Chuyên ngành

Nhật Ký Của Bố – 39 Phương Pháp Để Trở Thành Người Cha Tốt

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ota Toshimasa

Download sách Nhật Ký Của Bố – 39 Phương Pháp Để Trở Thành Người Cha Tốt ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : BÀ MẸ – EM BÉ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                       Xem giá bán

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI MỞ ĐẦU

Trước tiên thay mặt tất cả các ông bố trên toàn quốc, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các mẹ đã hàng ngày vất vả làm việc, chăm sóc con cái và chăm sóc luôn cả ông bố – đứa trẻ lớn trong nhà. Cuốn sách này là cẩm nang dành riêng cho các bà mẹ đang trăn trở xem làm cách nào để ông xã mình trở thành một ông bố tốt.

Ở đây tôi ví hình tượng ông bố tốt là “robot chăm sóc con tự động hóa tính năng cao” (gọi tắt là robot PAPA), cũng như giải thích cơ chế và cách sử dụng nó.

Các mẹ cần lưu ý “robot PAPA” không phải lúc nào cũng hoạt động chính xác theo mệnh lệnh như robot lau dọn nhà hay máy giặt… Để khởi  động robot này, ban đầu bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức đấy.

Hơn thế, khi các mẹ cho rằng đã huấn luyện robot này đến mức độ có thể đưa vào sử dụng thì chúng có thể bắt đầu tỏ ra tùy ý, độc đoán, thậm chí phản đối lại ý kiến của các mẹ. Thật là một robot siêu rắc rối.

Thay mặt các ông bố, tôi thành thật xin lỗi. Tuy vậy tôi không mong muốn ông xã bạn chỉ là một robot hoạt động theo mệnh lệnh, chỉ giúp vợ lúc bận rộn. Hãy thử tưởng tượng dù bạn chưa nói gì nhưng ông xã đã quan tâm, đoán ý, hết lòng chăm sóc mẹ con bạn. Mục đích của cuốn sách chính là giúp ông xã của bạn trở thành người chồng, người cha như vậy.

Nào, chúng ta hãy cùng bắt tay vào “huấn luyện” “robot PAPA” – robot tính năng cao có thể tự suy nghĩ, phán đoán và hành động, để giảm bớt gánh nặng cho các mẹ.

Hãy nghĩ ông xã là cậu con trai lớn khó dạy bảo của bạn.

Nhật ký của bố dành cho các bà mẹ đang đi làm và cả các mẹ chỉ ở nhà chăm con. Trong sách có nhiều đoạn được viết dựa trên suy nghĩ “người mẹ chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con” nhưng đó không phải là tư tưởng xuyên suốt cuốn sách. Thực sự tôi mong muốn được giúp đỡ những bà mẹ ở trong hoàn cảnh đó thay đổi cuộc sống của mình.

Hy vọng cuốn sách sẽ có giá trị tham khảo dù là một phần rất nhỏ để các mẹ hướng dẫn bố thành những người cha tốt. Áp dụng thành công điều này không chỉ giúp quá trình chăm con nhỏ của mẹ trở nên thú vị, hạnh phúc mà còn khiến mối quan hệ với ông xã gắn bó hơn.

ĐỌC THỬ

Chương 1CHỨC NĂNG VÀ ĐẶC ĐIỂM – VAI TRÒ VÀ KHẢ NĂNG CỦA ROBOT PAPA

01. Robot papa có thể làm được mọi việc trừ cho con bú

N

hìn vào gian đồ trẻ em trong các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, bạn sẽ thấy rất nhiều vật dụng tiện ích như đai địu em bé, ghế rung giúp bé ngủ ngon hay các loại đồ chơi phát triển trí thông minh… Hơn thế, hiện nay đồ điện gia dụng như máy giặt, máy rửa sấy khô bát đĩa… cũng trở nên phổ biến hơn.

Thực tế có rất nhiều vật dụng tiện ích đã và đang giúp giảm bớt vất vả cho các mẹ trong đời sống hàng ngày.

Trong đó, tôi xin đặc biệt giới thiệu sản phẩm “robot PAPA” (gọi tắt PAPA). Chiều cao, cân nặng, hình dáng mỗi sản phẩm tuy khác nhau nhưng robot PAPA có những chức năng sau.

