Chuyên ngành

Kinh Nghiệm Thiền Quán

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Joseph Goldstein

Download sách Kinh Nghiệm Thiền Quán ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tâm linh – Tôn Giáo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn

Tương khan lưỡng bất yếm

Chỉ hữu Kính Đình sơn

(Bầy chim cao bay mất

Thơ thẩn một áng mây

Ngồi một mình với núi

Chỉ còn Kính Đình sơn)

Lí Bạch

lời mở

Ngày 10, tháng Năm, năm 1965, Thái Lan.

Một trong những nhóm Peace Corps đầu tiên, uống rượu sâm-banh ở 30 ngàn dặm trên mặt biển Thái Bình, chúc mừng Tây phương sang gặp gỡ Đông phương. Vì tôi chưa đầy 21 tuổi, Pan Am không bán rượu cho tôi. Những gì tôi biết về Phật giáo không đủ làm đầy những chiếc ly nhỏ bé làm bằng plastic ấy: một người đàn ông mỉm cười với cái bụng phệ, một ý niệm về tĩnh lặng, thở vào trong mọi vật.

Tháng Bảy, năm 1974. Một khóa mùa Hè tại viện Naropa, Boulder, Colorado, một thứ “đại hội nhạc trẻ Woodstock” đón mừng Đông phương sang gặp gỡ Tây phương. Lễ trao truyền chức giáo thọ cho tôi ở Hoa Kỳ. Giữa những phấn khởi, thèm khát muốn học hỏi của tất cả mọi người. Tôi cảm thấy gió tụ về, nâng cao tất cả lên, và tôi nghĩ, “Đây là sự khởi đầu của một việc gì đó.”

Tháng Giêng, năm 1993. Một thế hệ sau, giáo pháp của đức Phật thổi đều đặn, nhẹ nhàng vào trong văn hóa Tây phương. Khóa tu ba tháng vừa chấm dứt, khóa tu thiền quán thứ 18 kể từ năm 1975. 100 người bước về với thế giới bên ngoài, một vài người mỉm cười lặng lẽ, một số khác bừng cháy với ngọn lửa kinh nghiệm được chân lý. Giữa đêm đông vắng lặng, màn ảnh máy điện toán của tôi sáng lên với những thắc mắc câu hỏi của họ.

Tiếng gầm của con sư tử lớn kêu gọi chúng ta hãy thức dậy. Nếu biết nhìn cho sâu sắc, ta sẽ khám phá ra được tuệ giác và tình thương, chân tánh của chính mình. Khích lệ bởi tiềm năng này, nhiều người trong chúng ta đã học cách nhìn, biết thắc mắc, và biết tự khám phá chính mình.

Khám phá là bước đầu tiên.

Rồi tiếp theo đó? Ngài Karmapa thứ 16 của Tây Tạng đã trả lời một cách hết sức đơn giản: “Chúng ta phải thực hành những gì mình biết.” Muốn giải thóat, chúng ta phải biết mang những gì mình khám phá vào trong sự thực tập.

Có nhiều người Tây phương đã tu tập thiền quán Phật giáo gần 20 năm. Có người ngồi thiền đều đặn mỗi ngày. Có người tham dự những khóa tu ba tháng, hoặc nhiều tháng. Có người tu tập lâu hơn nữa. Trong thời gian ấy, mỗi giây phút là một cơ hội.

Những gì sau đây bàn đến một phạm vi rộng lớn của mọi đề tài, được liên tục nêu lên bởi các thiền sinh. Quyển sách này được ra đời từ những câu hỏi thực tế, sâu sắc và đôi khi thẳng thắn ấy.

Joseph Goldstein

Barre, Massachusetts

Tháng Giêng, năm 1993

1

CON ĐƯỜNG TU TẬP

phật pháp – dharma
“Đã hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tất.”

