Chuyên ngành

Mẹ Nhật Truyền Cảm Hứng Học Cho Con Như Thế Nào?

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Sugahara Yuko

Download sách Mẹ Nhật Truyền Cảm Hứng Học Cho Con Như Thế Nào ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : NUÔI DẠY CON

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Lĩnh vực giáo dục hiện nay đang có những bước chuyển biến lớn. Cùng với việc xem xét lại phương pháp giáo dục coi trọng kiến thức trong sách vở, chúng ta đang dần chuyển sang áp dụng phương pháp giáo dục mở. Những năm gần đây, trước thực trạng học lực của trẻ em đang ngày một giảm sút, định hướng phát triển thoát ra khỏi khuôn khổ của nền giáo dục cũ càng được chú trọng hơn. Giáo dục trẻ em là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến tiềm lực quốc gia và xã hội, đến hạnh phúc của nhân loại trong tương lai. Việc giáo dục thế hệ trẻ được thay đổi đa dạng như thế nào tùy thuộc vào phương châm của từng quốc gia.

Tuy nhiên, trong quá trình đó, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất không ai khác chính là con em chúng ta. Các bậc phụ huynh muốn tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con mình nên ra sức tìm hiểu và học hỏi, nhưng kết cục lại bị lượng thông tin quá lớn làm cho rối trí. Có lẽ chưa bao giờ “sự thông thái của cha mẹ” trở nên cần thiết như hiện nay. Cuốn sách Mẹ Nhật truyền cảm hứng học cho con như thế nào? đã ra đời với mục tiêu giới thiệu tới các bậc phụ huynh những điểm cơ bản trong việc giáo dục con người. Nhằm giúp các bậc cha mẹ bớt bối rối trước sự tràn ngập thông tin như hiện nay, cuốn sách cung cấp những điều chúng ta nên truyền đạt, giáo dục con trẻ. Trong đó, tác giả nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc thể hiện tình yêu thương, đồng thời cần tránh những can thiệp không cần thiết đối với trẻ và giáo dục chúng trở thành những đứa trẻ sống lạc quan, hữu ích.

Những đứa trẻ được yêu thương sẽ biết tôn trọng bản thân mình. Người biết tôn trọng bản thân cũng sẽ biết tôn trọng người khác. Có thể nói, đó chính là triết lí cơ bản của cuộc sống. Nếu cha mẹ biết tránh những can thiệp không cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ, trẻ có thể suy nghĩ và hành động độc lập, từ đó học cách tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Khi được giáo dục trong sự giúp đỡ hợp lí của bố mẹ, trẻ có thể hiểu được niềm hạnh phúc của việc sống hữu ích và ý nghĩa của lao động.

Chúng ta phải giúp trẻ hiểu rằng làm việc không tốt thì sẽ bị khiển trách. Thấm thía cảm giác khi bị khiển trách và được cha mẹ giảng giải, trẻ sẽ thay đổi cách hành xử vẫn còn khiếm khuyết của mình. Còn việc “Tại sao lại không được làm như vậy?” thì đến một độ tuổi nhất định chúng mới thực sự hiểu được. Trước khi thấm nhuần về luân lí, đạo đức thì chúng phải học từ các thói quen.

Trong các bài giảng và các buổi hội thảo do tôi tổ chức nhằm truyền bá cách tư duy “giao tiếp chân thành”1, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về việc học tập của trẻ.

Thường thì trẻ sẽ không học bài nếu như cha mẹ chúng không nhắc nhở. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, việc nhắc nhở đó vô hình trung lại tạo ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ luôn có cảm giác tiêu cực.

Cũng giống như việc “Tại sao không được làm việc xấu?” nói trên, việc “Tại sao lại phải học bài?” có lẽ cũng là việc mà khi dần trưởng thành trẻ mới hiểu được.

Tuy nhiên, trước những câu hỏi đó người lớn chúng ta lại hiểu rất rõ lí do. Có rất nhiều người khi đã trưởng thành rồi mới nhận ra rằng “giá mà trước đây mình chịu khó học hơn thì tốt biết mấy”. Đó là vì thực tế đã cho thấy, những người luôn nỗ lực sẽ thành đạt hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn so với những người không cố gắng. Những điều như vậy làm sao con trẻ có thể hiểu được.