Chức năng của robot PAPA

– Có thể làm được mọi việc trừ cho con bú

– Là đối tượng giúp mẹ giải tỏa stress

– Kiếm tiền, ổn định kinh tế gia đình

– Nhiên liệu cần thiết: cơm, bia, nụ cười của con, tình yêu thương của vợ

Sử dụng tốt robot PAPA, mẹ sẽ không cần đến máy rửa bát đĩa, robot quét dọn nhà. PAPA có thể cho con bú bình, thay bỉm, ru bé ngủ. Nếu chúng ta chỉ để ông xã hàng ngày đi làm, về nhà nằm trên sofa đọc báo thì thật lãng phí. Dù vậy rất ít các mẹ biết sử dụng thành thạo ông xã – robot PAPA của mình. Nguyên nhân là vì trước đó đến nay chưa có “bản hướng dẫn sử dụng Robot PAPA” cụ thể và chi tiết nào cả.

Tuy nhiên, các bạn không cần lo lắng. Đọc cuốn sách này sẽ giúp bạn biết cách sử dụng loại robot đặc biệt này.

Cần lưu ý: PAPA là robot tính năng cao, cảm xúc tinh tế nhạy cảm hơn vẻ ngoài rất nhiều nên cần đặc biệt chú ý khi sử dụng.

Lưu ý khi sử dụng PAPA

– Nếu rơi vào trạng thái mệt mỏi hoạt động sẽ chậm chạp hơn

– Thiếu nhiên liệu PAPA sẽ ngừng hoạt động

– Thỉnh thoảng có thể mất khả năng kiểm soát

– Nếu không được vui chơi, giải trí phù hợp sẽ dễ dẫn đến hỏng hóc.

Các lưu ý trên sẽ được giải thích rõ hơn ở phần sau.

02. Không được đem ông xã ra so sánh

Cuốn sách Nhật ký của bố đưa ra các phương pháp hướng dẫn bạn “cải tạo” ông xã thành người “đàn ông của gia đình”. Vậy như thế nào là “người đàn ông của gia đình”? Tổng quát thì đó là ông xã biết chăm lo cho gia đình, nhưng gần đây một số tạp chí phụ nữ đã đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn.

Tiêu chuẩn để trở thành “người đàn ông của gia đình”

Làm việc chăm chỉ, giỏi kiếm tiền nhưng luôn về nhà sớm;

Chia sẻ với vợ cả việc nhà và chăm con;

Không bao giờ than thở. Tuy nhiên, có thể ngồi hàng giờ nghe vợ “trút bầu tâm sự”;

Chăm chỉ chơi với con nhưng không quên thể hiện tình yêu thương với vợ;

Thỉnh thoảng có thể tức giận, mắng mỏ để dạy con nhưng không bao giờ trách móc, bắt bẻ vợ;

Luôn giữ vững vẻ đẹp trai phong độ nhưng không được “dõi mắt” theo bất kỳ phụ nữ nào ngoài vợ.

Nếu có một người đàn ông thế này thì thậm chí chính tôi (một nam giới) cũng muốn kết hôn.

Nhưng thực tế là không có ai hoàn hảo như vậy.

Nếu ngay từ đầu chúng ta đã đặt ra mục tiêu quá cao cho các ông xã, chúng ta có thể khiến họ mất tự tin, không hoàn toàn hợp tác.

Các mẹ hãy thử tưởng tượng xem. Nếu ông xã bạn xem chương trình chăm sóc con cái, nhìn hình ảnh các bà mẹ trẻ đẹp như người mẫu trên tivi rồi nhìn sang vợ thở dài như ngầm so sánh, cảm xúc của bạn sẽ như thế nào? Chắc chắn bạn sẽ tức giận vô cùng.

Bị so sánh với các bà mẹ như người mẫu trên tivi bạn còn có thể chịu được. Nhưng nếu đối tượng là cô vợ xinh xắn nhà bên cạnh? Chồng bạn nhìn cô ấy chằm chằm rồi quay sang nhìn vợ, lảng tránh khi gặp ánh mắt vợ như sợ cái gì đó, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Chồng bạn cũng vậy. Không ông xã nào có thể cảm thấy dễ chịu khi vợ đem mình ra so sánh với một người đàn ông mẫu mực, kiếm tiền giỏi, chăm vợ con tốt được vẽ ra trong các phim Hàn Quốc, tạp chí, tiểu thuyết rồi thở dài.

