Chuyên ngành

Pháp Môn Hạnh Phúc

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đại sư Tinh Vân

Download sách Pháp Môn Hạnh Phúc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tâm Linh – Tôn Giáo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

LỜI NÓI ĐẦU

Đây là những bài nói của thầy Tinh Vân về vấn đề “Pháp môn hạnh phúc”, và cũng là nhan đề của tập sách mà bạn đọc đang có trong tay, một tập sách trình bày quan điểm của tác giả về những vấn đề quan trọng của cuộc sống thường ngày của kiếp người trong xã hội ngày nay. Tập sách có tên gốc là Khoan tâm. Theo nghĩa thông thường, “khoan tâm” có nghĩa là giải bỏ những phiền muộn, buồn rầu ở trong lòng, một nghĩa khác là tâm tình thanh thỏa, thoải mái, một nghĩa nữa là yên tâm, không lo nghĩ. Như vậy, “khoan tâm” chỉ trạng thái tâm tình khoan khoái, dễ chịu, không vướng bận. Những trạng thái ấy cộng lại chính là hạnh phúc của đời người vậy. Hạnh phúc ấy bao gồm nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất chính là giải trừ phiền não, dứt bỏ thị phi, tu tập hành thiện, phục vụ nhân sinh.

Sách viết về những sự việc đời thường, những sự việc tưởng chừng như ai cũng biết, cũng thấy, cũng hành xử, nhưng mấy ai thấu triệt tính chất quan trọng của nó đối với nhân sinh. Đọc tập sách này, bạn đọc sẽ thấy điều đó. Sách chia làm bốn phần: Phần thứ nhất trình bày về sự nghiệp, tức những gì liên quan đến đời sống của mỗi cá nhân trong xã hội; phần thứ hai nói về sự sinh hoạt, tức những điều mà con người thường gặp phải trong cuộc sống hằng ngày; phần thứ ba bàn về cuộc đời, tức những việc liên quan đến sự giao tế, đối xử cùng những biện pháp giải quyết; phần thứ tư trình bày vấn đề tinh thần, đây là phần tương đối đi sâu vào triết lý Phật giáo, giúp người đọc bước đầu làm quen với những khái niệm về Phật pháp. Tất cả các nội dung trên được tác giả trình bày một cách mạch lạc, có lý luận, có thực tiễn, đặc biệt là những thực tiễn của chính cuộc đời tác giả, nên qua đó, người đọc phần nào cũng hiểu được hành trang của tác giả, một con người suốt đời cống hiến cho Phật pháp, tất cả vì hạnh phúc của nhân sinh.

Với tinh thần thực sự cầu thị, người dịch đã cố gắng chuyển tải các nội dung trên bằng ngôn ngữ tiếng Việt nhằm giúp bạn đọc hiểu biết thêm một số khía cạnh của hạnh phúc nhân sinh qua lời của một vị đại sư từng đi hoằng pháp nhiều nơi, từng tiếp xúc nhiều hạng người, từng thông hiểu sâu sắc Phật pháp, từng sống cuộc đời đạo hạnh, đặc biệt là từng trải qua những khó khăn vấp ngã, những chê trách phỉ báng trong cuộc đời tu hành của mình. Những trải nghiệm ấy đối với người tu hành, bằng sự nhẫn nhục, lòng từ bi và tinh thần vô úy họ đều có thể vượt qua, còn đối với chúng ta chưa hẳn đã khắc phục nổi. Vậy mời bạn hãy đọc tập sách nhỏ này để chia sẻ và thực hành.

Trong khi thực hiện bản dịch này, dĩ nhiên có chỗ này, chỗ khác không được như ý, có từ ngữ này, từ ngữ khác không thể thấu triệt, nên không tránh khỏi những sai sót, những chỗ chưa đạt, rất mong các vị thiện tri thức góp ý, chỉ giáo để lần sau nếu được xuất bản lại sẽ hoàn thiện hơn. Người dịch xin chân thành cảm ơn.

