Chuyên ngành

Mật Mã Văn Hóa

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Clotaire Rapaille

Download sách Mật Mã Văn Hóa ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Chuyên Ngành

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Đối với người Mỹ, đó là một cú phi nước đại. Đối với người châu Âu, đó là một cuộc diễu hành. Và đối với dòng xe Jeep, đó là một bước đột phá.

Cuối thập niên 1990, dòng xe Jeep Wrangler chật vật lấy lại vị thế của mình trên thị trường Mỹ. Nó lần lượt bị các dòng xe SUV1 thế chỗ, những dòng xe này phần lớn đều to hơn, sang trọng hơn và phù hợp với các bà mẹ kiểu mẫu. Công ty Chrysler đứng trước tình thế “ngã tư đường” đối với dòng xe Wrangler và phải suy nghĩ thấu đáo về một cuộc trùng tu lớn.

Tôi bắt đầu làm việc với công ty Chrysler về dòng xe Jeep Wrangler vào cuối thập niên 1990. Thật dễ hiểu khi ban quản lý công ty nghi ngờ phương pháp khảo sát người tiêu dùng của tôi. Họ đã thực hiện nghiên cứu thị trường trên diện rộng và đặt ra hàng trăm câu hỏi cho hàng chục nhóm đối tượng trọng tâm khác nhau. Tôi đến công ty với một mớ phương pháp khác còn họ thì tự nhủ: “Gã này còn có thể cung cấp cho chúng ta được những thông tin gì đây?”

1 SUV: Là dòng xe thể thao đa dụng, đặc trưng gầm cao.

Quả thật, những người ở Chrysler đã đặt ra hàng trăm câu hỏi, chỉ là họ đã không hỏi đúng câu hỏi. Họ chỉ nghe những điều mọi người nói. Đó luôn là một sai lầm. Theo kết quả khảo sát, họ đưa ra những ý kiến cải tiến xe Wrangler theo nhiều hướng (sang trọng hơn, giống một chiếc xe truyền thống hơn, không dùng cửa tháo lắp, bao bọc kín hơn, v.v.) mà không có kế hoạch rõ ràng nào. Xe Wrangler – dòng xe Jeep cổ điển – tiến dần đến việc đánh mất vị thế đặc thù của mình trên thị trường ô tô mà biến thành một kiểu xe SUV khác.

Khi tập hợp các nhóm người tiêu dùng, tôi đã đặt cho họ những câu hỏi khác. Tôi không hỏi họ muốn điều gì ở một chiếc xe Jeep; tôi đề nghị họ kể cho tôi nghe những ký ức đầu tiên của họ về xe Jeep. Có đến hàng trăm câu chuyện, và các câu chuyện này đều có chung một hình ảnh mạnh mẽ. Đó là hình ảnh chiếc xe tung hoành trên những vùng đất rộng lớn, càn lướt trên mọi địa hình, đi đến những nơi mà những chiếc xe thông thường không thể nào đến được. Nhiều người nói về miền Viễn Tây nước Mỹ hoặc những thảo nguyên mênh mông.

Tôi quay về gặp ban giám đốc của Chrysler và nói với họ rằng mật mã cho dòng xe Jeep ở Mỹ là NGỰA. Ý định biến xe Wrangler thành một kiểu xe SUV là sai lầm. Xe SUV không phải là ngựa. Ngựa không mang những trang thiết bị sang trọng. Chúng đeo những chiếc yên da thô ráp chứ không phải những tấm lụa êm ái. Xe Wrangler cần có cửa tháo lắp và mui trần vì người lái xe muốn cảm nhận được gió bao quanh mình, giống như họ đang cưỡi ngựa vậy.

Ban giám đốc không thực sự để tâm đến ý kiến của tôi. Xét cho cùng, họ đã có một nguồn dữ liệu khảo sát lớn cho thấy người tiêu dùng muốn những thứ khác. Có lẽ người ta từng nghĩ xe Jeep giống như ngựa, nhưng giờ họ không còn suy nghĩ đó nữa. Tôi đề xuất họ thử nghiệm giả thuyết của mình bằng cách thay đổi một chi tiết nhỏ trong thiết kế của xe: thay thế đèn pha hình vuông bằng đèn pha hình tròn. Lý do? Vì mắt ngựa hình tròn chứ không phải hình vuông.

Do lắp ráp đèn pha hình tròn hóa ra lại tiết kiệm chi phí hơn nên họ dễ dàng chấp thuận đề xuất của tôi. Họ thử nghiệm mẫu thiết kế mới và ngay lập tức nó được đón nhận tích cực. Doanh số bán xe Wrangler tăng vọt và “gương mặt” mới của Wrangler trở thành đặc điểm nổi bật và được ưa chuộng nhất của chiếc xe. Thực tế là kể từ đó, logo của xe là hình thức tản nhiệt và đèn pha hình tròn. Thậm chí, có những hội hâm mộ xe Jeep còn phát cho các thành viên những chiếc áo phông in dòng chữ huyền thoại “Xe Jeep đích thực phải có đèn pha hình tròn”.

Đồng thời, công ty bắt đầu quảng cáo chiếc xe giống như một “con ngựa”. Tôi thích nhất quảng cáo có một đứa trẻ và một con chó ở trên núi. Con chó bị rơi xuống vực và mắc lơ lửng vào một cái cây. Đứa trẻ chạy đến ngôi làng gần kề để cầu cứu. Nó chạy qua xe sedan, xe minivan, xe SUV cho đến khi bắt gặp một chiếc xe Jeep Wrangler. Chiếc Wrangler càn lướt trên địa hình nhấp nhô của ngọn núi và người lái xe đã giải cứu con chó. Đứa trẻ ôm con chó rồi quay lại cảm ơn người lái xe nhưng chiếc xe Jeep đã đi xuống núi, giống như người hùng Viễn Tây thuở xưa cưỡi trên lưng con chiến mã chạy về phía mặt trời lặn. Chiến dịch quảng cáo đó đã thành công rực rỡ.

Được khuyến khích bởi thành công tại Mỹ, Chrysler thuê tôi tìm ra mật mã của xe Wrangler ở châu Âu. Những người được hỏi ở Pháp và Đức đều nói rằng xe Wrangler gợi họ nhớ đến binh đoàn xe Jeep của Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Với người Pháp, đó là biểu tượng tự do thoát khỏi người Đức. Với người Đức, đó là biểu tượng tự do thoát khỏi bản ngã đen tối của chính mình. Người dân ở những đất nước này kể cho tôi những câu chuyện về việc hình ảnh chiếc xe Jeep khiến họ cảm nhận được hy vọng, nhắc họ rằng năm tháng khắc nghiệt đã qua đi và giờ là bình minh của những ngày tươi đẹp. Tôi quay về Chrysler và nói với họ rằng mật mã của xe Jeep Wrangler ở cả hai nước đó là TỰ DO.

Có được mật mã, Chrysler tiến hành những chiến dịch mới ở Pháp và Đức. Tại những nước này, thay vì định vị chiếc xe giống như một con ngựa, họ nhấn mạnh vào quá khứ hào hùng của dòng xe Jeep và cảm giác giành được tự do khi lái một chiếc Wrangler.

Những chiến dịch này cũng thành công rực rỡ, mở rộng thị trường cho dòng xe Wrangler ở cả hai nước.

Đến lúc này, ban giám đốc của Chrysler không còn nghi ngờ phương pháp của tôi. Họ bắt đầu coi trọng sức mạnh của mật mã văn hóa.

Đối với Ritz-Carlton, sự khai sáng đến theo cách không ai ngờ tới, thông qua… giấy vệ sinh. Khi bắt đầu tư vấn cho công ty này, tôi khiến họ ngỡ ngàng khi nói rằng họ cần bắt đầu xử lý từ nhà vệ sinh nếu muốn nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng. Tất nhiên họ cho rằng tôi nói luyên thuyên.

Nếu bạn hỏi mọi người tại sao họ lại mua loại giấy vệ sinh đang dùng, phần lớn sẽ trả lời: “Vì nó mềm và vì nó được giảm giá”. Họ không hề biết rằng mật mã cho giấy vệ sinh có thể là bất kỳ điều gì ngoại trừ lợi ích tuyệt đối. Họ đã nhầm. Giống như xe Jeep, nghiên cứu của tôi với người tiêu dùng để phá giải mật mã của giấy vệ sinh đã cho thấy một điều mạnh mẽ và bất ngờ về dấu ấn đầu tiên của người Mỹ đối với một sản phẩm quen thuộc.

