Chuyên ngành

Mưu Kế Người Xưa

muu ke nguoi xua sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK MƯU KẾ NGƯỜI XƯA

Tác giả : Dương Diên Hồng

Download sách  MƯU KẾ NGƯỜI XƯA full ebook PDF/PRC/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF               Download

Định dạng PRC               Download

Định dạng EPUB            Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Con người không có sức mạnh hơn voi, không lặn sâu bằng cá, không bay cao như chim; nhưng con người khuất phục được voi, bắt được cá, bắn được chim. Đó là do con người có trí. Có trí mới sinh ra mưu kế và con người hơn nhau cũng là do nơi mưu kế.

Ngày xưa, những kẻ bày mưu định kế cho các bậc vua chúa gọi là mưu sĩ. Trong chiến tranh giữa các nước, mưu sĩ bên nào tài giỏi hơn, bên ấy tất sẽ chiến thắng.

Quỷ Cốc Tử cho rằng những thần mưu diệu kế trong thiên hạ cũng không lấy gì làm khó, vì cũng chỉ toàn là do người ta bố trí sắp xếp, bày đặt ra mà thôi. Chỉ cần không ngừng nghiên cứu thực tiễn thì có thể đạt được mục đích của mình. Người đời có 36 kế, Quỷ Cốc Tử đưa ra 72 phép để phá vỡ 36 kế ấy. Người ta gọi 72 phép đó là “Quỷ Cốc đấu pháp tâm thuật”.

Con người dù có trăm mưu ngàn kế tài giỏi đến đâu cũng không hơn việc vận dụng “Quỷ Cốc đấu pháp tâm thuật” này.

Cuốn Mưu Kế Người Xưa sưu tầm, giới thiệu cùng bạn đọc 72 mưu lược của Quỷ Cốc Tử và 36 kế của Trung Hoa, kèm theo với một số dẫn chứng được trích từ các tư liệu cổ.

Ai cũng biết và cũng có mưu kế, sự vận dụng mưu kế cao hay thấp là tuỳ khả nǎng mỗi người. Tuy nhiên chúng tôi hy vọng rằng cuốn Mưu Kế Người Xưa sẽ đóng góp một phần nhỏ những kinh nghiệm quý giá của người xưa để có thể góp phần vào thắng lợi của các bạn.

Vài trích dẫn sách :

THẤT THẬP NHỊ HUYỀN MƯU

(72 mưu của Quỷ Cốc tiên sinh)

1. Lùi để tiến tới

“Người giỏi dùng binh trong thiên hạ xưa nay tất phải biết lượng định quyền biến, phải biết phân biệt nặng nhẹ, mạnh yếu.”

Những bậc tướng tài sáng suốt thường không ngại việc chủ động rút lui để tránh né khi quân địch mạnh, tạm lùi lại để chờ thời cơ khác thuận lợi hơn cho việc tấn công. Đó là mưu “lùi để tiến tới”.

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam chói lọi tấm gương sáng những cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược vào thế kỷ thứ 13, đời nhà Trần. Không chỉ là thể hiện lòng yêu nước, quyết chiến đến cùng, mà quân dân ta trong những cuộc kháng chiến này còn bộc lộ rõ những mưu lược sáng suốt đáng cho đời sau học hỏi. Chủ trương đúng đắn nhất của các nhà chỉ huy quân sự trong các cuộc kháng chiến này chính là chủ trương biết “lùi để tiến tới”.

Tháng 8 năm 1284, đại quân của nhà Nguyên gồm hàng chục vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy kéo sang nước ta để thực hiện ý đồ xâm lược đã từng thất bại một lần trước đó.

Chỉ huy quân đội ta lúc bấy giờ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cùng với sự nhất trí của triều đình nhà Trần, ông đã nhanh chóng nhận ra ngay sức mạnh hùng hổ ban đầu của địch quân và thấy rõ sự bất tương phân về lực lượng so với quân ta. Trong trường hợp này, địch mạnh ta yếu, nếu chủ trương quyết tử ngay rõ ràng là một chủ trương dại dột và chắc chắn phải dẫn đến thảm bại.

Vì vậy, Hưng Đạo Vương đã hạ lệnh cho các tướng sĩ phải nghiêm chỉnh chấp hành quân lệnh, vừa đánh vừa lui để bảo tồn lực lượng, không ai được tự ý quyết tử.