Câu này, trong các kinh điển Phật giáo, bao giờ cũng gây cho tôi một sự phấn khởi. Câu ấy xuất hiện trong những bài Chứng Đạo Ca. Đó là những lời mà các tu sĩ đã cảm tác thốt lên trong phút giây giác ngộ. Những lời cảm tác ấy đã đem lại cho tôi một niềm vui rất lớn. Vì chúng nhắc cho tôi nhớ rằng, chúng ta thật sự có thể đi trọn hết được con đường tu tập của mình. Giây phút ấy chắc sẽ là nhiệm mầu lắm, khi ta có thể cất tiếng hát lên lời ca ấy, “Đã hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tất.”

Nhưng chúng ta bao giờ cũng vẫn bị ám ảnh bởi một nỗi nghi ngờ: “Ta có thể đạt được sự giác ngộ không? Đức Phật thì có thể thực hiện được việc ấy, chứ còn tôi? Tôi thực sự có thể làm được chuyện ấy không?” Tôi nói với bạn một điều này, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều làm được việc ấy, nếu ta biết phương pháp.

Ta tu tập là để khám phá ra phương pháp ấy, để ta có thể được tự tại và giải thoát. Trọng tâm của việc tu tập là chỉ để thực hiện có bấy nhiêu thôi. Sự giải thoát ấy sẽ đem lại cho ta những đức tính như là từ bi, an lạc, một tuệ giác thấy được rằng tất cả mọi vật đều có một liên hệ mật thiết với nhau. Chữ Dharma trong Phạn ngữ, hay Dhamma trong Pali, là một danh từ rất rộng nghĩa, nó bao trùm và chứa đựng hết tất cả. Một trong những nghĩa của Dharma là Chân lý, là Pháp, tức tự tánh của vạn vật. Nó cũng có nghĩa là những yếu tố đặc biệt của một hiện tượng và những luật tự nhiên điều khiển hiện tượng ấy. Dharma cũng có nghĩa là những lời dạy của đức Phật và con đường tu tập đưa đến giác ngộ. Vì thế cho nên danh từ Dharma bao trùm hết tất cả. Mọi vật trên cuộc đời này đều có thể là Dharma, vì mọi vật phải tuân theo định luật tự nhiên của chính nó.

Đức Phật đã nhìn thấy rất rõ rằng, những trạng thái khác nhau của tâm và những hành động khác nhau của thân, sẽ đưa đến những hậu quả hoàn toàn khác biệt. Tâm bất thiện sẽ tạo nên một số ảnh hưởng đặc biệt. Và tâm tốt lành sẽ có những quả trái riêng của nó. Hiểu được sự thật này rồi, ta sẽ có khả năng thấy được những gì trên đời này tạo nên khổ đau cho ta, và những gì có thể mang lại cho ta tự do và hạnh phúc.

Và trên con đường tu tập chân chánh, không có vấn đề cưỡng bách hay ép buộc. Đức Phật đã vẽ rõ ràng cho ta thấy một họa đồ tổng quát của thực tại. Khi chúng ta hiểu được họa đồ ấy cặn kẽ, ta có thể tự do chọn lựa con đường nào mình muốn theo. Đơn giản lắm! Nếu chúng ta muốn được hạnh phúc, và nếu chúng ta biết được những hạt giống của hạnh phúc, thì cứ tiếp tục tưới tẩm chúng đi, rồi một ngày hạnh phúc sẽ đơm bông kết trái.

Sở dĩ chúng ta có được một sự chọn lựa vì Dharma là một thực tại của định luật tự nhiên, nó là đường lối chuyển vận biến hành của vạn vật. Nếu cuộc sống của ta chỉ là một tập hợp của những sự việc xảy ra theo rủi may, không theo một định luật vật lý hay luân lý nào hết, thì ta sẽ không bao giờ có thể quyết định được đường hướng của đời mình. Chúng ta sẽ chỉ là những chiếc lá vàng rụng bay lả tả, bị cuốn theo cơn lốc xoáy của cuộc đời.