Đối với các bậc cha mẹ người Mỹ, việc dạy con đi vệ sinh rất được chú trọng. Thậm chí với một số người, việc đó quan trọng đến mức họ bắt đầu rèn con không lâu sau sinh nhật một tuổi của con. Và dù bắt đầu dạy vào thời điểm nào, các bậc cha mẹ cũng đã đóng góp cho một ngành công nghiệp nhỏ bao gồm các sách, băng đĩa, và cả những nhà tâm lý học nghiên cứu về lĩnh vực này. (Hiện giờ người ta vẫn còn đang tranh luận về ý tưởng trẻ “không mặc tã”, vì cho rằng có thể dạy cho trẻ đi vệ sinh từ lúc 8 tháng tuổi!) Việc dạy trẻ đi vệ sinh tạo ra những hệ quả xã hội quan trọng: nó ảnh hưởng đến mọi thứ từ những buổi đi chơi đến những chuyến đi xa và việc được nhận vào lớp mẫu giáo. Tất nhiên là cả cảm giác tự do đầy hứng khởi khi bố mẹ thấy rằng họ không còn phải thay tã cho con nữa.

Tuy nhiên đối với bản thân những đứa trẻ Mỹ, việc được dạy đi vệ sinh thành thục lại gây ra những phản ứng khác nhau. Một khi đứa trẻ có thể tự mình đi vệ sinh – hoặc cụ thể hơn, tự mình sử dụng nhà vệ sinh và giấy vệ sinh – một điều đặc biệt xảy ra. Đứa trẻ từ giờ có thể đóng cửa nhà vệ sinh, thậm chí khóa lại, và không cần bố mẹ. Thú vị thay, đứa trẻ được khen ngợi khi làm điều đó. Bố mẹ tự hào về chúng khi chúng không còn cần đến họ nữa. Họ mỉm cười và tán thưởng. Đôi khi họ còn mua quà cho đứa trẻ.

Dấu ấn này hoàn toàn gắn liền với việc sử dụng giấy vệ sinh hơn là bản thân việc sử dụng giấy vệ sinh. Trong những năm đầu đời, việc sử dụng nhà vệ sinh vẫn cần đến bố mẹ trợ giúp hoặc ngồi đó với trẻ cho đến khi xong xuôi để lau rửa. Chỉ sau khi đứa trẻ sử dụng giấy vệ sinh thành thạo thì nó mới có thể tự do trong nhà vệ sinh. Tự do, mà không chút tội lỗi, từ đó đứa trẻ nhận thức được toàn bộ quyền hạn của bản thân trong cuộc sống.

Ký ức này trong văn hóa Mỹ mạnh mẽ đến mức mật mã văn hóa của giấy vệ sinh là ĐỘC LẬP.

Với Ritz-Carlton, điều này đồng nghĩa với cơ hội lớn cung cấp cho các khách hàng trong một phòng của ngôi nhà (hoặc căn hộ) những dấu hiệu của riêng tư và độc lập hoàn toàn. Tại sao lại không có điện thoại trong phòng tắm? Một sổ tay và bút để ghi chú? Tại sao lại dừng lại ở đó – tại sao không khiến phòng tắm trở nên thoải mái, rộng rãi và độc lập? Nếu chỉ có ít ỏi công năng, một phòng tắm sẽ dễ dàng bị quên lãng. Thế nhưng một phòng tắm đầy đủ trang thiết bị và độc lập khỏi thế giới là một phòng tắm “thuận mã”. Thực vậy, ngày nay, nếu để ý những căn nhà mới xây trong những khu đô thị phồn hoa, bạn cũng sẽ thấy ấn tượng tương tự. Phòng tắm ngày càng được mở rộng – bồn tắm, bồn rửa mặt đôi, ti vi, ổ cắm điện thoại, và luôn luôn có một cánh cửa để ngăn cách với thế giới.

Tại sao lại như vậy? Những mật mã.

Mật mã văn hóa là một định nghĩa vô thức mà chúng ta gán cho bất kỳ một vật cụ thể nào – một chiếc xe, một nhóm máu, một mối quan hệ, thậm chí là một đất nước – thông qua nền văn hóa mà chúng ta được nuôi dạy. Nhận thức của người Mỹ về xe Jeep khác một trời một vực với nhận thức của người Đức và người Pháp vì nền văn hóa của chúng ta phát triển khác nhau (người Mỹ có những ký ức văn hóa mạnh mẽ về biên giới rộng lớn; người Đức và người Pháp lại có những ký ức văn hóa mạnh mẽ về sự chiếm đóng và chiến tranh). Vậy nên, những mật mã – những định nghĩa mà chúng ta gán cho xe Jeep trong vô thức – cũng khác nhau. Có vô vàn nguyên do (và tôi sẽ trình bày trong các chương sau), nhưng tựu chung đều phụ thuộc vào thế giới mà chúng ta lớn lên. Tất nhiên là ai cũng biết rằng có những nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên điều mà phần lớn mọi người không nhận ra là những khác biệt văn hóa đó sẽ khiến chúng ta xử lý cùng một thông tin theo nhiều cách khác nhau.

Tôi bắt đầu hành trình khám phá những mật mã văn hóa từ đầu thập niên 1970. Thời điểm đó, tôi là một nhà phân tâm học ở Paris. Do công việc điều trị mà tôi biết đến công trình nghiên cứu của nhà khoa học vĩ đại Henri Laborit, người đã vạch ra mối quan hệ rõ ràng giữa việc học tập và cảm xúc, chỉ ra rằng nếu không có cảm xúc thì không thể học tập. Cảm xúc càng mạnh mẽ thì trải nghiệm học được càng sâu sắc. Hãy hình dung việc một đứa trẻ được bố mẹ dặn tránh xa chiếc chảo nóng đặt trên bếp. Khái niệm này là khó hiểu đối với đứa trẻ cho đến khi nó với lên, chạm vào chiếc chảo, và bị bỏng. Trong khoảnh khắc cảm xúc đau đớn dữ dội đó, đứa trẻ học được ý nghĩa của “nóng” và “bỏng” và không bao giờ quên.

Sự kết hợp giữa kinh nghiệm và những cảm xúc đi kèm tạo ra một thứ được gọi là dấu ấn, thuật ngữ do Konrad Lorenz1 đề ra. Một khi dấu ấn được tạo ra, nó tác động mạnh mẽ đến quá trình tư duy và định hình những hành động trong tương lai của chúng ta. Sự kết hợp của các dấu ấn định nghĩa nên con người chúng ta.

1 Konrad Lorenz (1903 – 1989): Nhà động vật học, nhà nghiên cứu tập tính học và điểu học. Năm 1973, ông giành giải Nobel Sinh lý học và Y khoa cùng với Nikolaas Tinbergen và Karl von Frisch.

Một trong những dấu ấn cá nhân đáng nhớ nhất của tôi được tạo ra khi tôi còn nhỏ. Tôi lớn lên ở Pháp, và khi tôi khoảng bốn tuổi, gia đình tôi được mời dự đám cưới. Tôi chưa từng đến đám cưới và không thể biết được điều gì chờ đợi mình. Và những gì tôi đã chứng kiến thật không thể nào quên. Đám cưới ở Pháp không giống với đám cưới ở bất kỳ nền văn hóa nào mà tôi biết. Đám cưới tổ chức trong hai ngày, hầu hết đều diễn ra quanh một chiếc bàn chung lớn. Mọi người đứng quanh bàn để mời rượu. Họ trèo lên bàn và ca hát. Họ ngủ dưới gầm bàn và (sau này tôi mới được biết) thậm chí tán tỉnh nhau dưới đó. Thức ăn luôn có sẵn. Mọi người uống le trou Normand, một cốc Calvados và bụng họ lại có chỗ để nhồi thêm thức ăn. Những người khác thì vào nhà vệ sinh nôn để có thể ăn được nhiều hơn. Đối với một đứa trẻ, chứng kiến những điều đó là một trải nghiệm đáng kinh ngạc, và nó để lại trong tôi một dấu ấn không bao giờ phai nhạt. Từ đó, tôi luôn liên hệ đám cưới với việc ăn uống thừa mứa. Sự thật là lần đầu tiên đến dự một đám cưới ở Mỹ, tôi đã ngạc nhiên bởi bầu không khí điềm đạm khi đem so sánh với đám cưới ở Pháp. Gần đây, vợ tôi (cũng lớn lên ở Pháp) và tôi đã tổ chức một bữa tiệc nhiều ngày, có nghĩa là “đám cưới” đối với cả hai chúng tôi.

Mọi dấu ấn đều ảnh hưởng đến chúng ta trong vô thức. Khi đúc kết được điều này từ nghiên cứu của Laborit, tôi bắt đầu kết hợp những gì học được từ ông vào công việc điều trị của mình ở Paris, hầu hết là được thực hiện với trẻ em mắc chứng tự kỷ (thực tế là Laborit khiến tôi đưa ra giả thuyết rằng trẻ em mắc chứng tự kỷ không học tập hiệu quả vì chúng thiếu cảm xúc để học tập). Chủ đề về sự hằn sâu dấu ấn cũng là cơ sở cho các bài giảng mà tôi giảng dạy trong thời gian này. Sau một bài giảng đặc biệt tại Đại học Geneva, bố của một học sinh đã đến tìm tôi. “Bác sĩ Rapaille, tôi có một khách hàng cho ông đây”, ông ta nói.

Luôn bị lôi cuốn bởi những khả năng có thể xảy ra của các ca bệnh khác nhau, tôi gật đầu thích thú. “Một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ à?”

“Không”, ông ta mỉm cười. “Nestlé.”