Quân ta tự biết sự thua kém về lực lượng của mình nên vừa đánh vừa lùi, cuối cùng rút khỏi Thăng Long và lui vào Thanh Hóa. Quân địch ráo riết truy tìm bộ chỉ huy của ta nhưng không kết quả, đành phải rút về đóng ở Thăng Long.

Chủ trương sáng suốt của quân ta còn thể hiện một cách cụ thể trong nội dung chiếu lệnh mà vua Trần cho công bố trước khi rút khỏi Thăng Long. Trong đó ghi rõ: “Các quận huyện trong nước khi có giặc đến phải cố sức đánh, nếu sức không chống nổi thì cho được phép tránh vào rừng núi, không được đầu hàng.”

Cho phép quân đội của mình được quyền tránh giặc, ngày nay có thể coi là chuyện thường, nhưng vào thời đó quả là một thái độ sáng suốt ít người có được. Ta vẫn biết trong quân lệnh ngày xưa, tướng thua trận trở về đều phải nộp đầu chịu tội, bất kể là thua vì lý do gì. Bởi người ta cho rằng đánh nhau với giặc bao giờ cũng phải liều chết để thắng, kẻ bại trận trở về bị cho là “tham sống sợ chết” và không xứng đáng cầm quân nữa.

Ngoài ra, triều đình còn hạ lệnh cho dân chúng cũng rút lui khỏi các vùng bị giặc tiến đánh, thực hiện chủ trương “đồng không nhà trống”, những gì không mang theo được đều phải phá hủy, không để lọt vào tay giặc.

Với chủ trương đó, quân giặc không thể cướp lấy lương thực từ trong nhân dân, mà phải sống chủ yếu nhờ vào số lương thực của chúng đưa sang. Ngoài ra, quân dân ta ở các địa phương thường xuyên tập kích, đánh lẻ vào các điểm đóng quân của chúng, làm cho bọn chúng lúc nào cũng phải căng thẳng đề phòng không hề được ngơi nghỉ, và tổn thất quân số dần dần.

Những điều đó đều nằm trong dự tính của các nhà chỉ huy quân ta. Hơn thế nữa, với sự khác biệt về khí hậu, phong thổ, quân Nguyên dần dần mắc phải nhiều chứng bệnh thời khí cũng như suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Đến giữa năm 1285 thì sách lược của quân ta đạt đến hiệu quả cao điểm và thời cơ chín mùi cho việc phản công.

Ngày 7 tháng 6 năm 1285, đại quân do vua Trần Nhân Tông đích thân chỉ huy từ Thanh Hóa kéo ra đánh tan quân địch ở Trường Yên. Ngày 10 tháng 6, Thoát Hoan rút chạy, đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) thì gặp quân của Trần Quốc Toản truy đuổi đến. Giặc hốt hoảng không đánh mà chạy thẳng đến sông Thương, Vạn Kiếp thì lọt ổ phục kích của đại quân Hưng Đạo Vương. Giặc bắt cầu phao qua sông nhưng chưa kịp sang hết thì bị quân ta xông ra đánh. Chúng tranh nhau qua sông làm đứt cầu phao, rơi xuống nước chết đuối rất nhiều.

Thoát Hoan tháo chạy thoát thân, đến Vĩnh Bình (Lạng Sơn) lại gặp quân ta phục kích. Hết nước, vị danh tướng này của quân giặc phải chui vào trốn trong ống đồng để quân lính khiêng chạy thoát thân.

Quân của Toa Đô và Ô Mã Nhi từ Thanh Hóa kéo ra vì chưa biết tin Thoát Hoan đại bại, lại bị quân ta đón đánh thua một trận tơi bời ở Tây Kết. Toa Đô mất đầu, Ô Mã Nhi thoát thân chạy ra biển. Quân đội xâm lược hùng mạnh của giặc Nguyên giờ đây bị đánh đến tả tơi không còn dám nghĩ đến chuyện kháng cự mà chỉ có chạy và chạy… Số tù binh bị ta bắt giữ lên đến hơn 50.000 người.

Nhờ nhận định chính xác tình thế, đánh giá đúng tương quan lực lượng và quyết định đúng đắn sách lược “lùi để tiến tới”, quân dân ta đã làm nên kỳ tích là chiến thắng một quân đội viễn chinh được xem là hùng mạnh hơn mình rất nhiều lần.