Trong sự tu tập, ở giai đoạn đầu, mặc dầu chúng ta có thể cảm thấy tâm mình như là một con trốt sinh hoạt quay cuồng, nhưng dần dần năng lượng của thiền tập sẽ giúp ta phân định và sắp đặt lại tất cả. Theo thời gian, ta sẽ trở nên an ổn và vững vàng, ta có thể định tâm để nhìn thấy được yếu tố nào sẽ đem lại cho ta an lạc hoặc khổ đau. Tất cả mọi sự trên cuộc đời này – hạnh phúc hay khổ đau – đều xảy ra đúng theo quy luật của nó. Sự tự tại của ta tùy thuộc vào sự sáng suốt của mình trong vấn đề chọn lựa.

Mục tiêu tối hậu của sự tu tập là làm sao để phát triển được những tánh thiện trong tâm ta. Con đường tu tập là để chuyển hóa tâm thức của mình, thanh lọc hết những tham, sân, si, sợ hãi, mọi ganh tỵ, hiềm khích – các năng lực đã từng gây nên khổ đau cho chính ta và thế giới chung quanh.

Tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ chung một mục tiêu giải thoát rất cơ bản ấy, mà tiềm năng đó bao giờ cũng có sẵn trong tâm của mỗi người. Trong những năm đầu tu tập ở Ấn Độ, tôi theo học với Ngài Munindra-ji, một trong những vị thầy của tôi tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật đã thành đạo. Bồ Đề Đạo Tràng là một ngôi làng nhỏ với nhiều ngôi chùa thật đẹp. Và những khi tôi và Ngài Munindra có dịp đi bộ với nhau ngang qua làng, Ngài thường chỉ cho tôi thấy những người dân làng mộc mạc từng là học trò của ông. Đa số những người ấy đều đã đạt đến một số trình độ giác ngộ nào đó.

Có dịp thấy được những người ấy là một khích lệ lớn cho tôi, vì nhìn bề ngoài thì không cách nào ta có thể đoán rằng họ có một trình độ tâm linh cao. Trông họ như những dân làng hiền hoà, đang sống một cuộc đời bình thường như mọi người khác. Đó cũng là lần đầu tiên tôi chứng ngộ được chân lý, mà ta thường hay nói, là giác ngộ không tùy thuộc vào giai cấp xã hội hay trình độ học thức của ta. Tất cả mọi người, ai cũng đều có chung những điều căn bản này, là ta đang sống, và chúng ta ai cũng có tâm và thân. Bổn phận của ta là tỉnh thức dậy và thanh lọc lại bản tâm của mình, vì lợi ích của muôn loài chúng sinh.

Và ý thức ấy là một khuôn vàng thước ngọc, có thể dùng để đo lường, làm mẫu mực cho mỗi hành động của ta. Việc mà ta sắp làm đây – bất cứ là một hành động gì – sẽ giúp ta trên con đường giác ngộ, hay sẽ làm cản trở ta? Cho dù trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào của cuộc sống, ta cũng đều có thể tu tập được. Khi chúng ta ý thức được con đường giải thoát và thật tâm tu tập, thì dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi đoán chắc rằng rồi một ngày ta cũng sẽ hát lên bài ca giác ngộ của chính mình: “Hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tất.”

ĐỌC THỬ

nỗi sợ giác ngộ

Một số thiền sinh xác nhận rằng có một nỗi sợ về giải thoát đã giữ họ lại trong sự tu tập, nhất là khi họ bắt đầu bước chân vào một lãnh vực xa lạ, chưa từng được khám phá. Nỗi sợ về những điều không biết đã trở thành một chướng ngại, nó khiến ta không thể nào hoàn toàn buông xả được.

Nhưng sự thật thì đó không phải là một nỗi sợ về giác ngộ. Nó chỉ là một nỗi sợ về những ý niệm về giác ngộ mà thôi. Trong chúng ta, ai cũng có một quan niệm về giải thoát hết, như là: hoà tan vào một vầng sáng chói hoặc là hội nhập vào một tia chớp vô cùng trong vũ trụ. Tâm ta tạo dựng nên đủ mọi hình ảnh khác nhau về sự giác ngộ. Và đôi khi bản ngã của ta cũng tạo nên một hình ảnh về cái chết của chính nó, khiến ta kinh hoảng.

