Chuyên ngành

Đối Thoại Giữa Đức Phật Và Gã Chăn Cừu

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Martin Lindstrom

Download sách Đối Thoại Giữa Đức Phật Và Gã Chăn Cừu ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tâm linh – Tôn giáo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

THIỀN VÀ MỘT VÀI CÂU CHUYỆN

Đối thoại trong im lặng

Tại một ngôi chùa kia, có hai người sư huynh đệ. Người anh thì thông minh uyên bác, nhưng người em thì đã dốt đặc cán mai, lại chỉ còn có một con mắt.

Một hôm, có một nhà sư đi ngang qua chùa và xin cho ở đậu. Tục lệ thời bấy giờ là muốn được đón nhận vào chùa, người khách phải toàn thắng người chủ trong một cuộc so tài về giáo lý. Nhà sư khách xin được so tài về giáo lý.

Người anh mệt mỏi vì học kinh điển suốt ngày, nên nhờ người em ra thay mặt mình. Ông quá biết rõ sự ngu dốt của em mình, nên dặn dò rất kỹ lưỡng:

– Ðệ nhớ cứ giữ im lặng là hơn cả.

Người em vâng lời, và bước ra ngồi đối diện với người khách. Chẳng bao lâu, người khách chạy đến tìm người anh, mắt tròn xoe, và nói:

– Xin thán phục! Sư đệ ngài quả là tinh thông giáo lý! Tôi xin chịu thua rồi.

Người anh ngạc nhiên hỏi:

– Vì sao vậy?

– Ðây, để tôi kể cho ngài nghe cuộc đối thoại bất hủ này! Ðầu tiên, tôi giơ một ngón tay lên, để chỉ Ðức Phật, đấng Từ bi Giác ngộ. Sư đệ ngài liền giơ lên hai ngón tay, ý nói Ðức Phật và Giáo lý của Ngài không thể nào tách rời nhau được. Tôi liền giơ lên ba ngón tay, tượng trưng cho Tam Bảo là Phật Pháp Tăng. Thì tuyệt diệu thay! Sư đệ ngài liền xòe bàn tay phóng lên không trung, để phá tan tất cả và thu Chân Không vào một mối! Giáo lý của các ngài đã đạt tới mức thượng thừa! Tôi xin bái phục, và cũng xin hẹn ngày sau tái ngộ.

Người khách bỏ đi rồi, thì chỉ một lát sau người em hùng hổ chạy tới:

– Ðâu? Hắn đâu rồi?

Người anh hỏi:

– Hình như đệ đã thắng hắn rồi phải không?

– Thắng cái khỉ khô! Ðệ sắp cho hắn một trận bây giờ đây này…

Người anh ngạc nhiên hỏi nguyên do.

Người em trả lời, giọng ấm ức:

– Huynh có thể nào tưởng tượng, hắn hỗn xược đến thế này là cùng. Ðầu tiên, hắn mỉm cười chế giễu đệ, và giơ một ngón tay lên chê là đệ chỉ có một mắt. Ðệ cố nén giận, vì nghĩ dù sao mình là chủ, hắn là khách, cũng nên giữ lễ với hắn một chút. Nên đệ giơ hai ngón tay lên mừng cho hắn còn đủ hai mắt. Nhưng quá quắt thay! Hắn lại giơ lên ba ngón tay, ý nói cả hai người cộng lại cũng chỉ có được ba con mắt! Tới đó, đệ không còn chịu nổi nữa, liền vung tay lên định ban cho hắn một chưởng thì hắn vùng bỏ chạy mất(1)…

Lời bình của Nguyên Si
Tục ngữ ta có câu: “Ông nói gà, bà nói vịt”, thiết tưởng rất thích hợp với câu chuyện trên đây. Nhưng gà với vịt còn có thể nấu nướng như nhau, chứ Phật Pháp Tăng và con mắt chột của nhà sư thì làm sao mà bỏ chung vào một lò được? Cũng vì vậy mà trong chùa nọ suýt xảy ra một trận đấu chưởng kinh hồn!

