Chuyên ngành

Số Ít Được Lựa Chọn

so it duoc lua chon sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Maristella Botticini, Zvi Eckstein

Download sách Số Ít Được Lựa Chọn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

VỚI TƯ CÁCH LÀ ĐẠI SỨ ISRAEL tại Việt Nam, tôi thường nhận được những câu hỏi về nền giáo dục của Israel và nền tảng mà nó đã tạo dựng cho thành công của nền kinh tế Israel trong thế kỷ 21.

Số ít được lựa chọn cung cấp những kiến thức đặc sắc về lịch sử Do Thái trên khía cạnh kinh tế và sự chuyển đổi trong nghề nghiệp chuyên môn của người Do Thái từ những nông dân thành những cư dân thành thị làm việc trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, ngân hàng, luật và nghiên cứu khoa học.

Cuốn sách diễn giải quá trình giáo dục đã định hình nên lịch sử Do Thái và tính then chốt của yếu tố giáo dục trong sự chuyển đổi về chuyên môn nói trên. Quy tắc tôn giáo quy định nền giáo dục Do Thái phổ thông, trong đó mọi trẻ em Do Thái phải học đọc và viết, đã được ban hành từ thế kỷ đầu tiên. Chính điều này đã đem lại lợi thế cho người Do Thái trên thương trường sau này.

Bên cạnh khía cạnh giáo dục, cuốn sách viết về sự ảnh hưởng của quy tắc tôn giáo Do Thái đặt trong sự phát triển toàn cầu tới các yếu tố nhân khẩu học, phân bố dân cư và lựa chọn nghề nghiệp của người Do Thái.

Qua lăng kính kinh tế, các tác giả đã phân tích những yếu tố then chốt trong mười lăm thế kỷ hình thành của lịch sử Do Thái, qua đó cho người đọc hiểu được cách cộng đồng người Do Thái tận dụng những lợi thế tương đối của mình để tìm kiếm cơ hội phát triển nền kinh tế.

Cũng giống như những người Israel, người Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của giáo dục và việc đầu tư vào lĩnh vực này. Cuốn sách Số ít được lựa chọn sẽ giúp độc giả Việt Nam tìm hiểu thêm về lịch sử Do Thái, qua đó hiểu hơn về đất nước Israel hiện đại ngày nay.

Lời tựa

HÃY TƯỞNG TƯỢNG HAI NHÀ KINH TẾ HỌC ĐI NGƯỢC THỜI gian, đặt chân đến thị trấn Sepphoris ở Galilee năm 200. Khi bước vào một giáo đường, họ thấy một cậu bé người Do Thái chín tuổi, là con trai của một người nông dân, đang đọc kinh Torah trước người dân địa phương. Hai nhà kinh tế học này vốn có hiểu biết về cấu trúc nghề nghiệp và nhân khẩu học của người Do Thái thời nay phân vân liệu có mối quan hệ nào giữa những gì họ thấy trong chuyến hành trình ngược thời gian với lịch sử kinh tế và nhân khẩu học Do Thái sau này hay không.

Dự án nghiên cứu này là một cuộc hành trình nghiên cứu, học hỏi kéo dài 12 năm bắt đầu từ một cuộc nói chuyện trong bữa trưa ở căng-tin trường Đại học Boston, khi đó chúng tôi đặt mình vào vị trí của hai nhà kinh tế học du hành ngược thời gian. Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng suy nghĩ của chúng tôi lại là một đề tài thú vị cho một bài báo mà sau này mở rộng thành hơn một thập kỷ vùi đầu vào một chồng sách vở khổng lồ, gặp gỡ các chuyên gia, học giả về Do Thái giáo và lịch sử người Do Thái, viếng thăm các giáo đường Do Thái cổ ở Galilee, suy nghĩ, thảo luận làm thế nào để diễn giải những thông tin, vấn đề chủ chốt về lịch sử người Do Thái thông qua lăng kính của lý thuyết kinh tế và cuối cùng là viết một cuốn sách. Cuốn sách dựa vào hai trụ cột kiến thức: 1) kho tài liệu khổng lồ mà các thế hệ sử gia và học giả Do Thái giáo đã xây dựng, 2) tư duy mà các nhà kinh tế học sử dụng khi nghiên cứu một loạt các chủ đề rộng lớn bao gồm lựa chọn nghề nghiệp, quyết định đầu tư cho giáo dục, tác động mà một chuẩn mực xã hội có thể gây ra đối với cách cá nhân đưa ra lựa chọn, cách tổ chức cộng đồng hay sự lựa chọn tôn giáo.

