Chuyên ngành

Dạy Con Kiểu Do Thái: Sự May Mắn Của Cái Đầu Gối Bị Trầy Xước

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : TS. Wendy Mogel

Download sách Dạy Con Kiểu Do Thái: Sự May Mắn Của Cái Đầu Gối Bị Trầy Xước ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Nuôi dạy con

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Tôi đã đánh mất niềm tin và tìm được niềm tin mới

Tôi từng có 15 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn tâm lý trẻ em và tôi rất yêu thích công việc này. Từ ô cửa sổ văn phòng trên tầng 7, theo hướng bắc sẽ thấy Hollywood Hills(1) và theo hướng tây là Beverly Hills(2). Các gia đình đến văn phòng tư vấn đều sinh sống tại những khu vực lân cận. Phần lớn thời gian tôi tiến hành kiểm tra tâm lý và thực hiện liệu pháp tâm lý với trẻ em. Cũng giống như những người bước vào nghề chữa bệnh, tôi rất hài lòng khi tìm ra căn nguyên của vấn đề, sau đó hướng dẫn cha mẹ và trẻ cách khắc phục.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như các gia đình đến gặp tôi đều có cuộc sống lý tưởng. Cha mẹ tận tâm nuôi dưỡng những đứa con thành đạt, vui vẻ, tâm lý ổn định. Họ tham dự tất cả các trận thi đấu bóng đá của con. Họ sẽ hét thật to: “Đội Green Hornets ơi, tấn công đi!” để cổ vũ cả đội, thay vì chỉ cổ vũ cho con trai mình. Phụ huynh tham dự các buổi hội thảo ở trường và họ chú ý lắng nghe. Họ tích cực tham gia các hoạt động của con. Họ thuộc lòng tên tuổi và cá tính nổi bật nhất của ba người bạn thân thiết nhất của con. Nếu con bị điểm kém, cha mẹ sẵn sàng thuê ngay gia sư hoặc nhà trị liệu giáo dục.

10 năm trước, tôi bắt đầu cảm thấy có sai sót cơ bản trong việc nuôi dạy trẻ. Tôi nhận thấy khuôn mẫu kỳ quặc trong hoạt động kiểm tra, tôi bất mãn lắm. Tôi quá quen đối mặt với những nỗi khốn khổ về tâm lý ở mọi cấp độ, từ những đứa trẻ có tâm lý cực kỳ bất thường đến những đứa trẻ có vẻ hơi hơi ảo não. Tôi thường phải báo tin buồn phiền và đầy thất vọng cho các phụ huynh. Tôi thường phải nói: “Mặc dù Jeremy thuộc rất nhiều ca khúc trên truyền hình và có vẻ sáng dạ, lanh lợi, nhưng chỉ số IQ của bé thấp hơn hẳn mức bình thường và bé cần phải tham gia khóa học đặc biệt.” Hoặc là: “Max rửa tay nhiều đến vậy không phải vì bé kỹ tính đâu. Hành vi này của bé là triệu chứng của chứng rối loạn xung lực ám ảnh và triệu chứng này được thấy trong các bài kiểm tra tâm lý mà tôi giao cho bé.”

Tôi vẫn nghĩ đó là những ngày “báo tin xấu” và tôi không bao giờ mong ngóng đến ngày đó. Nghe báo cáo của tôi, phụ huynh thường tỏ vẻ phản kháng. Cũng dễ hiểu thôi vì tình yêu thương mãnh liệt và nỗi lo sợ khủng khiếp, đa số các cha mẹ sẽ phủ nhận và đó là tấm chắn khó có thể xuyên thủng. Nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều đón nhận thách thức, quyết xử lý vấn đề của trẻ bằng lòng thương cảm và sự tận tâm.

Thật may mắn vì hồi đó cũng có rất nhiều ngày “tin tốt,” khi tôi thông báo với cha mẹ trẻ rằng vấn đề của trẻ nằm trong giới hạn bình thường, nghĩa là trẻ có thái độ, tâm trạng và hành vi có thể chấp nhận đối với độ tuổi nhất định. Lòng dạ tôi nhẹ nhõm khi thông báo thông điệp an ủi, rằng chỉ đơn giản vì trẻ đang trải qua giai đoạn khó khăn và rằng tâm lý chung của trẻ hoàn toàn lành mạnh.

Tôi bắt đầu nhận thấy một xu hướng vô cùng kỳ lạ: một số cha mẹ được báo “tin tốt” không hoan nghênh tin tốt của tôi. Họ thất vọng thay vì cảm thấy nhẹ nhõm. Nếu như không có bất ổn, nếu như không có sự chẩn đoán, không có rối loạn, vậy thì trẻ không thể ổn định được. “Con tôi đang sa sút!” các bậc phu huynh lo âu phàn nàn như vậy. Và tôi cũng đồng tình với họ. Con cái của những người cha người mẹ cao thượng này đang phát triển không bình thường.

Trong cả ngày dài, một số trẻ gặp phải nhiều khó khăn. Buổi sáng, trẻ kêu ca này nọ. “Con đau bụng… Con không muốn đi học vì Sophie từng là bạn thân nhất của con, và giờ bạn ấy vẫn thế… Huấn luyện viên Stanley bất công lắm. Thầy ấy muốn bọn con chạy quá nhiều chặng đường.” Sau khi tan học, trẻ lại phải đối mặt với trận chiến xem khi nào và ai sẽ hoàn thành bài tập về nhà, hoặc những nhu cầu mong muốn không có điểm dừng: “Bạn nào lớp con cũng có giày đế bằng… Các bạn đều được xem phim PG-13(3) hết… Bố mẹ các bạn cũng cho các bạn ấy xỏ lỗ tai… Các bạn ai cũng được nhiều tiền tiêu vặt hơn con.”

Còn tại bàn ăn là cuộc xung đột về món ăn vốn đã được nấu xong xuôi và liệu trẻ có hứng thú ăn hay không. Đến giờ ngủ, trẻ càng kêu ca nhiều hơn nữa: “Con chỉ xem một chương trình nữa thôi mà… Tai con bị đau… Chân tay con đau lắm… Con sợ ngủ tắt đèn lắm.” Khi cha mẹ cố gắng giải thích (“Con phải đi học bởi vì… Con cần phải ăn tối vì… Con phải đi ngủ vì…”) thì trẻ bỗng nhiên trở thành các luật sư nhí, sẵn sàng đưa ra luận cứ để đáp trả mỗi lời giải thích đó.

Có vẻ như các vấn đề điển hình này rất bình thường, là đặc trưng của mối bất đồng bình thường giữa con trẻ và cha mẹ. Nhưng những tình tiết mà phụ huynh mô tả với tôi không hề bình thường chút nào. Những rắc rối thường ngày cứ kéo dài dai dẳng và chỉ tạm ngưng trong một vài tình huống nhất định. Các chi tiết được gắn kết như sau: nếu trẻ cảm thấy được bảo vệ trước các mối nguy hiểm, hoặc trẻ an tâm trước áp lực phải tỏ ra có trách nhiệm, hoặc được tạo đủ hào hứng để có thật nhiều điều thú vị để làm, trẻ sẽ nguôi giận, có tinh thần hợp tác, vui vẻ và lễ phép. Nhưng hiếm hoi lắm mới có những khoảnh khắc như thế. Phần lớn thời gian cha mẹ và trẻ đều vô cùng khổ sở và tuyệt vọng.

Một trẻ trong số những trẻ này ở ngoài đường biên của “giới hạn bình thường.” Tôi vẫn thường được đề nghị xử lý các ca bệnh tè dầm ra giường, táo bón, điểm kém của các trẻ có chỉ số IQ cao, hoặc trẻ gặp các khó khăn nghiêm trọng trong việc kết bạn và duy trì tình bạn. Nhưng các trẻ này không nằm trong danh mục các ca “tin xấu”. Dường như không trẻ nào phải trải qua bất kì liệu pháp bệnh học tâm lý thực sự nào. Thay vào đó, tất cả mọi người – từ trẻ đến cha mẹ – dường nhưcó rất ít thời gian vui vẻ bên nhau.