Thuận Hóa, mùa Vu Lan 2016

Nguyễn Phố

Phần 1

SỰ NGHIỆP

BẠN CÓ THỂ THÀNH CÔNG?
Muốn trở thành trụ cột của nhà Phật, trước hết phải là thân trâu ngựa của chúng sinh

Thành tựu tài lớn

Nhớ một bộ phim Nhật Bản trước đây, nội dung kể lại quá trình tu hành của Tôn Ngộ Không. Trong phim, Đường Tam Tạng nói với Tôn Ngộ Không: “Nếu ngươi muốn theo ta học đạo, hàng ngày phải đứng yên một chỗ trong 100 ngày; đứng xong, phải quỳ ở đó 100 ngày; quỳ xong phải đưa hai tay lên trời 100 ngày; sau đó ngâm mình trong nước 100 ngày rồi đốt lửa bên người 100 ngày… Nếu qua được những thách thức trong nhiều ngày đó, ta mới dạy ngươi Phật pháp.” Tôn Ngộ Không nghe xong bèn y theo lời của Đường Tam Tạng đứng bất động 100 ngày, quỳ trên đất 100 ngày, đưa hai tay lên trời 100 ngày, ngâm mình trong nước 100 ngày… Trải qua một lần 100 ngày, hai lần 100 ngày, mười lần 100 ngày… cuối cùng, Tôn Ngộ Không đã chịu được tất cả những thử thách của những lần 100 ngày ấy, lúc bấy giờ ông ta đã thành đạo quả.

Tuổi trẻ ngày nay, chính vì không trải qua những gì mà Tôn Ngộ Không đã rèn luyện kiểu 100 ngày của nhiều lần thử thách ấy, nên mới không thể chịu đựng, không thể chịu khó, bị quá nhiều lý do, bị ngã chấp quá nặng làm mê mờ chính mình. Như trên đã kể, nhiều những lần 100 ngày ấy có thể huấn luyện sức mạnh, tăng cường ý chí của chúng ta, nhưng có bao nhiêu người có thể chịu khó được như vậy?

Mỗi cá nhân đều mong muốn mình có thể thành công, học nghề, sự nghiệp, nuôi dạy con cái thành tựu. Nhưng người ta thường nói “tài lớn muộn thành”, rất nhiều thành công không thể đến dễ dàng, như một cái cây cũng phải trải qua gió dập mưa vùi trong mười mấy năm trời mới to lớn. Điều gọi là “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, tức là con người không qua thời gian rèn luyện, không qua trắc trở mà muốn thành công thì thật là rất khó. Cho nên muốn thành tựu tài lớn phải có bốn điều kiện:

1. Cần vượt qua dư luận ồn ào. Con người phải trải qua các loại phiền não mới có thể thành tựu được. Ví như là một học sinh, phải hoàn tất kỳ thi đầy phiền hà, bạn cần phải chấp nhận sự thật mới có thể cố gắng, không lười nhác; là một thầy giáo hướng dẫn một vấn đề giống nhau đối với những học sinh khác nhau, phải lặp đi lặp lại nhiều lần, phải chịu được tính khí của từng cá nhân, có như vậy mới có thể trở thành giáo viên; người thương nhân buôn bán cũng phải có thất bại, sau đó mới có thể thành công; tác phẩm của nhà nghệ thuật làm không đạt, cũng phải làm lại đôi ba lần… Nên có điều thế gian gọi là “nhiều người lắm chuyện”, nếu không vượt qua được lời dèm pha của người khác, không vượt qua được sự quấy rầy của ngoại cảnh, không vượt qua được các thứ phiền não, bị lún sâu trong phiền não, thì không thể nào thoát ra khỏi cảnh ngộ khó khăn.