Trong suốt chuyến hành trình này, chúng tôi rất biết ơn các đồng nghiệp, học giả, các viện nghiên cứu, đặc biệt là Joel Mokyr ở Đại học Northwestern. Ngay từ khi mới bắt đầu, Joel Mokyr đã khích lệ chúng tôi bằng một lòng nhiệt tình vô hạn, cho chúng tôi những gợi ý quý giá và nhận xét vô cùng sâu sắc. Joel vô cùng hào phóng đọc bản thảo của chúng tôi vài lần, đóng góp lớn cho việc định hình cuốn sách. Ông cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức một cuộc hội thảo ở Đại học Tel Aviv tháng 12 năm 2010. Tại hội thảo, một nhóm các học giả thuộc nhiều lĩnh vực đã đọc bản thảo của chúng tôi và cho nhiều phản hồi vô cùng quý giá.

Ở các giai đoạn khác nhau của dự án này, nghiên cứu và bản thảo của chúng tôi nhận được sự giúp đỡ hào hiệp và gợi ý rất bổ ích của Mark Cohen, Moshe Gil, Claudia Goldin, Rachel McCleary, Aharon Oppenheimer, Peter Temin và Michael Toch. Đặc biệt, cuốn sách sắp ra mắt của Michael Toch về lịch sử kinh tế của người Do Thái ở châu Âu thời Trung cổ là một bạn đồng hành quan trọng với những lập luận chúng tôi đưa ra trong các chương 2, 7 và 8.

Chúng tôi vô cùng biết ơn những nhận xét sâu sắc của các học giả: Ran Abramitsky, Robert Barro, Albert Baumgarten, Menahem Ben-Sasson, Benni Bental, Eli Berman, Batsheva Bonné-Tamir, Robert Brody, Barry Chiswick, Carmel Chiswick, Sergio DellaPergola, Mauricio Drelichman, Jonathan Eaton, Stanley Engerman, Stefano Fenoaltea, Israel Finkelstein, Simha Goldin, Avner Greif, Nachum Gross, Elhanan Helpman, Philip Hoffman, Edi Karni, Aryeh Kasher, Steven Katz, Ephraim Kleiman, Timur Kuran, Larry Iannaccone, Kevin Lang, Uzi Leibner, Bernard Lewis, Ora Limor, Erzo Luttmer, Michael Manove, Robert Margo, Jacob Metzer, Jacob Neusner, Roberto Perotti, Yossef Rapoport, Zeev Safrai, Kenneth Sokoloff, Yannay Spitzer, Nathan Sussman, Manuel Trajtenberg, Yoram Weiss và Jeffrey Williamson. Chúng tôi cũng xin cám ơn các đồng nghiệp đã cho những gợi ý bổ ích khi chúng tôi trình bày nghiên cứu của mình tại các xê-mi-na và hội thảo.

Chúng tôi đã làm việc cật lực để đọc sàng lọc khối lượng tài liệu khổng lồ liên quan đến chủ đề cuốn sách nhằm đảm bảo đưa vào sử dụng những tài liệu phù hợp nhất. Danh mục tài liệu tham khảo của chúng tôi khá dài song cũng không thể nào trích dẫn được tất cả các cuốn sách và bài báo viết về 15 thế kỷ lịch sử Do Thái mà chúng tôi sử dụng trong cuốn sách của mình. Trong số hàng trăm cuốn sách và bài báo chúng tôi đọc, tác phẩm của hai học giả: Salo Baron, với sự uyên thâm của ông, và Shelomo Dov Goitein, với công trình bậc thầy của ông về tư liệu kho lưu trữ Cairo, là những ngôi sao dẫn đường cho dự án này. Khi nghiên cứu kho tài liệu lịch sử khổng lồ, Dalit Engelhardt, Dan Goldenberg, Polina Kroik, Eliezer Moav, Claudia Rei và Maria Cecilia Vieira da Silva đã hỗ trợ nghiên cứu đắc lực cho chúng tôi.