Tôi đánh mất niềm tin

Tôi được đào tạo để tin vào tâm lý học, vào liệu pháp “chữa bệnh bằng lời nói.” Tôi được dạy để hỗ trợ về mặt tâm lý nhưng không được chỉ trích phê bình, nhưng càng ngày tôi càng có nhiều phán xét hơn. Tôi thấy sự bất ổn nhưng không thể đưa vấn đề đó vào sách hướng dẫn chữa bệnh. Khi làm việc với trẻ, tôi bắt đầu cảm thấy mình là bảo mẫu được-trả-lương-cao. Khi làm việc với cha mẹ của trẻ, tôi có cảm giác như mình đang kê đơn thuốc Tylenol(4) cho bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp tính. Khi cần đến sự giám sát và hướng dẫn, tôi tham khảo ý kiến của hai thầy thuốc lâm sàng kỳ cựu có những quan điểm mà tôi vô cùng kính trọng. Tôi quay trở lại với liệu pháp chữa bệnh, để xem mình có chút phản kháng vô ý thức nào trong việc hiểu rõ khách hàng và con cái của họ không. Vẫn không hiệu quả. Khi mô tả những đứa trẻ với tâm trạng bồn chồn đó, tâm trí tôi vẫn xuất hiện các từ ngữ cũ kĩ: hay dỗi, ương bướng, cứng đầu, tham lam, nhút nhát, hờ hững, hống hách. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu các vấn đề này có thuộc phạm trù bệnh nào khác chứng bệnh mà tôi đang cân nhắc hay không, hay liệu có phải chỉ riêng tâm lý liệu pháp khó lòng chữa khỏi các vấn đề này không – các vấn đề về tính cách. Tôi thất bại với chính chương trình đào tạo của mình.

Lời than vãn của người mẹ thời hiện đại

37 tuổi, tôi bắt đầu tìm kiếm phương pháp tư vấn khác. Trong 10 năm làm việc, tôi dành phần lớn thời gian để tìm ra triết lý mới của việc nuôi nấng con cái và tận dụng tốt điều đó, và xét theo đúng nghĩa về nội tại và bên ngoài, cuộc sống của tôi rất giống với cuộc sống của các gia đình mà tôi tham vấn. Giống như họ, tôi cũng cảm thấy gánh nặng trên vai. Vợ chồng tôi có hai cô con gái nhỏ, và mặc dù gia đình tôi cũng thuê người giúp việc nhưng chúng tôi vẫn phải tự mình đảm trách phần lớn việc chăm sóc con. Khi các con lớn hơn, tôi quyết phải tham gia tất cả các tình tiết dù là nhỏ bé nhất trong cuộc sống của con: tự làm bánh sandwich tươi và tự nấu ăn cho con, hướng dẫn con tắm táp, giám sát con làm bài tập về nhà, lập kế hoạch vui chơi giải trí và sáng nào cũng vẫy tay tạm biệt con giống y như Harriet Nelson(5). Cũng giống như rất nhiều bà mẹ mà tôi tư vấn, tôi cũng muốn trở thành một người mẹ tích-cực, và cũng như họ, tôi có rất nhiều hoài bão khác. Tôi muốn tiếp tục công việc chuyên môn, có sức khỏe, được đi xem phim, được chăm sóc vườn tược, mỗi tuần đọc tối thiểu một tạp chí chuyên ngành và một cuốn sách, ngày nào cũng đọc báo, đứng đầu các tổ chức hoặc ban ngành tại trường học của con, nướng bánh… và học thổi kèn saxophone.

Đương nhiên là tôi cũng muốn các con được tạo mọi cơ hội để thành công. Vì vậy, cùng với việc phải làm bài tập ở trường, bài tập ở nhà, các buổi đi chơi đã được lên lịch sẵn, mỗi tuần một buổi, từng bé lại được đi học nhạc và thi thoảng còn có gia sư đến tận nhà kèm cặp nếu bé bị điểm kém. Mỗi cuộc hẹn được ghi sẵn trong hai quyển lịch – một quyển lịch đại treo trong bếp và sổ hẹn của tôi. Đứa nào cũng có lịch kín mít học và chơi.

Hàng ngày, tôi dậy lúc 6:15 để chuẩn bị bữa trưa và tiễn con lên xe đến trường. Hầu hết mỗi sáng tôi đều đến phòng tập thể dục hoặc đi bộ nhanh với bạn, sau đó đi làm. 4 giờ chiều, khi các con về nhà thì tôi đã kiệt sức, và đến 10 giờ tối, tôi ở trong trạng thái bị thôi miên. Việc này không nằm trong kế hoạch – tôi muốn dành thời gian buổi tối ở bên chồng, xem phim, làm tình, hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện về những chuyện bên ngoài gia đình. Tối nào tôi cũng thề là tối mai sẽ thức khuya với anh, nhưng tối hôm sau tôi lại giống anh hai vợ chồng mệt mỏi ngủ lăn ra sau một ngày dài nhiều việc.

Dù mệt lả nhưng tôi ngủ không ngon. Tôi thường tỉnh dậy giữa đêm, nhìn đồng hồ và thấy những con số không mấy thiện cảm như 1:25 hoặc 3:30 sáng. Mỗi ngày đều không có đủ thời gian cho tất cả các mối lo lắng của tôi, vì vậy chúng ùa đến trong giấc mơ. Tôi vẫn thường chào đón các cơ hội này để tự ngẫm lại mọi chuyện. Nhưng thông thường, tôi dành thời gian để tổ chức cả trăm nhiệm vụ chuyển động vốn sẽ lấp kín cả ngày sắp tới: Cô giáo Susanna gửi về gia đình tờ giấy nhắn có ghi “mai mang lõi cuộn giấy vệ sinh.” Tôi thì nghĩ món đồ này khác với lõi cuộn giấy vệ sinh. Chắc chỉ là lõi cuộn thôi. Tôi có nên tháo giấy của cuộn giấy trong bếp ra và đặt chồng giấy thừa sang bên cạnh, hay tôi nên đưa con đi học mà không mang theo lõi cuộn giấy vệ sinh, và khiến con có nguy cơ bị đứng ngoài hoạt động nghệ thuật nào đó?

Khi đêm đến, mối lo lắng lớn nhất của tôi là tuổi tác. Tôi sinh Susanna khi 35 tuổi và 39 tuổi mới sinh Emma, tôi không thể nào ngưng toan tính về tương lai… Khi Emma 21 tuổi, tôi sẽ 60 tuổi. Nếu trẻ hơn, liệu tôi có nhiều năng lượng hơn dành cho bọn trẻ hay không? Tôi sẽ bao nhiêu tuổi khi các con xây dựng gia đình? Có lẽ nào là 70 tuổi ư? Lúc đó liệu tôi có còn sống trên đời này không? Bạn bè tôi sẽ khó lòng sống thọ đến khi các cháu nội ngoại kết hôn. Chúng tôi phải làm sao đây?

Một lời mời

Vào thời điểm đó, tôi không bao giờ có thể hình dung ra điều này, nhưng những lời răn của Do Thái giáo đã làm dịu mối hoài nghi và lo lắng trong tôi. Điều này không diễn ra một sớm một chiều, mà mất nhiều năm, nhiều tháng tôi mới phát hiện ra các ưu tiên và giá trị có thể làm nguôi nỗi sợ hãi của bản thân, giúp tôi có cái nhìn lạc quan về tương lai.