Cũng giống như việc “Tại sao không được làm việc xấu?” nói trên, trước khi trẻ hiểu được “Tại sao lại phải học bài?”, nhiệm vụ của cha mẹ là phải biến việc học tập trở thành một thói quen của con trẻ. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến độc giả phương pháp tăng cường hứng thú và động lực học tập cho trẻ thông qua các ví dụ về việc học bài ở nhà của trẻ. Hi vọng cuốn sách sẽ giúp ích đối với những bậc cha mẹ đang quyết tâm nuôi dạy con kiên trì và đúng phương pháp trong một môi trường giáo dục đầy biến động như hiện nay.

SUGAHARA YUKO

ĐỌC THỬ

Chương mở đầu. ĐỘNG LỰC TRONG HỌC TẬP CHO TRẺ VÀ PHƯƠNG PHÁP CỦA CÁC BẬC CHA MẸ

CHA MẸ CŨNG NÊN TỰ RÈN LUYỆN

Trong cuốn sách này, chúng ta bàn về cách các bậc cha mẹ tạo ra môi trường, khơi gợi động lực và hứng thú học tập ở trẻ để giúp chúng phát triển năng lực bản thân. Để làm được điều đó, các bậc phụ huynh cần trau dồi phương pháp dạy dỗ con cái. Đối với mục tiêu rèn luyện để phát triển hứng thú và động lực cho trẻ, việc các bậc cha mẹ tự xem xét lại chính mình là một điều vô cùng cần thiết.

Vì vậy trong cuốn sách này, để phát triển năng lực rèn luyện cho con trẻ của các bậc cha mẹ, tác giả đặt ra mục “Rèn luyện” hay “Tự rèn luyện”. Bạn hãy chuẩn bị một tờ giấy, thử lần lượt viết ra các câu hỏi một cách trung thực nhất về những suy nghĩ, hành động, cảm xúc của bản thân. Hãy ghi lại cả những sự việc xảy ra trong quá trình bạn dạy dỗ con trẻ.

Từ đó, bạn có thể rút ra những phát hiện mới mẻ về chính bản thân và về con mình. Tôi nghĩ rằng, khi đọc những ghi chép đó và nhìn nhận lại, chắc chắn bạn sẽ phát hiện ra những điều mới mẻ ở mình và có thể nâng cao động lực không chỉ của con trẻ mà còn của chính bản thân bạn.

Trong quá trình khơi gợi hứng thú và động lực ở trẻ, thái độ sống tích cực của cha mẹ là điều rất quan trọng.

Tự rèn luyện 1: Những kì vọng về con cái

Bạn kì vọng điều gì ở con cái mình?

Hãy thử viết ra một cách cụ thể những điều mà bạn đang kì vọng ở con mình. Nếu chỉ viết ra được một điều, bạn hãy thành thực tự hỏi lại bản thân: có thật là bạn chỉ kì vọng duy nhất điều đó?

Dù cho bạn có những 20, 30 điều kì vọng đi chăng nữa, hãy cứ viết hết ra.

Ví dụ:

Tôi muốn con mình chăm chỉ luyện tập bóng đá để đạt được kĩ thuật xuất sắc vượt trội;

Tôi muốn con mình tiếp tục giữ vững thành tích học tập trên mức trung bình;

Tôi muốn con mình sẽ cư xử hòa thuận với em trai/em gái chúng;

Tôi muốn con mình luôn luôn khỏe mạnh;

Viết xong, bạn hãy nhìn lại danh sách mình vừa viết ra, sau đó ghi lại suy nghĩ của mình về danh sách này.

Tiếp theo, hãy đọc lại danh sách đó một lần nữa.

Thực ra, đôi khi các bậc cha mẹ chúng ta vô tình đặt quá nhiều kì vọng vào con trẻ. Có trường hợp những kì vọng đó đã gây ra những áp lực không tốt cho trẻ, thậm chí còn phản tác dụng, làm tiêu tan động lực của chúng. Để tránh điều này, trước tiên, các bậc phụ huynh hãy cùng bắt đầu bằng việc chú ý đến những kì vọng mà bản thân đặt ra cho con cái. Từ đó, chúng ta hãy suy xét, giữ lại những kì vọng ích kỉ của riêng mình.

Bên cạnh đó, hãy nghĩ đến cả những kì vọng mà bạn chưa hề viết ra nhưng đã áp đặt lên vai con cái trong cuộc sống hằng ngày từ lúc nào không rõ.

CÁC BẬC CHA MẸ MONG MUỐN GÌ Ở CON CÁI MÌNH?