Chúng tôi vô cùng biết ơn các viện nghiên cứu và tổ chức đã hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu của chúng tôi trong suốt những năm qua. Đặc biệt, chúng tôi xin cám ơn Quỹ Khoa học Quốc gia (khoản tài trợ 0318364), Quỹ Khoa học Israel (khoản tài trợ 815-04), Đại học Boston (tài trợ khởi sự), Quỹ Collegio Carlo Alberto ở Torino (tài trợ khởi sự), Đại học Bocconi (tài trợ cho việc sửa chữa biên tập bản thảo). Riêng với Botticini, xin cám ơn quỹ học bổng Khoa John M. Olin Junior và quỹ nghiên cứu Alfred P. Sloan. Chúng tôi chịu trách nhiệm về mọi dữ liệu, phát biểu hay quan điểm trình bày trong cuốn sách này.

Chúng tôi cũng xin ghi nhận sự hỗ trợ hậu cần và lòng hiếu khách của khoa kinh tế các trường Đại học Bocconi, Đại học Boston, Đại học Tel Aviv, Đại học Minnesota, Đại học Torino cũng như Ngân hàng Israel, Quỹ Collegio Carlo Alberto và Dự trữ Liên bang Minneapolis. Chúng tôi vô cùng biết ơn Trung tâm nghiên cứu Phát triển Pinhas Sapir thuộc Đại học Tel Aviv đã tài trợ và đăng cai hội thảo do Joel Mokyr tổ chức tháng 12 năm 2010.

Chúng tôi vô cùng cám ơn Peter Dougherty và Seth Ditchik ở Nhà xuất bản Đại học Princeton, hai biên tập viên thực sự tuyệt vời, luôn ủng hộ chúng tôi, kiên nhẫn chờ đợi bản thảo của chúng tôi trong suốt những năm qua. Chúng tôi xin cám ơn Janie Y. Chan, Kathleen Cioffi và Dimitri Karetnikov đã giúp đỡ nhiệt tình trong giai đoạn sản xuất. Chúng tôi cũng cám ơn ba tác giả ẩn danh đã có những nhận xét sâu sắc và phê bình có tính xây dựng.

Chúng tôi vô cùng biết ơn Barbara Karni đã tư vấn, giúp đỡ vượt xa nhiệm vụ biên tập thông thường. Barbara đã đưa ra một danh sách dài bất tận những gợi ý sâu sắc, thực chất cho toàn bộ bản thảo, giúp chúng tôi định hình bản thảo tốt hơn, cải thiện văn phong bản thảo. Chúng tôi cũng vô cùng cám ơn Molan Goldstein đã biên tập bản thảo kỹ lưỡng, công phu. Bằng việc kiểm tra một số lượng chi tiết không lổ và đưa ra những gợi ý tuyệt vời, Molan đã góp phần lớn giúp cho bản thảo chính xác, tinh tế hơn. Chúng tôi cám ơn Richard Comfort đã giúp làm phần tra cứu nhanh.

Với bản tiếng Việt, chúng tôi chân thành cảm ơn bà Vũ Thị Thủy vì đã hỗ trợ kết nối liên tục trong quá trình xuất bản, ông Đặng Việt Vinh – dịch giả, các ông Phạm Nguyên Trường, Đặng Hoàng Xa – hiệu đính, và sự trợ giúp tuyệt vời của toàn bộ nhóm thực hiện của Thái Hà Books. Chúng tôi cũng bày tỏ sự biết ơn với Nguyễn Hồng Hạnh và Đàm Thị Trà My, hai sinh viên đang theo học tại Đại học Bocconi ở Milan, vì đã vui lòng kiểm tra giúp bản bông biên tập.

