Chuyên ngành

Để Con Được Ốm

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Uyên Bùi – BS. Trí Đoàn

Download sách Để Con Được Ốm ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH BÀ MẸ – EM BÉ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu của Mẹ

Trong bài thơ “Truyện cổ tích về loài người”, nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết:

Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc

Những lời thơ bay bổng dịu dàng khiến chúng ta nghĩ rằng thế giới làm mẹ thật dễ dàng và luôn mơ về một tương lai tươi sáng. Nhưng thực tế rõ ràng không lãng mạn như thế khi chúng ta có con. Con trẻ sinh ra đã là con trẻ, còn chúng ta phải học để làm cha mẹ. Đó là hành trình vô cùng gian nan, chẳng đơn giản dễ dàng được như trong thơ. Sau những năm tháng đầu đời nuôi con, tôi thấy mình chả khác gì Tôn Ngộ Không phò tá Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, vượt hết cửa ải này đến cửa ải khác, mà cửa ải nào cũng khiến tôi toát mồ hôi hột vì lo lắng, căng thẳng như nhau. Sau khi xông pha qua nhiều thử thách, quay lại mới thấy, mình thật là can đảm lắm thay! Cảm giác như đã luyện đủ “72 phép thần thông” để có thể dời non lấp bể vì con được rồi. Nhưng hồi ấy, tôi chỉ có một ước muốn nhỏ nhoi là giá như có ai đó, hoặc có bí kíp nào đó rơi vào tay mình, để tôi có thể sử dụng lúc cần khi những kinh nghiệm dân gian lưu truyền khắp nẻo, khi những lo lắng trùng trùng bủa vây thì an tâm biết mấy. Nhưng mà tìm hoài không thấy nên tôi đã phải tự bươn chải rất vất vả, may mà gặp được bác sĩ Trí Đoàn nên đời làm mẹ cũng nhờ đó mà sang trang. Thế nên, tôi đã đồng ý khi nhà xuất bản đề nghị tôi cùng bác sĩ Trí Đoàn viết nên “bộ bí kíp” như tôi mong muốn trong giai đoạn “làm mẹ đời đầu” ấy. Và cuốn sách Để con được ốm bạn đang cầm trên tay chính là thành quả sau gần một năm làm việc chăm chỉ của chúng tôi.

Dẫu rằng vẫn còn nhiều thắc mắc, lo lắng của mẹ chưa được đề cập đến, nhưng tôi hy vọng những điều trong cuốn sách này sẽ phần nào đó giúp các mẹ và những-người-sẽ-là-mẹ trở nên tự tin hơn trong việc chăm con, xua tan đi những lo lắng, để mỗi em bé ra đời đều được hưởng sự chăm sóc tốt nhất. Tôi mong, mọi người cũng sẽ mỉm cười được như tôi mỗi khi nghe ai đó chặc lưỡi chê con gầy, sẽ đạt được “công lực” ngồi không mà chờ mỗi khi con bệnh thay vì tìm mọi cách để trị triệu chứng cho con. Để con được ốm(1) chính là đơn giản như thế đấy! Thật khó để có thể thay đổi chỉ trong phút chốc, nhưng tôi hy vọng, những câu chuyện nho nhỏ được kể trong cuốn sách này sẽ giúp các mẹ cảm thấy mình không đơn độc. Bể học là mênh mông, để làm mẹ tốt còn cần nhiều hơn thế nữa, nên chúng ta phải cùng nhau cố gắng nhé, để có thể hạnh phúc tận hưởng mỗi phút giây bên con.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn dành cho bác sĩ Trí Đoàn – “ông Bụt” của tôi; cảm ơn chồng tôi – người đã hiến rất nhiều thời gian để chăm con và ý tưởng cho cuốn sách này; cảm ơn Hoài Anh – biên tập viên chuyên mục Mẹ và Bé của Afamily; cảm ơn chị Nguyễn Minh Phượng, người bạn kiêm độc giả đã cổ vũ tôi nhiệt tình nhất. Cuối cùng, cảm ơn những lời động viên của các bạn khi tôi thấy mình muốn bỏ cuộc nhất.

Có ai đó đã nói: “Being a toddler is difficult, being a parent is worse”. Làm “mẹ siêu nhân” quả là không dễ dàng chút nào!

