Chuyên ngành

Ngành PR Tại Việt Nam

nganh pr tai viet nam sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đinh Thị Thúy Hằng

Download sách Ngành PR Tại Việt Nam ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF               Download

Định dạng PRC               Download

Định dạng EPUB            Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Đất nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường năng động và có những nỗ lực không ngừng để hội nhập nền kinh tế thế giới. Nhu cầu về nghề Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, tên tiếng Anh là Public Relation (trong các phần tiếp theo của cuốn sách này sẽ gọi là PR), ngày càng lớn cùng với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội Việt Nam.

Trên thực tế, nghề PR được xem là một trong những ngành nghề được ưa chuộng bởi sự mới mẻ, năng động và khả năng đem lại nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành PR ở Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, chủ yếu hoạt động tập trung ở một số mảng như tổ chức sự kiện, quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Mảng điều hành tư vấn chiến lược còn hạn chế, ít công ty PR Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ quản trị khủng hoảng hay hoạch định chiến lược.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp về PR còn thiếu. Những kinh nghiệm cùng sự hiểu biết về PR chủ yếu được tích lũy qua hoạt động thực tế nên thiếu tính toàn diện. Sự thiếu hụt hệ thống cơ sở lý luận khoa học, khung pháp lý và cơ sở đạo đức khiến cho ngành PR Việt Nam chưa xây dựng được một nền tảng vững chắc để khẳng định vị trí của mình như một ngành chuyên môn thực sự. Trên thực tế, hiện nay PR Việt Nam vẫn đang trên con đường tự mày mò. Mặc dù chưa hình thành được một nền PR chuyên nghiệp, nhưng những hiện tượng tiêu cực đã xuất hiện như tự tạo tai tiếng để được nổi tiếng, xây dựng quan hệ báo chí bằng cách mua chuộc các nhà báo (PR “đen”)…

Nghiên cứu thực tiễn cho thấy nét nổi bật của ngành PR Việt Nam là sự hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Mặc dù số lượng công ty truyền thông tăng mạnh, nhưng số công ty cung cấp dịch vụ PR chuyên nghiệp còn khiêm tốn. Số lượng nhân viên làm PR cũng chiếm phần nhỏ so với tổng số nhân viên truyền thông. Hoạt động PR tập trung chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, còn các thành phố và các khu vực khác, PR chưa thực sự phát triển. Mặc dù lực lượng làm PR ở Việt Nam có trình độ đại học, song họ tốt nghiệp các chuyên ngành khác như báo chí, kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ chứ chưa được đào tạo PR chính quy. Hiện nay, khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, là bộ phận sử dụng PR nhiều nhất; các cơ quan nhà nước cũng bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của PR. Ở cấp nhà nước, các hoạt động PR đã được ứng dụng và thu được nhiều thành công, đặc biệt là trong các lĩnh vực như vận động hành lang, quảng bá hình ảnh quốc gia… Nhưng nhìn chung, nhận thức về PR ở nước ta nói chung còn kém.

PR hiện là một trong những nghề được ưa chuộng ở Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam bị hấp dẫn bởi tính mới mẻ, năng động, mức lương tương đối cao và cả những thách thức của nghề PR. Tiềm năng phát triển của nghề này trong điều kiện đất nước đang hội nhập cũng là yếu tố khiến PR trở thành sự lựa chọn của giới trẻ. Dự đoán trong những năm tới, ngành công nghiệp PR ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh, được bổ sung lực lượng nhân lực mới được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường đại học trong nước cũng như nước ngoài. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẽ ứng dụng PR và thành lập các bộ phận PR nội bộ. Về mặt công nghệ-khoa học kỹ thuật, PR trên mạng sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của mạng Internet.