Chúng tôi xin được kết thúc danh sách dài những lời cảm ơn này bằng lời cám ơn dành cho người thân. Trong suốt 12 năm chúng tôi vất vả viết sách, những người bạn đời của chúng tôi: Massimo và Dassie đã kiên nhẫn lắng nghe hai chúng tôi tranh cãi, thảo luận hàng giờ trong các cuộc họp ở Israel, Ý và Mỹ. Họ là những người ủng hộ chính đối với cuốn sách này, theo cả cách hữu hình lẫn vô hình. Không lời nào là đủ để cám ơn họ.

Milan và Tel Aviv, 9/2014

ĐỌC THỬ

Lời nói đầu

CUỐN SÁCH NÀY LÀ MỘT HÀNH TRÌNH NGƯỢC THỜI GIAN nhằm tìm hiểu lịch sử hình thành của người Do Thái. Cuộc hành trình bắt đầu từ Jerusalem ở Judea và từ Sepphoris và Tiberias ở Galilee trong các thế kỷ 1 và 2. Cuộc hành trình đưa chúng tôi tới Babylon ở Mesopotamia vào các thế kỷ 5 và 6; tới Baghdad, Cairo, Córdoba và Palermo, những trung tâm đô thị mới của vùng Trung Đông và Địa Trung Hải, vào các thế kỷ 9 và 10; tới Tudela ở Tây Ban Nha và Mangalore ở Ấn Độ vào cuối thế kỷ 12; và quay trở lại Baghdad vào những năm 1250 trước khi kết thúc ở Seville năm 1492.

Mục đích của chuyến hành trình xuyên suốt 1.500 năm lịch sử người Do Thái này là để nêu ra và trả lời một loạt các câu hỏi. Tại sao lại có ít người Do Thái làm nghề nông đến vậy? Tại sao người Do Thái lại cư trú ở đô thị và chủ yếu là làm các nghề như lái buôn, doanh nghiệp, ngân hàng, tài chính, luật sư, bác sỹ, học giả? Từ khi nào và tại sao những mô hình nghề nghiệp và cư trú này lại trở thành những nét đặc trưng của người Do Thái? Tại sao dân số Do Thái giảm từ 5 – 5,5 triệu người thời Jesus xuống còn 1 – 1,2 triệu người thời Muhammad? Tại sao dân số Do Thái giảm xuống mức thấp nhất (dưới một triệu người) trước khi bị trục xuất hàng loạt khỏi bán đảo Iberia những năm 1492 – 1497? Tại sao người Do Thái lại là một trong những cộng đồng phiêu bạt nhất trong lịch sử thế giới, sinh sống như một nhóm thiểu số ở các thành phố, thị trấn trên khắp thế giới trong hàng nghìn năm? Từ khi nào, như thế nào và tại làm sao người Do Thái lại trở thành “Số ít được lựa chọn”?(1)

Hầu hết mọi người cho rằng họ biết câu trả lời cho những câu hỏi trên. Khi được hỏi để giải thích những hiện tượng này, một người Do Thái ở Israel sẽ nói: “Chúng tôi không làm nghề nông vì thời Trung Cổ, tổ tiên chúng tôi bị cấm sở hữu đất. Chúng tôi phiêu bạt khắp nơi suốt gần hai nghìn năm sau khi Đền Thờ thứ hai ở Jerusalem bị phá hủy(2). Chúng tôi bị đàn áp, trục xuất khỏi đất nước mình và ở nhiều nước khác. Dân số chúng tôi giảm dần qua các thế kỷ bởi tổ tiên của chúng tôi liên tục bị thảm sát”.