Vào thời điểm đó, tôi đang tập trung vào nghiên cứu điều trị và học thuật nên hầu như không hiểu từ “marketing” có nghĩa là gì. Vì thế, tôi không tưởng tượng nổi mình có giá trị gì đối với một công ty.

“Nestlé? Tôi có thể làm được gì cho họ?”

“Chúng tôi đang cố gắng bán cà phê hòa tan tại Nhật Bản, nhưng chúng tôi không đạt được thành công như mong đợi. Nghiên cứu của ông về dấu ấn có thể rất hữu ích cho chúng tôi.”

Chúng tôi tiếp tục trao đổi và người đàn ông đó đã đưa ra một lời đề nghị cực kỳ hấp dẫn. Không chỉ là các điều khoản tài chính đáng cân nhắc, mà dự án này còn có một cái gì đó rất hứa hẹn. Không giống như công việc của tôi với trẻ em mắc chứng tự kỷ, quá trình điều trị là vô cùng chậm chạp, đề nghị này là cơ hội để tôi nhanh chóng kiểm nghiệm lý thuyết về dấu ấn và tâm trí vô thức mà tôi đã phát triển. Đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Tôi xin nghỉ phép và bắt tay tiến hành nhiệm vụ mới của mình.

Cuộc họp đầu tiên cùng ban giám đốc Nestlé và công ty quảng cáo tại Nhật Bản của họ rất hữu ích đối với tôi. Ngày nay, nếu áp dụng chiến lược của họ thì hết sức ngớ ngẩn nhưng vào thập niên 1970 thì không đến nỗi nào, họ đã nỗ lực tìm cách thuyết phục người tiêu dùng Nhật Bản chuyển từ trà sang cà phê. Từng ở Nhật Bản một thời gian, tôi biết rằng trà có ý nghĩa rất lớn trong nền văn hóa của đất nước này, nhưng tôi không có chút kiến thức nào về cảm nhận của họ đối với cà phê. Tôi quyết định tập hợp một vài nhóm nhỏ lại để cùng nhau tìm hiểu xem họ đã hằn sâu dấu ấn về thức uống này như thế nào. Tôi tin rằng có một thông điệp mà chúng tôi có thể dùng để mở cánh cửa cho Nestlé. Tôi tiến hành những buổi gặp mặt kéo dài ba giờ với từng nhóm. Trong giờ đầu tiên, tôi đóng vai một người ngoài hành tinh, người này chưa từng nhìn thấy cà phê và cũng không biết làm cách nào để “sử dụng” nó. Tôi nhờ mọi người giúp đỡ mình hiểu được về sản phẩm. Tôi tin rằng những miêu tả của họ sẽ cho tôi cái nhìn sâu sắc hơn về những gì họ nghĩ về cà phê.

Trong một tiếng tiếp theo, tôi cho họ ngồi xuống sàn nhà như học sinh tiểu học, dùng kéo và các bìa tạp chí để cắt dán thành các chuỗi chữ nghệ thuật về cà phê. Mục đích là để họ kể cho tôi những câu chuyện với các từ ngữ đó, giúp tôi có được những gợi ý sâu sắc hơn. Trong giờ thứ ba, tôi cho những người tham gia nằm gối đầu trên sàn. Mọi người có phần lưỡng lự, nhưng tôi đã thuyết phục họ rằng tôi đang rất nghiêm túc và hoàn toàn tỉnh táo. Tôi bật những bản nhạc êm dịu và yêu cầu những người tham gia thư giãn. Bằng cách đó làm dịu đi sóng não hoạt của họ, đưa họ đến khoảng tĩnh lặng ngay trước khi chìm vào giấc ngủ. Khi họ đã rơi vào trạng thái này, tôi đưa họ vào cuộc hành trình quay ngược thời gian, qua cả những năm tháng niên thiếu, trở về thời điểm mà họ còn rất nhỏ. Khi họ đến được đó, tôi yêu cầu họ nghĩ về cà phê một lần nữa và hồi tưởng lại ký ức đầu tiên của mình về cà phê, lần đầu tiên trải nghiệm cà phê một cách có ý thức cũng như ký ức mạnh mẽ nhất của họ về nó (nếu đó là hai ký ức khác nhau).

Tôi tiến hành phương pháp này để gợi lại dấu ấn đầu tiên của họ về cà phê cũng như những cảm xúc gắn liền với nó. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều không thu được kết quả gì. Điều này chỉ ra cho Nestlé một thông điệp hết sức rõ ràng. Trong khi người Nhật có kết nối cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ đối với trà thì dấu ấn của cà phê trong họ lại vô cùng mờ nhạt. Thực tế là nhiều người thậm chí còn không có chút dấu ấn nào về cà phê.

Với tình hình này, chiến lược của Nestlé nhằm làm người tiêu dùng chuyển từ trà sang cà phê chắc chắn thất bại. Cà phê không thể nào cạnh tranh với trà trong văn hóa Nhật Bản nếu nó chỉ đem đến những cảm xúc nghèo nàn như vậy. Thay vào đó, Nestlé cần phải bắt đầu từ điểm xuất phát nếu muốn thành công trong thị trường này. Họ cần phải gắn được một ý nghĩa nào đó cho cà phê trong nền văn hóa này. Họ cần phải tạo được dấu ấn cho cà phê đối với người Nhật Bản.

Nắm được thông tin này, Nestlé đã đề ra một chiến lược mới. Thay vì bán cà phê hòa tan cho một đất nước ưa chuộng trà, họ đã tạo ra những món tráng miệng cho trẻ em có hương vị cà phê nhưng không chứa chất cafein. Thế hệ trẻ đã đón nhận những món tráng miệng này. Dấu ấn đầu tiên của chúng về cà phê là một dấu ấn vô cùng tích cực, dấu ấn đó sẽ theo chúng suốt cuộc đời. Bằng cách này, Nestlé đã có được một chỗ đứng quan trọng trong thị trường Nhật. Tuy không bao giờ có thể thuyết phục được người Nhật từ bỏ trà nhưng hiện nay doanh số bán hàng của cà phê – gần như bằng không vào năm 1970 – đã đạt mốc nửa tỷ Bảng mỗi năm tại Nhật. Việc hiểu được quá trình hằn sâu dấu ấn – và cách nó liên quan trực tiếp đến nỗ lực marketing của Nestlé – đã mở cánh cửa đi vào văn hóa Nhật cho công ty này và vực dậy một dự án kinh doanh tưởng chừng thất bại.

Tuy nhiên, điều này còn có ý nghĩa quan trọng hơn đối với tôi. Việc nhận ra cà phê không có một dấu ấn nào đáng kể tại Nhật Bản giúp tôi thêm khẳng định rằng những dấu ấn đầu tiên có tác động mạnh mẽ đến hành vi của con người. Hơn nữa, thực tế là người Nhật không có dấu ấn mạnh mẽ với cà phê trong khi người Thụy Sĩ lại có (Nestlé là công ty Thụy Sĩ) đã chứng minh rằng dấu ấn là thứ phân định các nền văn hóa. Nếu tôi có thể tiếp cận căn nguyên của những dấu ấn này – nếu tôi có thể “giải mã” những yếu tố của một nền văn hóa để tìm ra những cảm xúc và ý nghĩa gắn liền với chúng – tôi sẽ học được rất nhiều điều về hành vi của con người cũng như sự đa dạng của nó trên khắp hành tinh này. Điều này đã thôi thúc tôi đến với công việc của cuộc đời mình – tìm kiếm những mật mã ẩn chứa một cách vô thức trong mọi nền văn hóa.

Khi người đàn ông và người phụ nữ có một đứa bé, tức là họ có một cá thể người bé nhỏ chứ không phải là một con chim, một con cá hay là một con voi. Mã di truyền quy định điều này. Nhưng khi một người đàn ông Mỹ và một người phụ nữ Mỹ có một đứa bé thì đó là một đứa trẻ Mỹ. Nguyên nhân của việc này không phải là do mã di truyền, mà là do tác động của một loại mã khác – mật mã văn hóa.

Ví dụ, “mặt trời” trong tiếng Pháp là le soleil, một danh từ mang vẻ nam tính, và đối với người Pháp, từ đó có liên hệ chặt chẽ với vị vua Mặt trời, Louis XIV. Người Pháp đã hằn sâu những điều này từ khi còn trẻ, xem mặt trời như nam giới và mở rộng ra, gắn liền người đàn ông với sự chói lòa và rực sáng. Mặt khác, người phụ nữ được liên hệ với mặt trăng, la lune, một từ mang vẻ nữ tính. Tất nhiên mặt trăng không thể tự tỏa sáng; nó chỉ phản chiếu lại ánh sáng của mặt trời. Chúng ta có thể học được nhiều điều về mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ Pháp qua quan sát trên cũng như việc tìm hiểu cách trẻ em Pháp hằn sâu dấu ấn về những thuật ngữ này.