Sự việc diễn ra không lâu sau cuộc tham vấn thất bại của tôi với hai thầy thuốc lâm sàng kỳ cựu. Tôi quyết định cho rằng thêm nhiều liệu pháp nữa cũng không giúp gì được cho mình và tôi tạm thời từ bỏ công cuộc tìm kiếm hướng đi mới. Tôi giảm bớt thời gian làm việc để có thêm thời gian ở bên Susanna, lúc đó con bé mới 2 tuổi, rất thích khám phá thế giới. Trong một buổi đi chơi, tôi nhận lời cô bạn Melanie là sẽ cùng cô tham dự buổi lễ Rosh Hashanah(6) tại thánh đường Reform gần Bel Air(7). Chắc cũng hay ho, tôi thầm nghĩ vậy. Tôi và Susanna đều ưa thích các sự kiện văn hóa. Tuần trước, tại công viên, mẹ con tôi có khoảng thời gian tuyệt vời trong lễ hội khiêu vũ quốc tế. Bây giờ chúng tôi sẽ có cơ hội được xem những người Do Thái tại miền Tây Los Angeles tổ chức ngày lễ tôn giáo cổ xưa. Chắc chắn lúc đó tôi không hề mong đợi buổi đi chơi này sẽ thay đổi cuộc đời mình.

Tôi được nuôi dạy (bởi cha mẹ cũng theo đạo Do Thái) mà biết rất ít ỏi về truyền thống Do Thái, đến mức đôi lúc tôi còn nghĩ mình là kẻ cải đạo. 8 tuổi, tôi biết rõ sự khác biệt giữa loài trai nhỏ và loài trai non thường được ăn sống, giữa món súp sò khoai tây của Manhattan và New England. Kiến thức của tôi về cá nonkosher(8) vượt xa kiến thức về Ngũ thư. Thủa ấu thơ, mỗi năm các nghi lễ Do Thái của gia đình tôi chỉ kéo dài đúng 5 giờ đồng hồ: cầu nguyện thắp nến Hanukkah(9) (5 phút để thắp nến, nhân với 8 buổi tối), cộng với bữa tiệc Seder(10) 4-tiếng được tổ chức tại nhà dì Florrie. Năm nào cha tôi cũng một mình tham dự các buổi lễ trong mùa lễ Rosh Hashanah và Yom Kippur(11) tại giáo xứ làng bên và gia đình tôi không phải là thành viên của giáo xứ đó.

Mặc dù tôi gần như không biết mấy về Do Thái giáo nhưng tôi biết mình không ưa các rabbi(12). Một số rabbi mà tôi từng nghe có lối giảng đạo khoa trương, rề rà. Có lẽ họ tưởng mọi người trong giáo đoàn đều chậm hiểu. Họ coi chúng tôi là nạn nhân và cảnh báo chúng tôi phải luôn cảnh giác trước khoảnh khắc không thể tránh được khi “con sư tử của những kẻ có tư tưởng phản Do Thái gầm rú.” Không hề có cuộc trò chuyện về Chúa, hay về nơi con người ta đi đến sau khi rời cõi trần, hay tại sao bọn người xấu vẫn ngang nhiên sinh sống, hoặc giả vô số thứ khác mà một đứa trẻ 11 tuổi như tôi thường hay băn khoăn đến.

Nhưng buổi chiều hôm đó, trong Thánh đường Leo Baeck đặt tại Los Angeles, không giống với những thành kiến từ thời thơ ấu của tôi. Sue Elwell, rabbi hôm đó, là một phụ nữ ưa nhìn, tóc ngắn, không trang điểm, có lối trò chuyện giản dị đến mức tôi phải giật mình. Rabbi đứng rất gần với giáo đoàn, thay vì đứng trên bục. Đồng hành cùng cô là một chàng trai trẻ chơi đàn ghi-ta. Khung cảnh đó thú vị lắm, vậy mà tôi lại bật khóc. Vốn không phải người dễ khóc nên tôi lại càng lúng túng. Có gì đó trong tôi đã được lay động, nhưng tôi không biết rõ đó là gì.

Vào ngày lễ Yom Kippur, Melanine, tôi và hai con gái trở lại giáo đường để làm lễ cho trẻ em. Hôm đó Susanna không đóng tã nên tè ra đùi tôi, khiến tôi ngồi trong thánh đường với một bên đùi ướt nhẹp, mặt mũi tôi tèm nhem vì khóc nhiều hơn cả hôm trước. Lúc này, tôi cảm thấy rằng có lẽ tôi đang tiến đến một thứ gì đó rất ý nghĩa. Tôi chợt nghĩ ra một bài kiểm tra khắt khe về những cảm xúc do-giáo-đường-khơi-dậy: tối thứ Sáu, tôi sẽ tự mình dự buổi lễ dành cho người lớn tại Giáo đường Israel của Hollywood – giáo đường này gần nhà tôi.

Tôi không biết về các giai điệu, và cũng không biết những lời cầu nguyện. Rabbi tên là Daniel Swartz, 29 tuổi, và thầy được ban chức sau khi rời bỏ nghề là một nhà địa chất. Thầy Daniel đeo cà – vạt nơ, rất sôi nổi và thầy cũng có thái độ vui vẻ – ôn hòa giống như Sue Elwell.

Tôi thích khung cảnh thân thiện này đến mức sáng hôm sau tôi quyết định tham dự buổi lễ giảng đạo của thầy Daniel. Thầy đọc một đoạn trong Kinh Thánh, đoạn Xuất hành 28 mô tả phẩm phục của Thượng Tế Aaron:

Áo choàng được dệt bằng tay từ chất liệu len màu ngọc lam. Viền áo là những quả lựu được làm bằng chỉ xanh, tía và đỏ tươi, vải lanh bện và dệt tinh tế. Họ còn đúc những quả chuông bằng vàng nguyên chất và đính chuông vào giữa các quả lựu quanh viền áo choàng… Vương miện làm bằng vàng nguyên chất được đính thêm một đoạn vải có khắc câu đề tặng: “Holy to the Lord.” Họ gắn thêm vào đó một sợi dây màu xanh để cố định tấm khăn bên trên – đúng như Chúa giao sứ mệnh cho nhà tiên tri Do Thái.

Khác những đoạn mô tả trong Kinh Thánh với những câu chuyện về trẻ con, tôi cảm động trước quyền năng và vẻ đẹp nên thơ của hình ảnh này. Nhưng còn một thứ hơn thế nữa – đó chính là một bài thuyết giáo. Rabbi Daniel giải thích rằng bigdei kodesh, tức là phẩm phục của Thượng Tế, nhằm giúp nâng cao vị thế của Thượng Tế, tạo cho họ vị thế đặc biệt và danh dự, và nhằm phân biệt các vị này với những người khác. Sau đó, rabbi trò chuyện về chi phí và lợi ích của thường phục trong văn hóa miền nam California. “Ở đây người lớn và trẻ em đều ăn mặc giống nhau, họ đều chuộng phong cách ăn mặc thoải mái trong hầu hết các buổi lễ,” thầy chỉ ra vấn đề. “Mặc dù cũng thật hay khi chúng ta không còn cảm thấy phải có nghĩa vụ ăn diện để phô bày địa vị của mình, và chúng ta có thể ăn mặc thoải mái, nhưng sự không trang trọng cũng có nhược điểm. Ngôi nhà của Chúa khác với một chiếc ô tô chật ních người hay siêu thị đông đúc. Mặc quần jeanvà đi giày chạy đến thánh đường có thể là một sự cản trở, ảnh hưởng đến cảm giác tôn kính và siêu linh.” Và thầy đưa ra một lời đề nghị cụ thể: thầy đề nghị giáo đoàn ăn mặc chỉnh trang hơn một chút khi tham dự các buổi lễ.