Bước vào thiên niên kỉ mới, tiến trình mở cửa được đẩy mạnh với việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới WTO. Những sự kiện này dẫn đến những thay đổi cơ bản trong xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Công cuộc hội nhập và đổi mới cũng thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình dân chủ hóa xã hội. Nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, giao lưu quốc tế được mở rộng và tăng cường. Trong những năm qua, Việt Nam có hàng loạt những hoạt động PR cấp quốc tế như vận động hành lang quốc hội Hoa Kỳ để gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, tổ chức sự kiện diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương 2006, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu quốc gia…

Sự phát triển của nền kinh tế – xã hội cùng với những tác động mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa và những ảnh hưởng trực tiếp của tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đặt ra yêu cầu thay đổi bộ máy quản lý nhà nước để có thể điều hành đất nước một cách hiệu quả trong điều kiện mới, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững. Để hoàn thành tốt vai trò điều hành nền kinh tế – xã hội, nhà nước cần người dân hiểu và ủng hộ các chính sách của nhà nước. Về phía người dân, nắm được thông tin về hoạt động của nhà nước là quyền và nhu cầu chính đáng. Với vai trò điều hành, điều tiết nền kinh tế – xã hội, có tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống, hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước hiện nay là tâm điểm thu hút sự quan tâm theo dõi của người dân.

Rõ ràng, thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả nhà nước và nhân dân. Thông tin vừa là phương tiện điều hành của nhà nước, vừa là phương tiện để người dân theo dõi, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện quyền dân chủ, vừa là công cụ thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác với bạn bè quốc tế.

Sự khai thác thông tin của báo chí đối với cơ quan nhà nước, một mặt có tác dụng tích cực, giúp nhà nước đưa thông tin đến với người dân, mặt khác, nếu không được quản lý một cách hợp lý có thể dẫn đến tiêu cực, đặc biệt là khi báo chí đưa thông tin không chính xác, làm lộ bí mật của nhà nước có thể gây tâm lý lo lắng trong người dân và dư luận, dẫn đến bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, khả năng hoạt động điều hành của hệ thống cơ quan nhà nước. Ví dụ, những thông tin về giá cả leo thang, hoạt động của thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ trong các năm 2008-2009 cho thấy khả năng tác động lớn của thông tin đến tâm lý người dân; trong khi khả năng điều tiết, quản lý và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nguồn tài sản thông tin và quyền lực nhà nước cũng bị thách thức bởi sự phát triển chóng mặt của Internet và các phương tiện truyền thông. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa và fsự bùng nổ của công nghệ thông tin, Nhà nước không thể độc quyền quyết định, nhất là khi một bộ phận của nền kinh tế như thông tin, vốn, công nghệ, thị trường nằm trong tay tư nhân. Thực tế phức tạp đã đặt ra vấn đề là đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của thông tin đối với tổ chức và cần phải đặt thông tin cũng như việc quản lý thông tin vào một vị trí xứng đáng trong tổ chức của mình. Bộ máy nhà nước cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức đến việc quản lý thông tin về chính bản thân mình, đặc biệt là quản lý thông tin với giới báo chí, vì báo chí là phương tiện chủ yếu phổ cập thông tin của nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân.

Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, hội nhập, ngành truyền thông đang phát triển mạnh mẽ, công tác cung cấp thông tin tại các tổ chức, cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay đã có những cải thiện, song yêu cầu về tính công khai, minh bạch thông tin của người dân còn chưa được đáp ứng đầy đủ; việc quản lý thông tin chủ yếu còn dựa vào pháp luật, manh mún, mang tính đối phó, thiếu chiến lược, chưa chuyên nghiệp.