Lời nói đầu của Bác sĩ

Hôm nay đã là đúng 10 năm tôi làm việc tại phòng khám Victoria Healthcare. Đó là 10 năm trải nghiệm một cách thực hành y khoa gần như khác hẳn với những điều tôi đã được thấy trước đó: thực hành y khoa dựa trên những bằng chứng tốt nhất qua những nghiên cứu có giá trị cùng độ tin cậy cao và thực hành y khoa dựa trên sự thảo luận, giải thích bệnh, phối hợp điều trị giữa bác sĩ-bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân và không lạm dụng thuốc hay xét nghiệm. Tuy nhiên, cách thực hành y khoa như vậy hoàn toàn không dễ dàng chút nào trong thời gian đầu. Nhưng dần dần tôi nhận được những phản hồi tốt từ những bệnh nhân (hay phụ huynh bệnh nhi) của mình. Thế nhưng hầu như ngày nào ngồi tư vấn cho các phụ huynh bệnh nhi, tôi phải cố gắng cung cấp những thông tin y khoa minh bạch và có phần trái ngược với những điều được tư vấn xung quanh, ví dụ như chuyện sử dụng kháng sinh khi nào, chích ngừa vaccine như thế nào cho đủ và kịp thời, v.v. Vì vậy, khi Uyên Bùi (một phụ huynh bệnh nhi của tôi) đề nghị chúng tôi nên cùng viết một cuốn sách cung cấp những thông tin y khoa minh bạch, để tôi “đỡ phải mắc công nhai đi nhai lại những điều đó”, tôi đồng ý ngay. Và cuốn sách bạn cầm trên tay là kết quả của sự hợp tác ấy.

Cuốn sách này không phải là “bách khoa toàn thư” về bệnh ở trẻ em. Nó nên được xem như là sự chia sẻ những thông tin dựa trên những chứng cứ nghiên cứu y khoa được cập nhật trên thế giới nhằm giúp các bậc cha mẹ trang bị một số kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc bé yêu của mình. Y khoa là một môn khoa học thay đổi liên tục dựa trên những bằng chứng nghiên cứu mới. Những điều chúng ta biết về y khoa hôm nay có thể sẽ không còn đúng nữa vào lúc nào đó trong tương lai khi có những bằng chứng nghiên cứu mới được đưa ra. Do đó, tôi luôn cố gắng để những thông tin cung cấp trong cuốn sách này được cập nhật nhất có thể.

Tôi muốn cảm ơn gia đình tôi, những người bạn, những đồng nghiệp và trên hết, những (phụ huynh) bệnh nhi yêu quý của tôi đã cho tôi nguồn động lực để hoàn tất cuốn sách này.

ĐỌC THỬ

Chuyện ở cữ

Phụ nữ chúng ta vốn lãng mạn từ trong máu, thường hay mơ mộng về những điều tươi đẹp. Thế nên khi có bầu, tôi đã tưởng tượng đến ngày lâm bồn, rưng rưng xúc động được ôm con trong tay, tóc tai thẳng thớm, quần áo thơm tho, xung quanh người thân đang cười cười nói nói. Nói chung là một cảnh tượng tuyệt toàn tuyệt mỹ, đẹp đến mức khiến ai làm mẹ cũng sẽ rung động. Nhưng đời vốn không như là mơ, tôi sinh con trong bệnh viện tuyến hai ở quê, phòng bệnh vừa cũ bẩn vừa chật chội, nằm cùng phòng với hai bà mẹ khác, người đến thăm ồn ào suốt từ sáng đến đêm. Tiếng trẻ con khóc đến ong cả đầu, phòng vệ sinh lúc nào cũng ướt nước, đến mức sau bốn ngày tôi đã phải làm áp lực với ba má để ôm con cuốn gói về nhà hòng được yên thân tĩnh dưỡng vết mổ đẻ. Nhưng thử thách này chưa xong, thử thách khác đã tới. Má tôi vì quá thương con yêu cháu nên bao nhiêu bí quyết gia truyền má áp hết lên tôi. Tôi nghe ba chữ “kiêng đụng nước” mà như sét đánh ngang tai, sững sờ không nói nên câu. Má ngày ngày cặm cụi hết nấu nước muối chanh đến quạt than để tôi xông hơi rồi hơ nóng thay vì tắm, tôi tự an ủi bản thân là thật giống hệt đi spa sauna ướt với khô. Đầu thì thôi miễn gội, khiến tôi có cảm giác như “ở bẩn” là đặc quyền của các bà mẹ sau sinh, mùi “bà đẻ” bốc ra chắc trong vòng bán kính 100 mét vẫn còn ngửi thấy. Nhưng ba chữ “kiêng gió máy” mới gọi là thử thách tính can trường của tôi. Trời nóng 38°C nhưng phòng tôi nằm không được bật quạt, cửa sổ luôn phải đóng khép, hai mẹ con chả khác gì Tôn Ngộ Không trong cái lò luyện kim đan. Nếu “con khỉ” nhờ có 72 phép thần thông đánh vỡ cái lò bát quái để chui ra, thì tôi lại phải chịu đựng cái nóng dễ sợ dưới cái nắng hầm hập của mùa hè. Không có phép thuật thì ta dùng phép khóc, ba ngày sau, tôi ôm má khóc rưng rức, khóc tu tu, khóc như thể dời non lấp bể, cuối cùng cũng được cái quạt chĩa thẳng vào tường cho thoáng. Thôi, thế cũng tạm coi là thành công!