Nguyên Si tôi lè lưỡi, lắc đầu, gãi tai, mà than thở: Ôi! Cuộc đối thoại trên có phải chăng là một cuộc đối thoại giữa hai nhà sư đi tìm Chân Lý, hay rốt cục cũng chỉ là cuộc độc thoại của hai tâm hồn bị ám? Sự cảm thông giữa những con người mới thật là khó khăn thay! Cũng như mỗi khi bàn chuyện Thiền, Nguyên Si muốn nói bao nhiêu điều với độc giả. Nhưng nặn óc ra lời rồi, mà ngòi bút những ngập ngừng trên giấy trắng, chẳng hiểu rồi đây độc giả có cảm thông cho hay chăng?

Thở than xong, thì lại trộm nghĩ: Phàm ở đời, muốn cảm thông nhau, thì chỉ có hai cách là nói và không nói (theo nghĩa rộng).

Nói tức là dùng một phương pháp biểu tượng để diễn đạt tư tưởng của mình. Thường tình, người ta dùng lời nói (ngôn ngữ), chữ viết (văn tự), hoặc nếu không nói không viết được (hay lười nói lười viết), thì dùng dấu hiệu (hiệu ngữ). Nhưng trong trường hợp nào cũng dùng một cái này để chỉ định một cái kia. Do đó, thật là một phương pháp vô cùng thiếu sót, một chiếc cầu thông cảm mỏng manh và tạm bợ.

Xin kể một câu chuyện vui, xảy ra tại một trạm xe lửa bên Anh. Một bà già nghễnh ngãng hỏi người xếp ga:

– Xe lửa đi London mấy giờ mới tới và ngừng ở đây bao lâu, thưa ông?

– Thưa bà, từ hai giờ kém hai phút tới hai giờ hai phút (from two to two to two two).

– Chèng đéc ơi! Ông này nghễnh ngãng thiệt. Tôi có hỏi ông còi xe lửa kêu ra sao đâu mà ông cứ tu–tu hoài vậy.

Câu chuyện này nói rõ được sự thiếu sót của ngôn ngữ.

Nhưng dù mỏng manh thiếu sót, tạm bợ đến đâu chăng nữa, từ ngữ cũng là một phương tiện cần thiết để tiến lại gần Chân Lý, và gây cảm thông giữa những con người. Ðã “nhập thế cục” thì “bất khả vô văn tự”; ngày xưa Ðức Phật cũng đã do dự nhiều trước khi thuyết pháp, nhưng rốt cục Ngài cũng phải dùng đến ngôn ngữ. Ðối với người Phật tử, ngón tay của Ngài tuy không phải là mặt trăng, song phải lần theo mới thấy được mặt trăng; đến khi tới đầu ngón tay rồi, mới có thể từ bỏ ngón tay mà nhảy qua mặt trăng. Ðó mới là giai đoạn phá bỏ mọi chấp trước vào văn tự, cũng như mọi phương pháp giả lập. Như vậy, tu Phật là cả một công trình lâu dài, lần bước từ giai đoạn này qua giai đoạn khác, từ “hữu luận” qua tới “vô luận” rồi mới tới “duyên giác”, đâu có phải một sớm một chiều mà đã thấu được lẽ Chân Không!

Riêng về các phương tiện diễn đạt tư tưởng hay tình cảm, thì phải công nhận rằng lời nói và chữ viết đích xác, tinh vi hơn dấu hiệu nhiều lắm. Dùng dấu hiệu thay từ ngữ, tức là muốn trở lui về thời kỳ thượng cổ! Thật vậy, mỗi lời, mỗi chữ chỉ có thể chỉ định một vài khái niệm, trong khi đó mỗi cử chỉ có thể chở theo hàng trăm ngàn ý nghĩa, tùy theo trí tưởng tượng của con người, nhất là những con người bệnh hoạn, mê sảng, bị ám, như hai nhà sư trong câu chuyện nói trên. Nhà sư chột mắt mang nặng mặc cảm về sự chột mắt của mình, nên nhìn đâu cũng ra sự chê bai, chế giễu: Dù là giơ ngón tay hay vẫy ngón chân, vỗ bụng hay rung đùi, tất cả sẽ được thâu vào con mắt chột oái oăm. Nhà sư kia thì lại bị ám ảnh bởi những giáo điều, nên nhìn đâu cũng ra giáo lý “cao siêu”: Một là Phật, hai là Pháp, ba là Tam Bảo, bốn là Tứ Ðế, năm là Ngũ Minh, sáu là Lục Nhập, bảy là Thất Bồ Ðề Phần, tám là Bát Chánh Ðạo, v.v… (cứ như thế cho đến tận tám vạn bốn ngàn là Bát vạn tứ thiên Pháp Môn).