Vấn đề đặt ra là ngoài những biện pháp quản lý “cứng” hiện nay như sử dụng pháp luật, phạt kinh tế, trực tiếp can thiệp vào hoạt động báo chí, còn biện pháp “mềm” mang tính định hướng liệu có thể áp dụng cho quản lý thông tin, truyền thông hay không? Liệu Quan hệ công chúng có thể được áp dụng như biện pháp “mềm” để định hướng thông tin không? Các cơ quan nhà nước nên có chiến lược, phương pháp quản lý thông tin truyền thông như thế nào để đạt hiệu quả cao trong hoạt động, để đón đầu thay vì phải xử lý, đối phó một cách bị động với các tình huống? Các tổ chức và cơ quan nhà nước cần sử dụng PR như một công cụ truyền thông hiệu quả để đưa thông tin đến với người dân. Với mong muốn góp phần giải quyết những vấn đề trên và mang đến cho độc giả một cái nhìn khái quát về ngành PR tại Việt Nam, chúng tôi đã mạnh dạn viết cuốn sách này với những nội dung cụ thể như sau:

Trong phần 1 của cuốn sách, chúng tôi đưa ra những phân tích cụ thể về nghề PR ở Việt Nam dựa trên những nghiên cứu và khảo sát thực tế.

Phần 2 đề cập tới sự cần thiết của việc sử dụng PR như một công cụ truyền thông của các cơ quan nhà nước trong bối cảnh Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trong phần 3, trên cở sở xem xét hoạt động truyền thông hiện nay của một số cơ quan nhà nước, chúng tôi đưa ra một số mô hình quản lý truyền thông cho các tổ chức, cơ quan nhà nước.

Hy vọng, cuốn sách này sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với những người lãnh đạo các tổ chức, cơ quan nhà nước, để gợi ý về sự thay đổi nên có đối với công tác quản lý thông tin truyền thông. Cuốn sách cũng là nguồn tài liệu tham khảo đối với những người làm PR chuyên nghiệp, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đây cũng là tài liệu bổ ích cho những người đang học tập, nghiên cứu hoặc quan tâm đến lĩnh vực truyền thông.

ĐỌC THỬ

Phần I. Ngành PR tại Việt Nam

1 Sự hình thành ngành PR Việt Nam

1.1. Khái niệm

PR là tên gọi tắt từ tiếng Anh “Public Relations”, hay tiếng Việt là “Quan hệ công chúng”. PR với tư cách là một nghề chuyên nghiệp xuất hiện ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tại Mỹ khi nền kinh tế công nghiệp tư bản ở nước này đang ở giai đoạn phát triển mang tính cạnh tranh cao[1]. PR được sử dụng ở các ngành nghề khác nhau nên mỗi nơi lại đòi hỏi các kỹ năng khác nhau. Chính vì vậy các nhà thực hành PR hay những học giả nghiên cứu PR thường đưa ra những định nghĩa khác nhau về PR. Một số định nghĩa do các nhà nghiên cứu trên thế giới đưa ra đã được giới thiệu trong các cuốn sách về PR xuất bản trước đây[2]. Tuy nhiên, cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành PR thì các cuộc bàn luận liên quan đến khái niệm, định nghĩa của ngành này vẫn tiếp tục diễn ra và thường xuyên gây tranh cãi.

Trong bài báo “Xây dựng một định nghĩa về PR” đăng trên tạp chí Public Relations Review của Mỹ, nhà nghiên cứu Rex Harlow đã tìm thấy 472 định nghĩa khác nhau về PR được đưa ra trong khoảng thời gian từ năm 1900 – 1976. Chính ông cũng đưa ra một định nghĩa về PR như sau: “PR là một chức năng quản lý đặc trưng nhằm giúp thiết lập và duy trì dòng thông tin, sự hiểu biết, chấp nhận và hợp tác hai chiều giữa một tổ chức và công chúng của tổ chức đó, bao gồm việc quản lý vấn đề hoặc rắc rối; giúp bộ phận quản lý có được thông tin và đáp ứng dư luận công chúng; xác định và nhấn mạnh trách nhiệm của bộ phận quản lý để phục vụ lợi ích công chúng; giúp các nhà quản lý bám sát và giải quyết hiệu quả những đổi thay; phục vụ như một hệ thống cảnh báo sớm để giúp đối phó với những xu thế; và sử dụng nghiên cứu các kỹ năng truyền thông, coi đạo đức nghề nghiệp như là một công cụ có tính nguyên tắc của nghề”[3].