Tôi nghĩ ngay đến Becky và Jeff, cặp vợ chồng mà tôi tư vấn hồi tuần trước. Trông họ sầu khổ, mặc dù không thuộc nhóm các gia đình là khách hàng quen của tôi. Họ đều thành công trong công viên và vui vẻ ở công sở (người vợ là cộng sự của một hãng luật, còn chồng là cán bộ gây quỹ) nhưng càng ngày họ càng khổ sở hơn ở nhà. Họ tin vào việc giúp đỡ cậu con trai nhỏ và cô con gái học cách bày tỏ quan điểm cá nhân, và họ nỗ lực hết mình để đảm bảo các con hiểu rõ căn nguyên của các quy tắc trong gia đình. Nhưng cô bé Jenna lại có tính hay chỉ trích, luôn cáu giận với cha mẹ và học hành sa sút. Còn cậu bé Nate đã hai lần cắn bạn ở trường mẫu giáo. Cậu bé la hét khi phải rời công viên hoặc rời khỏi nhà bạn. Thói quen đi ngủ của Nate là phải giật hết chăn ga và ném tất cả đồ đạc trong ngăn kéo tủ ra ngoài.

Ở công sở, Becky và Jeff đều là hai nhà lãnh đạo tài ba, nhưng khi ở nhà, càng ngày họ càng có ít quyền uy, ít không gian và ít hành động hơn. Đồ chơi vương vãi khắp nhà, không chỉ trong phòng ngủ của con mà còn bề bộn khắp phòng sinh hoạt gia đình, phòng tắm, phòng bếp, thậm chí trong giường của Jeff và Becky cũng có đồ chơi của bọn trẻ. Trong ngôi nhà của họ, sở thích của con cái nắm thế thượng phong. Không nơi nào là bất khả xâm phạm.

Mặc dù tôi không mong đợi sẽ hiểu thấu đáo về vấn đề chữa bệnh từ một bài thuyết giáo, nhưng quan niệm về bigdei kodesh – sự cần thiết phải củng cố quyền lực hợp lý bằng các kí hiệu hoặc biểu tượng – phù hợp với tình thế mà Becky và Jeff đang phải gồng mình đấu tranh. Khi tôi nói với họ rằng họ cần phải trở thành “Thượng Tế trong thánh đường linh thiêng tại chính ngôi nhà của mình,” họ cười ồ lên, nhưng sau đó, ý tưởng này dần sáng tỏ. Họ nhận ra rằng họ đã quá ân cần và dân chủ với con cái, đến mức trong nhà không còn chút trật tự nào. Hai đứa trẻ chỉ quan tâm đến mong muốn của bản thân, thay vì hướng tới nghĩa vụ. Becky và Jeff bắt đầu tạo thay đổi. Họ tuyên bố phòng ngủ của họ là nơi nghiêm cấm không được ra vào, trừ khi có sự cho phép. Họ dạy các con phải nói: “Vâng, con xin ạ” hoặc “Cám ơn ba mẹ, nhưng con không ăn ạ” khi được cho thứ gì đó. Điều quan trọng hơn cả là họ không quan tâm quá nhiều đến tất cả các vết đau về thể chất và cảm xúc của hai đứa trẻ. Cuộc sống gia đình của họ được cải thiện hơn rất nhiều. Tôi rấtngạc nhiên và hài lòng.

Từng bước, từng bước một

Theo gợi ý của tôi, gia đình tôi bắt đầu đi lễ tại thánh đường mỗi tháng một lần. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng rất nhiều các ông chồng Do Thái không tích cực hành đạo thường hay phản kháng việc tham dự các buổi lễ; đây là vấn đề phổ biến trong nhóm cha mẹ mà tôi giảng dạy. Trong nhiều gia đình, người phụ nữ ưa các hoạt động tâm linh hơn, trong khi các ông chồng thường do dự, lập luận rằng kinh nghiệm từ thời thơ ấu chứng minh rành rành thái độ đạo đức giả của tôn giáo (tôi đã nghe thấy điều này từ các ông chồng theo đạo Công giáo, đạo Tin Lành và cả đạo Do Thái nữa). Giống như các cặp vợ chồng khác, anh Michael và tôi đến với nhau cũng là hôn nhân “sắp đặt” – không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng tình với nhau về các vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo. Nhưng trong trường hợp của chúng tôi, Michael là người muốn gia đình tôi tuân theo tín ngưỡng khắt khe hơn mức tôi có thể hài lòng. Tuy nhiên, 10 năm trước, chúng tôi lại giống nhau ở một điểm: anh được dự lễ thụ giới và được làm lễ kiên tín, nhưng khi trưởng thành cả hai chúng tôi đều không tham gia Do Thái giáo và cả hai chúng tôi đều rất hiếu kỳ.

Tại giáo đường, tôi có cảm giác mình như cá mắc cạn. Tôi không biết tên hoặc hình dạng của aleph, ký tự đầu trong bảng chữ cái Hebrew. Tôi cũng không hay biết đến các nghi thức tế lễ mà tôi vốn nghĩ là được phát âm giống như “burruch ha taw” và sau đó, tôi học được rằng, baruch atah tức là “Phúc lành cho bạn”. Tôi lúng túng với sự thiếu hiểu biết của mình về kỹ năng trong giáo đường và sự kém cỏi của tôi về Do Thái giáo. Nhưng chúng tôi rất kiên trì. Suốt mùa xuân đầu tiên trong năm đầu tiên đi lễ, chúng tôi đến trại cứu tế vào cuối tuần và ở đó lần đầu tiên chúng tôi được tham dự ngày lễ Shabbat, một ngày để nghỉ ngơi và suy ngẫm. Sau đó, mỗi tuần chúng tôi đều đến thánh đường.

Tôi mua một cuộn băng có ghi âm lời kinh và thức khuya ghi nhớ lời cầu nguyện. Tôi cũng tham dự lớp học Ngũ thư và tạo một số thay đổi nho nhỏ tại nhà. Ban đầu, chúng tôi thắp vài ngọn nến vào bữa ăn tối thứ Sáu, lúng túng đọc lời cầu nguyện được chuyển ngữ, nói “Chúc mừng ngày lễ Shabbat” và đi ăn một bữa tôm tại nhà hàng của Thái. Sau đó, chúng tôi bổ sung thêm kiddush (lời khấn nguyện trước bữa ăn của đêm trước lễ Shabbat) và ăn tối tại nhà. Sau khoảng một năm, tối thứ Sáu nào chúng tôi cũng ăn bữa tối Shabbat tại nhà và đọc tất cả những câu kinh truyền thống. Đến giờ ăn, chúng tôi không ăn tôm cua, thịt lợn, thịt nói chung và các sản phẩm làm từ sữa nữa.

Khi bắt đầu bữa tối, chúng tôi kết hợp những lời cầu nguyện với lễ nghi gia đình. Chúng tôi thắp nến tỏ lòng trân trọng với các thành viên trong gia đình mắc bệnh trong tuần đó, hoặc những ai cần đến một lời cầu nguyện do bị đau ở đâu đó. Ví dụ, Susanna nói: “Tối nay con thắp ngọn nến này xin mang phước lành cho bạn Jessica, vì bạn ấy đang bị cúm.” Sau đó, chúng tôi khẽ đọc lời cầu nguyện truyền thống với các con, “Nguyện xin Thiên Chúa soi sáng cho con trong tuần tới.” Chúng tôi đi quanh bàn và lần lượt mô tả sự việc tốt đẹp nhất diễn ra trong tuần và ghi nhớ tin tốt lành của các thành viên. Theo tin tức nghe được, chúng tôi trò chuyện về những khó khăn hoặc về cuộc sống thường nhật khi áp dụng các nguyên tắc trong luật Do Thái. Chúng tôi hát khi kết thúc bữa ăn. Thi thoảng, bữa ăn theo nghi thức và các nghi lễ có vẻ nhàm chán và mang tính vị kỷ, nhưng thông thường đây là những bữa ăn ít vội vàng nhất, là những khoảnh khắc dịu dàng nhất trong tuần, giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn.

Một năm nữa trôi qua và tôi cân nhắc đến việc nghỉ làm một năm. Tôi mong muốn được học Do Thái giáo toàn thời gian và tìm cách kết hợp những điều tôi đã học vào công việc. Đồng nghiệp của tôi, vốn là chuyên gia tâm thần học rất yêu nghề, tỏ vẻ trách cứ: “Đó không phải là công việc,” anh ta nói: “đó là nghề nghiệp. Chị cứ thử nghĩ xem rời bỏ bệnh nhân như thế thì có ý nghĩa gì.”