Giải thoát có nghĩa là buông bỏ được hết mọi khổ đau. Thế thôi! Trước một cảnh tượng được giải thoát ra khỏi lòng tham lam, bạn có sợ hãi không? Bạn có sợ rằng mình sẽ không còn sân hận hay si mê nữa không? Có lẽ là không! Giải thoát có nghĩa là tự mở trói thoát ra khỏi những tâm tánh nào đã từng ràng buộc và làm ta khốn đốn. Vì vậy mà giải thoát không phải là một điều gì huyền bí hay khó hiểu cả. Giác ngộ sẽ không làm cho ta trở nên một nhân vật kỳ quái. Giác ngộ chỉ có nghĩa là thanh lọc tâm mình và buông bỏ hết những gì có thể mang lại cho mình khổ đau. Bạn thấy không, việc ấy vô cùng đơn giản và thực tế.

Bạn hãy tưởng tượng rằng mình đang cầm trên tay một cục than hồng. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ không chút ngần ngại hay sợ hãi gì mà không buông bỏ nó ngay. Sự thật thì khi bạn vừa ý thức được rằng mình đang nắm giữ, lập tức bạn sẽ buông bỏ. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày thì ít có ai ý thức được rằng chính mình đang nắm giữ khổ đau. Ngược lại, ta cứ nghĩ rằng chúng đang trói giữ ta! Sự tu tập là làm sao ta thực hành được điều này: ý thức được khổ đau khi chúng khởi lên và khi ta nhận chúng là mình, để kịp thời buông bỏ chúng. Và chúng ta có thể thực hiệnđược điều ấy bằng một kinh nghiệm giản dị và trực tiếp, ta theo dõi tiến trình ấy xảy ra thật nhiều lần, cho đến ngày nào ta thật sự hiểu được nó.

Đức Phật đã diễn tả giáo lý của Ngài một cách thật vắn tắt và đầy đủ, Ngài nói rằng Ngài chỉ dạy có một điều và mỗi một điều mà thôi: khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau. Hiểu được sự thật này sẽ giúp ta giải thoát tâm mình và mở rộng ra với cuộc sống chung quanh, và rồi một ngày ta sẽ có thể mang từ bi vào cuộc đời để làm vơi bớt những khổ đau.

trí thông minh và sự tiến bộ

Ai cũng có thể giác ngộ được hết. Tôi nghĩ, một điều vô cùng may mắn là sự tiến bộ trên con đường tu tập không hề tùy thuộc vào mức độ thông minh của người tu. Chứng ngộ được điều này là một cánh cửa mở rộng, nó đã giúp tôi rất nhiều trong những năm tu tập để trở thành một vị thầy.

Trong những năm tu tập ở Ấn Độ với vị thầy của tôi, Ngài Munindra-ji, tôi được cơ hội ngồi nghe những buổi tham vấn riêng giữa Ngài với các thiền sinh khác, để quan sát phương pháp dạy của Ngài. Sau khi tham vấn xong, Ngài thường trao cho thiền sinh một đề mục thiền quán thích hợp, tùy theo cá tính của mỗi người. Có lần Ngài bảo tôi, “Phải rồi, đề mục này thích hợp với người trí, còn đề mục này thì dành cho hạng ngu đần.” Khi nghe những lời ấy tôi cảm thấy hơi bất mãn về cách phân loại này. Xuất thân từ giới trung lưu, chịu ảnh hưởng của Tây phương, tôi cảm thấy bị xúc phạm khi thấy có người lại bị xem như là hạng ngu đần.

Nhưng về sau tôi hiểu được rằng, trên con đường tu tập thật ra không có một sự ưu đãi nào trong vấn đề thông minh hết. Có người thông minh, và có người thì không. Theo giáo pháp thì nếu bạn là hạng người có trí tuệ bạn sẽ thực hành như vầy, còn nếu bạn hơi kém một chút bạn sẽ thực hành theo cách khác. Chỉ có vậy thôi! Trong quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), một quyển sách toát yếu hầu hết giáo lý của đức Phật, có diễn tả những đề mục thiền quán khác nhau, và nêu rõ mỗi đề mục thích hợp với những hạng người nào.