ĐỌC THỬ

Như vậy, theo ý Nguyên Si, nếu có nói, thì hãy tránh dấu hiệu, dùng ngôn ngữ, cho đích xác, cho hợp lý, cho thông dụng, tránh những từ ngữ mơ hồ – chỉ định rất nhiều mà thật ra không chỉ định gì cả. Nhất là cố gắng cởi bỏ mặc cảm, thành kiến trong khi đối thoại. Mới nói như vậy thì cảm thấy dễ, nhưng thực hành mới thấy là khó vô cùng.

Còn nếu không nói? Nếu không nói, thì tức là giữ im lặng. Im lặng cũng có thể cảm thông được. Hơn nữa, im lặng, nếu tuyệt đối, vì không còn thuộc vào thế giới hiện tượng mà đi sâu vào bản thể, nên sẽ có thể dẫn tới Chân Lý tuyệt đối.

Nhưng phải kể đến những loại im lặng giả hiệu.

Ðiển hình cho loại im lặng giả hiệu đầu tiên là câu chuyện “Đối thoại trong im lặng” trên. Các nhà sư trong câu chuyện đều hiểu sai chữ “tĩnh”. Thật tình, họ không im lặng chút nào vì chính tâm hồn họ còn bị xáo trộn bởi những mặc cảm, sự giận hờn, lòng tranh chấp.

Loại im lặng giả hiệu thứ hai là loại lợi dụng cái im lặng trong sáng, để che đậy một cái im lặng vẩn đục. Ta nhớ tới người xưa đã có câu: “Kẻ cực hiền giống như kẻ cực ngu” hay “Người biết thì không nói”… Thật vậy: Kẻ cực ngu không biết gì hết nên dĩ nhiên phải im lặng rồi, còn người cực hiền thì đâu thấy gì đáng nói nên giữ im lặng. Giữa hai thái cực, ngu và hiền đều lên tiếng nói. Nhưng ngu nói ngu, và hiền nói hiền, tương đối còn dễ nhận ra, chứ trong cái im lặng thì làm sao phân biệt được người cực hiền với kẻ cực ngu? Có lẽ vì vậy cho nên mới có lắm kẻ lợi dụng sự im lặng đó, như lợi dụng tinh thần “bất lập văn tự” (không dựa lên chữ nghĩa) của Thiền tông, để che đậy cái rỗng tuếch, ngu xuẩn của mình!

Than ôi! Nếu có phải than về Thiền tông, thì Nguyên Si tôi sẽ than như vầy: Ôi! Thiền quả là một nơi lẫn lộn vàng thau; một nơi mà lắm kẻ bịp bợm tha hồ dựa lên tinh thần “vô niệm”, “phá chấp” mà tung hoành, lấn áp lên những tinh thần thanh tịnh, cao minh. Họ thẳng tay dán nhãn hiệu “Thiền” vào những lời nói, những hành động phi lý nhất, và dần dần “Thiền” sẽ có thể bị đồng hóa với “lẩn thẩn”, “điên rồ”…

Nhưng còn im lặng thật sự? Im lặng thật sự, thì còn gì đáng nói nữa…

Xin mượn, để kết luận, một bài thơ của Ðiều Ngự Giác Hoàng, sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đời Trần, tả một cuộc “đối thoại trong im lặng”, đầy thi vị và giải thoát:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Khách lai, bất vấn nhân gian sự,

Chỉ bạng lan can khán thúy vi.

Dịch thơ (Ngô Tất Tố):

Chim hót dề dà, liễu tả tơi

Thềm hoa mây phủ bóng nhà dài.

Khách vào, chẳng hỏi niềm nhân sự,

Tựa bức lan can, chỉ ngắm trời.

Tắt đèn

Có một anh mù lại thăm một người bạn đến khuya mới về. Người bạn trao cho anh ta một cái đèn. Người mù buồn bã trả lời:

– Tôi cần chi tới đèn, anh ơi. Ðối với tôi, ánh sáng cũng như bóng tối mà thôi.

– Tôi biết lắm. Anh chẳng cần đèn để dò đường đi. Nhưng có đèn anh sẽ đỡ bị người khác đâm vào anh. Vậy anh cứ cầm lấy đi.