Tháng 12 năm 1287, quân Nguyên lại tiếp tục thực hiện ý đồ xâm lược lần thứ ba. Chúng chia quân thành ba đạo, từ ba mặt cùng tiến đánh vào nước ta. Ngoài hai mũi tiến công bằng bộ binh và kỵ binh từ Quảng Tây, Vân Nam sang, lần này chúng còn tạo thêm một mũi tiến công bằng thủy binh từ ngoài biển theo sông Bạch Đằng tiến vào.

Đạo quân chủ lực, vẫn do Thoát Hoan chỉ huy, tiến vào vùng Lạng Sơn và đạo quân từ Vân Nam theo sông Hồng tiến sang do tướng A Lỗ chỉ huy. Trên cả hai mặt trận này, quân ta theo kế hoạch của Trần Quốc Tuấn vừa chặn đánh để kiềm chế và tiêu hao sinh lực địch, vừa tổ chức rút lui để bảo toàn lực lượng.

Thủy binh địch do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp thống lĩnh cùng với đoàn thuyền tải lương do Trương Văn Hổ phụ trách từ Khâm Châu (Quảng Đông) vượt biển tiến về phía cửa sông Bạch Đằng.

Thủy binh ta do phó tướng Trần Khánh Dư chỉ huy, chặn đánh ở một số nơi nhưng bị tổn thất phải rút lui. Ô Mã Nhi chủ quan chỉ huy đội chiến thuyền vượt lên trước, theo sông Bạch Đằng tiến nhanh về Vạn Kiếp để hội quân với Thoát Hoan, còn đoàn thuyền tải lương thì tiến vào sau. Trần Khánh Dư liền bố trí quân mai phục ở Vân Đồn (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đón đánh tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền tải lương gồm 70 chiếc của địch.

Chiến thắng Vân Đồn là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch xâm lược của quân Nguyên, làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của chúng, dồn quân địch vào những khó khăn không thể khắc phục được về mặt lương thực.

Tại Vạn Kiếp, Thoát Hoan dừng quân lại một thời gian để xây dựng vùng này thành một khu quân sự trọng yếu. Một bộ phận binh lực được lệnh ở lại đấy, chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu và lập trại chứa lương thực. Sau đó, Thoát Hoan mới tiến về phía Thăng Long.

Quân ta vừa đánh cản địch, vừa tiếp tục rút lui.

Cuối tháng 1 năm 1288, quân Nguyên vượt sông Hồng tiến công thành Thăng Long. Triều đình và quân ta lại tạm thời rút khỏi kinh thành, lui dần đến vùng hạ lưu sông Hồng.

Thoát Hoan huy động quân thủy, bộ đuổi theo ráo riết, nhưng không làm sao bắt được vua Trần và bộ chỉ huy quân ta. Chúng điên cuồng quật lăng mộ vua Trần Thái Tông, đốt phá làng mạc, tàn sát nhân dân.

Nhưng tội ác của giặc càng chất cao thì quân dân ta càng sôi sục chí căm thù và càng siết chặt hàng ngũ dưới lá cờ cứu nước của triều đình.

Không tiêu diệt được quân chủ lực của ta, không bắt được bộ máy đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch đã bắt đầu bị phá sản. Thoát Hoan đành phải trở về Thăng Long, lo củng cố vùng chiếm đóng. Nhưng khắp nơi, nhân dân cất giấu lương thực, thực hiện sách lược “vườn không nhà trống” để bao vây, cô lập quân thù và triệt mất nguồn cướp lương thực của chúng. Chẳng bao lâu, nạn thiếu lương thực trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đời sống của hàng chục vạn quân xâm lược.

Trong lúc đó, các đội dân binh có mặt ở mọi nơi phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phân tán của quân đội triều đình, không ngừng tập kích các doanh trại và căn cứ của địch, chặn đánh các cuộc hành quân của chúng. Những hoạt động du kích có hiệu quả của quân dân ta làm cho địch quân bị tiêu hao dần và phạm vi chiếm đóng của chúng cũng bị thu hẹp lại.

Do kinh nghiệm thất bại lần trước, Thoát Hoan thấy đại bản doanh của hắn ở Thăng Long đang đứng trước nguy cơ bị bao vây và bị tiến công.

Tháng 3 năm 1288, hắn ra lệnh đốt phá kinh thành Thăng Long rồi rút quân về Vạn Kiếp.

Nhưng khu căn cứ Vạn Kiếp mà hắn đã tốn hao bao công sức để xây dựng cũng không còn là nơi an toàn của chúng nữa.