“Không hiểu sao con tôi chẳng có động lực gì cả…”

Rất nhiều bậc cha mẹ vẫn thường than thở như vậy.

Làm sao để khơi gợi hứng thú và động lực ở trẻ là vấn đề muôn thuở đối với người làm cha mẹ như chúng ta.

Cũng có vị phụ huynh than thở rằng: “Bọn trẻ có hứng thú đấy, nhưng chỉ với việc vui chơi chứ không có chút hứng thú học tập nào cả.” Đây là những trường hợp trẻ hướng sự thích thú vào những đối tượng khác với đối tượng mà cha mẹ mong muốn. Vì đã quen vui chơi thỏa thích nên trẻ chưa có hứng thú với việc học chứ không phải không có hứng thú. Vậy thì làm thế nào để có thể định hướng cho trẻ không chỉ hứng thú với các hoạt động giải trí như chơi trò chơi điện tử hay xem tivi, mà còn có động lực rèn luyện trong học tập và thể thao?

Có hứng thú và động lực để làm gì? Vì sao chúng ta lại muốn con cái mình có hứng thú và động lực? Khi đối mặt với vấn đề của giới trẻ nói chung và trẻ nhỏ nói riêng, chúng ta cần chú ý tới việc đứa trẻ đó đã được giáo dục theo cách thức nào, cũng như môi trường giáo dục và những mối quan hệ xã hội xung quanh chúng. Bên cạnh đó, trên cơ sở hiểu được một đứa trẻ đã được giáo dục như thế nào, chúng ta cũng có thể thấy được những đặc trưng của xã hội đó.

Lớp phụ huynh hiện nay là những người đã từng được nuôi dưỡng và giáo dục trong thời đại mà ưu tiên quan trọng nhất là sự phát triển kinh tế. Đó là thời đại mà người ta hướng tới mục tiêu trước mắt, tìm kiếm những phương pháp hợp lí nhất, khuyến khích đạt hiệu suất cao trong công việc và lấy gia tăng sản lượng làm ưu tiên hàng đầu. Quan điểm về tính hợp lí và hiệu suất ở đây dẫu không phải để áp dụng trong việc giáo dục con cái, nhưng ảnh hưởng của những quan điểm đó đến trẻ là không thể tránh khỏi. Trong quá trình nuôi dạy con cái, sự chấp nhận và khoan dung với cá tính của từng trẻ còn có sự hiện diện của quan niệm về giá trị của thời đại. Đó chính là nguyên nhân tại sao các bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình tiến bộ hơn, giỏi giang hơn người khác.

Phương châm sống “cứ làm sẽ được” thoáng nghe thì có vẻ vô cùng tích cực: luôn hướng đến mục tiêu, tăng năng suất làm việc, nắm bắt những điều tuyệt vời. Rất nhiều người ngưỡng mộ cách sống đó và các bậc phụ huynh cũng vậy. Họ luôn luôn cố gắng trong cuộc sống hằng ngày để đạt được những điều mình muốn.

Tuy nhiên, liệu việc các bậc phụ huynh áp đặt những điều mình mong muốn lên con cái có thể khiến chúng làm theo hay không? Họ ép buộc con theo xu hướng, giận dữ vì con chậm chạp hơn chúng bạn, buộc con phải có động lực bằng những câu đại loại như “Cố lên nào, cố lên nào!”, thúc ép con tham gia hoạt động này hoạt động kia khiến con cảm thấy áp lực. Liệu đó có thực sự là điều nên làm với con cái?

SỰ NGUY HIỂM CỦA CẠNH TRANH

Tôi được xem một bản tổng hợp khảo sát suy nghĩ của các bậc phụ huynh về điểm yếu kém của con mình trên một tạp chí nuôi dạy con. Điểm yếu kém của con được các bậc cha mẹ diễn tả bằng nhiều từ ngữ khác nhau như: “chưa gì đã bỏ cuộc”, “sức chịu đựng kém”, “thích nghi môi trường kém”, “dễ nản lòng”, “không có tinh thần cạnh tranh”.

Tinh thần cạnh tranh? Cụm từ này gợi cho tôi một cảm giác khó chịu. Thực ra, hiện nay trẻ em đang sống trong một xã hội của sự cạnh tranh. Tuy nhiên, đó không phải là kiểu cạnh tranh lành mạnh mà chúng mong muốn, đó là cách sống mà cha mẹ và xã hội, dù vô tình hay cố ý đã đòi hỏi ở các em.