Lời khuyên của Rabbi Daniel rất cứng rắn: “Hãy đọc Chương 6 về nhà tiên tri Isaiah(13), khi ngài nhận được lời tiên tri,” thầy thôi thúc tôi trong một lá thư dài. “Về cơ bản, quyền quyết định là của con. Thầy chưa bao giờ chắc chắn về các vấn đề liên quan đến nguyên tắc, nhưng thầy biết chắc hai điều: nếu con tìm hiểu sâu về Do Thái giáo, con sẽ có cơ hội phụng sự cộng đồng người Do Thái và phụng sự Chúa.” Bức thư đó có tác động lớn đối với tôi. Dù vẫn mơ hồ về lời dự đoán của thầy Daniel rằng tôi sẽ phụng sự cộng đồng Do Thái giáo, nhưng lời khuyên của thầy trao cho tôi dũng khí để thôi việc.

Mặc dù thầy Daniel là rabbi tân tiến, nhưng thầy cũng khuyên tôi nên tìm hiểu thêm về những người Do Thái chính thống. Cả đời họ đã quen với bản văn Kinh Thánh và những điều răn, tạo cho họ khả năng giúp người khác làm quen với tư tưởng Do Thái bằng phương thức vô cùng gần gũi, không mang tính học thuật. Tôi mặc frum (lễ phục), ống tay áo dài kín khuỷu tay, váy dài, đội mũ, và tôi học các bản văn khó, các quy tắc tạo ra ngôi nhà Do Thái với các giáo viên người Do Thái chính thống. Ban đầu, tôi dành phần lớn thời gian học hỏi các Hassid(14) và ở họ có sự kết hợp của những đặc điểm khiến tôi ấn tượng: niềm hân hoan trong đức tin và trí tuệ rực sáng. Nhưng khi tôi đến nhà họ dự bữa tối Shabbat, tôi thấy khác lắm. Chỉ nam giới tham gia tranh luận sôi nổi tại bàn ăn – những bà vợ và con gái lui vào một nơi kín đáo. Tôi không thể tạo dựng một ngôi nhà như thế này, và tôi cũng sẽ không hạ thấp phẩm giá con gái mình như thế. Nhưng tôi vẫn tiếp tục học hỏi những người đàn ông, phụ nữ ngoan đạo này, đồng thời cũng học các giáo viên khác biết truyền cảm hứng đến từ những nhánh Do Thái giáo.

Trong năm đó, tôi tiếp thu được rất ít kiến thức về Do Thái giáo, nhất là khi kiến thức đó liên quan đến việc nuôi dạy con. Tôi phát hiện ra rất nhiều cuốn sách cha mẹ của người Do Thái, do các rabbi và giáo viên viết ra. Những cuốn sách đó nêu ra các vấn đề mới mẻ và hấp dẫn tôi: cách giải quyết “vấn đề nan giải tháng 12” (giúp trẻ em Do Thái cưỡng lại sự cám dỗ của Lễ Giáng sinh mà không khiến Hanukkah trở thành kì nghỉ dài vì kì nghỉ này không hướng tới mục đích đó), cách trang trí và hưởng thụ niềm vui thích một chiếc lều tạm, cách trả lời câu hỏi của trẻ về Chúa. Được viết ra nhằm giúp cha mẹ hướng dẫn trẻ xây dựng cá tính Do Thái tích cực trong nền văn hóa đương đại, những cuốn sách này tồn tại song song với xã hội trần tục.

Gần nhà tôi có ba hoặc bốn cửa hàng sách Do Thái của người Do Thái chính thống. Tôi rảo bước vào và thấy những chiếc bàn đầy kín các chồng sách nuôi dạy con mà tôi chưa từng thấy. Tôi vô cùng hồi hộp khi đọc những cuốn sách này. Sách có những hình ảnh sống động về các nguy cơ và sự cám dỗ của thế giới vật chất, ẩn chứa đầy lo âu, khát vọng tình dục quá độ và sự cạnh tranh khốc liệt của thế giới quanh tôi. Sách nêu ra những băn khoăn thường ngày, thực tế khi nuôi dạy con – trẻ nhỏ nên được phép xem truyền hình trong bao lâu, thái độ của trẻ khi giúp đỡ cha mẹ việc nhà, trẻ được phép mặc quần áo ra sao – đến các câu hỏi liên quan đến thần thánh. Các cuốn sách này biết rõ kẻ thù của trẻ và đưa ra các phương pháp bảo vệ trẻ. Sách được viết cẩn thận, rất phù hợp về tâm lý và chứa đựng vốn hiểu biết về Do Thái giáo truyền thống, thể hiện qua những câu chuyện kể của Chúa Giê-su và bài học trong luật Do Thái và thần học. Những cuốn sách nuôi dạy con của người Do Thái chính thống này coi việc tuân thủ nghiêm ngặt là con đường duy nhất để nuôi dạy những đứa trẻ có đạo đức, lành mạnh. Vì vậy, cùng với những lời giảng và vốn hiểu biết sâu sắc về cuộc sống là sự xuất hiện của mehitzah (vách ngăn tách biệt đàn ông và phụ nữ tại điện thờ), cộng với sự phê phán nghiêm khắc và sự kiên định phải ngăn cách khỏi cộng đồng rộng lớn hơn mà tôi và các bệnh nhân đều không sẵn lòng đón nhận. Tôi hoan nghênh phép chẩn đoán, nhưng không hoan nghênh phương thức chữa bệnh.

Tôi bắt đầu tự hỏi liệu tôi có thể trở thành cầu nối hay không. Tâm lý học cung cấp lý thuyết mạnh mẽ để hiểu rõ các vấn đề tâm lý của trẻ, nhưng lý thuyết thay đổi quá thường xuyên, không thể là điểm tựa và chỉ mang tính tạm thời đối với các vấn đề liên quan đến cá tính. Từ các bài học được-thời-gian-chứng-minh với Do Thái giáo, tôi khám phá ra những sự hiểu biết sâu sắc và công cụ thực tế có thể trực tiếp giải quyết các vấn đề về tâm lý và tinh thần. Biết đâu tôi có thể tìm cách đưa những hiểu biết này đến với các gia đình mà tôi tư vấn; biết đâu tôi có thể tích hợp tâm lý học với những lời dạy của Do Thái giáo.

ĐỌC THỬ

Ngũ thư

Không lâu sau khi tôi bắt đầu một năm nghiên cứu về Do Thái giáo, John Rosove, rabbi cao cấp tại thánh đường Israel đề nghị tôi chủ trì một buổi trò chuyện về nuôi nấng con cái vào buổi chiều ngày lễ Yom Kippur tại giáo xứ. Những kiến thức về vấn đề này chợt hé mở trong tôi, và tôi trò chuyện suốt một giờ đồng hồ mà không cần giấy nhớ. Sau buổi trò chuyện, một nhóm những người học Do Thái giáo đề nghị tôi làm giáo viên. Tôi sửng sốt lắm, nhưng cũng hồ hởi đồng ý và cuối cùng, tôi giảng dạy cho nhóm này suốt hai năm. Tôi vẫn thường nghĩ tôi chỉ dạy họ một ngày nữa thôi, nhưng tôi đã thắng nỗi lo sợ bị phát hiện là kẻ lừa gạt câu nói mà Rabbi Daniel từng nói với tôi: “Những ai dù chỉ biết một từ của Ngũ thư cũng đều biết dạy Kinh.” Lớp học trở thành mô hình mẫu cho tất cả các khóa học do tôi tổ chức về phương pháp nuôi dạy con dựa trên giáo lý Do Thái.