2. Cần chịu đựng sự tức giận. Trên thế gian không có ai là vừa ý mọi nơi, vui vẻ mọi lúc, có khi những sự việc không như ý có thể liên tiếp xảy ra, mình cảm giác như chịu hết mọi nỗi oan ức. Nhưng tức giận có thể giải quyết được vấn đề chăng? Tức giận không những không thể thành tựu việc tốt, mà trái lại có thể thành ra việc xấu. Vì vậy, lúc tức giận trước tiên nên nhịn nơi cái miệng, không nên tùy tiện mắng người; lại nhịn nơi nét mặt, không nên tỏ lộ sự căm giận; rồi nhịn ở trong lòng, lòng không nổi giận, rốt cuộc sẽ không có gì xảy ra. Kinh “Bồ Tát giới” ghi, Đức Phật, lúc tu hành trong thời quá khứ, đã từng bị năm “tay chửi giỏi” đuổi theo chửi mắng, Đức Phật đi đến đâu thì chúng đi theo chửi đến đấy, nhưng thái độ của Đức Phật là “như chưa từng khởi một chút tâm nào đối với chúng”. Cách tu hành như vậy rốt cuộc Đức Phật chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên chúng ta cần xem tất cả những ngang ngược và mắng chửi bên ngoài là làm tăng thượng duyên trong sự nghiệp. Người có dũng khí, có năng lực vượt qua được những cơn phong ba bão táp của cuộc đời, vững vàng trước tất cả những công kích phá hoại của ma chướng. Khi vinh nhục khen chê có ập đến thì cũng cần nhẫn nhịn, chịu đựng, như vậy mới có thể thành tựu sự nghiệp.

3. Cần chịu được những trắc trở. Khi bị đả kích, phê bình, hãm hại, nên làm thế nào? Đi đánh nhau với người ta chăng? Hay cãi cọ với người ta? Đó không phải là cách giải quyết cơ bản. Trong “Cảnh hành lục” có nói: “Chốc lát không thể nhịn, phiền não năm tháng tăng.” Có thể chịu được những trắc trở, chứng tỏ bạn là người có sức mạnh, có thể gánh vác việc lớn; không thể chịu nhịn được sự chê cười thì phiền não không dứt, tài lớn khó thành. Tuổi trẻ ngày nay thường tỏ ra cái dũng nhất thời của kẻ thất phu, chỉ vì một chuyện nhỏ mà rút dao chém tới, chỉ vì một câu nói đùa mà găm sâu trong lòng khó bề trừ bỏ. Không có bản lĩnh nhẫn nhục thì bất kể làm việc gì cũng không thể đạt được mục tiêu. Một câu nói đùa cũng cần tranh cãi, một chút giày vò cũng chịu không được, những thanh niên không có sức mạnh ứng phó với hoàn cảnh như vậy đều không thể gánh vác trách nhiệm, không thể tạo dựng sự nghiệp. Đức Phật nói: “Người học đạo, nếu không thể chịu đựng được chê bai mắng chửi, đối với những công kích ác độc không coi như được uống nước cam lộ thì không thể xem là người học đạo.” Chúng ta thấy chữ “nhẫn” (忍) gồm lưỡi dao (“nhận” 刃) nằm trên trái tim (“tâm” 心), từ sự cấu tạo của chữ này, chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa của sự nhẫn nại. Con người nếu trong cuộc sống đời thường không bồi dưỡng sức mạnh của sự nhẫn nại, không tu tập cho thật tốt, thì chưa cần nói đến việc chịu đựng được con dao cắm vào trái tim, mà da chân chỉ bị xước một tí đã chịu không nổi, đã kêu khóc om sòm!

4. Kiên gan với thời gian. Có đôi lúc sự nhẫn nại của con người chỉ có mức độ, có thể nhẫn nại trong một năm, qua hai năm đã chịu không nổi, có thể nhẫn nại hai năm, nhưng qua ba năm thì không thể được… Thời gian nhẫn nại như vậy là chưa đủ thâm hậu, trên đời có những việc thường thường cần nhẫn nhịn một năm, hai năm, mười năm, thậm chí phải nhẫn nhịn rồi lại nhẫn nhịn nữa. Bạn phải chịu đựng với thời gian, với vật đổi sao dời, và khi con người trưởng thành như thấy được hoa nở, cũng tức là thời gian quả chín không còn cách xa nữa.