Sau nhiều năm hành đạo, tôi đã nhận thấy rõ những ưu điểm mà trí thông minh có thể đem lại, cũng như những nguy hiểm vô cùng của nó. Chúng ta, chắc ai cũng đã từng biết có những hạng người hay chấp vào hoặc tự hào nơi trí thông minh của họ. Nó là một cái bẫy ngã chấp rất lớn có thể gây nguy hại cho ta và liên lụy đến những người chung quanh. Và trí thông minh cũng có thể là một phước báu lớn, vì nó có khả năng mang lại cho ta một hiểu biết vô giá. Đối với tôi thì tôi học được một điều quan trọng, là có nhiều đức tính khác phản ảnh sự cao thượng và vẻ đẹp của tâm chính xác hơn là trí thông minh. Tình thương, lòng từ bi và sự tận tụy, chúng hoàn toàn không tùy thuộc vào cái chỉ số thông minh (IQ) cao hoặc thấp của ta.

Một trong những câu chuyện trong thời đức Phật, mà tôi rất ưa thích, có kể về một người đệ tử của Ngài, ông ta rất là đần độn. Tất cả những huynh đệ khác của ông trong tăng đoàn, ai cũng đều giác ngộ và đắc quả A-la-hán. Họ toàn là những người có trí thông minh xuất chúng. Vị đệ tử đần độn này vì cảm phục giáo lý của đức Phật nên đã xin xuất gia theo tu với Ngài. Ông ta có một trái tim thật chân thành, nhưng chỉ có mỗi một điều là trí hiểu biết của ông quá ư chậm chạp. Vì trí tuệ thấp kém, nên các huynh đệ đã dạy cho ông một bài kệ bốn câu của đức Phật, để ông ghi nhớ như là một phương pháp tu tập.

Người đệ tử đần độn ấy đã cố gắng hết sức mình, ngày này sang ngày nọ, để cố ghi nhớ chỉ một câu thôi. Nhưng tội nghiệp là khi ông cố gắng học sang câu thứ nhì thì ông lại quên câu thứ nhất. Đầu ông chỉ có khả năng ghi nhớ mỗi một câu! Cuộc phấn đấu này cứ thế mà tiếp tục, nhưng ông ta không làm sao có đủ thông minh để nhớ trọn hết bốn câu. Cuối cùng các huynh đệ của ông đành chịu thua và nói, “Như vậy là hết hy vọng. Ông nên rời tăng đoàn mà hoàn tục là tốt hơn!” Người đệ tử đần độn đáng thương nọ hoàn toàn nản chí. Ông cảm thấy thất vọng vô cùng vì đã đem hết lòng mình ra học đạo nhưng vẫn không thành.

Trong khi ông ta đang thất thểu trở về làng xưa của mình, với một tâm tư chán nản, đức Phật biết cớ sự liền đi đến cạnh bên ông. Ngài đưa tay vuốt đầu người đệ tử kém trí tuệ và an ủi. Sau đó đức Phật dạy cho ông một phương pháp tu tập thích hợp với trình độ của ông. Đức Phật nói, “Đây là đề mục thiền quán cho ông. Ông hãy lấy tấm khăn trắng này mỗi ngày ra đứng dưới ánh nắng mặt trời và lấy tay chà xát nó.” Phương pháp tu tập của ông là làm bấy nhiêu thôi.

Vâng lời đức Phật, mỗi ngày ông ta cầm tấm khăn ra đứng dưới ánh nắng mặt trời và bắt đầu lấy tay chà xát. Dần dà tấm khăn trắng trở nên dơ bẩn vì bụi đất và mồ hôi từ hai bàn tay của ông. Nhìn thấy hiện tượng này, trí nhớ của những kiếp tu tập xa xưa bừng tỉnh dậy, vì trong quá khứ ông cũng đã từng nhìn thấy những yếu tố bất tịnh của thân mình. Và khi ông tiếp tục quán chiếu tấm khăn dơ bẩn ấy, trong ông đột nhiên có một sự vô phân biệt phát khởi rất mãnh liệt và tâm ông bừng mở. Lúc ấy ông đạt được một sự giác ngộ hoàn toàn. Chuyện kể lại sau khi ông giác ngộ, trí tuệ và mọi thần thông đều đến với ông, thêm vào là sự hiểu biết thông suốt Phật pháp.