03. Ðàn ông châu Á bản chất là “mẫu người của gia đình”

Ở đây tôi có một câu hỏi.

Na Uy – nước Bắc Âu được biết đến là đất nước của những người đàn ông biết chia sẻ việc nhà và chăm con – có lượng tiêu thụ pizza nhiều nhất thế giới. Tại sao lại thế?

Câu trả lời là: Pizza đông lạnh là món ăn tủ của nam giới Na Uy.

Na Uy là nước đứng hàng đầu thế giới về bình đẳng nam nữ. Không phân biệt giới tính, phụ nữ và nam giới cùng chia sẻ để làm tốt công việc cũng như việc nhà và chăm con.

Đàn ông Na Uy hay vào bếp nhưng không hẳn ngày nào họ cũng có thể làm cho gia đình một bữa tối thịnh soạn. Ngại rắc rối nên món pizza đông lạnh (chỉ cần cho vào lò vi sóng nướng lên) trở thành món tủ của họ.

Ở Bỉ tôi cũng nghe chuyện tương tự như vậy. Bà nội trợ Bỉ ca ngợi hết lời rằng tối nào ông xã cũng làm cho gia đình những món ăn rất ngon.

Hỏi kỹ đó là những món ăn gì thì hóa ra chỉ là đem luộc mỳ Ý lên, sau đó trộn với nước sốt đã được chế biến có bán sẵn trong siêu thị. Mỗi ngày chỉ thay đổi vị của nước sốt mà thôi.

Có lẽ nhiều bà mẹ sau khi nghe những chuyện trên cũng nghĩ nếu chỉ là cho bánh pizza đông lạnh vào lò vi sóng rồi ấn nút nướng lên hay luộc mỳ Ý thì chồng tôi cũng làm được.

Ở châu Á, nếu nghe một bà vợ nói “chồng tôi biết nấu ăn”, bạn sẽ tưởng tượng ra ngay ông xã nhà đó có thể làm ra một bàn ăn thịnh soạn với vô số món ăn cần sự tỉ mỉ. Nhưng ở các nước như Bỉ và Na Uy, tiêu chuẩn “biết nấu ăn” không cao như vậy. Do đó, đàn ông những nước này có thể tự hào nói với mọi người rằng mình cũng có thể nấu ăn.

Đó là sự khác biệt cơ bản giữa các nước châu Á và các nước châu Âu, nơi nam giới tham gia tích cực vào việc nhà cửa bếp núc.

Ở trên tôi cũng đã nói, không có người đàn ông nào hoàn hảo như trong tranh, giỏi kiếm tiền, đảm đang, tâm lý. Điều này không chỉ đúng ở Nhật, Trung Quốc hay các nước châu Á khác mà ngay cả ở các nước được coi là “cường quốc những người đàn ông của gia đình”, trình độ của robot PAPA cũng chỉ vậy thôi.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không nên đặt hy vọng quá cao vào ông xã của mình.

Chúng ta luôn có ấn tượng rằng đàn ông Nhật Bản nói riêng và đàn ông châu Á nói chung không ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy con cái, chia sẻ chuyện bếp núc. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Qua các tài liệu lịch sử về thời Edo(1) – Nhật Bản, có thể thấy đàn ông Nhật thời kỳ này rất quan tâm, yêu thương con: việc đưa con đi tắm ở nhà tắm công cộng(2) là “nhiệm vụ” của người bố; đi làm về bố cũng hay mua đồ chơi hoặc kẹo làm quà cho con… Đó là những gì rất giống với hình ảnh “người đàn ông của gia đình” ngày nay.

1. Thời kỳ Edo (Edo-jidai), còn gọi là thời kì Tokugawa (Tokugawa-jidai), bắt đầu bằng sự thống trị của Mạc Phủ Tokugawa năm 1603, kết thúc bằng cuộc duy tân Meiji năm 1868, là giai đoạn được coi là mở đầu cho thời kì cận đại của Nhật Bản.

2. Nhà tắm công cộng (sento) ra đời để bù đắp sự thiếu hụt do nhiều hộ gia đình Nhật Bản trước kia không có bồn tắm. Ngày nay, dù người dân Nhật đã khá giả hơn và có điều kiện xây dựng các phòng tắm tại nhà tốt hơn, nhà tắm công cộng vẫn thu hút được một bộ phận người dân Nhật, những người coi đây là nơi để thư giãn và giao tiếp xã hội.