Tuy nhiên, đối với người Đức, những từ ngữ này lại mang những ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Mặt trời, die Sonne, là nữ tính, và người Đức tin rằng phụ nữ là những người mang lại sự ấm áp cho thế giới, làm cho sự vật phát triển và nuôi dạy con cái. Những người đàn ông Đức là màn đêm, là bóng tối, là mặt trăng. Der Mond, mặt trăng, là một thuật ngữ nam tính. Một lần nữa, điều này đã nói lên mối quan hệ tương tác giữa hai giới tính trong nền văn hóa này và vai trò của mỗi giới trong xã hội.

Việc tiếp nhận những từ như “mặt trời” và “mặt trăng” có thể tạo ra những dấu ấn hoàn toàn trái ngược giữa người Pháp và người Đức. Do đó, mỗi nền văn hóa có một cách diễn giải khác nhau – một mật mã khác nhau – cho những từ này. Tất cả những mật mã khác nhau cho những dấu ấn khác nhau, khi tập hợp lại, sẽ tạo ra một hệ thống tham chiếu mà những người sống trong nền văn hóa đó sử dụng một cách vô thức. Những hệ thống tham chiếu này khiến các nền văn hóa trở nên hoàn toàn khác biệt.

Dấu ấn và mật mã của nó cũng giống như ổ khóa và mã số vậy. Nếu có những con số chính xác nằm đúng thứ tự, bạn sẽ mở được chìa khóa. Việc mở vô số những ổ khóa đó mang lại những hàm ý sâu xa. Điều đó đem đến cho chúng ta câu trả lời về một trong những câu hỏi cơ bản nhất của con người: vì sao chúng ta hành động như vậy? Hiểu biết về mật mã văn hóa cung cấp cho ta một công cụ đặc biệt – một lăng kính mới để nhìn nhận lại bản thân và những hành vi của chúng ta. Nó thay đổi cách chúng ta nhìn nhận mọi việc xung quanh mình. Hơn thế, nó xác nhận một điều mà chúng ta còn hoài nghi là đúng – đó là mặc dù cùng là con người nhưng mọi người trên thế giới này đều thật sự khác biệt. Mật mã văn hóa sẽ giúp chúng ta hiểu được điều đó.

Cuốn sách này là kinh nghiệm được tôi đúc kết trong hơn ba thập kỷ giải mã các dấu ấn cho nhiều tập đoàn lớn trên khắp thế giới. Tôi gọi quá trình giải mã này là một “khám phá” – tôi đã làm điều này hơn ba trăm lần – và thấy rằng những khám phá này mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng của mình. Hơn một nửa công ty trong Fortune 1001 thuê tôi làm cộng tác viên, và phản hồi của họ với những khám phá của tôi đã xác nhận rằng công việc tôi đang làm là đúng đắn, giúp tôi khẳng định lăng kính mà tôi đã sáng tạo ra, lăng kính của mật mã văn hóa, mang lại một cái nhìn mới và đặc biệt sâu sắc về thế giới xung quanh chúng ta. Hơn 30 năm qua, tôi đã tạo ra một phương pháp đã được chứng minh và kiểm nghiệm để có được những khám phá. Trong cuốn sách này, tôi sẽ chia sẻ phương pháp đó, và một số điều tôi học được về những nền văn hóa lớn của thế giới khi sử dụng nó.

Mục đích chính của tôi là giải phóng những người đang đọc cuốn sách này. Hiểu được nguyên nhân hành động giúp chúng ta có được sự tự do. Sự tự do này sẽ tác động đến mọi mặt trong cuộc sống, từ những mối quan hệ bạn đang có cho tới cảm nhận của bạn về những thứ bạn sở hữu và những việc bạn đang làm cũng như thái độ của bạn về vị thế của nước Mỹ trên thế giới.

Chủ đề mà tôi sẽ trình bày trong Mật mã văn hóa bao gồm hầu hết những điều có tác động mạnh mẽ nhất đến cuộc sống của chúng ta: tình dục, tiền bạc, các mối quan hệ, thức ăn, béo phì, sức khỏe, và cả chính nước Mỹ nữa. Bạn sẽ thấy những người tham gia vào các buổi khám phá đã giúp tôi tìm ra những mật mã như thế nào Fortune bình chọn.

1 Bảng xếp hạng 100 công ty hàng đầu thế giới do tạp chí và việc phát hiện những mật mã đó đã giúp tôi có được cái nhìn mới về hành vi của con người tại Mỹ, sự tương phản đối với hành vi của con người trong những nền văn hóa khác, và những sự khác biệt đó có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta.

Một khi bạn đã biết về mật mã, tất thảy sẽ không còn như trước nữa.

ĐỌC THỬ

Chương 1 QUAN ĐIỂM MỚI

Hiện nay, tôi vẫn đang tiến hành những buổi khám phá giống như cách tôi tiến hành buổi khám phá đầu tiên cho Nestlé hơn 30 năm về trước. Phương pháp luận của tôi gồm năm nguyên tắc để tìm ra mật mã văn hóa, và những nguyên tắc đó sẽ giúp bạn hiểu được quá trình tư duy trong mỗi khám phá.

Cách tốt nhất để minh họa những nguyên tắc đó là xem xét chúng trong bối cảnh thực tế. Ở những trang tiếp theo, tôi sẽ cùng bạn khám phá mật mã của người Mỹ đối với xe ô tô. Tôi đã thực hiện việc này vài năm trước cho công ty Chrysler, sau những gì tôi làm cho họ với dòng xe Jeep Wrangler. Khi đó, họ đang chuẩn bị giới thiệu một mẫu xe mới và thuê tôi tìm hiểu những điều mọi người thực sự muốn ở một chiếc xe ô tô. Tại thời điểm đấy, doanh số của dòng xe sedan1 đang giảm sút do người Mỹ ngày càng ưa chuộng dòng khoang chính.

1 Sedan là loại xe bốn cửa, có bốn hoặc năm chỗ ngồi, trần xe kéo dài từ trước ra sau, ca-pô và khoang hành lý thấp hơn xe SUV, xe buýt nhỏ và xe tải. Thậm chí một số người trong ngành còn dự đoán rằng công chúng không còn đặc biệt hứng thú với dòng xe sedan. Do đó cuộc khảo sát lần này mang ý nghĩa quan trọng đối với Chrysler về nhiều mặt, vì nếu dòng xe sedan thực sự không còn hấp dẫn được người Mỹ thì điều này sẽ thay đổi toàn bộ định hướng phát triển của công ty.

Nguyên tắc 1: Bạn không được tin những điều mọi người nói

Người Mỹ mong đợi điều gì ở một chiếc xe? Tôi đã được nghe vô số câu trả lời mỗi khi đặt ra câu hỏi này. Những câu trả lời bao gồm chỉ số an toàn cao, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, cơ chế điều khiển và vào cua linh hoạt, v.v.. Tôi không tin bất kỳ câu trả lời nào trong số đó. Đó là vì nguyên tắc đầu tiên của mật mã văn hóa là cách hiệu quả duy nhất để hiểu những gì mọi người thực lòng mong muốn là bỏ qua những điều họ nói. Nói vậy không có nghĩa là mọi người cố tình nói dối hay xuyên tạc về bản thân mà là do khi bị hỏi trực tiếp về sở thích, mọi người thường có xu hướng trả lời theo cách mà họ nghĩ là người hỏi muốn nghe. Xin nói lại, đó không phải là do họ cố tình gây hiểu lầm. Mà là do mọi người phản ứng với những câu hỏi đó bằng vỏ não – bộ phận của não bộ điều khiển trí thông minh – nhiều hơn là bằng cảm xúc và bản năng. Họ suy nghĩ cũng như xử lý câu hỏi và khi đưa ra câu trả lời thì đó là kết quả của một quá trình cân nhắc kỹ càng. Họ tin rằng mình đang nói ra sự thật. Một chiếc máy phát hiện nói dối có thể chứng thực điều này. Thế nhưng, trong hầu hết mọi trường hợp, họ không hề nói thực lòng.

Nguyên nhân của chuyện này rất đơn giản: phần lớn mọi người không hiểu tại sao họ làm những việc họ đang làm. Trong một nghiên cứu kinh điển hồi thế kỷ XIX, nhà khoa học Jean-Martin Charcot đã thôi miên một nữ bệnh nhân, đưa cho cô một chiếc ô, và yêu cầu cô mở ô ra. Sau đó, ông từ từ đưa người phụ nữ ra khỏi trạng thái thôi miên. Khi thức tỉnh, cô hết sức ngạc nhiên bởi món đồ đang cầm trên tay. Rồi Charcot hỏi cô tại sao lại cầm chiếc ô trong nhà. Câu hỏi khiến người phụ nữ cực kỳ bối rối. Hiển nhiên là cô không hề biết những gì mình vừa trải qua cũng như không có ký ức nào về những chỉ thị của Charcot. Bế tắc, cô nhìn lên trần nhà. Rồi cô lại nhìn xuống Charcot và trả lời: “Trời đang mưa”.

Rõ ràng người phụ nữ không hề nghĩ rằng mình cầm ô trong nhà là vì trời đang mưa. Thế nhưng, khi được hỏi, cô cảm thấy sự hối thúc phải đưa ra một câu trả lời, và đó là câu trả lời hợp lý duy nhất mà cô có thể nghĩ ra.