Một người châu Âu sẽ cho rằng ở châu Âu thời Trung Cổ, người Cơ đốc bị cấm cho vay lấy lãi, và người Do Thái không được phép tham gia vào các hội nghề hay phường buôn. Do những hạn chế này, qua thời gian, người Do Thái trở thành một nhóm dân làm nghề cho vay lấy lãi, ngân hàng, tài chính. Giống như người Israel được hỏi ở trên, người châu Âu này sẽ cho rằng đàn áp, trục xuất, thảm sát là nguyên nhân khiến người Do Thái phải tứ tán và suy giảm dân số.

Một nhà kinh tế học sẽ cho rằng giống như các dân tộc và tôn giáo thiểu số khác, người Do Thái liên tục bị ngược đãi, nên họ không muốn đầu tư vào vốn vật chất (chẳng hạn như đất đai), mà tập trung đầu tư vào vốn con người, dễ mang theo và không có nguy cơ bị tước đoạt hay sung công. Việc người Do Thái chuyển sang làm các công việc ở đô thị và công việc đòi hỏi có tay nghề cũng là kết quả của chuỗi các sự kiện này.

Câu trả lời từ ba nhóm người trên rất giống nhau và nhất quán với hầu hết các giải thích trong sách vở. Nhưng đó có phải là những câu trả lời đúng không?

Phân tích từ quan điểm của một nhà kinh tế học, sử liệu cho thấy những quan điểm lâu đời này không đúng. Theo chúng tôi, lời giải thích đích thực nằm ở chỗ khác. Như chúng tôi sẽ chỉ ra trong các chương tiếp theo, những đặc trưng này của người Do Thái là kết quả của một quá trình chuyển biến sâu sắc trong đạo Do Thái sau khi Đền Thờ thứ hai bị phá hủy vào năm 70 sau CN(3). Quá trình chuyển biến này làm thay đổi giới lãnh đạo tôn giáo trong cộng đồng Do Thái, biến Do Thái giáo từ một tín ngưỡng dựa trên nghi lễ hiến sinh trong Đền Thờ thành một tôn giáo với chuẩn mực chính là yêu cầu tất cả người Do Thái phải đọc và nghiên cứu kinh Torah bằng tiếng Hebrew, gửi con trai của mình từ 6 đến 7 tuổi tới trường tiểu học hoặc giáo đường để học kinh Torah.

Việc áp dụng chuẩn mực tôn giáo mới này trong kỷ nguyên Talmud (thế kỷ 3 đến thế kỷ 6), cộng với việc thành lập các thiết chế thúc đẩy việc thực thi giao ước, quyết định ba mô hình chính trong lịch sử Do Thái:

Tỷ lệ biết đọc, biết viết trong số dân Do Thái chủ yếu sống ở nông thôn gia tăng cộng với quá trình cải đạo ra khỏi Do Thái giáo diễn ra chậm nhưng với số lượng lớn đã gây ra sự sụt giảm dân số Do Thái đáng kể trong nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất

Lợi thế so sánh trong các công việc đòi hỏi tay nghề ở đô thị (ví dụ như làm hàng thủ công, buôn bán, cho vay lãi) mà người Do Thái biết đọc, biết viết chọn làm khi quá trình đô thị hóa và phát triển nền kinh tế thương mại mang lại cho họ cơ hội thu hồi vốn sau khi đã đầu tư vào học hành, giáo dục

Sự tha hương tự nguyện của người Do Thái nhằm tìm kiếm cơ hội trên khắp thế giới trong các lĩnh vực thủ công, buôn bán, thương mại, cho vay lãi, ngân hàng, tài chính và y tế.

Cuốn sách được tổ chức như sau(4). Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình trong chương 1 bằng cách mô tả có bao nhiêu người Do Thái, họ sống ở đâu, họ kiếm sống như thế nào từ khi Đền Thờ thứ hai bị phá hủy cho tới lúc họ bị trục xuất hàng loạt ra khỏi bán đảo Iberia. Chúng tôi xem xét ba giai đoạn nhỏ hơn, mỗi giai đoạn được đánh dấu bằng một “biến cố lịch sử” (nghĩa là một sự kiện ngoại sinh):

Quân đội La Mã phá hủy Đền Thờ thứ hai trong cuộc Đại Nổi dậy của người Do Thái vào các năm 66 – 70 sau CN

Thành lập Đế chế Hồi giáo dưới triều Umayyad và Abbasid trong hai thế kỷ 7 và 8, xảy ra đồng thời với quá trình đô thị hóa và tăng trưởng của một nền kinh tế thương mại trên một vùng lãnh thổ rộng lớn

Các cuộc xâm lăng của Mông Cổ tàn phá Mesopotamia và Ba Tư, góp phần làm diệt vong Đế chế đô thị và thương mại Abbasid trong thế kỷ 13.