Trong xã hội cạnh tranh này, con trẻ được dạy rằng, để đánh giá giá trị của bản thân, không thể cứ nhìn vào những đặc điểm vốn có của mình mà phải trên cơ sở so sánh với người khác.

Cạnh tranh đã đem lại cho chúng ta nhiều thành tựu. Trong quá trình phát triển khoa học kĩ thuật cũng như sản phẩm công nghiệp, cũng chính nhờ sự có mặt của các đối thủ cạnh tranh mà chúng ta đã đạt được những bước phát triển vượt bậc.

Đối với các vận động viên thể thao, môi trường cạnh tranh cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vì có những đối thủ hiếu chiến hay những người giỏi hơn mình nên các vận động viên mới cố gắng để nâng cao năng lực của mình. Nếu có một mục tiêu để hướng tới và những giới hạn phải vượt qua thì họ mới có cơ hội để trở nên giỏi giang hơn.

Trẻ nhỏ cũng như vậy. Nếu đó là sự cạnh tranh lành mạnh một cách tự nhiên, trẻ sẽ cạnh tranh một cách lành mạnh và theo đó mà trưởng thành hơn. Tuy nhiên, nếu đó là tính cạnh tranh mà cha mẹ vô tình áp đặt lên con cái thì mọi chuyện sẽ ra sao?

Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, không thể có được sự yên ổn về tinh thần khi sống trong môi trường cạnh tranh, mà ở đó việc đánh giá giá trị của bản thân thường được quyết định từ tương quan so sánh với người khác.

GIAI ĐOẠN CẦN ĐỘNG LỰC

Ngày nay, mỗi người đều có thể tự chọn lối sống mong muốn cho bản thân mình. Chúng ta phải tự suy nghĩ, chọn lựa và quyết định xem mình sẽ sống một cuộc sống ra sao, sẽ trở thành người như thế nào và muốn làm việc gì. Như vậy cũng có thể nói rằng, chúng ta đang sống trong một thời đại mà việc phát huy hứng thú và động lực trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Việc tự chọn lựa phong cách sống cho riêng mình đòi hỏi chúng ta có năng lực và động lực sống.

Tuy nhiên, nếu chưa thấm nhuần tư tưởng và kĩ năng cơ bản về việc tự ý thức, tự chọn lựa từ khi còn nhỏ thì sau này lớn lên, trẻ cũng khó có thể phát huy được năng lực đó. Làm sao để biến những năng lượng mà ngày thơ ấu con trẻ dành cho việc vui chơi thành năng lượng cho việc học tập hay rèn luyện thể thao khi trẻ đến tuổi đi học? Năng lực đó cũng vô cùng quan trọng đối với việc sống tự lập trong tương lai, khi trẻ dần lớn lên. Tôi cho rằng, trẻ em thời nay ngày càng cần nhiều động lực sống hơn để thích ứng với những thay đổi của xã hội nhưng thực chất, trẻ không hề tràn đầy hứng thú và động lực.

Trong cuộc trò chuyện với một giáo viên tiểu học nọ, tôi đã thực sự ấn tượng với những gì anh nói. Theo lời anh, gần đây anh rất hay nghe từ miệng bọn trẻ những câu đại loại như “quá phiền phức!” “thật mệt mỏi!”. Không những thế, nhiều em không có chút hứng thú nào. Ngay cả khi đứng trước sự lựa chọn, chúng cũng chỉ tỏ ra ngán ngẩm mà nói “cái nào cũng được”. Thầy giáo nọ nói rằng, có cảm giác như chúng đang rất mệt mỏi vì điều gì đó.

Bản thân tôi cũng ngày càng nhận được nhiều câu hỏi xin tư vấn liên quan đến vấn đề thiếu sức sống ở trẻ và thực trạng sử dụng bạo lực để phản kháng.Khi được hỏi thì không ít trường hợp các em trả lời rằng là do quá áp lực trong thi cử, áp lực vì cha mẹ kì vọng quá nhiều hay mệt mỏi vì không được cha mẹ thấu hiểu.

Căn nguyên của vấn đề này, theo tôi, không bắt nguồn từ trẻ mà từ hoàn cảnh xã hội hay cách sống, cách nghĩ của các bậc cha mẹ, cách mà phụ huynh hoặc những người lớn xung quanh giao tiếp với trẻ.

