Chuyên ngành

Du Học Nhật Bản

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phi Hoa

Download sách Du Học Nhật Bản ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KIẾN THỨC TÔNG HỢP

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

ĐỌC SÁCH DU HỌC NHẬT BẢN – 3.000 NGÀY VỚI NƯỚC NHẬT

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh – Đại học Ngoại Thương.

Mối duyên của tôi với Phi Hoa, cô gái trẻ trung, xinh đẹp, tác giả của cuốn sách này thật tình cờ. Cách đây khoảng hai năm, lần đầu tiên tôi biết đến Phi Hoa qua bức e-mail cô gửi cho tôi tự giới thiệu là cựu sinh viên của trường tôi (Đại học Ngoại thương) muốn nhờ tôi kết nối với hiệu trưởng nhà trường để Hội doanh nhân Rotary Nhật Bản trao học bổng cho sinh viên của trường. Thư qua thư lại, tôi rất có cảm tình với cô gái này, người có vẻ rất am hiểu Nhật Bản, chuyên nghiệp và đầy thiện chí.

Đến khi gặp em, tôi rất ngạc nhiên vì em còn rất trẻ, xinh đẹp và thân thiện, khác với hình dung về một cô gái kín đáo, dè dặt theo phong cách Nhật mà tôi nghĩ. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng em không chỉ am hiểu tiếng Nhật – ngôn ngữ được đánh giá là thuộc loại khó nhất thế giới, mà còn đang làm một công việc rất khó về chuyên môn tại xã hội Nhật Bản nhiều đòi hỏi cao.

Tôi đã rất cảm kích vì dù chỉ học ở trường Đại học Ngoại thương một năm, nhưng em rất mong mỏi được đóng góp cho trường. Qua kết nối với em trên Facebook, tôi thích thú nhận ra, khác hẳn với những người trẻ thông thường, em không chỉ muốn tìm học bổng cho các em sinh viên Việt Nam mà còn mong muốn giúp người Việt có thêm hiểu biết về việc học tập, làm việc trên đất Nhật, giúp người Nhật hiểu thêm người Việt Nam ta để góp phần kết nối hai dân tộc với nhau. Những bài viết của em không chỉ bổ ích mà còn rất chân thực và thú vị. Vì vậy, khi em chia sẻ ước muốn viết sách về kinh nghiệm sống và làm việc trên đất Nhật, tôi đã nhiệt tình ủng hộ. Nhưng thật lòng tôi nghĩ với một người làm công việc bận rộn như em, chắc cuốn sách còn phải chờ lâu. Không ngờ chỉ vài tháng sau, em đã gửi tôi xem gần 200 trang bản thảo hoàn chỉnh.

Tôi đã rất hứng thú khi đọc cuốn sách này, một câu chuyện chân thực, hấp dẫn, giàu thông tin về một cô gái trẻ tay không đã thành công trong việc chinh phục không chỉ ngôn ngữ mà cả công việc và con người Nhật Bản. Từng trang sách đều cuốn hút tôi bằng văn phong đơn giản, dễ hiểu nhưng nội dung phong phú, bổ ích.

Trong chương 1: Tôi đi du học – người đọc có thể tìm thấy những thông tin bổ ích về cách đăng ký học bổng của Chính phủ Nhật Bản, nội dung trả lời phỏng vấn và chia sẻ với tác giả những cảm giác bồi hồi của cô gái lần đầu đi xa.

Ở chương 2: Khởi đầu mới – người đọc sẽ thấy những khó khăn, bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia môi trường học tập ở nước ngoài và cách mà tác giả đã sử dụng để vượt qua hành trình này với kết quả đáng ngưỡng mộ.

Trong chương 3: Trưởng thành – kể về thời gian học Thạc sĩ ở môi trường hoàn toàn mới đối với tác giả là thành phố Osaka. Trong phần này, tôi đặc biệt ưa thích phần tác giả kể về công việc làm thêm và các hoạt động xã hội vì đây chính là điều mà nhiều lưu học sinh Việt Nam còn thiếu.

Bạn nào đang mơ ước tìm được việc làm ở Nhật Bản, chắc chắn không thể bỏ qua chương 4: Công việc và Ước mơ – nhất là mục “Các bài học khi đi tìm việc ở Nhật”.

Nhưng hơn hết, chương 5 mới là phần tôi yêu thích nhất vì nó đã vẽ nên một bức tranh về đất nước Nhật Bản bằng những bài viết như “Nước Nhật thật đặc biệt” hay câu chuyện “Người Nhật với thảm hoạ động đất”. Những bạn nào đang mơ ước lập nghiệp ở Nhật nên đọc mục “Nước Nhật có là môi trường tốt cho người nước ngoài” và “Đừng sang Nhật theo trào lưu”. Từng trang sách đều lấp lánh tình yêu của cô gái trẻ với đất nước Nhật Bản bí ẩn và cuốn hút nhưng cũng tràn trề tình yêu với gia đình, quê hương và con người Việt Nam và vì vậy rất dễ tìm được sự đồng cảm nơi người đọc.