Tưởng cuộc đời chỉ thử thách “năng lực” làm mẹ đến thế là thôi, nhưng “khẩu phần bà đẻ” kể ra phải thảm hơn nhiều so với việc kiêng khem tắm gội. Tôi thấy mình như Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, hết kiếp nạn này đến kiếp nạn khác, trùng trùng bủa vây. Những món ăn khô, mặn, không nước trở thành thực đơn được má tôi yêu thích nhằm để tôi “chắc bụng, không bị đi ngoài”. Và cao lương mỹ vị nhất phải kể đến chân giò 36 món “thần thánh” được người đời truyền tụng là vô cùng nhiều sữa. Tôi tự ngẫm cửa ải này không qua không được, nên đành nhắm mắt nhắm mũi vừa ăn vừa khóc hết 52 cái chân giò dù trước đó tôi chỉ cần nhìn thấy móng giò là chạy xa 3 mét. Sau này nghĩ lại, cứ có cảm giác mỗi ngày đều ngốn hết một con heo.

Cuối cùng thì tôi cũng “thành tinh” trong lò luyện tạo làm mẹ sau một tháng dài ròng rã, dường như cuộc đời từ nay sẽ luôn tươi mới, không còn gì có thể làm mình cảm thấy trở ngại được nữa. Thật là vô cùng khoan khoái! Nhưng khoan khoái chưa được bao lâu, tự soi mình vào gương xong hốt hoảng nhìn thấy cái bụng phều phệu mỡ. Ôi, không! Nhan sắc của tôi kêu lên thống thiết, nhất định phải giảm cân giảm mỡ! Tôi ngay lập tức đi bái vài cao thủ ở môn phái “Google” xin vài tuyệt chiêu danh trấn giang hồ tác dụng ngay lập tức về để luyện tạo. Nào gen bụng, quấn muối gừng, rượu gừng hạ thổ đủ 100 ngày… tôi đã kinh qua hết. Sau một tháng trời chẳng thấy đời có gì đổi thay. Bao nhiêu hy vọng tràn trề, bao nhiêu công sức rang muối giã gừng của tôi đều đổ sông đổ biển. Thôi nghỉ! Tôi quay về với cuộc sống thường ngày không mơ mộng, đổ mồ hôi lên sàn tập và đường chạy bộ cuối cùng mới chạm đến vinh quang.

Ba năm sau, tôi đi thăm bạn nằm viện sinh con, thấy bạn cũng đang ngứa ngáy khó chịu khắp cả người trong căn phòng máy lạnh dùng để “sưởi”, ngồi ăn món “chân giò truyền kỳ” mà mắt dõi xa xăm. Tôi “trông người mà ngẫm đến ta” thành ra lại thấy thất kinh cả hồn. Để giúp các bà mẹ thoát khỏi “kiếp nạn” này, tôi đành đi gặp “cao nhân” (tức bác sĩ Đoàn) để “phá giải” những truyền thuyết được lưu truyền lại nay không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Để chúng ta có thể ăn ngon, ngủ khỏe, tắm sạch sẽ và tận hưởng niềm vui bên cạnh con thay vì “chui vào lò luyện tạo khủng khiếp” như tôi ngày trước.

