ra tòa về tội vu oan.

Dĩ nhiên, đây còn là một nghề nguy hiểm, nhất là khi công việc đòi hỏi bạn phải viết những bài điều tra nhạy cảm, hay đi vào những vùng chiến sự. Có lẽ sẽ đến lúc những chuyến đi làm bạn mệt mỏi, rã rời. Thú thật, tôi đã từng có lúc thấy mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ đến mức muốn bỏ cuộc.

Vậy đó, làm báo không chỉ là một nghề, mà còn là một lối sống, một khi bạn đã chọn, thì khó lòng bỏ nó.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button