Thời toàn cầu hoá, những cuốn sách kể về những trải nghiệm chân thực và chi tiết như thế này rất cần thiết. Nếu bạn là người trẻ đang tìm kiếm cơ hội du học nhưng gia đình không có điều kiện; nếu bạn đang muốn học hỏi kinh nghiệm làm hồ sơ hay phỏng vấn xin học bổng; nếu bạn muốn tìm hiểu về kỹ năng sống, học tập, làm việc của sinh viên ở nước ngoài và đặc biệt nếu bạn muốn tìm hiểu về ngôn ngữ, đất nước, con người Nhật Bản tươi đẹp, hấp dẫn nhưng cũng vô cùng xa vời thì đây chính là cuốn sách bạn cần đọc.

HÃY CÙNG PHI HOA KHÁM PHÁ ĐẤT NƯỚC NHẬT BẢN NHÉ!

ĐỌC THỬ

Chương ITÔI ĐI DU HỌC

“Cơ hội thường bị hầu hết mọi người bỏ lỡ, bởi nó thường ẩn trong lớp áo khoác ngoài và trông có vẻ như là công việc.”

(Opportunity is missed by most people because it is dressed in overalls and looks like work)

— Thomas A. Edison.

“Thế giới là một cuốn sách và những ai không đi xa là những người chỉ đọc có một trang sách mà thôi.”

(The world is a book, and those who do not travel read only a page)

— Saint Augustine

1HỌC BỔNG CHÍNH PHỦ NHẬT – MEXT

Tình cờ biết đến học bổng

Hà Nội, tháng Năm năm 2007. Học kỳ hai, năm thứ nhất Đại học Ngoại thương.

Đó là một ngày nắng tháng Năm rực rỡ, cô bạn cùng lớp tên Thủy chạy đến nói với tôi: “Hoa này, hôm trước tớ đọc trên báo thấy học bổng du học Nhật có vẻ hợp với cậu đấy. Rảnh thì xem thử đi. Tớ gửi link bài báo ấy vào tin nhắn trên Yahoo đó”.

Khi viết những dòng này, hôm nay, một lần nữa, tôi phải cảm ơn Thủy. Thủy từng nghe tôi tâm sự rằng muốn đi du học một nước nào đó, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và đi nước nào. Tôi đã từng đi nghe vài hội thảo du học các nước Anh, Úc, Nhật… do các trường đại học ở nước ngoài đến Việt Nam tổ chức nhưng chưa biết đến học bổng của chính phủ Nhật. Lời giới thiệu tình cờ của Thủy khiến tôi biết đến sự tồn tại của học bổng du học chính phủ Nhật Bản. Sự tình cờ ấy sau đó gần một năm đã mở ra cho tôi cơ hội lớn − đi du học Nhật Bản − và giờ đây là cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm sau quãng đường du học và làm việc tám năm dài của tôi cho các bạn.

Vào thời điểm năm 2007, khi rất ít sinh viên có máy tính xách tay kết nối mạng Internet để phục vụ cho việc học tập hằng ngày ở trường cũng chưa có Iphone để đọc thông tin mọi lúc mọi nơi, thì thông tin nói chung còn hạn chế, và thông tin về du học từ Internet cũng ít hơn bây giờ nhiều.

Vì thế, sinh viên thường tiếp xúc với thông tin học bổng chính phủ của các nước qua công văn từ Bộ Giáo dục gửi đến các trường đại học và công văn này được dán đâu đó trong góc nhỏ của bảng tin, nơi mà nếu không để ý sẽ rất dễ bị bỏ qua. Nếu không có người bạn nhắc tôi xem thông tin học bổng trên báo, có lẽ tôi cũng đã bỏ qua nó khi đọc dòng công văn rất chung chung từ trường.