Người mù cầm đèn mạnh dạn bước đi. Nhưng chẳng bao lâu, có kẻ đâm thẳng vào anh ta.

– Ô hay! Ði đứng phải coi chừng một chút chứ. Bộ ông không nhìn thấy ánh đèn của tôi sao?

Người lạ mặt trả lời chậm rãi:

– Này ông bạn ơi! Ðèn ông bạn đã tắt từ lâu rồi(2)…

Lời bình của Nguyên Si
Chắc hẳn sẽ có kẻ đa sầu đa cảm đọc chuyện này mà động mối thương tâm, trách ta sao lấy sự tàn tật của người đời mà làm trò cười cho thiên hạ. Ta xin gạt nước mắt cho người, và đáp: Luân lý hay phi luân lý đều không có chỗ đứng trong chuyện Thiền. Dĩ nhiên vẫn có những kẻ trình bày hay hiểu chuyện Thiền như những bài học luân lý, lại có kẻ khác rêu rao rằng Thiền là một hệ thống triết lý hoàn toàn phi luân lý, phi đạo đức, phi nhân bản, phi vân vân. Ta thấy thật chẳng khác chi một đằng trói buộc Thiền lại bằng một sợi dây khô cằn, cứng nhắc, một đằng ném tung Thiền lên thượng tầng không gian, để rồi nhào xuống… hố thẳm của tư tưởng. Hơn nữa, chưa thấu được lẽ Không mà đã bài bác tất cả, ta e ngại rằng thái độ đó chẳng là kiêu ngạo lắm thay!

Cho nên vấn đề luân lý hay phi luân lý thường đưa tới cố chấp hay ngạo mạn, cả hai đều trái ngược với tinh thần Thiền vậy.

Chuyện Thiền thường có giá trị biểu tượng, cho nên “mù” ở đây phải hiểu theo một nghĩa rất rộng, chẳng những bao gồm những kẻ không có mắt, mà còn gồm những kẻ “có mắt không ngươi”, những kẻ tuy giác quan đầy đủ, nhưng nhận thức vẫn sai lầm. Nói như vậy thì câu chuyện trên xảy ra mỗi ngày, và ở mọi nơi, chẳng có chi là hiếm lắm thay!

Nhận định sai lầm đầu tiên của kẻ mù là khi được người bạn trao cho cây đèn, anh chỉ nghĩ đến một mặt của cái dụng, tức là soi đường cho anh đi. Anh quên rằng cây đèn còn có thể soi sáng anh như soi sáng một đồ vật, để kẻ khác nhìn thấy mà tránh anh. Ôi, chẳng qua là chấp ngã quá mà thôi! Kẻ ngu si luôn luôn coi mình như trung tâm của vũ trụ, như chủ thể của mọi tiếp xúc. Có biết đâu rằng mình cũng chỉ là một sự vật trong thế giới tương quan, một đối tượng cho một chủ thể khác.

Ta chợt nhớ tới mùa hè trong thư viện, thường có những kẻ cởi giày cho mát mẻ đôi chân. Chủ thể được mát mẻ, nhưng có biết đâu rằng đôi chân cũng là một đối tượng gây nhiều “khó khăn” cho những kẻ khác?

Sai lầm thứ nhì của kẻ mù là khi có cây đèn rồi, thì lại chấp chặt vào ý niệm đèn sáng, cho nên quên rằng cây đèn có thể tắt đi. Ôi! Còn gì dễ lu mờ, dễ tắt hơn ngọn đèn đang sáng tỏ? Còn gì tiêu biểu hơn cho tính vô thường của vạn vật, như trong kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Ða, đã có nói:

“Hãy coi thế giới biến ảo này như một ngôi sao mờ dần buổi bình minh, một chiếc bọt trên giòng sông, một ánh chớp trong đám mây hè, một ngọn đèn le lói, một bóng hình, một giấc mộng.”

Lý do của sự chấp thường là thiếu sót hai thái độ thực nghiệm và phương tiện thường được đề cao trong đạo Phật.

Thái độ thực nghiệm tức là tìm cách sống gần sự vật, để cho ý niệm của mình về sự vật phù hợp trong mỗi giây phút với sự vật. Như trong câu chuyện, nếu không nhìn thấy ánh sáng thì anh mù vẫn có thể dùng giác quan khác để biết đèn sáng hay đèn tắt, chẳng hạn như lấy tay đo nhiệt độ của cây đèn. Không có thực nghiệm thì con người sẽ chấp vào một ý niệm của mình, một ý niệm tách rời sự vật.