Những sự kiện ngoại sinh này tương tác với biến động nội tại của đạo Do Thái, làm nên những đặc trưng nhân khẩu học và kinh tế của người Do Thái trước năm 1500.

Trong sáu thế kỷ từ thời Jesus tới thời Muhammad, số lượng người Do Thái giảm mạnh, từ 5 – 5,5 triệu hồi đầu thế kỷ 1 xuống còn 1 – 1,2 triệu vào đầu thế kỷ 7. Các vụ thảm sát liên quan đến chiến tranh và suy giảm dân số tự nhiên chỉ chiếm khoảng gần một nửa sự sụt giảm này. Trong thế kỷ 1, cộng đồng Do Thái lớn nhất (khoảng 2,5 triệu người) sống ở Xứ Israel (tiếng Hebrew là Eretz Israel, như đã được đề cập đến trong các nguồn tư liệu của Kinh Thánh)(5). Sáu thế kỷ sau, trung tâm của đời sống Do Thái đã chuyển về Mesopotamia (và, ở một mức độ thấp hơn, Ba Tư), tại đó có khoảng 75% dân số Do Thái của toàn thế giới sinh sống. Trong suốt sáu thế kỷ này, nông nghiệp là nghề của tuyệt đại đa số dân số thế giới. Giống như hầu hết mọi người, đa số người Do Thái kiếm sống từ nông nghiệp, như là làm trang trại, lính canh, thuê ruộng hay làm ruộng thuê.

Trong hai thế kỷ sau khi Muhammad qua đời vào năm 632, triều đại Hồi giáo Umayyad và sau này là Abbasid chinh phục nhiều vùng đất, thiết lập một đế chế rộng lớn trải dài từ bán đảo Iberia tới Ấn Độ với ngôn ngữ chung (tiếng Ả-rập), tôn giáo chung (đạo Hồi), luật pháp và thể chế chung. Cùng với sự mở rộng của đế chế này, năng suất nông nghiệp gia tăng, các ngành công nghiệp mới phát triển nhờ vào tiến bộ công nghệ trong một loạt các lĩnh vực, mậu dịch địa phương và thương mại đường dài phát triển mạnh, các thành phố, thị trấn mới mọc lên ở Mesopotamia, Ba Tư và sau này là ở Bắc Phi, Syria, bán đảo Iberia và Sicily. Những thay đổi này làm gia tăng chóng mặt nhu cầu đối với công việc đòi hỏi tay nghề ở những trung tâm đô thị mới thành lập, mở ra nhiều điểm đến mới cho thương mại từ bán đảo Iberia đến Ấn Độ.

Những sự kiện này tác động như thế nào đối với người Do Thái trên toàn thế giới? Từ năm 750 đến năm 900, đa số người Do Thái sinh sống ở Mesopotamia và Ba Tư, chiếm gần 75% dân số Do Thái trên thế giới, rời bỏ nông nghiệp, chuyển ra sống ở các thành phố, thị trấn ở Đế chế Abbasid mới thành lập, tham gia vào vô số các công việc đòi hỏi tay nghề. Rất nhiều người trong số họ bắt đầu di cư tới Yemen, Syria, Ai Cập và vùng Maghreb. Làn sóng di cư của người Do Thái tìm kiếm cơ hội làm ăn cũng vươn tới cả châu Âu. Những đợt di cư bên trong Đế chế Byzantine, vốn bao gồm cả miền Nam nước Ý, và ra ngoài nó có thể đã đặt nền móng cho người Do Thái ở châu Âu. Tương tự như vậy, người Do Thái từ Ai Cập và Maghreb chuyển đến định cư ở bán đảo Iberia và sau này là ở Sicily và nhiều nơi ở miền Nam nước Ý.