Kể cả những người hay tự vấn bản thân nhất cũng hiếm khi có được sư kết nối chặt chẽ với tiềm thức. Chúng ta có rất ít tác động tới thứ sức mạnh đầy quyền năng này, thứ chi phối vô số hành động của chúng ta. Do đó, chúng ta đưa ra những câu trả lời có vẻ hợp tình hợp lý và thậm chí đúng như mong đợi của người đặt câu hỏi, mà không hề nhận ra rằng có một sức mạnh vô thức lấn áp cảm xúc của mình. Đó là lý do các bảng thăm dò và khảo sát thường sai lạc và không có tác dụng (và là nguyên nhân khiến ban giám đốc của Chrysler nhận được những “câu trả lời” sai về dòng xe Wrangler). Chúng chỉ phản ánh những điều mọi người nói, hơn là những điều mọi người thực lòng nghĩ.

Khi mới hành nghề, tôi nhận ra rằng, nếu muốn giúp mọi người nhận ra điều gì thực sự có ý nghĩa với họ thì tôi cần vào vai “người lạ chuyên nghiệp”, một vị khách đến từ hành tinh khác như tôi từng đề cập. Tôi cần thuyết phục mọi người rằng tôi hoàn toàn không biết gì hết và cần mọi người giúp đỡ để hiểu cơ chế hoạt động của một đồ vật cụ thể, nó có những điểm nào thu hút và nó thường khơi gợi lên những cảm xúc gì. Bạn làm gì với cà phê? Tiền có phải là một thứ phục trang hay không? Một người thể hiện tình yêu của mình như thế nào? Điều này cho phép mọi người bắt đầu quá trình tách rời khỏi tác động của vỏ não và tiến thẳng đến khởi nguồn của lần tiếp xúc đầu tiên giữa họ với đồ vật trong câu hỏi.

Vào giờ thứ ba của buổi khám phá – thời điểm mà những người tham gia nằm gối đầu xuống sàn và nghe nhạc êm dịu – cuối cùng mọi người cũng bắt đầu nói ra những điều họ thực lòng nghĩ. Quá trình này giúp họ truy nhập một bộ phận khác của não bộ. Câu trả lời họ đưa ra lúc này đến từ não bò sát, nơi bản năng trú ngụ. Chính não bò sát là nơi chứa đựng câu trả lời thực sự của chúng ta.

Nhiều người từng trải qua cảm giác hồi tưởng lại những giấc mơ của mình một cách sinh động trong khoảng năm đến mười phút đầu tiên sau khi thức dậy. Nếu không ghi lại chi tiết những giấc mơ đó trong vài phút đầu tiên ấy thì thường họ sẽ quên chúng vĩnh viễn. Đó là do trong trạng thái giữa ngủ và tỉnh, bạn dễ dàng truy nhập những ký ức và bản năng của mình hơn. Quá trình thư giãn trong buổi khám phá cho phép những người tham gia đạt đến trạng thái đó và nhờ vậy vượt qua được tác động của vỏ não và tái kết nối với não bò sát của mình. Mọi người thường xuyên kể lại rằng có những ký ức mà họ đã quên bẵng hàng năm trời quay trở lại với họ trong những buổi khám phá này.

Đối với trường hợp của công ty Chrysler, tôi tập hợp những người tham gia và yêu cầu họ nói cho tôi biết những điều họ mong muốn ở một chiếc xe ô tô. Những câu trả lời ban đầu tôi nhận được đều thuần túy chịu tác động của vỏ não: không hao xăng, an toàn, cơ chế vận hành đáng tin cậy và tất cả những thứ khác mà chúng ta đã được biết để nói về chủ đề này. Tất nhiên, tôi không tin họ. Khi buổi khám phá tiếp diễn, tôi dần được nghe những điều sâu kín hơn về ô tô. Ký ức về những chiếc xe đặc trưng trong quá khứ, như chiếc Mustang 1964 ½, chiếc VW Beetle nguyên bản, và dòng xe Cadillac của thập niên 1950 với bộ tản nhiệt khổng lồ. Những câu chuyện về cảm giác tự do khi được cầm trong tay bộ chìa khóa xe đầu tiên. Những tiếng thì thầm bẽn lẽn về trải nghiệm tình dục đầu tiên trên hàng ghế sau của xe. Từng chút một, những điều khách hàng Mỹ thực sự mong muốn ở một chiếc xe dần trở nên rõ nét. Họ muốn điều gì đó khác biệt. Họ muốn tự do. Họ muốn một trải nghiệm tình dục.

Chiếc xe nổi lên từ những buổi khám phá này là chiếc PT Cruiser, một chiếc xe với vẻ ngoài vô cùng mạnh mẽ mang theo một thông điệp chứa đầy sức mạnh.

Phản ứng của công chúng đối với chiếc xe cũng mãnh liệt không kém. Tất nhiên, có một số người không thích. Bất cứ một thứ gì thực sự khác biệt đều sẽ không thu hút được một số người, kể cả những người trong cùng một nền văn hóa. Đó là do tình trạng xung đột định hình nên những nền văn hóa, điều mà tôi sẽ đề cập cụ thể hơn trong Chương 3.

Dẫu vậy, những người khác đều yêu thích chiếc xe, đến mức nó trở thành một sản phẩm thương mại cực kỳ thành công. Chiếc xe này là một trong những mẫu xe ra mắt thành công nhất mọi thời đại. Thậm chí người ta còn phải chi thêm 4.000 đô la chỉ để được vào danh sách chờ mua. Sự đón nhận đầy phấn khích này là vì chiếc PT Cruiser đáp ứng được những điều mà mọi người nói rằng họ mong muốn ở một chiếc xe? Không hề. Nó không có mức tiêu hao nhiên liệu và chỉ số an toàn tốt hơn so với bất kỳ một chiếc xe sedan nào và cũng không hề có hệ thống máy móc đáng tin cậy hơn. Thế nhưng, nó là một chiếc xe khác biệt, dữ dội và đầy quyến rũ. Nó thỏa mãn những điều mọi người thực sự mong muốn đối với một chiếc xe hơn là những điều họ nói mình mong muốn. Nếu chỉ nghe theo những điều mọi người nói thì có lẽ Chrysler đã tạo ra thêm một mẫu xe sedan tiện ích nhưng nhàm chán và không được công chúng đón nhận. Thay vào đó, nhờ việc tìm hiểu những điều công chúng thực lòng mong muốn, Chrysler đã tạo ra một cơn sốt.

Nguyên tắc 2: Cảm xúc là năng lượng cần thiết để học hỏi bất kỳ điều gì

Những buổi khám phá về xe ô tô đã đem đến một vài cảm xúc cực kỳ mãnh liệt. Sau buổi khám phá, mọi người đến nói với tôi rằng có những ký ức làm họ bật khóc, tràn ngập niềm vui, hoặc thậm chí khiến họ vô cùng khó chịu. Điều này không hề bất thường. Thực tế là những cảm xúc kiểu như vậy xuất hiện gần như trong mọi buổi khám phá mà tôi tiến hành – kể cả những buổi khám phá về đồ dùng văn phòng và giấy vệ sinh.

Cảm xúc là chìa khóa để học hỏi, chìa khóa để hằn sâu vào tâm trí. Cảm xúc càng mạnh mẽ bao nhiêu thì trải nghiệm tiếp thu được càng rõ ràng hơn bấy nhiêu. Hãy nhớ lại ví dụ về đứa trẻ và chiếc chảo nóng. Cảm xúc tạo ra một chuỗi những liên kết tinh thần (tôi gọi đó là những xa lộ tinh thần) được củng cố bởi sự lặp lại.

Những xa lộ tinh thần này quy định thế giới quan của chúng ta, một thế giới quan có thể đoán định được. Chúng là cầu nối biến những trải nghiệm của chúng ta với thế giới (như là chạm vào một chiếc chảo nóng) thành một cách tiếp cận hữu ích với thế giới (tránh những đồ vật nóng trong tương lai).

Đa số những trải nghiệm học hỏi diễn ra khi chúng ta còn nhỏ. Phần lớn những xa lộ tinh thần đã được hoàn thiện khi chúng ta lên bảy tuổi. Nhưng cảm xúc vẫn tiếp tục tạo ra cho chúng ta những dấu ấn mới trong suốt cuộc đời. Hầu hết những người Mỹ thuộc thế hệ Boomer1 đều có thể nhớ rõ mình đang ở đâu và đang làm gì khi nghe tin về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy. Phần lớn những người Mỹ đang sống ở thời điểm hiện tại có thể hồi tưởng lại một cách sống động khoảnh khắc họ chứng kiến tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ. Đó là do những trải nghiệm này tạo ra những cảm xúc quá đỗi mãnh liệt khiến chúng dễ dàng hằn sâu vào não bộ của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ quên được và chỉ cần điều gì đó liên hệ đến chủ đề này cũng sẽ đưa chúng ta quay lại thời điểm hằn sâu nó vào trong tâm trí.