Trong cuốn sách này, trước khi tìm cách cải thiện hứng thú và động lực của trẻ, chúng ta hãy bắt đầu từ việc tìm hiểu xem các bậc phụ huynh tạo nên những ảnh hưởng như thế nào đối với con mình.

HÃY THỬ TIN VÀO LẼ TỰ NHIÊN!

Những người làm cha mẹ như chúng ta thường đặt vô cùng nhiều kì vọng lên vai con cái. Khi con đến tuổi đi học, chúng ta luôn đòi hỏi con phải giỏi hơn nữa, phải làm được những việc hơn người, phải làm cái này cái kia thật nhanh, thật khéo. Nhưng khi con không thể làm được những việc như chúng ta mong muốn, chúng ta bắt đầu phàn nàn. Hãy thử nhớ lại khi mới sinh con ra, khi ấy chúng ta đâu có mong mỏi gì hơn việc con được lớn lên khỏe mạnh!

Trước đây, mẹ tôi rất khâm phục sự tuyệt vời của tạo hóa khi tạo ra con người mà nói rằng: “Cho dù có cho tôi nguyên liệu rồi chỉ dẫn cách làm đi nữa tôi cũng không thể tạo ra được tạo vật hoàn hảo đến như thế !” Tôi cũng luôn suy nghĩ theo tâm niệm ấy của mẹ.

Quả thật, loài người chúng ta đã được tạo nên một cách hoàn hảo. Không chỉ từ khi được sinh ra mà cả quá trình trưởng thành về thể chất lẫn tinh thần, tất cả đều rất kì diệu. Trong mỗi quá trình đó không có gì là dư thừa. Dẫu đôi khi có những sự cố khiến các bậc cha mẹ phải lao tâm khổ tứ nhưng quá trình phát triển của trẻ vẫn là một quá trình tuyệt vời và kì diệu.

Có những đứa trẻ trông rất dễ thương nhưng lại không theo ai ngoài bố mẹ. Điều đó thể hiện sự nhút nhát, lạ người. Có những bà mẹ than phiền rằng con mình “đến đi vệ sinh cũng không tự đi được”. Những biểu hiện đó cho thấy trẻ đã bắt đầu có năng lực nhận biết về thế giới xung quanh. Đây là giai đoạn trẻ học cách đón nhận sự che chở, yêu thương của những người chúng cảm thấy tuyệt đối an toàn đối với mình.

Chẳng hạn như đến tuổi dậy thì, một đứa trẻ vốn rất hiền lành bỗng dưng tỏ thái độ không bằng lòng với bố mẹ, nói rằng “mẹ thật đáng ghét”. Trong giai đoạn này, dù bố mẹ có cố gắng nói chuyện với con đến mấy cũng khó được con mở lòng tâm sự. Nhưng ngay cả giai đoạn này cũng đánh dấu một bước trưởng thành kì diệu, bởi đó là khi mà trẻ bắt đầu thử tách ra khỏi sự che chở của bố mẹ, chuẩn bị cho việc trở thành người lớn.

Như vậy, chúng ta hãy cứ tin vào lẽ tự nhiên chẳng phải cũng tốt sao? Chúng ta nên quan sát quá trình trưởng thành tự nhiên của mỗi đứa trẻ với tâm thế bình tĩnh và cởi mở hơn. Dõi theo từng bước phát triển tự nhiên, không gây cản trở, mà ngược lại phải tạo ra một môi trường để con có thể phát triển khả năng của mình – đó mới chính là việc mà cha mẹ phải làm.

MÔI TRƯỜNG CHA MẸ TẠO RA

Tôi thường được hỏi rằng, hứng thú và động lực của con người vốn là bẩm sinh hay do môi trường xung quanh tạo nên. Có những đứa trẻ bản tính tự nhiên đã tràn đầy hứng thú trước cuộc sống, nhưng cũng có những đứa trẻ như thể không hề có chút cảm xúc nào. Có những đứa trẻ hiền lành, điềm đạm giúp cho việc nuôi dạy chúng được nhàn nhã, nhưng cũng có những đứa trẻ đầy năng lượng, đầy hứng thú đến mức chỉ dõi theo chúng thôi cũng đã đủ mệt rồi. Theo tôi, tính cách con người ngay từ khi sinh ra đã có sự khác biệt đáng kể.