Thái độ phương tiện nghĩa là hiểu rõ phương tiện, và hiểu rằng phương tiện không phải là chân lý, rằng ngón tay (chỉ mặt trăng) không phải là mặt trăng. Người mù trong câu chuyện không hiểu phương–tiện–đèn là gì, không hiểu chức năng của nó. Ta lại nghĩ đến những kẻ chấp nhận chủ thuyết này nọ, mà không hề thấu hiểu rằng những chủ thuyết đó chỉ là những phương tiện cần phải được ứng dụng tùy theo hoàn cảnh.

Nhưng cái nguy hại nhất của sự mù lòa, ngu dốt, không phải do chính sự ngu dốt này mà do những bộc phát tình cảm từ đó đưa tới. Nghĩ rằng mình mù lòa đưa tới mặc cảm tự ti, sự buồn bã, chua xót, trách đời. Nghĩ rằng mình có ánh đèn che chở đưa tới thái độ ngạo mạn, hung hăng, gây gổ. Ta thấy vậy mà chép miệng than rằng: Ôi! Trên thế giới này, những kẻ trái lý, sai lầm, ngu si, đần độn nhiều lắm thay! Chỉ khác với câu chuyện trên là khi nghe nói “đèn tắt rồi”, người mù liền tỉnh ngộ, trong khi đó nói lên sự thật cho những kẻ “có mắt không ngươi” lại như chế dầu vào lửa, càng làm cho họ thêm hung hăng…

Bàn về thiên hạ mãi rồi, Nguyên Si mới vỗ đầu chợt nhớ tới mình vốn cũng là một phần của thiên hạ. Ôi! Đa tạ đức sinh thành đã đặt tên cho ta là Nguyên Si. Mỗi lần ta tự gọi tên, cũng là một lời tự nhủ: Si ơi là Si! Ngu ơi là ngu… Chân lý thì vô cùng tận mà tâm trí ta thì bé nhỏ vô cùng. Chẳng khác chi kẻ mù với một cây đèn đã tắt.

Thế rồi, từ khiêm tốn ta đi tới buồn lo, lo mãi rồi thì đi kiếm sách đọc, kiếm sách đọc thì gặp một bài thơ của Thiền sư Vạn Hạnh, ý nhị vô cùng:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Tạm dịch là:

Sự vật như bóng chớp, có rồi lại không

Cây cối vào xuân thì tươi, đến thu lại khô

Mặc kệ thịnh suy xoay vần, không lo sợ gì

Thịnh suy chỉ như hạt sương trên đầu ngọn cỏ.

Ôi! Sự vật như bóng chớp, như hạt sương, như bèo bọt. Có không hay thịnh suy chỉ là hai trạng thái của một sự vật biến chuyển, hai trạng thái do tâm ta phân biệt mà thôi.

Có chi mà lo sợ buồn rầu, có chi mà kiêu ngạo hung hăng?

Phải rồi! Anh bạn mù ơi, độc giả mù ơi! Ðừng có lôi thôi nữa.

Hãy tắt đèn trên câu chuyện này đi, mà ra giòng sông nhìn bọt nước vỡ tan, ra cánh đồng nhìn hạt sương bốc theo làn gió ấm.

Những tiếng meo

Phỏng theo Taisen Deshimaru

Ngày xưa, có một gã samurai đi câu bên bờ suối, câu mãi mới được một con cá. Gã sửa soạn đem đi nướng ăn ngon lành, thì bỗng nhiên từ trong bụi rậm vụt ra một con mèo, cuỗm lấy cá, chạy đi. Gã nổi xung, tuốt kiếm đuổi theo và chặt con mèo ra làm hai đoạn. Cơn giận tiêu tan, gã đâm ra ăn năn, hối hận. Bởi vì gã vốn là một người Phật tử.