Vào giữa thế kỷ 12, khi nhà du hành Do Thái Benjamin xứ Tudela mạo hiểm đi một hành trình dài từ bán đảo Iberia tới Trung Đông, ghi chép về các cộng đồng Do Thái mà ông tới thăm hoặc nghe nói tới, người Do Thái lúc này đã có mặt ở hầu khắp các nơi từ Tudela ở Tây Ban Nha cho tới Mangalore ở Ấn Độ. Vào lúc này, người Do Thái đã chuyển hết sang làm những công việc đòi hỏi tay nghề ở thành thị. Việc chuyên làm những nghề này là một đặc điểm nổi bật của người Do Thái cho tới tận ngày nay.

Đầu năm 1219, người Mông Cổ xâm chiếm Bắc Ba Tư và Armenia, tàn phá những vùng đất này. Người Mông Cổ tiếp tục chinh phục Ba Tư và Mesopotamia trong ba thập kỷ tiếp theo, khiến các trung tâm đô thị và mậu dịch sụp đổ, gây ra tổn thất nặng nề đối với dân số. Cú đấm cuối cùng giáng xuống Đế chế Abbasid là vào năm 1258 khi quân Mông Cổ phá hủy thành Baghdad. Sau cuộc chinh phạt của quân Mông Cổ, nền kinh tế ở Mesopotamia và Ba Tư quay trở lại giai đoạn nông nghiệp tự cung tự cấp, du mục.

Trong suốt hai thế kỷ sau cú sốc Mông Cổ, số lượng người Do Thái giảm xuống mức thấp nhất kể từ thế kỷ 1. Vào năm 1450, hơn một nửa trong tổng số một triệu người Do Thái trên thế giới sống ở châu Âu Cơ đốc. Vào thời Trung Cổ, người Do Thái ở bán đảo Iberia, Sicily và Nam Ý vẫn tham gia vào một loạt các ngành nghề đô thị. Ngược lại, người Do Thái ở Anh, Pháp, Đức, Bắc và Trung Ý chuyên làm nghề cho vay lãi. Trong khi người Do Thái ở Trung Đông đang phải đối mặt với hậu quả của việc bị người Mông Cổ xâm lược, người Do Thái ở châu Âu phải đương đầu với sự hạn chế và đàn áp ngày càng gia tăng, đỉnh điểm là những vụ trục xuất người Do Thái hàng loạt ra khỏi Anh (1290), Pháp (1306, 1321 – 1322, 1394), Tây Ban Nha (1492), Sicily (1492 – 1493), Bồ Đào Nha (1496 – 1497) và các vụ trục xuất quy mô nhỏ hơn tại nhiều nơi ở Ý và Đế chế La Mã Thần Thánh.

Trong Chương 2, chúng tôi xem xét các lập luận được đưa ra để giải thích tại sao người Do Thái lại trở thành thợ thủ công lành nghề, nhà buôn, chủ ngân hàng, bác sỹ và tại sao họ lại tạo ra cộng đồng đô thị trên khắp thế giới. Những lập luận này được chia thành hai nhóm chính: nhóm thứ nhất đề cao các yếu tố ngoại sinh (như phân biệt đối xử, hạn chế, đàn áp, thảm sát), nhóm thứ hai nhấn mạnh lựa chọn nội sinh (như tự nguyện tách biệt nhằm duy trì nghi lễ tôn giáo, tự nguyện di cư ra thành phố để duy trì bản sắc nhóm). Dựa vào các dữ liệu trong Chương 1, chúng tôi chỉ ra rằng những giả thuyết này không ăn nhập với bằng chứng lịch sử: những lập luận này không thể giải thích tại sao người Do Thái lại tự nguyện rời bỏ nông nghiệp, tại sao họ lại tự nguyện trở thành một dân tộc bỏ xứ phiêu bạt.