Mỗi tuần, nhóm các cha mẹ của tôi thường chọn một ngày lễ sắp tới, một câu chuyện trong Kinh Thánh, hay một lời dạy trong Talmud(15), rồi kết nối với vấn đề nuôi dạy con thời hiện đại. Từ bài giảng, tôi thường trích ra một phương pháp hoặc cách thức xử lý vấn đề. Các thành viên trong lớp học trở về nhà, áp dụng nguyên lý và tuần sau đó sẽ báo cáo kết quả, xem việc nào hiệu quả và chưa hiệu quả. Lớp học dần trở thành các buổi diễn thuyết, và tôi chợt phát hiện mình đang kết nối hai thế giới với nhau. Tôi có hai bộ bài giảng: một bài về sự duy linh và nuôi dạy con cái của người Do Thái, được tôi giảng tại các trường đạo và giáo xứ; và một bài giảng tương tự với đôi chút tham khảo Do Thái giáo, được tôi giảng dạy tại trường dòng và nhà thờ.

Các bài giảng và nhóm cha mẹ giúp tôi thấy được nhiều tuýp cha mẹ hơn tôi từng thấy trong thời gian hành nghề. Thay vì tập trung vào các vấn đề cụ thể của mỗi trẻ, lúc này tôi nghe thấy các vấn đề chung chung hơn. Rất nhiều cha mẹ nói với tôi rằng họ cảm thấy chơi vơi sau mỗi từ Mẹ và Con. Họ thấy mình đang nuôi dạy con trong một thế giới thay đổi nhanh đến chóng mặt, và thế giới đó rất khác với thế giới mà họ sinh trưởng. Không có truyền thống để họ tuân theo, cũng không có cộng đồng để họ gia nhập. Các ban hội trong trường của con, dù rất gắn bó và cảm thông, cũng không tương xứng với vị thế là tổ chức đạo đức và tâm linh của gia đình. Các bậc cha mẹ nói với tôi rằng các buổi dạy của tôi đã đáp ứng đúng nhu cầu của cha mẹ về hướng dẫn con cái trong những năm học đầu đời, giúp họ biết cách học Do Thái giáo cơ bản mà không phải cam kết “học tôn giáo.” Rất nhiều người tham gia giáo xứ nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu, áp dụng tại nhà.

Tôi chưa bao giờ quay trở lại với nghề tâm lý học như tôi từng làm nghề trước khi bị khủng hoảng niềm tin. Thay vào đó, tôi chuyển từ việc hướng trọng tâm vào chẩn đoán bệnh và chữa bệnh sang phòng bệnh; từ các buổi chữa bệnh riêng sang giảng bài, dạy các khóa học về làm cha mẹ, thảo luận với các bậc cha mẹ và trường học. Tính đến nay, rất nhiều năm trôi qua và tôi đã dạy một khóa học mang tên: “Bài tập về nhà, Thực phẩm, Giờ đi ngủ, Tình dục, Tử thần và Thần thánh: Sự Thông thái của người Do Thái dành cho cha mẹ.” Mục đích của tôi trong khóa học đó – cũng như trong cuốn sách này – là giúp cha mẹ xây dựng triết lý nuôi dạy con dựa trên tâm linh, giúp họ tự giải quyết các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển của con, thay vì phải tìm đến chuyên gia mỗi khi trẻ đi chệch hướng.

Cha mẹ thống khổ, con cái lo âu

Tôi học được gì sau những năm dẫn dắt các nhóm học phương pháp nuôi dạy con? Bí mật bị che giấu trong cộng đồng phong phú mà tôi sinh sống chính là nỗi thống khổ của họ. Không biết chắc chắn cách tìm ra niềm vui và sự đảm bảo trong thế giới phức tạp mà mình được kế thừa, chúng ta cố gắng lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống của con bằng một mớ hỗn độn: các buổi giải trí nhân dịp sinh nhật, các buổi học, phòng đầy ắp đồ chơi và thiết bị, các gia sư và các nhà trị liệu. Nhưng niềm vui vật chất không thể mua được sự yên bình trong trí óc, và tất cả sự thừa thãi đều dẫn đến mối lo âu lớn hơn – cha mẹ sợ con sẽ không thể duy trì phong cách sống tinh tế và sẽ sượt chân khỏi ngọn núi mà cha mẹ dày công xây đắp.

Trong niềm mong đợi háo hức là các con sẽ biết làm điều đúng đắn, cha mẹ không chỉ nuông chiều con về mặt vật chất mà còn làm hư trẻ về mặt cảm xúc. Rất nhiều cha mẹ có những kí ức không vui về tuổi thơ của mình, kí ức về việc không được phép thể hiện cảm xúc hoặc tham gia vào các quyết định. Khi cố gắng tháo gỡ các vấn đề quá khứ, họ đi quá xa theo hướng khác – họ đánh giá quá cao nhu cầu của trẻ đối với việc thể hiện bản thân và biến ngôi nhà thành các tổ chức dân chủ nho nhỏ. Nhưng sự công bằng mà họ duy trì tại nhà không tạo cho trẻ ý thức về lòng tự trọng. Thay vào đó, sự công bằng đó khiến họ lo sợ khi gửi đi thông điệp rằng cha mẹ không hoàn toàn chịu trách nhiệm. Khi người từ chối chính là người cầm quyền, những bậc cha mẹ này không trao quyền cho con cái; thay vào đó, họ khiến trẻ bất an.

Một khía cạnh vô cùng đáng lo của phương pháp nuôi dạy trẻ thời hiện đại là cách thức cha mẹ tôn thờ thành công và cảm xúc của con cái, và họ lơ là nhiệm vụ giúp trẻ có ý thức trách nhiệm với người khác. Tôi đã thấy một ví dụ về việc này tại một trường trung học – nơi tôi giảng bài – khi có một học sinh xấu số qua đời. Một ngày sau thảm kịch đó, những người trưởng thành được sắp xếp ở các vị trí quanh trường để các học sinh có thể giãi bày tâm sự mỗi khi cảm thấy đau khổ. Không hề có mitzvot (hành động thiêng liêng) được thực hiện vì lợi ích của đứa trẻ xấu số kia và cũng không có bài học về trách nhiệm xã hội. Trong cộng đồng tôn giáo, bạn bè của học sinh xấu số kia có thể giúp chuẩn bị và chuyển bữa tối đến cho gia đình cậu, hoặc đón em trai của cậu từ trường về nhà. Trọng tâm của ngôi trường dòng này là giữ cho lòng tự trọng của trẻ không bị tổn hại và tâm trạng của trẻ được vui tươi.

Xu hướng nuôi dạy trẻ hiện nay là bảo vệ trẻ trước những mối lo về cảm xúc hoặc thể chất. Tôi không thể đổ lỗi cho các bậc cha mẹ khi họ khiếp sợ các bản tin tối về xã hội bạo lực, nguy hiểm ngày nay, nhưng rất nhiều trong số họ quá bao bọc con cái. Họ không trao cho con cơ hội học cách tự thân vận động khi bước ra khỏi cổng trường hoặc cổng nhà. Cha mẹ không chỉ lo sợ bạo lực; họ còn được cảnh báo về thứ mà họ cho là một tương lai mù mịt. Với mong muốn chuẩn bị cho con về lãnh địa vẫn chưa được biết đến này, họ cố gắng trang bị cho con vô số kĩ năng, bằng cách cho con học thật nhiều và gây áp lực cho con phải ganh đua và vượt trội.

Trong môi trường nhạy cảm này, trẻ nhận được rất nhiều sự quan tâm và đồ vật phong phú, nhưng trẻ cũng phải trả giá mới có được. Trẻ nhanh chóng học được rằng mình không được thể hiện quá nhiều nỗi buồn, cảm giác tức giận hoặc thất vọng. Trẻ phải giỏi mọi thứ, luôn luôn tươi cười, bởi trẻ chính là sự biểu trưng cho thành công của cha mẹ.