Tóm lại, đàn ông châu Á có tố chất trở thành “người đàn ông của gia đình”.

Vì vậy, bạn hãy tin rằng ông xã mình cũng tiềm ẩn những tố chất đáng quý đó và theo dõi tiếp bản hướng dẫn sử dụng PAPA này nhé.

04. Không có tiêu chí chung cho “người đàn ông của gia đình”

Cố gượng ép đóng vai “người đàn ông của gia đình” sẽ chỉ khiến bạn giống một diễn viên hài không hơn không kém.

Vậy thế nào là “người đàn ông của gia đình”?

Theo tôi không có tiêu chí chung cho khái niệm này.

Chắc ai cũng hiểu một điều: Dù mọi người cho rằng bạn đẹp trai, phong độ nhưng người bạn yêu tha thiết không nghĩ thế thì cũng vô nghĩa. Dù cho người đời đánh giá ông chồng đó là “người đàn ông của gia đình” nhưng vợ và con của họ không nghĩ thế thì cũng tương tự như vậy. Ngược lại, dù người chồng không thực sự làm việc gì quá to tát, hoàn hảo nhưng vợ con họ nhìn nhận, đánh giá cao thì đó chính là “người đàn ông của gia đình” đích thực.

Tóm lại, không có tiêu chí chung cho “người đàn ông của gia đình” mà nó thay đổi đối với mỗi gia đình.

Ví dụ như có gia đình hàng ngày người chồng chia sẻ một nửa việc nhà và nhận cả việc đưa đón con. Cũng có những gia đình ngày thường người chồng chỉ cần tập trung vào công việc của mình để vợ lo toàn bộ việc nhà, chăm sóc con cái, nhưng cuối tuần chồng phải dành hết thời gian chơi đùa cùng con.

Ông xã của bạn có phải là “người đàn ông của gia đình” hay không, câu trả lời ở chính các bạn.

Vậy nếu nói chính xác thì tiêu chí “người đàn ông của gia đình” là gì?

Theo tôi đó là luôn gần gũi, quan tâm, phải hiểu “đối với vợ con mình, thế nào là một người chồng, người cha tốt” và nỗ lực để đạt được điều đó. Dù thực tế người chồng không hoàn thành mục tiêu trên một cách hoàn hảo nhưng tấm lòng đó cần được vợ con họ thấu hiểu và ghi nhận.

Nói là vậy song thực tế rất ít gia đình được như thế. Đây là lý do tôi viết cuốn sách này. Mong sự ủng hộ của các mẹ.

05. Mục tiêu hướng tới: “thế này là được rồi”

Năm 2008, công ty giải trí Oricon có tiến hành điều tra “hình tượng ông bố lý tưởng của bạn trong phim hoạt hình”, vị trí số một thuộc về nhân vật “bố Bakabon” trong bộ truyện “Ngố Bakabon đây!(1)” Đây là kết quả rất dễ đoán trước được.

1. Ngố Bakabon đây (Tensai Bakabon) là bộ truyện tranh hài của tác giả Akatsuka Fujio, đăng trên Tập san Thiếu niên Hàng tuần tại Nhật Bản từ tháng 4/1967. Truyện đã được nhà xuất bản Kim Đồng dịch và phát hành tại Việt Nam, gồm 23 tập, nội dung kể về những hành động và suy nghĩ ngô nghê, ngờ nghệch của hai cha con nhà Bakabon.

Đối với trẻ, điều bất hạnh nhất là có một người bố luôn tự ti. Trẻ luôn mong bố mình đĩnh đạc, đường hoàng, luôn tươi cười dù ông bố đó có bị hói đầu, bụng phệ, ăn mặc luộm thuộm, hay không giỏi kiếm tiền… đi chăng nữa.

Không chỉ với riêng bố mà với mẹ cũng vậy. Khi bố mẹ luôn vui vẻ, dù gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn có thái độ sống tích cực, vươn lên thì con cũng sẽ hiểu, cảm nhận và mang trong mình cách sống, suy nghĩ đó.

Những thông điệp thầm lặng mà cha mẹ truyền tải bằng chính lối sống của mình là nền tảng hình thành “kỹ năng sống và sức mạnh” giúp con trưởng thành, tự lập. Đây chính là điểm mấu chốt nhất trong việc nuôi dạy trẻ.