Sau đó chúng tôi trình bày luận điểm của mình: trong một thế giới của những người không biết đọc, biết viết – như thế giới của thiên niên kỷ thứ nhất – thì khả năng biết đọc, biết viết hợp đồng, lập thư từ giao dịch, sổ sách kế toán sử dụng bảng chữ cái thông dụng mang lại cho người Do Thái một lợi thế so sánh so với các dân tộc khác. Người Do Thái cũng lập ra một bộ quy tắc pháp luật thống nhất (bộ luật Talmud) và một hệ thống các thiết chế (như tòa án giáo sỹ, thư từ phúc đáp) khuyến khích mọi người làm việc thông qua hợp đồng, mở rộng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp, trọng tài tranh chấp ở những nơi cách xa nhau. Tỷ lệ biết đọc, biết viết cao cộng với sự tồn tại của các thiết chế giám sát việc thực thi giao ước trở thành đòn bẩy cho người Do Thái.

Tại sao người Do Thái biết đọc, biết viết, có trình độ giáo dục cao hơn so với phần còn lại của dân số thế giới trong suốt thiên niên kỷ đầu tiên? Trong Chương 3, chúng tôi mô tả sự thay đổi chuẩn mực tôn giáo được ghi chép nhiều trong sử liệu, sự thay đổi đã biến người Do Thái thành Dân tộc của Sách. Trong thiên niên kỷ đầu tiên trước CN, Đền Thờ ở Jerusalem và kinh Torah là hai trụ cột của Do Thái giáo. Nghi lễ ở đền thờ và lễ hiến sinh do các bậc giáo sỹ cao kính tiến hành là những điểm chung cho mọi tôn giáo. Do Thái giáo là tín ngưỡng độc thần duy nhất dựa trên một văn bản viết.

Trong thế kỷ 1 trước CN, một số học giả Do Thái và lãnh tụ tôn giáo thúc đẩy việc thành lập trường phổ thông miễn phí. Một thế kỷ sau, họ ban hành một sắc lệnh tôn giáo yêu cầu tất cả các ông bố Do Thái phải gửi con trai từ 6 – 7 tuổi đến trường để học đọc và nghiên cứu kinh Torah bằng tiếng Hebrew. Trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, không có dân tộc nào trên thế giới trừ người Do Thái có yêu cầu cha phải giáo dục con trai.

Với sự kiện Đền Thờ thứ hai bị phá hủy, tín ngưỡng Do Thái vĩnh viễn mất đi một trong hai trụ cột (Đền Thờ), chỉ còn trụ cột là kinh Torah và bắt đầu đi trên một con đường độc đáo. Học giả và giáo sỹ – các lãnh tụ tôn giáo nổi lên sau cuộc chiến tranh Do Thái – La Mã lần thứ nhất – thay thế lễ đền và lễ hiến sinh bằng việc nghiên cứu kinh Torah trong giáo đường – thiết chế trung tâm mới của Do Thái giáo. Chức năng cốt lõi của kinh Torah là dạy tôn giáo cho cả người lớn và trẻ em. Một người Do Thái mộ đạo là một người đọc, nghiên cứu kinh Torah và đưa con mình tới trường để học kinh Torah. Trong thế kỷ tiếp theo, giáo sỹ, học giả tại các học viện ở Galilee diễn giải Kinh Luật, thảo luận chuẩn mực tôn giáo cũng như các vấn đề kinh tế xã hội liên quan đến cuộc sống hàng ngày, lập ra phần chính yếu của Luật Truyền miệng được tích lũy qua nhiều thế kỷ. Vào khoảng năm 200, giáo sỹ Judah haNasi hoàn thành công trình này bằng cách biên tập sáu cuốn Mishna. Mishna sau này phát triển thành Talmud, trở thành bộ luật chính cho tất cả người Do Thái trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của các học giả trong học viện, người không biết đọc, biết viết bị ruồng rẫy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button