Tuy nhiên, nếu nói rằng tính cách là do bẩm sinh quyết định thì chúng ta đã không thể rèn luyện hứng thú và động lực cho trẻ. Điều quan trọng là phải hiểu được đặc điểm tính cách vốn có của từng trẻ, từ đó tìm ra những phương pháp phù hợp. Có thể nói rằng, việc tạo nên một môi trường giúp phát huy tối đa những đặc điểm tính cách ở mỗi trẻ là vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ đi sâu phân tích về những đặc điểm tính cách bẩm sinh trong chương 5. Ở chương này, trước hết, chúng ta hãy cùng hướng đến môi trường nuôi dạy trẻ.

Như đã khẳng định trên đây, trước khi bắt đầu quá trình nuôi dạy con, điều quan trọng là chúng ta tin tưởng vào lẽ tự nhiên, tin vào năng lực của mỗi đứa trẻ đã được tạo hóa sinh ra, hết lòng hỗ trợ để con phát triển tối đa khả năng của chúng. Đó chính là bước chuẩn bị môi trường cho việc khơi gợi hứng thú và động lực cho trẻ và nuôi dạy chúng một cách có phương pháp.

Bên cạnh đó, thế giới quan hay là cách nhìn nhận về thế giới xung quanh của chính cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến và kết quả của quá trình giáo dục con trẻ. Có thể chia thế giới quan của con người thành hai loại.

Loại đầu tiên là quan điểm tiêu cực cho rằng: “Con người vốn lười biếng, nếu không được quản lí và giám sát thì sẽ không thể tự giác cố gắng, nỗ lực.” Loại thứ hai là quan điểm tích cực, tin vào bản chất tốt của con người: “Vì con người vốn chăm chỉ nên trong một môi trường phù hợp họ sẽ tự giác hướng đến những điều mình có hứng thú và hành động sẽ từ đó mà phát sinh.”

Những người tin vào quan điểm tiêu cực luôn muốn kiểm soát người khác và chi phối sao cho mọi việc diễn ra đúng theo mong muốn của mình. Ngược lại, những người tin vào quan điểm tích cực thường tạo ra một môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy sự nỗ lực của mọi người. Họ sẽ giúp mọi người tìm được những điều bản thân người đó yêu thích và lựa lời động viên để tạo động lực. Tóm lại, họ luôn suy nghĩ theo hướng phải tìm ra những phương pháp giáo dục đơn giản mà hiệu quả nhất.

Các bậc cha mẹ tin vào quan điểm tiêu cực sẽ tạo ra một môi trường nuôi dạy con theo kiểu chi phối. Thường thì con cái họ sẽ lớn lên trong sự quản lí bó buộc của cha mẹ. Ngược lại, những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay của những người cha, người mẹ tin vào quan điểm tích cực sẽ được sống trong một môi trường thoải mái.

Thoải mái không có nghĩa là trẻ muốn gì được nấy mà là để trẻ có thể trưởng thành một cách tích cực trong quá trình học về lẽ đúng sai, tốt xấu ở đời và rèn luyện thành thục thói quen sống tự lập một cách hạnh phúc.

Trong cuốn sách này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về phương pháp dạy con sống tự lập cùng với việc tạo hứng thú và động lực cho trẻ trên cơ sở tin tưởng vào bản chất tích cực của con người. Môi trường mà cha mẹ chủ động tạo ra vì lợi ích của trẻ rất quan trọng, nhưng chính bản thân cha mẹ cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Trước khi các ông bố, bà mẹ chủ động làm bất cứ điều gì vì con cái, thực ra chính quan điểm về cuộc sống hay cách sống của họ đã ảnh hưởng rất đáng kể đến con cái.

Bạn có đang sống một cuộc sống lạc quan, tích cực? Có nhiều điều làm bạn hạnh phúc hay không? Trong những tình huống khó khăn, bạn cũng không đánh mất động lực của mình mà dũng cảm đương đầu với mọi chuyện chứ? Có lẽ, điều tạo ra sự ảnh hưởng lớn nhất đối với trẻ chính là tinh thần của cha mẹ chúng. Thông qua cuốn sách này, tôi muốn bạn suy nghĩ về hứng thú và động lực, nhưng không chỉ của con bạn, mà còn của chính bạn, những người làm cha mẹ.

Sau khi đọc đến đây, bạn hãy thử làm lại phần “Tự rèn luyện 1” lần nữa. Bạn nhận thấy có sự thay đổi nào đáng chú ý hay không?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button