Tôi cảm thấy rất thương mến và vô cùng gần gũi với người đệ tử đần độn ấy!

một mùi vị duy nhất

Giác ngộ đến chậm (tiệm) hay mau (đốn)? Có biết bao trường phái Phật giáo khác nhau đã phát sinh vì vấn đề này. Nhưng theo tôi thì sự giác ngộ vừa tiệm mà cũng vừa đốn, vì cả hai hoàn toàn không hề đối nghịch nhau.

Giác ngộ bao giờ cũng xảy ra nhanh và đột ngột. Khi điều kiện đủ đầy, nhân duyên thuận lợi, nó sẽ xảy ra. Nhưng con đường tu tập dẫn đến giây phút ấy thì bao giờ cũng chậm chạp và đều đặn. Chúng ta thực hành, chúng ta vun xới bón phân cho thửa đất tâm, rồi một ngày ngẫu nhiên tự nó sẽ bừng mở. Và rồi sau giây phút đốn ngộ, một lần nữa, ta lại tiếp tục con đường tiệm tu để tâm giác ngộ được thêm chín muồi.

Đức Phật đã nói thẳng với chúng ta rằng, tự tánh của tâm là thanh tịnh nhưng vì mải mê chạy theo vọng cảnh bên ngoài mà nó trở thành nhơ uế. Trong một bài pháp đức Phật có dạy, “Tâm ta lúc nào cũng sáng chói, rực rỡ và toả chiếu, nhưng nó bị vẩn đục là vì những bợn nhơ đến từ bên ngoài. Và cũng nhờ dẹp sạch và bứng nhổ hết các gốc rễ của những bợn nhơ này mà tâm ta được giải thoát.”

Phương pháp tu tập tuy có đổi thay, nhưng cốt tủy giáo lý của đức Phật – về tự tánh của khổ đau và ý thức giải thoát – thì bao giờ cũng chỉ có một, trong mọi truyền thống Phật giáo. Bất cứ nơi nào mà Phật giáo bành trướng đến, sẽ có vô số hình thức tu tập khác nhau phát sinh lên: Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Campuchia , Việt Nam và ở nhiều nơi khác. Ngài Munindra-ji có lần bảo tôi rằng Ngài có biết đến hơn năm mươi phương pháp thiền quán khác nhau chỉ nội ở Sri Lanka mà thôi.

Thế cho nên ta đừng để bị kẹt vào quan niệm rằng chỉ có một con đường đúng duy nhất, hay là chỉ có một phương pháp để tu tập Phật pháp mà thôi. Sự giải thoát và lòng từ bi phải luôn luôn được làm tiêu chuẩn cho mọi phương pháp tu tập. Còn tất cả những cái khác chỉ là những phương tiện khéo léo mà thôi. Trên con đường tu tập ta sẽ có biết bao nhiêu là kinh nghiệm khác nhau. Khi ta dừng lại ở một giai đoạn nào và nghĩ rằng “chính là nơi đây,” thì ta đã đánh mất đi sự nhiệm mầu của tánh không rồi. Ta vô tình tạo thêm một quan điểm tuy mới nhưng cũng đầy thành kiến như mọi quan điểm khác.

Một vị thầy của tôi có nói một điều mà tôi thấy rằng nó có thể áp dụng cho mọi phương pháp tu tập và mọi quan điểm. Ngài nói rằng, “Trừ khi phương pháp ấy có thể làm dịu mát đi ngọn lửa tham, sân, si, còn bằng không thì nó hoàn toàn là vô dụng.” Ta nên lấy đó làm khuôn thước cho những việc mình làm.