Ở Normandy, người nông dân có một phong tục kỳ quặc và không dễ chịu gì cho lắm thể hiện sự hiểu biết thiên bẩm của họ về nguyên tắc này nhưng cũng đồng thời cho thấy sai lầm trong phương pháp vận dụng. Vào sinh nhật lần thứ bảy của đứa con trai cả, người cha sẽ dẫn cậu bé ra mảnh đất mà mình sở hữu và đi đến từng góc của mảnh đất đó. Tại mỗi góc, người cha sẽ đánh cậu bé. Khi hành động này được lặp lại và hầu như không ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con, nó sẽ tạo ra cho đứa trẻ một mối liên kết cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ về ranh giới của mảnh đất.

1 Thế hệ Boomer là những người được sinh ra sau Thế chiến thứ hai, trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1964.

Tôi cũng có một trải nghiệm không thể nào quên về việc học lối nói Anh Mỹ khi bắt đầu giảng dạy tại Trường Cao đẳng Thomas Jefferson, không lâu sau khi tôi đến đất nước này vào thập niên 1970. Tôi chỉ mới bắt đầu học cách nói Anh Mỹ. Lớp học của tôi được xếp vào một giảng đường lớn và không có cửa sổ. Trong ngày đầu tiên, khi tôi chỉ vừa mới bắt đầu giải thích kế hoạch của mình với lớp học thì một sinh viên chợt hét toáng lên: “Watch out!” (Cẩn thận!). Tôi chưa từng nghe đến cụm từ này cho nên không tài nào hiểu nổi ý của cậu sinh viên đó. Ngay lập tức, tâm trí tôi tìm cách lý giải nào đó khả dĩ. “Watch” nghĩa là “nhìn”. “Out” có lẽ nghĩa là “bên ngoài”. Cậu sinh viên đó muốn tôi nhìn ra bên ngoài chăng? Nhưng đâu thể, vì căn phòng không có cửa sổ. Tất nhiên, mọi chuyện diễn ra trong chưa đến một giây – sau đó một mảng trần nhà sập xuống đầu tôi. Tôi nằm lăn xuống sàn, chảy máu đầm đìa và chờ nhân viên cấp cứu đến.

Nói nhẹ nhàng thì giờ tôi đã hiểu “watch out” nghĩa là gì. Còn nói thực lòng thì mỗi khi nghe thấy cụm từ đó, tôi lại ngước nhìn lên trần nhà, dè chừng xem liệu nó có sắp sập xuống đầu tôi không.

Trong cuộc khám phá về xe ô tô với kết quả là chiếc PT Cruiser, chúng ta có thể nhận thấy rõ rằng cảm xúc kết nối vô cùng mạnh mẽ với trải nghiệm lái xe. Khi mọi người nói về giây phút họ được phép lái xe lần đầu tiên, tôi có cảm tưởng cuộc sống của họ dường như bắt đầu từ khoảnh khắc ấy. Ngược lại, khi những người lớn tuổi kể về giây phút bị tước mất chìa khóa xe, họ bộc lộ cảm xúc như thể cuộc sống của họ đã chấm dứt. Trải nghiệm tình dục đầu tiên mà đối với rất nhiều người Mỹ diễn ra trên hàng ghế sau của một chiếc xe ô tô (hơn 80% người Mỹ có lần quan hệ tình dục đầu tiên là trên xe ô tô) đã truyền tải một thông điệp vô cùng mạnh mẽ về xe ô tô.

Mọi chuyện trở nên sáng tỏ vì cảm xúc kết nối với trạng thái lái xe và sở hữu một chiếc xe là cảm xúc rất mãnh liệt, chiếc PT Cruiser phải là một chiếc xe khiến người ta cảm thấy mạnh mẽ. Nó cần có sự khác biệt để khẳng định thứ cảm xúc mãnh liệt đó. Để tạo ra một đặc tính mạnh mẽ đồng thời sản xuất ra một mẫu xe mới, chúng tôi quyết định khai thác một mẫu xe đã tồn tại trong cộng đồng văn hóa, một mẫu xe quen thuộc trong tiềm thức. Chúng tôi chọn mẫu xe găng-xtơ, loại xe mà Al Capone khét tiếng từng lái. Điểm này trở thành mấu chốt cho chiếc PT Cruiser. Nó tạo ra cho chiếc xe một đặc tính cực kỳ mạnh mẽ – không giống bất kỳ một chiếc xe nào trên đường phố vào thời điểm đó – và được khách hàng đón nhận. Xin nhắc lại, nếu chiếc Cruiser chỉ là một mẫu xe sedan khác thì có lẽ công chúng còn chẳng buồn để ý đến, nhưng chính những khác biệt của nó đã tận dụng hiệu quả yếu tố cảm xúc.

Nguyên tắc 3: Không phải nội dung mang tính thông điệp mà là cấu trúc

Không như những buổi khám phá tôi đã tiến hành đối với dòng xe Jeep Wrangler, cuộc nghiên cứu mới lần này hướng đến xe ô tô nói chung. Như dự đoán, những người tham gia nói về mọi thể loại xe – minivan, xe rô- xte, Model Ts,… Vậy phải làm thế nào để đưa ra kết luận về mật mã khi những người tham gia liệt kê đa dạng chủng loại xe đến thế? Đó là bằng cách nhìn vào cấu trúc hơn là nội dung.

Trong vở kịch Cyrano de Bergerac của Edmond Rostand, nhân vật Cyrano đã có một trận đấu kiếm kịch tính. Câu chuyện về Cyrano được tái hiện trong bộ phim Roxanne với sự tham gia của Steve Martin. Vai diễn của Martin, C. D. Bales, cũng có một cuộc đọ sức tương tự, nhưng anh ta sử dụng một cây vợt tennis. Khi chúng ta tìm kiếm những thông điệp vô thức, điểm khác biệt giữa kiếm và vợt tennis không có ý nghĩa gì. Chúng chỉ thuần túy là nội dung. Chúng ta có thể kể cùng một câu chuyện dù đó là kiếm hay vợt tennis, điều này nghĩa là nội dung không phải là yếu tố cốt yếu ảnh hưởng đến ý nghĩa. Chúng ta có thể nói điều tương tự về bộ phim West Side Story, bộ phim có “nội dung” khác với Romeo và Juliet nhưng đều kể chung một câu chuyện.

Điều quan trọng là cấu trúc của câu chuyện, mối liên hệ giữa những yếu tố khác nhau. Cyrano và C. D. đều chiến đấu để bảo vệ danh dự. Yếu tố dẫn đến cuộc đọ sức là điều quan trọng cần được xác định và yếu tố này là giống nhau trong cả hai câu chuyện, dù chi tiết có thể khác nhau.

Điều này cũng tương tự khi nói về một giai điệu. Bạn có thể chơi cùng một giai điệu vào buổi sáng hoặc buổi tối, chơi bằng đàn dương cầm hoặc đàn violon, vào mùa hè hoặc mùa đông. Người chơi có thể trẻ hoặc già, giàu hoặc nghèo, nam hoặc nữ. Kể cả những nốt nhạc cũng không quan trọng, vì một giai điệu chơi ở một âm hay ở một bát độ khác thì cũng vẫn là giai điệu đó. Tất cả những yếu tố kể trên đều là nội dung. Cấu trúc là khoảng cách giữa các nốt, các quãng giữa mỗi nốt với nốt tiếp theo và nhịp điệu.

Cốt lõi để thấu hiểu ý nghĩa thực sự ẩn sau những hành động của chúng ta là thấu hiểu cấu trúc. Nhà nhân loại học Claude Lévi-Strauss – chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ họ hàng – đã nói rằng ông không hứng thú với con người mà hứng thú với mối quan hệ giữa con người, “khoảng cách giữa người với người”. Khái niệm người vợ không thể tồn tại nếu không có khái niệm người chồng, tương tự là những khái niệm mẹ con, chú cháu. Mối quan hệ họ hàng là cấu trúc.

Khi xem xét tại sao mọi người lại hành động theo chiều hướng đó, chúng ta cần phải bỏ qua nội dung và hướng đến cấu trúc. Trong mọi trường hợp đều có ba cấu trúc riêng biệt hoạt động. Đầu tiên là cấu trúc sinh học, mã ADN. Con người, khỉ, bò và hươu cao cổ đều được cấu tạo từ cùng một nội dung giống nhau. Tuy nhiên, mỗi loài đều độc nhất vì trình tự sắp xếp các ADN – cấu trúc của mỗi loài – là độc nhất.

Cấu trúc kế tiếp là văn hóa. Mọi nền văn hóa đều có một ngôn ngữ, một nền nghệ thuật, một môi trường sống, một lịch sử, v.v.. Cách tổ chức của tất cả những yếu tố đó – những nội dung – đã tạo nên bản sắc độc nhất của mỗi nền văn hóa.