Ở Việt Nam lưu truyền rất nhiều “truyền thuyết” liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Nhiều “truyền thuyết” trong số đó khiến cho bà mẹ sau sinh phải chịu việc kiêng khem quá mức về mặt vệ sinh thân thể lẫn các vấn đề về ăn uống dinh dưỡng. Điều này không chỉ trực tiếp gây ảnh hưởng về mặt tâm lý – sức khỏe của bà mẹ, mà đồng thời còn ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ.

“Truyền thuyết” kiêng tắm, gội, nằm quạt

Những “truyền thuyết” cho rằng bà mẹ sau sinh mà tắm rửa, gội đầu hay nằm ở nơi gió lùa sẽ khiến bị run tay, yếu người, dễ bị lạnh về già là phản khoa học. Bởi trong quá trình sinh nở, mẹ ra mồ hôi, dính bụi bặm, cộng thêm sản dịch sau sinh sẽ khiến cho cơ thể mẹ rất bẩn và ngứa. Nếu mẹ không tắm mà chỉ lau người, thì rất dễ bị những bệnh ngoài da, có thể lây bệnh cho em bé mới sinh. Còn theo quy luật lão hóa, khi người ta già đi, não sẽ bị thoái hóa khiến tay chân bị run, người yếu hơn. Và bất cứ ai cũng sẽ bị như thế! Còn những bệnh như cảm lạnh, sốt hay thương hàn… đều là do lây nhiễm vi khuẩn.

Mẹ cũng không nên xông hơi thay cho tắm rửa bình thường bởi xông hơi khiến cơ thể bị nóng, đổ mồ hôi, rất ngứa ngáy, khó chịu, mẹ dễ bị nổi rôm sảy. Rồi lại quay về cái vòng luẩn quẩn người mẹ bẩn thì dễ lây bệnh cho trẻ. Do đó, mẹ cần được tắm rửa càng sớm càng tốt ngay sau sinh để cơ thể sạch sẽ, thoải mái tinh thần. Như thế, sữa cũng dễ “về” hơn. Mẹ cũng nên tiếp xúc và cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau sinh vì điều này sẽ giúp cơ thể mẹ tạo sữa.

“Truyền thuyết” về nằm than

Hiện nay các bà mẹ ở thành thị đã không còn duy trì thói quen này, nhưng ở quê, do có sự can thiệp từ bà nội/ ngoại nên nhiều người vẫn còn sử dụng việc “nằm than”. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và bé.

Thông thường người thân sợ gió lùa khiến mẹ sau sinh dễ bệnh nên hay cho ở trong phòng kín. Nằm than trong một căn phòng kín sẽ khiến không khí khó lưu thông. Than cháy đủ ôxy sản sinh ra CO2 nhưng khi cháy không đủ sẽ sản sinh ra khí CO – đây là loại khí rất độc. Khí này có liên kết cực kỳ mạnh với chất hemoglobin (huyết sắc tố), gấp 200 lần so với liên kết của hemoglobin với ôxy và CO2. Do đó, khi cơ thể hít vào khí CO, thì CO sẽ gắn chặt vào hemoglobin và chiếm chỗ của ôxy lẫn CO2, khiến cho việc vận chuyển ôxy đi nuôi cơ thể bị ảnh hưởng (giảm). Do đó, dù có đủ máu thì người hít phải khí CO này dễ bị thiếu ôxy máu do không đủ lượng hemoglobin. Mẹ có lượng máu nhiều hơn nên có thể bị ngộ độc nhẹ hơn (biểu hiện qua cảm giác mệt mỏi), nhưng bé sơ sinh có lượng máu ít nên sẽ bị rất nặng, bé có thể bị lơ mơ, hôn mê hay co giật. Nghĩa là vấn nạn nằm than sẽ gây ra ngộ độc khí CO cho trẻ sơ sinh và có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

“Truyền thuyết” về “nút lỗ tai” và ủ ấm

Việc “nút lỗ tai” để chống bị ù tai hay mang tất, mặc đồ kín để ủ ấm cho mẹ sau sinh là không cần thiết. Việc sinh nở không gây ảnh hưởng đến vấn đề nghe của người mẹ. Cũng như tay chân lạnh là chuyện bình thường, nó không gây ra bệnh ở mẹ, đối với trẻ cũng thế. Tuy nhiên, ở trong tiết trời lạnh mùa đông xứ Bắc thì nên giữ ấm (đối với bất cứ ai), còn ở những vùng miền khác có nhiệt độ bình thường hay nóng như Sài Gòn thì không nên ủ ấm.