Làm người ở đời tất cả đều phải chịu đựng. Người có lòng khoảng khoát rộng mở, nhìn mọi sự cao xa, không bị sự được thua trước mắt che lấp; người có lòng hẹp hòi thiển cận thì ở đâu cũng so đo tính toán, tăng thêm phiền não, thường không thể xong việc, không thành tài lớn.

ĐỌC THỬ

Lời trích từ sách “Thái căn đàm”[1]

Cái đáng quý của nhân cách là cái nằm ngoài công danh phú quý,

Điều đáng yêu của vật chất là ở chỗ tình nghĩa sâu nặng của người trao tặng,

Nhân cách được tạo nên bằng ba chữ “không ích kỷ”,

Thành công có nền tảng bởi một lời “không cẩu thả”.

[1] Thái căn đàm: Tên sách, do Hồng Ứng Minh, người thời nhà Minh viết. “Thái căn đàm” nghĩa là bàn về rễ rau, tức ý nói bàn về gốc rễ đạo đức làm người, dụng ý của tác giả là muốn nhấn mạnh tài trí, việc tu dưỡng của con người chỉ có thể đạt được khi đã trải qua một quá trình học tập, rèn luyện gian khổ, bền bỉ. “Thái căn đàm” xuất phát từ câu nói của học giả đời Tống là Uông Tín Dân: “Giảo đắc thái căn, bách sự khả tố” (nhai được rễ rau thì mọi việc đều có thể làm được), ý của câu này là con người chỉ cần kiên trì thích ứng với cuộc sống thanh bần thì bất kể làm việc gì cũng có thể thành tựu. Hồng Ứng Minh đọc thấy câu ấy và lấy làm đắc ý, cảm khái thốt lên rằng: “Tâm an mâu ốc ổn, tính định thái căn hương” (tâm an thì ở nhà tranh cũng thấy yên ổn, tính định thì ăn rễ rau cũng thấy vị thơm). Lấy cảm hứng từ đó, ông viết ra “Thái căn đàm”. Những câu châm ngôn xử thế trong “Thái căn đàm” dung hợp tư tưởng trung dung của đạo Nho, tư tưởng vô vi của đạo Lão và tư tưởng xuất thế của đạo Phật. Trên cơ sở những tư tưởng đó, “Thái căn đàm” trình bày triết lý nhân sinh trong nhiều phương diện của cuộc sống như tu dưỡng, xử thế, xuất thế… với nội dung sâu sắc, cô đọng, với lời lẽ chân thật dễ hiểu. Sách đã được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Thái căn đàm – Tinh hoa xử thế phương Đông”, người dịch là Thành Khang – Kim Thoa.

Người không bị đánh gục

Có một con ốc sên nhỏ luôn giận mình vì cái vỏ cứng trên lưng, vừa nặng nề vừa khó coi. Nó ngưỡng mộ con chim bay trên trời, có trời cao bảo vệ; nó ngưỡng mộ con trùn dưới đất đen, có đất dày che chở. Nhưng mẹ ốc sên nói với nó: “Con không tựa vào trời, cũng không tựa vào đất, con nên tựa vào cái vỏ cứng trên mình của con.” Cái vỏ trên mình tuy không đẹp, nhưng lại bảo vệ an toàn cho bản thân; ghét bỏ của mình, hâm mộ người khác, làm sao có thể thành công được?

Tất cả phẩm chất của con người đều do tự chính mình xây dựng nên. Phúc lạc người khác ban cho chúng ta không thể nương nhờ, phải tự khẳng định mình, tự mình cố gắng tiến lên, tự tìm lấy phúc lạc. Chỉ khi tự mình ngã quỵ trước mới có thể bị người khác đánh gục, cần tin tưởng vận mệnh đang nằm trong tay của chính mình. Từ khi ra đời, con người dần dần cảm nhận được nhiều vấn đề của nhân thế, như sinh lão bệnh tử, thị phi giữa người với người, giàu nghèo sang hèn, được thua phiền não, ngoài ra còn có những vấn đề khác như quốc gia, xã hội, chính trị, kinh tế, tình cảm, nhân sự, có một số người rất dễ bị những vấn đề ấy đánh gục, một số người khác thì không. Vậy cần phải có đủ các loại phẩm chất nào mới không bị đánh gục?