Thay vì một người cha luôn cảm thấy tự ti vì cho rằng mình không thể trở thành một ông bố hoàn hảo, trẻ cần một người cha dù không hoàn hảo nhưng luôn tự tin, đường hoàng với những suy nghĩ lạc quan, tích cực.

Vì vậy, trong những buổi trò chuyện dành cho các ông bố, tôi thường khuyên họ thay vì đặt ra mục tiêu lớn lao như trở thành ông bố mẫu mực, trước tiên hãy là “một ông bố vui vẻ”. Nghe xong các ông bố đều tươi cười giống như trút được áp lực lớn đặt trên vai.

06. Trẻ không cần đến hai bà mẹ. Thật quá lãng phí!

Những năm gần đây tại Nhật Bản quan điểm “bố cũng cần phải tham gia vào việc chăm sóc, nuôi dạy con” đã được đưa ra và gây nhiều sự chú ý. Điều này có quan hệ sâu xa với sự biến đổi về quy mô gia đình trong xã hội Nhật Bản.

Trong khi thời trước phổ biến hình thái đại gia đình hay còn gọi là gia đình nhiều thế hệ thì hiện tại chủ yếu là gia đình hạt nhân, chỉ bao gồm bố mẹ và con cái.

Sống trong đại gia đình, bên cạnh trẻ có rất nhiều người khác ngoài bố, mẹ. Trẻ có mối quan hệ xã hội phong phú, được tiếp xúc với nhiều người với những quan điểm sống, tính cách khác nhau.

a

Chúng ta hãy cùng nhìn lại các đại gia đình trong hai bộ truyện tranh “Nhóc Maruko”(1) hay “Chuyện nhà Sazae”(2).

1. Nhóc Maruko (Chibi Maruko-chan) là một loạt shojo manga của nữ tác giả Momoko Sakura, sau đó được chuyển thể sang anime TV, phát sóng tại Nhật từ 7/1/1990 đến 27/9/1992. Tác phẩm miêu tả cuộc sống đơn giản, thường ngày của cô bé có tên là Maruko và gia đình của bé tại ngoại thành Nhật Bản giữa những năm 70.

2. Chuyện nhà Sazae (Sazae-san) là loạt phim hoạt hình bắt đầu chiếu từ ngày 5/10/1969 tới nay vào 18:30 tối chủ nhật hàng tuần trên truyền hình Nhật Bản. Nội dung mô tả cuộc sống thường nhật của bà nội trợ Sazae trong gia đình nhiều thế hệ. Với hơn 7.000 tập phim, Sazae-san đã được kỷ lục Guinness ghi nhận là bộ anime có số tập nhiều nhất thế giới.

Cô nhóc Maruko thường bị mẹ mắng suốt ngày, nhưng sau đó lại được ông bà cho kẹo rồi an ủi; nhóc còn thường xuyên cãi nhau với anh chị em rồi quậy quá cùng cậu bạn hàng xóm. Nhiều khi mặc dù bố nghiêm khắc nói “không được, cấm” nhưng ông nội lại hiền từ cho phép. Trong “Chuyện nhà Sazae”, cùng là một việc nhưng nhóc Tara ngoan ngoãn thì được cho phép làm còn cậu bé nghịch ngợm Kazuo thì không được… Các mâu thuẫn, xung đột luôn tồn tại, biến chuyển.

Trẻ trưởng thành trong môi trường các mối quan hệ xã hội rộng lớn đó, nơi luôn tồn tại nhiều quan điểm và cách nhìn khác nhau.

Gia đình hạt nhân lại khác.

Thông thường hàng ngày gần như 24 giờ chỉ có mẹ và trẻ quanh quẩn trong căn hộ chung cư 2LDK(1). Do vậy, trẻ chỉ được tiếp xúc với quan điểm sống, cách nhìn nhận của duy nhất một người là mẹ. Không có sự đa dạng hay xung đột ở đó.

1. Ở Nhật, người ta dùng một hệ thống ký hiệu cho các loại nhà và căn hộ; số đếm: số phòng ngủ, L: Living room – phòng khách, D: Dining room – phòng ăn, K: Kitchen – bếp. Vậy nên một căn hộ 2LDK nghĩa là một căn hộ hai phòng ngủ, một phòng khách, một phòng ăn và một bếp.