Tôi tin rằng rất nhiều trong số các vấn đề của trẻ mà tôi tư vấn đều xuất phát từ hai nguồn: áp lực nặng nề trong thế giới cạnh tranh và sự công nhận vô thức về tầm quan trọng phi thường của chúng đối với cha mẹ. Tôi vẫn nhớ những lời phàn nàn thường xuyên của trẻ, những mối lo lắng về xã hội, sự yếu kém trong học tập và các vấn đề về khả năng tập trung tại trường. Đâu là cách tốt hơn để trẻ chống lại những kì vọng phi thực tế của cha mẹ: giành lại đôi chút kiểm soát và kiên quyết không chịu bị tôn thờ như một thần tượng, hay là tỏ ra chán ngấy hoặc không nổi bật?

Các nguyên lý về sự điều độ, tán dương và thánh hóa

Thông qua việc nghiên cứu và thực hành đạo Do Thái, tôi học được rằng các cha mẹ mà tôi tư vấn đã rơi vào cạm bẫy được tạo ra ngoài mục đích tốt đẹp của mình. Quyết tâm trao cho con mọi thứ con cần để trở thành “người chiến thắng” trong thế giới cạnh tranh cao độ này, họ bỏ lỡ món quà linh thiêng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta: quyền lực và sự thiêng liêng của khoảnh khắc hiện tại và của cá nhân mỗi trẻ.

Do Thái giáo có quan điểm khác biệt về việc nuôi dạy con. Bằng cách thánh hóa các khía cạnh trần tục nhất của hiện tại, đạo giáo này dạy cho chúng ta biết rằng sự vĩ đại không chỉ nằm trong thành tựu vinh quang trọng đại, mà còn nằm trong những hành động, nỗ lực nhỏ bé thường ngày của chúng ta. Do Thái giáo cho chúng ta biết rằng chúng ta không cần phải bị nuốt chửng trong thế giới vật chất, không thể kiểm soát này – chúng ta có thể nắm lấy những thứ giá trị của thế giới đó mà không bị hủy hoại.

Ba nguyên lý nền tảng trong cuộc sống của người Do Thái là sự điều độ, tán dương và thánh hóa. Thông qua các nguyên lý này, chúng ta có thể có một cuộc sống cân bằng, bất kể chúng ta cư ngụ ở đâu. Phương pháp của người Do Thái là liên tục tìm tòi, học hỏi, đặt câu hỏi và giảng dạy các nguyên lý này. Bằng cách áp dụng các nguyên lý vào cuộc sống gia đình, chồng, các con và tôi đã tìm thấy sợi dây gắn kết tình cảm và nghĩa lý trong thế giới hay thay đổi ngày nay. Trong suốt thời gian hành nghề chuyên môn, tôi đã thấy rất nhiều gia đình thay đổi hoàn toàn nhờ quan điểm mới mẻ này về các vấn đề trong cuộc sống.

Nguyên lý của sự điều độ dạy chúng ta cùng lúc thực hiện hai việc có vẻ tối kỵ với nhau: nhiệt tình đón nhận thế giới vật chất mà Thiên Chúa tạo ra – “Và Thiên Chúa thấy rằng điều đó là tốt” – trong khi vẫn thi hành tính kỷ luật tự giác. Do Thái giáo làm rõ quan điểm thích đáng của chúng ta về sự cam kết với thế giới. Chúng ta không tranh đua với các loài động vật – bởi chúng hành động theo bản năng; với những kẻ ngoại giáo – bởi họ tôn thờ thiên nhiên và các ý nghĩa vì lợi ích của bản thân; các thiên thần – bởi thiên thần không đấu tranh với niềm khát khao; hay với người tu khổ hạnh – bởi họ tránh xa những niềm vui thú trần tục. Thiên Chúa chủ tâm tạo ra chúng ta với khát vọng mãnh liệt và sự tự nguyện. Chúng ta toàn quyền sử dụng thứ tài sản này với mục đích tốt hoặc xấu.

Sự điều độ dẫn đến nguyên lý thứ hai, chính là sự tán dương. Chúng ta có nghĩa vụ đón nhận quà tặng của Thiên Chúa một cách điều độ, nhưng cũng phải nồng nhiệt; nói cách khác, chúng ta có bổn phận phải trao lời cảm ơn và tán dương. Việc tán dương này có thể diễn ra dưới cả trăm hình thức: nghi thức tế lễ Do Thái bao gồm cầu nguyện trước khi ăn, khi thấy cầu vồng, khi có quần áo mới, khi thoát nạn trong gang tấc, khi có ngày nghỉ, khi lần đầu tiên làm việc gì đó, và ngay cả khi xảy ra động đất (lời cầu nguyện cuối cùng này có thể được tạm dịch thành “Ôi, Thiên Chúa ơi, Ngài là đấng quyền năng sống!”) Nguyên lý về sự tán dương dễ dàng được thực hiện nhờ chu kì liên tục, quanh năm của các ngày lễ lớn nhỏ.

Quan niểm của Do Thái giáo về sự tán dương được thể hiện sinh động trong một câu chuyện do Rabbi Sampson Raphael Hirsch của nước Đức vào thế kỉ XIX kể lại: Một rabbi nói với giáo đoàn của ngài rằng ngài có kế hoạch du ngoạn đến Phần Lan. “Tại sao lại là Phần Lan?” các tín hữu hỏi ngài. “Ở đó hầu như không có người Do Thái”. “Lí do nào khiến ngài phải đi xa đến vậy?” Rabbi trả lời: “Ta không muốn gặp Đức Chúa Trời và để Người phải nói với ta rằng, ‘Sao cơ? Con chưa bao giờ nhìn thấy dãy Anpơ(16)của ta sao?’”

Tán dương và lòng biết ơn là ý tưởng chủ chốt trong Do Thái giáo và trong phương pháp nuôi dạy con của người Do Thái. Chúng ta được lệnh phải canh chừng mọi cơ hội để tỏ ra biết ơn vì sự giàu có của thế giới và vì vận may tốt đẹp của mình, bất kể thế giới hay vận may đó là gì. Thông qua những lời cầu nguyện, lễ nghi và danh sách các vị thánh thiêng liêng, Do Thái giáo trao cho các gia đình vô số phương thức thực hành và giảng dạy về niềm vui và lòng biết ơn.

Sự thánh hóa, nguyên lý thứ ba, là quy trình thừa nhận sự thiêng liêng trong các sự kiện, hành động hàng ngày. Vì thánh đường thứ hai tại Jerusalem(17) bị phá hủy năm 70 C.E, thánh đường linh thiêng nhất này không chỉ trở thành giáo đường mà còn là mái nhà của tất cả chúng ta. Lối biểu đạt truyền thống của Do Thái giáo về mái nhà giống với từ ngữ mô tả ngôi nhà thần thánh: mikdash me’ at, hay còn gọi là “thánh địa nhỏ.” Bàn ăn với con trẻ chính là án thờ. Nó có thể trở thành nơi linh thiêng nhất trên hành tinh.

Theo truyền thống Do Thái, có những quy tắc được tạo ra nhằm giúp chúng ta thánh hóa các hoạt động thường nhật, từ cách thức ta đối xử với người bạn đời cho đến cách đối đãi với con cái, trợ giúp việc nhà, thậm chí là cách cư xử với vật nuôi. Có những quy tắc dành cho việc quở trách, tán dương, chào nhau buổi sáng và trước khi đi ngủ, bởi theo truyền thống Do Thái, mỗi hoạt động này đều mang tính thần thánh.

Nuôi dạy con

Theo lời dạy trong Ngũ thư Kinh Thánh, mục đích của việc sinh con đẻ cái không phải là tạo cơ hội cho vinh quang của chúng ta hay của con trẻ. Mục đích sinh con và nuôi dạy con trở thành người tự lực, biết yêu thương và có đạo đức là nhằm đảm bảo sẽ luôn có người ca ngợi Thiên Chúa sau khi chúng ta rời cõi trần. Vậy nên trước nhất, các quy tắc nuôi dạy con không chỉ nhằm giúp trẻ cảm thấy tốt đẹp, mà còn nhằm biến trẻ thành người tốt.