Lương thiếu, quân số hao hụt, tinh thần binh sĩ rã rời, lại thêm bị quân ta tập kích liên tục, nguy cơ diệt vong ngày càng đến gần. Thoát Hoan lo sợ và tức tối như phát điên, nhưng cũng không tìm được con đường thoát nào khác ngoài cách sớm rút lui để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Hắn quyết định chia quân làm hai đạo, theo hai đường thủy, bộ rút về nước. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy đạo quân thủy được lệnh rút lui trước bằng đường sông Bạch Đằng. Thoát Hoan tự chỉ huy đạo quân bộ theo đường Lạng Sơn về nước.

Nhưng mọi hành động của quân thù dù tính toán tinh khôn đến đâu cũng không thoát khỏi tai mắt của nhân dân và sự xét đoán tinh tường của nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn. Những cạm bẫy lớn, những mạng lưới diệt thù đã được giăng sẵn trên các ngã đường rút lui của chúng. Quân dân ta quyết không cho quân thù trốn thoát, bắt chúng phải đền tội ngay trên đất nước mà chúng đã gây ra biết bao tang tóc, đau thương và tàn phá.

Sông Bạch Đằng được Trần Quốc Tuấn chọn làm một trận địa mai phục đại qui mô để chôn vùi đạo quân thủy của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp.

Đầu tháng 4 năm 1288, đạo quân thủy của địch bắt đầu rút, trên bờ có kỵ binh đi hộ tống. Quân dân ta phá cầu đường và chặn đánh liên tục, buộc đội kỵ binh phải quay trở lại Vạn Kiếp. Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi nối đuôi nhau thận trọng theo sông Đá Bạc tiến ra sông Bạch Đằng.

Sáng ngày 9 tháng 4 đoàn thuyền địch bắt đầu tiến vào sông Bạch Đằng.

Một đội chiến thuyền của ta được lệnh tiến lên khiêu chiến rồi giả thua rút chạy. Ô Mã Nhi liền ra lệnh đuổi theo. Lúc bấy giờ, nước thủy triều đang xuống. Khi đoàn thuyền địch vừa lọt vào trận địa mai phục thì quân ta bất ngờ tiến công mạnh vào đội hình của địch, dồn chúng về phía bãi cọc đã chôn sẵn dưới đáy sông. Chiến thuyền của địch vừa to vừa nặng, lại đang lao nhanh theo dòng nước nên khi đâm phải những cọc gỗ có bịt sắt, một số bị tan vỡ và bị đánh đắm[2]

Ngay lúc quân địch đang rối loạn thì quân thủy, quân bộ của ta từ hai bên bờ đổ ra đánh rất quyết liệt. Quân ta lao những bè lửa đã chuẩn bị sẵn vào đốt cháy thuyền giặc. Đại quân của vua Trần cũng kịp thời đến tiếp ứng. Cuộc chiến đấu xảy ra ác liệt từ mờ sáng đến chiều tối. Với ý chí quyết chiến quyết thắng và tinh thần chiến đấu dũng mãnh, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân thủy của địch. Các tướng giặc như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ…, đều bị bắt sống. Quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền và vô số quân giặc bị vùi xác dưới đáy sông Bạch Đằng.

Đạo quân bộ của Thoát Hoan rút lui qua vùng Lạng Sơn, tuy không bị tiêu diệt hoàn toàn nhưng cũng không thoát khỏi số phận thất bại thảm hại. Trên đường rút chạy của chúng, quân dân ta đã chiếm lĩnh các địa hình lợi hại, chặn đánh liên tục, những hố bẩy ngựa đã quật ngã vô số kỵ binh địch, từ trong rừng thẳm, núi cao, những mũi tên độc luôn luôn phóng về phía kẻ thù. Biết bao hành động yêu nước cùng với những sáng tạo phong phú của quần chúng đã góp phần quan trọng vào việc tiêu diệt sinh lực địch. Quân Nguyên bị truy kích, tập kích liên tục và bị tổn thương nặng nề, xác giặc nằm rải rác ra trên đoạn đường dài gần trăm dặm. Thoát Hoan phải mở con đường máu mới chạy thoát được về nước.

Cuộc xâm lược của quân Nguyên bị đập tan hoàn toàn, quân ta toàn thắng.

Một lần nữa, nhờ biết “lùi để tiến tới”, quân dân ta đã đánh tan được một quân đội mạnh hơn mình rất nhiều lần.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button