Cấu trúc cuối cùng là cá nhân. Sự đa dạng trong bộ gen cấu tạo nên con người là vô tận. Hơn nữa, mỗi chúng ta đều có những mối quan hệ bố mẹ, anh chị em khác nhau và chính gia đình định hình nên tính cách mỗi cá nhân và tạo ra những đặc tính độc nhất. Kể cả những cá thể sinh đôi cũng sẽ mang những đặc tính khác nhau. Một người chào đời trước, người kia chào đời sau. Họ sẽ không bao giờ ở cùng một nơi tại cùng một thời điểm, và dần dần, họ sẽ bắt đầu hình thành những quan niệm khác nhau về thế giới. Họ khởi đầu với cùng một nội dung nhưng phát triển thành những cấu trúc khác nhau.

Khi nghe những câu chuyện mà những người tham dự buổi khám phá kể lại, tôi không chú tâm đến nội dung mà chỉ tập trung vào cấu trúc. Trong buổi khám phá mà tôi tổ chức cho công ty Chrysler, rõ ràng là không liên quan gì khi một người tham gia thì kể câu chuyện về xe thể thao trong khi một người khác nói về xe sedan gia đình, chưa kể có người thì nuối tiếc chiếc Packard 1950. Nhưng điều quan trọng không phải là họ lái xe trong thành phố, nơi đồng quê, hay trên đường cao tốc mà là mối liên kết giữa người lái xe và chiếc xe, giữa trải nghiệm lái xe và những cảm xúc được gợi lên. Những mối liên kết này – cấu trúc này – giúp chúng ta nhận thấy rõ ràng rằng người Mỹ cảm nhận được ý thức cá nhân mạnh mẽ từ chiếc xe của mình, do đó cần phải phát triển một chiếc xe để tăng cường ý thức cá nhân đó.

Nguyên tắc 4: Có một khoảng thời gian nhất định cho việc hằn sâu dấu ấn và ý nghĩa của những dấu ấn khiến các nền văn hóa trở nên khác biệt

Tôi phải nói rằng bạn chỉ có thể trải nghiệm cảm giác đầu tiên một lần duy nhất. Phần lớn chúng ta hằn sâu ý nghĩa của những điều quan trọng nhất trong cuộc sống trước khi lên bảy tuổi. Đó là vì đối với trẻ dưới bảy tuổi, cảm xúc là thứ có tác động mạnh mẽ nhất (nếu bạn cần bằng chứng, hãy xem một đứa bé thay đổi trạng thái cảm xúc bao nhiêu lần chỉ trong một giờ), còn sau độ tuổi đó thì trẻ chịu ảnh hưởng của logic (hãy thử tranh cãi với một đứa trẻ chín tuổi mà xem).

Hầu hết mọi người được áp vào một nền văn hóa duy nhất trước khi lên bảy tuổi. Chúng ta trải qua phần lớn thời gian ở nhà hoặc trong môi trường địa phương của mình. Chỉ một số ít người Mỹ sống theo văn hóa Nhật Bản hay một số ít trẻ con Nhật Bản sống theo văn hóa Ireland. Bởi vậy, những dấu ấn mạnh mẽ nhất hằn sâu trong tiềm thức của chúng ta khi còn nhỏ phụ thuộc vào môi trường văn hóa mà chúng ta được nuôi lớn. Phần lớn quá trình học tập của một đứa trẻ Mỹ diễn ra trong bối cảnh Mỹ. Những cấu trúc tinh thần được hình thành trong môi trường Mỹ sẽ lấp đầy tiềm thức của đứa trẻ đó. Từ đấy, đứa trẻ sẽ lớn lên thành một người Mỹ.

Đó là lý do vì sao những người đến từ những nền văn hóa khác nhau lại có những phản ứng khác nhau đến vậy với cùng một sự vật. Chẳng hạn, hãy lấy ví dụ với bơ lạc. Người Mỹ có một dấu ấn cảm xúc mạnh mẽ đối với bơ lạc. Khi còn nhỏ, mẹ bạn làm cho bạn bánh kẹp mứt phết bơ lạc, và bạn kết nối điều đó với tình yêu thương chăm sóc của mẹ. Vì tôi sinh ra ở Pháp, bơ lạc không phải là món ăn thông dụng tại nhà, nên tôi không bao giờ có sự liên tưởng đó. Tôi biết đến bơ lạc sau khi đã qua khoảng thời gian thích hợp để hình thành mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ. Vì không hàm chứa ý nghĩa tình mẫu tử nên đối với tôi bơ lạc chỉ là một loại thực phẩm đơn thuần. Tôi ăn và không cảm thấy bất kỳ điều gì đặc biệt, thực tế là tôi không thích bơ lạc. Thế nhưng, phô mai, một món ăn điển hình trong mọi gia đình Pháp lại là một chuyện hoàn toàn khác. Gần như lần nào ăn, tiềm thức của tôi cũng trộn lẫn mùi vị phô mai với những liên kết cảm xúc thưở nhỏ.

Dorian – đứa con trai tuổi teen của tôi – mang đậm tính cách Mỹ trong nhiều mặt, nhưng vì thằng bé luôn ở cùng tôi trong căn nhà tại Pháp nên nó đã học được một vài thứ theo cách của một đứa trẻ Pháp. Ví dụ như rượu sâm panh. Ở Pháp, người ta uống rượu sâm panh cũng như tất cả các loại rượu là vì hương vị chứ không phải vì chất cồn trong rượu. Mục đích uống rượu ở Pháp gần như không bao giờ là để say xỉn, mà là để thưởng thức hương vị của rượu cũng như kích thích khẩu vị các món ăn.

Trẻ con Pháp được nếm vị rượu sâm panh lần đầu từ khi còn rất nhỏ. Chúng nhúng viên đường hoặc bánh quy vào sâm panh, do đó biết được mùi vị cũng như tính chất đặc biệt của rượu. Dorian thường xuyên nếm hương vị rượu sâm panh cùng chúng tôi ở Pháp, nên nó đã học được cách trân trọng và kết nối rượu sâm panh với ăn mừng, vì ở Pháp, hầu như chúng tôi uống sâm panh mỗi khi tổ chức ăn mừng điều gì đó. Có lần, Dorian – khi đó mới bảy hoặc tám tuổi – gọi một ly rượu và bị người bồi bàn trêu chọc. Khi tôi bảo người bồi bàn là không sao, anh ta vẫn không tin tôi (hoặc có lẽ anh ta cảm thấy không hợp pháp nên không làm theo lời tôi). Anh ta pha chế hỗn hợp sô-đa với một ít nước ép cam rồi rót vào một ly sâm panh và đưa cho Dorian – thằng bé nếm thử và ngay lập tức trả lại vì nó đã có thể nhận biết hương vị của rượu sâm panh.

Phần lớn người Mỹ hằn sâu dấu ấn đầu tiên về rượu khi họ ở độ tuổi vị thành niên. Đó là một khoảng thời gian hoàn toàn khác so với khoảng thời gian người Pháp biết đến rượu, thế nên mối liên kết được tạo ra cũng khác nhau. Với hầu hết người Mỹ, rượu thực hiện đúng một chức năng: nó khiến bạn say xỉn. Một số thiếu niên Mỹ cân nhắc hương vị của bia. Một vài người bạn của Dorian đã gặp rắc rối do say rượu vì chúng kết nối rượu với tình trạng say xỉn hơn là hương vị. Chúng đã học được rằng rượu chỉ có một tác dụng duy nhất đối với chúng, không hơn. Thực tế là nhiều đứa trong số chúng cảm nhận về rượu giống với cách tôi cảm nhận về bơ lạc – chúng cảm thấy hương vị không hấp dẫn – nhưng chúng vẫn đâm đầu vào vì chúng biết uống rượu có thể giúp chúng thoát khỏi thực tại.

Quay trở lại trường hợp mẫu xe PT Cruiser, tôi đã biết được rằng xe ô tô là một phần quan trọng trong văn hóa Mỹ vì tuy người Mỹ không trải nghiệm cảm giác lái xe khi còn nhỏ nhưng họ đã hằn sâu nhiều cảm xúc kết nối với xe ô tô ở độ tuổi đó. Người Mỹ mê mẩn những chiếc xe ô tô và thích lái xe đi chơi. Trong suốt các buổi khám phá, những người tham gia kể những câu chuyện về việc bố mẹ họ háo hức mang về nhà chiếc xe ô tô mới, cảm giác hạnh phúc và gắn bó khi cả gia đình lái xe đi chơi vào dịp cuối tuần hay cảm giác nghẹt thở khi lần đầu ngồi trên một chiếc xe ô tô thể thao. Từ nhỏ, trẻ em Mỹ đã nhận thức rằng xe ô tô là một phần quan trọng và quý giá trong cuộc sống gia đình, đem đến cho họ niềm vui và khiến gia đình ngày càng gắn bó. Đến khi tự mình mua xe, mối liên kết cảm xúc này tác động đến họ từ trong tiềm thức. Họ muốn một chiếc xe đem lại cho mình cảm giác đặc biệt. Sự khác biệt của chiếc xe PT Cruiser đã đem đến cho họ cảm giác đó, vậy nên họ chào đón chiếc xe ấy vào trong gara và cuộc sống của mình.