Học bổng mà tôi nhận khi du học Nhật là Học bổng chính phủ Nhật hay còn gọi tắt là học bổng MEXT (tiếng Nhật là Monbusho). Đây có thể coi là học bổng có nhiều ưu đãi nhất để đi du học cho đến giờ. Học bổng có nhiều loại trao cho sinh viên ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp và cũng có loại trao cho sinh viên cao học sang nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ. Trong các loại đó, nếu nhận được học bổng này ở bậc đại học, sinh viên sẽ được chính phủ Nhật chu cấp tất cả chi phí du học (học phí + sinh hoạt phí) từ năm đến bảy năm, bao gồm một năm học tiếng ở trường ngoại ngữ, bốn năm học đại học và hai năm học thạc sĩ (dành cho người nào đủ điều kiện tiếp tục gia hạn học bổng lên mức thạc sĩ). Đặc thù của học bổng bậc đại học này là chính phủ Nhật lựa chọn những người không những giỏi mà còn phải có quyết tâm học tập bằng tiếng Nhật. Vì nếu nhận học bổng ở bậc cao học sang Nhật nghiên cứu thạc sĩ hay tiến sĩ, bạn không cần sử dụng tiếng Nhật nếu chọn khóa học tiếng Anh. Tuy nhiên, ở bậc đại học bạn sẽ học mọi thứ bằng tiếng Nhật như một sinh viên Nhật, nên khi đi thi học bổng, bạn có thể thi bằng tiếng Anh nhưng sau khi nhận học bổng rồi phải quyết tâm đạt được trình độ tiếng Nhật như người bản xứ.

Hồi đó, tôi nhớ là điều kiện để làm hồ sơ xin học bổng này khá hạn chế: Chỉ dành cho những sinh viên năm thứ nhất đại học có điểm trung bình tất cả các môn từ 8,0 trở lên, nên học bổng này không phổ biến như bây giờ. Hồ sơ nộp ứng tuyển phải kèm theo học bạ ba năm cấp ba và thành tích năm thứ nhất đại học. Sau khi được xét qua vòng hồ sơ, thí sinh sẽ thi hai vòng nữa là thi lý thuyết và thi phỏng vấn ở Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội.

Biết đến học bổng cũng chỉ tình cờ, thời gian làm hồ sơ rất ngắn, các thủ tục nộp hồ sơ và thi tuyển rất nhiều và phức tạp, tôi nghĩ chỉ với ngần ấy cản trở thôi cũng khiến nhiều người bỏ cuộc không dám đi thi thử. Hơn nữa, quanh tôi chưa ai từng nhận học bổng này, nhiều thắc mắc không biết phải hỏi ai. Đối tượng thi là sinh viên toàn quốc và chính phủ Nhật chỉ trao một vài suất học bổng thôi nên tôi không mấy tự tin. Động lực thôi thúc tôi quyết phải thử có lẽ là lòng yêu thích tiếng Nhật và con người Nhật. Thầy giáo dạy tiếng Nhật cho tôi ở Đại học Ngoại thương là một giáo sư đã nghỉ hưu về Việt Nam dạy tình nguyện. Tôi kính trọng sự cần mẫn và luôn yêu thích tiết học tiếng Nhật của thầy. Tôi muốn được đến đất nước nơi có những con người cần mẫn đáng kính như vậy. Vì thế, thay vì ngồi mơ mộng và ước ao một ngày được đi nước ngoài, tôi quyết định nắm lấy cơ hội trước mắt và làm thử. Tôi nói với bạn bè cùng lớp đại học, thông báo với người thân xung quanh rằng tôi sẽ đi thi học bổng du học Nhật. Tôi nhận được những ánh mắt nghi ngại của nhiều người. Nhưng tôi chọn cách tự tạo áp lực cho chính mình. Một khi nói ra cho nhiều người biết mà sau đó bị trượt hay mãi không đi du học được thì tôi sẽ phải xấu hổ với người khác. Để bản thân không xấu hổ chỉ còn cách thực hiện được những gì mình nói mà thôi. Bằng cách đó, tôi khiến mình không còn đường lui ngoài việc làm hết sức mình và hướng tới kỳ thi.

Tôi tin rằng, một khi chúng ta nghiêm túc muốn làm điều gì đó, những sự tình cờ hằng ngày sẽ trở thành cơ hội thực sự. Cơ hội và may mắn sẽ đến càng nhiều nếu hằng ngày chúng ta chăm chỉ càng nhiều. Và học bổng chính phủ Nhật – MEXT đã là cơ hội tuyệt vời tôi có được để thay đổi cuộc đời mình.

Bạn đọc muốn tìm hiểu chi tiết về học bổng MEXT cũng như điều kiện dự tuyển hay các loại học bổng hiện có xin tham khảo phần phụ lục cuối cuốn sách này.

2THI LẤY HỌC BỔNG

Tôi đỗ qua vòng hồ sơ và được thông báo đi thi vào mùa hè năm đó.