1. Làm một con người có khí phách. Có người “người nghèo nhưng chí không nghèo”, làm người có khí phách vững mạnh, không xu phụ hoàn cảnh, khắc phục khó khăn. Người có khí phách được người khác tôn kính, tin cậy, xem trọng, không thể bị người khác đánh gục.

2. Làm một người có sức chịu đựng. Con người cần có sức mạnh mới không bị người khác đánh gục, trong đó điều quan trọng nhất là sức mạnh của sự chịu đựng. Người có sức chịu đựng không vì một lúc, một người, một lời mà ảnh hưởng đến tinh thần của người ấy, và đương nhiên cũng không thể dễ dàng bị người khác đánh gục. Chọn vận động viên tham gia cuộc thi chạy Marathon cần dựa vào sức chịu đựng mới có thể đạt đến đích cuối cùng, bất cứ cuộc thi nào, trừ dựa vào trí năng, vũ khí để tranh thắng, thì sức chịu đựng mới là sức mạnh chủ yếu của bạn để đánh gục đối phương.

3. Làm một con người có đủ dũng khí. Người hèn yếu rất dễ dàng bị người khác đánh gục, thậm chí có người không đợi người khác đánh thì đã ngã quỵ trước rồi. Thực ra, con người không nên để bị đánh gục, chỉ cần bạn có dũng khí thì có cửa ải khó nào mà không thể vượt qua, có khó khăn nào không thể gánh vác? Tùng, trúc, mai đều phải trải qua thử thách của sương lạnh mưa tuyết, người có dũng khí và phấn đấu vươn lên trong khó khăn mới có thể sống còn.

4. Có tầm nhìn rộng. Sở dĩ có những người không bị đánh gục là vì họ có gan dạ và hiểu biết, biết nhìn xa trông rộng. Họ thấy được cao, họ nhìn được xa, không tính toán được thua nhất thời, có thể nắm chắc thời cơ, cơ hội thuận lợi, có tiến có lui, có trước có sau, có có có không. Dù gặp trắc trở hay đả kích, lòng họ vẫn tin chắc mưa tuyết cũng có lúc ngừng, gió xuân nhất định đến, như thế, làm sao có thể bị đánh gục?

5. Làm một người có bước đi vững chắc. Làm người phải đứng trên lập trường ổn định của mình mới có thể không bị người khác đánh gục. Nhà võ thuật chuyên môn có bước chân ổn chắc nên không thể bị đối phương đánh ngã; người làm chính trị không tham ô, không làm việc trái lương tâm, nên “nửa đêm có người gõ cửa, lòng vẫn không sợ hãi”. Cho nên muốn không bị người khác đánh gục, trước tiên cần tự mình không làm việc gì để dễ bị người khác đánh gục.

6. Làm một người có lòng tin kiên định. Người có lòng tin vững chắc, không dễ bị người khác đánh gục. Con người cần lòng tin đối với lời nói và việc làm của mình, cần có lòng tin đối với sự nghiệp của mình. Nếu thiếu hẳn lòng tin đối với chính mình, không cần người khác đánh gục, thì tự mình cũng đã ngã quỵ rồi. Lòng tin là sức mạnh, lòng tin là tài sản, chúng ta không những có lòng tin đối với chính mình, mà còn có lòng tin đối với mọi người, bạn hữu, không thể dùng lòng nghi hoặc để đối nhân xử thế. Đương nhiên, người xưa nói: “Lòng hãm hại người không thể có, lòng đề phòng người không thể không”, có người tự tin thái quá, hoặc tin tưởng người khác thái quá cũng có thể bị thiệt thòi. Nhưng thà bị thiệt thòi chứ không thể dùng lòng nghi hoặc để đối xử. Đối với chính mình, chỉ cần ý chí, đạo đức, nhân cách, thành thực phòng thủ nghiêm mật thì không dễ bị người khác đánh gục.