Trong hoàn cảnh như vậy, mẹ có thể đảm nhiệm “vai diễn” của nhiều người khác nữa như ông, bà, cô, chú… Tuy nhiên, điều đó vô cùng khó bởi từ trước đến nay, chỉ hoàn thành thiên chức và trách nhiệm của mình thôi đã đòi hỏi ở người mẹ một sự cố gắng rất lớn rồi.

Vậy, vai trò của những nhân vật đó sẽ do ai đảm nhiệm?

Vâng, đã đến lúc ông bố của chúng ta xuất hiện rồi.

Tuy nhiên, nếu bố chỉ giống một robot sao chép nguyên dạng tính năng như mẹ, tức là biến thành người mẹ thứ hai trong gia đình thì cũng không đem lại sự phong phú đa dạng trong đời sống của trẻ.

Bố đôi khi như là ông, bà, đôi khi lại sắm vai cậu bé hàng xóm nghịch ngợm. Nếu bận rộn với những chuyến công tác thì bố có thể đảm nhiệm vai trò giống như một người chú xa nhà.

Nếu cuộc sống của gia đình hạt nhân như một trận bóng chày thì mẹ sẽ là cầu thủ ném bóng, là tâm điểm, linh hồn của đội bóng. Nhưng bố lại là cầu thủ đa năng đảm nhiệm tám vị trí còn lại.

Đương nhiên bố cũng cần phải học những kỹ năng của một cầu thủ ném bóng để trường hợp khẩn cấp khi mẹ không thể vào sân chiến đấu thì bố có thể sẵn sàng đứng trước vạch ném bóng thay thế.

07. Sự khác nhau giữa bố và mẹ là gì?

Ta không nên biến bố thành một robot sao chép nguyên bản mẹ, chỉ làm theo mệnh lệnh của mẹ. Robot PAPA phải là một robot tự chủ, có suy nghĩ của riêng mình, đứng trên những góc độ khác với mẹ.

Robot PAPA khi chăm sóc, nuôi dạy con hay chia sẻ việc nhà sẽ có cách làm khác với mẹ một chút. Không, chính xác là khác rất nhiều.

Cách làm của robot PAPA khác với các bà mẹ, thậm chí có những lúc bạn sẽ thấy bực mình và nghĩ “Nếu làm thế thà đừng giúp còn hơn” hay “Trời, không được làm thế, sai rồi”… Một lần nữa mong các mẹ ghi nhớ điểm này: Bù vào đó, PAPA lại có những kỹ năng đặc biệt mà mẹ không thể làm được. Bạn hãy “dũng cảm” để PAPA làm thử nhé.

PAPA có thể cùng bé nghịch bùn – một trò chơi các mẹ thường không mấy hứng thú đúng không? Hay PAPA tuy không thạo những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nhưng lại rất hữu ích khi bạn có công việc nặng, cần dùng sức lực. (Vấn đề chính là bạn có nhìn ra đó là kỹ năng đặc biệt, điểm mạnh hay lại cho rằng đó là “thiếu sót” của PAPA.) Dưới đây là một ví dụ về sự khác nhau giữa cách làm của PAPA và các bà mẹ.

Khi con hướng mắt về phía đống lửa nhỏ đang cháy và bước tới. Trong trường hợp đó, có lẽ rất nhiều bà mẹ sẽ nhanh chóng bước đến nắm lấy tay con và nói: “Nguy hiểm đó, không được lại gần!”

Tuy nhiên, PAPA lại khác. PAPA sẽ dõi theo bảo vệ con. Mẹ có thể không hài lòng với cách làm đó của PAPA.

Khi con chạm vào lửa, khóc mếu máo nói “Nóng quá!”, lúc này PAPA mới hành động, dang rộng vòng tay đón bé. PAPA dùng đá lạnh chườm vết bỏng và nói với con: “Con hãy nhớ lửa rất nóng. Nguy hiểm lắm đó!”

Trong trường hợp này, mẹ là người bảo vệ con trước nguy hiểm, chỉ con cách phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra; ngược lại bố là người giúp cho trẻ học nhiều điều từ sau thất bại của chính mình.