“Truyền thuyết” ngồi nhiều đau lưng

Về già ai cũng bị đau lưng bởi các khớp bị thoái hóa, còn việc ngồi nhiều sau sinh không khiến người mẹ bị đau lưng. Việc hạn chế vận động vì sợ ảnh hưởng đến vết mổ hay vết cắt tầng sinh môn cũng không nên bởi vận động mới giúp máu lưu thông nhiều đến vết thương, giúp mau làm lành vết thương. Nếu người mẹ bị đau sau sinh thì người thân nên hỗ trợ, khuyến khích người mẹ thường xuyên đứng lên, ngồi xuống và đi lại xung quanh giường càng sớm càng tốt.

Những mẹ sinh thường có thể tập những bài tập nhẹ như đi bộ hay thực hiện các bài tập thái cực quyền hoặc bài tập dưỡng sinh. Đối với các mẹ sinh mổ, sau khi vết thương lành thì có thể tập thể dục trở lại để giúp máu lưu thông tốt hơn.

“Truyền thuyết” quấn bụng giảm cân

Hiện nay, nhiều mẹ vẫn truyền tay nhau bí quyết giúp giảm bụng sau sinh như quấn gen, thoa rượu gừng hay quấn muối bụng… Thực ra, các cách này không hề giúp ích trong việc làm tan mỡ. Muốn tan mỡ thì bà mẹ phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn lượng calories nạp vào, do đó, để lấy lại vóc dáng mẹ nên tập thể dục kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Sau sinh bụng mẹ thường to, đến sau 6 tháng, tử cung sẽ co lại như kích thước trước khi sinh và những thay đổi nội tiết sẽ giúp cơ thể người mẹ trở lại như trước.

“Truyền thuyết” về ăn uống

“Truyền thuyết” mẹ chỉ nên ăn đồ khô, đồ mặn, chỉ ăn chân giò để “chắc bụng”, nhiều sữa là không đúng. Mẹ sau sinh nên ăn uống bình thường theo khẩu vị và sở thích của bản thân, thức ăn ngon và sạch, đảm bảo vệ sinh đều có thể ăn được. Mẹ nên uống nhiều nước để giúp tạo sữa và có thể uống thêm sữa.

Có một số đồ ăn mẹ nên tránh như các loại gia vị: tỏi, hành, tiêu, ớt,… vì các loại thức ăn này có thể tiết mùi qua mồ hôi, mà tuyến sữa cũng được xem như một tuyến mồ hôi, nên nếu những mùi này tiết qua sữa có thể khiến trẻ cảm thấy không thích hoặc không chấp nhận. Mẹ cũng không nên uống cà phê hay các loại đồ uống có cồn bởi các chất này tiết qua sữa sẽ khiến cho trẻ bị bứt rứt.

Nhiều người vẫn tin rằng mẹ ăn “đồ tanh” khiến trẻ bị đi ngoài, điều này cũng không đúng. Trong ngành thực phẩm không có khái niệm “đồ tanh”. Nếu mẹ ăn món gì đó, sau đó bị tiêu chảy là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc quá trình chế biến đồ ăn khiến thực phẩm bị nhiễm bẩn. Ví dụ như để thức ăn chín chung với thức ăn sống thì dễ bị nhiễm khuẩn khi không được xử lý đúng cách. Mẹ bị tiêu chảy nghĩa là cơ thể của mẹ đã thải siêu vi, vi khuẩn bằng cách đi tiêu ra ngoài. Những siêu vi, vi khuẩn này không thể xâm nhập qua máu để đi vào sữa, do đó, sữa mẹ là hoàn toàn sạch, trẻ bú vào không bị tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu đầu vú mẹ bị bẩn, trẻ bú trực tiếp dễ bị nhiễm khuẩn và bị tiêu chảy. Hoặc nếu mẹ bị tiêu chảy mà không vệ sinh tay sạch sẽ, thì mầm bệnh có thể lây vào trẻ, khi đó, trẻ cũng bị tiêu chảy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button