Trên thực tế, việc lập thân ở đời muốn không bị người đánh gục quả là không dễ dàng, bởi vì trong xã hội khắp nơi đầy rẫy những cạm bẫy, đâu đâu cũng có kẻ ganh ghét chúng ta, hãm hại chúng ta, phát sinh những chướng ngại của thế lực đen tối. Muốn tránh khỏi những thế lực đen tối ấy, chúng ta phải cẩn thận chú ý, không làm những chuyện thương luân bại lý. Chỉ cần đầu thuyền ổn cố thì không sợ sóng cả xô dồn bốn phía, sóng gió trong xã hội càng lớn, người có tài cán càng vững chãi, tự nhiên không thể bị người khác đánh gục.

Lời bàn từ sách “Thái căn đàm”

Bùn dơ có thể nuôi lớn hoa sen, nhà nghèo có thể bồi dưỡng con hiếu, lò lớn có thể tôi luyện gang thép;

Cảnh khó có thể thành tựu vĩ nhân, đắng chát có thể ủ thành ngon ngọt, phiền não có thể chuyển thành Bồ đề.

Cuộc sống như con sóng, có bụng sóng, cũng có đỉnh sóng;

Khi ở trên núi cao, hãy khoan ca lớn,

Khi ở nơi chỗ thấp, cũng đừng rơi lệ.

Lợi ích của sự vấp ngã

Một nhà đánh cá thiện nghệ vô cùng buồn khổ vì kỹ năng đánh cá của ba người con quá tầm thường. Ông ta kể khổ với mọi người: “Tôi theo mấy đứa con mới hiểu ra kỹ năng mà tôi truyền dạy cho chúng sao mà tệ hơn so với trẻ con của một người đánh cá bình thường?”

Một người đi đường nghe xong, hỏi: “Vậy bác có trực tiếp cầm tay chỉ việc cho chúng không?”

– Có chứ, tôi rất chú ý, rất kiên nhẫn bày vẽ bọn chúng.

– Bọn chúng vẫn theo bác đi đánh bắt chứ?

– Vâng. Vì muốn chúng ít đi qua con đường vòng, tôi cứ mãi để cho chúng theo tôi làm việc.

– Xem ra đó là lỗi của bác rồi. Người qua đường nói. Bác chỉ truyền thụ kỹ năng mà lại không truyền thụ cho chúng kinh nghiệm của sự thất bại, không dạy kinh nghiệm thất bại sẽ không thành việc lớn.

Cuộc sống không thể thiếu việc học hỏi, như té ngã là việc mà mỗi đứa bé tập đi đều phải trải qua. Không chú ý thì vấp ngã, tốt nhất là không bị thương tổn, càng không nên vì thất ý nhất thời mà một bước nhỏ cũng không dám tiến lên. Tổng giám đốc tập đoàn Kỳ Mỹ Hứa Văn Long nói: “Đã vấp ngã không nên vội đứng dậy, hãy tìm xem chung quanh có gì để nhặt nhạnh rồi hãy đứng lên.” Lời nói này quả là không sai. Tình cảnh thuận lợi hay khó khăn của cuộc sống, đối với một người có trí tuệ mà nói thì đều là những kinh nghiệm quý báu, đều có thể từ đó tích lũy vốn liếng của thành công. Cho nên, cuộc sống dù có những vấp ngã bất ngờ, nhưng chỉ cần mình không vì đó mà không đứng dậy nổi, thì vấp ngã có những ích lợi ngoài ý muốn.

1. Vấp ngã có thể tích lũy kinh nghiệm. Vấp ngã chưa hẳn là việc xấu, trẻ con vấp ngã, cha mẹ thường nói: “Không quan trọng, không sao.” Quá trình trưởng thành của mỗi người giống như tập đi xe đạp, phải té ngã nhiều lần mới có thể biết đi. Cho nên người bị vấp ngã có thể tích lũy kinh nghiệm. Một số người lớn tuổi còn tự hào nói rằng mình rất hay bị vấp ngã, bởi vì ông ta hiểu khi vấp ngã hai tay cần nắm chặt, trước tiên dùng cánh tay chống đất, rồi lần đến một nơi an toàn mới dựa lưng ra sau.