Tất nhiên cũng có trường hợp ngược lại. Mẹ là người phóng khoáng, bố lại tỉ mỉ cẩn thận, đảm nhận vai trò bảo vệ trẻ trước khi nguy hiểm xảy ra.

Vợ chồng chính là bổ sung lẫn nhau, dùng điểm mạnh của mình để hỗ trợ điểm yếu của đối phương. Có lẽ, từ giây phút bắt đầu yêu, trong vô thức chúng ta chọn người như thể để bổ sung cho mình.

Chính vì cách làm của mẹ và PAPA khác nhau nên môi trường sống của con đa dạng, phong phú hơn nhiều. Nếu trẻ được biết “Có rất nhiều cách làm. Làm như bố cũng được, làm theo cách của mẹ cũng không sai,” trẻ có thể học hỏi và tự tìm ra cách làm riêng của chính mình.

Nếu hiểu được điều đó, dù PAPA không hoạt động theo đúng mong muốn, mệnh lệnh của mình, các mẹ vẫn có thể “bỏ qua” được, đúng không?

Hay có lẽ cũng không hẳn dễ dàng như thế…?

08. Top 3 nỗi lo của bố đều xoay quanh “mối quan  hệ vợ – chồng”

Các ông bố cũng có những lo lắng, muộn phiền của riêng mình. Đây là điều mà tôi muốn nói với các mẹ đang “đau đầu” về ông xã của mình.

Để học cách sử dụng PAPA, mẹ cần biết hiện tại ông xã đang lo lắng điều gì.

Tôi nhận được rất nhiều email xin tư vấn của các ông bố thông qua website “Diễn đàn của bố” mà tôi đang quản lý. Trong đó, tôi gặp nhiều nhất là ba tình huống sau:

Không chịu được sự cáu giận vô cớ của vợ,

Mâu thuẫn trong cách dạy con với vợ,

Cho dù nỗ lực đến đâu cũng không được vợ nhìn nhận năng lực và sự cố gắng đó.

Đúng vậy, hầu hết là lo lắng về mối quan hệ với vợ.

Nghĩ ra thì đó cũng là điều tất nhiên. Nếu là lo lắng về con, ông xã có thể tâm sự chia sẻ với bạn. Nhưng khi vợ không còn là “đồng minh” nữa thì chồng sẽ bị cô lập. Hơn thế, những mâu thuẫn, xung đột với vợ trong cuộc sống gia đình, các ông xã không thể đem ra tâm sự với đồng nghiệp hay cấp trên, cuối cùng họ viết email đến website của tôi.

Theo tôi, những ông bố viết email gửi đến xin tôi tư vấn là những ông bố tuyệt vời, đáng khâm phục.

Thứ nhất, chính vì họ có thái độ nghiêm túc nên mới sinh ra lo lắng. Không chỉ là việc nuôi dạy con, làm gì cũng vậy; nếu không có thái độ nghiêm túc, chỉ hời hợt cho qua thì bạn không bao giờ phải trăn trở, đau đầu suy nghĩ vì điều gì.

Đối diện trực tiếp với những nỗi lo trên là điều tất yếu. Đó là con đường không thể tránh khỏi để ông xã trở thành một người bố chân chính.

Thứ hai, đó là những ông bố không ngại phiền toái mà từ bỏ. Ngược lại, họ đối diện trực tiếp với những trăn trở, lo lắng và tìm cách giải quyết nó.

Bố mong muốn được chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái nhưng mẹ không nhìn nhận những cố gắng đó mà tức giận, thậm chí phê phán cách làm của bố. Khi đó bố chán nản, từ bỏ suy nghĩ chia sẻ công việc nhà, đi nhậu cùng bạn bè cũng là điều dễ hiểu.

Với thái độ đó, người vợ sẽ dập tắt ngọn lửa nhiệt tình muốn làm một người cha, người chồng tốt của ông xã mình. Bạn đã từng gặp qua trường hợp như thế chưa?

Đó là chuyện rất dễ xảy ra. Bởi trước nay có rất nhiều sách và thông tin về tâm lý trẻ, hướng dẫn nuôi dạy con tốt nhưng hầu như không có sách viết về tâm lý các ông chồng cũng như cách “sử dụng” họ.

Hy vọng các bạn có thể áp dụng cuốn Nhật ký của bố để hiểu thêm tâm lý của ông xã và con, để trở thành một “bà mẹ thông minh”.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button