Trên con đường về, gã nghe như gió thổi trong cành lá tiếng “meo”. Mỗi bước đi của gã dường như vang lên tiếng “meo”. Những người qua lại trên đường nói chuyện lao xao với những tiếng “meo”. Bạn bè cũng giễu cợt gã bằng tiếng “meo”. Ngay cả trong ánh mắt những đứa con gã cũng phản chiếu tiếng “meo”. Mỗi lần chợp mắt là gã mơ thấy “meo”. Tỉnh dậy, chung quanh gã tất cả là “meo”. Chính gã cũng trở thành “meo”…

Cuối cùng, mất ăn mất ngủ, gã samurai thân hình tiều tụy chỉ còn là cái xác không hồn. Gã tìm đến một ngôi chùa, gặp một vị thiền sư già, và xin ngài giúp đỡ:

– Bạch sư phụ, xin sư phụ cứu vớt con… Con không thể nào chịu đựng được nữa…

Nghe kể lại sự tình xong, vị thiền sư thở dài, cau mày quở trách:

– Làm sao một võ sĩ như ngươi có thể hèn mạt đến như vậy được? Nếu không thắng được những tiếng “meo” kia, thì ngươi chỉ còn có một cách là tự sát. Không còn con đường nào khác hơn, là tự làm hara–kiri(3), ngay bây giờ và tại đây! Nhưng vì lòng từ bi, ta sẽ không để ngươi đau đớn, bằng cách chém phăng đầu ngay, sau khi ngươi bắt đầu tự mổ bụng.

Gã cúi đầu lạy tạ, tuy trong lòng vô cùng kinh sợ cái chết.

Sau khi sửa soạn nghi lễ xong, gã ngồi xuống, vạch áo, hai tay cầm chiếc dao hướng vào bụng mình. Vị thiền sư đứng sau gã, giơ cao kiếm. “Bắt đầu đi!”, ông ra lệnh.

Gã samurai từ từ đặt lưỡi dao vào bụng mình, mồ hôi nhỏ giọt. Ngay lúc đó, vị thiền sư lên tiếng:

– Còn nghe thấy tiếng “meo” không?

– Chao ôi! Không… Thật lúc này con không nghe thấy gì hết!

– Vậy, nếu không còn tiếng “meo” thì không cần phải chết …

Lời bình của Nguyên Si
Câu chuyện trên đây làm Nguyên Si tôi tưởng nhớ tới một câu chuyện đã đăng trong báo Gió Nội cách đây khoảng vài ba chục năm…

“Có một anh chàng bị bệnh tâm thần, cứ tưởng mình là một hạt thóc, nhìn thấy con gà nào cũng cuống quít lên chạy trốn. Anh đi chữa bệnh bằng phân tâm học, và sau một thời gian điều trị, tình trạng đã có vẻ khả quan. Khi chia tay bác sĩ, anh nói với một giọng quả quyết: ‘Bác sĩ cứ yên tâm, tôi khỏi bệnh rồi. Tôi là một con người, không phải là một hạt thóc’. Nhưng chỉ vài phút sau, anh hối hả chạy trở về phòng mạch, mặt cắt không còn hột máu. ‘Con gà… con gà nó đuổi tôi’, anh lắp bắp. ‘Sao vậy?’ Người bác sĩ ngạc nhiên. ‘Anh khỏi rồi mà. Anh đâu phải là hạt thóc’. ‘Vâng’, anh chàng buồn bã trả lời. ‘Vẫn biết tôi không phải là hạt thóc, nhưng khốn nỗi con gà nó vẫn tưởng tôi là hạt thóc…’”

Dĩ nhiên, đây không phải là một câu chuyện Thiền, mà là một trường hợp bệnh tâm thần có thể xếp loại vào bệnh hoang tưởng suy diễn (délire d’interprétation), là một loại bệnh khá thông thường. Ngoài những trường hợp nặng như trên, thì còn biết bao nhiêu là trường hợp nhẹ, và phải công nhận rằng giữa người bệnh và không bệnh, ranh giới đôi khi cũng không có gì là rõ rệt…

Nói như vậy thì trong một chừng mực nào đó, chúng ta đều là những kẻ bị ám. Chúng ta đều vừa là nạn nhân của trí tưởng tượng của mình, vừa là tác giả của những vọng tưởng đó. Trong suốt cuộc đời, con người tự tạo nên cho mình bao nhiêu là vọng tưởng, và chính những vọng tưởng đó là nguồn gốc của tâm bệnh, của khổ đau.