Một điều rất may mắn cho Phật pháp ở Tây phương là cơ hội để những người tu theo mọi truyền thống khác nhau có thể gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau. Mỗi truyền thống lớn – như là Theravada (Nam tông), Mahayana (Bắc tông) và Vajrayana (Phật giáo Tây Tạng) – đều có biết bao nhiêu điều hay đẹp để dâng tặng chúng ta. Như đức Phật đã nói, “Phật pháp chỉ có mỗi một mùi vị duy nhất là mùi vị giải thoát mà thôi.”

Và đối với tất cả chúng ta, thực hành là cây chìa khoá. Có một câu chuyện rất lý thú về Milarepa, Ngài là một tu sĩ Tây Tạng. Chuyện kể rằng vào cuối đời, Milarepa chọn một người đệ tử thân tín nhất theo ông đi đến một sườn núi xa xôi để trao truyền giáo lý bí mật. Với tất cả tấm lòng chân thành và kính tin, người đệ tử cầu xin ông truyền dạy pháp tu bí mật ấy. Milarepa cúi xuống, vạch mông của mình ra và chỉ vết chai như da thuộc sau nhiều năm công phu ngồi thiền. Pháp tu bí mật của ông chỉ có thế!

Mỗi người chúng ta sẽ trải qua những giai đoạn tu tập khác biệt nhau. Sẽ có lúc ta cảm thấy tràn đầy năng lực, sẵn sàng tham dự những khóa tu thinh lặng và triệt để, nó có khả năng giúp ta quân bình được tâm ý và mở thêm những mức độ tâm linh mới. Rồi cũng có lúc ta cảm thấy mình như mất hết sinh lực, chán chường, không còn hăng hái tham dự những khóa tu tích cực như xưa. Vòng chu kỳ tròn khuyết, đầy vơi này có thể xảy ra sau một vài năm, sau vài tháng hay có khi chỉ sau chừng vài ngày tu tập tích cực. Chu kỳ ấy thay đổi tùy theo trình độ tiến triển và hoàn cảnh đặc biệt riêng của mỗi người.

Tôi biết có một thiền sinh Tây phương đi sang châu Á tập thiền. Sau nhiều tháng, sự tu tập của anh ta đã đạt đến một giai đoạn khá chín chắn, nhưng không hiểu vì sao anh vẫn không thể nào tiến xa hơn được nữa. Khi vị thầy của chúng tôi hỏi thăm anh về tình trạng gia đình ở bên nhà, anh nói lên mong muốn mãnh liệt được về thăm gia đình. Thầy chúng tôi khuyên anh nên thực hiện ý định ấy. Sau khi gặp lại gia đình, tâm anh không còn bị sự mong muốn ấy làm ngăn ngại nữa. Cuối cùng anh đã trở lại và hoàn tất được hết khóa thiền ấy.

Bạn hãy cẩn thận, đừng bao giờ để cho ta có một quan niệm nhất định nào về sự phát triển tu tập của mình. Sẽ có lúc chúng ta thích được ngồi quán chiếu tâm mình trong một hoàn cảnh thinh lặng yên tĩnh của một môi trường tu học. Rồi cũng có lúc, ta sẽ không còn cảm thấy sự tịch liêu ấy là cần thiết cho sự tu tập của mình nữa. Hãy theo nhịp xoay của chu kỳ, một cách thật tự nhiên và thư thả. Nếu vấn đề giải thoát là một hoài bão, khát khao của bạn, thì những thời gian tu tập tích cực sẽ rất là cần thiết và vô giá. Chúng có thể đem lại cho ta những năng lực, sức mạnh và trí tuệ vô cùng tận. Nhưng cũng có lúc vòng xoay đem ta trở lại với cuộc sống hằng ngày. Vào giai đoạn này, ta sẽ có một cơ hội để phát triển và thực tập những đức tính như là rộng lượng, chân thật và từ bi, dễ dàng hơn là khi trong những khóa tu. Và những đức tính ấy, ngược lại, sẽ hỗ tương và giúp ích cho ta rất nhiều trong những giai đoạn tu thiền tích cực.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button