Trong khi đó, cũng giống như các nhà hoạt động PR quốc tế, các nhà hoạt động PR ở Việt Nam cũng có xu hướng đưa ra các quan niệm về ngành nghề này trên dựa trên thực tế công việc mà họ đang làm như “tư vấn chiến lược”, “thuyết trình”… Họ cũng sử dụng khái niệm PR tương đương với truyền thông nội bộ hay truyền thông doanh nghiệp và sử dụng báo chí làm công cụ để thuyết phục công chúng và xây dựng thương hiệu của mình.

Mặc dù có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về PR, nhưng các quan điểm đều đi tới thống nhất: PR là một ngành thuộc lĩnh vực truyền thông, có chức năng và nhiệm vụ xây dựng, duy trì thông điệp, quản lý truyền thông để làm cho công chúng hiểu và có thiện chí với một tổ chức hoặc cá nhân nào đó. PR thực hiện các kế hoạch, hành động để xây dựng hình ảnh tích cực nhằm nâng cao danh tiếng của một tổ chức, cá nhân với công chúng của họ. PR chân chính mang lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân và cả công chúng.

Các hoạt động của Quan hệ công chúng: Jane Johnston và Clara Zawawi[4], hai nhà nghiên cứu Quan hệ công chúng người Australia, phân chia lĩnh vực này thành 20 việc chi tiết như sau:

  1. Truyền thông (Communication): truyền đạt hoặc trao đổi suy nghĩ, ý kiến, thông điệp qua các phương tiện hình ảnh, âm thanh hoặc chữ viết.
  2. Tạo ra tin tức trên các phương tiện truyền thông đại chúng (Quảng cáo/ bá danh tiếng – Publicity): phổ biến một cách có chủ đích những thông điệp đã được thống nhất theo kế hoạch, trên một số tờ báo, đài phát thanh, truyền hình đã lựa chọn mà không phải trả tiền, nhằm phát triển một số lợi ích nhất định của một cơ quan hay cá nhân.
  3. Quảng bá (Promotions): những hoạt động nhằm tạo ra hoặc thúc đẩy lợi ích, lợi nhuận cho một cá nhân, một sản phẩm, một tổ chức.
  4. Công việc báo chí (Press agentry): Tạo ra những câu chuyện thuộc loại “tin mềm” (soft news), đôi khi là những chuyện mang tính giật gân, câu khách, thường gắn liền với ngành công nghiệp giải trí.
  5. Hỗ trợ Marketing (Integrated marketing): sử dụng PR với vai trò hỗ trợ mục tiêu marketing hoặc quảng cáo.
  6. Quản lý vấn đề (Issues management): xác định, tham gia kiểm soát và trực tiếp tác động vào những vấn đề thuộc chính sách công liên quan tới tổ chức.
  7. Quản lý khủng hoảng (Crisis management): xử lý khủng hoảng, thảm họa hoặc những sự kiện bất lợi, tiêu cực xảy ra ngoài kế hoạch và làm nổi bật bất cứ kết quả tích cực nào phát sinh trong khủng hoảng.
  8. Thư ký báo chí, cán bộ phụ trách thông tin (Press secretary, Public information officer): cầu nối giữa những chính khách hoặc các cơ quan chính phủ với báo giới.
  9. Nhiệm vụ công, vận động hành lang (Public affairs, lobbyist): thay mặt một tổ chức để làm việc với chính giới hoặc quan chức nhà nước, những người có quyền ra quyết sách để củng cố hoặc biến đổi tình thế.
  10. Quan hệ tài chính (Financial Relations): trao đổi thông tin, giao tiếp với cổ đông hoặc những nhà đầu tư.
  11. Quan hệ cộng đồng (Community Relations): thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa tổ chức và những nhóm cộng đồng có tác động, ảnh hưởng qua lại với tổ chức.
  12. Quan hệ nội bộ (Internal Relations): thiết lập và củng cố mối quan hệ với những thành viên trong nội bộ tổ chức.
  13. Quan hệ trong ngành công nghiệp (Industry Relations): thiết lập và củng cố mối quan hệ với các công ty cùng hoạt động trong một ngành công nghiệp, hoặc hoạt động thay mặt cho những công ty đó.
  14. Quan hệ với nhóm thiểu số (Minority Relations): thiết lập và củng cố mối quan hệ với nhóm thiểu số hay từng cá nhân, hoặc đại diện cho nhóm thiểu số, cá nhân đó.
  15. Quan hệ với báo chí (Media Relations): thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa báo giới và tổ chức.
  16. Ngoại giao nhân dân (Public Diplomacy): thiết lập và củng cố mối quan hệ nhằm thúc đẩy thương mại, du lịch và thiện chí giữa các quốc gia.
  17. Quản lý sự kiện (Event management): chuẩn bị, lâp kế hoạch và tiến hành tổ chức những sự kiện trong một khuôn khổ thời gian nhất định.
  18. Tài trợ (Sponsorship): cho hoặc nhận tiền hay bất kỳ hình thức hỗ trợ tương tự, đổi lại sẽ được tiếp xúc với công chúng.
  19. Quan hệ tiếp thị (Cause/Relationship marketing): thiết lập và củng cố mối quan hệ mang lại sự trung thành hoặc hỗ trợ từ phía khách hàng. (Ví dụ: công việc của các văn phòng xúc tiến thương mại).
  20. Gây quỹ (Fund raising): đại diện cho các tổ chức trong khu vực hoạt động phi lợi nhuận để thiết lập và củng cố mối quan hệ nhằm thu hút sự ủng hộ hoặc quyên góp của công chúng.