Nguyên tắc 5: Để khám phá ý nghĩa của một dấu ấn trong một nền văn hóa cụ thể, bạn cần phải biết mật mã của dấu ấn đó

Mẫu xe PT Cruiser là một sản phẩm thành công rực rỡ tại Mỹ. Thế nhưng trước khi được tung ra thị trường, ban giám đốc mới tại Daimler Chrysler đã dự đoán nó sẽ thất bại. Tại sao lại như vậy? Vì những nền văn hóa khác nhau mang những mật mã khác nhau.

Kể cả những hành động tùy tiện nhất cũng đều là kết quả của các chuyến đi trên những xa lộ tinh thần của chúng ta. Chúng ta thực hiện các chuyến đi đó hàng trăm lần mỗi ngày, đưa ra quyết định mặc cái gì, ăn cái gì, đi đâu, nói cái gì, v.v.. Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người không nhận ra là các hành trình đó đều đòi hỏi có một mật mã. Hãy xem mật mã như một tổ hợp để mở cửa. Trong trường hợp này, chúng ta không chỉ sắp xếp những con số mà còn phải sắp xếp theo một trình tự cụ thể, một tốc độ cụ thể, với một nhịp độ cụ thể, v.v.. Mọi từ ngữ, mọi hành động, và mọi biểu tượng đều có một mật mã. Não bộ của chúng ta tạo ra những mật mã này trong tiềm thức, nhưng có một cách để khám phá chúng và hiểu được nguyên nhân hành động của chúng ta.

Như tôi đã trình bày, những buổi khám phá mà tôi tiến hành với các khách hàng của mình cho chúng ta thấy được điều gì thực sự có ý nghĩa đối với họ. Khi tôi và các nhân viên của mình phân tích phản hồi của những người tham gia sau buổi khám phá, những thông điệp chung xuất hiện. Chúng tôi đã khám phá ra mật mã khi tìm thấy những thông điệp chung đó.

Những thông điệp đó có sự khác biệt rõ rệt giữa các nền văn hóa, cho nên mật mã cũng tương tự. Ví dụ, tôi tổ chức những buổi khám phá về phô mai tại Pháp và Mỹ. Những mật mã chúng tôi tìm ra khác nhau một trời một vực. Mật mã của người Pháp là SỐNG. Điều này hoàn toàn hợp lý khi chúng ta xem xét cách người Pháp lựa chọn và cất giữ phô mai. Họ đến cửa hàng và sờ nắn phô mai cũng như ngửi mùi để biết được số năm tuổi của chúng. Khi chọn mua được rồi, họ đem phô mai về nhà và đặt vào một chiếc cloche (một đồ đựng hình chuông với những lỗ nhỏ bao quanh để không khí lưu thông và tránh côn trùng) và giữ ở mức nhiệt độ phòng. Ngược lại, mật mã của người Mỹ đối với phô mai là CHẾT. Và điều này cũng hợp lý nếu xét trong bối cảnh. Người Mỹ “giết” phô mai của họ bằng sự tiệt trùng (phô mai chưa được tiệt trùng không được phép nhập khẩu vào đất nước này), lựa chọn những khoanh phô mai đã được đóng gói cũng như làm khô và nếu muốn có thể đựng trong túi ni lông (giống như túi xác), và cất giữ miếng phô mai vẫn trong tình trạng bị đóng gói kín mít đó vào nhà xác hay còn được gọi là tủ lạnh.

Có một phong trào ở châu Âu (do một số quan chức tại Brussel giật dây) đòi áp đặt luật tiệt trùng vào Liên minh châu Âu. Dựa trên những điều bạn đã biết về mật mã văn hóa của người Pháp đối với phô mai và những gì phương pháp tiệt trùng gây ra cho phô mai, chắc hẳn bạn cũng đoán được người Pháp phản ứng như thế nào đối với phong trào này? Phản ứng của họ mạnh mẽ tới mức đã diễn ra những cuộc biểu tình trên đường phố. Ý định ép buộc người Pháp tiệt trùng phô mai của họ rõ ràng là “nghịch mã”.

Quan điểm này cũng đúng với mọi loại thực phẩm. Người Mỹ luôn quan tâm sát sao đến vấn đề an toàn thực phẩm. Họ có ủy ban quản lý, hạn sử dụng, và “lực lượng cảnh sát thực phẩm” đa dạng bảo vệ họ khỏi thực phẩm không an toàn. Người Pháp thì ngược lại, họ quan tâm nhiều đến hương vị hơn là mức độ an toàn. Tại Pháp, có một phương pháp trong nấu ăn gọi là faisandée. Phương pháp này là treo một con chim trĩ (nguồn gốc tên gọi của phương

pháp) hoặc một loài chim bị săn thịt khác trên móc cho đến khi nó bắt đầu bị rữa mới tiến hành làm thịt. Trong khi phần lớn người Mỹ còn phải cân nhắc tính an toàn thì những đầu bếp người Pháp sử dụng phương pháp này vì nó làm gia tăng hương vị cho thịt chim. An toàn không hề khiến họ hay những thực khách của họ bận tâm. Tất nhiên, những phát kiến nấu ăn kiểu như vậy cũng mang lại rủi ro. Hàng năm, số ca tử vong liên quan đến thực phẩm tại Pháp cao hơn nhiều so với Mỹ, mặc dù số người sống tại Mỹ lớn hơn gấp năm lần.

Chúng ta có thể quay lại một lần nữa với ví dụ về mẫu xe PT Cruiser để xem những mật mã văn hóa khác nhau tác động đến phản ứng của chúng ta với sự vật như thế nào. Bảng tổng hợp hàng trăm câu chuyện của những người tham gia các buổi khám phá cho thấy mật mã văn hóa của người Mỹ đối với ô tô là CÁ TÍNH. Người Mỹ muốn những chiếc xe ô tô khác biệt, không giống với bất kỳ chiếc xe ô tô nào khác trên đường phố, và khơi gợi những ký ức lái xe ngày Chủ nhật, cảm giác tự do khi lần đầu ngồi sau tay lái, và sự phấn khích của đam mê tuổi trẻ. Một chiếc xe với cá tính mạnh mẽ như chiếc PT Cruiser hay như tôi đã trình bày ở đầu sách, chiếc Jeep Wrangler, sẽ có nhiều cơ hội tạo ra doanh thu đột phá hơn là một chiếc sedan nhàm chán.

Thế nhưng, mật mã này không hề đồng nhất giữa các nền văn hóa. Tập đoàn ô tô khổng lồ Daimler- Benz mua lại công ty Chrysler vào thời điểm mẫu xe PT Cruiser đang trong giai đoạn sản xuất. Khi nhìn thấy chiếc xe, ban giám đốc người Đức, những người hiện đang lãnh đạo công ty, tất thảy đều thất kinh bát đảo. Tại sao? Đó là vì mật mã của người Đức đối với ô tô là KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ. Các nhà máy chế tạo ô tô của Đức luôn tự hào về chất lượng kỹ thuật công nghệ, và lòng tự hào này hằn sâu đến mức những người lớn lên trong nền văn hóa đó luôn nghĩ đến kỹ thuật công nghệ đầu tiên khi nói đến xe ô tô. Chiếc PT Cruiser nguyên gốc hoàn toàn không hề có những thiết kế kỹ thuật công nghệ xuất sắc. Động cơ không đặc biệt mạnh mẽ hay hiệu quả, thiết kế tinh giản, cơ chế điều khiển không thực sự linh hoạt, mức độ tiêu hao nhiên liệu và chỉ số an toàn chỉ đạt mức trung bình. Dựa theo mật mã văn hóa của mình, ban giám đốc mới tại Chrysler tin rằng chiếc PT Cruiser sẽ là một thảm họa marketing. Họ giao lại công việc sản xuất cho một nhà máy ở Mexico.

Rốt cuộc, đó là một sai lầm lớn (mặc dù có thể thông cảm). Ban giám đốc người Đức phản ứng tiêu cực với chất lượng khiêm tốn của thiết kế xe. Người tiêu dùng Mỹ phản ứng tích cực với cá tính vượt trội của xe. Nhà máy ở Mexico thiếu trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, và dẫn đến một danh sách chờ mua dài dằng dặc. Nếu ban giám đốc mới của Chrysler hiểu mật mã văn hóa của người Mỹ với xe ô tô và dựa vào đó hơn là mật mã của chính họ thì họ đã có thể tránh được biết bao vấn đề khi nhu cầu mua mẫu xe PT Cruiser tăng cao.

Một quan điểm mới: Khám phá vô thức văn hóa

Năm nguyên tắc trên ủng hộ cho quan điểm rằng tồn tại một dạng vô thức thứ ba. Những nguyên tắc này không thể gán cho vô thức cá nhân1 của Freud, quy định mỗi chúng ta theo những cách độc nhất hay vô thức tập thể2 của Jung, quy định mỗi chúng ta là một thành viên của nhân loại. Những nguyên tắc này minh họa một dạng vô thức quy định chúng ta tùy theo nền văn hóa mà chúng ta được sản sinh. Dạng vô thức thứ ba là vô thức văn hóa.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button