Nhưng, bạn sẽ bẻ lại, nếu không có tưởng tượng, thì làm gì còn câu chuyện để nói? Làm gì còn con người, làm gì còn khổ đau, làm gì còn cuộc sống? Bởi vì, nếu “nắng mưa là bệnh của trời”, thì có lẽ “tưởng tượng (chứ không hẳn là tương tư) là bệnh của tôi với người”…

Phải lắm. Ðặc tính của con người là ở đó, ở cái khả năng tạo dựng nên trong tâm thức của mình những gì không có thực, những gì hoàn toàn giả tạo. Thế rồi mình cứ khư khư ôm lấy – hay bị ám ảnh bởi – những điều tưởng tượng đó, và yên trí chúng là sự thực, sống với chúng như là sự thực.

Những “sự thực” tưởng tượng đó không phải chỉ là “tiếng mèo kêu” hay là “người – hạt thóc” trong câu chuyện. Chúng còn mang muôn hình vạn trạng: một hình ảnh chợt hiện trong đầu, một câu nói, một điệu nhạc xưa, một ý nghĩ “phải chi… giá mà… đáng lẽ… biết đâu… tiếc rằng… ngộ nhỡ… hay là… “, một lời phê phán, một dự án… Tất cả những gì gây nên dao động thần trí, bằng cách tạo dựng một tấm màn hỏa mù che đậy thực tại, lôi cuốn con người trong mê sảng, mộng mị, huyễn hoặc, mơ hồ, nhớ thương, tiếc nuối, lo sợ, nghi vấn, v. v…

Muốn thoát ra khỏi sự thống trị gần như thường trực của vọng tưởng, thì chỉ còn có một cách: Sống với thực tại, để nhận chân thực tại, và như vậy hủy bỏ được khổ đau. Ðó chính là mục đích của đạo Phật: diệt khổ bằng con đường giác ngộ.

Xét cho cùng, đạo Phật có tám vạn bốn nghìn pháp môn tựu trung cũng hướng về một điểm, đó là cái huệ bằng cách định cái tâm của mình. Muốn định được cái tâm, thì phải gạt bỏ mọi dấy động phát xuất từ bên trong mình, những vọng tưởng, tạp niệm, thành kiến, suy luận, tính toán, giả thuyết, chấp trước, tất cả những gì làm vẩn đục nhận thức và che dấu thực tại. Mục đích là nhận chân được sự thực “như vậy” (tel quel, ainsité), cái Chân Như không thể nghĩ bàn, mà chỉ nhận chân được bằng trực giác, một khi đã đạt được trí huệ tịnh tịch.

Từ xưa tới nay, các vị thiền sư cũng chỉ dậy một điều cho các thiền sinh: Trở về với thực tại, sống trong giây phút hiện tại. Khi véo mũi, bợp tai, đánh đập, la hét học trò như trong phái Thiền Lâm Tế, người thầy cũng chỉ tìm cách lôi kéo học trò đang mơ màng vọng tưởng trở về với thực tại, và giáng lên một đòn tâm lý làm bừng lên giác ngộ.

Ngày nay, các vị thiền sư cũng chỉ nhắc lại, bằng những từ ngữ mới mẻ hơn (“Thở vào, ta ý thức ta có mặt; thở ra, ta mỉm cười với sự sống trong ta và quanh ta”), những lời dạy của Đức Phật Thích Ca trong Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana) và Niệm Hơi Thở (Anapanasati) (“Với tâm hân hoan, tôi thở vào; với tâm hân hoan, tôi thở ra”). Ðó là tập chánh niệm, tập chú tâm vào mỗi việc làm của mình.

Cũng như khi xưa thiền sư Huệ Hải dậy cái dụng công của mình: “Khi đói thì ăn. Khi mệt thì ngủ”. Nhưng khi ăn chỉ nghĩ tới ăn, khi ngủ chỉ nghĩ tới ngủ, khác với người thường, “khi ăn chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng, khi ngủ chẳng chịu ngủ, tính toán cả ngàn chuyện”.

Người ta cứ quen tự mình gây nên bao nhiêu điều phức tạp. Ngay cả sự thật cũng tìm nó ở đâu đâu, như chạy theo “lông rùa, sừng thỏ”. Trong khi đó, sự thật giản dị vô cùng, nó là như vậy và chỉ là như vậy. Nhưng chính vì giản dị, cho nên mới khó liễu đạt được. Làm sao cho mây tan, thì trăng mới hiện.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button