1.2. Sự ra đời của ngành PR ở Việt Nam

PR hiện đại với tư cách là một nghề chuyên nghiệp chỉ mới thâm nhập vào Việt Nam từ những năm cuối của thế kỉ XX. Đến nay khái niệm PR vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người dân. Trong những năm gần đây, cùng chính sách đổi mới và tiến trình hội nhập là sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức ra đời tác động mạnh mẽ đến xã hội và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với xã hội. Từ đó nảy sinh nhu cầu về việc quản lý mối quan hệ giữa doanh nghiệp, tổ chức và các đối tác liên quan, cũng như mối quan hệ giữa tổ chức và những nhân viên trong công ty. Nhu cầu về hoạt động PR chuyên nghiệp ngày càng cao dẫn tới sự ra đời của hàng loạt các công ty tư vấn và truyền thông. Những công ty PR có danh tiếng hiện nay phải kể đến các tên tuổi như Galaxy, Venus Communication, Goldensun, Max Communication, T&A Ogilvy và Lê Bros[5]…

Ngành PR nước ta hiện đang trong giai đoạn hình thành và bước đầu đã có sự phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động PR ở Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực là tổ chức sự kiện và quan hệ báo chí. Nhiều chiến dịch PR đã được tổ chức một cách chuyên nghiệp và thành công, ví dụ như chiến dịch “Đèn đom đóm” của hãng sữa Cô gái Hà Lan, chiến dịch “Tôi yêu Việt Nam” của Honda, chiến dịch Đẹp Fashion… Các công ty PR Việt Nam đã nắm bắt được đặc điểm riêng của thị trường trong nước và đã thu được những thành công nhất định.