Tôi phải thi ba môn: Toán, tiếng Anh, tiếng Nhật. Ngôn ngữ làm bài thi môn Toán và phỏng vấn là tiếng Anh hoặc tiếng Nhật tùy chọn. Vì thời gian gấp rút, phải thi ngay sau khi thi học kỳ hai ở đại học, tôi chỉ có khoảng hai tuần để ôn lại Toán bậc trung học phổ thông và chút tiếng Anh vì tôi chọn thi lý thuyết Toán và phỏng vấn bằng tiếng Anh. Ở Đại học Ngoại thương, tôi học khoa Kinh tế đối ngoại với ngoại ngữ là tiếng Nhật. Sau khi vào đại học tôi mới bắt đầu học tiếng Nhật với tần suất hai buổi trong tuần theo chương trình của nhà trường. Dù rất thích và rất chăm chỉ học tiếng Nhật, nhưng khi đó, trình độ tiếng Nhật của tôi vẫn chỉ dừng lại ở sơ cấp, chưa đủ để chào hỏi thông thường, càng không thể nói đến dùng tiếng Nhật để thi lý thuyết và phỏng vấn. Vì thế tôi đã chọn thi Toán và phỏng vấn bằng tiếng Anh.

Có lẽ bởi tôi đã quen với chuyện thi cử từ trước đến giờ, kỳ thi lý thuyết diễn ra khá đơn giản và suôn sẻ vào khoảng tháng Bảy năm đó. Chủ yếu tôi ôn thi học bổng qua đề thi của các năm trước được công bố trên báo chí. Đề thi tiếng Anh và tiếng Nhật là các dạng thi trắc nghiệm gần giống thi TOEFL và thi năng lực Nhật ngữ. Điểm cần lưu ý có lẽ là môn Toán. Kiến thức chủ yếu nằm ở bậc trung học phổ thông, tuy nhiên ngôn ngữ làm bài là tiếng Anh nên bạn cần biến đổi cách thức trình bày một chút theo chuẩn quốc tế. Nói chung chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản thì bạn có thể vượt qua kỳ thi lý thuyết không quá khó khăn.

Ký ức sâu sắc nhất của tôi về quá trình thi học bổng là buổi phỏng vấn. Sáng hôm đó, bố tôi đưa tôi đi thi ở Đại sứ quán Nhật. Giống như lần bố đưa tôi đi thi đại học, ông nhìn tôi cười hiền cổ vũ: “Cứ tự tin và làm hết sức mình là được”. Nhưng lần này tôi run quá. Bởi từ xưa đến giờ tôi vượt qua biết bao kỳ thi, nhưng chưa bao giờ tham gia bất cứ kỳ thi nào theo kiểu phỏng vấn cả.

Ngồi bên ngoài cửa phòng phỏng vấn, chờ gọi tên, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ, nhìn các bạn khác bước vào rồi bước ra, tôi căng thẳng thực sự. Đến lượt mình, bước vào căn phòng rộng, với ánh đèn chùm trên trần màu vàng nhạt, từ xa tôi trông thấy hai vị giám khảo. Tôi cất tiếng chào to “Good morning” và mỉm cười. Hai vị giám khảo mời tôi ngồi xuống ghế phía trước mặt họ. Một người bắt đầu hỏi chuyện tôi, còn một người chăm chú xem hồ sơ của tôi đặt trên bàn. Họ hỏi tại sao tôi muốn sang Nhật, sau này tôi muốn học ở trường đại học nào của Nhật? Tương lai tôi dự định sẽ làm gì?

Tôi chỉ nhớ mình đã lấy hết can đảm nhìn thẳng vào người đã hỏi tôi, mỉm cười và trả lời đại khái rằng: Tôi thấy Nhật Bản là đất nước có nền kinh tế phát triển thần kỳ sau chiến tranh dù đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên. Theo tôi, kinh tế Nhật phát triển được là do con người Nhật chăm chỉ cần cù. Tôi muốn sang Nhật để học được sự chăm chỉ cần cù ấy. Tôi muốn vào trường Đại học Tokyo và học Khoa Kinh tế nếu đạt được học bổng này. Tương lai, tôi muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam. Thật lạ là, sau khi trả lời vài câu hỏi, tôi quên luôn cả sự căng thẳng và cảm thấy rất thích nói chuyện thêm với hai vị giám khảo đó.

Tôi còn thấy hơi hụt hẫng vì phải kết thúc phỏng vấn khi đang kể cho họ nghe về quê quán và môn học yêu thích hồi cấp ba của mình. Thường thì mỗi người có khoảng 15 phút phỏng vấn. Nhưng tùy từng thí sinh, có người vừa vào phỏng vấn sau năm phút đã thấy đi ra, có người thì lâu hơn. Hôm đó, hình như tôi đã nói chuyện với họ gần 30 phút. Bước ra khỏi phòng phỏng vấn, nhìn đồng hồ, tôi hơi lo lắng vì có thể mình nói hơi nhiều nhưng trong lòng lại thấy vui vui, vì tôi cảm giác buổi phỏng vấn rất thú vị.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button