Tích lũy nhiều kinh nghiệm vấp ngã, thì không sợ vấp ngã nữa, dù có bị vấp ngã cũng có thể an toàn, không sao cả.

2. Vấp ngã có thể rèn luyện ý chí. Người thành công trong sự nghiệp nhất định phải có nhiều kinh nghiệm về sự vấp ngã. Nhiều việc trên thế gian không phải một bước mà đạt được, tất cả đều phải kinh qua bao nhiêu trắc trở, khó khăn, vấp ngã sau đó mới đứng lại được, nên có điều gọi là “bị đánh gãy răng và chảy máu”, lần sau lại xông lên mới có thể đi đến thành công. Bao nhiêu những nhà khoa học thành danh đều phải trải qua nhiều lần nghiên cứu thất bại mới có thành công, bao nhiêu nhà chính trị cách mạng cũng phải qua nhiều lần thất bại mới thành công, bao nhiêu nhà kinh doanh lập nghiệp cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm thất bại mới có tình hình sáng sủa. Thất bại là mẹ thành công, thành công thuộc về người có ý chí mạnh mẽ và lòng kiên trì đến cùng. Vấp ngã có thể rèn luyện ý chí, đó chẳng phải là nguyên nhân mở đầu cho sự thành công sau này sao?

3. Vấp ngã có thể hiểu được tình người. Người bị vấp ngã, ngoài cái lợi lớn nhất là tăng thêm kinh nghiệm cho cuộc sống, còn có cái lợi nữa là kiểm nghiệm lòng người. Có những người bạn thấy chúng ta vấp ngã thì liền quay mặt bỏ đi, hạng người ấy chỉ có thể cùng chung hưởng giàu sang chứ không cùng chia sẻ hoạn nạn; có những người bạn lúc bình thường qua lại không lấy gì mật thiết, nhưng khi thấy chúng ta vấp ngã, họ thật lòng an ủi, nhiệt tình giúp đỡ, đó mới là những người bạn đồng cam cộng khổ. Vì vấp ngã có thể nhận rõ lòng người, nên có thể kết giao được những người bạn chân chính, đó chẳng phải là một cái lợi khác nữa sao? Đến như sau khi vấp ngã, có những người bạn vui sướng trước tai họa của người khác, thậm chí lạnh lùng cười cợt. Những lúc ấy rất cần ý chí của chúng ta – bị loại người ấy bàn chuyện tào lao về những gì thua thiệt của ta, ta lại chuyển lòng bi phẫn thành sức mạnh để đứng lên!

Vấp ngã có thể thu được thành công. Lúc Tô Tần chưa thành công, khi trở về nhà, mọi người trong gia đình không ai thèm để mắt tới, thậm chí đến bữa cơm cũng không có để ăn. Về sau, ông được bộ sách “Thái Công Âm Phù”, dày công đọc tụng nghiên cứu, nhận được tướng ấn của sáu nước, khi ông trở về lại nhà, người chị dâu vội vã nghinh đón. Nghiêm Tử Lăng và Lưu Tú cùng lúc theo đuổi Âm Lệ Hoa, tuy tình yêu và sự nghiệp đều thất bại bởi tay Lưu Tú, nhưng ông đứng đằng sau giúp đỡ, phò trì Lưu Tú làm vua, công lao của mình không nhận lãnh, đời sau người ta ca ngợi ông không thua gì Lưu Tú, đức sáng của Nghiêm Tử Lăng lại càng chói chang hơn trong lòng mọi người.

Người bị vấp ngã tuyệt đối không được nhụt chí, sau khi vấp ngã cần dũng cảm đứng lên, thành công đang còn vẫy tay đón bạn.

Lời bàn từ sách “Thái căn đàm”

Khi vấp ngã cần nhận ra chướng ngại, dũng cảm đứng lên,

Khi thất ý cần kiểm điểm lại mình, lần sau bắt đầu lại,

Khi gặp khó khăn cần bình tĩnh phân tích, phá bỏ cố chấp,

Khi do dự không quyết cần nhìn rõ mục tiêu, cần tùy duyên để quyết định.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button