Thực tế là trước đây, mặc dù ngành Quan hệ công chúng chưa chính thức có mặt tại Việt Nam như một ngành nghề chuyên nghiệp, song những hoạt động mang tính chất Quan hệ công chúng đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực. Từ xa xưa, cha ông ta đã coi trọng tư tưởng “lấy dân làm gốc”, dân tộc ta có truyền thống coi trọng mối quan hệ giữa con người với con người, coi đó là yếu tố chủ đạo cho sự tồn tại và phát triển của xã hội, là phần quan trọng trong nhân cách của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa tư tưởng “lấy dân làm gốc” và áp dụng trong mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Người nói: ”Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Hồ Chủ tịch còn nói, nhân dân là người xây dựng, là người đổi mới, làm nên sự nghiệp lớn, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nhân dân[6]. Các câu ca dao của nhân dân ta cũng thể hiện rõ tư tưởng này, ví như “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Cha ông ta đã ý thức được tác dụng thay đổi nhận thức của con người thông qua giao tiếp, và đã đúc kết thành các câu nói như: “Nói ngọt thì lọt đến xương”… Văn hóa truyền thống Việt Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo dựng và giữ gìn uy tín, như: “Nói lời phải giữ lấy lời. Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”,… Rõ ràng, vốn văn hoá ứng xử, kiến thức về giao tiếp – những kĩ năng quan trọng và cơ bản của PR – đã được tích lũy trong kho tàng văn hoá dân gian truyền thống của dân tộc ta.

Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã ứng dụng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và xây dựng đất nước. Người dân Việt Nam đều nhớ áng “thiên cổ hùng văn” “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo đã làm nức lòng binh sĩ, thôi thúc người dân Việt đứng lên chống giặc ngoại xâm. Tướng Lý Thường Kiệt với bài thơ ngắn vẻn vẹn bốn câu đã động viên tướng sỹ đồng lòng giết giặc, giành độc lập cho đất nước[7]. Hay Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam với lời quyết chiến bảo vệ tổ quốc của các cụ bô lão đáp lại câu hỏi của nhà vua tới những đại diện của toàn dân “Nên hòa hay nên đánh?”[8].

Trong lịch sử cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khéo léo vận dụng sức mạnh của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân cả nước, từ đó cùng đồng lòng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành kháng chiến thắng lợi, giành độc lập, chủ quyền cho đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những nỗ lực ngoại giao mềm dẻo và linh hoạt của Đảng, những thông tin kịp thời, đúng đắn từ trong nước và giới báo chí nước ngoài đã giúp bạn bè thế giới hiểu đúng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, từ đó thu hút được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới, những nỗ lực đàm phán, xây dựng những mối quan hệ đa dạng với nhiều quốc gia trên thế giới đã góp phần giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hội nhập trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Các cơ quan báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước đến người dân. Điều đó đã chứng minh kinh nghiệm thực tiễn về Quan hệ công chúng trong lĩnh vực chính trị của Việt Nam là khá lớn. Thực tế cho thấy, từ lâu người Việt Nam đã biết làm và làm PR rất tốt. Những hình thức của hoạt động PR đã và đang được áp dụng phổ biến trong đời sống xã hội, tại các bộ phận thông tin, tuyên truyền… trong các cơ quan tổ chức. Như vậy người Việt Nam trước đây tuy chưa biết đến thuật ngữ “PR” và các kỹ năng PR hiện đại như ngày nay nhưng đã áp dụng các chức năng PR một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động PR trước đây chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, chủ yếu là trong lĩnh vực chính trị; chưa được sử dụng trong các lĩnh vực kinh doanh, xây dựng thương hiệu cũng như quảng bá thông điệp, hình ảnh như hiện nay.

PR là ngành nghề mới ở Việt Nam song chúng ta có thể khai thác và sử dụng lượng kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ từ một số lĩnh vực trong nước để bổ sung và làm cho nghề này phù hợp với đặc điểm Việt Nam, phát huy vai trò trong điều kiện cụ thể của đất nước. Sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng được đẩy mạnh ở nước ta chính là điều kiện thuận lợi để ngành PR Việt Nam phát triển mạnh trong tương lai, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button