Kinh Torah, Talmud và các bài viết của các nhà tư tưởng Do Thái thông thái suốt những thế kỉ qua cung cấp vốn hiểu biết vô giá, giúp cha mẹ thực hiện nhiệm vụ lớn lao là nuôi dạy con. Tôi đã nỗ lực chắt lọc vốn hiểu biết này dưới dạng thức giúp các cha mẹ đương thời thấy hứng thú với lý thuyết và hiệu quả trong các hoạt động thường ngày. Mỗi chương sau đây đều tập trung vào một khía cạnh nuôi dạy con mà các nhà tư tưởng Do Thái cho là vô cùng quan trọng:

  • Chấp nhận rằng con là người độc nhất và cũng là người rất đỗi bình thường.
  • Dạy trẻ kính trọng cha mẹ và tôn trọng những người khác – bao gồm gia đình, bạn bè và cộng đồng.
  • Dạy trẻ trở thành người bền chí, tự lực và dũng cảm.
  • Dạy trẻ cảm thấy biết ơn vì hạnh phúc của mình.
  • Dạy trẻ giá trị của lao động.
  • Dạy trẻ biết cách biến bàn ăn thành ban thờ – đón nhận thức ăn với thái độ điều độ, tán dương và thánh hóa.
  • Dạy trẻ chấp nhận các quy tắc và biết tự chủ.
  • Dạy trẻ về sự quý báu của thời khắc hiện tại.
  • Dạy trẻ về Thiên Chúa.

Đây là bản kế hoạch chi tiết mà các bậc cha mẹ Do Thái đã tuân theo suốt 3.000 năm, và tôi tin rằng nó vẫn sẽ đem lại hiệu quả trong mọi kỉ nguyên, mọi thành phố, mọi nhà.

Hãy tự mình tìm lối đi riêng

Một yếu tố đẹp đẽ của Do Thái giáo chính là lòng khoan dung, được thể hiện trong câu nói cổ xưa: “Thiên Chúa không đưa ra đòi hỏi thừa thãi với các sinh vật của Người.” Thiên Chúa không đòi hỏi ở các tín hữu nhiều hơn mức họ có thể cho đi, nhưng chúng ta được yêu cầu hãy cố gắng trao thứ gì đó. Trong cuốn Ethics of the fathers (Đạo đức của Cha) (bộ sưu tầm những câu châm ngôn có từ trước thế kỉ đầu tiên), Rabbi Tarfon dạy rằng: “Con không có trách nhiệm phải hoàn thành công việc [hoàn thiện thế giới] nhưng con cũng không thể ngưng làm việc đó.”

Kinh Torah hiểu rằng tất cả chúng ta đến với thế giới này và đến với Thiên Chúa một cách khác biệt. Trong sách Xuất hành(18), phần tham khảo được hướng tới “các anh em” – cụm từ này được sử dụng để mô tả tất cả những người mà Moses – nhà tiên tri Do Thái – đã dẫn dắt qua Biển Đỏ và đến với Miền đất Hứa. Họ bao gồm mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội Ai Cập, với nền tảng vô cùng khác nhau. Đôi khi, tất cả chúng ta đều cần những điều khác biệt từ Chúa, và Chúa cũng kì vọng vào những điều khác biệt ở mỗi chúng ta.

Tôi tiếp tục gặp khó khăn với mọi khía cạnh của Do Thái giáo – với thuyết thần học, lễ nghi và cộng đồng. Tôi dần tránh xa những gì gần giống với niềm tin tuyệt đối, mặc dù tôi chưa từng hoài nghi rằng có một sự thật được đúc kết trong tôn giáo và sự thật đó có thể được coi là sự công nhận – rằng vũ trụ được tạo ra kia trao cho chúng ta cả ý nghĩa và bổn phận. Nhưng vấn đề về niềm tin tuyệt đối với Chúa không làm giảm sự tận tâm của tôi, bởi trong Do Thái giáo, sự khó khăn vất vả song hành với thuyết thần học. Hãy nhìn Moses(19) xem – ngài đã dành cả đời để thảo luận sôi nổi với Chúa! Cũng như chúng ta không bao giờ được cho là sẽ ngừng học hỏi Kinh Torah, chúng ta cũng không bao giờ được cho là sẽ ngừng chất vấn Kinh. Với tinh thần đó, cuốn sách của tôi có thể được coi là triết lý nuôi dạy con hoặc là sách khai tâm về Do Thái giáo. Các bậc cha mẹ – dù thuộc nhóm Tân tiến, nhóm người Do Thái chính thống, người Do Thái hoặc không phải người Do Thái – đều có thể hưởng lợi từ vốn hiểu biết sâu sắc của các rabbi và các học giả – tôi đã khai thác các ý tưởng của họ để viết lên cuốn sách này.

Ngay cả sau khi học hỏi các nguyên tắc Do Thái về cuộc sống và sửng sốt trước vốn hiểu biết về tâm lý và phán đoán theo kinh nghiệm của các bậc hiền nhân, tôi cũng không hoàn toàn thoát khỏi mối nguy của việc nuôi dạy con ngày nay. Tôi vẫn chưa thể giải phóng bản thân khỏi những kỳ vọng lớn lao về các con, hoặc nuông chiều con thái quá và lập kế hoạch thái quá cho con, nhưng tôi đã tiến được vài bước ra khỏi lãnh địa ganh đua, áp lực và mối lo lắng vốn khiến tôi ngẫm nghĩ đêm đêm. Tôi không còn lo lắng về tuổi tác của mình như trước nữa, bởi các con là một phần trong cộng đồng vững chắc và di động. Tôi hi vọng chúng sẽ gây dựng được mối quan hệ thiết thực với Chúa, giúp củng cố mối quan hệ của chúng với cha mẹ nơi cửu tuyền. Khi đối mặt với các vấn đề nan giải về đạo đức, chúng sẽ có sẵn khung tham khảo để đánh giá cái đúng cái sai và ý thức về quyền năng mạnh hơn từ những người mà chúng phải chịu trách nhiệm giải thích. Vào một buổi tối thứ Sáu đơn độc tại trường đại học, chúng sẽ tìm được thứ mà chúng đã lớn lên cùng từ khi còn ở nhà – sự ấm áp từ những ngọn nến trong bữa tối Shabbat tại ký túc, những bài hát và lời cầu nguyện quen thuộc. Chúng tôi đang trao cho con một truyền thống mà chúng có thể truyền lại cho các thế hệ sau.

Cuốn sách này không phải là công thức dành cho việc nuôi dạy con không-có-sai-sót. Đây là một thấu kính, là một cách nhìn khác về thế giới, cuộc sống và gia đình. Do Thái giáo đã trao cho gia đình tôi những khoảnh khắc gần gũi và hòa thuận ngoài mong đợi, sự rõ ràng về những khó khăn mang tính đạo đức, ý thức về sự thần thánh của mọi hoạt động thường nhật. Nó dẫn dắt tôi – với tư cách là một người mẹ – sâu sắc hơn mọi lối suy nghĩ mà tôi từng khám phá và tôi hi vọng nó cũng sẽ giúp bạn cảm thấy như vậy.

Có một câu hỏi đúc kết mọi điều tôi học được từ sức mạnh của những lời dạy Do Thái giáo, để đưa đường chỉ lối cho mọi thế hệ chúng ta. Đó là câu hỏi mà các rabbi thường hỏi các cô bé cậu bé học sinh:

Đâu là thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử Do Thái?

Trao Ngũ thư Kinh Thánh ở Sinai(20) đúng không ạ?

Không.

Khi rời bỏ Biển Đỏ(21) phải không ạ?

Không. Là lúc này. Đây là khoảnh khắc quan trọng nhất trong lịch sử Do Thái


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button